Bài số 6/9 của Series các dạng bài tập của Đề thi CPA Môn Phân tích: Dạng bài Phân tích khả năng sinh lời của tài sản & khả năng sinh lời của vốn
Mấy năm gần đây dạng bài này xuất hiện rất nhiều trong đề thi CPA. Nói khó thì không phải là khó. Nhưng vì chúng ta bình thường ít khi phải thực hiện phân tích các chỉ số này (trừ các anh chị em làm trong lĩnh vực đầu tư chứng khoán) nên không ít người gặp khó khăn.
Có thể bạn quan tâm: Tổng hợp dạng bài tập Đề thi CPA Môn Phân tích
1. Các chỉ tiêu phân tích khả năng sinh lời của tài sản & vốn
Để phân tích khả năng sinh lời của tài sản & vốn, nhà đầu tư có thể sử dụng rất nhiều các chỉ tiêu phân tích. Một số chỉ tiêu được sử dụng khá phổ biến khi phân tích khả năng sinh lời của tài sản & vốn là:
- Khả năng sinh lời của tổng tài sản ROA
- Khả năng sinh lời của doanh thu ROS
- Khả năng sinh lời của vốn chủ sở hữu ROE
- Hệ số PBIT/Tổng tài sản
- Hệ số PBIT/Lãi vay
Tuy nhiên trong đề thi CPA môn Phân tích thường yêu cầu phân tích 2 chỉ tiêu: Hệ số Khả năng sinh lời của tổng tài sản ROA & Hệ số khả năng sinh lời của vốn ROE. Đồng thời, yêu cầu phân tích cả các nhân tố ảnh hưởng đến ROA và ROE.
2. Ý nghĩa & Cách tính các chỉ tiêu phân tích khả năng sinh lời của tài sản/vốn
Chỉ tiêu | Hệ số sinh lời của Tổng Tài sản ROA | Hệ số sinh lời của VCSH ROE |
1. Ý nghĩa | ROA phản ánh hiệu quả sử dụng tài sản, trình độ quản lý và sử dụng tài sản: ROA cho biết bình quân 1 đơn vị tài sản sử dụng tạo ra được bao nhiêu đồng LNST. ROA càng cao thì hiệu quả sử dụng TS càng lớn. | ROE phản ánh hiệu quả sử dụng VCSH. ROE cho biết bình quân 1 đồng VCSH sử dụng tạo ra đươc bao nhiêu đồng LNST. ROE càng cao thì hiệu quả sử dụng VCSH càng cao. |
2. Công thức tính | ROA = LNST/ Tổng TS bình quân | ROE = LNST/ VCSH bình quân |
3. Các nhân tố ảnh hưởng | ROA = (Doanh thu thuần/Tổng TS bình quân) * (Lợi nhuận sau thuế/ Doanh thu thuần) = Hiệu suất sử dụng vốn kinh doanh * Hệ số sinh lời hoạt động ROS | ROE = (Tổng TS bình quân/VCSH bình quân) * (Doanh thu thuần/Tổng TS bình quân) * (Lợi nhuận sau thuế/ Doanh thu thuần) = Hệ số TS trên VCSH * Hiệu suất sử dụng TS * Hệ số sinh lời hoạt động ROSHoặc: ROE = (LNST/ Tài sản bình quân) * (Tài sản bình quân/VCSH bình quân) = ROA * Hệ số TS/VCSH = ROA * ( 1 + Đòn bẩy tài chính) |
3. Các bước xử lý bài tập Phân tích khả năng sinh lời của tài sản/vốn
Khi làm dạng bài tập này, mình trình bày thành 3 bước như sau.
