Skip to content

[ACCA F6 Taxation] Chủ đề “Thuế Giá trị gia tăng” – Phần 3

Tiếp tục chủ đề về thuế Giá trị gia tăng, trong bài viết này mình sẽ đi giải thích vấn đề: Khấu trừ thuế GTGT hay Thuế GTGT được khấu trừ. Bài viết sẽ giúp các bạn giải quyết được dạng bài yêu cầu “Xác định giá trị thuế GTGT được khấu trừ” trong đề thi F6.

Có thể bạn quan tâm: ACCA F6 Lectures – Cách tính thuế GTGT

Bài viết gồm 3 nội dung chính:

  • Khấu trừ thuế GTGT là gì?
  • Thuế GTGT được khấu trừ là gì? Cách tính thuế GTGT được khấu trừ? Ví dụ minh hoạ?
  • Điều kiện khấu trừ thuế GTGT?

Sau đây chúng ta hãy lần lượt đi tìm hiểu các nội dung này. Nếu bạn không thích đọc thì xem Video nhé.

VIDEO 3

Phần 1. Khấu trừ thuế GTGT là gì?

Khấu trừ thuế GTGT hiểu đơn giản là việc “bù trừ” (net-off) giữa số thuế GTGT đầu vào của hàng hoá dịch vụ với số thuế GTGT đầu ra phát sinh trong kỳ của công ty. Từ đó tính ra số thuế GTGT phải nộp hoặc số thuế GTGT “chưa khấu trừ hết” được chuyển sang kỳ sau.

Việc khấu trừ thuế GTGT được thể hiện qua công thức tính thuế GTGT phải nộp:

Thuế GTGT phải nộp = Thuế GTGT đầu ra – Thuế GTGT đầu vào “được khấu trừ”

Như vậy, ta có thể thấy rằng:

  • Việc khấu trừ thuế GTGT chỉ được áp dụng với các công ty áp dụng tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ
  • Không phải toàn bộ thuế GTGT đầu vào phát sinh đều được “khấu trừ”.

Vậy, thuế giá trị gia tăng được khấu trừ là gì? Điều kiện khấu trừ thuế GTGT là gì?

Phần 2. Thuế GTGT được khấu trừ là gì? Cách tính thuế GTGT được khấu trừ?

1. Thuế GTGT được khấu trừ là gì?

Thuế GTGT được khấu trừ tiếng anh là “Deductible input VAT”. Theo nguyên lý chung thì thuế GTGT được khấu trừ là:

Thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ dùng cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT thoả mãn các “điều kiện” theo quy định. Bao gồm cả thuế GTGT đầu vào không được bồi thường của hàng hóa chịu thuế GTGT bị tổn thất. Ví dụ: thiên tai, hỏa hoạn, các trường hợp tổn thất không được bảo hiểm bồi thường. Hay hàng hóa mất phẩm chất, quá hạn sử dụng phải tiêu hủy.

Từ định nghĩa này, chúng ta rút ra được 3 điểm về các trường hợp không được khấu trừ thuế GTGT:

  • Thuế GTGT đầu vào của hàng hoá, dịch vụ không dùng cho sản xuất kinh doanh thì không được khấu trừ
  • Thuế GTGT đầu vào của hàng hoá, dịch vụ dùng cho cho sản xuất, kinh doanh hàng không chịu thuế GTGT thì không được khấu trừ
  • 1 công ty có thể mua hàng hoá dịch vụ về để phục vụ cho cả 2 hoạt động chịu thuế và không chịu thuế GTGT. Khi đó, công ty chỉ được khấu trừ thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ dùng cho hoạt động chịu thuế GTGT. Nếu không tách riêng được thì thuế GTGT đầu vào được khấu trừ tính theo tỷ lệ (%) giữa [Doanh thu chịu thuế GTGT & doanh thu không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT] / Tổng doanh thu của hàng hóa, dịch vụ bán ra.

Ví dụ 1(June/17). V Co mua hàng hoá với hoá đơn trị giá 8 tỷ (chưa bao gồm VAT). Toàn bộ chỗ hàng này đã bị huỷ hoại trong quá trình vận chuyển đến nhà kho của công ty. Bên bảo hiểm đồng ý bồi thường V Co 40% trị giá của hàng hoá trong tai nạn. Yêu cầu: Xác định giá trị thuế GTGT đầu vào được khấu trừ?

