Bài 4/11 của Series hướng dẫn tự học ACCA F9 Financial Management: “Investment Appraisal” (Phần 1)
Investment Appraisal hay Đánh giá dự án đầu tư (Part D trong sách BPP study text) là một phần vô cùng quan trọng của môn F9 Financial Management. Phần này giải thích cách áp dụng các phương pháp cơ bản để đánh giá dự án đầu tư. Từ đó làm căn cứ để nhà quản lý đưa ra “Quyết định đầu tư”.
Với chủ đề này, chúng ta sẽ đi tìm hiểu 10 nội dung sau:
(1) Phương pháp Thời gian hoàn vốn của dự án (Payback period) |
(2) ROCE |
(3) Các vấn đề cần biết về kỹ thuật DCF |
(4) Cách xác định dòng tiền của dự án (Relevant Cash Flows) |
(5) Dòng tiền đều & Dòng tiền đều vô hạn |
(6) Các phương pháp sử dụng DCF: NPV, IRR và DPP |
(7) Ưu nhược điểm của kỹ thuật DCF |
(8) Cách áp dụng DCF trong điều kiện thực tế |
(9) Các tình huống/bài tập thường gặp |
(10) Các lỗi sai thường gặp |
Toàn bộ chủ đề được chia làm 3 bài viết. Trong bài viết này chúng ta sẽ xử lý 4 nội dung (1)-(4).
1. Đánh giá dự án đầu tư không sử dụng dòng tiền chiết khấu
1.1. Phương pháp Thời gian hoàn vốn của dự án (PP)
Thời gian hoàn vốn của dự án (PP) là gì?
Là thời gian 1 dự án cần để có dòng tiền vào đủ bù đắp cho dòng tiền ra (Cash inflows = Cash outflows). Thời gian này có thể được biễu diễn bằng số năm hoặc số tháng.
Nguyên tắc lựa chọn dự án dựa trên PP?
Mỗi công ty khi xem xét dự án đầu tư thường sẽ có PP mong muốn của mình. Như vậy:
- PP của dự án < PP mong muốn => Được chọn
- Nếu DN chỉ lựa chọn 1 dự án nhưng có nhiều dự án thoả mãn điều kiện về PP: Dự án có PP ngắn nhất sẽ được chọn.
Cách áp dụng?
- Xác định dòng tiền thuần của mỗi năm dự án
- Xác định số vốn đầu tư còn phải thu hồi ở cuối mỗi năm bằng cách tính chênh lệch giữa số vốn đầu tư & dòng tiền thuần hàng năm
- Khi số vốn đầu tư còn phải thu hồi < Dòng tiền thuần của năm sau: PP = Số năm hiện tại + Lấy số vốn đầu tư còn phải thu hồi / Dòng tiền thuần của năm sau. Bạn có thể * 12 để ra số tháng.
Ví dụ: Công ty xem xét 3 dự án loại trừ lẫn nhau A,B và C. Thời gian hoàn vốn mong muốn: 2 năm. Thông tin về dòng tiền dự kiến của các dự án như sau:
Hỏi dự án nào sẽ được lựa chọn theo phương pháp PP? Đáp án: Giả định rằng Lợi nhuận trước khấu hao = Dòng tiền thuần của mỗi dự án Lập bảng tính thời gian hoàn vốn của các dự án như sau:
Kết luận: Dự án B và C đều có PP < PP mong muốn (24 tháng). Nhưng các dự án này loại trừ lẫn nhau. Do đó chỉ dự án B có PP ngắn nhất được lựa chọn. |
Ưu nhược điểm của phương pháp PP
Ưu điểm | Nhược điểm |
1. Đơn giản, dễ áp dụng và được sử dụng như một công cụ để sàng lọc bớt các dự án. Nếu một dự án nào đó không đáp ứng được PP tiêu chuẩn cho phép thì rõ ràng không cần tiếp tục nghiên cứu thêm dự án đó. | 1. Không xem xét tới giá trị thời gian của tiền tệ. Một dòng tiền thu được hôm nay lại được đánh giá ngang bằng với dòng tiền thu được ở một số năm sau. |
2. Được áp dụng nhiều ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đối với các doanh nghiệp này: Dự án đạt doanh lợi thấp nhưng lại có PP ngắn, sẽ có lợi hơn những dự án tuy có doanh lợi hấp dẫn, nhưng PP dài và do đó rủi ro lớn. | 2. Không xem xét tới dòng tiền thu được sau thời gian hoàn vốn. Các dự án chậm sinh lời thường là các dự án nằm trong kế hoạch dài hạn, chẳng hạn dự án cho việc phát triển một sản phẩm mới hay thâm nhập thị trường mới. Do đó, nếu áp dụng phương pháp này sẽ có thể sẽ loại bỏ dự án tốt |