- Bước 1: Lập bảng tính ROA/ROE và các nhân tố ảnh hưởng đến ROA/ROE
- Bước 2: Phân tích ý nghĩa sự tăng giảm của từng chỉ tiêu – Biện pháp cải thiện ROA/ROE
- Bước 3: Kết luận tổng thể
Các bạn lưu ý là phần nhận xét của dạng bài này cũng không chỉ dừng lại ở mức “tăng/giảm bao nhiêu… tương đương với bao nhiêu %”. Mà thường chúng ta sẽ phải chỉ ra cả nguyên nhân, ý nghĩa hay ảnh hưởng của nó đến tình hình tài chính của công ty. Và kiến nghị biện pháp để cải thiện nữa.
4. Ví dụ về bài tập Phân tích khả năng sinh lời của tài sản/vốn
Tình huống 1: Đề thi CPA môn Phân tích Năm 2016- Đề Lẻ- Câu 3
Bước 1. Lập bảng tính các chỉ tiêu phân tích khả năng sinh lời của tài sản
Chỉ tiêu | Năm N | Năm N+1 | So sánh | Tỷ lệ % |
Lợi nhuận sau thuế [1] | 3,731,600 | 4,446,060 | 714,460 | 19% |
Tài sản bình quân [2] | 2,610,000 | 3,030,000 | 420,000 | 16% |
Khả năng sinh lời của tài sản ROA [3] = [1] / [2] | 1.43 | 1.47 | 0.04 | 3% |
Luân chuyển thuần [4] | 35,680,000 | 59,280,800 | 23,600,800 | 66% |
Hiệu suất sử dụng vốn kinh doanh [4]/[2] | 13.67 | 19.56 | 5.89 | 43% |
Hệ số sinh lời hoạt động [1] / [4] | 0.10 | 0.08 | -0.03 | -28% |
Ảnh hưởng của Hiệu suất sử dụng vốn kinh doanh đến ROA | 0.62 | |||
AH của Hệ số sinh lời hoạt động đến ROA | (0.58) |
Bước 2. Phân tích chi tiết
- Phân tích chỉ tiêu Khả năng sinh lời của tài sản ROA
– Khả năng sinh lời của tổng tài sản năm ROA tăng 0.04 tương đương 3%. Hay nói cách khác, công ty tạo thêm được bình quân 0.04 đồng lợi nhuận sau thuế trên một đơn vị tài sản sử dụng trong quá trình kinh doanh. Điều này phản ánh hiệu quả sử dụng tài sản hay trình độ quản lý, sử dụng tài sản của doanh nghiệp đang tăng lên.
- Phân tích ảnh hưởng của các nhân tố Hiệu suất sử dụng vốn kinh doanh/Hệ số sinh lời hoạt động
– Hiệu suất sử dụng vốn kinh doanh tương đối cao. Và có sự gia tăng mạnh 5.89 tương đương 43%, làm cho ROA tăng 0.62. Nguyên nhân do công ty có doanh thu tăng mạnh 23.600.800 tương đương 66%, so với tốc độ tăng của tài sản là 420.000 tương đương 16%. Có thể do công ty đã áp dụng chính sách tiêu thụ hợp lý đẩy mạnh doanh thu.
– Hệ số sinh lời hoạt động giảm 0.03 tương đương 28% làm cho ROA giảm 0.58. Nguyên nhân do công ty có doanh thu tăng mạnh 23.600.800 tương đương 66% trong khi lợi nhuận chỉ tăng 714.460 tương đương 19%. Có thể do công ty đã phát sinh nhiều chi phí để thúc đẩy Doanh thu tiêu thụ. Dẫn đến tốc độ lợi nhuận chưa theo kịp tốc độ tăng của doanh thu.
Bước 3. Kết luận và giải pháp gia tăng khả năng sinh lời của tài sản ROA
Dựa vào thông tin của đề bài, có thể thấy rằng Công ty có Doanh thu tăng mạnh. Nhưng đồng thời chi phí hoạt động cũng phát sinh nhiều nên hiệu quả sinh lời hoạt động chưa cao. Dẫn đến ROA của công ty chỉ tăng nhẹ 3%.