Đáp án:

Trị giá tính thuế GTGT là giá hàng hoá chưa bao gồm thuế GTGT (8 tỷ).

Thuế GTGT đầu vào tương ứng là 8 tỷ * 10% = 0.8 tỷ.

Thuế GTGT đầu vào tương ứng của số hàng hoá được bồi thường: 0.8 tỷ * 40% = 0.32 tỷ

Thuế GTGT đầu vào của hàng hoá được khấu trừ: 0.8 tỷ – 0.32 tỷ = 0.48 tỷ

2. Tính thuế GTGT được khấu trừ trong 1 số trường hợp cụ thể

Trường hợp 1. Sử dụng đối tượng không chịu thuế GTGT để sản xuất ra mặt hàng chịu thuế GTGT

Các công ty được khấu trừ toàn bộ số thuế GTGT đầu vào tại các khâu sản xuất khi:

  • Thực hiện sản xuất khép kín, hạch toán tập trung,
  • Có sử dụng sản phẩm thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT qua các khâu để sản xuất ra mặt hàng chịu thuế GTGT

Ví dụ 2: V Co đầu tư trang trại và nhà máy để sản xuất cá tra phile. Đây là 1 quy trình khép kín từ khâu nuôi trồng đến chế biến. V Co sẽ tiêu thụ sản phẩm cả trong nước và xuất khẩu. Trong quá trình sản xuất, V Co đã mua thêm cá tra của các hộ nông dân. Toàn bộ cá tra này được tập trung nuôi tại ao hồ cùng cá tra do V Co tự nuôi. Sau đó tất cả được đưa vào nhà máy chế biến thành sản phẩm cá tra phi-lê. Tất cả đều qua cùng 1 công đoạn và theo quy trình khép kín.

Khi đó:

  • Cá tra do V Co mua từ nông dân và tự nuôi trồng để bán trong nước: đối tượng không chịu thuế GTGT.
  • Mặt hàng cá tra do V Co tự nuôi để xuất khẩu: áp dụng thuế suất 0%

Như vậy:

  • V Co được khấu trừ toàn bộ thuế GTGT đầu vào của toàn bộ hàng hóa, dịch vụ mua vào (bao gồm cả TSCĐ và hàng hoá, dịch vụ khác) tại nhà máy sơ chế cá tra phi-lê để xuất khẩu theo quy trình của công ty
  • V Co đã sản xuất ra cả mặt hàng chịu thuế GTGT và không chịu thuế GTGT. Để tách thuế thuế GTGT đầu vào tương ứng giữa cá tra xuất khẩu (chịu thuế GTGT) và cá tra bán trong nước (không chịu thuế) thì thực hiện phân bổ theo tỷ lệ Doanh thu xuất khẩu/Tổng Doanh thu.

(Theo quy định tại Điều 4, Điều 9, Thông tư 219/2013 và Điều 1, Thông tư 26/2015)

Trường hợp 2. Khấu trừ thuế GTGT cho giai đoạn xây dựng cơ bản

(1) Các công ty thoả mãn đồng thời 4 yếu tố:

  • Có Dự án đầu tư thực hiện đầu tư theo nhiều giai đoạn (bao gồm cả công ty mới thành lập)
  • Có phương án sản xuất, kinh doanh tổ chức sản xuất khép kín, hạch toán tập trung
  • Sử dụng sản phẩm thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT để sản xuất ra mặt hàng chịu thuế GTGT
  • Trong giai đoạn đầu tư xây dựng cơ bản có sản xuất hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế GTGT

Khi đó:

  • Số thuế GTGT đầu vào trong giai đoạn đầu tư để hình thành tài sản cố định sẽ được khấu trừ toàn bộ.
  • Số thuế GTGT đầu vào của hàng hoá, dịch vụ khác trong giai đoạn đầu tư xây dựng cơ bản: phải tách riêng để kê khai khấu trừ theo tỷ lệ Doanh thu chịu thuế GTGT / Tổng doanh thu hàng hóa, dịch vụ bán ra.

