Kinh nghiệm tự học IELTS hiệu quả nhất dành cho 8x: Những bài học giờ mới tổng kết

Đã học và thi IELTS từ lâu nhưng chưa bao giờ Ad có ý định chia sẻ vì trên mạng đã có quá nhiều tài liệu chia sẻ. Tuy nhiên thời gian vừa qua liên tục nhận được inbox giục nên Ad cuối cùng cũng đủ dũng khí vượt qua cái sự lười để viết bài này. :)). Xin chào mừng các bạn đến với “Kinh nghiệm tự học IELTS hiệu quả nhất dành cho 8x”

Tuy nhiên Ad phải nói trước là bài viết này đúng như tiêu đề. Nghĩa là chỉ dành cho “các bạn 8x”. Uhm, định nghĩa của mình về “các bạn 8x” ở đây nghĩa là: Những người đã dành cả tuổi xuân để học tiếng anh mà vẫn không nói được cho tử tế các câu đơn giản nhất. Đây là những người giống như Ad – chịu hậu quả của 1 nền giáo dục tiếng anh quá lỗi. Vậy nên bạn nào là 8x nhưng tiếng anh tốt rồi thì vui lòng bỏ qua bài viết này nha.

Trong bài viết này, Ad sẽ chia sẻ về phương pháp học hay kinh nghiệm tự học IELTS hiệu quả để đạt kết quả mong đợi. Và quan trọng nhất là thực sự đẩy được trình độ tiếng anh từ “kém” sang mức “trung bình” hoặc “khá”. Trong bài viết này, các bạn sẽ không tìm thấy các kiến thức chi tiết về tiếng anh. Kiểu như giải thích ngữ pháp hay từ vựng gì đó. Bởi vì dù có IELTS 7.0 nhưng Ad tự thấy là bản thân Ad chưa đủ trình độ để dạy Tiếng anh cho mọi người.

Đầu tiên, hãy để Ad giải thích lý do tại sao Ad quyết định thi IELTS.

Thật ra lúc trước Ad luôn quan nhiệm IELTS hay Toefl chỉ dành cho các bạn muốn đi du học. Là cái gì đó rất khó, rất xa vời. Tuy nhiên, khi quyết định sẽ quyết tâm học tiếng anh cho tử tế ở tuổi 30, Ad có đọc được 1 bài trên mạng. Chả nhớ là ở nguồn nào. Nhưng đại loại đại ý rằng: Đừng chỉ học xuông, học cho biết. Đã mất công học thì hãy thi luôn cái chứng chỉ gì đó làm chứng nhận cho thành quả công sức đã bỏ ra.

Lý do bởi vì: Con người chúng ta luôn khó bị ảnh hưởng bởi những lợi ích xa vời, mơ hồ mà thường bị ảnh hưởng bởi “hạnh phúc” rõ ràng và ngay trước mắt. Do vậy, việc đạt được chứng chỉ IELTS làm đẹp CV sẽ là 1 động lực rõ ràng và lớn hơn rất nhiều so với 1 hình dung mơ hồ về tương lai khi sử dụng được tiếng anh 1 cách chuyên nghiệp.

Ad càng nghĩ càng thấy đúng. Bản thân chúng ta khi đi làm mà được sếp hứa hẹn cuối tháng được thưởng luôn 1 tháng lương thì sẽ có động lực làm việc hừng hực hơn rất nhiều so với lời hứa hẹn cuối năm sẽ được thưởng nếu làm tốt đúng không?

Chính vì vậy, Ad đã quyết định đăng ký thi IELTS. Và Ad biết đó là quyết định đúng ngay sau khi nộp lệ phí thi khoảng 5 củ. :)) Áp lực & động lực rất rõ ràng. Đồng tiền đi liền khúc ruột mà!

Vì vậy mình khuyên bất cứ bạn nào đang muốn học tiếng anh thì đừng chỉ học cho biết. Hãy đăng ký thi. IELTS hay TOEFL gì thì tuỳ. Nhất cử lưỡng tiện. Vừa có động lực, áp lực học, lại vừa có thêm cái chứng chỉ làm đẹp CV.

Bài học 1. Hãy bắt đầu hành trình bằng việc đăng ký thi ngay và luôn

Rồi, giờ thì vào chi tiết. Tổng thời gian hành trình cả ôn & thi của Ad là 5.5 tháng. Trong đó, Ad mất 1 tháng đầu tiên loay hoay tìm hiểu phương pháp học, tài liệu học… các kiểu.

Ad phải nói rằng đây là giai đoạn “u mê” nhất trong cuộc đời 30 cái xuân xanh của Ad. Trên mạng có quá nhiều thông tin chia sẻ nên Ad bị loạn luôn. Không biết nên như nào, phải học ra sao luôn. Chọn học theo bên này 1 vài ngày thì lại thấy bên khác có tài liệu khác, cách học khác. Lại không yên tâm… Tóm lại là vô cùng hoang mang và bất an.

Đến ngưỡng không chịu nổi nữa thì Ad đã phải ngồi suy nghĩ lại những gì mình đang làm. Mục đích của mình là gì? IELTS 7.0. Vậy, cấu trúc đề thi như nào? Cách chấm điểm ra sao? Để đạt được IELTS 7.0 thì các kỹ năng phải đạt điểm như nào? Để đạt được điểm này thì mình phải làm đúng bao nhiêu câu? Tình trạng của mình hiện tại ra sao? Cái gì tự học được, cái gì nên đi học?

Sau khi trả lời hết các câu hỏi này, thì vô hình chung là Ad đã tự thảo ra được 1 chiến lược học tương đối rõ ràng.

Bạn nào đã theo học ACCA và CPA trên web chắc đều thấy những vấn đề này rất quen. Bởi vì đây chính là điều Ad hay nhai đi nhai lại trong các bài viết của mình. Xác định mục đích, hiểu rõ mục tiêu để có chiến lược phù hợp. Chỉ có chính mình mới rõ được tình trạng của mỉnh nên mới có thể tự vẽ ra được chiến lược phù hợp. Còn tất cả những gì người khác nói, đều chỉ là chiến lược của người ta mà thôi. Việc tự phác ra chiến lược của bản thân còn giúp chúng ta không mất quá nhiều thời gian tham khảo các tư vấn của người khác. Hoặc không bị kiểu tình trạng Ad nói bên trên. Đang học theo người này thì lại nhảy sang người khác học. Cuối cùng là chả đâu vào đâu cả.

Bài học 2: Xác định rõ mục tiêu của mình là gì? Tìm hiểu thật kỹ về "thử thách" cần vượt qua? Xác định kế hoạch cần làm để đạt được mục tiêu!

Well, sau khi đã xác định được chiến lược học cho bản thân thì Ad tiếp tục quyết định xem lại các tài liệu đang sử dụng. Thực sự là vì trên mạng chia sẻ rất nhiều nên Ad thấy ai up cái gì cũng xin down về. Dẫn đến là quá nhiều tài liệu mà không biết sắp xếp thời gian kiểu gì để học cho hết.

Ad cũng nói luôn. Tài liệu cần sử dụng sẽ phụ thuộc vào mục tiêu, mục đích của bạn là gì. Chứ không phải cứ thấy người ta chia sẻ dùng cái gì thì mình dùng cái đó. Bởi vì tuỳ vào mục tiêu cao hay thấp mà tài liệu cần sử dụng sẽ đơn giản hay phức tạp.

