[ACCA SBR Lectures] IAS 21 – Ảnh hưởng của chênh lệch tỷ giá

Như Ad chia sẻ lúc trước, thanh lý các khoản đầu tư & Hợp nhất các hoạt động ở nước ngoài là 2 nội dung chính trong dạng bài Hợp nhất BCTC của đề thi SBR. Phần thanh lý thì Ad đã chia sẻ ở bài 5 tình huống hợp nhất BCTC về “disposal” rồi. Trong bài này, Ad sẽ chia sẻ nốt về phần Hợp nhất các hoạt động ở nước ngoài (“Foreign operations”). Nội dung này sẽ được quy định chủ yếu tại Chuẩn mực IAS 21 – Ảnh hưởng của sự thay đổi tỷ giá ngoại tệ nha các bạn.

Trước tiên chúng ta sẽ cần hiểu đúng các khái niệm về “ngoại tệ” (“Foreign Currency”) từ góc độ của kế toán đã. Nhiều khi dịch từ tiếng anh sang tiếng việt cũng không được rõ nghĩa lắm khiến chúng ta không hiểu được bản chất. Chính vì vậy nên mới gặp khó khăn khi học cách xử lý kế toán liên quan. Chứ thật ra thì vấn đề nó cũng không quá phức tạp nếu chỉ nói đến kiến thức phục vụ cho kỳ thi.

Phần 1. Hiểu đúng khái niệm về “Ngoại tệ” & cách hạch toán giao dịch ngoại tệ theo IAS 21

1. Ngoại tệ là gì theo quy định tại IAS 21?

Trong thực tế thì chúng ta vẫn biết ở Việt Nam thì VND thì là “nội tệ”. Còn các đồng tiền khác như USD, JPY…thì chính là “ngoại tệ”. Nhưng từ góc độ kế toán thì như nào mới được coi là “nội tệ” & “ngoại tệ” đây?

Theo quy định tại IAS 21, sẽ không có khái niệm về “nội tệ”. Mà chỉ có khái niệm về “Ngoại tệ”:

Ngoại tệ (“Foreign currency“) là các đơn vị tiền tệ khác với Đồng tiền chức năng (“Functional currency”) của một doanh nghiệp.

Ở đây ta thấy xuất hiện 1 khái niệm mới là: Đồng tiền chức năng (“Functional Currency”). Để xác định đươc “Ngoại tệ” thì phải xác định Đồng tiền chức năng (“Functional Currency”) trước đã.

Đồng tiền chức năng (“Functional currency”) là đơn vị tiền tệ của môi trường kinh tế chủ yếu mà công ty hoạt động.

Nói rõ hơn thì Đồng tiền chức năng chính là đồng tiền công ty sử dụng chủ yếu để “đo lường” các giao dịch của mình. Các bạn hãy nhớ điểm này. Vậy, 1 công ty ở Việt Nam. Phát sinh các giao dịch như thu mua NVL, chi phí nhân công…bằng VND nhưng toàn bộ giao dịch bán hàng cho công ty mẹ ở Mỹ thì bằng USD. Vậy thì đồng tiền chức năng của công ty này sẽ là VND hay USD?

Theo IAS 21, để xác định “Đồng tiền chức năng”, công ty cần cân nhắc các yếu tố sau:

  • Đồng tiền ảnh hưởng chủ yếu đến giá bán hàng hoá dịch vụ công ty. Cụ thể, đó là đồng tiền mà giá hàng hoá dịch vụ được đo lường & thanh toán.
  • Đồng tiền mà các nguồn lực cạnh tranh của 1 đất nước chủ yếu sử dụng để đo lường giá cả hàng hoá dịch vụ
  • Đồng tiền ảnh hưởng chủ yếu đến lao động, nguyên vật liệu và các chi phí khác trong việc cung cấp hàng hoá dịch vụ. Cụ thể, đó thường là đồng tiền mà các khoản chi phí được đo lường và thanh toán.

Ngoài ra, 2 nhân tố sau cũng cung cấp bằng chứng về “Đồng tiền chức năng” của 1 công ty:

  • Đồng tiền công ty sử dụng để huy động vốn: Phát hành công cụ vốn và công cụ nợ
  • Đồng tiền công ty sử dụng trong các khoản thu từ hoạt động của công ty

Khi các dấu hiệu này chỉ ra các kết luận trái chiều và đồng tiền chức năng không xác định được rõ ràng, ban quản lý sử dụng phán đoán của mình để lựa chọn đồng tiền nào thể hiện trung thực nhất hiệu quả kinh tế của các giao dịch, sự kiện cơ bản của công ty.

