Chứng chỉ ACCA là gì? Và chương trình học như thế nào?

Mấy hôm trước Ad có tạo mấy thư mục liên quan ACCA nhưng chưa có thời gian post bài ngay được. Mà nhiều bạn vào inbox hỏi quá trời. Nào thì chứng chỉ ACCA là gì? Hay có nên học ACCA không? Điều kiện học ACCA ra sao…

Chính vì vậy nên trước khi đi vào chi tiết nội dung các môn học, Ad sẽ giải thích 6 thắc mắc phổ biến nhất của các bạn về chứng chỉ ACCA:

  • Chứng chỉ ACCA là gì?
  • Giá trị của chứng chỉ ACCA là gì?
  • Có nên học ACCA không?
  • Học ACCA có khó không? Nên tự học ACCA hay đi học ở trung tâm?
  • Không giỏi Tiếng Anh có học ACCA được không?
  • Chương trình học ACCA như nào?

1. Chứng chỉ ACCA là gì?

ACCA là chứng chỉ nghề nghiệp kế toán do Hiệp hội ACCA – Kế toán công chứng Anh quốc cấp. Đây là một hiệp hội nghề nghiệp được hình thành từ rất lâu rồi. Và họ có uy tín lớn trên thế giới, được công nhận ở rất nhiều nước.

Các bạn cần phân biệt ACCA với các chứng chỉ kế toán quốc tế khác. Kiểu như: CIMA & CMA là các chứng chỉ về kế toán quản trị. Hay chứng chỉ về Lập báo cáo Tài chính Quốc tế – DipIFR & CertIFR.

2. “Giá trị” của Chứng chỉ ACCA là gì?

Hiện nay chứng chỉ ACCA được công nhận rộng rãi và có giá trị với các doanh nghiệp, đặc biệt là các công ty đa quốc gia, các công ty kiểm toán nước ngoài. Khi có Chứng chỉ ACCA, bạn có thể thi chuyển đổi sang CPA Việt Nam dễ dàng nhé.

Nếu bạn ứng tuyển vào công ty kiểm toán, tư vấn mà trên CV ghi là “ACCA member” hoặc đã hoàn thành mấy môn của chương trình ACCA thì sẽ là một điểm cộng. Các công ty kiểm toán Big 4 đều khuyến khích và tạo điều kiện cho nhân viên học ACCA.

Hồi Ad mới từ Deloitte chuyển sang công ty tư vấn thuế của Nhật. Bác sếp nhật thấy Ad có Chứng chỉ ACCA thì ưng lắm.

Tuy nhiên, nếu bạn nghĩ chỉ cần có chứng chỉ ACCA là thu nhập nhảy phát mấy ngàn đô thì không có đúng nhé. Mức thu nhập cao dựa vào rất nhiều tiêu chí. Mà theo Ad thì phụ thuộc nhiều vào kỹ năng mềm hơn.

3. Có nên học ACCA không?

Ad trả lời là tùy vào 2 vấn đề: mục đích và tình trạng của bạn.

Như Ad đã nói bên trên, có Chứng chỉ ACCA là 1 điểm cộng cho CV của bạn khi tìm việc. Đặc biệt với tình trạng sinh viên kế toán, kiểm toán ra trường thất nghiệp nhiều. Nhưng không phải cứ có Chứng chỉ ACCA là lương mấy ngàn đô này nọ.

– Về nội dung chương trình học ACCA thì cá nhân Ad thấy cũng rất hay. Ad học biết thêm nhiều thứ. Dù lúc học chả hiểu sao ACCA nó bắt mình học cái môn đó. Nhưng càng làm thêm nhiều năm, thì lại thấy kiến thức mình đã học thực sự có ích.

– Tuy nhiên, học phí ACCA không rẻ chút nào. Hồi Ad còn sinh viên, có nghe đến ACCA, cũng muốn học ngay nhưng không có tiền nên chịu.

– Ngoài ra, ACCA không phải chứng chỉ nghề nghiệp duy nhất. Ngoài nó còn có CPA úc, CPA mỹ… các kiểu. Ad khuyên các bạn trước tiên hãy tìm hiểu 1 lượt về các loại chứng chỉ nghề nghiệp mình có thể học. Sau đó hãy quyết định có nên học ACCA không.

Có thể bạn quan tâm: Học ACCA hết bao nhiêu tiền?