Ví dụ như Ad chỉ đặt mục tiêu IELTS 7.0. Nghĩa là ở mức độ vừa phải, không quá khó. Do đó, Ad quyết định xoá thẳng tay hết các tài liệu dành cho Level 8.0 mà Ad đã quá tham tích luỹ. 😀

Cụ thể, các loại tài liệu Ad sử dụng để đạt mục tiêu IELTS 7.0 như sau:

  • Kênh CNN Student News (CNN 10) [Vì mình luyện giọng Anh Mỹ nên chọn kênh này. Bạn nào thích Anh Anh thì chọn kênh khác. Kênh nào cũng được miễn là có transcripts để biết mình đang nghe cái gì]
  • Sách “Cambridge Grammar” & “Cambridge Vocabulary”
  • Bộ đề IELTS Actual Listening Tests
  • Bộ đề IELTS – Cambridge huyền thoại từ quyển số 5 trở đi [các quyển từ 1 – 4 theo cách ra đề cũ không còn phù hợp]
  • Các bài viết và bài nói theo chủ đề IELTS thường gặp [Tài liệu này Ad sẽ giải thích thêm ở dưới]

Bạn nào đã từng đọc các bài chia sẻ về tài liệu học IELTS sẽ thấy số loại tài liệu Ad sử dụng là cực ít.

Bài học 3: Mục tiêu nào tài liệu đó. Thi gì học nấy!

Sau khi đã vạch rõ ra được chiến lược thì Ad chính thức bắt đầu hành trình ôn luyện 4 tháng. 4 tháng này có thể chia làm 2 giai đoạn: “Rèn kiến thức cơ bản” và “Luyện kỹ năng làm bài thi”

Giai đoạn 1. Rèn kiến thức cơ bản [Khoảng 2.5 tháng]

(1) Kỹ năng nghe và nói

Điều đầu tiên Ad phải nói là: Nghe và nói đi liền với nhau. Nghe đúng thì nói đúng. Mà nói đúng thì nghe đúng.

Thế nên bạn nào nói tớ nói đúng mà nghe không được. Hay tớ nghe đúng mà nói sai thì Ad cho rằng các bạn chỉ đang nghĩ rằng các bạn “đúng” mà thôi.

Ad đăng ký tham gia khoá học phát âm Anh Mỹ của bạn Hiếu Cao [Facebook: https://www.facebook.com/hieuvijjo]

Lý do:

Ad phát hiện mình bị sai phát âm căn bản. Học tiếng anh bao lâu mà chưa biết cách đọc các phiên âm IPA trong từ điển như nào. Vì nói sai nên nghe được người ta nói âm gì mà không biết đó là tương ứng với từ gì.

Ví dụ: Ad nghe CNN Student news, người ta nói là “gờ rôu sờ”. Mãi không hiểu từ gì. Xem Transcripts thì thấy đó là “Gross”. Từ trước đến giờ Ad luôn biết từ này nhưng Ad đọc từ này là “Gờ rót sờ”. Hay người ta nói “Á sẹt” thì Ad không hiểu. Trong khi đó chính là từ “Asset” (tài sản) mà Ad rất quen thuộc nhưng Ad hay đọc là “Ờ sét”.

Ad đã tìm hiểu trên mạng thì thấy vấn đề quan trọng nhất khi học phát âm, học nói là: Có người sửa được cho mình là mình đang sai ở đâu. Hướng dẫn mình cần phải sửa như nào cho đúng. Và hướng dẫn mình cách tự phát hiện lỗi sai.

Chính vì vậy nên Ad đã đăng ký học bạn Hiếu Cao. Dù bạn ấy là người Việt chứ không phải Tây. Ad đã từng đi học ở các trung tâm tiếng anh thì Ad thấy là các trung tậm dạy mình ngữ pháp, từ vựng, dạy nói … nhưng giáo viên không thể nào mà nghe kỹ từng câu từng từ xem chúng ta đang phát âm bị sai ở đâu. Các bạn đã đúng căn bản rồi muốn nâng cao trình độ học như thế thì OK. Nhưng người bị sai phát âm căn bản như Ad mà học thế thì chỉ có phí tiền. Thực tế là Ad đã từng phí 1 đống tiền chứ không thì đã không đến nỗi 30 tuổi phải học tiếng anh như này.

Thế nên Ad khuyên các bạn, nếu như bị sai căn bản kiểu nói 1 câu đơn giản cũng không chuẩn như Ad thì rất nên tìm 1 khoá học phát âm và cố gắng hết sức để học theo. Tây cũng được, ta cũng được. Miễn là mà người ta có thể chỉnh cho mình từng chỗ sai và hướng dẫn mình cách làm đúng. Bởi vì chúng ta không biết cái mình không biết. Thế nên rất khó để tự phát hiện mình đang bị sai ở đâu.

Bài học 4. Phát âm đúng là gốc rễ của nghe đúng và nói đúng. Muốn thực sự cải thiện tiếng anh từ kém lên trung bình khá thì phải cải thiện phát âm đầu tiên!

Trong quá trình tham gia lớp phát âm, mình được giới thiệu sử dụng công cụ “Audacity” – phần mềm giúp chúng ta nghe từng câu, từng từ tiếng anh nhờ chức năng chỉnh chậm tốc độ nói.

Ad sử dụng công cụ Audacity cho cả luyện nghe và luyện nói:

Luyện nghe: Sử dụng phương pháp “nghe chép chính tả”. Để đến được quyết định này, Ad đã mất mấy ngày tìm hiểu thông tin trên google. Vì từ trước đến giờ, Ad luôn tin rằng việc “nghe bắt Keywords” và cứ bật tiếng anh lên “nghe trong vô thức” là cách học nghe. Tuy nhiên, thực tế chục năm học tiếng anh không khá lên được đã khiến Ad phải nghi ngờ niềm tin của mình. Và sau khi tìm hiểu thông tin trên google và trao đổi với bạn Hiếu cao thì Ad thấy nghi ngờ của mình là đúng. Niềm tin của Ad từ trước đến giờ hoàn toàn sai.

  • Chỉ nghe “Keywords” khiến mình không nghe được các từ đơn giản mà người ta nói
  • Bật nghe vô thức chỉ là công cụ phụ thêm chứ không phải là công cụ giúp chúng ta học nghe. Vì bạn không biết cái mình không biết. Không biết 1 từ “nghe” phải như nào thì làm sao ta biết được khi ta đang nghe từ đó?

Cách áp dụng như sau: Ad download các videos trên CNN Student News về. Nghe chép chính tả từng câu. Sử dụng Audacity để chỉnh chậm tốc độ từng câu, từng chữ chưa nghe rõ. So sánh với Transcripts xem mình nghe sai ở đâu. Các chỗ mình nghe không được thì nó là từ gì. Phát âm như nào. Tra cách phát âm trên từ điển của từ đó và so sánh với âm thanh mình nghe được. Bạn nào không thích CNN Student News thì có thể sử dụng với chính các Audio của sách Cambridge nhé.

Luyện nói: Mình tập phát âm, tập nói theo các bài tập được giao trong lớp phát âm. Ghi âm lại sau đó dùng Audacity để so sánh Audio mình nói và Audio chuẩn. Kiểu phát 2 bản cùng lúc. Bạn sẽ nghe ngay ra được mình đang lệch pha so với người ta như nào. :))

Phương pháp luyện nói này được gọi là “Shadowing” nhé các bạn. Các bạn tra trên youtube sẽ ra cả tá videos nói về phương pháp này. Tuy nhiên chốt lại thì nó chính là cái mình giải thích bên trên. Nói theo người ta, sau đó ghi âm lại. So sánh bản của mình với người ta xem lệch ở đâu. Bắt chước đi bắt chước lại cho đến khi nào bản của mình gần giống nhất với bản chuẩn.