Ví dụ 3 (June.2016)

R Co là 1 công ty ở Việt Nam, gia công các sản phẩm từ cao su. Bao gồm cả mủ cao su (các sản phẩm chưa qua sơ chế, gia công – là các sản phẩm không chịu thuế GTGT) và các sản phẩm cao su đã qua sơ chế (sản phẩm phải chịu thuế GTGT). R Co có 2 dự án đầu tư ở Việt Nam bắt đầu hoạt động năm 2018.

  • Dự án A: R Co đầu tư vào 1 đồn điền trồng cây cao su để lấy mủ cao su bán trong nước (không chịu thuế GTGT) và cung cấp nguyên liệu cho 1 nhà máy xử lý cao su mới xây dựng (chịu thuế GTGT).
  • Dự án B: R Co đã đầu tư vào 1 đồn điền cao su để thu hoạch mủ cao su để bán không qua sơ chế (không chịu thuế GTGT)

Thông tin liên quan đến năm hoạt động đầu tiên trong năm 2018 của 2 dự án như sau:

Khoản mụcDự án A (tỷ)Dự án B (tỷ)
VAT đầu vào hợp lệ cho các khoản đầu tư vào tài sản cố định (Đồn điền & nhà máy)
10020
VAT đầu vào hợp lệ trong năm hoạt động đầu tiên103
Doanh thu từ bán mủ cao su trong nội địa1210
Doanh thu từ bán sản phẩm cao su đã qua sơ chế360

Yêu cầu: Cho từng dự án, xác định giá trị thuế GTGT được khấu trừ liên quan đến các khoản đầu tư vào TSCĐ và quá trình hoạt động

Giao dịchDự án ADự án B
VAT đầu vào từ khoản đầu tư vào TSCĐ100 tỷ được khấu trừ toàn bộ
Lý do: Do dự án A thực hiện cả 2 hoạt động không chịu thuế GTGT (bán mủ cao su trong nước) và hoạt động chịu thuế GTGT (cung cấp mủ cao su cho nhà máy xử lý cao su) nên VAT đầu vào của khoản đầu tư vào TSCĐ trong giai đoạn XCDB của Dự án A sẽ được khấu trừ toàn bộ
20 tỷ không được khấu trừ
Lý do: Do Dự án B chỉ có hoạt động không chịu thuế GTGT (bán mủ cao su trong nước) nên thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ
VAT đầu vào từ hoạt độngChỉ có 7.5 tỷ được khấu trừ (= 10 tỷ * 36 tỷ/ (36 tỷ + 12 tỷ))
Lý do: VAT đầu vào từ hoạt động của 1 dự án có cả sản phẩm chịu thuế GTGT và không chịu thuế thì chỉ được khấu từ phần VAT tương ứng theo tỷ lệ giữa doanh thu chịu thuế và tổng doanh thu
3 tỷ không được khấu trừ.
Lý do: Do Dự án B chỉ có hoạt động không chịu thuế GTGT (bán mủ cao su trong nước) nên thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ

(2) Đối với công ty có dự án đầu tư (bao gồm cả trường hợp mới thành lập) sản xuất kinh doanh đồng thời cả hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế GTGT & hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT thì: Số thuế GTGT đầu vào của tài sản cố định trong giai đoạn đầu tư xây dựng cơ bản được tạm khấu trừ theo tỷ lệ ước tính giữa Doanh thu của hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT / Tổng doanh thu của hàng hóa, dịch vụ bán ra. Số thuế tạm khấu trừ được điều chỉnh theo tỷ lệ (%) giữa Doanh thu của hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT / Tổng doanh thu của hàng hóa, dịch vụ bán ra trong ba năm kể từ năm đầu tiên có doanh thu.

Ví dụ 4 (Dec/18)

F Co là công ty thành lập ở VN vào 2013. Công ty kinh doanh trong lĩnh vực vận tải. Các hoạt động liên quan đến vận tải công cộng bằng xe buýt và các phương tiện khác. Theo ước tính, tỷ lệ doanh thu giữa phương tiện công cộng và phương tiện khác là 65% và 35%. Theo quy định hiện hành, phương tiện vận tải công cộng bằng xe buýt được miễn VAT.