4. Học ACCA có khó không? Nên tự học ACCA hay đi học ở trung tâm?

(1) Học ACCA có khó không?

Theo cá nhân Ad thấy thì không phải là quá khó. Vì Ad không phải người thông minh xuất chúng, nhưng vẫn hoàn thành chương trình theo lịch chuẩn. Nhưng học ACCA không dễ như ăn kẹo. Nên bạn chắc chắn phải bỏ thời gian, công sức nếu bạn muốn hoàn thành nó. Tốt nhất là bạn nên có kế hoạch học, thi cụ thể trước và bám theo kế hoạch này còn không thì dẹp ngay từ đầu. Tránh lãng phí tiền của công sức vô ích.

(2) Nên tự học ACCA hay đi học ở trung tâm?

Cái này câu trả lời của Ad cũng là tùy tình hình nhá.

Ngày xưa Ad có đăng ký học 1 môn qua Vietsourcing để họ làm luôn thủ tục ban đầu cho mình. Nhưng sau khi học thì Ad thấy không hiệu quả. Vì Ad nghe thầy người Malaysia nói tiếng anh không rõ lắm. Thêm nữa là những gì thầy nói cũng đều có trong sách rồi. Mấy buổi cuối khóa vì chán nên Ad toàn bỏ.

Sau đó thì Ad quyết định tự học. Vừa tiết kiệm tiền, vừa hiệu quả hơn vì có thể học theo nhịp độ của riêng mình.

Ngoài ra, theo Ad thấy thì ACCA đặc biệt dễ tự học. Vì sao? ACCA họ cũng cấp quá rõ ràng toàn bộ thông tin liên quan đến kỳ thi mà thí sinh cần. Từ giáo trình, sách bài tập, đến bài test mẫu (mock exam), đề thi các năm, kỹ năng làm bài thi… đều sẵn sàng chỉ chờ bạn học.

Tuy nhiên, khi tự học thì bạn cần phải là người có ý chí, kỷ luật để tuân thủ kế hoạch mình đã đặt ra. Vì là tự học mà, nên không có ai thúc giục cả. Ad biết khá nhiều trường hợp tự nhận là không có khả năng tự học. 😀 Thế nên các bạn tự xem mình như nào để quyết định nhé.

5. Không giỏi Tiếng Anh có học ACCA được không?

Câu trả lời là CÓ nhé. Hồi Ad học, trình độ tiếng anh cũng bập bẹ. Nhưng bài thi cũng toàn thi viết thôi mà, nên chỉ cần khả năng đọc hiểu thôi. Tuy nhiên, sẽ là lợi thế nếu bạn đã biết tiếng anh chuyên ngành kế toán tài chính. Còn nếu không biết thì sao? Không sao cả. Sử dụng chính sách của ACCA làm tài liệu học tiếng anh luôn. Học đến đâu tra từ điển đến đó. Đảm bảo sau 1 môn là thạo.

6. Chương trình học ACCA như nào?

Nói 1 cách khái quát thì chương trình ACCA sẽ gồm 15 môn học, chia làm 3 cấp độ là:

  • Cấp độ ứng dụng kiến thức (“Applied Knowledge Level”): 3 môn
  • Cấp độ ứng dụng kỹ năng (“Applied Skills Level”): 6 môn
  • Cấp độ chiến lược (“Strategic Level”): 6 môn

Chi tiết các bạn xem bảng tóm tắt dưới đây nhé:

chung-chi-acca-la-gi

Lưu ý:

(1) Các môn thi phải được thực hiện theo thứ tự từng cấp độ từ thấp đến cao: Ứng dụng kiến thức -> Ứng dụng kỹ năng -> Chiến lược. Tuy nhiên, chúng ta có thể thi các môn trong mỗi cấp độ theo bất kỳ thứ tự nào. Nếu muốn tham gia các môn ở cấp độ tiếp theo, ta sẽ phải tham gia tất cả các môn chưa hoàn thành của cấp độ hiện tại của mình.

(2) Trong số 6 môn ở cấp độ chiến lược (“Strategic Level”), 2 môn SBR và SBL là bắt buộc. Với 4 môn còn lại, chúng ta chỉ cần chọn 2 môn để hoàn thành là được.