Phải nói đây là 1 quá trình đầy nhọc nhằn, gian khổ,chán nản. Có những ngày học phát âm 2h-3h mà cơ miệng cơ hàm của Ad cảm giác cứng đơ. Lưỡi thì mỏi khủng khiếp. Tuy nhiên, nếu bạn kiên trì thì “It’s totally worth it”.

Sau tầm 2.5 tháng học lớp phát âm, kết hợp luyện nghe nói theo phương pháp chép chính tả và shadowing này. Ad tự nhận thấy rất rõ ràng mình đã lên level rồi. Khi tự bản thân bạn luyện tập và “cảm nhận” được sự thay đổi trong cách phát âm, cách nói. Bạn sẽ hiểu những gì Ad nói lúc này.

Tổng kết lại:

Để luyện kỹ năng nghe nói cơ bản, Ad dành 2.5 tháng để luyện phương pháp nghe chép chính tả & “shadowing” nha các bạn. Và theo Ad thì nghe chép chính tả và shadowing chính là phương pháp duy nhất giúp các bạn bị sai cơ bản như Ad tiến bộ.

(2) Kỹ năng đọc hiểu & viết

Kỹ năng đọc hiểu: Khoản này thì Ad luyện khá đơn giản, không mất nhiều thời gian. Từ trước đến giờ Ad làm việc cũng đều sử dụng văn bản tiếng anh nên đọc hiểu không quá tệ. Chỉ có các từ vựng thuộc chủ đề thường ngày không dùng như lịch sử, kiến trúc, y… thì không biết. Ad bổ sung vốn từ vựng chỉ bằng cách học quyển Cambridge Vocabulary.

Kỹ năng viết: Theo Ad tìm hiểu thì có 2 trường phái viết: Viết theo phong cách đơn giản & Viết theo phong cách phức tạp. Nhiều bạn cứ nghĩ rằng để được điểm cao thì phải sử dụng từ ngữ, ngữ pháp phức tạp thì mới được điểm cao. Nhưng thật ra không phải thế.

Tìm hiểu các tiêu chuẩn chấm điểm các bạn sẽ thấy: Quan trọng vẫn là bài viết có bố cục, ý tưởng rõ ràng. Sử dụng đúng ngữ pháp, từ vựng. Sau đó thì mới là sự phong phú. Chính vì vậy chúng ta hoàn toàn có thể viết theo phong cách đơn giản mà vẫn được điểm cao. Như vậy, Ad xác định để đạt từ 6.6 – 7 kỹ năng viết thì Ad chỉ cần học ngữ pháp cơ bản nhất. Vì thế, Ad học quyển Cambridge Grammar. Khỏi mất công đi tìm ngữ pháp các kiểu. Mệt mà chả nhớ được.

Giai đoạn 2. Rèn kỹ năng thi [Khoảng 1 – 1.5 tháng]

Kỹ năng làm bài thi thì Ad luyện theo website của Simon. Đây là cựu giám khảo Ielts cực nổi tiếng. Bác ý có các bài chia sẻ cực hữu ích cho từng kỹ năng luôn. Nhiều bạn chi đống tiền đi trung tâm luyện ielts để luyện kỹ năng thi. Nhưng Ad thấy thế là quá lãng phí. Bởi vì quan trọng nhất là kiến thức phải tốt. Chứ kỹ năng làm bài thi chỉ giúp chúng ta tăng được từ 0.5 – 1 điểm thôi.

Nghiên cứu các kỹ năng làm bài thi xong thì Ad lao luôn vào luyện bộ đề Cambridge. Đừng tham làm nhiều. Chất lượng hơn số lượng các bạn ạ. Quan trọng là chúng ta học được gì từ từng đề chúng ta làm. Phải bỏ thời gian ra ngồi nghiên cứu kỹ từng câu tại sao sai? tại sao đúng?

Sau khi luyện xong bộ đề Cam thì Ad chuyển sang luyện nói và viết theo các chủ đề thường gặp trong đề thi.

Tài liệu sử dụng ở giai đoạn này, Ad mua của bạn Ngọc Bách [https://www.facebook.com/tuhocIelts8.0/]. Bạn ý có các tài liệu nói và viết theo các chủ đề thường xuất hiện trong đề thi được các cựu giám khảo ielts review lại. Đặc biệt hay là các file Audio nói. Các bạn có thể sử dụng để luyện phát âm, luyện nói theo phương pháp Shadowing luôn.

Vậy là xong. Đến ngày thì đi thi thôi. 1 ngày trước khi Ad đi thi, chả làm gì. Chỉ ngồi nhà lăn lê xem phim tiếng anh cho nó có không khí. Vào phòng thi thì hít sâu thở chậm cho bình tĩnh. Lúc thi nói gặp examiner thì nhớ ăn mặc đẹp, cười tươi gây thiện cảm. Chuẩn bị trước mấy câu câu giờ. Sau đó về nhà chờ ngày có kết quả.

Bài học 5. Chúng ta có thể tự học mọi thứ miễn là có "phương pháp luyện tập phù hợp" trong "thời gian đủ dài"

Các bạn thấy đấy, học IELTS hay học tiếng anh không có gì là quá khó hay không thể học. Kinh nghiệm hay phương pháp hay bí quyết gì đó nói đi nói lại cũng chỉ có thế. Vấn đề vẫn là chúng ta có thực sự muốn làm hay không?

Nếu các bạn đang có dự định học tiếng anh hay thi IELTS, hãy nhớ:

kinh nghiệm tự học ielts hiệu quả nhất

Có thể nhiều bạn sẽ nghĩ đây không phải là những kinh nghiệm tự học IELTS hiệu quả nhất. OK, không sao cả. Mỗi người có thể sẽ có cách học riêng phù hợp với bản thân mình. Vấn đề quan trọng là chúng ta quyết định bắt đầu học & kiên trì theo lựa chọn của mình. Ad đã làm được thì các bạn cũng sẽ làm được. Chúc các bạn đủ kiên trì!

PS: Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì hãy giúp Ad chia sẻ đến bạn bè nhé. Hy vọng sẽ ngày có càng nhiều bạn quyết định dấn thân vào hành trình tự học để không ngừng nâng cao kiến thức cho bản thân!

Trong thời gian tới, Ad sẽ chia sẻ kinh nghiệm Ad tự học cách làm Slide và cách Ad tự học lập trình. Các bạn theo dõi nhé!

Có thể bạn quan tâm: Chúng ta có thể tự học mọi thứ không?

53 bình luận về “Kinh nghiệm tự học IELTS hiệu quả nhất dành cho 8x: Những bài học giờ mới tổng kết”

  1. Chào chị:)))
    Lúc e đọc bài viết này là lúc gần nửa đêm nhưng em có cảm giác như mình được soi sáng luôn ạ. Em rất cảm ơn bài viết bổ ích của chị. Em cũng trầy trật học IELTS một thời gian khá dài rồi ạ, mà không thấy có hiệu quả. Đọc bài viết của chị mà e nhận ra được mình đã đi sai hướng như thế nào và làm thế nào để đi đúng hướng lại ạ. E sẽ đăng kí thi IELTS ngay vào tháng 11 này và mong có thể báo tin vui lại với chị.
    Mong sớm được đọc bài viết slide và lập trình của chị ạ.
    Vì hôm nay là chủ nhật nên em chúc chị có một tuần làm việc sắp tới thật tốt và vui vẻ.