F Co trong giai đoạn đầu tư và xây dựng cơ bản từ 1.1.2013 – 31.8.2014. Tổng VAT đầu vào phát sinh từ đầu tư TSCĐ trong giai đoạn này là 80 tỷ. Trong đó: 20 tỷ chỉ liên quan đến xe buýt sử dụng cho hoạt động vận tải công cộng. F Co bắt đầu tạo doanh thu từ T9.2014. Doanh thu tạo ra cho giai đoạn T9.2014 – T8.2017 như sau:

Doanh thuVận tải công cộngPhương tiện khác
September 2014–August 201580 tỷ32 tỷ
September 2015–August 2016120 tỷ41 tỷ
September 2016–August 2017150 tỷ77 tỷ

Yêu cầu

(1) Xác định giá trị VAT đầu vào được được khấu trừ F Co có thể yêu cầu liên quan đến việc đầu tư TSCĐ vào 31.8.2014?

Theo quy định bên trên:

F Co là đơn vị kinh doanh cả 2 dịch vụ chịu thuế GTGT (vận tải khác) và không chịu thuế GTGT (vận tải công cộng). Do vậy, F Co chỉ được kê khai khấu trừ thuế GTGT đầu vào tương ứng cho dịch vụ chịu thuế GTGT (vận tải khác).

F Co có thể tạm kê khai khấu trừ thuế GTGT đầu vào từ đầu tư Tài sản cố định trong giai đoạn XDCB theo tỷ lệ ước tính giữa Doanh thu chịu thuế / Tổng doanh thu

Tổng thuế GTGT đầu vào liên quan là 80 tỷ. Trong đó:

20 tỷ chỉ liên quan đế hoạt động xe buýt công cộng. Đây là hoạt động không chịu thuế GTGT nên 20 tỷ này không được kê khai khấu trừ thuế GTGT đầu vào.

Số thuế GTGT đầu vào còn lại cho cả 2 hoạt động là: 60 tỷ. F Co có thể tạm kê khai khấu trừ theo tỷ lệ ước tính Doanh thu chịu thuế GTGT (doanh thu từ phương tiện khác) là 35%.

Thuế GTGT đầu vào tạm kê khai khấu trừ: 60 tỷ * 35% = 21 tỷ

(2) Giải thích cách xử lý về thuế đối với VAT đầu vào của TSCĐ của F Co trong suốt 3 năm từ T9.2014 – T8.2017. Và tính các bút toán điều chỉnh nếu cần đối với số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ?

Tại thời điểm T8.2017, F Co cần tính lại tỷ trọng thực tế của Doanh thu chịu thuế / Tổng doanh thu theo số liệu của 3 năm từ T9.2014 – T8.2017. Từ đó xác định lại số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ và tính nộp số điều chỉnh giảm khấu trừ, hoàn thuế này vào số thuế GTGT của kỳ khai thuế tháng 8/2017. F Co không bị xử phạt chậm nộp và không bị tính lãi chậm nộp đối với số thuế GTGT được khấu trừ phải điều chỉnh giảm.

Tỷ lệ Doanh thu chịu thuế / Tổng doanh thu cho 3 năm = (32 + 41 + 77) / (80 + 120 + 150 + 32 + 41 + 77) = 30%

Thuế GTGT đầu vào được khấu trừ cần phải điều chỉnh giảm: (35% – 30%) * 60 tỷ = 3 tỷ

Trường hợp 3. Khấu trừ thuế GTGT tài sản cố định là ô tô

Tài sản cố định là ô tô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống (trừ ô tô sử dụng vào kinh doanh vận chuyển hàng hóa, hành khách, kinh doanh du lịch, khách sạn) có trị giá vượt trên 1,6 tỷ đồng (giá chưa có thuế GTGT) thì số thuế GTGT đầu vào tương ứng với phần trị giá vượt trên 1,6 tỷ đồng không được khấu trừ.

