Skip to content

Kiến thức cơ bản về PIT – Thuế thu nhập cá nhân [ACCA F6 Taxation]

Sau khi đã nắm được Cách tiếp cận & Học môn F6 Taxation hiệu quả, chúng ta hãy bắt đầu với 1 trong 2 chủ đề quan trọng nhất của môn F6. Đó chính là” PIT – Thuế thu nhập cá nhân. Do chủ đề này rộng nên mình sẽ chia làm nhiều phần nhé. Và bài viết ngày hôm nay sẽ là về Phần 1: Thuế thu nhập cá nhân là gì? Đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân? Tình trạng cư trú là gì? Cách xác định tình trạng cư trú?

1. PIT hay Thuế thu nhập cá nhân là gì?

PIT viết tắt là Personal Income Tax. Nghĩa là Thuế Thu nhập cá nhân.

THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN = “THUẾ + “THU NHẬP” + “CÁ NHÂN”

Thuế: hiểu đơn giản là khoản đóng góp bắt buộc người dân phải nộp cho nhà nước. Nói cách khác, thuế là nguồn thu của chính phủ để duy trì hoạt động chung cho xã hội.

Thu nhập: Loại thuế này sẽ tác động đến hay nói cách khác là được xác định dựa trên “thu nhập” trong “một thời kỳ nhất định” của đối tượng nộp thuế. Dùng từ chuyên ngành gọi là “cơ sở thuế” (“Tax base”) hoặc “đối tượng chịu thuế”.

Cá nhân: Đối tượng phải nộp thuế của loại thuế này là các “Cá nhân”.

Như vậy, tổng kết lại:

“Thuế thu nhập cá nhân là khoản đóng góp bắt buộc của cá nhân cho nhà nước & được xác định dựa trên cơ sở thu nhập của cá nhân đó”

Câu hỏi đặt ra là:

“Cá nhân” nào thuộc “đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân”? Và cá nhân đó sẽ phải nộp thuế thu nhập cá nhân cho những khoản thu nhập nào?

2. Đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân là ai?

Đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân là các cá nhân có thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân theo quy định.

Từ quy định này, chúng ta rút ra được kết luận rằng: “Bất kể bạn là ai, chỉ cần bạn có thu nhập chịu thuế từ Việt nam thì bạn vẫn sẽ là đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân tại Việt Nam.”

  • Người có quốc tịch Việt Nam. Kể cả khi không hiện diện ở Việt Nam vẫn có thể phải nộp thuế thu nhập cá nhân tại Việt Nam
  • Người không mang quốc tịch Việt Nam vẫn có thể phải nộp thuế thu nhập cá nhân tại Việt Nam

Về cơ bản thì đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân được chia làm 2 loại. Dựa vào “tình trạng cư trú” của người nộp thuế.

2.1. Tình trạng cư trú là gì?

Tình trạng cư trú là 1 thuật ngữ được sử dụng trong các văn bản về thuế thu nhập. Tình trạng cư trú của cá nhân được chia làm 2 loại: “Cá nhân cư trú” và “cá nhân không cư trú”.

Thuật ngữ này không liên quan gì đến quốc tịch cả bạn nhé. 1 người là công dân của Việt Nam vẫn có thể là “cá nhân không cư trú” tại Việt Nam cho mục đích thuế. Và 1 người là công dân của Nhật bản nhưng vẫn có thể là “cá nhân cư trú” tại Việt Nam cho mục đích thuế.

2.2. Cách xác định tình trạng cư trú của người nộp thuế?

Việc chúng ta đi xác định tình trạng cư trú của người nộp thuế chính là đi xác định xem người đó là: Cá nhân cư trú hay cá nhân không cư trú trong kỳ tính thuế?

Theo quy định, “Cá nhân cư trú” là người đáp ứng 1 trong 2 điều kiện sau đây:

(1) Hiện diện trên lãnh thổ Việt Nam từ 183 ngày trở lên tính trong một năm dương lịch hoặc trong 12 tháng liên tục kể từ ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam.

