[CPA – BT Phân tích] Dạng bài phân tích khả năng thanh toán

Bài số 9/9 của Series các dạng bài tập của Đề thi CPA Môn Phân tích: Dạng bài Phân tích khả năng thanh toán của doanh nghiệp

Bạn kiểm toán nào đã làm đến senior thì chắc đã qúa quen với việc phân tích mấy hệ số thanh toán của khách hàng khi làm planning nhỉ?

Dạng bài Phân tích khả năng thanh toán của doanh nghiệp có thể nói  là dạng bài quen thuộc nhất với chúng ta. Cũng là dạng bài mà theo mình là đơn giản nhất của đề thi CPA môn Phân tích.

Có thể bạn quan tâm: Tổng hợp dạng bài tập Đề thi CPA Môn Phân tích

Phần 1. Các chỉ tiêu phân tích khả năng thanh toán của doanh nghiệp

Khi phân tích khả năng thanh toán của doanh nghiệp, thông thường sẽ có thể sử dụng 6 chỉ tiêu như sau:

Chỉ tiêuCách tínhÝ nghĩa
1. Hệ số khả năng thanh toán hiện hành (tổng quát)Tổng Tài sản / Nợ phải trảPhản ánh 1 đồng nợ phải trả được đảm bảo bằng bao nhiêu đồng tài sản. Hệ số càng cao thì càng an toàn cho chủ nợ. Nhưng nếu quá cao thì đòn bẩy tài chính sẽ thấp. Có thể doanh nghiệp sẽ không nắm bắt được các cơ hội đầu tư kinh doanh mang lại lơị nhuận cao
2. Hệ số khả năng thanh toán hiện thời (ngắn hạn)Tài sản ngắn hạn / Nợ ngắn hạnPhản ánh 1 đồng nợ ngắn hạn được đảm bảo bằng bao nhiêu đồng tài sản ngắn hạn hiện có. Để đảm bảo an toàn trong thanh toán, hệ số này phải > 1 hoặc ít nhất là bằng 1. Nếu < 1, chứng tỏ DN đang trong tình trạng mất cân bằng tài chính => Không an toàn.
3. Hệ số khả năng thanh toán nhanhTiền và tương đương tiền/ Nợ ngắn hạnCho biết khả năng thanh toán nhanh các khoản nợ ngắn hạn bằng tiền và các khoản tương đương tiền của công ty.
4. Hệ số khả năng thanh toán tức thờiTiền và tương đương tiền / Nợ đến hạn &  quá hạnCho biết công ty có khả năng thanh toán ngay bao nhiêu lần nợ quá hạn, đến hạn bằng các khoản tiền và tương đương tiền hiện có. Đồng thời phản ảnh việc chấp hành kỷ luật thanh toán của công ty với chủ nợ
5. Hệ số khả năng thanh toán lãi vayEBIT/ Lãi vay phải trảChỉ tiêu này cho biết bằng toàn bộ lợi nhuận trước thuế và lãi vay trong kỳ, công ty có thể thanh toán được bao nhiêu lần tổng lãi vay phải trả trong kỳ từ hoạt động huy động vốn
6. Hệ số khả năng chi trả nợ ngắn hạn (bằng tiền)Lưu chuyển tiền thuần từ HĐKD/ Nợ ngắn hạn bình quânCho biết dòng tiền thuần tạo ra từ HĐKD có thể đảm bảo hoàn trả được bao nhiêu lần nợ ngắn hạn bình quân.

Tuy nhiên, 3 chỉ tiêu đầu tiên là phổ biến nhất. Với  thời gian làm bài có hạn, thì theo mình chỉ cần tính toán & phân tích 3 chỉ tiêu này.

Phần 2. 3 bước làm bài tập phân tích khả năng thanh toán của doanh nghiệp

Bước 1: Tính các hệ số thanh toán

Bước 2: Phân tích tình hình biến động của các hệ số này. Chỉ ra ý nghĩa và dự đoán nguyên nhân nếu có thể

Bước 3. Kết luận tổng thể.

Các bạn tham khảo ví dụ sau.

Tình huống: Đề thi CPA môn Phân tích Năm 2014 – Đề Lẻ – Câu 3

Đáp án:

YC1. Phân tích các chỉ tiêu đánh giá mức độ độc lập tài chính

Chỉ tiêu31-12-1231-12-13Chênh lệch %
VCSH69,54071,3441,8042.59%
Tổng NV112,630120,7438,1137.20%
TSDH61,15065,4334,2837.00%
Hệ số tự tài trợ0.620.59(0.027)-4.3%
Hệ số tự tài trợ TSDH1.141.09-0.05-4.12%
  • Hệ số tự tài trợ:

Hệ số tự tài trợ của doanh nghiệp cuối năm giảm so với đầu năm là 0.027 tương ứng 4.3% nhưng nhìn chung vẫn khá cao và cả đầu năm và cuối năm đều >0.5. Điều này cho thấy mức độ độc lập tài chính khá cao hay nói cách khác là mức độ phụ thuộc tài chính thấp, mặc dù có sự giảm nhẹ nhưng nhìn chung vẫn khá ổn. Rủi ro tài chính của doanh nghiệp không cao.