Vậy, khi có giao dịch bằng ngoại tệ thì công ty kế toán như nào?

2. Nguyên tắc hạch toán giao dịch ngoại tệ theo IAS 21

[Tình huống 1 – Dec.2018]

Công ty M Co có số dư HTK tại 30.9.X8 – 30.9.X7 lần lượt là $126m – $165m.

Hàng hoá đã được mua trong kỳ vào ngày 1.5.X8 với giá 80m Dinar, tỷ giá giao dịch tại chỗ (Spot Exchange Rate) là $1:Dinar 5. M Co đã không thu xếp để bán được chỗ hàng này vào cuối năm tài chính 30.9.X8. NRV của số hàng này tại 30.9.X8 là 60m Dinar. Tỷ giá tại ngày đánh giá lại là $1:Dinar 6.

Yêu cầu: Hạch toán giao dịch phát sinh trong kỳ.

[Nguyên tắc hạch toán]

Ghi nhận ban đầu: Chuyển đổi giao dịch ngoại tệ sang đồng tiền chức năng bằng cách áp dụng tỷ giá tại chỗ (Spot exchange rate) vào ngày giao dịch. Nếu tỷ giá trong kỳ biến động không trọng yếu thì sử dụng tỷ giá trung bình có thể được sử dụng.

Báo cáo cuối kỳ: Các khoản mục tài sản & nợ phải trả trên BS sẽ được chuyển đổi theo nguyên tắc sau:

  • Các khoản mục tài sản & nợ phải trả tiền tệ (Monetary item): Được trình bày lại theo tỷ giá cuối kỳ
  • Các khoản mục tài sản phi tiền tệ (Non-Monetary item) được đo lường ban đầu theo giá gốc: Không trình bày lại.
  • Các khoản mục tài sản phi tiền tệ (Non-Monetary item) được đo lường ban đầu theo giá trị hợp lý FV: Trình bày lại sử dụng tỷ giá tại ngày xác định FV

Mọi chênh lệch tỷ giá phát sinh trong kỳ: được ghi nhận vào PL trong kỳ phát sinh luôn.

Lưu ý:

(1) Nếu thay đổi trong FV của các khoản mục phi tiền tệ theo “Revaluation Model” được ghi nhận vào OCI, chênh lệch tỷ giá trong sự thay đổi FV cũng sẽ được ghi nhận vào OCI.

(2) Với các khoản mục phi tiền tệ như HTK hay TSCĐ. Giá trị ghi sổ (GTGS) của các khoản mục này được xác định bằng cách so sánh giữa 2 giá trị. Cụ thể: hàng tồn kho, GTGS là giá trị thấp hơn giữa giá gốc & NRV theo quy định tại IAS 2 Hàng tồn kho. Còn GTGS của tài sản cố định, nếu có dấu hiệu bị suy giảm giá trị, sẽ là giá trị thấp hơn giữa GTCL và Giá trị có thể thu hồi. Khi những khoản mục này có gốc ngoại tệ, GTGS sẽ được xác định bằng cách so sánh:

  • Giá gốc/Giá trị còn lại được chuyển đổi theo tỷ giá tại ngày nguyên giá/giá trị này được xác định.
  • NRV/Giá trị có thể thu hồi được được chuyển đổi theo tỷ giá tại ngày giá trị này được xác định

[Đáp án]

Tại ngày phát sinh giao dịch 1.5.X8: Giao dịch ngoại tệ được chuyển đổi sang đồng tiền chức năng của công ty bằng cách áp dụng tỷ giá giao dịch tại chỗ vào ngày giao dịch là: $1 : Dinar 5

DR Inventory / CR Cash: Dinar 80m/5 = $16m

Tại ngày kết thúc năm tài chính 30.9.X8: Giá trị khoản mục phi tiền tệ này được xác định bằng cách so sánh giữa NRV xác định theo tỷ giá tại 30.9.X8 ($1:Dinar 6) và Nguyên giá xác định theo giá trị tại 1.5.X8 ($1:Dinar 5).

