Skip to content

CHIA SẺ KINH NGHIỆM HỌC ACCA

Trên mạng có rất nhiều bài chia sẻ về kinh nghiệm học ACCA rồi. Nên mình không nói lại nhiều. Mình chỉ tổng kết đúng 4 kinh nghiệm học ACCA quan trọng nhất mình rút ra được sau khi đã kết thúc hành trình này.

(1) Học để biết và Học để thi là 2 quá trình khác nhau

Tất nhiên dù Học để biết hay Học để thi thì cũng đều là học để có kiến thức vào đầu. Nhưng trong khi Học để biết chỉ nhằm mục tiêu mở mang kiến thức. Thì Học để thi có mục tiêu đầu tiên là VƯỢT QUA KỲ THI. Mục tiêu cuối cùng khác nhau, nên cách thức thực hiện sẽ khác nhau.

Tại sao có nhiều bạn dành rất nhiều thời gian học, và học bình thường trên lớp tốt. Nhưng khi đi thi lại không đạt kết quả cao?

Theo mình, đi thi cũng như chơi game vậy. Để nâng cao hiệu suất thắng, thì phải có chiến lược, phương pháp, mục tiêu rõ ràng. Khi học để thi ACCA, bạn cần xác định rõ mục đích cao nhất là để pass (50%). Từ đó có chiến lược học và ôn thi phù hợp.

(2) Học phải có “trọng tâm”

Học có trọng tâm khác với học tủ. Nếu bạn chưa từng nghe qua nguyên tắc 80-20, thì bạn nên search google. Áp dụng nguyên tắc này vào trong quá trình học ACCA: có thể hiểu là trong nội dung 1 môn học sẽ chỉ có 20%  kiến thức trọng tâm. Như vậy, để đạt mục tiêu “pass” với thời gian ôn thi có hạn. Chúng ta nên tập trung 80% thời gian để nắm thật chắc 20% kiến thức này. 20% thời gian để dành cho 80% kiến thức còn lại.

Nghe có vẻ không thực tế lắm. Nhưng thực tế bản thân mình đã thử nghiệm nguyên lý này và mình phải công nhận là nó đúng. Môn ACCA đầu tiên mình thi. Mình đi học ở trung tâm và đã rất tự tin là học hết sách theo kiểu truyền thống. Nhưng đây là môn có điểm thấp nhất trong 10 môn ACCA của mình.

(3) Học dần dần sẽ tốt hơn học trong 1 vài ngày

Bộ não chúng ta không phải bánh mỳ doraemon. Nên nó cần có thời gian để hấp thụ và làm quen với lượng kiến thức chúng ta nhét vào. Có những vấn đề đọc 1 lần không hiểu, 2 lần không hiểu. Cứ kệ, chuyển sang phần khác đọc. Thời gian sau quay lại đọc, tự nhiên lại hiểu.

(4) Kinh nghiệm học ACCA quan trọng nhất: Ai cũng có thể tự học ACCA. Chỉ cần tin vào bản thân và KIÊN TRÌ!

Mình thấy rất nhiều bạn, và chính bản thân mình cũng thế. Đã quyết định tự học ACCA rồi. Nhưng khi thấy mọi người đi học ôn trung tâm này nọ thì lại thấy sốt ruột. Giống như kiểu khi bạn đã quyết định theo 1 phương pháp học, nhưng thấy mọi người học theo phương pháp khác lại thì lại thấy không yên tâm, không tin tưởng vào phương pháp của mình nữa.

Sự thực là học ACCA hoàn toàn không khó. Nên vấn đề chỉ là bạn phải tin là bạn có thể. Và kiên trì theo chiến lược, kế hoạch bạn đã vạch ra. Tin tưởng vào bản thân mà không hành động gì hoặc học vài hôm đã chán rồi bỏ thì là hoang tưởng bạn nhé.

Hãy luôn áp dụng 4 nguyên tắc này vào hành trình 3 bước tự học ACCA của mình. Bạn sẽ thấy chứng chỉ ACCA hoàn toàn trong tầm tay bạn.

Published inGiai đoạn chuẩn bị

8 Comments

  1. Linh Linh

    Chị ơi, em là sv năm 3. Em học khóa học online F6 cô Cẩm Chi dạy í ạ. Em có đọc luật, thông tư thuế… cô giảng thì em cũng hiểu, nhưng mà có vẻ là em vẫn chưa hiểu hết về thuế. Tiếng anh chuyên ngành em cũng kém nữa, đọc thì hiểu nhưng em k tự viết ra được. Em có xem video của chị trên youtube nữa ạ. Chị có thể cho em một số lời khuyên không ạ? Em cảm ơn chị.

    • Admin Admin

      Hi Linh,
      Em chia sẻ thêm xem “có vẻ là em vẫn chưa hiểu hết về thuế” cụ thể là như nào nhé. Ý kiểu như là tình huống như nào thì em thấy là em không hiểu. Như vậy chị có thể đoán xem vấn đề của em ở đâu để tư vấn được cho em.

      Chia sẻ với em là chị cả học và làm trong lĩnh vực thuế cũng khá lâu rồi nhưng cũng không dám nhận là đã hiểu hết về thuế. Chị cũng nghĩ để pass được F6 thì hiểu bản chất những vấn đề cốt lõi là cũng đã quá đủ rồi em. Không cần quá lo lắng là mình không hiểu hết đâu.

