Bài số 4/9 của Series các dạng bài tập của Đề thi CPA Môn Phân tích: Dạng bài Phân tích tình hình huy động vốn và sử dụng vốn
Phân tích tình hình huy động vốn và sử dụng vốn là dạng bài rất cơ bản của Đề thi CPA môn Phân tích. Xem Tổng hợp dạng bài tập Đề thi CPA Môn Phân tích các bạn sẽ thấy dạng bài này gần như năm nào cũng xuất hiện. Có lẽ vì nó khá đặc trưng cho các chức năng cơ bản của tài chính.
Phần 1. Các chỉ tiêu phân tích tình hình huy động vốn và sử dụng vốn
Theo mình thì cách đưa ra tình huống thì có thể thay đổi. Nhưng về bản chất thì khi phân tích tình hình huy động vốn và sử dụng vốn luôn cần phân tích nội dung sau:
Nội dung phân tích | Chỉ tiêu cần phân tích | Mục đích phân tích chính |
1. Phân tích tình hình huy động vốn thực chất là phân tích quy mô, sự biến động và cơ cấu nguồn vốn; | 1/ Sự biến động của tổng nguồn vốn và từng loại nguồn vốn trên BCDKT 2/ Sự biến động tỷ trọng của từng loại nguồn vốn/Tổng nguồn vốn | 1/ Doanh nghiệp huy động vốn từ những nguồn nào? 2/ Việc huy động vốn có đáp ứng đủ nhu cầu về vốn cho quá trình SXKD không? 3/ Doanh nghiệp độc lập hay phụ thuộc về mặt tài chính đối với bên ngoài => Sự mạo hiểm về tài chính của DN. |
2. Phân tích tình hình sử dụng vốn thực chất là phân tích quy mô, sự biến động và cơ cấu tài sản | 1/ Sự biến động của tổng tài sản và từng loại tài sản trên BCDKT 2/ Sự biến động tỷ trọng của từng loại tài sản/Tổng tài sản | 1/ Đánh giá tình hình sử dụng vốn (mức độ đầu tư cho từng lĩnh vực hoạt động) của DN trong kỳ có hợp lý hay không? 2/ Quy mô vốn của DN cao hay thấp, tăng hay giảm 3/ Đánh giá chính sách đầu tư của DN trong kỳ có hợp lý không? |
3. Phân tích mối quan hệ giữa tài sản và nguồn vốn | 1/ Hệ số tự tài trợ = VCSH/Tổng TS = 1 – Nợ phải trả/Tổng TS | Năng lực tự chủ về tài chính. Khi Hệ số tự tài trợ càng gần 1 thì năng lực độc lập về tài chính càng cao |
2/ Hệ số tài trợ thường xuyên = Nguồn vốn dài hạn/TS dài hạn | Mối quan hệ cân đối giữa tài sản với nguồn vốn hình thành tài sản theo thời gian | |
3/ Hệ số tài sản trên vốn chủ sở hữu = TS/VCSH | Mức độ đầu tư tài sản của DN bằng VCSH. Chỉ tiêu này nếu càng > 1, chứng tỏ mức độ độc lập về tài chính của càng giảm dần | |
4/ Hệ số khả năng thanh toán tổng quát = Tổng TS/Nợ phải trả | Phản ánh khả năng thanh toán chung của DN: có thể trả bao nhiêu lần Nợ phải trả bằng TS |
Lưu ý: với chỉ tiêu hệ số tài trợ thường xuyên, Nguồn vốn dài hạn = VCSH + Nợ dài hạn. Nên khi đề bài chỉ cho Nợ phải trả và VCSH thì nghĩa là không có nợ dài hạn. Do đó, VCSH = Nguồn vốn dài hạn. Bạn nào chắc chắn thì giả định thêm 1 câu vào bài làm.
Phần 2. 3 bước làm bài tập Phân tích tình hình huy động vốn và sử dụng vốn
Khi làm dạng bài Phân tích tình hình huy động vốn và sử dụng vốn, mình trình bày thành 3 bước như sau.
Bước 1: Lập bảng tính các chỉ tiêu phân tích tình hình huy động vốn và sử dụng vốn cần thiết
Dạng bài này không cần yêu cầu tính toán quá nhiều chỉ tiêu. Với nội dung phân tích 1 và 2 thì đơn giản là vẽ lại cái bảng cân đối kế toán. Và thêm cái cột tỷ trọng là xong.
Với nội dung phân tích số 3 thì cố gắng phân tích ít nhất 3/4 chỉ tiêu. Hệ số tự tài trợ và Hệ số tài sản trên VCSH là ngược lại nhau. Nên nếu còn ít thời gian quá thì tính 1 cái thôi.
Bước 2: Phân tích chi tiết ý nghĩa của các chỉ tiêu tính toán
Dạng bài này có phần tính toán khá đơn giản. Nên tại phần phân tích ý nghĩa, chúng ta nên cố gắng ghi đầy đủ để ăn điểm nhé.
Tuy nhiên, như mình đã nói tại Dạng bài Rủi ro tài chính – Đề thi CPA Môn phân tích, thời gian có hạn nên viết đầy đủ ý nhưng ngắn nhất có thể. Tối đa là 2 câu cho phần phân tích 1 chỉ tiêu. (Nếu gộp 2 chỉ tiêu thì là 3-4 câu).