Để gia tăng ROA, công ty sẽ cần gia tăng cả Hiệu suất sử dụng vốn kinh doanh và Hệ số sinh lời hoạt động.
Do hiệu suất sử dụng vốn kinh doanh và hệ số sinh lời hoạt động ở chừng mực nào đó có ảnh hưởng ngược chiều. Vì thế, để tăng khả năng sinh lời của tài sản mà vẫn tăng được hiệu suất sử dụng tài sản và khả năng sinh lời hoạt động, công ty cần có có chính sách đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm bằng cách nâng cao chất lượng sản phẩm làm cơ sở tăng giá bán/ tăng lượng tiêu thụ. Đồng thời tiết kiệm, quản lý sử dụng chi phí hiệu quả. Có như vậy, doanh thu và lợi nhuận mới tăng ở cùng nhịp độ làm gia tăng ROA.
Tình huống 2: Đề thi CPA môn Phân tích Năm 2016 – Đề Chẵn – Câu 3
Bước 1. Lập bảng tính các chỉ tiêu phân tích khả năng sinh lời của vốn
Chỉ tiêu | Năm N | Năm N+1 | CL tăng giảm | CL tỷ lệ |
Lợi nhuận sau thuế [1] | 2,238,960 | 2,863,224 | 624,264 | 28% |
VCSH bình quân [2] | 1,350,000 | 1,610,000 | 260,000 | 19% |
ROE [3] = [1]/[2] | 1.66 | 1.78 | 0.12 | 7% |
Tài sản bình quân [4] | 2,610,000 | 3,030,000 | 420,000 | 16% |
Luân chuyền thuần [5] | 21,408,000 | 35,568,480 | 14,160,480 | 66% |
Hệ số tài sản trên vốn chủ [6] = [4]/[2] | 1.93 | 1.88 | -0.05 | -3% |
Hiệu suất sử dụng tài sản [7] = [5]/[4] | 8.20 | 11.74 | 3.54 | 43% |
Hệ số sinh lời hoạt động [8] = [1]/[5] | 0.10 | 0.08 | -0.02 | -23% |
AH do Hệ số tài sản trên VCSH thay đổi đến ROE | (0.044) | |||
AH do Hiệu suất sử dụng tài sản thay đổi đến ROE | 0.696 | |||
AH do Hệ số sinh lời hoạt động thay đổi đến ROE | (0.532) |
Bước 2. Phân tích chi tiết
Phân tích chỉ tiêu khả năng sinh lời của vốn chủ sở hữu ROE
ROE tăng 0.12 tương đương 7% phản ánh hiệu quả sử dụng vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp đang tăng nhẹ lên.
Hay nói cách khác, doanh nghiệp thu được thêm bình quân 0.12 đồng lợi nhuận sau thuế trên một đồng VCSH tham gia vào quá trình sản xuất kinh doanh.
Phân tích ảnh hưởng của chỉ tiêu Hệ số tài sản trên vốn chủ, Hiệu suất sử dụng tài sản, Hệ số sinh lời hoạt động đến ROE
ROE = Hệ số tài sản trên vốn chủ * Hiệu suất sử dụng tài sản * Hệ số sinh lời hoạt động ROS
=> ROE bị ảnh hưởng bởi 3 nhân tố này. Cụ thể:
– Hệ số tài sản trên vốn chủ giảm 0.05 tương đương 3%. Sự giảm sút này đã khiến cho ROE giảm 0.044
Nguyên nhân khiến Hệ số tài sản trên VCSH giảm là do tốc độ vốn chủ sỡ hữu tăng lớn hơn tốc độ tăng của tài sản
– Hiệu suất sử dụng tài sản tăng mạnh 3.54 tương đương 43%. Sự gia tăng này đã khiến cho ROE tăng 0.696. Nguyên nhân khiến Hiệu suất sử dụng tài sản tăng mạnh là do Doanh thu thuần tăng mạnh 13.160.480 tương đương 66%, trong khi tài sản bình quân chỉ tăng 420.000 tương đương 16%.