  • NRV = Dinar 60m/6 = $10m
  • Nguyên giá = Dinar 80m/5 = $16m

Như vậy, GTGS của khoản mục HTK tại 30.9.X8 là $10m, bị suy gỉam giá trị là $6m. Trong đó:

  • Dinar 80m/5 – Dinar 80m/6 = $2.7m là lỗ chênh lệch tỷ giá
  • (Dinar 80m – Dinar 60m)/6 = $3.3m là suy giảm giá trị HTK

DR COG / CR Inventory: $6m

3. Vai trò của đồng tiền chức năng khi lập BCTC

Vậy, đồng tiền chức năng có phải là đồng tiền được sử dụng để lập BCTC không?

Đồng tiền báo cáo (“Presentation Currency”) là đơn vị tiền tệ được sử dụng để trình bày báo cáo tài chính.

Như vậy, đồng tiền chức năng có thể cũng không phải là đồng tiền báo cáo. Tức là công ty dùng 1 đồng tiền để đo lường giao dịch, và dùng đồng tiền khác để lập BCTC.

Vậy, công ty phải chọn đồng tiền như nào để làm đồng tiền báo cáo đây? Và khi 1 công ty có đồng tiền chức năng khác với đồng tiền báo cáo thì làm như nào?

Theo quy định tại IAS 21:

1 công ty có thể tự lựa chọn bất cứ đồng tiền nào để trình bày BCTC. Nếu đồng tiền báo cáo khác với đồng tiền chức năng, công ty chuyển đổi kết quả và tình hình tài chính sang đồng tiền báo cáo.

Nguyên tắc chuyển đổi:

(1) Các khoản mục tài sản & nợ phải trả trên BCTC (cả cột năm trước và năm nay): Chuyển đổi theo tỷ giá cuối kỳ của năm đó.

(2) Các khoản mục thu nhập & chi phí trên PL & OCI (cả cột năm trước và năm nay): Chuyển đổi theo tỷ giá thực tế tại ngày giao dịch. Hoặc sử dụng tỷ giá trung bình của năm đó nếu trong năm tỷ giá không biến đổi mạnh.

(3) Chênh lệch tỷ giá phát sinh trong việc chuyển đổi BCTC sẽ được ghi nhận vào OCI

Lúc này các bạn chỉ cần nhớ 3 nguyên tắc này. Lát nữa chúng ta sẽ đi xem ví dụ chi tiết và các bạn sẽ hiểu rõ hơn thôi.

Sau khi đã nắm được các kiến thức cơ bản về ngoại tệ, câu hỏi đặt ra là:

Tất cả những điều này áp dụng như nào vào chủ đề Hợp nhất Báo cáo tài chính mà chúng ta quan tâm đây?

Phần 2. Ảnh hưởng của IAS 21 đến Hợp nhất Hoạt động đầu tư ở nước ngoài (“Foreign Operation & Entities”)

Hoạt động ở nước ngoài (“Foreign Operation & Entities”): nghe thì khó hiểu nhưng thực chất thì là các chi nhánh, công ty con, công ty liên kết, công ty liên doanh… của chủ thể lập báo cáo. Mà các công ty này được thực hiện ở một nước hoặc có đồng tiền khác với của chủ thể báo cáo.

Khi 1 công ty có hoạt động ở nước ngoài, thì việc hợp nhất BCTC về cơ bản vẫn sẽ thực hiện theo quy trình hợp nhất thông thường. Từ việc xử lý giao dịch hợp nhất kinh doanh để xác định Goodwill; Hay loại trừ giao dịch nội bộ; Tính toán NCI/Reserves…

Có thể bạn quan tâm: 10 bước hợp nhất BCĐKT & 5 bước hợp nhất BCKQHĐKD

Vậy, đâu là sự khác biệt? Hay nói cách khác thì IAS 21 ảnh hưởng đến các khía cạnh nào của việc hợp nhất?