Sử dụng Cấu trúc câu: Chỉ tiêu…. tăng/giảm …. tương đương …. % phản ánh (ý nghĩa của chỉ tiêu).
Bước 3: Kết luận tổng thể
Cuối cùng, viết 1 -2 câu để chốt lại về tình hình huy động vốn và sử dụng vốn của công ty. Để nhìn cho chuyên nghiệp ý mà.
Các bạn tham khảo tình huống sau để hiểu rõ cách làm nhé.
Phần 3. Ví dụ về dạng bài Phân tích tình hình huy động vốn và sử dụng vốn
Tình huống: Đề thi CPA Môn Phân tích – Năm 2015 – Đề chẵn – Câu 5 – Yêu cầu 2
Đáp án.
Bước 1. Lập bảng tính toán các chỉ tiêu tài chính
Chỉ tiêu | Đầu năm N | Cuối năm N | So sánh chênh lệch | ||||
Số tiền | Tỷ trọng | Số tiền | Tỷ trọng | CL số tiền | CL Tỷ lệ | CL Tỷ trọng | |
1. Tình hình sử dụng vốn | |||||||
A. Tài sản ngắn hạn | 13,965 | 42% | 19,285 | 48% | 5,320 | 38% | 6% |
B. Tài sản dài hạn | 19,285 | 58% | 20,615 | 52% | 1,330 | 7% | -6% |
Tổng cộng tài sản | 33,250 | 100% | 39,900 | 100% | 6,650 | 20% | |
2. Tình hình huy động vốn | |||||||
A. Nợ phải trả | 15,960 | 48% | 17,290 | 43% | 1,330 | 8% | -5% |
B. Vốn chủ sở hữu | 17,290 | 52% | 22,610 | 57% | 5,320 | 31% | 5% |
Tổng cộng nguồn vốn | 33,250 | 100% | 39,900 | 100% | 6,650 | 20% |
Bước 2. Phân tích tích tình hình huy động vốn và sử dụng vốn
- Phân tích Tình hình huy động vốn
– Quy môn Vốn: Công ty huy động vốn từ 2 nguồn nợ phải trả và Vốn chủ sở hữu với mức gia tăng tương ứng là 1.330 và 5.320 tương đương 8% và 31%. Tổng nguồn vốn tăng 6.650 tương đương 20%
=> Quy môn vốn của công ty đang tăng lên, và chủ yếu là từ gia tăng Vốn chủ sở hữu.
– Cơ cấu vốn: Tỷ trọng của Nợ phải trả giảm xuống 5% tương đương tỷ trọng Vốn chủ sỡ hữu tăng 5%
Chứng tỏ Công ty đang áp dụng chính sách gia tăng huy động vốn từ vốn chủ sở hữu, và giảm huy động vốn từ Nợ phải trả. Điều này dẫn đến mức độ độc lập, tự chủ tài chính của công ty tăng lên.
- Phân tích Tình hình sử dụng vốn
– Quy mô, biến động của Tài sản: Tài sản của công ty tăng 6.650 tương đương 20%. Trong đó:
+ Tài sản ngắn hạn tăng 5.320 tương đương 38%
+ Tài sản dài hạn tăng 1.330 tương đương 7%
=> Quy mô tài sản của công ty đang tăng lên, và tập trung đầu tư vào nguồn tài sản ngắn hạn.
– Cơ cấu của Tài sản: Tỷ trọng của tài sản ngắn hạn tăng từ 42% lên 48%. Đồng thời, tỷ trọng tài sản dài hạn giảm từ 58% xuống 52%. Chứng tỏ công ty đang dịch chuyển tập trung đầu tư vào tài sản ngắn hạn.
Bước 3. Kết luận
Công ty đang có sự gia tăng quy mô và dịch chuyển cơ cấu vốn và tài sản. Để có cái nhìn chi tiết hơn, chúng ta cần phân tích chi tiết từng khoản mục tài sản/nguồn vốn để làm rõ nguyên nhân gia tăng. Và đánh giá sự hợp lý của sự thay đổi này so với chính sách huy động sử dụng vốn của Doanh nghiệp.
Ad ơi phần lưu ý ở phần 1 – các chỉ tiêu phân tích: “Do đó, VSCH = Nợ dài hạn”. Chỗ này là Nguồn vốn dài hạn = VCSH chứ ad nhỉ. Ad kiểm tra lại giúp mình nhé.
Cảm ơn ad!
Hi Phương
Đúng rồi bạn ah. Là do Ad gõ nhầm. Ad đã sửa lại. Cảm ơn bạn nha.
Dạ cho em hỏi, theo như em được biết thì:
– Sử dụng vốn bao gồm: tăng tài sản và giảm nguồn vốn (ví dụ như DN sẽ dùng nguồn vốn của mình để trả các khoản nợ,…)
– Huy động vốn bao gồm: tăng nguồn vốn và giảm tài sản (DN thanh lý tài sản cố định không cần thiết)
Tuy nhiên bài này lại chỉ đề cập đến sử dụng vốn là tăng tài sản, huy động vốn là tăng nguồn vốn thôi. Ad giải thích cho em với ạ!
Hi Hằng,
Em có thể cho Ad biết chi tiết NGUỒN TÀI LIỆU cho vấn đề em đề cập được không: “– Sử dụng vốn bao gồm: tăng tài sản và giảm nguồn vốn – Huy động vốn bao gồm: tăng nguồn vốn và giảm tài sản”
Ad chưa hiểu được rõ lắm.