Skip to content

[CPA – LT Kế toán] Chủ đề “Báo cáo tài chính hợp nhất” – Phần 2

Bài 14 của Series hướng dẫn học Lý thuyết môn Kế toán – Chủ đề “BCTC hợp nhất” – Phần 2 – Báo cáo tài chính hợp nhất là gì? Hướng dẫn cách lập Báo cáo tài chính hợp nhất qua 4 bước

Trong bài Báo cáo tài chính hợp nhất – Phần 1, chúng ta đã tìm hiểu cách xác định các thông tin từ giao dịch hợp nhất kinh doanh. Trong bài viết này, mình sẽ hướng dẫn cách sử dụng các thông tin này và lập Báo cáo tài chính hợp nhất hoàn chỉnh. Bài viết gồm 2 nội dung chính:

  • Báo cáo tài chính hợp nhất là gì?
  • Hướng dẫn cách lập Báo cáo tài chính hợp nhất qua 4 bước

Phần 1. Báo cáo tài chính hợp nhất là gì?

1. Báo cáo tài chính hợp nhất là gì?

Là BCTC của 1 tập đoàn được trình bày như BCTC của 1 doanh nghiệp. Báo cáo này được lập trên cơ sở hợp nhất báo cáo của công ty mẹ & các công ty con theo quy định của VAS 25.

Phân biệt Báo cáo tài chính hợp nhất & Báo cáo tài chính riêng của công ty mẹ:

Khi bên mua nắm quyền kiểm soát bên bị mua thì Bên mua trở thành công ty mẹ. Bên bị mua là công ty con. Chúng ta sẽ có: BCTC riêng của công ty mẹ, BCTC riêng của công ty và BCTC hợp nhất.

Báo cáo tài chính hợp nhất sẽ phản ánh tình hình tài chính của công ty mẹ & công ty con trên góc độ 2 công ty này là 1 thể thống nhất (Tập đoàn). Mặc dù “Tập đoàn” này không có tư cách pháp nhân mà chỉ là 1 đơn vị báo cáo. Nói cách khác, Báo cáo tài chính hợp nhất sẽ độc lập với BCTC riêng của công ty mẹ & công ty con.

2. Phạm vi của Báo cáo tài chính hợp nhất?

Công ty mẹ khi lập Báo cáo tài chính hợp nhất phải hợp nhất BCTC riêng của mình & của tất cả các công ty con ở trong nước và ngoài nước do công ty mẹ kiểm soát trực tiếp hoặc gián tiếp. Ngoại trừ các trường hợp:

  • Quyền kiểm soát của công ty mẹ chỉ là tạm thời vì công ty con này chỉ được mua và nắm giữ cho mục đích bán lại trong tương lai gần (dưới 12 tháng)
  • Hoạt động của công ty con bị hạn chế trong thời gian dài và điều này ảnh hưởng đáng kể tới khả năng chuyển vốn cho công ty mẹ.

3. Nguyên tắc chung khi lập Báo cáo tài chính Hợp nhất

(1) Báo cáo tài chính hợp nhất được lập và trình bày theo các nguyên tắc kế toán như BCTC của doanh nghiệp độc lập

(2) Báo cáo tài chính hợp nhất được lập trên cơ sở áp dụng chính sách kế toán thống nhất cho các giao dịch và sự kiện cùng loại trong những hoàn cảnh tương tự trong toàn Tập đoàn. Nếu công ty con sử dụng các chính sách kế toán khác với chính sách kế toán áp dụng thống nhất trong tập đoàn thì công ty con phải có điều chỉnh thích hợp trước khi sử dụng cho hợp nhất.

(3) BCTC riêng sử dụng để hợp nhất phải được lập cho cùng một kỳ kế toán.

(4) Kết quả HĐKD của công ty con phải được đưa vào Báo cáo tài chính hợp nhất kể từ ngày công ty mẹ nắm quyền kiểm soát công ty con. Và chấm dứt vào ngày công ty mẹ thực sự chấm dứt quyền kiểm soát.

(5) Trường hợp công ty mẹ có các công ty con lập BCTC bằng đồng tiền khác với đồng tiền báo cáo của công ty mẹ: trước khi hợp nhất Báo cáo tài chính, công ty mẹ phải chuyển đổi toàn bộ BCTC của các công ty con sang đồng tiền báo cáo của công ty mẹ.

Phần 2. Hướng dẫn cách lập Báo cáo tài chính hợp nhất

1. Cách làm chung

Hiểu đơn giản thì chúng ta sẽ cần cộng gộp BCTC riêng của công ty mẹ & công ty con với nhau.

(1)Tài sản & Nợ phải trả: 100% Mẹ + 100% Con

BCĐKT hợp nhất luôn bao gồm toàn bộ 100% số dư tài sản & nợ phải trả trên BCTC của công ty con dù công ty mẹ không sở hữu công ty con 100%. Nguyên nhân là vì công ty mẹ không sở hữu 100% nhưng có quyền kiểm soát đối với toàn bộ TS & nợ phải trả.

(2) Vốn chủ sở hữu: Chia 2 phần

  • VCSH: 100% Mẹ

Không bao gồm phần vốn của công ty con mà công ty mẹ đã sở hữu. Bởi vì phần vốn này đã được triệt tiêu với giá trị khoản đầu tư trên BCTC riêng của công ty mẹ.

