[CPA – LT Kế toán] Các nguyên tắc kế toán cơ bản (VAS 01)

Bài 2 của Series hướng dẫn học Lý thuyết Môn Kế toán – Chứng chỉ CPA: “Các nguyên tắc kế toán và ví dụ minh hoạ”

(Video 2 – Video 4)

Trong bài viết này mình sẽ làm rõ 5 nội dung của chủ đề về VAS 01 – Chuẩn mực chung. Bao gồm:

  • Bức tranh toàn cảnh về VAS 01
  • VAS 01 được đề cập trong đề thi CPA môn kế toán như nào?
  • Các nguyên tắc cơ bản của kế toán
  • Các nguyên tắc ghi nhận các yếu tố của BCTC
  • Các yêu cầu cơ bản trong kế toán

Có thể bạn quan tâm: Xác định trọng tâm ôn tập của Đề cương CPA Môn Kế toán

1. Bức tranh toàn cảnh về VAS 01 – Chuẩn mực chung

Nói đơn giản thì VAS 01 quy định 3 nội dung:

  • Các nguyên tắc kế toán và ví dụ
  • Các yêu cầu kế toán cơ bản
  • Các yếu tố và ghi nhận các yếu tố của BCTC

3 nội dung này chính là khuôn khổ chung – nền tảng để xây dựng các chuẩn mực kế toán khác.

VAS 01 không thay thế các chuẩn mực kế toán cụ thể. Khi thực hiện thì căn cứ vào chuẩn mực kế toán cụ thể. Trường hợp chuẩn mực kế toán cụ thể chưa quy định thì thực hiện theo VAS 01.

2. VAS 01 được đề cập trong đề thi CPA môn kế toán như nào?

Nếu đã xem đề thi CPA môn kế toán các năm, bạn sẽ thấy VAS01 chính là 1 trong những nội dung yêu thích nhất của giám khảo. Cụ thể:

  • Năm 2017 – Đề Lẻ: Trình bày nội dung nguyên tắc kế toán phù hợp & trọng yếu? Ví dụ?
  • Năm 2016 – Đề Lẻ: Trình bày các yếu tố liên quan trực tiếp đến đánh giá tình hình & kết quả HĐKD? Ghi nhận khi nào? Ví dụ?
  • Năm 2015 – Đề Chẵn: Trình bày nguyên tắc nhất quán & nguyên tắc giá gốc? Ví dụ?
  • Năm 2014 – Đề Chẵn: Trình bày nội dung nguyên tắc kế toán phù hợp & trọng yếu? Ví dụ?
  • Năm 2014 – Đề Lẻ: Trình bày nguyên tắc cơ sở dồn tích & thận trọng? Ví dụ?
  • Năm 2011 – Đề Chẵn: Trình bày các nguyên tắc cơ bản của kế toán? Ví dụ?

Nhìn cách ra câu hỏi này ta có thể thấy cách tiếp cận chung của đề thi CPA với chủ đề này là: Trình bày nội dung & Ví dụ minh hoạ. Và “Các nguyên tắc kế toán và ví dụ minh hoạ” là nội dung được đề cập đến nhiều nhất. Do đó chúng ta phải học hiểu kỹ.

Có thể bạn quan tâm: Đề thi CPA Môn Kế toán các năm

3. Các nguyên tắc kế toán và ví dụ minh hoạ

7 nguyên tắc kế toán cơ bản là nhằm cung cấp cơ sở cho việc đánh giá, ghi nhận và trình bày trên BCTC. Cụ thể:

