Chủ đề “Bài tập tính giá thành sản phẩm” – Phần 3: “Tính giá thành theo phương pháp hệ số”
Tiếp theo bài Tính giá thành theo phương pháp kết chuyển song song, trong bài này chúng ta sẽ tìm hiểu về dạng thứ 3 của Bài tập Tính giá thành sản phẩm: Tính giá thành theo phương pháp hệ số.
Phần 1. Nguyên lý tính giá thành theo phương pháp hệ số
Tình huống áp dụng:
Trong trường hợp cùng một quy trình công nghệ sản xuất, sử dụng một loại nguyên vật liệu nhưng kết quả sản xuất thu được nhiều loại sản phẩm chính khác nhau.
Nguyên tắc áp dụng
Đại loại là có nhiều loại sản phẩm thì chúng ta sẽ tìm ra cơ sở để quy đổi các sản phẩm khác nhau này thành 1 cơ sở chung để phân bổ chi phí. Cụ thể:
Xác định cho mỗi loại sản phẩm một “Hệ số giá thành” hay còn gọi là “Hệ số quy đổi sản phẩm tiêu chuẩn” để quy đổi các sản phẩm về cùng 1 cơ sở đó là: Sản phẩm tiêu chuẩn. Sản phẩm tiêu chuẩn sẽ có hệ số tiêu chuẩn (Hi) = 1.
Căn cứ vào sản lượng thực tế hoàn thành, sản phẩm dở dang, sản phẩm hỏng của từng loại sản phẩm và hệ số giá thành để quy đổi sản lượng từng loại sản phẩm ra sản lượng tiêu chuẩn (Qtc).
Qtc = Qtt * Hi
Tình huống thường gặp
Với bài dạng này, đề bài thường cho thông tin về 2 loại sản phẩm thu được từ 1 quy trình sản xuất như: chi phí sản xuất phát sinh, số sản phẩm hoàn thành, dở dang, sản phẩm hỏng; và “Hệ số quy đổi về sản phẩm tiêu chuẩn”.
Để giải quyết bài tập theo dạng này, chúng ta cũng thực hiện các bước Ad đã chia sẻ ở bài Nguyên tắc và quy trình tính giá thành sản phẩm với 2 điều chỉnh. Do đề bài đã xác định luôn phương pháp tính giá thành cần áp dụng rồi nên chúng ta không cần thực hiện bước số 3 như thông thường. Mà nhảy luôn đi lập bảng tính giá thành.
- Bước 1. Tập hợp chi phí sản xuất được kết chuyển tính giá thành SX
- Bước 2. Xác định sản phẩm dở dang và chi phí dở dang
- Bước 3: Lập bảng Tính giá thành đơn vị cho sản phẩm tiêu chuẩn
- Bươc 4. Lập bảng Tính giá thành đơn vị và tổng giá thành cho từng loại sản phẩm.
Để hiểu rõ về phương pháp này, chúng ta xét ví dụ dưới đây.
Phần 2. Ví dụ minh hoạ tính giá thành theo phương pháp hệ số
Tình huống [Câu 5 – Đề Lẻ – Năm 2011- Đề thi CPA Môn Kế toán]
Tại doanh nghiệp sản xuất H có quy trình công nghệ sản xuất giản đơn. Quá trình sản xuất thu được 2 loại sản phẩm A và B. Trong tháng 12.N có thông tin sau:
Doanh nghiệp không có sản phẩm dở dang đầu tháng
Số liệu về chi phí sản xuất phát sinh trong tháng:
- Chi phí NVLTT: 1.968.000
- Chi phí NCTT: 208.000
- Chi phí SXC: 156.000
Kết quả sản xuất trong tháng:
- Hoàn thành nhập kho 580 sản phẩm A và 600 sản phẩm B
- Có 200 sản phẩm A và 100 sản phẩm B dở dang cuối kỳ
- Có 8 sản phẩm A và 10 sản phẩm B đang sản xuất dở dang bị hỏng ngoài định mức
Yêu cầu: Tính và lập bảng tính giá thành của từng loại sản phẩm A, B theo từng khoản mục chi phí. Biết rằng hệ số quy đổi về sản phẩm tiêu chuẩn của A là 1 & của B là 1,2. Sản phẩm dở dang và sản phẩm hỏng được đánh giá theo chi phí nguyên vật liệu trực tiếp.