(2) Có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam theo 1 trong 2 tình huống: 

  • Có nơi ở thường xuyên theo quy định của pháp luật về cư trú. Công dân việt nam: có đăng ký thường trú & công dân nước ngoài: nơi ở ghi trong Thẻ thường trú/Thẻ tạm trú.
  • Có nhà thuê để ở tại Việt Nam với thời hạn của các hợp đồng thuê từ 183 ngày trở lên trong năm tính thuế

Trường hợp cá nhân có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam nhưng thực tế có mặt tại Việt Nam dưới 183 ngày trong năm tính thuế. Mà cá nhân không chứng minh được là cá nhân cư trú của nước nào thì cá nhân đó là cá nhân cư trú tại Việt Nam.

Việc chứng minh là đối tượng cư trú của nước khác được căn cứ vào Giấy chứng nhận cư trú. Trường hợp cá nhân thuộc nước hoặc vùng lãnh thổ đã ký kết Hiệp định thuế với Việt Nam không có quy định cấp Giấy chứng nhận cư trú thì cá nhân cung cấp bản chụp Hộ chiếu để chứng minh thời gian cư trú.

Lưu ý trong việc xác định số ngày hiện diện ở Việt Nam: Số ngày lưu trú được tính dựa vào thông tin về ngày xuất nhập cảnh trên Hộ chiếu của cá nhân. Ngày đến & ngày đi được tính là 1 ngày.

2.3. Tại sao phải phân chia đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân thành 2 loại?

  • Đối với cá nhân cư trú: thu nhập chịu thuế là thu nhập phát sinh trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam. Không phân biệt nơi trả và nhận thu nhập.
  • Đối với cá nhân không cư trú: thu nhập chịu thuế là thu nhập phát sinh tại Việt Nam. Không phân biệt nơi trả và nhận thu nhập.

Cùng xem 2 ví dụ sau để làm rõ về nội dung trên.

Ví dụ 1. Ông A là người Việt nam nhưng được công ty ở Việt nam cử sang công ty ở Nhật làm việc từ 1.1.2018 đến 31.12.2019. Trong năm 2018, ông A hiện diện ở Việt Nam 60 ngày. Ông A có thẻ thường trú ở Nhật trong 2 năm này. Trong năm 2018, ông A nhận được 2 nguồn thu nhập mỗi tháng:
– Lương cố định 20 triệu/tháng do Công ty ở Việt nam chi trả cho công việc A thực hiện cho công ty
– Lương thay đổi hàng tháng tuỳ thuộc vào hiệu quả công việc A thực hiện ở Nhật do Công ty ở Nhật chi trả

Yêu cầu:
Ông A có phải đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân không?
Xác định tình trạng cư trú của ông A trong năm 2018
Xác định phạm vi thu nhập phải nộp thuế ở Việt Nam (nếu có)?

Trả lời:

(1) Đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân: Ông A nhận lương do Công ty ở Việt nam chi trả trong năm 2018. Nghĩa là A có thu nhập chịu thuế. Do vậy, A là đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân ở Việt Nam trong năm 2018.

2) Tình trạng cư trú trong năm 2018:
– Ông A hiện diện ở lãnh thổ Việt Nam < 183 ngày
– Ông A là công dân Việt Nam nên sẽ có nơi ở thường xuyên ở Việt Nam. Nhưng A có thẻ thường trú tại Nhật. Nghĩa là ông A là cá nhân cư trú ở Nhật trong năm 2018.
Do vậy, ông A sẽ là cá nhân không cư trú ở Việt Nam trong năm 2018.

(3) Phạm vi thu nhập phải nộp thuế: Ông A sẽ phải nộp thuế tính trên thu nhập phát sinh tại Việt Nam (20 tr/tháng do Công ty tại VN chi trả).
Ví dụ 2. Ông B là người Nhật. Và được công ty ở Nhật cử làm Đại diện cho văn phòng đại diện của công ty ở VN. Năm 2018, B ở Việt Nam 190 ngày. Trong 2018, B nhận được 3 nguồn thu nhập sau:
Lương cho công việc làm đại diện ở VN do văn phòng đại diện tại VN trả
Lương cho công việc làm đại diện ở VN do công ty ở Nhật trả
Lương cho công việc tại Nhật do do công ty ở Nhật trả

Yêu cầu: Xác định tình trạng cư trú của ông B và phạm vi thu nhập phải nộp thuế ở Việt Nam

Trả lời:
(1) Đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân: B phát sinh thu nhập chịu thuế ở Việt Nam trong 2018. B là đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân ở VN trong năm 2018.
(2) Tình trạng cư trú trong năm 2018: Ông B hiện diện ở lãnh thổ Việt Nam > 183 ngày. Do vậy, ông B sẽ là cá nhân cư trú ở Việt Nam trong năm 2018.
(3) Phạm vi thu nhập phải nộp thuế: Ông B sẽ phải nộp thuế tính trên toàn bộ thu nhập nhận được trong năm 2018. Không phân biệt công ty ở Nhật hay VN chi trả. Tức là cả 3 nguồn thu nhập tình huống đề cập.