3. Không sử dụng được khi các dự án có cùng PP | |
3. Bằng việc lựa chọn dự án có PP ngắn, phương pháp này đã cân nhắc đến vấn đề rủi ro (thời gian càng dài thì rủi ro càng lớn) | 4. Việc đưa ra Thời gian hoàn vốn mong muốn của DN thường mang tính chủ quan |
4. Sử dụng dòng tiền thay vì là lợi nhuận kế toán – chỉ tiêu dễ dàng bị bóp méo thay đổi bằng các chính sách kế toán | 5. Có thể dẫn tới tình trạng đầu tư quá nhiều vào các dự án ngắn hạn |
5. Có thể được sử dụng khi doanh nghiệp ở trong tình trạng khan hiếm vốn (capital rationing) bởi vì DN có thể xác định các dự án nhanh chóng mang lại tiền để giải quyết nhu cầu về tiền. | 6. Bằng việc lựa chọn dự án có PP ngắn, phương pháp này đã cân nhắc đến vấn đề rủi ro (thời gian càng dài thì rủi ro càng lớn). Tuy nhiên lại không xem xét đến sự biến động của dòng tiền. |
1.2. Phương pháp ROCE (Return on capital employed)
Phương pháp ROCE là gì?
ROCE các bạn có thể tạm dịch sang tiếng việt là Tỷ suất doanh lợi nội bộ. Còn có tên gọi khác là phương pháp Accounting rate of return hay Phương pháp Return on investment.
Cách tính ROCE?
Cách 1. ROCE = (Estimated average profits/ Estimated average initial investment) %
Estimated average initial investment = (Initial investment + Residual value)/2
Đây là cách tính được sử dụng nhiều trong đề thi. Trừ khi đề bài có yêu cầu cách tính cụ thể khác)
Cách 2. ROCE = (Estimated total profits / Estimated initial investment) %
Nguyên tắc lựa chọn dự án?
- Đây là phương pháp lựa chọn dự án đầu tư bằng cách tính ROCE mà dự án tạo ra. Dự án sẽ được chọn nếu có ROCE > ROCE mục tiêu công ty đề ra.
- Trường hợp công ty đánh giá các dự án loại trừ lẫn nhau (mutually exclusive projects): nếu các dự án đều có ROCE > ROCE mục tiêu: dự án có ROCE cao nhất sẽ được chọn.
Ví Dụ
1 công ty có ROCE mục tiêu là 20% đang cân nhắc 2 dự án loại trừ lẫn nhau với thông tin như sau:
Items | Project A | Project B |
Investment capital | 90,000 | 120,000 |
Project’s time | ||
Before-depreciation Profit | ||
Year 1 | 20,000 | 30,000 |
Year 2 | 40,000 | 90,000 |
Year 3 | 60,000 | 60,000 |
Disposal Value | – | – |
Cách làm
Items | Project A | Project B |
Total profit before depreciation | 120,000 | 180,000 |
Total depreciation expense | 90,000 | 120,000 |
Total profit after depreciation | 30,000 | 60,000 |
Average annual profit after depreciation | 10,000 | 20,000 |
Average investment capital | 45,000 | 60,000 |
ROCE | 22% | 33% |
Kết luận: 2 dự án đều có ROCE > ROCE mục tiêu. Nhưng 2 dự án là loại trừ lẫn nhau nên chỉ dự án B được chọn.
Ưu nhược điểm của phương pháp ROCE
Ưu điểm | Nhược điểm |
1. Nhanh, đơn giản dễ thực hiện | 1. Dựa trên lợi nhuận kế toán – là nguồn dữ liệu dễ bị bóp méo, thay đổi |
2. Là chỉ tiêu đo lường theo số tương đối (%) nên có thể sử dụng để so sách giữa các dự án với nhau | 2. Là chỉ tiêu đo lường theo số tương đối (%) nên không xem xét đến quy mô của khoản đầu tư |
3. Xem xét đến toàn bộ thời gian thực hiện của 1 dự án thay vì chỉ xem xét thời gian hoàn vốn | 3. Không xem xét đến độ dài của dự án |
4. Không xem xét giá trị thời gian của dòng tiền |
2. Kỹ thuật DCF trong “Investment Appraisal”
Trong phạm vi môn F9 Financial Management, chúng ta sẽ học 3 phương pháp sử dụng kỹ thuật DCF. Bao gồm: NPV, IRR & DPP.
