Chủ đề “Bài tập tính giá thành sản phẩm” – Phần 4: “Tính giá thành theo phương pháp lập báo cáo sản xuất”
Tiếp theo bài Tính giá thành theo phương pháp hệ số, trong bài này chúng ta sẽ tìm hiểu về dạng thứ 4 của Bài tập Tính giá thành sản phẩm: Tính giá thành theo phương pháp lập báo cáo sản xuất.
Phần 1. Nguyên tắc chung tính giá thành theo phương pháp Lập báo cáo sản xuất
1.Tính giá thành theo Báo cáo sản xuất là gì?
Hiểu đơn giản thì với phương pháp này, chúng ta sẽ lập một cái Báo cáo sản xuất để tính giá thành. Bao gồm toàn bộ thông tin liên quan đến tình hình sản xuất của công ty như: số lượng sản phẩm/chi phí dở dang cuối kỳ, thực hiện trong kỳ, sản phẩm hỏng…
Điều này có nghĩa là 4 bước trong quy trình tính giá thành chúng ta đã tìm hiểu lúc trước bây giờ sẽ được gộp tất cả trong cái Báo cáo sản xuất này.
Các thông tin này được nhóm theo 3 phần trên Báo cáo sản xuất :
Phần A. Sản phẩm & Khối lượng sản phẩm tương đương
Tại bước này chúng ta sẽ liệt kê số lượng sản phẩm trong quá trình sản xuất: Sản phẩm dở dang đầu kỳ; Sản phẩm hoàn thành trong kỳ; Sản phẩm dở dang cuối kỳ; Sản phẩm hỏng…
Sau đó chúng ta sẽ quy đổi số lượng sản phẩm này sang “Khối lượng sản phẩm tương đương”. Việc quy đổi này dựa trên % mức độ hoàn thành của sản phẩm. Bạn nào chưa rõ khái niệm này thì tham khảo lại bài Quy trình tính giá thành sản phẩm
Phần B. Tổng hợp chi phí sản xuất & chi phí đơn vị
Tại bước này chúng ta sẽ tập hợp chi phí liên quan đến quá trình sản xuất. Mục đích là chúng ta phải bóc tách được các chi phí không được tính vào giá thành sản xuất nhé. Ví dụ: chi phí NVL ngoài định mức; chi phí NCTT và SXC phát sinh do hoạt động dưới công suất bình thường; chi phí liên quan sản phẩm hỏng
Cách làm thì các bạn tham khảo Bước 1 trong Quy trình tính giá thành sản phẩm
Phần C. Phân bổ chi phí cho các sản phẩm đầu ra
Phần này lại gồm 2 nội dung nhỏ:
- (1) Tập hợp chi phí đầu vào: Đơn giản là tập hợp toàn bộ chi phí sản xuất đầu vào
- (2) Phân bổ chi phí đầu ra: Phân chia chi phí sản xuất đầu vào cho các sản phẩm đầu ra: Sản phẩm hoàn thành; sản phẩm hỏng; sản phẩm dở dang cuối kỳ
2. 2 dạng Báo cáo sản xuất
Trong đề thi CPA môn kế toán, có 2 dạng báo cáo sản xuất trong bài tập tính giá thành sản phẩm:
- Báo cáo sản xuất theo “phương pháp bình quân”
- Báo cáo sản xuất theo “phương pháp nhập trước – xuất trước”
Vậy 2 dạng báo cáo này khác nhau như nào?
Các bạn lưu ý đây chính là điểm dễ gây nhầm lẫn nhất cho mọi người khi gặp dạng bài này.
- Phương pháp nhập trước – xuất trước: dựa trên nguyên lý là sản phẩm sản xuất trước thì hoàn thành trước. Kỳ này sẽ hoàn thiện các sản phẩm dở dang kỳ trước. Do vậy, sẽ phải tách biệt giữa sản phẩm dở dang đầu kỳ hoàn thành trong kỳ và sản phẩm bắt đầu sản xuất và hoàn thành trong kỳ.