Nguyên tắcNội dungVí dụ
(1) Cơ sở dồn tíchMọi nghiệp vụ phải được ghi sổ kế toán vào thời điểm phát sinh. Không căn cứ vào thời điểm thực tế thu chi.Vào 31.12.2018, DN đã ban hành quyết định thưởng tháng lương 13 cho người lao động. Tiền sẽ được thực chi vào 15.1.2019.Như vậy, DN sẽ phải ghi nhận chi phí lương tương ứng với số tiền thưởng này vào BCTC năm 2018. Mặc dù DN chưa thực chi tiền.
(2) Hoạt động Liên tụcBCTC phải được lập trên cơ sở giả định là DN đang hoạt động liên tục & sẽ tiếp tục HĐKD bình thường trong tương lai gần.Khi không thoả mãn giả định hoạt động liên tục: BCTC phải lập trên một cơ sở khác. Và DN phải giải thích cơ sở đã sử dụng để lập BCTC.Tại thời điểm lập BCTC 2018, DN nhận định:
– Sẽ tiếp tục HĐKD bình thường trong năm 2019: HTK sẽ được ghi nhận theo giá gốc.
– Không thoả mãn nguyên tắc hoạt động liên tục trong năm 2019: DN phải đánh giá lại toàn bộ tài sản và nợ phải trả…Theo đó, DN phải ghi nhận HTK vào sổ kế toán theo giá đánh giá lại trước khi lập BCTC. Cụ thể là giá thấp hơn giữa giá gốc và NRV tại thời điểm báo cáo.
(3) Giá gốcTài sản phải được ghi nhận theo giá gốc. Giá gốc của tài sản được tính theo số tiền hoặc khoản tương đương tiền đã trả, phải trả hoặc tính theo giá trị hợp lý của tài sản đó vào thời điểm tài sản được ghi nhận. Giá gốc của tài sản không được thay đổi trừ khi có quy định khác trong chuẩn mực kế toán cụ thể.HTK được ghi nhận theo giá gốc, bao gồm: Chi phí mua, chi phí chế biến và các chi phí liên quan trực tiếp khác phát sinh để có được HTK ở địa điểm và trạng thái hiện tại.Giá gốc đã ghi nhận của HTK chỉ được ghi giảm khi NRV thấp hơn giá gốc. Khi đó, DN sẽ phải lập dự phòng giảm giá HTK để ghi giảm gía gốc này.
(4) Phù hợpViệc ghi nhận doanh thu và chi phí phải phù hợp với nhau. Khi ghi nhận một khoản doanh thu thì phải ghi nhận một khoản chi phí tương ứng có liên quan đến việc tạo ra doanh thu đó.Chi phí tương ứng với doanh thu gồm chi phí của kỳ tạo ra doanh thu và chi phí của các kỳ trước hoặc chi phí phải trả nhưng liên quan đến doanh thu của kỳ đó.

DN ghi nhận doanh thu từ giao dịch cung cấp dịch vụ tư vấn cho khách hàng trong 2018. DN sẽ phải ghi nhận chi phí tương ứng liên quan đến việc tạo ra doanh thu như:

– Chi phí nhân công: lương, thưởng, bảo hiểm, PIT…

– Chi phí ăn ở, đi lại… của nhân sự khi thực hiện tư vấn 

– Chi phí khác như khấu hao máy tính, văn phòng phẩm… được nhân viên sử dụng cho hợp đồng tư vấn

Các chi phí này có thể bao gồm:

– Chi phí phát sinh từ 2017 nhưng khi đó doanh thu chưa được ghi nhận nên được ghi nhận là WIP

– Chi phí đã phát sinh trong 2018

– Chi phí phát sinh trong 2019 nhưng liên quan đến doanh thu đã ghi nhận

(5) Nhất quánCác chính sách và phương pháp kế toán doanh nghiệp đã chọn phải được áp dụng thống nhất ít nhất trong 1 kỳ kế toán năm.Trường hợp có thay đổi thì phải giải trình lý do và ảnh hưởng của sự thay đổi đó trong phần thuyết minh báo cáo tài chính.