– Hệ số sinh lời hoạt động giảm mạnh 0.02 tương đương 23%. Sự giảm sút này đã khiến cho ROE giảm 0.532. Nguyên nhân khiến Hệ số sinh lời hoạt động giảm mạnh là do Lợi nhuận sau thuế chỉ tăng 624.264 tương đương 28% trong khi Doanh thu thuần tăng 14.160.480 tương đương 66%
Có thể do để đạt mục tiêu doanh thu, công ty đã phát sinh quá nhiều chi phí để thúc đẩy tiêu thụ.
Bước 3. Kết luận
Dựa vào thông tin của đề bài, có thể thấy rằng Doanh thu tăng mạnh. Nhưng đồng thời chi phí hoạt động cũng phát sinh nhiều nên hiệu quả sinh lời hoạt động chưa cao. Dẫn đến ROE chỉ tăng nhẹ 7%. Công ty nên có biện pháp kiểm soát chi phí để gia tăng ROS.
Lưu ý: hiện tại dạng bài phân tích khả năng sinh lời của tài sản & vốn trong đề thi mới chỉ dừng lại ở 2 chỉ tiêu ROA, ROE. Nhưng có khi đề thi các năm tới có thể đổi mới và hỏi sang các chỉ tiêu còn lại như mình đã đề cập bên trên. Các bạn dành thời gian đọc thêm tài liệu của Hội về các chỉ tiêu này nhé.
ban oi cho minh hoi trong phan loi giai minh khong hieu 2 phan tinh anh huong cua ROS va Hieu suat su dung von KD tai sao lai tinh toan nhu vay ban giai thich cu the hon duoc khong?
Hi Tuấn,
Yêu cầu đề bày là: phân tích ảnh hưởng của 2 nhân tố ROS & hiệu suất sử dụng vốn kinh doanh đến sự biến động của ROA giữa năm N & năm N+1 (0.04)
Để hiểu được công thức tính ảnh hưởng của từng nhân tố, trước tiên chúng ta phải hiểu nguyên tắc phân tích chênh lệch đó là: xem xét ảnh hưởng của từng nhân tố với giả định nhân tố còn lại không thay đổi. Ta có:
ROA = LNST/TS bình quân = (Luân chuyển thuần / TS bình quân) * (LNST/Luân chuyển thuần) = Hiệu suất sử dụng vốn kinh doanh * ROS
Chênh lệch ROA = ROA (N+1) – ROA (N) = Hiệu suất sử dụng VKD (N+1) * ROS (N+1) – Hiệu suất sử dụng VKD (N) * ROS (N) = Hiệu suất sử dụng VKD (N+1) * [(ROS (N+1) – ROS (N)] + [Hiệu suất sử dụng VKD (N+1) – Hiệu suất sử dụng VKD (N)] * ROS (N) = -0.03* 19.56 + 5.89 * 0.1 = -0.58 + 0.62 = 0.04
Trong đó:
Hiệu suất sử dụng VKD (N+1) * [(ROS (N+1) – ROS (N)] (KQ: -0.58) chính là ảnh hưởng của nhân tố ROS đến ROA khi hiệu suất sử dụng VKD là không đổi
[Hiệu suất sử dụng VKD (N+1) – Hiệu suất sử dụng VKD (N)] * ROS (N) (KD: 0.62) chính là ảnh hưởng của nhân tố Hiệu suất sử dụng VKD khi ROS là không đổi.
Tất cả chỉ là biến đổi công thức theo nguyên tắc mình đề cập bên trên mà thôi. Hy vọng đã giải đáp được thắc mắc của bạn.
