Bài số 4/6 của Series Hướng dẫn các dạng bài của Đề thi CPA Môn Tài chính: Dạng bài Điểm gãy & Chi phí sử dụng vốn bình quân WACC
Khi làm bài tập trong Đề thi CPA Môn Tài chính thuộc dạng Đánh giá dự án đầu tư, chúng ta thường thấy đề bài cung cấp thông tin về Chi phí sử dụng vốn – Dùng để chiết khấu dòng tiền thuần của dự án về hiện tại. Nhưng Chi phí sử dụng vốn này được tính như nào?
Dạng bài Xác định điểm gãy và chi phí sử dụng vốn sẽ giải quyết vấn đề này!
Phần 1. Chi phí sử dụng vốn bình quân là gì? Điểm gãy là gì?
Như mình đã giải thích ở bài Rủi ro và tỷ suất sinh lời , chi phí sử dụng vốn chính là tỷ lệ lợi nhuận doanh nghiệp phải trả cho nhà đầu tư để huy động vốn.
Từ khái niệm này, chúng ta có thể rút ra 2 kết luận sau:
- Huy động vốn vay từ ngân hàng sẽ có chi phí sử dụng vốn khác với huy động vốn từ phát hành cổ phiếu hay sử dụng vốn từ lợi nhuận để lại…
Vậy với 1 dự án quy mô vốn 1.000 tỷ: 400 tỷ huy động từ vay ngân hàng và 600 tỷ còn lại huy động từ phát hành cổ phiếu. Thì chi phí sử dụng vốn của dự án sẽ là như nào? Câu trả lời chính là: Chi phí sử dụng vốn bình quân (WACC) – Bình quân của chi phí sử dụng vốn từ các nguồn huy động.
- Chi phí sử dụng vốn sẽ phụ thuộc vào rủi ro. Rủi ro càng lớn thì nhà đầu tư càng hy vọng nhận được lợi nhuận cao hơn => Chi phí sử dụng vốn càng lớn.
Ví dụ khi doanh nghiệp vay trong khoảng 500 tỷ thì có WACC là 14%. Nhưng để vay thêm 300 tỷ nữa thì WACC của 300 tỷ tăng thêm này sẽ cao hơn 14%. Lý do: vì rủi ro tài chính (hệ số nợ) của doanh nghiệp khi vay 800 tỷ sẽ cao hơn khi vay 500 tỷ.
Khi đó: 500 tỷ – Giới hạn mức vốn huy động mà tại đó WACC tăng lên được gọi là Điểm gãy.
Những khái niệm này đều được nêu ở [CPA – LT Tài chính] Chi phí sử dụng vốn bình quân & Hệ số đòn bẩy. Các bạn đọc thêm nếu cần nhé.
Phần 2. Ba bước xử lý dạng bài Điểm gãy và WACC
Câu 5 – Đề lẻ – Năm 2016 – Đề thi CPA Môn Tài chính chính là điển hình của dạng bài về Điểm gãy & WACC này.
Đề bài đưa ra thông tin về: cơ cấu vốn cần duy trì; kế hoạch huy động vốn từ các nguồn như vay, phát hành cổ phiếu ưu đãi/thường, lợi nhuận giữ lại… Và yêu cầu chúng ta xác định điểm gãy & WACC cho từng khoảng vốn tương ứng (chi phí sử dụng vốn cận biên).
Để xử lý dạng bài này, mình làm qua 3 bước như sau:
Bước 1. Tính chi phí sử dụng vốn của từng nguồn huy động
Các nguồn huy động vốn thường gặp:
- Huy động từ Vốn vay:
Chi phí sử dụng vốn từ nguồn vay chính là Chi phí lãi vay sau thuế. Sở dĩ phải tính sau thuế vì chi phí lãi vay là chi phí được trừ khi tính thuế TNDN. Ví dụ: Doanh nghiệp phát sinh chi phí lãi vay 10 đồng, thì được trừ 2 đồng khi tính thuế. Do đó, chi phí sử dụng vốn vay thực tế chỉ là 8 đồng.
- Huy động vốn từ phát hành cổ phiếu thường hoặc ưu đãi:
Cổ phiếu thường: Rs = d1 / [Po*(1-e)] + g
Cổ phiếu ưu đãi: Rp = d / [Po * (1-e)]
Lưu ý: Sai lầm hai mắc phải ở bước này là nhầm lẫn giữa d1 và do.
- Huy động vốn từ sử dụng lợi nhuận giữ lại
Lợi nhuận giữ lại chính là lợi ích của các nhà đầu tư. Thay vì trả cổ tức, doanh nghiệp sử dụng lợi nhuận để đầu tư. Nhà đầu tư sẽ mong đợi nhận được lợi ích tương lai từ việc đầu tư này. Như vậy, chi phí sử dụng vốn của nguồn lợi nhuận giữ lại chính là tỷ suất lợi nhuận đòi hỏi của nhà đầu tư đối với doanh nghiệp.
Công thức tính: Re = d1/Po + g
Bước 2. Xác định điểm gãy
Áp dụng công thức tính điểm gãy:
BP = Tổng số vốn có chi phí sử dụng vốn thấp hơn của nguồn vốn i / Tỷ trọng của nguồn vốn i trong cơ cấu vốn
Bước 3. Xác định WACC cho từng khoảng vốn
Có (n) điểm gãy thì sẽ có (n+1) khoảng vốn cần tính WACC.
Nhìn vào công thức tính, ta thấy để tính được WACC chúng ta cần xác định:
- Cơ cấu vốn (wi) tương ứng tại từng khoảng vốn. Ví dụ: trong khoảng vốn từ 0 đến 3.000 tỷ thì bao nhiêu là vốn vay, bao nhiêu là vốn chủ.
- Chi phí sử dụng vốn (ri) tương ứng cho từng phần vốn . Nếu vốn vay/vốn chủ được chia làm nhiều mức có chi phí sử dụng vốn khác nhau, thì chọn theo nguyên tắc: đồng vốn có chi phí sử dụng vốn thấp hơn sẽ được sử dụng trước.
Lưu ý:
Hiển nhiên, việc xác định điểm gãy và WACC có tác dụng trong việc giúp doanh nghiệp xác định nên vay vốn từ nguồn nào? Nhưng ngoài ra, nó còn có tác dụng trong việc lựa chọn dự án đầu tư. Ví dụ: chúng ta có 1.000 tỷ và có 3 kế hoạch đầu tư liền. Nên đầu tư vào dự án nào?
Để ra quyết định này, chúng ta cần so sánh tỷ suất doanh lợi nội bộ IRR của từng dự án với WACC tương ứng của số vốn cần đầu tư vào dự án. Nếu IRR < WACC: lợi nhuận nhỏ hơn chi phí => Loại. Và ngược lại.
Vì dạng bài này yêu cầu nhiều công thức tính toán. Nên để thực sự nắm được vấn đề, các bạn cần thực hành khoảng 2 bài. Các bạn thực hành dạng bài này với Đề thi CPA Môn Tài chính các năm trước nhé. Sau đó các bạn có thể tham khảo đáp án của web để so sánh:
Cảm ơn bạn, rất hữu ích cho tôi!
Hy vọng bài viết của Ad đã có thể hỗ trợ quá trình học của Hằng. Học tốt nhé! 🙂