- Phương pháp bình quân: dựa trên nguyên lý tính bình quân cả chi phí và khối lượng cho tất cả các sản phẩm được sản xuất trong kỳ. Nghĩa là không phân biệt sản phẩm này là dở dang đầu kỳ hay bắt đầu sản xuất trong kỳ.
Cụ thể ảnh hưởng của sự khác biệt trong nguyên lý được thể hiện trong bảng sau:
Nội dung | Phương pháp Nhập trước – Xuất trước | Phương pháp Bình quân |
Phần A | Khối lượng tương đương = Qddk * (1 – % hoàn thành) + Qhttk + Qdck * % Hoàn thành | Khối lượng tương đương = Qhttk + Qdck * % Hoàn thành |
Phần B | Tổng CPSX = CPPStk | Tổng CPSX = CPDDđk + CPPStk |
Phần C | Chi phí Đầu vào = CPDDđk + CPPStk Phân bổ Đầu ra = Zdk + Ztk + CPDD ck | Chi phí Đầu vào = CPDD đk + CPPStk Phân bổ Đầu ra = Ztk + CPDDck |
Lưu ý:
Các bạn lưu ý: Chi phí dở dang cuối kỳ như chúng ta đã biết là được xác định theo 2 phương pháp:
- Chi phí Nguyên vật liệu trực tiếp
- % Mức độ hoàn thành hay bình quân
Như vậy ta sẽ có 4 tình huống liên quan đến tính giá thành bằng Báo cáo sản xuất:
- Lập BCSX theo phương pháp bình quân khi CPDD cuối kỳ xác định theo phương pháp Chi phí NVL trực tiếp
- Lập BCSX theo phương pháp bình quân khi CPDD cuối kỳ xác định theo phương pháp % Mức độ hoàn thành
- Lập BCSX theo phương pháp NT-XT khi CPDD cuối kỳ xác định theo phương pháp Chi phí NVL trực tiếp
- Lập BCSX theo phương pháp NT-XT khi CPDD cuối kỳ xác định theo phương pháp % Mức độ hoàn thành
Trong đề bài thi thường sẽ yêu cầu cụ thể dạng báo cáo chúng ta cần lập. Để hiểu chi tiết chúng ta cùng xem các ví dụ về bài tập tính giá thành sản phẩm bằng cách lập Báo cáo sản xuất dưới đây.
Phần 2. Ví dụ về tính giá thành sản phẩm bằng cách lập báo cáo sản xuất
1. Bài tập tính giá thành sản phẩm bằng cách lập báo cáo sản xuất theo “Phương pháp bình quân”
Tình huống: Đề thi CPA Môn Kế toán – Năm 2011 – Đề Chẵn – Câu 5
Phân tích đề bài
Yêu cầu Lập báo cáo sản xuất theo phương pháp bình quân.