Khi 1 công ty có hoạt động ở nước ngoài như công ty con, công ty liên kết…, tuỳ vào mức độ sở hữu mà công ty có thể sẽ có ảnh hưởng đến đồng tiền được sử dụng trong các giao dịch của hoạt động ở nước ngoài này. Khi đó, đồng tiền chức năng của công ty ở nước ngoài có thể sẽ giống với đồng tiền chức năng của công ty mẹ, thay vì là đồng tiền của đất nước mà nó đang hoạt động. Do vậy, khía cạnh đầu tiên mà IAS 21 ảnh hưởng đến hợp nhất BCTC chính là: xem xét để xác định Đồng tiền chức năng của các công ty con, công ty liên kết…

1. Xác định đồng tiền chức năng cho hoạt động ở nước ngoài (“Foreign Operation & Entities”)

Công ty mẹ sẽ phải xem xét liệu hoạt động ở nước ngoài có đồng tiền chức năng giống hay khác với mình. Để xác định, cần xem xét các nhân tố sau:

  • Liệu các hoạt động của “Foreign operation” có hoạt động như 1 sự mở rộng của “công ty mẹ” không? (Ví dụ: nếu “Foreign operation” chỉ bán hàng nhập khẩu từ “Công ty mẹ” và thanh toán tiền cho “Công ty mẹ”); Hay là được hoạt động với sự độc lập đáng kể? (Ví dụ, “foreign operation” tích luỹ tiền và các khoản mục tiền tệ khác; phát sinh chi phí, tạo ra thu nhập, huy động vốn… bằng đồng tiền của nước mình).
  • Tỷ lệ giao dịch giữa “foreign entity” với “công ty mẹ” so với tổng các giao dịch của “foreign entity” là cao hay thấp?
  • Liệu Dòng tiền từ các hoạt động của “foreign entity” có ảnh hưởng trực tiếp đến dòng tiền của “công ty mẹ” không?
  • Liệu dòng tiền từ các hoạt động của “Foreign operation” có đủ để tồn tại và thanh toán các nghĩa vụ nợ mà không cần huy động vốn từ “công ty mẹ” không?

Nếu hoạt động ở nước ngoài không thuộc diện phải có đồng tiền chức năng giống của công ty mẹ, khi đó công ty này sẽ xem xét các nhân tố ảnh hưởng để xác định đồng tiền chức năng như chúng ta tìm hiểu bên trên.

[Tình huống 2 – June.2019]

C Co là công ty mẹ của 1 tập đoàn đa quốc gia có đồng tiền báo cáo và đồng tiền chức năng là $. Tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực sản xuất. Vào 1.1.X2, C Co mua 80% vốn cổ phần của B Co, 1 công ty con ở nước ngoài. Giao dịch này giúp C tiếp cận các thị trường quốc tế mới. C chuyển giao sản phẩm dở dang cho B Co, sau đó B hoàn thành và bán cho nhiều điểm khác nhau.

B ở đất nước có đồng tiền là đồng dinar. Toàn bộ chi phí chế biến được thanh toán bằng đồng dinar. Tuy nhiên, B cũng có nhiều giao dịch bằng các đồng tiền khác. Khoảng 40% trong số các NVL thô của B được mua bằng đồng Dinar & 50% là đồng Yên, 10% còn lại là đồng $ – trong số đó 1 nửa là mua từ C. Tỷ lệ này tiếp tục duy trì sau khi C thanh lý vốn tại B. Doanh thu được xuất hoá đơn theo tỷ lệ tương ứng giữa đồng dinar – yên – $. Để bảo vệ bản thân khỏi rủi ro tỷ giá, B duy trì tiền ở cả 3 đồng tiền này. B không trả cổ tức trong các năm qua. Đầu năm X6, B phát hành trái phiếu bằng dinar để huy động vốn. Vì C đã tìm cách thoái vốn, nên C đã không mua.

Yêu cầu: Giải thích cách xác định đồng tiền chức năng và đồng tiền báo cáo của B?

Đáp án

(1) Đồng tiền chức năng

Khi xác định đồng tiền báo cáo & đồng tiền chức năng của B Co, trước tiên nên xem xét liệu đồng tiền chức năng của B Co có giống với C Co hay không, bởi vì C Co là cổ đông chính kiểm soát B Co.

Có vẻ như B Co có quyền tự chủ đáng kể đối với các hoạt động của mình. Mặc dù giao dịch hợp nhất cho phép C Co tiếp cận các thị trường quốc tế mới, dường như B Co không phải là một phần mở rộng hoạt động của công ty mẹ. Toàn bộ chi phí chế biến của B Co được thanh toán bằng đồng dinars; các giao dịch mua từ C Co chỉ bằng 5% tổng giao dịch mua của NVL B Co; Doanh thu được lập hóa đơn bằng nhiều loại tiền cho thấy khách hàng đa dạng; Khối lượng giao dịch liên quan giữa C Co và B Co quá thấp; B Co cũng duy trì tiền mặt bằng nhiều loại tiền tệ và không bắt buộc phải chuyển tiền mặt cho C Co dưới dạng cổ tức; Cũng không có vẻ như B Co phụ thuộc vào nguồn tài chính từ C Co vì B Co có các nhà đầu tư khác mua trái phiếu vào đầu năm X6. Do vậy, Đồng tiền chức năng của B Co không cần phải giống như C Co.