(3) Các môn chiến lược sẽ khó hơn hẳn các môn ở cấp độ cơ bản. Nhìn chung, các môn chiến lược yêu cầu kỹ năng viết lách và tiếng anh phải tương đối khá. Tuy nhiên sau khi đã hoàn thành các môn cơ bản thì chúng ta cũng đã tự trau dồi được kỹ năng của bản thân để đáp ứng yêu cầu của môn chiến lược rồi. Nên không việc gì phải xoắn.

(4) Các môn Luật và Thuế có đặc thù liên quan đến văn bản pháp luật. Nên sẽ là vô lý nếu bắt các thí sinh nước khác phải học cùng phiên bản với thí sinh ở UK. Vì vậy ACCA người ta cho phép các môn này được thiết kế phù hợp với môi trường của thí sinh. Ví dụ như môn thuế, sẽ có phiên bản VNM cho thí sinh ở Việt Nam nhé. Hoặc SBR thì có INT & UK, chúng ta chọn INT.

(5) Ngoài các môn học trên, bạn sẽ cần hoàn thành 1 chương trình online về Đạo đức và và Kỹ năng nghề nghiệp (“Ethics and Professional Skills module”). Chương trình này có thể được thực hiện bất kỳ lúc nào sau khi hoàn thành các môn ở cấp độ Ứng dụng kiến thức. Tuy nhiên, nội dung của chương trình này sẽ hỗ trợ kiến thức cho các môn ở cấp độ Chiến lược. Do vậy, ACCA khuyên chúng ta hoàn thành chương trình này trước khi học các môn chiến lược.

Nếu các bạn băn khoăn không biết nên bắt đầu với môn nào, thì có thể tham khảo bài viết về Lộ trình học ACCA phù hợp cho người mới bắt đầu.

Hy vọng những thông tin trên đã đủ để giải đáp thắc mắc của các bạn. Nếu bạn quyết định học ACCA, bạn có thể tham khảo Thủ tục đăng ký thi ACCA. Và đừng quên thường xuyên ghé qua Web nhé. Ad sẽ liên tục cập nhật các bài hướng dẫn chi tiết cách tự học ACCA sao cho hiệu quả nhất.

20 bình luận về “Chứng chỉ ACCA là gì? Và chương trình học như thế nào?”

    • Hi Hao, theo kinh nghiệm của ad cũng như quan sát các bạn bè đồng nghiệp thì ad thấy nếu đã học xong các môn kế toán cơ bản ở trường đại học. Thì tốt nhất là bỏ qua luôn 4 môn. Học thẳng từ F5. Do 2 nguyên nhân:
      1. Tiết kiệm thời gian & tiền bạc (cái này rất quan trọng)
      2. Môn F5 là nâng cao của F2, F7 là nâng cao của F3… Nhưng trong sách F5, F7 đều có phần kiến thức ôn tập lại các kiến thức liên quan ở F2, F3. Nên bản thân t thấy k khó khăn gì cả… Chính vì nguyên nhân này nên ad thấy không cần học lại làm gì cho chắc cả. Tất nhiên nếu học F2 F3 thì lên F5… sẽ đỡ bỡ ngỡ hơn. Nhưng vì đỡ bỡ ngỡ hơn mà bỏ hơn chục củ tiền thi thì với bản thân ad là thấy không đáng. 😀

      Bình luận
    • Dạ Chào Admin. Em làm kế toán cũng được 5 năm rồi ạ. Em mới có bằng liên thông trường Đại học kinh tế chuyên ngành kế toán doanh nghiệp xong ạ. Đọc bài chia sẻ của Admin thấy hay và bổ ích quá. Admin cho em xin một ít kinh nghiệm được không ạ, em xin hỏi ngoài lề một chút ạ. Ở vị trí của em. Em định hướng sẽ cố gắng phấn đấu ở vị trí CFO. Thì em cần và phải bổ sung những kiến thức và kinh nghiệm gì được không ạ. Vì em đã có gia đinh, chưa có con. Em cũng muốn và rất muốn phấn đấu theo đuổi nghề nghiệp của mình. Trình độ tiếng anh của em cũng ở mức bình thường. Mong Admin có thể cho em lời khuyên được không ạ. Em xin trân thành cảm ơn Admin.