Tuy nhiên trước khi đi tìm hiểu về 3 phương pháp này, chúng ta sẽ cần tìm hiểu về cách sử dụng chung của kỹ thuật DCF đã.
2.1. Các vấn đề cần biết về kỹ thuật DCF
Kỹ thuật DCF là gì? DCF viết tắt cho Discounted Cash flow – là 1 kỹ thuật đánh giá dự án đầu tư xem xét đến cả giá trị thời gian của tiền tệ và khả năng sinh lời trong toàn bộ thời gian thực hiện dự án. Các điểm cần biết về kỹ thuật DCF?
|
Giá trị thời gian của tiền là gì? Tiền tệ có giá trị thời gian. 1 đồng ngày hôm nay có giá trị > 1 đồng ngày hôm sau. Lý do:
=> Chính vì tiền có giá trị thời gian, nên khi xem xét dòng tiền của dự án (phát sinh qua nhiều năm), chúng ta phải quy đổi các dòng tiền ở tương lai về cùng 1 thời điểm (hiện tại). Hay nói cách khác là phải chiết khấu dòng tiền từ tương lai về hiện tại. |
Chiết khấu dòng tiền là gì? Chiết khấu dòng tiền (discounting) chính là việc chuyển đổi dòng tiền từ tương lai về hiện tại. Tại sao lại phải chiết khấu dòng tiền khi đánh giá dự án đầu tư? Bởi vì 1 dự án thường kéo dài qua nhiều năm. Trong khi tiền tệ có giá trị thời gian. 1 đồng Năm N sẽ có giá trị khác với 1 đồng Năm 1 hay Năm 0. Do vậy, để có thể cộng gộp dòng tiền thuần của các năm với nhau. Chúng ta sẽ cần quy đổi để đưa hết về 1 thời điểm. Thời điểm đó là Năm 0 – Năm hiện tại. Cách chiết khấu dòng tiền về hiện tại? Để đưa dòng tiền ở tương lai về hiện tại, chúng ta sử dụng tỷ lệ chiết khấu (discount factor) với công thức: PV = FV / (1+r)^n Ví dụ: Dưới đây là bảng quy đổi dòng tiền của 1 dự án từ các năm trong tương lai về hiện tại (Năm 0).
|
Tỷ lệ chiết khấu (Discount factor) là gì? Trong ví dụ trên, chúng ta đã sử dụng tỷ lệ chiết khấu của dự án là 10%.
Trong chủ đề tiếp theo về chi phí huy động vốn, chúng ta sẽ học cách để tính ra tỷ lệ này. Còn trong các câu hỏi/bài tập thuộc chủ đề “investment appraisal”, chúng ta sẽ được cung cấp sẵn thông tin. |
2.2. Cách xác định dòng tiền dự án (Relevant Cash flows)
(1) Nguyên tắc xác định dòng tiền
Để so sánh các dự án đầu tư, chúng ta sẽ cần sử dụng đến “Dòng tiền” mà các dự án này tạo ra. Và các “Dòng tiền” này sẽ được xác định theo nguyên tắc chính sau:
Các dòng tiền chỉ được coi là liên quan đến dự án khi phát sinh trong tương lai như một kết quả từ quyết định đầu tư (future incremental cost).
Như vậy, các chi phí đã phát sinh trong quá khứ (past costs) hoặc sẽ phát sinh dù quyết định có được thực hiện hay không thì sẽ không được bao gồm trong Dòng tiền của dự án.
Ngoài ra, chúng ta cần cân nhắc thêm các yếu tố khác:
- Không trừ lãi vay/cổ tức ra khỏi dòng tiền của dự án đầu tư: Chi phí lãi vay & cổ tức chính là chi phí mà doanh nghiệp phải trả để huy động vốn đầu tư vào dự án. Về bản chất thì chi phí này sẽ là liên quan đến dự án. Tuy nhiên bởi vì chúng ta sẽ sử dụng tỷ lệ chiết khấu để chiết khấu dòng tiền khi đánh giá dự án đầu tư. Mà tỷ lệ chiết khấu này chính là sự thể hiện của chi phí sử dụng vốn của DN. Do đó, nếu chúng ta bao gồm chi phí lãi vay & cổ tức… vào trong dòng tiền dự án. Sau đó lại chiết khấu dòng tiền. Thì tức là chúng ta đã làm việc này 2 lần.