      Về tiếng anh chuyên ngành, không có ai là biết hết ngay cả. Tuy nhiên nếu em thấy em đọc hiểu nhưng không viết ra được thì chị nghĩ khả năng em đang bị rơi vào tình trạng “hiểu đại khái”. Tức là đọc qua nghĩ mình hiểu nhưng không thực sự hiểu cặn kẽ, do đó không ghi nhớ từ vựng vào đầu, nên không viết ra được. Chứ nếu em thực sự biết 1 từ, thì không lẽ gì mà không viết ra được. Thi ACCA không cần giỏi tiêng anh, đủ là được. Đủ ở đây là từ vựng và ngữ pháp cơ bản. Chị nhớ lúc chị làm bài thi ACCA cho cả môn P, cũng không bao giờ dùng quá 3 thì: Hiện tại đơn – quá khứ đơn – hiện tại hoàn thành. 🙂
      Đây cũng chỉ là chị đoán, không chắc có đúng tình trạng của em không. Nếu đúng thì chị nghĩ em có thể cải thiện bằng cách lấy đáp án các dạng bài tập F6 ra, xem người ta sử dụng câu như nào trước mỗi phép tính thì dịch ra và học thuộc thôi. Bởi vì F6 tính toán nhiều nên chị nghĩ việc này không khó chút nào. Chị nghĩ em chỉ cần học xong đáp án của 1 đề F6 theo cách này thì đã cover được đến 70% từ vựng của môn F6 rồi. Thuế mà, quay đi quay lại cũng chỉ có mấy từ hoá đơn, thu nhập chịu thuế, thu nhập tính thuế, thuế suất, thuế phải nộp… thôi.

      Chúc em học tốt nha.

  2. Thảo Thảo

    Em chào chị ạ, chị ơi em mới tìm hiểu về acca nên không rõ lắm về môn F và P ạ , chị có thể giải thích giúp em về lộ trình cũng như các hình thức thi acca được không ạ , lâu h em cứ nghĩ là thi từ f1-f9 là sẽ có acca bây giờ mới biết có thêm P ạ . Khi tự học thì nên học từ môn f1 trở đi hay sao ạ. Em cảm ơn chị

  3. NGÂN NGÂN

    Chị ơi cho em hỏi là học thì phải học đúng trọng tâm. Vậy làm cách nào để mình xác định được trọng tâm của 1 môn nằm ở những phần nào trong cuốn sách ạ?

    • Admin Admin

      Em ơi, ý của câu “học đúng trọng tâm” ở đây nghĩa là “xác định đúng trọng tâm để phân bổ thời gian học phù hợp”, chứ không phải chỉ học mỗi trọng tâm nhé. Vì nếu chỉ học mỗi trọng tâm thì cũng như là học tủ rồi.:D

      Từ kinh nghiệm của chị, cách chị xác định trọng tâm môn học như sau:

      (1) Tìm hiểu tổng quát về môn học để hình dung ra nội dung môn học có thể. Ví dụ, em chuẩn bị học “Performance Management”, thì đầu tiên cần tìm hiểu “Performance Management” là gì trước khi lao vào học, học , học. Lý do vì kiểu gì các nội dung của môn học cũng phải xoay quanh các nội dung chính của khái niệm này. Gạch đầu dòng các nội dung chính này ra nhé.

      (2) Tìm hiểu về đề thi. Nội dung của 1 đề thi kiểu gì cũng sẽ được cấu trúc để bao gồm tương đối các nội dung chính của môn học nhằm đảm bảo kiểm tra thí sinh đã có đủ kiến thức cần thiết của môn học ý. Do vậy, em hãy thống kê lại đề thi các kỳ trước xem cấu trúc đề thi thường đề cập đến các nội dung nào trong số các nội dung chính em đã tìm hiểu được ở (1). Nội dung nào tần suất xuất hiện nhiều thì khả năng là trọng tâm môn học rồi.

      (3) Sau đó, trong quá trình học, em hãy để ý xem có “khái niệm”, “thuật ngữ”, “quy định” … nào được nhắc đi nhắc lại giữa các chương nội dung khác nhau trong sách không? Nếu có thì đó chính là những nội dung quan trọng cần được học thật kỹ vì chúng xâu chuỗi kiến thức trong môn học với nhau. Em hãy bổ sung các nội dung này vào kết quả em xác định ở bước (2)

      Như vậy thì sau khi em học xong cũng đã hoàn thiện được bộ khung nội dung – thuật ngữ cho môn học rồi. Hãy nhớ, các nội dung trong một môn học nó không rời rạc với nhau, mà nó liên kết với nhau. Và nội dung trọng tâm chính là những mắt xích liên kết quan trọng nhất. Nên khi xác định được các mắt xích này thì em sẽ dễ dàng hiểu được các kiến thức “tưởng là rời rạc” trong môn học.

      Khi mới học cách xác định trọng tâm môn học sẽ không quen, và có thể xác định sai. Nhưng đó là điều phải trải qua trước khi thành thạo 1 kỹ năng. Em cố gắng nhé.

  4. Thảo Thảo

    Hi chị, chị ơi em là sv năm 2 em mới tìm hiểu về acca , nếu mình muốn lấy bằng acca thì phải thi hết f1-f9 và các môn p chứ không phải chỉ cần học từ f1-9 là được ạ , tks chị

    • Admin Admin

      Em ơi câu này chị trả lời luôn ở câu trước rồi nhé.

Comments are closed, but trackbacks and pingbacks are open.