    Bình luận
  2. em đang theo học ACCA và cũng đã đọc nhiều bài về các môn F trên website của chị, cảm thấy rất bổ ích và hiệu quả, bản thân em tiếng anh ko được tốt lắm từ hồi trung học, h mức độ đọc hiểu chỉ tàm tạm, nghe nói thì bập bõm câu được câu ko, nhiều khi làm việc vs chuyên gia nc ngoài nghĩ mãi mới dám nói một hai câu mà hỏi hỏi lại thì ko nghe được, nhiều lúc cũng muốn đi học IELST để tự nâng cao bản thân mình nhưng ko biết bắt đầu tư đâu, hi vọng chị tiếp tục chia sẻ những câu chuyện của chị để làm động lực phấn đấu, em năm nay 28 rồi mà cs và công việc vẫn cứ chênh vênh quá, ACCA mới được vài môn, tiếng anh bập bẹ, công việc làng nhàng, chả hiểu nên làm gì để thay đổi cs của mình tốt hơn dù đã cố gắng nhiều.

    Bình luận
    • Hi em,

      (1) Về tiếng anh: Gần đây chị có đọc 1 quyển sách gọi là: Ảo tưởng về thiên tài. Đại ý của nó là: Các nhà nghiên cứu không tìm ra được mẫu “gene” đặc biệt nào của những người được gọi là “thần đồng” hay “thiên tài”. Thay vào đó, họ phát hiện ra được những người này đều trải qua “quá trình tập luyện phù hợp trong 1 khoảng thời gian rất dài” từ khi còn bé. Điều này nói lên cái gì? Nghĩa là bất cứ ai trải qua quá trình luyện tập tương tự đều có thể trở thành thiên tài.

      Tất nhiên chúng ta không cần thành thiên tài. Chúng ta chỉ cần sử dụng được tiếng anh 1 cách “cơ bản” – mức trung bình khá. Để được như vậy, chúng ta sẽ cần tập luyện đúng cách trong 1 khoảng thời gian đủ dài. Trong trường hợp của những người sai cơ bản như em và chị, thì chị đề xuất em tập trung tập luyện tầm 5-6 tháng.

      Tập luyện như nào thì chị đã chia sẻ kinh nghiệm học rồi. Con đường duy nhất để cải thiện từ kém lên trung bình khá là: “Chép chính tả & Shadowing”.

      Bởi vì bản thân chị đã trải nghiệm con đường này nên chị biết nó đúng. Và chị biết không phải 1 mình chị đã học theo con đường này và thành công. Thế nên nếu em THỰC SỰ muốn cải thiện khả năng tiếng anh của bản thân, thì em hãy tự tin thực hiện theo cách thức chị đã làm.

      Tất cả mấy trung tâm mà quảng cáo là thành thạo hay IELTs 6.5 sau 3 tháng gì đó đều là lừa đảo hết. Vì bản chất học ngoại ngữ là “luyện tập” cho miệng & tai quen với âm thanh và cách phát ra âm thanh của tiếng anh. Mà cái này phải tuỳ thuộc vào tình trạng của từng người mà thời gian cần thiết sẽ khác nhau.

      Thế nên em đừng hy vọng cứ đi học tiếng anh là có thể cải thiện được trình độ. Em đi học cũng được, tự học cũng được nhưng em phải nhớ: Kiến thức chỉ có thể học mà không thể dạy. Thế nên dù đi học bao nhiêu mà bản thân em không bỏ thời gian ra luyện tập thì chỉ phí tiền. Đây là kinh nghiệm từ chính bản thân chị.

      Nhiều bạn cũng bảo quyết tâm học nhưng chỉ được vài buổi là chán bỏ. Tuy nhiên, làm gì có cái gì tốt đẹp có thể đến chỉ trong 1 vài buổi đúng không em?

      Nếu em thực sự quá chán với “phiên bản hiện tại” của bản thân mình thì hãy tự hứa với bản thân để thay đổi. Và thay đổi ngay từ hôm nay. Dù tư chất của em như nào, chị tin rằng nếu em thực sự kiên trì luyện tập, em sẽ cải thiện được.

      (2) Về tình trạng chênh vênh trong công việc: chị nghĩ đây không phải là câu chuyện của riêng ai. Khi chị bắt đầu sang 30 tuổi, chị đã thực sự kiểu như rơi vào Khủng hoảng. Không biết mình là ai? mình muốn gì? mình phải làm gì? mình cần làm gì?… Ở công ty chị thường xuyên cáu gắt với cấp dưới, bực bội với cấp trên… Vào giao thừa năm đó, chị ngồi làm bản tổng kết xem mình đã làm gì được trong năm vừa rồi. Mà tờ giấy trống không, không viết được gì cả. Thấy thất vọng, chênh vênh, chán, không có tương lai… Vấn đề không hẳn là tiền. Bởi vì công việc của chị thu nhập tương đối tốt. Môi trường làm việc cũng OK. Nhưng chị vẫn thấy mình không “thoả mãn”. Chị cứ nghĩ mãi tại sao mình lại thế? Câu trả lời cuối cùng cũng đến. Lý do chán nản không phải vì chị chưa thành đạt mà vì chính chị đang ghét phiên bản hiện tại của bản thân mình. Chính từ đây, chị mới nghĩ lại vậy mình thực sự muốn thành người như nào? để trở thành người như thế thì mình cần làm gì?… Và hành động đầu tiên chị làm chính là quyết định cải thiện khả năng tiếng anh. Đây thực sự là 1 quá trình rất dài mệt mỏi với chị. Tuy nhiên, bây giờ nhìn lại chị thấy rất tự hào với bản thân vì đã dũng cảm bước bước chân đầu tiên phá bỏ sự ì của bản thân.

      Nếu em thấy “dù đã cố gắng nhiều” nhưng cuộc sống vẫn chưa tốt hơn được thì em hãy ngẫm lại câu bên trên: “tập luyện đúng cách trong 1 thời gian đủ dài”. Có 2 khả năng xảy ra khi em cố gắng nhiều mà không đạt kết quả:

      (-) Em cố gắng chưa đúng cách: Dù em định làm gì, học tiếng anh hay bất kỳ kỹ năng nào, em cần tìm ra cách làm đúng để luyện theo.

      (-) Thời gian em cố gắng chưa đủ lâu: Việc luyện tập nó không tỷ lệ thuận với kết quả. Mà thay vào đó, nó sẽ kiểu: em phải tích luỹ đủ về lượng thì mới dẫn đến sự thay đổi về chất. Em luyện tập, cố gắng rất lâu nhưng có khi chỉ bước được 1 bước. Nhưng sau khi đã tiến được 1 bước đầu tiên rồi, thì em bước tiếp sẽ ngày càng nhẹ nhàng, nhanh chóng.

      Chị chia sẻ hơi dài dòng nhưng đây là tấm lòng của chị.

      Dù có như nào, chị mong rằng em sẽ lựa chọn để trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình.

      Admin

      Bình luận
      • Hi Admin,
        Thực sự mình rất ít khi comment hay ý kiến tranh luận trên mạng xã hội blog nhưng khi gặp blog của bạn, bài chia sẻ về cách hoc IELTS của bạn và comment này, mình hoàn toàn…”nổi da gà”.. vì nó hoàn toàn khớp với cuộc đời mình, về English, cuộc sống, công việc, chỉ là mình chưa làm được việc mà bạn làm được lúc 30 tuổi là lấy IELTS 7.0
        Cảm ơn tâm huyết của bạn. Mình cảm thấy đã tìm đc con đường thoát cho IELTS cũng như cuộc sống và công việc của mình.
        Cảm ơn cơ duyên đã cho mình thấy blog của bạn.