Khi lựa chọn đồng tiền chức năng của mình, B Co nên cân nhắc 3 yếu tố chính sau:

  • Đồng tiền mà giá hàng hoá dịch vụ được đo lường & thanh toán.
  • Đồng tiền mà các nguồn lực cạnh tranh của 1 đất nước chủ yếu sử dụng để đo lường giá cả hàng hoá dịch vụ
  • Đồng tiền mà các khoản chi phí được đo lường và thanh toán.

Yếu tố chủ chốt ở đây là đồng tiền mà phần lớn giao dịch được thanh toán. Hoá đơn của B Co được phát hành với nhiều loại tiền tệ. Do đó không rõ ràng rằng đồng tiền chức năng phù hợp là đồng nào. Cũng không có chi tiết về đồng tiền mà các nguồn lực cạnh tranh sử dụng..

Do chưa rõ ràng nên B Co cần cân nhắc thêm 2 yếu tố phụ:

  • Đồng tiền công ty sử dụng để huy động vốn: Phát hành công cụ vốn và công cụ nợ
  • Đồng tiền công ty sử dụng trong các khoản thu từ hoạt động của công ty

Với B Co, khối lượng đáng kể doanh thu được hoá đơn & phần lớn chi phí được xác định theo đồng dinar. Vốn được huy động bằng đồng Dinar. Như vậy, đồng Dinars dường như phù hợp là đồng tiền chức năng cho B Co nhất.

(2) Đồng tiền báo cáo: Công ty có thể tự lựa chọn đồng tiền để lập BCTC của mình.

Sau khi xác định được đồng tiền chức năng cho hoạt động ở nước ngoài rồi thì việc tiếp theo của chúng ta chính là chuyển đổi báo cáo tài chính của công ty này sang đồng tiền của công ty mẹ. Lý do thì là vì theo các nguyên tắc hợp nhất BCTC, các báo cáo trong tập đoàn cần được lập theo cùng 1 đơn vị tiền tệ. Nếu có sự khác biệt thì cần chuyển đổi trước khi hợp nhất.

2. Chuyển đổi Báo cáo tài chính sang đồng tiền của “Công ty mẹ”

Theo IAS 21:

Khi hoạt động ở nước ngoài có đồng tiền khác với đồng tiền báo cáo của công ty mẹ, sẽ cần phải thực hiện chuyển đổi BCTC của công ty con theo đồng tiền báo cáo của công ty mẹ trước khi lập BCTC hợp nhất.

Việc chuyển đổi được áp dụng Nguyên tắc chuyển đổi BCTC khi 1 chủ thể có đồng tiền chức năng khác với đồng tiền báo cáo ở Mục 3 – Phần 1 bên trên.

(*) Lưu ý về việc tính toán chênh lệch tỷ giá hối đoái:

Đề thi SBR thường không yêu cầu chúng ta lập 1 BCTC hợp nhất hoàn chỉnh. Thay vào đó sẽ là các yêu cầu nhỏ hỏi về các khía cạnh hợp nhất. Đề thi rất có thể sẽ yêu cầu chúng ta tính chênh lệch tỷ giá phát sinh khi chuyển đổi BCTC. Chính vì vậy, Ad tóm tắt lạị bảng tính sau cho các bạn tiện trình bày khi làm bài.

W1 – Chênh lệch tỷ giá phát sinh trong kỳ (PL&OCI)

On translation of net assetsFunctional CurrencyExchange ratePresentation Currency
Closing net assets (closing balance of assets & liabilities)Closing rateA
Less: Opening net assets (opening balance of assets & liabilities)Opening rateB
Less: Retained profit (Profit – Dividends)Profit: Average rate
Dividends: Actual rate
C
Exchange rate differenceA – B – C
On translation of goodwill
Goodwill at acquisitionActual rateX
Impairment lossesAverage rate/Closing rateY
Exchange rate difference (*)Balancing
Goodwill at year endClosing rateZ
(*) Khi hợp nhất BCTC, nhưng công ty mẹ không sở hữu toàn bộ, chênh lệch tỷ giá phát sinh từ chuyển đổi sẽ được phân bổ tương ứng với NCI. Và ghi nhận là 1 bộ phận của NCI trên BCTC hợp nhất.