Ví dụ 5 (June/17). Trong năm 2018 V Co mua 1 ô tô 48 chỗ để chở nhân viên đi lại với giá 2.5 tỷ chưa bao gồm VAT. Và 1 xe 4 chỗ cho Tổng giám đốc trị giá 2.2 tỷ (chưa bao gồm VAT). Yêu cầu: Xác định thuế GTGT được khấu trừ và không được khấu trừ

Đáp án:

Tổng giá trị thuế GTGT đầu vào phát sinh:

Xe ô tô 48 chỗ: 2.5 tỷ * 10% = 250 triệu

Xe ô tô 4 chỗ cho TGĐ: 2.2 tỷ * 10% = 220 triệu. Trong đó: Phần VAT tương ứng với trị giá xe vượt trên 1.6 tỷ là 220 triệu * (2.2 tỷ – 1.6 tỷ)/2.2 tỷ = 60 triệu. Theo quy định bên trên vừa đề cập: 60 triệu này sẽ không được khấu trừ.

Như vậy: tổng thuế GTGT đầu vào được khấu trừ là 250 triệu + 160 triệu = 410 triệu

Trường hợp 4. Hàng hoá mua về hoặc tự sản xuất phục vụ để biếu, tặng, khuyến mại, quảng cáo

Thuế GTGT đầu vào của hàng hóa (kể cả hàng hóa mua ngoài hoặc hàng hóa do doanh nghiệp tự sản xuất) mà doanh nghiệp sử dụng để cho, biếu, tặng, khuyến mại, quảng cáo dưới các hình thức, phục vụ cho sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT thì được khấu trừ.

Ở bài trước chúng ta đã biết rằng khi doanh nghiệp sử dụng hàng hoá để khuyến mại theo quy định, thì doanh nghiệp sẽ không phải kê khai, nộp thuế GTGT đầu ra cho các hàng hoá này. Còn VAT đầu vào phát sinh khi doanh nghiệp mua các hàng hoá thì theo quy định này, cũng vẫn được khấu trừ.

Trường hợp 5. Thuế GTGT đầu vào của hoá đơn bị bỏ sót quên không kê khai

Thuế GTGT đầu vào phát sinh trong kỳ nào được kê khai, khấu trừ khi xác định số thuế phải nộp của kỳ đó, không phân biệt đã xuất dùng hay còn để trong kho. Trường hợp cơ sở kinh doanh phát hiện số thuế GTGT đầu vào khi kê khai, khấu trừ bị sai sót thì được kê khai, khấu trừ bổ sung trước khi cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền công bố quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế tại trụ sở người nộp thuế.

Ví dụ 6: V Co mua nguyên vật liệu từ 1 nhà cung cấp trong năm 2018. Theo đó, hoá đơn đầu vào trị giá 1.2 tỷ được xuất vào T1.2019. Hoá đơn được thanh toán qua ngân hàng vào T3.2019. Nhưng V Co đã quên không kê khai VAT đầu vào. Vào T12.2019, khi cơ quan thuế đến kiểm tra cho giai đoạn 2016-2018. Họ đã phát hiện ra vấn đề này, nhưng chưa đưa ra quyết định gì. Tính VAT đầu vào được khấu trừ /hoặc không được khấu trừ. Và giải thích lý do?

Đáp án:

Khi doanh nghiệp bỏ sót hoá đơn, chưa kê khai thuế GTGT đầu vào được khấu trừ thì có quyền kê khai bổ sung khi phát hiện ra. Trong trường hợp này, cơ quan thuế thanh tra thuế cho năm 2016-2018. Do vậy, công ty hoàn toàn có quyền kê khai bổ sung vào tờ khai thuế GTGT năm 2019.

Trường hợp 6. Thuế GTGT đầu vào của hoá đơn không đúng quy định

Cơ sở kinh doanh không được tính khấu trừ thuế GTGT đầu vào đối với trường hợp:

  • Hóa đơn GTGT sử dụng không đúng quy định của pháp luật. Ví dụ: hóa đơn GTGT không ghi thuế GTGT. Trừ trường hợp đặc thù được dùng hóa đơn GTGT ghi giá thanh toán là giá đã có thuế GTGT như tem, vé;
  • Hóa đơn không ghi hoặc ghi không đúng một trong các chỉ tiêu bắt buộc. Ví dụ: tên, địa chỉ, mã số thuế của người bán. Do vậy không xác định được người bán;
  • Hóa đơn không ghi hoặc ghi không đúng một trong các chỉ tiêu bắt buộc. Ví dụ: tên, địa chỉ, mã số thuế của người mua. Do vậy, không xác định được người mua (trừ trường hợp đặc biệt);
  • Hóa đơn, chứng từ nộp thuế GTGT giả, hóa đơn bị tẩy xóa, hóa đơn khống;
  • Hóa đơn ghi giá trị không đúng giá trị thực tế của hàng hóa, dịch vụ