Ad ơi, cho mình hỏi mình biến đổi công thức ra ngược lại với ad ở trên thì có đúng không, làm sao để biến đổi đúng như ad ở trên được:
ROA(N+1)-ROA(N)
= Hiệu suất sử dụng VKD(N+1) * ROS(N+1) – Hiệu suất sử dụng VKD(N)*ROS(N)
= Hiệu suất sử dụng VKD(N+1)*ROS(N+1)-Hiệu suất sử dụng VKD(N)*ROS(N+1) + Hiệu suất sử dụng VKD(N)*ROS(N+1)-Hiệu suất sử dụng VKD(N)*ROS(N)
= ROS(N+1)*[(hiệu suất sd VKD(N+1) – hiệu suất sd VND(N)] + hiệu suất sd VKD(N)*[(ROS(N+1)-ROS(N)]
ROS(N+1)*[(hiệu suất sd VKD(N+1) – hiệu suất sd VND(N)]: ảnh hưởng của nhân tố hiệu suất sử dụng VKD
hiệu suất sd VKD(N)*[(ROS(N+1)-ROS(N)]: ảnh hưởng của nhân tố ROS
Ad ơi, phần bài giải là của năm 2016 đề lẻ câu 3 chứ không phải đề chẵn. Ad có thể làm mẫu bài ở đề chẵn không, vì phân tích ROE theo 3 nhân tố
Bạn ơi mình up thêm rồi đó. Web đã up đáp án môn phân tích cho cả năm 2015 & 2016 rồi. Nếu ở bài viết các dạng bài chi tiết không có đáp án bài tập tương ứng, bạn tìm trong file đáp án này nhé. Chúc bạn ôn thi tốt.
Ad ơi, cho mình hỏi nguyên tắc tính mức độ ảnh hưởng của từng nhân tố đến ROE. Có cách nào để dễ nhớ công thức tính không. Trường hợp có 3 nhân tố thì nguyên tắc lấy số liệu như thế nào ( vd khi nào lấy số năm N, khi nào lấy số năm N+1)
Hi Hien, như mình đã trả lời các bạn khác. Để phân tích ảnh hưởng của các nhân tố đến ROE/ROA thì chúng ta đều áp dụng nguyên tắc phân tích chênh lệch để biến đổi công thức. Đó là: xem xét ảnh hưởng của từng nhân tố với giả định nhân tố còn lại không thay đổi.
Ta có:
ROE = (LNST/Luân chuyển thuần) * (Luân chuyển thuần/ TSbq) * (TSbq/VCSH bq) = ROS * ROA * Hệ số TS/VCSH
Để phân tích ảnh hưởng của 3 nhân tố này: ta lần lượt tính chênh lệch của từng nhân tố khi 2 nhân tố còn lại không đổi.
Chênh lệch ROE = ROS1* ROA1* Hệ số TS/VCSH1 – ROSo* ROAo * Hệ số TS/VCSHo
Biến đổi công thức này:
Chênh lệch ROE = Chênh lệch ROS + Chênh lệch ROA + Chênh lệch TS/VCSH
Trong đó:
Chênh lệch do ROS = (ROS1 – ROSo) * ROA1 * Hệ số TS/VCSH1
Chênh lệch do ROA = ROSo * (ROA 1 – ROAo) * Hệ số TS/VCSH1
Chênh lệch do Hệ số TS/VCSH = ROSo * ROAo * (Hệ số TS/VCSH1 – Hệ số TS/VCSHo)
Bạn nhìn sự chuyển tiếp từ công thức trên xuống công thức dưới bạn sẽ thấy quy luật: Khi tính chênh lệch do ROS: ta – ROSo* ROA1* Hệ số TS/VCSH1 thì ở công thức chênh lệch do ROA ta sẽ phải + lại đúng cụm này. Đó là lý do bạn thấy chênh lệch do ROA bắt đầu với ROSo*ROA1*Hệ số TS/VCSH1. Tương tự với chênh lệch còn lại.
Như mình học, mình chỉ nhớ đúng cái công thức ROE = ROS * ROA * Hệ số TS/VCSH. Sau đó lúc làm mình tự viết ra công thức theo quy luật trên.