  • Lợi nhuận CPP, thặng dư vốn…: 100% Mẹ + % Group đối với lợi nhuận sau hợp nhất của công ty con  – Các bút toán điều chỉnh nếu có

Có 2 điểm lưu ý ở đây:

(i) Chỉ được tính vào BCTC hợp nhất phần Lợi nhuận của công ty con phát sinh từ thời điểm hợp nhất trở đi (“Post-acquisition profit”). Bởi vì trước thời điểm hợp nhất thì Group đâu có kiểm soát công ty con đâu đúng không? Ngoài ra, phần Reserves phát sinh trước khi hợp nhất (“Pre-acquisition reserves”) sẽ được triệt tiêu với giá trị khoản đầu tư trên BCTC của công ty mẹ khi lên BCTC hợp nhất rồi.

(ii) Trường hợp công ty mẹ không sở hữu 100% công ty con: thì tức là sẽ có các cổ đông khác sở hữu phần còn lại. Tạm gọi là cổ đông không kiểm soát (NCI). Khi đó Công ty mẹ & NCI sẽ đều có quyền được chia phần lợi nhuận phát sinh sau hợp nhất của công ty con. Tất nhiên là theo % sở hữu của từng bên. Đó là lý do khi tính Group’s reserves: phải lấy LN sau hợp nhất của công ty con * % Group sở hữu.

2. Quy trình lập Báo cáo tài chính hợp nhất

Bước 1. Thu thập các Báo cáo tài chính riêng. Và thực hiện các điều chỉnh (nếu cần) & cộng hợp các chỉ tiêu tương ứng

Bước 2. Thực hiện các bút toán điều chỉnh hợp nhất, gồm:

  • Loại 1. Điều chỉnh chênh lệch giữa FV & GTGS trong tài sản thuần của cty con
  • Loại 2. Loại trừ toàn bộ giá trị ghi sổ khoản đầu tư của công ty mẹ trong từng công ty con & ghi nhận Lợi thế thương mại & NCI tại thời điểm hợp nhất
  • Loại 3. Phân bổ lợi thế thương mại (nếu có).
  • Loại 4. Loại trừ toàn bộ các giao dịch nội bộ trong tập đoàn.
  • Loại 5. Xác định giá trị lợi ích cổ đông không kiểm soát (NCI) tại thời điểm cuối kỳ

Lưu ý:

Với các năm kế toán sau, ngoài các điều chỉnh trên còn có bút toán ghi nhận sự điều chỉnh đã thực hiện để lập BCTC hợp nhất kì trước. Mục đích là để đảm bảo tính lũy kế của các chỉ tiêu trên BCĐKT hợp nhất. Tuy nhiên, với những bút toán ở kỳ trước đã điều chỉnh vào Doanh thu/Chi phí, thì sang kỳ này sẽ điều chỉnh qua LNSTCPP để phản ánh ảnh hưởng cuối cùng của bút toán.

Bước 3. Lập Bảng tổng hợp bút toán điều chỉnh và Bảng tổng hợp các chỉ tiêu hợp nhất

Bước 4. Lập Báo cáo tài chính hợp nhất

Trong đề thi, do giới hạn thời gian nên khả năng cao là chúng ta sẽ chỉ được yêu cầu thực hiện Bước 2 với những tình huống đơn giản nhất mà thôi. Vậy nên dưới đây chúng ta sẽ đào sâu vào phần này.

3. Các bút toán điều chỉnh cần thực hiện

Chúng ta sẽ cùng học cách thực hiện các bút toán điều chỉnh cần thiết qua ví dụ đã đề cập ở Báo cáo tài chính hợp nhất – Phần 1.

Ví Dụ

– A mua 40% cổ phần của B vào ngày 01/01/20X0 bằng cách phát hành cho cổ đông của B 10.000 cổ phiếu có mệnh giá 10.000/cổ phiếu & giá trị thị trường là 27.000/cổ phiếu.

– A dùng 1 TSCĐ HH để trao đổi cho cổ đông của B: Nguyên giá: 300 triệu giá trị hao mòn lũy kế: 20 triệu. Giá trị hợp lý chưa có thuế: 300 triệu; thuế suất thuế GTGT 10%.

-Các chi phí phát sinh về thuê định giá và kiểm toán liên quan đến việc mua tài sản và nợ phải trả mà A phải chi bằng TGNH là 40 triệu. Chi phí phát hành cổ phiếu của A chi bằng TGNH là 25 triệu.

– Ngày 01/01/20X1: A mua thêm 40% cổ phần của B với giá 750 triệu, thanh toán bằng TGNH và đạt được quyền kiểm soát. Trước khi đạt được quyền kiểm soát, A không có ảnh hưởng đáng kể đối với B. Giá thị trường cổ phiếu của công ty B mà A đã mua vào 1/1/X0 được đánh giá lại là 700 triệu vào 1/1/X1.

-Tại ngày 01/01/20X1: giá trị hợp lý tài sản thuần của B là 1.000 triệu. Tài sản thuần theo giá ghi sổ là 800 triệu, trong đó vốn cổ phần là 200 triệu & LNSTCPP là 600 triệu. Biết rằng chênh lệch giữa giá trị hợp lý & GTGS của tài sản thuần là do BĐS đầu tư có GTGS là 300 triệu & giá trị hợp lý là 500 triệu. BĐS đầu tư có thời gian khấu hao còn lại là 5 năm.

