Bài 1 của Series hướng dẫn học Lý thuyết Đề thi môn Thuế – Chứng chỉ CPA
Nếu bạn thích đọc hơn thì bài viết này là dành cho bạn. Trong bài viết này mình sẽ làm rõ 3 nội dung của Đề cương ôn thi môn thuế. Bao gồm:
- Bức tranh toàn cảnh của Đề cương môn thuế
- Nội dung trọng tâm của Lý thuyết Đề thi môn thuế
- Cách học lý thuyết hiệu quả
Phần 1. Bức tranh toàn cảnh của Đề cương môn thuế
Nói 1 câu đơn giản nhất thì Đề cương môn thuế bao gồm tất cả các sắc thuế lớn trong hệ thống thuế Việt Nam. Còn chi tiết thì đề cương môn thuế có thể chia thành 2 phần lớn:
(1) 5 sắc thuế chính: với nôi dung gần như copy từ thông tư ra. Bao gồm từ đối tượng chịu thuế, nộp thuế, cách tính thuế, thuế suất…
- Thuế giá trị gia tăng
- Thuế tiêu thụ đặc biệt
- Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu
- Thuế thu nhập doanh nghiệp
- Thuế thu nhập cá nhân
(2) Các vấn đề liên quan khác: Bao gồm:
- Những vấn đề chung về thuế: như bản chất của thuế; phân loại các loại thuế; khái niệm cơ bản về biểu thuế, ưu đãi thuế…
- Quản lý thuế: quy định về đăng ký, hồ sơ, kỳ hạn kê khai, nộp thuế…
- Kế hoạch thuế: là những kế hoạch về thuế của các đối tượng nộp thuế.
- Quy định về dịch vụ hành nghề làm thủ tục về thuế và tư vấn thuế: như điều kiện hành nghề, đăng ký hành nghề, sự kiểm tra giám sát của cơ quan nhà nước…
Phần 2. Nội dung trọng tâm của phần lý thuyết Đề thi môn thuế
Như lúc trước mình đã chia sẻ, đề thi môn thuế luôn có bố cục đảm bảo tương đối đầy đủ các sắc thuế. Riêng phần lý thuyết, câu hỏi thường được ra theo các dạng sau:
- Trình bày/phân tích một vài nội dung của một sắc thuế, có thể yêu cầu kèm ví dụ minh họa
- Đưa ra tình huống và yêu cầu nêu ý kiến, cách xử lý
- Trình bày/phân tích một nội dung liên quan đến 2 sắc thuế
Và nội dung câu hỏi thường rơi vào các phần hay gặp trong thực tế như:
(1) Thuế TTĐB và thuế XNK:
- Đối tượng nộp thuế & chịu thuế
- Cách tính số thuế phải nộp & kê khai
- Điều kiện được áp dụng thuế suất đặc biệt
(2) Thuế GTGT:
- Điều kiện, nguyên tắc khấu trừ thuế đầu vào
- Điều kiện được hoàn thuế GTGT
- Các trường hợp đặc biệt: không phải kê khai & nộp thuế; Áp dụng VAT 0%
(3) Thuế TNDN:
- Nguyên tắc xác định các khoản thu nhập chịu thuế
- Nguyên tắc xác định chi phí được trừ & không được trừ
- Các khoản thu nhập được miễn thuế
- Nguyên tắc ưu đãi thuế
(4) Thuế TNCN:
- Nội dung các khoản thu nhập chịu thuế/miễn thuế
- Các khoản giảm trừ
- Cách tính thuế cho thu nhập từ tiền lương, tiền công
- Cách tính thuế cho 1 số loại thu nhập đặc biệt
(5) Luật quản lý thuế:
- Các trường hợp được xoá nợ tiền thuế…
- Các trường hợp được gia hạn nộp thuế
- Các quy định phạt chậm nộp, thời hạn, mức phạt…
Phần 3. Học lý thuyết như nào cho hiệu quả ?
Khi mình chia sẻ về Kinh nghiệm ôn thi CPA môn thuế thì rất nhiều bạn đã hỏi: trường hợp không có kinh nghiệm nhiều về thuế, thì nên học như nào khi mà đề thi môn thuế gồm rất nhiều sắc thuế khác nhau? Hy vọng các bạn sẽ tìm thấy câu trả lời ở đây. Bạn nào đã professional rồi thì bỏ qua phần này nhé!
(1) Nguyên tắc 1: không lao vào làm ngay bài tập/đề thi – Hãy làm quen với lý thuyết cơ bản trước
(2) Nguyên tắc 2: hãy áp dụng nguyên tắc 80/20 khi bạn đọc các văn bản về thuế.
Đừng quên rằng đề thi môn thuế của chứng chỉ CPA sẽ chỉ kiểm tra những kiến thức “cốt lõi” về thuế. Nghĩa là sẽ không ai hỏi chúng ta những thứ quá chi tiết như: sửa hoá đơn như thế nào? và cũng không hỏi những điều quá xa vời.