  • Hệ số tự tài trợ tài sản dài hạn:

Hệ số tự tài trợ tài sản dài hạn cũng có sự giảm sút về cuối năm nhưng nhìn chung vẫn lớn hơn 1. Điều này đồng nghĩa với việc vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp đã dư để tài trợ cho tài sản dài hạn và còn dùng để tài trợ cho tài sản ngắn hạn. Cho thấy rủi ro hoạt động của doanh nghiệp cũng được duy trì ở mức thấp.

YC2. Phân tích khả năng thanh toán của doanh nghiệp

Chỉ tiêu31/12/201231/12/2013Chênh lệch Tỷ lệ
I. Hệ số khả năng thanh toán Tổng quát2.61382.4442(0.1696)(6.49)
– Tổng tài sản112,630120,7438,1137.20
– Tổng nợ phải trả43,09049,3996,30914.64
II. Hệ số khả năng thanh toán ngắn hạn2.61452.3586(0.2559)(9.79)
– TSNH51,48055,3103,8307.44
– Tổng nợ ngắn hạn19,69023,4503,76019.10
III. Hệ số khả năng thanh toán nhanh0.65010.5672(0.0829)(12.75)
– Tiền và CKTĐ tiền12,80013,3005003.91
– Tổng nợ ngắn hạn19,69023,4503,76019.10
  • Hệ số khả năng thanh toán tổng quát: Nhìn chung khả năng thanh toán tổng quát của doanh nghiệp vẫn ổn, đều >1. Nhưng xu hướng có giảm sút vào thời điểm cuối năm với mức giảm tương ứng 0.1696 (6.49%).
  • Hệ số khả năng thanh toán ngắn hạn: Khả năng thanh toán ngắn hạn của doanh nghiệp nhìn chung vẫn khá tốt >1. Hệ số này cũng có xu hướng giảm dần về cuối năm do tốc độ gia tăng của nợ ngắn hạn cao hơn tốc độ gia tăng của tài sản ngắn hạn tương ứng 19.10% và 7.44%.
  • Hệ số khả năng thanh toán nhanh: không cao. Và có xu hướng giảm vào cuối năm do tốc độ gia tăng của nợ ngắn hạn cao hơn tốc độ tăng trong dự trữ tiền của doanh nghiệp, tương ứng là 19.10% và 3.91%.

Lưu ý quan trọng:

Thứ nhất là hệ số thanh toán ngoài việc được sử dụng để phân tích khả năng thanh toán của doanh nghiệp còn có thể được sử dụng để đánh giá các vấn đề khác.

Ví dụ như:

  • Phân tích khái quát tình hình tài chính;
  • Phân tích tình hình/chính sách sử dụng vốn (sử dụng tài sản);
  • Phân tích rủi ro tài chính.

Thứ 2 là do dạng bài này khá đơn giản.

Do 2 lý do trên, dạng bài phân tích khả năng thanh toán của doanh nghiệp thường được kết hợp với các dạng bài khác để tạo thành 1 câu hỏi hoàn chỉnh. Các bạn hãy thử thực hành với các đề thi CPA cũ của môn phân tích để không bị bối rối, bất ngờ nhé.

4 bình luận trong “[CPA – BT Phân tích] Dạng bài phân tích khả năng thanh toán”

    1. Hi Hoàng, hiện tại bọn tớ đang tập trung làm ACCA nên chưa có kế hoạch quay lại môn phân tích.

      Admin

  1. Ad cho mình hỏi ở YC1, trong đề mình thấy có cho chi tiết Nợ ngắn hạn và Nợ dài hạn
    Hệ số tài trợ thường xuyên = NV dài hạn/ TS dài hạn = (VCSH+Nợ dài hạn)/TS dài hạn
    Nhưng ở YC1 mình thấy công thức tính không có tính Nợ DH là do đâu ạ
    Mình có post nhầm 1 câu tương tự ở phần cân bằng tài chính, ad ignore giúp mình nhé, thanks!!!

    1. Hi Thảo, ở YC 1 người ta yêu cầu đánh giá mức độ độc lập tài chính => Chúng ta tính hệ số tự tài trợ chứ không phải là hệ số tài trợ thường xuyên nha.

      VD:
      Hệ số tự tài trợ = VCSH/Tổng tài sản => phản ánh khả năng tự chủ về tài chính
      Hệ số tài trợ thường xuyên = NVDH/Tài sản dài hạn => phản ánh tính cân đối về thời gian của tài sản hình thành qua đầu tư dài hạn với nguồn tài trợ tương ứng. Hay nói một cách khác là mối quan hệ cân đối giữa tài sản với nguồn vốn hình thành tài sản theo thời gian

Bình luận đã bị đóng.

You cannot copy content of this page

Lên đầu trang