W2-Chênh lệch tỷ giá luỹ kế (BS – Transition Reserve)

Giá trị chênh lệch tỷ giá luỹ kế được trình bày là 1 mục riêng biệt trên BS cho đến khi công ty thanh lý hoạt động ở nước ngoài.

ItemsFunctional CurrencyExchange ratePresentation Currency
On translation of net assets
Net assets at acquisitionActual rateA
Post-acquisition retained earnings:B
Year 1 – ProfitAverage rate – Year 1
Year 1 – DividendsActual rate – Year 1
Year N – ProfitAverage rate – Year N
Year N – DividendsActual rate – Year N
Accumulated Exchange rate differenceBalancing (1)
Net assets at year endClosing rateC
On translation of goodwill(2)
Year 1 – Exchange rate differenceW1
Year N – Exchange rate differenceW1
Total Accumulated exchange rate difference (*)(1) + (2)
(*) Khi hợp nhất BCTC, nhưng công ty mẹ không sở hữu toàn bộ, chênh lệch tỷ giá luỹ kế phát sinh từ chuyển đổi sẽ được phân bổ tương ứng với NCI. Và ghi nhận là 1 bộ phận của NCI trên BCTC hợp nhất.

Hãy đi xem tình huống liên quan trong đề thi thực tế năm trước để hiểu rõ hơn nhé.

[Tình huống 3- June.2019]

Tiếp tục tình huống 2 bên trên, nhưng có thêm các thông tin sau:

C Co đã trả 100m dinar cho 80% vốn cổ phần thường của B Co vào 1.1.X2. Tài sản thuần của B Co khi này có CA là 60m dinar. Chỉ có 1 điều chỉnh FV cần thiết liên quan đến toà nhà có FV lớn hơn CA 20m dinar & có thời gian sử dụng hữu ích còn lại là 20 năm. C Co đo lường NCI theo FV. FV của 20% vốn ước tính là 22m dinar vào ngày mua. Do B Co hoạt động kém, goodwill bị mất giá trị 6m dinar trong năm kết thúc vào 31.12.X5.

Tỷ giá trao đổi:

  • 1.1.X2: $1 : 0.5 dinar
  • Tỷ giá trung bình năm 31.12.X5: $1 : 0.4 dinar
  • 31.12.X5: $1 : 0.38 dinar
  • 30.9.X6: $1 : 0.35 dinar
  • Tỷ giá trung bình 9 tháng kết thúc 30.9.X6: $1 : 0.37 dinar

Năm tài chính hiện tại là 31.12.X6. CA của tài sản thuần của B Co tại 1.1.X6 là 48m Dinar.

[Yêu cầu 1] Tính và giải thích cách tính Goodwill vào ngày mua B Co & vào 30.9.X6 ngay trước khi thanh lý vốn tại B Co? Tính toán bao gồm chênh lệch tỷ giá trong Goodwill cho giai đoạn từ 1.1X6 – 30.9.X6.

ItemsFunctional Currency
(Million Dinars)
Exchange ratePresentation Currency
(Million Dollars)
Consideration100
FV of NCI22
Less net assets at acquisition60 + 20 = 80
Goodwill at acquisition 1.1.X2420.5
(Exchange rate at acquisition date)
84
Impairment y/e 31.12.X5 (*)(6)0.4
(Average Exchange rate for X5)
(15)
Exchange gainBalancing: 25.7
Goodwill at 31.12.X5360.38
(Exchange rate at year end)
94.7
Current year exchange gainBalancing: 8.2
Goodwill at 30.9.X6360.35
(Exchange rate at period end)
102.9

(*) Lưu ý: Với phần Impairment Loss, vừa là khoản mục ghi vào PL/BS. Chuẩn mực không quy định rõ là sử dụng tỷ giá nào. Do đó chúng ta có thể sử dụng tỷ giá trung bình trong kỳ, hoặc tỷ giá cuối kỳ. Tuy nhiên theo mình thì sử dụng tỷ giá trung bình sẽ hợp lý hơn. Vì việc suy giảm giá trị không chỉ diễn ra tại 1 thời điểm, mà là 1 quá trình.

