PHÂN TÍCH TRỌNG TÂM ĐỀ THI MÔN LUẬT

Bài viết số 1/6 của Series các dạng bài tập Đề thi CPA Môn Luật.

Trong toàn bộ chương trình thi thì mình thấy Luật là môn có đề cương ôn tập rõ ràng nhất. Tập hợp của 7 sắc luật riêng rẽ.

Trọng tâm kiến thức và các dạng bài tập của môn này qua thống kê đề thi các năm như sau:

1. Trọng tâm kiến thức

Nội dung đề thi thường rơi vào các nội dung:

  • Pháp luật doanh nghiệp: chương II, chương III, chương IV (Giải thể và Phá sản)
  • Pháp luật về hợp đồng trong kinh doanh thương mại: mục 4, mục 5 chương II (điều kiện hợp đồng có hiệu lực/vô hiệu; và trách nhiệm do vi phạm hợp đồng)
  • Pháp luật về giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại: mục 3, mục 4 (giải quyết tranh chấp bằng trọng tài/tòa án)
  • Pháp luật về phá sản (điều kiện phá sản/người có quyền nộp đơn đề nghị phá sản/thẩm quyền giải quyết phá sản/trình tự thủ tục thực hiện)
  • Pháp luật lao động (vi phạm kỷ luật/chấm dứt hợp đồng/chế độ nghỉ lễ).

Chi tiết, các bạn download File: [CPA 2019 – Luật] Tổng hợp các dạng bài tập

2. Các dạng bài tập tình huống

Các dạng bài tập tình huống hay gặp:

  • Phá sản: hỏi điều kiện phá sản/ người có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản/đơn vị có thẩm quyền giải quyết/ thứ tự xử lý tài sản khi phá sản/ biện pháp đảm bảo cho tài sản trong thời gian xử lý
  • Thành lập doanh nghiệp: loại hình doanh nghiệp nên thành lập/ tư cách của các thành viên/ thay đổi vốn góp/ quyền hạn của các thành viên
  • Xử lý tranh chấp: thẩm quyền xử lý tranh chấp/ tính pháp lý của yêu cầu phạt vi phạm hợp đồng
  • Hợp đồng thương mại: các điều kiện để hợp đồng có hiệu lực/vô hiệu; xử lý khi vi phạm hợp đồng (trường hợp bất khả kháng, tạm dừng hợp đồng)
  • Hợp đồng lao động: xử lý vi phạm kỷ luật/điều kiện để chấm dứt hợp đồng lao động/chế độ nghỉ lễ cho người lao động/hợp đồng lao động

Uhm, ngoài ra các bạn lưu ý với môn luật thì khi trình bày câu trả lời luôn nêu căn cứ pháp lý đi kèm với từng kết luận nhé. Luật mà, cái gì cũng phải có cơ sở. Xem cái đáp án hướng dẫn chấm điểm của đề thi mấy năm trước thì bao giờ cũng ghi: cơ sở pháp lý (..đ) + kết luận (..đ) => Nêu kết luận mà không có cơ sở pháp lý là bị mất điểm.

Trong các bài viết tiếp theo mình sẽ giải thích cách xử lý từng dạng bài tập này. Các bạn theo dõi nhé!

12 bình luận về “PHÂN TÍCH TRỌNG TÂM ĐỀ THI MÔN LUẬT”

  1. Cảm ơn bạn.Mình có 1 thắc mắc về đáp án năm 2016: cùng là định giá tài sản góp vốn cao hơn giá trị thực tế nhưng đáp án đề lẻ là hợp pháp còn đáp án đề chẵn là không hợp pháp.Mình thấy mông lung quá, không biết thế nào là đúng?Nhờ bạn xem giúp mình nhé.

    • Hi Dinh, với câu 5 (2016 L) và câu 4 (2016 C) đọc qua thì thấy giống nhau hoàn toàn. Nhưng đọc kỹ 2 câu hỏi sẽ có sự khác nhau.
      Với câu 5 (2016 L): đang hỏi việc định giá tài sản > thực tế tại thời điểm góp vốn có hợp pháp không? thì câu trả lời là có. Vì có khoảng cách thời gian giữa thời điểm cam kết góp vốn và thời điểm thực góp vốn. Do vậy, hoàn toàn có trường hợp lúc cam kết thì dựa trên bản quy hoạch (cơ sở đáng tin cậy) nên định giá cao hơn, nhưng lúc thực góp do yếu tố khách quan mà thị trường đóng băng nên giá trị không được như mong muốn. Điểm quan trọng ở tình huống này là các thành viên “dựa trên căn cứ tin cậy” để định giá nhà cao hơn thực tế. Chứ không phải cố tình dự tính định giá cao hơn thực tế.
      Với tình huống Câu 4 (2016 C): câu hỏi lại là các thành viên “dự tính” giá cả tăng để định giá TS tăng > thực tế? Thì lại là không hợp pháp. Vì “dự tính được chuyển ra đường lớn” không phải là căn cứ. Nên sẽ kiểu bị coi là cố tình định giá cao hơn thực tế…
      Bạn đọc kỹ câu chữ trong câu hỏi & tình huống để hiểu sự khác nhau nhé. T bận quá nên k giải thích sâu thêm được.

  2. Còn 1 trường hợp nữa mình cũng thấy đáp án các năm khác nhau. Đó là câu hỏi công ty TNHH có quyền phát hành chứng khoán không, đề lẻ 2011 câu 3c nói có; còn đáp án năm 2016 nói không.Nhờ bạn xem thêm giúp mình nhé

    • Hi Dinh, bạn lưu ý đọc thật cẩn thận từng câu chữ đối với môn Luật nhé. Nếu không làm bài rất dễ bị sai. Chỉ khác nhau 1,2 chữ là khác nhau cả vấn đề.
      Đề 2011: hỏi có được phát hành chứng khoán để “HUY ĐỘNG VỐN” không? thì câu trả lời là được phát hành trái phiếu để huy động vốn & không được phát hành cổ phiếu.
      Đề 2016: hỏi có được phát hành chứng khoán để “TĂNG VỐN ĐIỀU LỆ” không? thì câu trả lời là không là đúng. Vì công ty TNHH không được phép phát hành cổ phiếu. Bạn lưu ý phát hành trái phiếu là hình thức để tăng vốn, chứ k phải tăng vốn điều lệ.
      Như vậy 2 đáp án không hề mâu thuẫn.

Bình luận đã đóng.

You cannot copy content of this page