Đáp án
Bước 1. Tập hợp chi phí sản xuất được kết chuyển tính giá thành sản phẩm
1. Chi phí NVLCTT | 1,968,000 |
2. Chi phí NCTT | 208,000 |
3. Chi phí SXC | 156,000 |
Bước 2. Xác định “sản phẩm dở dang” và “chi phí dở dang”
(1) Quy đổi các sản phẩm về sản phẩm tiêu chuẩn:
– Tổng sản phẩm hoàn thành quy đổi về Sản phẩm tiêu chuẩn = 580 *1 + 600 * 1.2 = 1.300
– Tổng Sản phẩm dở dang quy đổi về Sản phẩm tiêu chuẩn = 200* 1 + 100 * 1.2 = 320
– Tổng Sản phẩm Hỏng quy đổi về Sản phẩm tiêu chuẩn = 8 * 1 + 10 * 1.2 = 20
(2) Tính Chi phí sản xuất Sản phẩm dở dang cuối kì của nhóm Sản phẩm
Chi phí SX SPDD cuối kỳ = ( 0 + 1.968.000)*320/(1.300 + 320 + 20) = 384.000
Chi phí SP hỏng = ( 0 + 1.968.000) * 20 / (1.300 + 320 + 20) = 24.000
Chi phí sản xuất của sản phẩm hoàn thành nhập kho: (1,968,000 + 208,000 + 156,000) – 384.000 – 24.000 = 1,924,000
Bước 3. Tính giá thành của tất cả các sản phẩm
Bảng tính giá thành đơn vị của sản phẩm tiêu chuẩn
Khoản mục chi phí | CPSXDD Đầu kỳ | CPSX Phát sinh trong kỳ | CPSXDD Cuối kì | CPSX của Sản phẩm hỏng | Tổng giá thành | Giá thành đơn vị SPTC |
Chi phí NVLCTT | – | 1,968,000 | 384,000 | 24,000 | 1,560,000 | 1200 |
Chi phí NCTT | – | 208,000 | 208,000 | 160 | ||
Chi phí SXC | – | 156,000 | 156,000 | 120 | ||
Tổng cộng | – | 2,332,000 | 384,000 | 24,000 | 1,924,000 | 1,480 |
Bước 4. Tính giá thành của từng sản phẩm
Bảng tính giá thành sản phẩm A (KL: 580 SP)
Khoản mục chi phí | Giá thành đơn vị SPTC | Hệ số giá thành của A | Giá thành đơn vị của A | Tổng giá thành |
Chi phí NVLCTT | 1,200 | 1 | 1,200 | 696,000 |
Chi phí NCTT | 160 | 1 | 160 | 92,800 |
Chi phí SXC | 120 | 1 | 120 | 69,600 |
Tổng cộng | 1,480 | 1,480 | 858,400 |
Bảng tính giá thành sản phẩm B (KL: 600 SP)
Khoản mục chi phí | Tổng giá thành của nhóm | Tổng giá thành SP A | Tổng giá thành của B | Giá thành đơn vị của B |
Chi phí NVLCTT | 1,560,000 | 696,000 | 864,000 | 1,440 |
Chi phí NCTT | 208,000 | 92,800 | 115,200 | 192 |
Chi phí SXC | 156,000 | 69,600 | 86,400 | 144 |
Tổng cộng | 1,924,000 | 858,400 | 1,065,600 | 1,776 |
Vậy là xong. Các bạn luyện thêm về dạng bài tập này để nhuẫn nhuyễn kỹ năng làm bài nhé. Trong bài tiếp theo, mình sẽ giải thích về dạng bài Tính giá thành theo phương pháp Lập báo cáo sản xuất.