        Bình luận
      • Chào chị.
        Em đang ôn thi CPA và tìm thấy các bài viết hướng dẫn của chị.
        Em đã có khoảng hơn 1 năm cảm thấy rất chông chênh, thấy lạc lõng và khoảng cách với mọi người xung quanh.Giờ thì e đã xác định được mục tiêu mình muốn gì và đang kiên trì theo đuổi từng cột mốc mà mình đặt ra.
        Cảm ơn chị đã chia sẻ mọi thứ. Chúc chị luôn vui vẻ hạnh phúc.

        Bình luận
        • Hi Phương, rất vui vì em tìm thấy sự đồng cảm với những chia sẻ của chị. Chúc em bền bỉ và có nhiều niềm vui trên hành trình khám phá khả năng của bản thân nhé. 🙂

          Bình luận
      • Comment này của chị thực sự rất chạm tới em, trước đây em cũng luôn cảm thấy mình khắc khoải, đau khổ, lay lắt với phiên bản hiện tại của con người mình: đình trệ, chán nản, tự ti vào bản thân, người béo mập, không làm gì ra hồn và kiên trì, nội lực quá yếu. Sau đó nhận ra mình đã tự tỉnh thức: tham gia CLB Thiền, CLB đọc sách buổi sáng và tập Yoga buổi trưa, đọc sách self-help nhiều hơn thì chỉ sau khoảng 4 tháng tự bản thân em đã thấy mình đã mạnh mẽ hơn nhiều, thân hình cũng thon gọn hơn và đặc biệt là thấy tự tin vào bản thân rất nhiều, tin mình sẽ thay đổi được mọi thứ khi mình có nội lực mạnh mẽ. Giờ đây em cũng chuẩn bị hành trình học lại tiếng anh và lấy tấm gương của chị làm động lực, những việc đơn giản làm trong thời gian đủ dài thì lượng sẽ biến thành chất. Một thời gian sau em sẽ quay lại trang web này và báo tin vui cho chị nhé

        Bình luận
  3. Cảm ơn Ad, mình cũng đang ôn thi CPA và đang học theo cách hướng dẫn của Ad. Đúng là “học thầy không tày học bạn”. Đi học không hiểu phần nào, lên tuonthi, tìm đọc lại là hiểu chút chút, rồi làm lại bài của thầy.
    Cảm ơn Ad rất nhiều !

    Bình luận
  4. HI Ad, Mình mất gốc tiếng anh từ trước rồi. Nhưng thời gian gần đây mình quyết định sẽ học lại tiếng anh và thi chứng chỉ đại lý thuế và CPA. Nhưng thực sự trình tiếng anh của mình rất thấp, hồi học đại học để qua được các môn tiếng anh với mình là 1 cực hình. Nên rất mong muốn được ad chia sẻ cho mình cách học sao cho phù hợp.

    Bình luận
    • Hi Phương,

      Kinh nghiệm của Ad là học bất cứ thứ gì cũng cần theo quy trình sau

      Bước 1. Xác định mục tiêu học để làm gì? Bạn cần phải trả lời được cụ thể câu hỏi Tại sao tôi học cái này?
      Bởi vì mục tiêu sẽ quyết định cách thức hành động. Ví dụ: Bạn học tiếng anh để thi CPA thì học ngữ pháp và từ vựng là OK. Còn học để thi IELTs hay TOEIC thì phải học cả nghe nói…

      Bước 2. Tìm hiểu thông tin về môn học? xác định chiến lược hay “cách thức học phù hợp” để đạt mục tiêu

      Bước 3. Lựa chọn tài liệu sử dụng

      Bước 4. Luyện tập đúng theo cách thức đã chọn trong 1 khoảng thời gian đủ dài

      Ad không rõ mục đích học tiếng anh của bạn là gì nên không nói chi tiết hơn được. Nhưng cứ theo lộ trình học 4 bước này thì mình rất tự tin là bạn sẽ thành công.Vấn đề chỉ là bạn có đủ kiên trì để thực hiện hay không thôi. Chúc bạn sẽ hoàn thành mục tiêu bạn đề ra. 🙂

      Bình luận
  5. Hi Add, mình đọc nhiều bài chia sẻ về học ACCA và cảm nhận đươc cái tâm chân thành của Add. Thực sự rất xúc động khi tìm được blog này vì những cái mình cần đều là những cái Ad đang chia sẻ. Hiện tại mình đang bắt đầu tiếp cận và ôn thi ACCA, tuy nhiên môn đầu tiên là F5 đã fail rồi, mình nhận thấy kỹ năng viết và trình bày trong ACCA rất quan trọng. Hy vọng Ad có thể chia sẻ cụ thể hơn cách cải thiện kỹ năng viết khi ôn thi ACCA giúp mình hay không? Cám ơn Ad rất nhiều

    Bình luận
    • Hi Nga,

      Theo kinh nghiệm của bản thân Ad thì khi thi các môn cấp độ cơ bản (F) thì thật ra kỹ năng viết chưa yêu cầu cao. Bởi vì tự Ad thấy hồi đó Ad viết sai ngư pháp các kiểu rất nhiều mà vẫn pass. 🙂

      Tuy nhiên nếu bạn muốn cải thiện kỹ năng viết, thì theo Ad cách tốt nhất chính là “bắt chước”. Nghĩa là học cách viết từng câu trong từng dạng bài. NGuồn để học theo thì bạn có thể dùng sách của BPP. Như mình đã chia sẻ kinh nghiệm học ACCA, đừng mất công đi học tiếng anh đâu xa vời. Cứ thi gì học nấy. Sách BPP chính là nguồn tốt nhất cho chúng ta học mà.

      Để luyện kỹ năng viết từ sách của BPP, thì cách làm rất đơn giản thôi. Lúc bạn làm bài tập, thay vì chỉ xem lướt qua cách giải, tính toán số liệu. Thì giờ bạn phải để ý QUAN SÁT, mổ xẻ kỹ các câu chữ người ta sử dụng trong từng bài tập. Rồi bắt chước theo thôi. Kiểu dạng như học thuộc lòng đó. Đảm bảo làm như này cho tầm 2 – 3 chủ đề của môn là quen ngay. 🙂

      Chúc bạn học tốt.

      Bình luận
  6. Cảm ơn chị rất nhiều. Em đọc hết bài viết của chị và những comment mà chị trả lời các bạn. Chị tâm huyết với mọi người quá. Em đang ôn thi IELTS và hy vọng sẽ báo lại kết quả sớm cho chị. Chúc chị luôn vui vẻ và nhiều thành công.

    Bình luận
      • Chị ơi, em đã làm theo khoảng 80% bài viết này (trừ tài liệu, vì tài liệu thì em chọn theo sở thích của em). Và kết quả đạt 6.0 từ lần thi đầu tiên – Sau 6 tháng ôn thi. Trước đó mức của em tầm 4.0 – 4.5. Em cảm ơn chị rất rất nhiều và có share cho tương đối nhiều người bạn của em về bài này. Em viết comment này, mong nhiều bạn hơn nữa đọc được bài này và thử phương pháp này, không chỉ cho IELTS và nhiều môn khác cần tự học.

        Bình luận
        • Hi, Chị cũng mới vừa nghỉ ôn thi 1 thời gian nên giờ mới nhận được tin của em. Thực sự là tin vui cho buổi sáng. 🙂 Chúc em tiếp tục gặt hái được nhiều thành công trên con đường học hành trau dồi bản thân nha. 😀

          Bình luận
  7. Chị ơi, CNN có những video ngắn hay quá. Chị download về thế nào vậy chị? Em thử mấy cách youtube có bày cho nhưng có vẻ không có hiệu quả. Cảm ơn chị trước.