Năm 2018, DN quyết định đánh giá HTK theo LIFO thì phải áp dụng thống nhất trong năm 2018.Nếu sang năm 2019, DN muốn chuyển sang phương pháp bình quân gia quyền. Khi đó DN phải chỉ rõ lý do & ảnh hưởng của việc thay đổi này. Việc thay đổi này chỉ nên được thực hiện khi:

– Có yêu cầu của quy định pháp luật

– Việc thay đổi sẽ giúp BCTC được trình bày hợp lý hơn

(6) Thận trọngThận trọng là việc xem xét, cân nhắc, phán đoán cần thiết để lập các ước tính kế toán trong các điều kiện không chắc chắn. Nguyên tắc thận trọng đòi hỏi:
  • Phải lập các khoản dự phòng nhưng không lập quá lớn;
  • Không đánh giá cao hơn giá trị của các tài sản và các khoản thu nhập;
  • Không đánh giá thấp hơn giá trị của các khoản nợ phải trả và chi phí;
  • Doanh thu và thu nhập chỉ được ghi nhận khi có bằng chứng chắc chắn về khả năng thu được lợi ích kinh tế. Chi phí phải được ghi nhận khi có bằng chứng về khả năng phát sinh chi phí.
Tại ngày 31.12.2018, DN đang vướng vào vụ kiện với 1 khách hàng. Chưa có kết quả cuối cùng. Tuy nhiên luật sư của DN cho rằng khả năng cao là công ty sẽ bị thua kiện. Số tiền bồi thường sẽ lên đến $1m. Khi đó công ty sẽ phải ghi nhận chi phí này dù chưa chắc chắn hoàn toàn.
(7) Trọng yếu
  • Thông tin được coi là trọng yếu trong trường hợp nếu thiếu thông tin hoặc thiếu chính xác của thông tin đó có thể làm sai lệch đáng kể BCTC, làm ảnh hưởng đến quyết định kinh tế của người sử dụng BCTC.
  • Tính trọng yếu phụ thuộc vào độ lớn và tính chất của thông tin hoặc các sai sót được đánh giá trong hoàn cảnh cụ thể.
  • Tính trọng yếu của thông tin phải được xem xét trên cả phương diện định lượng và định tính.
Tại 31.12.2018, DN đã ký hợp đồng góp vốn với 1 bên đối tác để thành lập 1 cơ sở kinh doanh đồng kiểm soát. Khi đó, dù giá trị vốn góp là bao nhiêu hay khi nào thực sự tiến hành góp vốn… DN cũng sẽ phải thuyết minh đầy đủ thông tin này trên BCTC. Bởi vì việc thành lập cơ sở kinh doanh này là sự thay đổi trong HĐKD trong tương lai của DN.

4. Các yếu tố và ghi nhận các yếu tố của BCTC

(1) Các yếu tố liên quan trực tiếp đến việc xác định tình hình tài chính trong BCĐKT:

Chỉ tiêuNội dungCơ sở ghi nhận
Tài sảnTài sản: Là nguồn lực do doanh nghiệp kiểm soát và có thể thu được lợi ích kinh tế trong tương lai.Lợi ích kinh tế trong tương lai của một tài sản là tiềm năng làm tăng nguồn tiền và các khoản tương đương tiền của doanh nghiệp hoặc làm giảm bớt các khoản tiền mà doanh nghiệp phải chi ra.Tài sản được ghi nhận trong Bảng cân đối kế toán khi:
  • Doanh nghiệp có khả năng chắc chắn thu được lợi ích kinh tế trong tương lai &Giá trị của tài sản đó được xác định một cách đáng tin cậy.
Nợ phải trảNợ phải trả: Là nghĩa vụ hiện tại của doanh nghiệp phát sinh từ các giao dịch và sự kiện đã qua mà doanh nghiệp phải thanh toán từ các nguồn lực của mình.Nợ phải trả phát sinh từ các giao dịch và sự kiện đã qua.Được ghi nhận trong BCĐKT khi:
  • Có đủ điều kiện chắc chắn là DN sẽ phải dùng một lượng tiền chi ra để trang trải cho những nghĩa vụ hiện tại mà DN phải thanh toán.