Ví dụ 7. Trong năm 2018, R Co đã nhận được các hoá đơn với các thông tin như sau:

  • Hoá đơn có thuế GTGT đầu vào tương ứng là 200 triệu. R Co thanh toán cho cho hoá đơn này từ tài khoản chưa đăng ký với cơ quan thuế tại thời điểm thanh toán
  • Hoá đơn có thuế GTGT đầu vào tương ứng là 350 triệu. Do tranh chấp giữa các bên, hoá đơn chỉ được phát hành sau 100 ngày kể từ ngày hàng được chuyển đến R Co.
  • Hoá đơn có thuế GTGT đầu vào tương ứng là 150 triệu. Hoá đơn được viết tay của người bán. Bao gồm khoảng trống chưa được gạch chéo
  • Hoá đơn có thuế GTGT đầu vào tương ứng là 8 triệu. Hoá đơn do siêu thị phát hành không có dấu của người bán

Đáp án.

Hoá đơnVAT được khấu trừVAT không được khấu trừLý do
1200
Theo quy định tại thông tư 173/2016, tài khoản ngân hàng không còn bắt buộc phải đăng ký với cơ quan thuế để được coi là thanh toán qua ngân hàng nữa
2350Hoá đơn GTGT phát hành muộn sẽ bị phạt hành chính nhưng hoá đơn vẫn là hợp lệ và thuế GTGT đầu vào vẫn được khấu trừ
3150Các hoá đơn được viết tay, khoảng trống phải được gạch chéo thì hoá đơn mới là hợp lệ và thuế GTGT đầu vào mới được khấu trừ
48Với các siêu thị, hoá đơn không bắt buộc phải có dấu của người bán

Trường hợp 8. Thuế GTGT đầu vào của hoá đơn được “thanh toán hộ theo uỷ quyền”

Cơ sở kinh doanh được kê khai, khấu trừ thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ mua vào dưới hình thức ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác thuộc cá các trường hợp sau đây:

  • Doanh nghiệp bảo hiểm ủy quyền cho người tham gia bảo hiểm
  • Trước khi thành lập doanh nghiệp, các sáng lập viên có văn bản ủy quyền cho tổ chức, cá nhân thực hiện chi hộ một số khoản chi phí liên quan đến việc thành lập doanh nghiệp, mua sắm hàng hóa, vật tư. Khi đó, doanh nghiệp được kê khai, khấu trừ thuế GTGT đầu vào theo hóa đơn GTGT đứng tên tổ chức, cá nhân được ủy quyền. Và phải thực hiện thanh toán cho tổ chức, cá nhân được ủy quyền qua ngân hàng đối với những hóa đơn có giá trị từ 20 triệu trở lên.

Ví dụ 8. Năm 2018, V Co thanh toán các khoản chi phí liên quan đến thành lập 1 chi nhánh ở tỉnh khác. Trước khi chi nhánh được thành lập, toàn bộ hoá đơn đã được ghi theo địa chỉ và MST của V Co. Có văn bản xác nhận cụ thể rằng V Co là đại diện hợp pháp của chi nhánh. Tổng VAT liên quan đến các khoản thanh toán này là 3.2 tỷ. Hoá đơn cho các khoản chi có VAT đầu vào tương ứng là 300 triệu đã được V Co thanh toán từ 1 tài khoản dự định là tài khoản cho chi nhánh sau này. Tài khoản ngân hàng này chưa được đăng ký với cơ quan thuế. Tỷ lệ VAT cho các giao dịch của V Co là tỷ lệ tiêu chuẩn 10%.

Yêu cầu.

  • Giải thích cách xử lý VAT đối với các khoản thanh toán hộ cho chi nhánh của V Co?
  • Tính giá trị VAT đầu vào được khấu trừ của V Co & chi nhánh?