    Bình luận
  8. Em chào chị! Em đọc bài viết của chị thấy rất bổ ích ạ. Kỹ năng đọc và viết của em cũng tạm ổn
    (e đã hoàn thành xong ACCA rồi ạ). Nhưng về kỹ năng nghe và nói thì em thấy không tự tin chút nào. Chị có thể chia sẽ rõ hơn về kỹ năng đọc và chép chính tả được không ạ. Có nghĩa là mình nghe qua 1 lần xem transcript, xong lần 2 thì mình bật nghe từng câu đến đâu thì dừng lại xong chép ra, xong sau đó là tập nói theo hay như thế nào ạ. Và với mỗi video thì mình làm như vậy với tần suất ntn ạ? Em cảm ơn chị nhiều ạ

    Bình luận
    • Hi em,
      Em có thể kết hợp luyện nghe chép chính tả & luyện nói shadowing luôn.
      – Bước 1. Em chọn 1 file nghe (mp3) có transcripts. Nên chọn file nghe ngắn, với các chủ đề mà em mong muốn cải thiện trước. Vì thực ra có những lĩnh vực lạ với mình thì đến tiếng việt còn chả biết nói gì chứ đừng nói tiếng anh.
      – Bước 2. Sử dụng audacity để nghe. Khi mới bắt đầu nên nghe theo từng câu (5s) một. Nghe từng âm thanh người ta nói ra là gì để đoán từ tương ứng. Nghe đến 3 lần mà vẫn không nghe được hết câu thì cũng dừng lại để đối chiếu câu đó với transcript vì khả năng là không biết cách phát âm đúng của từ hoặc là từ mới.
      – Bước 3. So sánh phần đã chép được với transcript xem đúng sai như nào? Tại sao lại không nghe được từ đó? Nghe lại câu đó xem sau khi đã biết transcript thì nghe lại có nghe được không?
      – Bước 4. Sau khi chép xong 1 đoạn cho ngày đó, thì bắt đầu tập nói theo transcript (shadowing). Bắt chước nhại lại theo người ta từ cách phát âm, nhịp điệu, ngữ điệu… nói chung là cố gắng giống hết sức có thể. Cũng tập theo từng câu một.
      Giai đoạn đầu do chưa có khả năng nhận ra sự khác biệt nhanh, sau khi nhại lại quen miệng rồi thì em có thể thu âm phần em tự nói đoạn đã luyện, sau đó cũng cho vào audacity để so sánh mình nói và người ta nói. Kiểu bật 2 file cùng lúc ý. Việc so sánh cũng làm theo từng câu một nhé. Đến khi đã quen tai rồi thì em không cần thu âm, chỉ cần nói song song với người ta cũng đã có thể tự nhận ra mình đang bị vênh ở đâu đó.
      Nếu em muốn lên trình nhanh thì cố gắng dành khoảng 2h luyện tập mỗi ngày. Quan trọng là đều đặn em ah. Chứ làm cách quãng thì đâu lại về đó mất công lắm. Chúc em học tốt.

      Bình luận
  9. Chào chị. Em hôm nay mới biết được đến website này của chị. Cảm ơn chị rất nhiều vì bài viết này. Em cũng mười mấy năm học tiếng anh mà không hề lên trình, vẫn chỉ dậm chân tại chỗ. Giờ cũng 30 và cũng có cơ hội để nhảy sang vị trí tốt hơn nhưng chưa có tiếng anh. Tình cờ tìm được bài này và cảm thấy phù hợp với mình.
    Chị cho em hỏi là chị có FB của thầy Hiếu Cao không vì FB kia không tồn tại nữa (Link chị đưa).
    Chân thành cảm ơn chị.

    Bình luận
  10. Cám ơn những chia sẻ đầy tâm huyết của Chị. Mong nhận được những chia sẻ từ chị về tự học làm slide và học lập trình sớm ah.

    Bình luận
    • Em ơi việc tự học làm Slide thì em mua cuốn Zen presentation (Làm Slide theo phong cách thiền) về đọc để làm nhé. Chị tự thấy là chị có chia sẻ gì cũng không thể chi tiết và tuyệt vời hơn cuốn đó được nữa. 🙂

      Bình luận
    • Hi em,
      Với TOEIC thì Ad không thi nên không rành. Nhưng em thử search google sẽ thấy rất nhiều tài liệu được chia sẻ free. Còn tuỳ vào em thi TOEIC gì, đặt mục tiêu điểm ra sao thì mới xác định nên dùng tài liệu gì ôn em ah. Chứ đừng nên tham nhiều tài liệu.
      Giữa IELTS và TOEIC thì IELTS danh tiếng hơn, quá trình thi cũng được đánh giá uy tín cao hơn, nội dung thi cũng khó hơn … nên chắc chắn là lấy được IELTS sẽ oai hơn. 😀 Nhưng còn xem mục đích học làm gì. Nếu chỉ phục vụ công việc thì Ad thấy TOEIC Full 4 kỹ năng là OK rồi. Tuy nhiên, phải lưu ý là kế, kiểm là chuyên ngành đặc thù nên em phải học thêm cả tiếng anh chuyên ngành nữa.

      Bình luận
    • Hi em, em có thể tham khảo Rachel Academy nhé. Là tác giả của cuốn American pronunciation mà bạn Hiếu sử dụng để luyện cho lớp phát âm của bạn ý. Chi phí mắc hơn nhưng khi tham gia lớp Whatsapp ở đó Ad thấy ổn. Giáo viên chữa phát âm dễ hiễu.

      Bình luận
  11. Chị ơi, em đã làm theo khoảng 80% bài viết này (trừ tài liệu, vì tài liệu thì em chọn theo sở thích của em). Và kết quả đạt 6.0 từ lần thi đầu tiên – Sau 6 tháng ôn thi. Trước đó mức của em tầm 4.0 – 4.5. Em cảm ơn chị rất rất nhiều và có share cho tương đối nhiều người bạn của em về bài này. Em viết comment này, mong nhiều bạn hơn nữa đọc được bài này và thử phương pháp này, không chỉ cho IELTS và nhiều môn khác cần tự học.

    Bình luận
    • Hi, Chị cũng mới vừa nghỉ ôn thi 1 thời gian nên giờ mới nhận được tin của em. Thực sự là tin vui cho buổi sáng. 🙂 Chúc em tiếp tục gặt hái được nhiều thành công trên con đường học hành trau dồi bản thân nha. 😀

      Bình luận
  12. Chào chị, em không hiểu sao nhưng trong quá trình học Tiếng Anh của mình, em luôn bị phân tâm bởi những yếu tố khác tác động lên và luôn không tập trung để học ngoại ngữ. Dù biết được nếu không có ngoại ngữ thì rất khó để học ACCA. Cũng như có thể được nhận vào công ty tốt. Em rất mong nhận sự chia sẻ kinh nghiệm từ chị. Vì trình độ ngoại ngữ của vẫn dừng tại một chỗ.