Đề bài không chỉ rõ cần tính chi phí dở dang theo phương pháp Chi phí NVLTT hay % mức độ hoàn thành. Tuy nhiên ta thấy tình huống cung cấp thông tin về mức độ chế biến của sản phẩm. Do vậy ta hiểu là chi phí dở dang cuối kỳ được xác định theo % mức độ hoàn thành
Bước 2. Lập báo cáo sản xuất theo phương pháp bình quân
Chỉ tiêu | Tổng Khối lượng, Chi phí | NVLTT | NCTT | SXC |
A.Kê khối lượng và khối lượng tương đương. | 1,170 | 1,100 | 1,100 | |
– Khối lượng hoàn thành (1) | 1,000 | 1,000 | 1,000 | 1,000 |
– Khối lượng dở dang cuối kỳ (2) | 150 | 150 | 90 | 90 |
– Khối lượng sản phẩm hỏng (3) | 20 | 20 | 10 | 10 |
B.Tổng hợp chi phí và xác định chi phí đơn vị | 3,510,000 | 561,000 | 682,000 | |
– Chi phí dở dang đầu kỳ | 610,000 | 150,000 | 180,000 | |
– Chi phí phát sinh trong kỳ | 2,900,000 | 411,000 | 502,000 | |
– Chi phí đơn vị (4) = (B) : (A) | 3,000 | 510 | 620 | |
C. Cân đối chi phí | ||||
Nguồn chi phí đầu vào: | 3,510,000 | 561,000 | 682,000 | |
– Chi phí dở dang đầu kỳ | 610,000 | 150,000 | 180,000 | |
– Chi phí phát sinh trong kỳ | 2,900,000 | 411,000 | 502,000 | |
Phân bổ chi phí đầu ra: | ||||
– Chi phí dở dang cuối kỳ = (4)*(2) | 551,700 | 450,000 | 45,900 | 55,800 |
– Giá thành khối lượng sản phẩm hoàn thành = (4) * (1) | 4,130,000 | 3,000,000 | 510,000 | 620,000 |
– Chi phí SX SP hỏng ngoài định mức = (4) * (3) | 71,300 | 60,000 | 5,100 | 6,200 |
Trong đó:
(2) = số lượng sản phẩm dở dang * tỷ lệ hoàn thành (với chi phí NVLTT: bỏ luôn từ đầu kỳ nên mức độ hoàn thành là 100%; chi phí NCTT và SXC có mức độ hoàn thành là 60%)
(3) = số lượng sản phẩm hỏng * tỷ lệ hoàn thành (với chi phí NVLTT: bỏ luôn từ đầu kỳ nên mức độ hoàn thành là 100%; chi phí NCTT và SXC có mức độ hoàn thành là 50%)
Nhìn vào bảng trên ta sẽ thấy tổng giá thành của sản phẩm trong kỳ được tính ra là 4,130,000.
2. Bài tập tính giá thành sản phẩm bằng cách lập báo cáo sản xuất theo “Phương pháp Nhập trước – Xuất trước”
Tình huống 1 | Đề thi CPA Môn Kế toán – Năm 2018 – Đề lẻ – Câu 5
Phân tích đề bài
(1) Yêu cầu Lập báo cáo sản xuất theo phương pháp NT-XT. Trong tình huống của chúng ta: 500 sản phẩm hoàn thành trong kỳ (480 sản phẩm đạt tiêu chuẩn & 20 sản phẩm hỏng) sẽ bao gồm: 80 sản phẩm dở dang đầu kỳ và hoàn thành trong kỳ & 420 sản phẩm bắt đầu sản xuất trong kỳ và hoàn thành trong kỳ. 20 sản phẩm hỏng theo đề bài là thuộc sản phẩm sản xuất trong kỳ. Như vậy, chỉ còn 400 sản phẩm bắt đầu sản xuất trong kỳ & hoàn thành nhập kho trong kỳ.
(2) Đề bài không chỉ rõ cần tính chi phí dở dang theo phương pháp Chi phí NVLTT hay % mức độ hoàn thành. Tuy nhiên ta thấy tình huống cung cấp thông tin về mức độ hoàn thành của sản phẩm. Do vậy ta hiểu là chi phí dở dang được xác định theo % mức độ hoàn thành
(3) Các chi phí trong kỳ sản xuất (bao gồm chi phí dở dang đầu kỳ & chi phí phát sinh thêm trong kỳ) sẽ phải phân bổ cho:
- Các sản phẩm dở dang đầu kỳ & hoàn thành trong kỳ
- Các sản phẩm sản xuất trong kỳ & hoàn thành nhập kho trong kỳ