[Yêu cầu 2] Tính chênh lệch tỷ giá phát sinh từ việc chuyển đổi B Co (không bao gồm Goodwill) cho năm 31.12.X6

Tài sản thuần của B Co sẽ được chuyển đổi lại mỗi năm theo tỷ giá cuối kỳ. Do đó, có sự chênh lệch tỷ giá phát sinh phát sinh mỗi năm khi chuyển đổi tài sản thuần đầu kỳ từ tỷ giá cuối kỳ trước (đầu kỳ này) sang tỷ giá cuối kỳ này. Ngoài ra, chênh lệch tỷ giá cũng phát sinh khi chuyển đổi lãi lỗ mỗi năm theo tỷ giá hối đoái trung bình. Với Goodwill, chênh lệch tỷ giá được bao gồm trong VCSH với 80% liên quan đến C Co và 20% cho NCI.

Chênh lệch tỷ giá luỹ kế được bao gồm trong BCĐKT hợp nhất & chênh lệch tỷ giá năm hiện tại được ghi nhận vào OCI.

  • Tài sản thuần của B Co vào 1.1.X6 có CA là 48m Dinar & FV là 64m dinar (48 + 20 – 4 * 20/20).
  • B Co chỉ được hợp nhất cho 9 tháng đầu năm X6 do C Co mất quyền kiểm soát vào 30.9.X6. Lỗ năm X6 là 8m Dinars. Vì thế chỉ 8m * 9/12 = 6m Dinar được hợp nhất.
  • Chi phí khấu hao tăng lên do điều chỉnh FV 0.75m Dinar (20/20 x 9/12) sẽ được tính cho 9 tháng đầu năm.
  • Tài sản thuần khi thanh lý sẽ có giá trị là 57.25m Dinar (dinar 64m – dinar 6.75m).

Chênh lệch tỷ giá phát sinh trong kỳ tính vào OCI năm X6 sẽ được tính như sau:

  • Tài sản thuần theo tỷ giá đầu kỳ: Dinar 64m/0.38 = $168.4m
  • Lỗ 9 tháng đầu năm theo tỷ giá trung bình 9 tháng năm X6: dinar 6.75m/0.37 = ($18.2m)
  • Lãi chênh lệch tỷ giá năm hiện tại (balance): $13.4m
  • Tài sản thuần tại 30.9.X6: Dinar 57.25m/0.35 = $163.6m

Trong số chênh lệch tỷ giá $13.4m, $10.7m được phân bổ cho C Co (80% x $13.4m) and $2.7m được phân bổ cho NCI.

3. Thanh lý một phần hoặc toàn bộ hoạt động ở nước ngoài

Theo IAS 21, khi thanh lý vốn của hoạt động ở nước ngoài:

  • Chênh lệch tỷ giá luỹ kế liên quan đến hoạt động đó, đã được ghi nhận vào OCI và Equity – BS, sẽ được phân loại lại từ Equity sang PL khi lãi lỗ thanh lý được ghi nhận.
  • Phần chênh lệch tỷ giá luỹ kế liên quan đến hoạt động đó, được phân bổ cho NCI sẽ được ghi giảm, nhưng không được phân loại lại sang PL
  • Khi thanh lý 1 phần khoản đầu tư tại công ty con (hoạt động ở nước ngoài), công ty sẽ phân phối lại theo tỷ lệ sở hữu mới trong chênh lệch tỷ giá luỹ kế trên OCI của công ty & NCI tại công ty con.
  • Việc ghi giảm giá trị ghi sổ của 1 hoạt động ở nước ngoài, dù là vì kết quả thua lỗ hay vì sự suy giảm giá trị, sẽ không được coi là thanh lý 1 phần. Do đó, chênh lệch tỷ giá đã ghi nhận trên OCI sẽ không được phân loại lại sang PL tại thời điểm ghi giảm này.

[Tình huống 4 – June.2019]

Tiếp tục tình huống 3 bên trên, nhưng có thêm các thông tin sau:

Giao dịch này không thành công như kỳ vọng. C Co thanh lý toàn bộ vốn sở hữu ở B Co với giá $150m. Chi tiết liên quan như sau:

  • CA của tài sản thuần của B Co tại 1.1.X6: dinar 48m
  • Lỗ của B Co cho năm tài chính kết thúc 31.12.X6: dinar 8m
  • Lãi tỷ giá luỹ kế liên quan đến B Co vào 1.1.X6: $74.1 m
  • NCI tại B Co vào 1.1.X6: $47.8m

Yêu cầu. Tính lãi lỗ từ việc thanh lý B Co?