      Bình luận
      • Hi Ngọc, yêu cầu về vị trí CFO cho từng nhóm công ty sẽ khác nhau. Công ty to khác công ty quy mô vừa (công ty nhỏ chắc không có). Công ty nước ngoài khác Việt Nam. Về cơ bản thì người ta đều yêu cầu có kinh nghiệm làm CFO ở các công ty khác rồi. Nên theo Ad thì nên định hướng apply vị trí này tại công ty nào dễ trước (họ có thể không yêu cầu có kinh nghiệm làm CFO), sau đó có kinh nghiệm rồi thì chuyển sau. Bước đệm cho vị trí CFO thường là kế toán trưởng hoặc giám đốc tài chính. Em nên search google các job tuyển dụng vị trí CFO, em sẽ biết chi tiết người ta yêu cầu những cái gì để mình tìm cách đạt được đó.

        Bình luận
  1. Cho mình hỏi là nếu như mình đã đăng ký ACCA và được miễn 3 môn đầu, sau khi thi 1 môn thì mình có bằng CPA Việt Nam thì mình có được đăng ký tiếp miễn thi 3 môn tiếp theo không vậy bạn? Hay miễn thi chỉ áp dụng khi đăng ký ban đầu thôi? Có quy định là phải thi môn nào trước thì mới được thi các môn khác không vậy bạn?

    Bình luận
    • Hi Phương, ad nghỉ mấy ngày nên giờ mới trả lời bạn được. Với câu hỏi của bạn có 2 ý:
      1. Thủ tục & điều kiện được miễn thi sẽ thay đổi tuỳ theo chính sách hàng năm của ACCA. Bạn gọi qua văn phòng ACCA Việt Nam hỏi trực tiếp là nhanh & chính xác nhất. Mấy chị bên đó nhiệt tình lắm luôn: VP Hà nội: 024 39 461 388. Nếu không được thì gửi mail qua ACCA. 3 ngày là họ phản hồi. Đừng ngại hỏi họ. Vì họ thu phí cao là vì những cái dịch vụ hỗ trợ này của họ rất tốt bạn ah.
      2. Thứ tự thi các môn: Quy định là phải xong hết F mới sang P. Hết P bắt buộc mới đến P tự chọn. Ví dụ bạn thi còn môn F9. Nếu kỳ T12 này muốn thi P2 thì bạn phải đăng ký cùng lúc F9 và P2. Chứ không thể chỉ đăng ký P2 vì bắt buộc thi hết F trước.
      Còn gì k rõ thì bạn cứ để lại comment nhé. Ad sẽ cố gắng trả lời sớm

      Bình luận
  2. Mình thấy bạn có đề cập đến thông tin khóa học Tiếng anh miễn phí của BPP, mình có vào nhưng không tìm thấy. Ad cho mình hỏi khóa này có liên tục không hay mình phải đợi BPP cung cấp theo từng giai đoạn?

    Bình luận
    • Ah tuỳ chọn bạn ah. Chỉ bắt buộc là phải từ F rồi mới đến P thôi. Lưu ý là trường hợp khi bạn còn vài môn F thì bạn có thể đăng ký nốt các môn F này cùng với môn P trong 1 kỳ. Chứ không nhất định là pass xong hết F mới được đến P nhé.

      Bình luận
  3. Hello bạn,
    Mình đang làm việc trong ngành truyền thông được 3 năm, nhưng dạo gần đây mình có trải nghiệm nhiều công việc khác nhau và thấy mình phù hợp làm công việc tài chính kế toán hơn. Tuy nhiên mình gặp khó khăn khi xin việc trong lĩnh vực này vì không có chuyên môn (trước đây mình học truyền thông/báo chí). Bạn góp ý giúp mình được không? Mình muốn làm mảng quản lý rủi ro, kiểm toán, hoặc làm kế toán phải thu hay kế toán quản trị cũng được. Mình e rằng học ACCA sẽ bị quá khó với mình, hoặc không thật sự cần thiết với vị trí mình nhắm đến, nhưng bên cạnh đó thị trường lao động cạnh tranh quá, mình học để chứng minh mình có thể làm tốt công việc chuyên ngành. Bạn có nghĩ việc học ACCA có cần thiết trong trường hợp của mình không vì mình không thể quay lại học 4 năm cử nhân tài chính kế toán rồi.
    Mình cảm ơn nhé.