- Các sản phẩm sản xuất trong kỳ & bị hỏng ngoài định mức
- Các sản phẩm sản xuất trong kỳ & dở dang cuối kỳ
Lập báo cáo sản xuất theo phương pháp NTXT
Chỉ tiêu | Tổng Khối lượng/ Chi phí | Khối lượng tương đương/ Chi phí | ||
NVLTT | NCTT | SXC | ||
A. Kê khối lượng và khối lượng tương đương | ||||
Khối lượng dở dang đầu kỳ và hoàn thành trong kỳ | 80 | 24 | 40 | 40 |
Khối lượng bắt đầu sản xuất và hoàn thành trong kỳ | 400 | 400 | 400 | 400 |
Khối lượng sản phẩm hoàn thành nhưng bị hỏng ngoài Định mức | 20 | 20 | 20 | 20 |
Khối lượng dở dang cuối kỳ | 100 | 60 | 40 | 40 |
Khối lượng sản phẩm dở dang bị hỏng ngoài ĐM | – | – | – | – |
Tổng cộng | 504 | 500 | 500 | |
B. Tổng hợp chi phí và xác định chi phí đơn vị | ||||
Chi phí phát sinh trong kỳ | 5,274,000 | 3,024,000 | 1,000,000 | 1,250,000 |
Chi phí sản xuất vượt định mức | – | – | – | – |
Chi phí SXC do hoạt động dưới công suất bình thường | – | – | – | – |
Tổng chi phí phát sinh được tính vào gía thành sản phẩm | 5,274,000 | 3,024,000 | 1,000,000 | 1,250,000 |
Chi phí đơn vị [B/A] | 10,500 | 6,000 | 2,000 | 2,500 |
C. Cân đối chi phí | ||||
(i) Nguồn chi phí đầu vào | ||||
Chi phí dở dang đầu kỳ | 535,200 | 347,200 | 84,000 | 104,000 |
Chi phí phát sinh trong kỳ | 5,274,000 | 3,024,000 | 1,000,000 | 1,250,000 |
Tổng cộng | 5,809,200 | 3,371,200 | 1,084,000 | 1,354,000 |
(ii) Phân bổ chi phí đầu ra | ||||
Tính cho khối lượng sản phẩm dở đầu kỳ hoàn thành trong kỳ | 859,200 | 491,200 | 164,000 | 204,000 |
– Kỳ trước | 535,200 | 347,200 | 84,000 | 104,000 |
– Kỳ này | 324,000 | 144,000 | 80,000 | 100,000 |
Chi phí dở dang cuối kỳ | 540,000 | 360,000 | 80,000 | 100,000 |
Giá thành sản phẩm bắt đầu sản xuất và hoàn thành trong kỳ | 4,200,000 | 2,400,000 | 800,000 | 1,000,000 |
Chi phí sản xuất sản phẩm hỏng ngoài định mức | 210,000 | 120,000 | 40,000 | 50,000 |
Tổng cộng | 5,809,200 | 3,371,200 | 1,084,000 | 1,354,000 |
Tình huống 2 | Đề thi CPA Môn Kế toán – Năm 2018 – Đề chẵn – Câu 5
Bước 1. Phân tích đề bài
(1) Đề bài yêu cầu Lập báo cáo sản xuất theo phương pháp Nhập trước – Xuất trước.
600 sản phẩm hoàn thành trong kỳ (570 sản phẩm đạt tiêu chuẩn & 30 sản phẩm hỏng) sẽ bao gồm: 100 sản phẩm dở dang đầu kỳ và hoàn thành trong kỳ và 500 sản phẩm bắt đầu sản xuất trong kỳ và hoàn thành trong kỳ. 30 sản phẩm hỏng theo đề bài là thuộc sản phẩm sản xuất trong kỳ. Như vậy, chỉ còn 470 sản phẩm bắt đầu sản xuất trong kỳ & hoàn thành nhập kho trong kỳ.
(2) Sản phẩm dở dang chưa hoàn thành cần được quy đổi tương đương sang thành phẩm theo tỷ lệ mức độ hoàn thành.
(3) Lưu ý về các thông tin khác:
- Sản phẩm hỏng ngoài định mức: không được tính vào chi phí phân bổ tính giá thành sản phẩm nên cần được tách riêng
- Chi phí NVL vượt định mức: phải loại ra khỏi chi phí sản xuất tính vào giá thành sản phẩm
- Chi phí SXC cố định phát sinh do hoạt động dưới công suất bình thường: phải loại ra khỏi chi phí sản xuất tính vào giá thành sản phẩm.