    Bình luận
    • Hi em, việc bị phân tâm, không tập trung khi học thì chị cũng thường xuyên bị, mà không chỉ khi học tiếng anh, mà làm việc gì cũng thế. Và chị nghĩ rằng ngoài chị em mình, ai cũng thế thôi. Thế nên em cũng không cần hoang mang, lo lắng làm gì đâu. Quan trọng là chấp nhận thực trạng của bản thân, và tìm cách kiểm soát bản thân để làm được việc mình muốn thôi. Và kiểm soát chính bản thân mình, theo chị là việc nói dễ, khó làm. Hiện nay thì có rất nhiều sách hướng dẫn về cách kiểm soát bản thân, rèn luyện thói quen… Em có thể mua về đọc tham khảo xem cách nào phù hợp với mình. Chị thì lý giải đơn giản thế này. Để hành động thì thường cần có cả động lực bên trong và động lực bên ngoài. Những người có động lực bên trong (nội lực) cao thì khả kiểm soát bản thân lớn, họ có thể không cần tác động từ bên ngoài cũng vẫn ngày ngày tiến lên để hoàn thành mục tiêu. Nhưng phần đông chúng ta là người bình thường, nội lực không đủ, nên chúng ta cần có, thậm chí là có nhiều, các động lực bên ngoài để giúp chúng ta kiên trì tiến lên. Kiểu như hội trẻ con, cần có bố mẹ, thầy cô khen ngợi mỗi ngày vậy.
      Vậy nên nếu em thực sự muốn học Tiếng anh tốt (động lực bên trong), thì hãy cố gắng suy nghĩ tìm cho mình càng nhiều động lực bên ngoài càng tốt. Mỗi người sẽ có các động lực bên ngoài khác nhau.
      Với chị thì chị thích tưởng tượng ra cảnh mình đang nói chuyện tiếng anh với đối tác nước ngoài trước sự ngưỡng mộ của rất rất nhiều người. :)) Cảm giác giất tốt. Chị có học trên Rachel Academy, thì phương pháp của cô ấy là hãy chọn 1 Speaking Model mà bạn muốn, rồi luôn tưởng tượng mình là người đó mỗi khi tập tiếng anh. Chị thấy cách này cũng rất hiệu quả với chị. Nếu em chọn theo cách này, thì hãy chọn 1 người bản xứ (ca sĩ, diễn viên…) không chỉ có giọng nói khiến em thích, mà còn là người có phong cách… hoặc bất kỳ điều gì khiến em yêu thích, ngưỡng mộ. Việc được trở thành ngày càng giống với Model của mình, chị nghĩ cũng là 1 động lực không nhỏ.
      Và 1 ý cuối cùng, nếu em cảm thấy sau rất nhiều nỗ lực mà không tự học được, hãy chấp nhận chi tiền tìm sự trợ giúp từ bên ngoài. Khi đó hãy cân nhắc thật kỹ, chọn chỗ đáp ứng được nhu cầu của bản thân nhé.

      Bình luận
  13. Chào Ad,

    Rất cám ơn bài viết vô cùng bổ ích của Ad. Nó là sự khích lệ, là nguồn năng lượng lớn lao để thúc đẩy những kẻ còn u muội như mình bắt tay vào hành động cho mục tiêu, kế hoạch, chiến lược và phải đạt được.

    Cheer!
    Linh Nguyen

    Bình luận
  14. Những chia sẻ của Ad thật sự rất ý nghĩa với những người phụ nữ đang ở độ tuổi 30 cảm thấy chênh vênh với cuộc đời. Nhưng ad có thể tư vấn giúp mình làm thế nào để Ad có thể sắp xếp được thời gian và công việc khi vẫn luyện thi. Em thật sự nhiều hôm muốn thức để học nhưng không thể nạp thêm kiến thức sau 1 ngày làm việc căng thẳng?

    Bình luận
    • Hi em, vấn đề cân bằng công việc vs cuộc sống hay quản lý sắp xếp thời gian theo Ad thấy là 1 vấn đề muôn thuở. Ad bây giờ cũng vẫn đang phải mày mò tìm cách điều chỉnh mỗi ngày ý. Cũng không phải ngày nào cũng học được, có những ngày mệt đến mức chỉ nằm xuống là ngủ không biết trời đất gì luôn. T.T
      Thế nên Ad cũng không biết khuyên em như nào. Ad xin chia sẻ 1 số khía cạnh Ad nhận thấy cho đến bây giờ:

      (1) Không bao giờ tồn tại sự cân bằng tuyệt đối giữa công việc và cuộc sống. Hoặc ít nhất là với bản thân Ad, đã từng dành rất nhiều thời gian để tìm cách cân bằng giữa công việc & cuộc sống, thì Ad kết luận như vậy. Dù muốn hay không thì thời gian chỉ có 24h/ngày, chưa kể ốm đau các kiểu phải nghỉ ngơi, và những việc đột xuất phát sinh, rồi thì dù mình không muốn nhưng có những người luôn tìm cách sử dụng thời gian của mình. Do vậy, Ad quyết định là quản lý thời gian theo kiểu “cân bằng tương đối”. Thời gian này tập trung cho công việc, thì thời gian sau đó phải dành cho bản thân, gia đình. Chứ không phải ngày nào cũng 50% thời gian cho công việc, 50% thời gian cho gia đình. Đấy là điều không tưởng.
      => Ngừng đặt mục tiêu cân bằng cuộc sống & công việc

      (2) Thời gian là “điểm giới hạn” không thể vượt qua. Giống kiểu Bottle neck hay Constraints nếu em học môn F5/PM của ACCA. Dù có là ai thì 1 ngày cũng chỉ có 24 giờ. Nên cách duy nhất để làm được nhiều việc cùng lúc đấy là giảm thời gian dành cho mỗi việc xuống mức tối thiểu nhất có thể. Ví dụ, trước làm 1 việc hết 3h thì tìm cách làm cho ngày càng hiệu quả giảm được còn 1.5h. Như vậy là dôi ra 1.5h cho bản thân. Kiểu như vậy đó em.
      Nếu em ngày nào cũng làm 1 việc theo 1 cách thì đây sẽ là 1 vòng lặp chết mà em không thể thoát ra được. Dù em có không học hành gì thì cũng không bao giờ có cảm giác rảnh rỗi, lúc nào cũng có cảm giác bận rộn ngập đầu hết.
      => Phải liên tục tìm ra cách làm việc hiệu quả hơn để có thời gian thừa ra

      (3) Kiểm soát lượng công việc cần phải làm. Không biết em đã đọc cuốn tuần làm việc 4h chưa? Ad đã từng review về cuốn này. Có thể nhiều khía cạnh của nó hơi cực đoan. Nhưng 1 điểm mà Ad thấy rất đúng đó là, phải học được cách “đàm phán” về công việc mình cần xử lý, ở cả công việc và đời sống cá nhân. Nếu không thì dù em có thời gian thừa ra, cũng không thể sử dụng cho bản thân.

      (4) Thay đổi thái độ về việc học. “Được học” hay “Phải học”? Nhiều bạn hay nghĩ là phải học và cho rằng để học thì phải có thời gian 1h, 2h… để học. Có những bạn từng hỏi “Em có thể học cả ngày, thì học bao lâu xong 1 môn? Em có thể thi mấy môn 1 kỳ?”
      Ad cho rằng những bạn hỏi như này thì thực tế chưa suy nghĩ kỹ về việc “Học cả ngày”. Không ai học cả ngày được. Cần ăn uống, cần cho đầu óc thời gian nghỉ ngơi. Và Ad cũng không cho rằng có thời gian học cả ngày thì tốt hơn có thời gian học ít hơn. Vì không có giới hạn thì sẽ dễ dẫn đến không hiệu quả. Nhiều bạn bảo học cả ngày nhưng thực chất thời gian ngồi ngẩn người hay lướt web chiếm quá nửa, tóm lại là không tập trung => không hiệu quả => Học cả ngày nhưng nội dung học được có khi không = các bạn học 1,2 tiếng.
      Nếu em coi là “được học” thì nghĩa là tranh thủ mọi lúc mọi nơi để học. Thay vì lướt web để giải trí thì giờ là học để giải trí. Nghe kỳ cục nhỉ? 😀
      Lúc trước Ad đã từng đọc 1 bài phỏng vấn của 1 em học sinh nhà nghèo nhưng vừa học vừa làm thêm và đạt học bổng…Em ý nói rằng: “Học cũng như tập thể dục, chỉ cần muốn thì có thể làm mọi lúc mọi nơi” => Với Ad thì câu này nghĩa là: 15 phút buổi trưa cũng có thể học, thời gian ngồi xe cũng học được…
      Ví dụ, lúc Ad học CFA level 1, môn Ethics không cần tính toán gì, nên Ad thường xuyên lấy môn này ra đọc vào lúc ngồi xe hay nghỉ trưa. Và vì Ad biết rõ mình chỉ có tầm 15, 20 phút đọc nên đọc rất tập trung. Và vì mỗi lần chỉ đọc được 1 phần nên thấy nhớ khá lâu, mà không bị lú đầu do học nhiều nội dung cùng lúc.
      => Coi việc học thành hoạt động giải trí thay cho lướt web.