Đáp án:

YC1. Khi 1 tổ chức thanh toán các khoản chi phí nhân danh cho 1 chủ thể sắp được thành lập theo dạng đại diện hợp pháp của chủ thể được thành lập. Và hoá đơn được phát hành theo tên của tổ chức chi trả hộ. Thì khi đó: VAT đầu vào sẽ được khấu trừ cho chủ thể đang được thành lập.

YC2. Trước thông tư 173/2016, các khoản thanh toán từ tài khoản ngân hàng chưa được đăng ký với cơ quan thuế tại thời điểm thanh toán thì sẽ không được coi là thanh toán không dùng tiền mặt. Và do đó thì VAT đầu vào tương ứng không được khấu trừ. Các bạn sẽ thấy điểm này khi làm Đề thi F6 Kỳ T6.2017. Tuy nhiên, từ khi thông tư 173/2016 có hiệu lực, thì tài khoản ngân hàng không còn bắt buộc phải đăng ký với cơ quan thuế để được coi là thanh toán qua ngân hàng nữa. Do đó, VAT đầu vào tương ứng 300 triệu vẫn sẽ khấu trừ. Tổng thuế GTGT đầu vào được khấu trừ của chi nhánh sẽ là 3.2 tỷ.

Quy định đầy đủ tại Điều 14, Thông tư 219/2013; Điều 3, Thông tư 119/2014; Điều 1, Thông tư 26/2015; Điều 9, Thông tư 151/2014;

Phần 3. Điều kiện khấu trừ thuế GTGT

(1) 2 điều kiện chung để được khấu trừ thuế GTGT

  • Có hóa đơn giá trị gia tăng hợp pháp của hàng hóa, dịch vụ mua vào hoặc chứng từ nộp thuế giá trị gia tăng khâu nhập khẩu hoặc chứng từ nộp thuế GTGT thay cho phía nước ngoài đối với các tổ chức, cá nhân nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam
  • chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt đối với hàng hóa, dịch vụ mua vào (bao gồm cả hàng hóa nhập khẩu) từ 20 triệu trở lên theo giá đã có thuế GTGT.

Trường hợp mua hàng hóa, dịch vụ của 1 nhà cung cấp có giá trị < 20 triệu nhưng mua nhiều lần trong cùng ngày có tổng giá trị >= 20 triệu: chỉ được khấu trừ thuế đối với trường hợp có chứng từ thanh toán qua ngân hàng.

Nhà cung cấp là người nộp thuế có mã số thuế, trực tiếp khai và nộp thuế GTGT. Trường hợp người nộp thuế có các cửa hàng là các đơn vị phụ thuộc. Các cửa hàng này sử dụng chung mã số thuế và mẫu hóa đơn của công ty. Trên hoá đơn có tiêu thức “Cửa hàng số” để phân biệt các cửa hàng của cơ sở kinh doanh và có đóng dấu treo của từng cửa hàng thì mỗi cửa hàng là một nhà cung cấp.

Ví dụ 9: Nếu 1 công ty trong cùng ngày có các hoá đơn mua xăng dầu trị giá trên 20 triệu tại các cửa hàng khác nhau của cùng 1 công ty xăng dầu. Các cửa hàng này dùng chung mẫu hoá đơn và dấu của công ty. Khi đó, các cửa hàng được coi là 1 nhà cung cấp. Và công ty này cần phải có chứng từ thanh toán qua ngân hàng cho các hoá đơn này thì mới được khấu trừ thuế GTGT đầu vào.

(2) Điều kiện khấu trừ thuế VAT hàng xuất khẩu

Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hoá, thì chứng từ để được khấu trừ VAT đầu vào sẽ bao gồm:

  • Hợp đồng bán hàng hóa, gia công hàng hóa, cung ứng dịch vụ cho tổ chức, cá nhân nước ngoài
  • Tờ khai hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu đã làm xong thủ tục hải quan theo quy định
  • Hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu phải thanh toán qua ngân hàng