Yêu cầu:

  1. Xác định các thông tin liên quan đến hợp nhất kinh doanh tại ngày mua? (Phần này các bạn xem ở bài Báo cáo tài chính hợp nhất – Phần 1)
  2. Lập các bút toán điều chỉnh cần thiết liên quan khi công ty A lập báo cáo tài chính hợp nhất tại ngày 31.12.20X1 & 31.12.20X2

Lưu ý: Các bút toán sau đã được sắp xếp theo thứ tự cần thực hiện để tránh bị sai sót.

[Loại 1] Điều chỉnh chênh lệch giữa GTHL & GTGS của tài sản thuần của công ty con

Lý thuyết liên quan

(1) Với tài sản cố định, bất động sản đầu tư

– Toàn bộ CPKH và HMLK của TSCĐ và BĐS đầu tư phải được điều chỉnh phù hợp với FV. Việc điều chỉnh này chỉ được chấm dứt khi các tài sản này bị thanh lý, nhượng bán.

BT1. Điều chỉnh khấu hao của TSCĐ & BĐS đầu tư do chênh lệch FV # BV cho mỗi kì

FV của TSCĐ, BĐS đầu tư > GTGS:

Nợ Khoản mục chi phí (chênh lệch giữa mức khấu hao theo FV và GTGS phát sinh trong kỳ)

Nợ LNSTCPP lũy kế đến cuối kỳ trước (số chênh lệch lũy kế đến đầu kỳ)

Có Giá trị HMLK (số chênh lệch lũy kế đến cuối kỳ)

FV của TSCĐ, BĐS đầu tư < GTGS:

Nợ Giá trị HMLK (số chênh lệch lũy kế đến cuối kỳ)

Có Khoản mục chi phí (chênh lệch giữa mức khấu hao theo FV và GTGS phát sinh trong kỳ)

Có LNSTCPP lũy kế đến cuối kỳ trước (số chênh lệch lũy kế đến đầu kỳ)

BT2. Khi TSCĐ và BĐS đầu tư đã khấu hao hết nhưng chưa thanh lý, nhượng bán

Nếu FV của TSCĐ, BĐSĐT < GTGS:

Nợ Giá trị hao mòn lũy kế / Có LNSTCPP lũy kế đến cuối kỳ trước: GTGS – FV

Nếu FV của TSCĐ, BĐSĐT > GTGS:

Nợ LNSTCPP lũy kế đến cuối kỳ trước/ Có Giá trị hao mòn lũy kế: FV – GTGS

BT3. Hoàn nhập thuế TNHL đã ghi nhận tại thời điểm hợp nhất

Trường hợp tại ngày mua, FV của tài sản thuần của công ty con cao hơn/thấp hơn GTGS và kế toán đã ghi nhận thuế hoãn lại phải trả, khi thu hồi tài sản (trích khấu hao), kế toán hoàn nhập thuế hoãn lại phải trả/ tài sải thuế hoãn lại:

Nợ Thuế thu nhập hoãn lại phải trả

Có Chi phí thuế TNDN hoãn lại

Có LNSTCPP lũy kế

hoặc:

Nợ Chi phí thuế TNDN hoãn lại

Nợ LNSTCPP lũy kế đến cuối kỳ trước

Có Tài sản thuế thu nhập hoãn lại

Áp dụng vào tình huống:

Tại 31.12.20X1: Phân bổ chênh lệch Giá trị hợp lý > Giá trị ghi sổ của BĐS đầu tư:

Nợ GVHB/Có HMLK BĐS Đầu tư: (500 triệu – 300 triệu)/5 năm = 40 triệu

Tại 31.12.20X2:

BT1: Ghi nhận điều chỉnh đã thực hiện năm 20X1

Nợ LNSTCPP/Có HMLK BĐS Đầu tư: 40 triệu

BT2: Ghi nhận bút toán phân bổ năm 20X2:

Nợ GVHB/Có HMLK BĐS Đầu tư: (500 triệu – 300 triệu)/5 năm = 40 triệu

(Tình huống Ad để không để thông tin về thuế TNDN nên không tính ảnh hưởng của thuế TNHL ở đây nha. Nhiều tình huống bài tập cũng có thể như vậy nên các bạn để ý)

[Loại 2] Bút toán loại trừ giá trị khoản đầu tư của công ty mẹ

Lý thuyết liên quan

Tại thời điểm phát sinh giao dịch hợp nhất, công ty mẹ đã phải hạch toán trên BCTC riêng của mình bút toán ghi nhận giá trị khoản đầu tư vào công ty con. Đây là giao dịch giữa công ty mẹ & các cổ đông khác của công ty con. Nên BCTC riêng của công ty con sẽ không phản ánh giao dịch này.

Tuy nhiên, xét trong tổng thể tập đoàn: không ai tự giao dịch với mình cả. Nên các phát sinh liên quan đến giao dịch này trên BCTC riêng sẽ cần được triệt tiêu khi lên BCTC hợp nhất.