    Bình luận
    • Hi Linh, theo kinh nghiệm của mình thì việc nên học chứng chỉ gì là phụ thuộc vào định hướng của bạn cho công việc kế toán bạn muốn theo đuổi. Ví dụ, nếu bạn chỉ muốn làm kế toán cho 1 công ty việt nam nhỏ, thì có thể bạn chỉ cần 1 văn bằng 2 kế toán. Nếu bạn có ACCA thì có khi các công ty nhỏ này cũng không tuyển vì họ cũng không quan tâm để biết ACCA là gì. Còn nếu bạn muốn làm kế toán cho 1 công ty việt nam vừa và lớn, thông thường với người chưa có kinh nghiệm thì đều sẽ cần bằng cấp đại học, càng là đại học danh tiếng thì khả năng qua vòng hồ sơ càng cao. Nếu không có bằng đại học chuyên ngành thì chứng chỉ hành nghề quốc tế như ACCA có thể sẽ là 1 sự thay thế tốt. Tuy nhiên không phải công ty việt nam nào họ cũng biết & quan tâm đến ACCA ngoại trừ các tập đoàn thực sự lớn. Còn với các công ty nước ngoài thì mình nghĩ ACCA sẽ là sự thay thế rất tốt cho bằng đại học kế toán chuyên ngành.

      Vậy nên bạn cần xác định thật rõ con đường bạn muốn đi để có lộ trình học bổ sung kỹ năng cho phù hợp nhé. ACCA là cấp cao, bạn có thể học các chứng chỉ trình thấp hơn như CAT cũng có thể phù hợp cho người chưa có kinh nghiệm đi tìm việc như bạn.

      Tuy nhiên mình cũng nói trước bây giờ đang giai đoạn kinh tế khó khăn, chuyển việc thời điểm này cần cân nhắc kỹ bạn nhé. Chúc bạn sẽ tìm ra lối đi phù hợp cho bản thân.

      Bình luận
  4. Dạ e chào chị ạ. E có một thắc mắc là muốn lấy được chứng chỉ ACCA thì mình phải hoàn thành tất cả các môn trong khung của ACCA ạ? Như ví dụ e chỉ muốn học môn F3 và F6 thì phải thi từ môn F1-F9 ạ?

    Bình luận
    • Muốn lấy được ACCA thì phải hoàn thành hết các môn theo yêu cầu (trong đó có 1 số môn được miễn thi nếu đủ điều kiện). Thứ tự học thì phân chia theo các cấp độ: Knowledge F1-F3, Skills F4-F9, Strategic P1-P7. Trong mỗi cấp độ này thì học môn nào trước cũng được.
      Nhưng trước khi sang cấp độ cao phải hoàn thành cấp độ thấp. Do vậy nếu em muốn thi F6 thuộc cấp độ skills thì phải hoàn thành hết cấp độ knowledge (F1-F3).

      Bình luận
  5. Ad cho e hỏi là, bây h e vừa mới thi xong đại học ch chọn được ngành nhưng nếu e chọn ngành k phải là kế toán, kiểm toán thì sau này vẫn học chứng chỉ này được đúng k ạ và có nên hay k ạ

    Bình luận
    • Hi em,

      (1) Nên học hay không thì phụ thuộc vào mục đích học của em. Nếu học để biết thì có điều kiện, thời gian học thì đương nhiên là nên học. Học có bao giờ thừa đâu. Không bổ đông thì bổ tây. Còn học để phục vụ công việc thì phải xem định hướng công việc của em. Nếu em định hướng làm cho công ty kế toán, kiểm toán nước ngoài, có quy mô lớn thì ACCA là 1 chứng chỉ rất tốt cho CV tìm việc. Còn nếu chỉ làm cho công ty việt nam thì thi CPA chắc sẽ hợp lý hơn về thời gian, chi phí phải bỏ ra.

      (2) Còn việc có học được hay không thì em tham khảo yêu cầu của ACCA nhé: https://tuonthi.com/dieu-kien-hoc-acca/

      Bình luận
  6. Ad cho e hỏi, e học chuyên ngành kế kiểm, và đc xét miễn các môn F1-F4 và muốn ứng tuyển Big4 trong tương lai, thì mik có cần thi để lấy chứng chỉ các F đó hay chỉ cần thi mỗi F3 và xét miễn F1,2,4 thôi ạ.
    Theo quan điểm của Ad, nếu tiếng anh không tốt lắm, mình có thể tự học và thi acca được không ạ, Ad thường sử dụng tài liệu ở đâu và cách học như thế nào v ạ. E cảm ơn ad.

    Bình luận

Viết một bình luận

You cannot copy content of this page