Cũng tình huống này nhưng nếu ông B ở Việt Nam là cá nhân không cư trú trong năm 2018. Khi đó, ông B sẽ chỉ phải nộp thuế cho “thu nhập phát sinh từ Việt Nam”. Đó là 2 nguồn thu nhập đầu tiên: lương nhận được cho công việc tại Việt Nam và Lương cho công việc làm đại diện ở VN do công ty ở Nhật trả.

Vậy là xong. Hy vọng sau bài viết này các bạn đã có trả lời được các câu hỏi:

  • Thuế thu nhập cá nhân là gì? Đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân là ai?
  • Tình trạng cư trú là gì? Cách xác định tình trạng cư trú?
  • Sự khác biệt giữa phạm vi tính thuế của cá nhân cư trú & cá nhân không cư trú?

Trong bài viết tiếp theo, mình sẽ làm rõ về 4 bước tính thuế Thu nhập cá nhân. Các bạn theo dõi nhé.

XEM VIDEO 1
Published inF6 Taxation

8 Comments

  1. Hong Anh Hong Anh

    Ad ơi em hỏi xíu là nếu như vd 1 ấy ạ, về việc xác định CÁ NHÂN CƯ TRÚ
    xét dk1: <183 ngày loại, cái này oke ạ
    xét dk2: có nơi ở thường xuyên? em thắc mắc xíu là đã là công dân việt nam thì là có nơi ở thường xuyên rồi mà nhỉ( anh này chỉ đi ctac thôi) nhưng lại dki thường trú bên nước NB
    em hơi confused xíu, mong ad giải đáp ạ
    em cảm ơn ạ

    • Admin Admin

      Hi em, đúng là công dân VN đồng nghĩa với việc có nơi ở thường xuyên. Tuy nhiên, sẽ có trường hợp như khi em phải đi ra nước ngoài lâu ngày. Ví dụ: anh này đi làm việc ở NB . Khi đó, đúng quy định là a này phải làm thủ tục khai báo tạm vắng ở Việt Nam. Sau đó, sang NB thì em sẽ được cấp Resident card. Có thể theo dạng đăng ký tạm trú (sống & làm việc có thời hạn) hoặc thường trú (sống & làm việc vô thời hạn) tuỳ từng điều kiện đáp ứng. Chỉ cần có Resident Card này là sẽ chứng minh được là đã cư trú ở Nhật. Việc 1 cá nhân được xem xét là cá nhân cư trú ở nhiều nước là hoàn toàn bình thường. Miễn là thoả mãn điều kiện. Chính vì vậy nên mới sinh ra cái Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần để áp dụng khi 1 cá nhân được xem là cá nhân cư trú của cả 2 nước.

  2. Anh Anh

    Chị ơi, kì thi tháng 12/2019, thuế PIT em cần đọc những thông tư hay văn bản nào ạ?

  3. Thành Phạm Thành Phạm

    Admin có thể làm rõ giúp em điều kiện 183 ngày được không ạ, em chưa hiểu rõ lắm về câu ” tính trong một năm dương lịch hoặc trong 12 tháng liên tục kể từ ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam”
    khi nào thì tính trong một năm dương lịch và khi nào xét trong 12 tháng liên tục ạ, em cảm ơn.

    • Admin Admin

      Hi em, Câu đó nghĩa là tính trong năm dương lịch trước, xem có thoả mãn điều kiện về cá nhân cư trú không. Nếu có thì OK, còn nếu không thì tiếp tục xem xét trong 12 tháng liên tục nếu là năm đầu tiên đến Việt Nam.

  4. Linh Linh

    Anh/chị có tài liệu bài giải đề thi F6 của các năm thì cho mình xin với ạ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *