[CPA – BT Tài chính] Dạng bài Đánh giá dự án đầu tư

Bài 3/6 của Series các dạng bài tập của Đề thi CPA Môn Tài chính: Dạng bài tập Đánh giá dự án đầu tư

Tiếp tục chuỗi hướng dẫn các dạng bài của Đề thi CPA môn Tài chính. Trong bài này mình sẽ giải thích về dạng bài tập đánh giá dự án đầu tư.

Có thể bạn quan tâm: Tổng hợp các dạng bài tập Đề thi CPA môn Tài chính.

Phần 1. Các chỉ tiêu thường sử dụng trong bài tập Đánh giá dự án đầu tư

Bài dạng này sẽ yêu cầu đánh giá để lựa chọn 1 trong 2 dự án đầu tư. Hoặc đánh giá 1 dự án thay thế, xem có nên thực hiện hay không. Đề bài thường sẽ nêu rõ luôn chỉ tiêu đánh giá cần sử dụng như:

  • PP/DPP: Thời gian hoàn vốn đầu tư
  • PI: Chỉ số sinh lời
  • NPV: Giá trị hiện tại của dòng tiền thuần
  • IRR: Tỷ suất doanh lợi nội bộ

Cách tính, cũng như ưu nhược điểm của từng chỉ tiêu đã được chi tiết tại Chương 6 của Đề cương ôn tập của hội. Nên mình không nhắc lại nữa. Mình chỉ làm rõ 1 điểm về việc chiết khấu dòng tiền về hiện tại.

Trong tất cả các chỉ tiêu bên trên, chỉ có phương pháp Thời gian hoàn vốn PP là không cần phải chiết khấu dòng tiền về hiện tại.

Tại sao lại phải chiết khấu dòng tiền về hiện tại?

Hiểu nôm na thì một đồng tiền năm nay sẽ không có giá như một đồng tiền năm sau. Khi chúng ta đầu tư 1 đồng vốn ngày hôm nay, chúng ta sẽ kỳ vọng năm sau nó sẽ mang lại lợi nhuận. Như vậy:

Đồng tiền năm sau = Đồng tiền năm hiện tại * (1 + tỷ suất sinh lời kỳ vọng)

Mà chúng ta lại đang xem xét dự án vào thời điểm hiện tại (năm nay). Như vậy, chúng ta sẽ phải quy đổi (chiết khấu) đồng tiền năm sau về năm hiện tại để so sánh với vốn đầu tư đã bỏ ra:

Đồng tiền năm hiện tại = Đồng tiền năm sau/(1+ tỷ suất sinh lời kỳ vọng)

Tỷ suất sinh lời kỳ vọng còn được gọi là lãi suất chiết khấu. Hay trong dạng bài tập này thường được nhắc đến với cái tên Chi phí vốn, chi phí sử dụng vốn.

Trong bài viết về Dạng bài Rủi ro và Tỷ suất sinh lời mình đã giải thích về khái niệm chi phí vốn này. Các bạn tự đọc tham khảo nếu chưa rõ nhé.

Phần 2. Tình huống thường gặp của bài tập Đánh giá dự án đầu tư

Tình huống 1:  Đánh giá dự án đầu tư theo các chỉ tiêu NPV/IRR/PP/PI/DPP

4 bước xử lý

Đối với bài có nhiều thông tin tính toàn thì thường chỉ yêu cầu tính NPV/IRR. Còn bài có ít thông tin tính toán thì thường kết hợp với yêu cầu tính PP/DPP/PI. Nhưng dù có tính gì thì cũng phải xác định dòng tiền thuần của dự án đầu tiên.

Dòng tiền thuần của dự án = Dòng tiền thu được/vào – Dòng tiền đầu tư/ra

  • Dòng tiền đầu tư = Tiền đầu tư 1 lần + Tiền vốn lưu động + Vốn bổ sung nếu có
  • Dòng tiền vào = Lợi nhuận kinh doanh sau thuế cộng trừ các khoản điều chỉnh

Để xác định dòng tiền thuần của dự án, mình thường làm qua 4 bước sau:

  • Bước 1: Tính dòng tiền vốn lưu động cần bổ sung hàng năm (nếu có)
  • Bước 2: Tính dòng tiền từ thanh lý tài sản khi kết thúc dự án (nếu có)
  • Bước 3. Lập bảng tính kết quả kinh doanh
  • Bước 4. Lập bảng xác định dòng tiền thuần của dự án

Sau đó, thì tùy vào chỉ tiêu đánh giá cần sử dụng để áp dụng công thức tính thôi.

2 vấn đề cần lưu ý

Dạng bài tập Đánh giá dự án đầu tư xuất hiện trong đề thi CPA  thường khá đơn thuần. Không bao gồm lạm phát, hay có yếu tố biến đổi…Tuy vậy, vẫn có 2 vấn đề thường khiến chúng ta lúng túng:

  • Xác định tiền vốn lưu động hàng năm: nếu đề bài cho luôn thông tin về số tiền vốn lưu động phải bỏ ra hàng năm thì đơn giản. Nhưng sẽ có trường hợp đề bài chỉ cho thông tin về nhu cầu vốn lưu động.

Trường hợp này chúng ta sẽ cần tính ra tiền vốn lưu động hàng năm = Nhu cầu vốn lưu động năm nay – Nhu cầu vốn lưu động năm sau. Và bắt đầu tính ngay từ năm 0 – tức là năm thực hiện đầu tư nhé. Trừ khi đề bài có thông tin khác.

  • Dòng tiền từ thu hồi vốn lưu động đã bỏ ra khi kết thúc dự án: nếu đề bài cho luôn thông tin về thời điểm thu hồi vốn lưu động thì sẽ không gây nhầm lẫn. Nhưng sẽ có trường hợp đề bài không có thông tin. Khi đó, chúng ta sẽ cần phải giả sử thời điểm thu hồi vốn. Và bao gồm trong bảng tính xác định dòng tiền thuần của dự án nhé.

Để dễ hình dung, các bạn xem đáp án của web cho 1 dạng bài tập Đánh giá dự án đầu tư điển hình là: Câu 4 – Đề chẵn – Đề thi CPA Môn tài chính Năm 2016.

Tình huống 2: Đánh giá dự án đầu tư thay thế theo NPV hoặc IRR

Đề bài thường đưa ra thông tin về kế hoạch thay thế máy móc hoặc nhà xưởng. Để đánh giá có nên thực hiện dự án thay thế hay không, chúng ta cần tính toán tất cả các ảnh hưởng của việc thay thế đến dòng tiền thuần của dự án hiện tại như: vốn cần bổ sung thêm; chênh lệch chi phí khấu hao, thu từ thanh lý tài sản cũ, tài sản mới…

Để xử lý tình huống này mình thường làm theo 4-6 bước như sau:

  • Bước 1: Tính chênh lệch chi phí khấu hao hàng năm(nếu có)
  • Bước 2: Tính dòng tiền vốn lưu động cần bổ sung hàng năm (nếu có)
  • Bước 3. Tính dòng tiền từ thanh lý tài sản cũ
  • Bước 4. Lập bảng tính kết quả kinh doanh mới
  • Bước 5. Lập bảng xác định dòng tiền thuần của dự án
  • Bước 6: Chiết khấu dòng tiền thuần về hiện tại và tính NPV/IRR tùy yêu cầu

Sau khi thực hiện 6 bước trên, chúng ta có thể đưa ra kết luận:

  • Nếu yêu cầu đánh giá theo NPV: cứ NPV> 0 là được chọn
  • Nếu yêu cầu đánh giá theo IRR: cứ IRR > Chi phí sử dụng vốn là được chọn

Để dễ hình dung, các bạn xem đáp án của web cho 1 dạng bài tập đánh giá dự án đầu tư thay thế điển hình là: Câu 3 – Đề lẻ – Đề thi CPA môn Tài chính Năm 2016.

Vậy là đã xong thêm 1 dạng bài thần thánh nữa của đề thi CPA môn tài chính. Hy vọng bài viết của mình đã giúp ích cho các bạn.

6 bình luận trong “[CPA – BT Tài chính] Dạng bài Đánh giá dự án đầu tư”

  1. Ad ơi, cho mình hỏi khi lập bảng tính NPV năm 1, năm 2, năm 3, năm 4… mình tính rồi ghi đáp án vào từng ô thì có được điểm tối đa không, có phải ghi công thức tính ra không?

    1. Hi bạn, theo tớ biết thì tốt nhất là bạn viết công thức sử dụng trước, sau đó lập bảng tính. Chứ không nhất thiết viết công thức tính toán cho từng con số. Vì như vậy không có chỗ mà trình bày. Khi làm bài thi lúc lập bảng tính NPV thì quay ngang tờ giấy thi ra cho rộng mà viết bạn ạ.

  2. Add cho mình hỏi khi gặp dạng bài đầu tư thay thế mà số năm còn lại của máy cũ và số năm sử dụng máy mới khác nhau thì xử lý như thế nào?mình cảm ơn

    1. Hi bạn, vẫn lập bảng tính chênh lệch chi phí khấu hao tăng thêm cho từng năm như bình thường thôi bạn ạ. Vid dụ:

      STT Chỉ tiêu Năm 1 Năm 2 Năm 3 Năm 4 Năm 5
      1 Nguyên giá máy cũ 1,400
      2 Mức khấu hao máy cũ 280 280 280
      3 Nguyên giá máy mới 2,500
      4 Mức khấu hao máy mới 500 500 500 500 500
      5 Chênh lệch khấu hao tăng thêm 220 220 220 500 500

Bình luận đã bị đóng.

You cannot copy content of this page

Lên đầu trang