BT1. Điều chỉnh để xóa khoản đầu tư của công ty mẹ vào công ty con trên BCTC hợp nhất

Nợ Vốn của chủ sở hữu (Vốn, LNSTCPP…): GTGS * % sở hữu của công ty mẹ

Nợ các khoản mục tài sản (nếu FV > GTGS): Chênh lệch * % sở hữu của công ty mẹ

Nợ Lợi thế thương mại (nếu có): cân bằng

Có Thu nhập khác (trường hợp phát sinh lãi từ giao dịch mua rẻ): : cân bằng

Có Đầu tư vào công ty con: Giá trị khoản đầu tư trên BCTC riêng của công ty mẹ

BT2. Ghi nhận giá trị NCI tại ngày hợp nhất

Nợ Vốn của chủ sở hữu (Vốn, LNSTCPP…): GTGS * % NCI sở hữu

Nợ các khoản mục tài sản (nếu FV > GTGS): Chênh lệch * % NCI sở hữu

Có NCI

Áp dụng vào tình huống:

Điều chỉnh theo tài liệu tại ngày mua (1/1/20X1) – BCTC hợp nhất 31.12.20X1

BT1. Loại trừ khoản đầu tư của công ty mẹ vào công ty con

Ở Phần 1 chúng ta đã xác định các thông tin sau liên quan đến giao dịch hợp nhất kinh doanh:

  • Giá phí hợp nhất kinh doanh tại 1.1.20X1: 1.450 triệu
  • Lợi ích của công ty A trong tài sản thuần của B: 800 triệu
  • Lợi thế thương mại: 650 triệu
  • Lợi ích của cổ đông không kiểm soát: 200 triệu

Nợ VCSH: 200 triệu * 80% = 160 triệu

Nợ LNSTCPP: 600 triệu * 80% = 480 triệu

Nợ Bất động sản đầu tư: (500 triệu – 300 triệu)*80% = 160 triệu

Nợ Lợi thế thương mại: 650 triệu

Có Đầu tư vào công ty con: 1.450 triệu

BT2. Ghi nhận giá trị của lợi ích cổ đông không kiểm soát (NCI) tại thời điểm hợp nhất

Nợ VCSH: 200 triệu * 20% = 40 triệu

Nợ LNSTCPP: 600 triệu * 20% = 120 triệu

Nợ Bất động sản đầu tư: (500 triệu – 300 triệu)*20% = 40 triệu

Có Lợi ích cổ đông không kiểm soát: 200 triệu

Điều chỉnh theo tài liệu sau ngày mua – BCTC hợp nhất 31.12.20X2

BT1. Lặp lại bút toán điều chỉnh đã ghi nhận ở năm trước

  • Bút toán xoá bỏ khoản đầu tư công ty mẹ vào công ty con:

Nợ VCSH: 200 triệu * 80% = 160 triệu

Nợ LNSTCPP: 600 triệu * 80% = 480 triệu

Nợ Bất động sản đầu tư: 160tr

Nợ Lợi thế thương mại: 650 triệu

Có Đầu tư vào công ty con: 1.450 triệu

  • Bút toán ghi nhận giá trị NCI tại ngày hợp nhất

Nợ VCSH: 200 triệu * 20% = 40 triệu

Nợ LNSTCPP: 600 triệu * 20% = 120 triệu

Nợ Bất động sản đầu tư: (500 triệu – 300 triệu)*20% = 40 triệu

Có Lợi ích cổ đông không kiểm soát: 200 triệu

[Loại 3] Bút toán phân bổ lợi thế thương mại

Kiến thức liên quan

Lợi thế thương mại phát sinh tại ngày mua được phân bổ dần theo phương pháp đường thẳng trong không quá 10 năm. Trường hợp số lợi thế thương mại bị tổn thất trong năm cao hơn số phân bổ hàng năm theo phương pháp đường thẳng thì thực hiện phân bổ theo số bị tổn thất.

BT1. Phân bổ Lợi thế thương mại trong kỳ đầu tiên

Nợ Chi phí quản lý doanh nghiệp (Lợi thế thương mại phân bổ trong kỳ)

Có Lợi thế thương mại (Lợi thế thương mại phát sinh trong kỳ)

BT2. Phân bổ lợi thế thương mại từ kỳ thứ hai trở đi

Nợ LNSTCPP lũy kế đến cuối kỳ trước (số LTTM đã phân bổ lũy kế đến cuối kỳ trước)

Nợ Chi phí QLDN (Số LTTM phân bổ trong kỳ báo cáo)

Có Lợi thế thương mại (LTTM đã phân bổ lũy kế đến cuối kỳ báo cáo)

BT3. Sau khi phân bổ hết thì ghi nhận toàn bộ Lợi thế thương mại vào LNSTCPP

Nợ LNSTCPP lũy kế đến cuối kỳ trước

Có Lợi thế thương mại

Áp dụng vào tình huống

Tại 31.12.20X1:

BT1. Phân bổ Lợi thế thương mại vào Chi phí trong kỳ

Nợ Chi phí QLDN / Có Lợi thế thương mại: 650 triệu / 10 năm = 65 triệu

Tại 31.12.20X2:

BT1: Ghi nhận các bút toán điều chỉnh đã thực hiện năm 20X1: Nợ LNSTCPP/Có Lợi thế thương mại: 65 triệu

BT2: Ghi nhận bút toán phân bổ năm 20X2:

Nợ Chi phí QLDN / Có Lợi thế thương mại: 650 triệu / 10 năm = 65 triệu

[Loại 4] Bút toán loại trừ các giao dịch nội bộ

Kiến thức liên quan

1 số giao dịch nội bộ thường gặp:

  • Giao dịch bán hàng nội bộ
  • Giao dịch bán tài sản cố định nội bộ
  • GIao dịch bán HTK làm tài sản cố định trong nội bộ
  • Các giao dịch nội bộ khác: chi trả cổ tức, cho vay nội bộ

Cách thức hiện các bút toán điều chỉnh loại này đã được mình giải thích & lấy ví dụ minh hoạ rất chi tiết ở các bài viết sau:

Bài tập lập Báo cáo tài chính hợp nhất: Giao dịch bán hàng hoá nội bộ

Bài tập lập Báo cáo tài chính hợp nhất: Giao dịch bán TSCĐ nội bộ

Bài tập lập Báo cáo tài chính hợp nhất: Các trường hợp nhỏ khác

[Loại 5] Điều chỉnh để ghi nhận giá trị NCI tại cuối năm tài chính

Kiến thức liên quan

Trong BCĐKT hợp nhất: NCI trong giá trị hợp lý của tài sản thuần của các Công ty con được xác định và trình bày thành một chỉ tiêu riêng biệt thuộc phầnVCSH.

Trên BCKQHĐKD hợp nhất: NCI được xác định và trình bày riêng biệt trong mục “LNST của cổ đông không kiểm soát”. NCI được xác định căn cứ vào % NCI và LNSTTNDN của các công ty con.

Khi xác định giá trị NCI cuối kỳ phải loại trừ ảnh hưởng của các bút toán Loại 4: giao dịch nội bộ giữa công ty con & công ty mẹ:

  • NCI phát sinh trong kỳ = LNST của công ty con sau điều chỉnh * %NCI
  • NCI cuối kỳ = NCI đầu kỳ + NCI phát sinh trong kỳ

Đó chính là lý do mình xếp bút toán ghi nhận NCI là bút toán cuối cùng cần thực hiện. 

BT1. Ghi nhận NCI tại ngày đầu kỳ báo cáo

Xem ở mục Loại 2 (BT2) đã gỉai thích cụ thể.

BT2. Ghi nhận NCI từ kết quả hoạt động kinh doanh trong kỳ

Nợ LNST của NCI / Có NCI (nếu lãi và ghi ngược lãi nếu kết quả lỗ).

BT3. Trường hợp Trả cổ tức bằng tiền cho các cổ đông

Nợ NCI / Có LNSTCPP lũy kế đến cuối kỳ trước

Áp dụng vào tình huống

Tại 31.12.20X1:

BT1. Đã thực hiện ở bút toán Loại 2

BT2. Giả sử LNST trong năm 20X1 của công ty con sau khi điều chỉnh hết ảnh hưởng của các giao dịch nội bộ là 500 triệu.

Nợ LNST của NCI / Có NCI: 500 triệu * 20% = 100 tr

Như vậy trên BCĐKT hợp nhất tại 31.12.20X1: số dư của NCI sẽ là 200 tr + 100 tr = 300 tr

4. Lưu ý

(1) Nếu việc hợp nhất kinh doanh xảy ra theo nhiều giai đoạn

Tại thời điểm đạt quyền kiểm soát & xác định giá phí hợp nhất kinh doanh: Trên BCTC riêng của công ty mẹ sẽ cần thực hiện bút toán điều chỉnh giá gốc của khoản đầu tư vào công ty con của các lần trước theo FV tại ngày đạt quyền kiểm soát trước khi bắt đầu hợp nhất.

Nội dung của bút toán điều chỉnh sẽ phụ thuộc bản chất của các khoản đầu tư của công ty mẹ vào công ty con trước khi đạt quyền kiểm soát.

Áp dụng vào tình huống

Tại 1.1.20X1 công ty A đạt quyền kiểm soát. Do vậy cần điều chỉnh lại gía trị khoản đầu tư ngày 1.1.20X0 theo giá trị hiện tại.

  • Giá gốc của khoản đầu tư (40% cổ phần) tại 1/1/20X0: 640 triệu
  • Giá hợp lý của khoản đầu tư ban đầu tại 1/1/20X1: 700 triệu
  • Tại thời điểm 1.1.20X0: B sẽ là công ty liên kết của A do A sở hữu đến 40% cổ phần của B.

Như vậy, trước khi lập BCTC hợp nhất, sẽ cần điều chỉnh BCTC như sau:

Nợ Đầu tư vào công ty con/Có Doanh thu tài chính:  700tr – 640tr = 60tr

(2) Nếu sau khi đã đạt quyền kiểm soát, công ty mẹ tiếp tục đầu tư để tăng % nắm giữ

% sở hữu của công ty mẹ tăng lên nghĩa là % sở hữu của NCI giảm xuống.

Phần chênh lệch giữa giá phí khoản đầu tư thêm và GTGS của tài sản thuần của công ty con mua thêm phải được ghi nhận trực tiếp vào LNSTCPP (như giao dịch giữa các cổ đông nội bộ).

Bút toán hạch toán trên BCTC riêng của công ty mẹ: Nợ Đầu tư vào Công ty con / Có tiền…

Bút toán hạch toán trên BCTC hợp nhất:

Nợ NCI

Nợ/Có LNSTCPP kỳ này (Chênh lệch giữa Giá trị đầu tư thêm & % NCI chuyển nhượng)

Có Đầu tư vào công ty con  

Trong phần sau mình sẽ hướng dẫn cách lập báo cáo tài chính hợp nhất cho trường hợp có công ty liên kết.

PS: Ad đang làm Videos về các nội dung thuộc chủ đề Hợp nhất báo cáo tài chính này. Mục đích là để cố gắng giải thích được cặn kẽ theo trình tự hợp lý hơn. Các bạn có thể theo dõi ở đây nhé:

Published inKế toán

33 Comments

  1. Dinh Dinh

    Hi ad, cho mình hỏi sau bài 2 về chủ đề hợp nhất BCTC thì đã có bài viết mới chưa vậy?Đọc bài viết của ad, mình thấy dễ hiểu hơn nhiều so với đọc tài liệu nên nhờ ad post tiếp bài nhé. Có 4 đường link đề cập ở bài này về các bút toán loại trừ giao dịch nội bộ: mẹ bán hàng cho con, con bán hàng cho mẹ, mẹ bán TSCD cho con và các trường hợp nhỏ khác link bị lỗi ad ah, nhờ xem lại giúp mình nhé, tks ad!

    • Admin Admin

      Hi Phuong, trong tháng 1 AD sẽ up hết các bài liên quan đến Hợp nhất nhé. 4 link bị lỗi là các link liên quan đến hướng dẫn xử lý các dạng bài tập hợp nhất thường gặp. AD đang edit lại. Khi nào xong sẽ up lại thôi. Bạn chịu khó đợi nhé.

      • Dinh Dinh

        Cảm ơn ad !

  2. Dinh Dinh

    Hi ad, minh chua thay co bai #13 va #16 nhi?

    • Admin Admin

      Hi bạn, web đang cập nhật. Khi nào xong sẽ up lại nhé. Chúc bạn năm mới mạnh khoẻ & hạnh phúc.

      • Dinh Dinh

        Cảm ơn ad, chúc ad năm mới may mắn, thành công, có thêm thật nhiều bài viết mới bổ ích!

  3. Dinh Dinh

    Hi ad, mình đọc các bài viết của ad rất dễ hiểu và muốn copy lại vào file word để lưu lại vì lo lắng 1 hôm nào đó đường link ko mở được nhưng mình ko copy được nội dung từ trang web xuống là sao nhỉ? Ngoài ra, ở mục comment này mình cũng chỉ gõ trực tiếp được vào thôi chứ ko copy từ nguồn khác vào được ?

    • Admin Admin

      Hi bạn, do trên mạng có rất nhiều người không tử tế. Thường ngang nhiên copy nội dung website của web mình về website của họ. Nên web phải cài đặt chế độ chống copy. Bạn thông cảm nhé. Mình sẽ cố gắng duy trì web ổn định tránh trường hợp link bị lỗi. Phần comment thì để mình xem có cách nào khắc phục không nhé. Cảm ơn bạn đã thông tin.

  4. Lê Thị Kiều Oanh Lê Thị Kiều Oanh

    Em đang chuẩn bị làm BCTC hợp nhất, nhưng em chưa hiểu rõ lắm. Em đọc bài của Ad thì thấy khá hay và muốn tìm hiểu kỹ trước khi quyết định làm. Em không biết là bài viết đã được chia sẻ gồm những bài nào rồi. Ad có thể chia sẽ lại qua mail giúp em ko ạ?
    Em cảm ơn.

  5. Lê Thị Kiều Oanh Lê Thị Kiều Oanh

    Dạ em cảm ơn nhiều ạ.

  6. Phạm Nhung Phạm Nhung

    Tại sao khi loại khoản đầu tư của mẹ vào con thì lại có bút toán ” Nợ Bất động sản / Có Đầu tư vào công ty con ” Mình chưa hiểu tại sao có bút toán ” Nợ Bất động sản “

    • Admin Admin

      Bạn xem phần lý thuyết tương ứng: (…BT1. Điều chỉnh để xóa khoản đầu tư của công ty mẹ vào công ty con trên BCTC hợp nhất…)

      Bản chất của bút toán này là write off giá trị ghi nhận của “khoản đầu tư” trên BCTC riêng của công ty mẹ với % sở hữu tương ứng của công ty mẹ trên giá trị hợp lý của tài sản thuần của công ty con. Vì từ góc độ tập đoàn thì không tồn tại giao dịch đầu tư này.

      Giá trị khoản đầu tư vào công ty con = “Giá trị hợp lý” của tài sản thuần của công ty con * % Sở hữu của công ty mẹ + Lợi thế thương mại

      Bất động sản đầu tư của công ty con đang có “giá trị ghi sổ” thấp hơn “giá trị hợp lý” là 200 tr nên phải điều chỉnh tăng lên 200tr khi lập báo cáo tài chính hợp nhất.

  7. Dinh Dinh

    Hi ad, cho mình hỏi tại sao không có bút toán điều chỉnh giá phí khoản đầu tư vào công ty con do đánh giá lại:Nợ đầu tư vào công ty con/ Có doanh thu hoạt động tài chính : 700tr-27tr?Cảm ơn ad.

    • Dinh Dinh

      Sorry mình viết nhầm, là 700 tr – 270 tr nhé.