      Trong 4 khía cạnh này, Ad thấy số (4) là quan trọng nhất. Nhưng nói thì bao giờ cũng dễ hơn làm. Bản thân Ad cũng không phải ngày nào cũng “năng suất” được như thế. Nhưng như Ad đã nói, “nguyên tắc tương đối”. Chỉ cần phần lớn thời gian mình “năng suất” là OK. Còn đâu thi thoảng có ngày lười nhác cũng bình thường, chả sao cả. Đừng vì 1 vài ngày lười biếng mà bỏ cuộc. Chúc em cuối tuần vui vẻ.

      Bình luận
      • Cảm ơn Ad vì những chia sẽ luôn luôn đi từ sự chân thành nhất. Có thể khả năng, hoàn cảnh mỗi người sẽ khác nhau, nhưng luôn lấy những lời khuyên của Ad để làm động lực cho bản thân cố gắng mỗi ngày.
        Chúc chị ngày càng thành công và “Tuonthi” sẽ luôn phát triển, là nguồn học tuyệt vời dành cho những ai quyết tâm chinh phục những nấc thang mới trong ngành tài chính kế toán.

        Bình luận
        • Xin lỗi đã làm phiền ad, minh đang thực sự cần 1 sự hỗ trợ từ Ad. Mục tiêu 2024 của mình là lấy được APC năm 2024, IELTs 6.5. Như vậy có overload không ạ? Và thêm nữa ad có 1 thời gian biểu học tập nào không? Cho mình xin mẫu tham khảo nhé!

          Bình luận
          • Hi bạn, câu hỏi của bạn khó quá. Ad không biết trả lời thế nào. Vì có overload hay không thì phải xem tình trạng mỗi người ý. Ví dụ, với IELTS Ad chia 2 giai đoạn là luyện kỹ năng và luyện đề thi. Nếu kỹ năng bạn ổn sẵn rồi thì có khi luyện đề thi 1 tháng là đi thi được luôn. Nhưng nếu tiếng anh chưa tốt thì phải mất thời gian phần luyện kỹ năng này. Chưa kể xem thời gian bạn có thể dành cho việc học là như nào nữa. Ad không có thời gian biểu học tập cố định. Ad chỉ làm theo kiểu tương đối. Tức là trong 1 tuần, đảm bảo tập được mấy buổi tiếng anh, hoặc đảm bảo học xong 1 chủ đề…. Sau đó lấy đó là mục tiêu để tranh thủ học. Ví dụ, không cần tối đến mới ngồi học mà tranh thủ lúc ngồi xe, lúc ăn trưa xong thì tranh thủ đọc một phần lý thuyết. Công việc là cố định phải làm rồi không thay đổi được, còn thời gian xen kẽ xung quanh đó thì mình linh động ý. Ad mất rất nhiều năm mới nhận ra được thực tế là không thể cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Mọi thứ là tương đối thôi. Lúc này ưu tiên cái này, thì lúc sau ưu tiên cái khác. Sắp xếp việc học cũng vậy á. Không kiểu ngày nào cũng học như máy được, mà ngày này học nhiều thì ngày sau học ít, miễn duy trì được là được.

            Bình luận
  15. Cảm ơn chị thật nhiều! Thực sự e rất ngưỡng mộ vì sự tư duy, trải nghiệm và những chia sẻ cực kỳ chân thành và hữu ích của chị.
    Em chúc chị nhiều sức khoẻ, bình an và luôn là phiên bản tốt hơn mỗi ngày. Mong chị duy trì và phát triển ” Tự ôn thi” hơn nữa nhé ah <3

    Bình luận
  16. Dear Ad,
    vui lòng cho mình xin chi tiết số điện thoại hoặc facebook của bạn dạy phát âm Hiếu Cao được không! mình thấy bạn viết hay nên học thử phát âm trước

    Bình luận
  17. Dear AD,
    Ad có thể cho xin thêm thông tin của bạn Hiếu Cao được không (facebook cụ thể, số đt, hoặc hình ảnh cụ thể để mình tìm ko bị nhầm)
    mình tìm mãi không thấy địa chỉa facebook của bạn Hiếu Cao này
    cảm ơn AD nhé

    Bình luận
    • Hi bạn, lâu lắm Ad không liên lạc với bạn Hiếu. Ad vừa check lại facebook của bạn Hiếu thì em ấy đã xuất gia rồi và không sử dụng facebook, mà giao cho học trò quản lý. Không biết em có còn tiếp tục duy trì lớp phát âm giúp mọi người nữa không. Mình tìm được email của em ấy. Bạn thử liên lạc nhé: hieumcao@gmail.com

      Bình luận
  18. Dear bạn,
    Mình có đọc được 1 bài viết của bạn về thuế FCT.
    Mình mới nhận làm FCT ở một công ty:
    công ty mình là công ty TNHH B ở Việt Nam-con của công ty mẹ A _ A là công ty cổ phần ở Nhật Bản. giữa A và B đã ký kết hợp đồng hỗ trợ kỹ thuật. mọi chi phí phát sinh tại Việt Nam: khách sạn, ăn ở, đi lại do phía VN chịu
    có 2 tình huống như này, mong bạn giúp mình với:
    tình huống 1: Ông chủ tịch của A, vừa là chủ tịch của B sang Việt Nam công tác
    1. bên A phát hành invoice1 thu tiền của B: gồm (transportation, traveling, AIG travel insurance)
    2. Chi phí khách sạn phát sinh tại Việt Nam của ông chủ tịch do Việt Nam chi trả
    bạn cho mình hỏi trường hợp này: cả chi phí của invoice1 và khách sạn đều phải chịu thuế nhà thầu hay không bạn. hay chi phí khách sạn ko phải cộng vào doanh thu tính thuế nhà thầu do nghĩa vụ nộp thuế là của bên VN rồi

    tình huống 2: bên công ty mẹ A, cử chuyên gia sang hỗ trợ kỹ thuật theo hợp đồng hỗ trợ kỹ thuật và các chi phí bên Việt Nam do việt Nam chi trả theo đúng hợp đồng
    các khoản bên VN như: khách sạn, đi lại…Việt Nam đã tính thuế TNCN và trả cho khoản này
    bên công ty B của mình đã cộng thuế TNCN vào doanh thu tính thuế FCT. ADinh cho mình hỏi là mình có phải cộng khoản chi phí đi lại và khách sạn vào doanh thu tính thuế nhà thầu không. (sếp mình có bảo là không vì nghĩa vụ thuế là của bên VN rồi theo hợp đồng)
    xin ADminh giúp mình, cảm ơn bạn nhiều

    Bình luận

Viết một bình luận

You cannot copy content of this page