  • Khoản nợ phải trả đó phải xác định được một cách đáng tin cậy.
Vốn chủ sở hữuVốn chủ sở hữu: Là giá trị vốn của doanh nghiệp, được tính bằng số chênh lệch giữa giá trị Tài sản (-) Nợ phải trả.Bao gồm: vốn của các nhà đầu tư, thặng dư vốn cổ phần, lợi nhuận giữ lại, các quỹ, lợi nhuận chưa phân phối, chênh lệch tỷ giá và chênh lệch đánh giá lại tài sảnĐược ghi nhận đối ứng với các khoản mục còn lại

(2) Các yếu tố liên quan trực tiếp đến đánh giá tình hình & kết quả kinh doanh trong BCKQHĐKD:

Chỉ tiêuNội dungCơ sở ghi nhận
Doanh thu & Thu nhập khácDoanh thu và thu nhập khác: Là tổng giá trị các lợi ích kinh tế DN thu được trong kỳ kế toán, góp phần làm tăng VCSH, không bao gồm khoản góp vốn của cổ đông hoặc chủ sở hữu.Bao gồm:
  • Doanh thu phát sinh trong quá trình HĐKD thông thường của DN.VD: Doanh thu bán hàng, doanh thu cung cấp dịch vụ, tiền lãi, tiền bản quyền, cổ tức và lợi nhuận được chia..Thu nhập khác: các khoản thu nhập phát sinh từ các hoạt động ngoài các hoạt động tạo ra doanh thu. VD: thu từ thanh lý, nhượng bán TSCĐ, thu tiền phạt khách hàng do vi phạm hợp đồng…
Được ghi nhận trong BCKQHĐKD khi thu được lợi ích kinh tế trong tương lai có liên quan tới sự gia tăng về tài sản hoặc giảm bớt nợ phải trả và giá trị gia tăng đó phải xác định được một cách đáng tin cậy.
Chi phíChi phí là tổng giá trị các khoản làm giảm lợi ích kinh tế trong kỳ kế toán dưới hình thức:
Các khoản tiền chi ra
    – Các khoản khấu trừ tài sản
Phát sinh các khoản nợ dẫn đến làm giảm VCSH

Bao gồm: Các chi phí SXKD phát sinh trong quá trình HĐKD thông thường của DN. Chi phí khác: là chi phí phát sinh ngoài quá trình HĐKD thông thường. VD: chi phí về thanh lý, nhượng bán tài sản cố định, khoản tiền phạt do vi phạm hợp đồng…

– Được ghi nhận trong BCKQHĐKD khi các khoản chi phí này làm giảm bớt lợi ích kinh tế trong tương lai có liên quan đến việc giảm bớt tài sản hoặc tăng nợ phải trả. Và chi phí này phải xác định được một cách đáng tin cậy.
– Việc ghi nhận chi phí phải tuân thủ nguyên tắc phù hợp giữa doanh thu và chi phí.
– Khi doanh thu và thu nhập khác liên quan đến nhiều kỳ kế toán thì các chi phí liên quan được ghi nhận tương ứng trên cơ sở phân bổ theo hệ thống hoặc theo tỷ lệ.
– 1 khoản chi phí được ghi nhận ngay vào kết quả kinh doanh trong kỳ khi không đem lại lợi ích kinh tế trong các kỳ sau.