Đối với công ty xuất khẩu sản phẩm phần mềm dưới các hình thức tài liệu, hồ sơ, cơ sở dữ liệu đóng gói cứng để được khấu trừ, hoàn thuế GTGT đầu vào: công ty phải đảm bảo thủ tục về tờ khai hải quan như đối với hàng hóa thông thường. Riêng các trường hợp sau không cần tờ khai hải quan:

  • Đối với cơ sở kinh doanh xuất khẩu dịch vụ, phần mềm qua phương tiện điện tử thì không cần có tờ khai hải quan
  • Hoạt động xây dựng, lắp đặt công trình ở nước ngoài hoặc ở trong khu phi thuế quan.
  • Cơ sở kinh doanh cung cấp điện, nước, văn phòng phẩm và hàng hóa phục vụ sinh hoạt hàng ngày của doanh nghiệp chế xuất gồm: lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng (bao gồm cả bảo hộ lao động: quần, áo, mũ, giầy, ủng, găng tay).

(Xem quy định đầy đủ tại Điều 16, Thông tư 219/2013)

Vậy là xong. Hy vọng sau bài viết này các bạn đã trả lời được câu hỏi “Khấu trừ thuế GTGT là gì” và “Cách tính thuế GTGT được khấu trừ”. Trong bài viết tiếp theo, mình sẽ đi giải thích nội dung cuối cùng của chủ đề “Thuế Giá trị gia tăng”. Đó là “Hoàn thuế GTGT”. Các bạn theo dõi nhé!

Published inF6 Taxation

7 Comments

  1. Anh Anh

    Xin chao admin a, admin co the dang het bai viet mon F6 truoc ki thi thang 6 nay duoc ko a. Ko can video cung duoc a. Vi bai viet cung rat la ro rang va de hieu a. E so ko kip cho ki thi thang 6. Ma e tu hoc CIT va FCT cung ko hieu gi luon a. Mong admin giup do a! Cam on admin rat nhieu a!!!!

    • Admin Admin

      Hi em, với chương trình ACCA thì mục tiêu của website trong giai đoạn T4 – T6 là sẽ cố gắng xong hết F6 và F8. Tuy nhiên để có mỗi bài viết và video như vậy cũng tốn rất nhiều công sức. Tronng khi mọi người trong nhóm cũng chỉ làm theo dạng Part-time nên Admin không dám chắc chắn 100% là đạt được mục tiêu. Nhưng em yên tâm là mọi người đều đang cố gắng hết sức. Nên em chịu khó đợi nha. 🙂

  2. Vân Vân

    Hệ thống các kiến thức và ví dụ của ad đều rất rõ ràng ạ. Cảm ơn ad rất rất nhiều

    • Admin Admin

      Thanks bạn đã ủng hộ. 🙂

  3. Khanh Huyen Khanh Huyen

    C ơi cho em hỏi ở vd 4 ạ. Tại sao sau khi trừ 20m đầu vào chuyên dùng cho hđ tax exemt và vtcc bằng bus rồi thì 60m lại là đầu vào cho cả 2 hoạt động ạ? Em không hiểu chỗ này lắm, em tưởng trừ 20m cho hđ tax exemt rồi thì sẽ chỉ còn đầu vào cho hoạt động chịu thuế thôi ạ? Mong chị giải đáp giúp em với ạ. Em cảm ơn c rất nhiềuu

    • Admin Admin

      Em ơi, tổng VAT đầu vào giai đoạn xây dựng cơ bản của công ty là 80 tỷ. Trong đó có 20 tỷ là chỉ cho hoạt động không chịu thuế (vận tải công cộng = bus) người ta tách riêng ra được. Còn 60 tỷ còn lại là không tách riêng cho từng hoạt động được, mà là chung cho cả hoạt động chịu thuế & không chịu thuế nên phải thực hiện phân bổ.
      Chuyện này rất là phổ biến trong thực tế thôi em ah. Ví dụ kiểu công ty phát sinh chi phí đầu vào xây dựng chỗ đỗ xe sử dụng cho cả 2 hoạt động chẳng hạn.Thì khi đó không tách ra được VAT đầu vào cho từng hoạt động đó.

      • Khanh Huyen Khanh Huyen

        Vâng e hiểu rồi ạ. Em cảm ơn c nhiều ạ :3

Comments are closed, but trackbacks and pingbacks are open.