Trong bài viết về 5 tình huống “Disposal” trong hợp nhất BCTC, khi thanh lý toàn bộ vốn công ty sẽ cần ghi nhận “Group profit/loss on disposal” trên BCTC hợp nhất.

[1] FV of consideration received$150m
[2] Plus: FV of investment retained0
[3] Less: Group share of consolidated carrying amount at date control lost (1)+(2)-(3)$218m
[3.1] Net assets at date control lost$163.6m
[3.2] Goodwill at date control lost$102.9m
[3.3] NCI interests at date control lost$48.5m
[4] Plus: Group share of exchange rate Gain reclassified to PL$76.6m
[5] Group profit/loss on disposal$8.6m

Giải thích cách tính các chỉ tiêu:

[1] = $150m

[2]= 0 vì công ty thanh lý toàn bộ vốn

[3.1] = $163.6m (Kết quả tính toán ở Mục 2-Yêu cầu 2)

[3.2] = $102.9m (Kết quả tính toán ở Mục 2-Yêu cầu 1)

[3.3] = $48.5m

  • NCI at 1.1.X6: $47.8m
  • NCI share of loss to 30.9.X6: 20% x (dinar 6m + dinar 0.75m)/0.37 = ($3.6m)
  • NCI share exchange gains for 9 months: 20% x ($13.4m + $8.2m) = $4.3m
  • NCI at 30.9.X6: $48.5m

[4] Exchange gains reclassified to profit and loss: ($74.1 m + $8.2m + $13.4m)* 80% = $76.6m ($8.2m & $13.4m là chênh lệch tỷ giá từ Goodwill & Net assets được tính bên trên)

[5] Group profit on disposal: $8.6m

Vậy là xong. Cũng không quá khó đúng không? Chốt lại thì sẽ có 4 yêu cầu mà chúng ta cần hiểu được cách xử lý theo IAS 21:

  • Cách hạch toán giao dịch ngoại tệ
  • Nguyên tắc chuyển đổi BCTC
  • Cách tính CLTG phát sinh khi chuyển đổi BCTC của hoạt động ở nước ngoài
  • Cách tính lãi lỗ phát sinh khi thanh lý vốn hoạt động ở nước ngoài

Trong bài viết tiếp theo, Ad sẽ đi giải thích về nội dung Hợp nhất Báo cáo Lưu chuyển tiền tệ. Các bạn theo dõi nha.

4 bình luận về “[ACCA SBR Lectures] IAS 21 – Ảnh hưởng của chênh lệch tỷ giá”

  1. Ad ơi cho em hỏi với ạ, ví dụ em có một số khoản trích trước (accrual) bằng ngoại tệ cho chi phí, hàng tồn kho, tài sản cố định. Cuối kỳ khi có chênh lệch tỷ giá thì em có phải đánh giá lại các khoản trích trước này không, và chênh lệch sẽ cho vào chi phí, nguyên giá hay là sẽ cho vào exchange gain or loss ạ?

    Bình luận
    • Hi em, em đang hỏi về VAS hay IFRS? Về cơ bản thì theo quy định của IAS 21: chỉ những khoản mục tiền tệ “monetary items” mà phát sinh/có gốc ngoại tệ thì mới cần phải đánh giá lại cuối kỳ. Còn các khoản mục phi tiền tệ thì sẽ phản ánh theo tỷ giá đã ghi nhận ban đầu.
      Mà Monetary items được định nghĩa là: “units of currency held and assets and liabilities to be received or paid in a fixed or determinable number of units of currency”
      => Như vậy, xét theo định nghĩa này e sẽ thấy chỉ có accrual (= ngoại tệ) là “monetary items” chứ inventory hay Fixed assets thì không phải. Vì 2 khảon mục này không phát sinh nhận hay thanh toán = ngoại tệ trong tương lai nữa.

      Còn cách ghi nhận chênh lệch do đánh giá lại khoản mục tiền tệ như nào thì bài viết đã giải thích rất rõ rồi.

      Bình luận

Viết một bình luận

You cannot copy content of this page