Chủ đề “Tính giá thành sản phẩm” – Phần 5: “Bài tập tính giá thành sản phẩm theo phương pháp trực tiếp”
Tiếp tục chuỗi bài về Tính giá thành sản phẩm. Hôm nay mình sẽ giải thích cách làm dạng bài tính giá thành theo phương pháp trực tiếp (cơ bản).
Có thể bạn quan tâm: Dạng bài tính giá thành sản phẩm – Phần 4
1. Nguyên lý chung khi làm bài tập “tính giá thành sản phẩm theo phương pháp trực tiếp”
Ngay cái tên đã nói lên tất cả!
Phương pháp này áp dụng cho các quy trình sản xuất đơn giản. Kết thúc quá trình sản xuất, chỉ tạo ra 1 loại sản phẩm cùng một quy cách. Do đó, không cần phải phân bổ chi phí như phương pháp hệ số, tỷ lệ… Chúng ta làm qua 2 bước sau:
Bước 1. Xác định giá trị sản phẩm dở dang cuối kỳ
Bước 2. Tập hợp chi phí sản xuất để tính Tổng giá thành và Giá thành đơn vị
2. Ví dụ về bài tập tính giá thành sản phẩm theo phương pháp trực tiếp
Dạng bài này xuất hiện trong Đề thi CPA Môn Kế toán Năm 2012 – Đề Lẻ – Câu 5.
Đề bài đưa ra thông tin về các khoản chi phí sản xuất đầu kỳ, phát sinh trong kỳ của sản phẩm A. Và yêu cầu chúng ta:
- Xác định giá trị sản phẩm dở dang cuối kỳ và
- Lập bảng tính giá thành SP theo từng khoản mục chi phí
Để giải quyết bài tập này, các bạn đơn giản là làm theo 2 bước mình vừa đề cập bên trên.
Bước 1. Xác định giá trị sản phẩm dở dang cuối kỳ
Giá trị sản phẩm dở dang (SPDD) cuối kỳ được xác định bằng cách quy đổi sang thành phẩm theo tỷ lệ hoàn thành cuối kỳ.
SP A trong kỳ có tỷ Tỷ lệ hoàn thành như sau:
- Mức độ chế biến là 60% => Chi phí NC trực tiếp và Chi phí SXC của 1 SPDD sẽ được quy đổi = 60% của 1 thành phẩm.
- NVL trực tiếp được bỏ vào từ đầu quy trình công nghệ => Chi phí NVL trực tiếp của 1 SPDD sẽ được quy đổi = 100% của 1 thành phẩm
Như vậy, giá trị SPDD cuối kỳ được xác định như sau:
Khoản mục chi phí | Cách tính | CP SXDD cuối kỳ |
CP NVL trực tiếp | (540.000+960.000) * 50/(150+50) | 375,000 |
CP NC trực tiếp | (42.000+120.000)*50*60%/(150+50*60%) | 27,000 |
CP SXC | (156.000+276.000)*50*60%/(150+50*60%) | 72,000 |
Tổng cộng | 474,000 |
Bước 2. Tính tổng giá thành và giá thành đơn vị
Khoản mục chi phí | CP SXDD đầu kỳ | CPSX trong kỳ | CP SXDD cuối kỳ | Tổng giá thành (Z) | Z đơn vị |
CP NVL TT | 540,000 | 960,000 | 375,000 | 1,125,000 | 7,500 |
CP NC TT | 42,000 | 120,000 | 27,000 | 135,000 | 900 |
CP SXC | 156,000 | 276,000 | 72,000 | 360,000 | 2,400 |
Tổng cộng | 738,000 | 1,356,000 | 474,000 | 1,620,000 | 10,800 |
Vậy là xong bài tập tính giá thành sản phẩm theo phương pháp trực tiếp. Trong bài viết tiếp theo, mình sẽ giải thích về dạng bài tập tính giá thành theo phương pháp tỷ lệ.