Bước 2. Lập báo cáo sản xuất theo phương pháp NTXT
Chỉ tiêu | Tổng Khối lượng/ Chi phí | Khối lượng tương đương/ Chi phí | ||
NVLTT | NCTT | SXC | ||
A. Kê khối lượng và khối lượng tương đương | ||||
Khối lượng dở dang đầu kỳ và hoàn thành trong kỳ | 100 | 40 | 60 | 60 |
Khối lượng bắt đầu sản xuất và hoàn thành trong kỳ | 470 | 470 | 470 | 470 |
Khối lượng sản phẩm hoàn thành nhưng bị hỏng ngoài ĐM | 30 | 30 | 30 | 30 |
Khối lượng dở dang cuối kỳ | 150 | 120 | 90 | 90 |
Khối lượng sản phẩm dở dang bị hỏng ngoài ĐM | 50 | 40 | 30 | 30 |
Tổng cộng | 700 | 680 | 680 | |
B. Tổng hợp chi phí và xác định chi phí đơn vị | ||||
Chi phí phát sinh trong kỳ | 7,880,000 | 4,620,000 | 1,360,000 | 1,900,000 |
Chi phí sản xuất vượt định mức | 420,000 | 420,000 | ||
Chi phí SXC do hoạt động dưới công suất bình thường | 200,000 | 200,000 | ||
Tổng chi phí phát sinh được tính vào gía thành sản phẩm | 7,260,000 | 4,200,000 | 1,360,000 | 1,700,000 |
Chi phí đơn vị [B/A] | 6,000 | 2,000 | 2,500 | |
C. Cân đối chi phí | ||||
(i) Nguồn chi phí đầu vào | ||||
Chi phí dở dang đầu kỳ | 642,000 | 372,000 | 126,000 | 144,000 |
Chi phí phát sinh trong kỳ | 7,260,000 | 4,200,000 | 1,360,000 | 1,700,000 |
Tổng cộng | 7,902,000 | 4,572,000 | 1,486,000 | 1,844,000 |
(ii) Phân bổ chi phí đầu ra | ||||
Tính cho khối lượng sản phẩm dở đầu kỳ hoàn thành trong kỳ | 1,152,000 | 612,000 | 246,000 | 294,000 |
Kỳ trước | 372,000 | 126,000 | 144,000 | |
Kỳ này | 240,000 | 120,000 | 150,000 | |
Chi phí dở dang cuối kỳ | 1,125,000 | 720,000 | 180,000 | 225,000 |
Giá thành sản phẩm bắt đầu sản xuất và hoàn thành trong kỳ | 4,935,000 | 2,820,000 | 940,000 | 1,175,000 |
Chi phí sản xuất sản phẩm hỏng ngoài định mức | 690,000 | 420,000 | 120,000 | 150,000 |
Tổng cộng | 7,902,000 | 4,572,000 | 1,486,000 | 1,844,000 |
Vậy là xong dạng bài tính giá thành sản phẩm theo phương pháp Lập báo cáo sản xuất. Trong bài tiếp theo, mình sẽ giải thích về cách tính giá thành theo phương pháp trực tiếp.
Cho mình hỏi Câu 5 – Đề chẵn 2011, khối lượng tương đương dở dang cuối kỳ (2) ở bước 2 của NCTT và SXC kết quả tính ra là 90, trong khi tổng khối lượng sản phẩm dở dang là 150, cách tính ra 90 ở đây được không bạn?
Ad ơi cho mình hỏi tý ạ
Trường hợp mình nhập khẩu hàng mà có ký quỹ thì ghi nhận doanh thu hay chi phí tài chính là chênh lệch tỷ giá giữa ký quỹ và thanh toán hay giữa thanh toán và nhập hàng về ạ?