5. Các yêu cầu kế toán cơ bản

Có 6 yêu cầu cơ bản đối với hoạt động kế toán:

  • Trung thực: Các thông tin và số liệu kế toán phải được ghi chép và báo cáo trên cơ sở các bằng chứng đầy đủ, khách quan và đúng với thực tế.
  • Khách quan: Các thông tin và số liệu kế toán phải được ghi chép và báo cáo đúng với thực tế.
  • Đầy đủ: Mọi nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh liên quan đến kỳ kế toán phải được ghi chép và báo cáo đầy đủ.
  • Kịp thời: Các thông tin và số liệu kế toán phải được ghi chép và báo cáo kịp thời, không được chậm trễ.
  • Dễ hiểu: Các thông tin và số liệu kế toán trình bày trong BCTC phải rõ ràng, dễ hiểu đối với người sử dụng. Những vấn đề phức tạp trong BCTC phải được giải trình trong phần thuyết minh.
  • Có thể so sánh: Các thông tin và số liệu kế toán phải được tính toán và trình bày nhất quán để có thể so sánh được với nhau. Trường hợp không nhất quán thì phải giải trình trong phần thuyết minh.

Vậy là mình đã giải thích xong các nguyên tắc cơ bản của kế toán cũng như VAS01. Trong bài viết tiếp theo mình sẽ giải thích về nguyên tắc lập & trình bày các chỉ tiêu trên BCTC. Các bạn theo dõi nhé!

10 bình luận trong “[CPA – LT Kế toán] Các nguyên tắc kế toán cơ bản (VAS 01)”

  1. Admin có viết bài về nguyên tắc lập & trình bày các chỉ tiêu trên BCTC chưa nhỉ, có thể đăng cho mọi người tham khảo với nhé? Cảm ơn Ad.

  2. ad cho e hỏi là nguyên tắc kt quản trị và kttc có điểm gì khác nhau ạ? ad cho ví dụ cụ thể nhé! Em cảm ơn!

    1. Hi em, theo hiểu biết của Ad thì kế toán tài chính sẽ phải tuân thủ đầy đủ theo các nguyên tắc kế toán quy định tại chuẩn mực kế toán và thông tư 200. Còn kế toán quản trị thì theo thông tư 53/2006. Theo đó thông tư này quy định:

      “Việc tổ chức hệ thống thông tin kế toán quản trị không bắt buộc phải tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc kế toán và có thể được thực hiện theo những quy định nội bộ của doanh nghiệp nhằm tạo lập hệ thống thông tin quản lý thích hợp theo yêu cầu quản lý cụ thể của từng doanh nghiệp. Doanh nghiệp được toàn quyền quyết định việc vận dụng các chứng từ kế toán, tổ chức hệ thống sổ kế toán, vận dụng và chi tiết hoá các tài khoản kế toán, thiết kế các mẫu báo cáo kế toán quản trị cần thiết phục vụ cho kế toán quản trị của đơn vị”

      Như vậy, chúng ta hiểu rằng các nguyên tắc kế toán trong chuẩn mực kế toán quy định là gốc. Kế toán tài chính phải bắt buộc áp dụng chính xác theo.Còn Kế toán quản trị thì không bắt buộc phải tuân thủ chính xác theo mà có thể thay đổi tuỳ theo yêu cầu nội bộ.

      Ví dụ, kế toán tài chính bắt buộc phải tuân thủ nguyên tắc dồn tích khi hạch toán chi phí. Nghĩa là chi phí phải ghi nhận theo thời điểm thực sự phát sinh, chứ không phải khi chi tiền. Nhưng kế toán quản trị, thì không bắt buộc tuân thủ nguyên tắc này. Doanh nghiệp có thể ghi nhận chi phí theo thời điểm thực chi tiền nếu như vậy đáp ứng nhu cầu thông tin của mình.

  3. Em muốn hỏi chút là “Liên hệ nguyên tắc trọng yếu trong kế toán ở Việt Nam hiện nay” thì mình liên hệ như nào ạ?

    1. Hi Trang, cách ra câu hỏi mỗi chương trình thi/mỗi hội đồng thi hay có kiểu riêng. Nên Ad cũng không chắc chắn yêu cầu “liên hệ” của em ở đây cụ thể như nào. Ad đoán là: giải thích nội dung nguyên tắc này, và lấy các ví dụ thực tế về nguyên tắc trọng yếu thôi.

Bình luận đã bị đóng.

You cannot copy content of this page

Lên đầu trang