Do đó, đừng mất thời gian đọc hết toàn bộ thông tư hoặc đề cương ôn tập khi bạn không có nhiều thời gian. Hãy tập trung vào những kiến thức “cốt lõi” để hiểu được logic chung của mỗi loại thuế:
- Đối tượng chịu thuế/nộp thuế
- Đối tượng không chịu thuế
- Đối tượng được miễn thuế
- Cách tính thuế
- Thuế suất áp dụng
- Một số trường hợp đặc biệt
(3) Nguyên tắc 3: Trong khi bạn đọc lý thuyết, cố gắng tóm tắt lại các kiến thức bằng cách vẽ sơ đồ. Tin mình đi, cách làm này hiệu quả khi bạn học bất kỳ thứ gì. (Các bạn có thể sử dụng phần mềm Simplemind để vẽ. Free và dễ sử dụng)
Trong quá trình bạn đọc lý thuyết, luôn tự đặt câu hỏi Tại sao. Ví dụ, tại sao khoản mục này lại phải chịu thuế? tại sao chi phí này được khấu trừ?… Và hãy vận dụng kiến thức “cốt lõi” đã đọc để trả lời các câu hỏi kiểu này.
(4) Nguyên tắc 4. Hãy thử so sánh và liên kết các sắc thuế. Cụ thể:
- Gắn các sắc thuế với hoạt động hàng ngày của công ty
Hãy thử tưởng tượng bạn là 1 công ty đang hoạt động. Và vẽ sơ đồ mình hoạ các loại thuế có thể phát sinh khi công ty phát sinh các giao dịch hàng ngày. Đây là cách tuyệt vời giúp bạn ghi nhớ được đối tượng chịu thuế của các sắc thuế khác nhau mà không bị lẫn lộn.
(Khi làm tư vấn, mình luôn dùng cách này để xác định các nghĩa vụ thuế có thể phát sinh của công ty khách hàng)
- Phân loại thuế: Chúng ta biết rằng thuế được chia thành thuế trực thu và thuế gián thu.
Thuế trực thu: trực tiếp điều tiết vào thu nhập hoặc tài sản của người nộp thuế: người chịu thuế = người nộp thuế. Thuế TNCN và TNDN là thuế trực thu
Thuế gián thu:điều tiết một cách gián tiếp vào thu nhập của người tiêu dùng HHDV thông qua cơ chế giá: người chịu thuế khác với người nộp thuế.Thuế GTGT, XNK và TTĐB là thuế gián thu.
Hỏi: Tại sao chúng ta cần phải phân loại các sắc thuế trước khi đi tìm hiểu chi tiết? |
Trả lời: Bởi vì bản chất là thuế trực thu/gián thu sẽ ảnh hưởng đến cách xác định các vấn đề “cốt lõi” của sắc thuế đó. |
Ví dụ: |
Thuế TNCN và thuế TNDN là thuế trực thu => Đối tượng chịu thuế và cũng là đối tượng nộp thuế của 2 sắc thuế này là chủ thể có phát sinh thu nhập => Thu nhập tính thuế của mỗi sắc thuế là thu nhập đã bao gồm loại thuế này. Nếu thu nhập phát sinh chưa bao gồm thuế thì sẽ phải gross-up lên. |
Thuế GTGT, thuế TTĐB, thuế XNK là thuế gián thu => Đối tượng chịu thuế (HHDV) sẽ khác với đối tượng nộp thuế (chủ thể có hoạt động mua, bán, tiêu thụ HHDV) => Giá tính thuế tính thuế của mỗi sắc thuế là giá chưa bao gồm chính loại thuế này. Nếu giá của HHDV đã bao gồm thuế thì sẽ phải tính ra giá chưa bao gồm thuế. |
Rất dễ hiểu đúng không nào?
Thay vì cố học vẹt và rối tung lên vì không biết lúc nào dùng giá đã có thuế, lúc nào dùng giá chưa có thuế. Thì việc phân loại các sắc thuế theo đúng bản chất sẽ giúp chúng ta “nhớ” được rất dễ dàng.
- HHDV có thể chịu rất nhiều loại thuế gián thu. Vậy các sắc thuế sẽ được tính theo thứ tự nào?
Thuế XNK: Tính đầu tiên. Giá tính thuế XNK sẽ không bao gồm loại thuế nào hết
Thuế TTĐB: Tính thứ 2. Giá tính thuế TTĐB là giá đã bao gồm thuế XNK nhưng chưa bao gồm thuế GTGT
Thuế GTGT: Tính sau cùng. Giá tính thuế GTGT là giá đã bao gồm thuế XNK, TTĐB
Thứ tự này cực kỳ quan trọng khi bạn làm bài tập tính toán của đề thi môn thuế.
Ok, vậy là tạm ổn để bắt đầu. Trong các bài viết tiếp theo, mình sẽ chuyển sang giải thích chi tiết cho từng nội dung lý thuyết quan trọng của Đề thi môn thuế.
Hi ad, mình vừa thi môn thuế, đề lẻ chiều nay xong, có 1 ý về tính thuế TTĐB mình ko rõ :trường hợp mua bia nước từ cơ sở kinh doanh để sản xuất và tiêu thụ thì có được khấu trừ thuế TTĐB mua vào tương ứng không? Mình hiểu là ko, nếu mua từ cơ sở sản xuất thì mới được,ad có nghĩ vậy ko?