VD: Công ty mình nhập khẩu lô hàng nước ngoài có ký quỹ 4000usd, tỷ giá là 22.000/USD, ngày 20/01/2019 thanh toán cho khách tỷ giá là 22.100/usd, hàng về ngày 25/01/2019 tỷ giá là 22.200/usd, hạch toán giúp mình trường hợp này với ạ!
Thanks
Hi Hoa
Thông tin bạn đưa chưa đủ rõ ràng nên mình không xử lý được thông tin.
1. Bên bạn là ký quỹ hay ứng trước cho nhà cung cấp? số tiền ký quỹ này về sau có được bù trừ với tổng tiền hàng phải thanh toán cho nhà cung cấp không?
2. Ngày nhận chuyển giao quyền sở hữu hàng hoá (bạn xem điều khoản giao hàng để xác định thời điểm này)? Vì thời điểm ghi nhận tăng tài sản là thời điểm này. Chúng ta phải lấy tỷ giá tại ngày này để ghi tăng tài sản chứ không phải tỷ giá tại ngày hàng về. Trừ khi ngày hàng về = Ngày nhận chuyển giao quyền sở hữu HH.
Thân
Hi ad, cho mình hỏi mình có thể xem phần lý thuyết hướng dẫn đánh giá sản phẩm làm dở theo phương pháp nhập trước, xuất trước ở đâu? Ở trang gần cuối của tài liệu BTC năm 2018 mình có thấy nhắc đến nội dung này nhưng không có hướng dẫn chi tiết. Cảm ơn ad.
Ad ơi, mình muốn hỏi tại sao trong lời giải câu 5 cà đề chẵn và lẻ đề thi kế toán 2018 phần tính giá thành bằng phương pháp lập báo cáo sản xuất. lại chỉ phân bổ chi phí sản xuất phát sinh trong kỳ cho các loại sp (SPDD đầu kỳ sx hoàn thành trong kỳ, SP hoàn thành trong kỳ, SPDD cuối kỳ, SP hỏng, SPDD cuối kỳ..) mà không phân bổ cả chi phí dở dang đầu kỳ cho các loại sp trên để tính chi phí đơn vị nhỉ?. Nhờ Ad xem lại giúp. Tks Ad!
Hi Hương
Bởi vì cả Đề chẵn & lẻ đều yêu cầu lập BCSX theo phương pháp Nhập trước – Xuất trước bạn ah. Theo phương pháp này:
“chi phí dở dang đầu kỳ” sẽ tương ứng với “% hoàn thành của các sản phẩm dư đầu kỳ” rồi (trong đề 2018 chẵn là: 60% với CPNVL và 40% với CPNC & SXC).
Chính vì vậy, khi tính chi phí đơn vị:
Ta chỉ lấy chi phí sản xuất trong kỳ / Sản phẩm tương đương hoàn thành trong kỳ.
Trong đó: SPDD đầu kỳ được bao gồm trong Sản phẩm tương đương hoàn thành trong kỳ sẽ chỉ bao gồm phần “được thực hiện” trong kỳ của SPDD đầu kỳ. Trong đề 2018 chẵn là: 40% với CPNVL và 60% với CPNC & SXC.
Admin
Dear admin,
Tôi có ý kiến về cách tính chi phí NVL vượt định mức tại câu 5 đề chẵn năm 2018. Admin đã tính sai phần chi phí NVL vượt định mức, tính đúng là 420.000 chứ không phải 462.000. Cụ thể như sau:
Trong đề bài cho: “Chi phí NVLTT phát sinh trong kỳ là 4.620.000″ và có lưu ý tại cuối đề như sau: ” Chi phí NVLTT phát sinh trong kỳ vượt mức bình thường là 10%”.
Vì vậy, giá trị 4.620.000 NVL này đã bao gồm phần vượt định mức (10%) trong đó. Nếu ta gọi phần đúng định mức là 100%, vậy phần giá trị nguyên vật liệu này là 110% so với bình thường=> dẫn đến phần định mức NVL là 4.200.000 (lấy 4.620.000 chia cho 110%) => phần vượt định mức là 420.000 (lấy định mức nhân 10%) chứ không phải là 462.000 như cách của admin tính.