    • Admin Admin

      Hi Dinh, giá trị ban đầu của khoản đầu tư vào công ty con tại ngày 1.1.20X0 không phải là 270 triệu mà là 640 triệu = tổng giá trị cổ phiếu công ty A phát hành để trao đổi + tài sản + chi phí phát sinh trực tiếp liên quan… Chênh lệch giá phí khoản đầu tư được Ad ghi điều chỉnh ở mục Lưu ý phía cuối bài. Bạn xem kỹ lại nhé.

  8. Dinh Dinh

    OK ad, mình đã xem lại rồi, cảm ơn ad.

  9. Dinh Dinh

    Hi ad, cho mình hỏi ở phần áp dụng vào tình huống loại 2: Bút toán loại trừ giá trị khoản đầu tư của công ty mẹ, điều chỉnh theo tài liệu sau ngày mua -BCTC hợp nhất 31.12.20X2; mình chỉ thấy có BT1 lặp lại bút toán điều chỉnh đã ghi nhận ở năm trước.Có còn bút toán nào cần ghi nhận nữa không?Cảm ơn ad

    • Admin Admin

      Hi Dinh, chỉ có bút toán “lặp lại” cho các bút toán điều chỉnh đã thực hiện năm trước thôi nhé.

  10. Thắng Thắng

    Ad ơi, Mình hỏi chút đạo lý tại sao khi hợp nhất lại không phát sinh thuế TNHL đối với chênh lệch giữa FV và GTGS (trường hợp TSCĐ hoặc BDSĐT), mà chỉ lúc mua tài sản nội bộ mới tạo nên thuế thu nhập hoãn lại. Vì theo mình hiểu cả 2 trường hợp vẫn tạo nên sự chênh lệch giá trị ghi sổ và tax base. Mình cảm ơn.

    • Admin Admin

      Hi Thắng

      Đối với chênh lệch giữa FV và CV của TSCĐ/BĐSĐT công ty con “tại ngày hợp nhất”: Về bản chất của Thuế TNHL, cũng như trong quy định của IFRS và cả kế toán việt nam (TT202 – Chương 2 – Mục 1), khi lập báo cáo hợp nhất “phải ghi nhận thuế TNHL” nếu thoả mãn điều kiện. Tức là cách hiểu của bạn là ĐÚNG nhé. Tuy nhiên bạn lưu ý các ví dụ trong file bài tập của thầy ngọc anh và đề thi 2018, đề bài không cho thông tin về thuế suất TNDN áp dụng => chúng ta hiểu là bỏ qua ảnh hưởng của thuế tại thời điểm này nhé.

      Trong bài viết của Ad, Ad đang theo flow của TT202 (Mục 2) mà để bị thiếu mất 1 đoạn nên dẫn đến làm bạn hiểu sai. Theo flow của thông tin 202 thì với chênh lệch giữa FV và GTGS của tài sản tại công ty con thì tách riêng việc điều chỉnh chênh lệch tại thời điểm cuối năm với việc hoàn nhập thuế TNHL đã ghi nhận tại thời điểm hợp nhất.

      • Thắng Thắng

        Thanks Ad nhiều đã giúp mình sáng tỏ 1 phần. Mình hỏi thêm Ad chút để làm rõ và confirm chút cách mình đang hiểu:
        1. Cụm từ “Nếu thỏa mãn điều kiện” của Ad trong TH nào thì không thỏa mãn? (phải chăng chỉ khi FV = Net Asset thôi?). Trong phạm vi thi của VACPA nếu đề bài không cho Tax rate thì mình có quyền bỏ qua ảnh hưởng của thuế thu nhập hoãn lại tại thời điểm hợp nhất phải ko Ad?
        2. Như Ad nói ở trên: ” Theo flow của thông tin 202….. đã ghi nhận tại thời điểm hợp nhất”, ý của Ad mình vẫn chưa nắm được. Vì điều chỉnh chênh lệch thời điểm cuối năm mình vẫn phải rebook lại bút toán thuế TNHL tại thời điểm HN chứ?
        3. Trong TT 202 có đoạn: “Công ty mẹ không được ghi nhận thuế hoãn lại phải trả đối với lợi thế thương mại phát sinh từ giao dịch hợp nhất kinh doanh”. Phải chăng mâu thuẫn vì theo mình hiểu Goodwill thực chất là chênh lệch Giá mua vs FV của Net Asset. Như vậy phải chăng khi hợp nhất ko có TNTHL đối với Goodwil ( Giá mua – FV of Net Asset), nhưng vẫn phát sinh TNHL đối với chênh lệch giữa FV of net asset và NBV of Net asset).
        Sorry Ad nếu những câu hỏi của mình là ngớ ngẩn. Thanks Ad nhiều.

        • Admin Admin

          Hi,

          (1) Bạn tự xem lại chuẩn mực quy định về Thuế thu nhập hoãn lại nha. Theo Ad nhớ thì khi ghi nhận tài sản thuế TNHL sẽ cần phải chắc chắn trong tương lai sẽ có lợi nhuận tính thuế để sử dụng những chênh lệch tạm thời được khấu trừ này… Theo như Ad xem các bài tập tình huống về xác định giao dịch hợp nhất kinh doanh trong file bài tập của thầy Ngọc Anh thì là không cho thôgn tin thuế suât TNDn nên bỏ qua bút toán thuế TNHL tại ngày hợp nhất

          (2) Theo Ad hiểu thì TT202 nó tách việc hoàn nhập lại thuế TNHL đã ghi nhận tại thời điểm hợp nhất thành 1 loại nghiệp vụ riêng so với việc ghi nhận thuế TNHL giữa GTGL và GTGS của các tài sản, nợp phải trả cty con cuối kỳ

          (30 Vì theo quy định của Chuẩn mực kế toán thuế Thu nhập hoãn lại: Thuế thu nhập hoãn lại phải trả phát sinh từ goodwill thì không được ghi nhận. Ad nhớ trong IFRS thì là thế. Bạn tự check lại chuẩn mực của việt nam nhé

  11. Dinh Dinh

    Hi ad, cho mình hỏi tại sao chỉ khi con bán cho mẹ thì mới có bút toán tổng hợp ảnh hưởng của các nghiệp vụ đến BS và PL?Còn trường hợp mẹ bán cho con thì ko có bút toán này?Và ảnh hưởng đến PL là ảnh hưởng đến LN sau thuế TNDN hay LN trước thuế TNDN ?Ở mấy VD trên mình thấy trường hợp con bán TSCD cho mẹ thì ảnh hưởng đến LNTT TNDN còn trường hợp con bán hàng cho mẹ lại ảnh hưởng đến LNST TNDN.Nhờ ad giải thích giúp mình nhé.

  12. Dinh Dinh

    Hi ad, cho mình hỏi trường hợp con mua trái phiếu do mẹ phát hành, mình thấy ad chỉ ghi số TK cần điều chỉnh mà ko ghi rõ nội dung TK. VD : TK 515 chứ ko viết rõ Doanh thu tài chính.Lúc làm bài thi mình chỉ ghi TK 515 thôi chẳng hạn thì có được ko?

    • Admin Admin

      Hi bạn, theo Ad biết thì không có thông tin chuẩn cho vụ này. Nhưng Ad nghĩ các thầy chấm cũng thoáng mà. Không đến nỗi bắt bẻ qúa đâu. Miễn bài làm phản ánh đúng bản chất thôi.

  13. Tiến Tiến

    Ad cho mình hỏi, trong trường hợp hợp nhất xảy ra nhiều giai đoạn thì năm đầu tiên BCTC hợp nhất phải điều chỉnh khoản giá trị đầu tư lần đầu theo giá thị trường hiện tại, vậy sang năm tiếp theo ngoài việc lặp lại các bút toán điều chỉnh khoản đầu tư vào cty con và lợi ích cổ đông không kiểm soát thì bút toán điều chỉnh khoản giá trị đầu tư lần đầu có lặp lại không?

    • Admin Admin

      Hi Tiến,

      Lý do của việc lặp lại các bút toán điều chỉnh của năm trước là:

      Quy trình hợp nhất BCTC là chúng ta sử dụng BCTC riêng của từng công ty mỗi năm. Và bút toán điều chỉnh hợp nhất chúng ta chỉ thực hiện trên BCTC hợp nhất, chứ không hề điều chỉnh gì vào Báo cáo tài chính riêng của các công ty.

      Trong khi sang năm sau: chúng ta lại sử dụng các BCTC riêng của các công ty để cộng gộp vào => lên số hợp nhất. Như vậy, nếu không thực hiện ghi nhận lại các bút toán năm trước thì số liệu BCTC hợp nhất của chúng ta se chưa được bao gồm điều chỉnh năm trước.

      Do vậy, bút toán điều chỉnh khoản giá trị đầu tư lần đầu theo giá trị hợp lý tại ngày đạt quyền kiểm soát trên BCTC hợp nhất cũng sẽ phải được lặp lại hàng năm nha.

  14. HUYỀN HUYỀN

    AD ƠI MÌNH MUỐN THAM GIA MỘT LỚP TỪ A ĐẾN Z VỀ HỢP NHẤT KD VÀ LẬP BCTC HN. KHÔNG BIẾT BÊN MÌNH CÓ TỔ CHỨC LỚP K AH?

    • Admin Admin

      Hi Huyền, Tuonthi.com chỉ là nơi Ad chia sẻ tài liệu & kinh nghiệm kiến thức thôi chứ không tổ chức lợp học ah. Cảm ơn bạn đã quan tâm nha.

  15. KHANH KHANH

    28/06/2020 này em sẽ thi Lập BCTC theo IFRS( kết thúc môn đại học),sẽ dựa vào hướng dẫn của AD để học và thi mặc dù sẽ có sự khác biệt nhưng vẫn cảm thấy cảm ơn Ad vô cùng. nếu biết trang này sớm hơn thì hay quá.

  16. Hoàng Linh Phương Hoàng Linh Phương

    Hi Ad,
    Mình thấy ở bút toán Loại 1 có điều chỉnh tăng chi phí khấu hao của BĐSĐT 40tr/năm do chênh lệch giữa GTHL > GTGS của BĐSĐT, vậy khoản này có gây ảnh hưởng làm giảm lợi ích của cổ đông không kiểm soát trong kỳ không ạ (ứng với 40tr * 20% = 8tr) ? Do mình thấy 1 tình huống tương tự trong Ví dụ 4 Phụ lục 3 đính kèm Thông tư 202/2014.

Comments are closed.