Hi bạn, bạn nói hoàn toàn đúng. Ad đã sửa lại công thức rồi. Thanks bạn nhé. 🙂
thưa ad, ad có ví dụ nào về lập báo cáo sản xuất khi cpdd được xác định theo chi phí NVL trực tiếp không ạ?
Hình như là không em ah. Để sang tháng 6 có thời gian quay trở lại chủ đề này thì Ad sẽ nghiên cứu bổ sung thêm.
ad cho em hỏi với ạ phế liệu thu hồi được của 10 sản phẩm hỏng loại ở PX1 ra và 6 sản phẩm hỏng loại ra ở PX2 không thu hồi phế liệu. Giám đốc quyết định 55% sp hỏng bắt công nhân phải bồi thường còn lại 45% tính vào chi phí giá vốn trong kỳ thì
cách tính giá trị sp hỏng DN bắt công nhân phải bồi thường và phần tính vào chi phí giá vốn hàng bán trong kỳ như thế nào ạ
Hi Linh, tình huống em đưa ra chưa rõ lắm. Tuy nhiên, về việc tính giá trị sản phẩm hỏng thì như này. Chúng ta sẽ thực hiện tính giá thành của các sản phẩm hỏng này NHƯ CÁC SẢN PHẨM THÔNG THƯỜNG KHÁC. Nghĩa là cũng phải dựa vào số lượng sản phẩm, mức độ dở dang/hoàn thành của sản phẩm để xác định ra giá trị/giá thành. Sau khi xác định được giá trị của sản phẩm hỏng, thì mới phân bổ tỷ lệ để yêu cầu công nhân bồi thường (Nợ 138/Có 154) hay ghi giá vốn (Nợ 632/Có 154).
ad ơi cho em hỏi với ạ. Khối lượng sản phẩm dở dang đầu tháng là 8000 lít, tỉ lệ hoàn thành 75%, số lượng mới đưa vào sản xuất là 100.000 lít. Số lượng dở dang cuối kỳ là 5000 lít với tỷ lệ hoàn thành là 20%
Chi phí sản xuất gồm giá trị dở dang đầu kỳ là 88.000, trong đó nvl là 21.000, phần chi phí chuyển đổi là 67.000, chi phí phát sinh nvl trong tháng là 573.000, chi phí chuyển đổi là 765.000. Thì giá thành đơn vị của sản phẩm tính như nào ạ?
Hi Nhung,
Cách tính giá thành sản phẩm phụ thuộc vào phương pháp tính giá thành & phương pháp xác định chi phí dở dang cuối kỳ/đầu kỳ em chọn.
Tình huống của em khá đơn giản. Em tham khảo bài này để biết về các phương pháp tính giá thành & nguyên tắc chung để tính giá thành: https://tuonthi.com/dang-bai-tinh-gia-thanh-san-pham-p-1/ là có thể tự xử lý được rồi.
Nếu làm ra đáp án mà không chắc chắn thì có thể gửi Ad cách làm của em, Ad hỗ trợ review giùm. Chứ Ad không giải hộ bài tập em ạ.
AD ơi, cho em hỏi nếu đề bài cho là ” sản phẩm hoàn thành nhưng hỏng không sửa chữa được TRONG định mức” thì có giống cánh tính “sản phẩm hoàn thành nhưng bị hỏng NGOÀI định mức” như các ví dụ trên không ạ??
Hi em, bản chất của TRONG định mức khác với NGOÀi định mức. Dù là sản phẩm hoàn thành hay không cũng vậy. Cứ trong định mức thì chi phí liên quan đến sản phẩm đó vẫn sẽ được tính vào tổng chi phí sản xuất để chia cho số sản phẩm hoàn thành bình thường trong kỳ. Còn NGOÀI định mức thì phải loại ra tính riêng để ghi thẳng vào giá vốn trong kỳ.