- Chi phí cơ hội khi đánh giá hiệu quả dự án: hiểu đơn giản là lợi ích cao nhất mà doanh nghiệp phải bỏ qua khi quyết định lựa chọn 1 dự án đầu tư.
- Giá trị thu hồi/thanh lý (Residual value): công ty thường phải đầu tư vốn mua các máy móc, thiết bị khi thực hiện dự án. Do vậy, khi dự án kết thúc, các máy móc, thiết bị này có thể được thanh lý. Và doanh nghiệp có thể thu hồi 1 phần vốn.
- Vốn lưu động (Working capital): Ngoài vốn đầu tư ban đầu, sẽ có trường hợp công ty phải bổ sung thêm vốn lưu động cho dự án. Trong trường hợp này: khoản đầu tư vốn lưu động ban đầu cho dự án sẽ được coi là dòng tiền ra (cash outflow). Còn vốn lưu động bị giảm về 0 khi dự án kết thúc được coi là dòng tiền vào (cash inflow).
- Các yếu tố khác: Lạm phát, rủi ro & sự không chắc chắn: tiền tệ có gía trị thời gian. Do đó, dòng tiền của dự án sẽ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như lạm phát, rủi ro… Vì vậy, để đảm bảo tính hợp lý của đánh giá, thì những yếu tố này cần được xem xét và phản ánh trong dòng tiền của dự án.
(2) Ba quy ước về thời gian phát sinh dòng tiền?
Rất nhiều bạn bỏ qua phần này. Và đây chính là lý do tại sao việc xác định thời gian phát sinh của dòng tiền lại là lỗi sai kinh điển của thí sinh. Trong kỹ thuật DCF, thời điểm phát sinh của dòng tiền sẽ được xác định theo 3 quy ước sau:
- Vốn đầu tư DN chi khi dự án bắt đầu sẽ được coi là dòng tiền ra & phát sinh vào Hiện tại – Năm 0
- Dòng tiền phát sinh vào đầu kỳ này sẽ được coi là đã phát sinh vào cuối kỳ trước đó
- Dòng tiền phát sinh trong suốt một kỳ sẽ được giả định là phát sinh vào cuối kỳ đó.
(3) Nội dung xác định dòng tiền?
Việc đánh giá dự án đầu tư dựa trên dòng tiền thực chất là đánh giá “Dòng tiền thuần” của các dự án.
Dòng tiền thuần của dự án = Dòng tiền vào – Dòng tiền ra
Dòng tiền vào của dự án: là dòng tiền dự án đầu tư mang lại cho doanh nghiệp.
Dòng tiền ra của dự án: là dòng tiền mà DN bỏ ra để hình thành lượng tài sản cần thiết cho dự án
2.3. Dòng tiền đều và dòng tiền đều vô hạn (Constant cash flows & Annuity)
Trong phần trước chúng ta đã học công thức quy đổi giữa Giá trị hiện tại & Giá trị tương lai của dòng tiền: FV = PV * (1 + r)^n hay PV= FV/(1 + r)^n
Trường hợp 1: khi dòng tiền là đều nhau (“Constant cash flows”)
Dòng tiền đều: là dòng tiền đều đặn phát sinh hàng kỳ nhé. Khi đó chúng ta có thể tính giá trị hiện tại của dòng tiền bằng cách nhóm các cụm 1/(1+r); 1/(1+r)^2 …và 1/(1+r)^n với nhau thành 1 hệ số duy nhất. Hệ số này gọi là Annuity factor (AF).
(Lưu ý: Trong kỳ thi môn F9, chúng ta sẽ được cung cấp bảng Annuity table để tra cứu Annuity factor)
Ví dụ: Hôm nay, bạn gửi 1 khoản tiền tiết kiệm trị giá $10,000 trong vòng 3 năm. Lãi suất là: 10%/năm. Bạn nhận tiền lãi hàng kỳ (hàng năm) là $10,000 * 10% = $1,000/năm.
Như vậy: $1,000 này chính là dòng tiền đều. Và chúng ta có thể tính PV của số tiền lãi mình nhận được sau 3 năm như sau:
- Năm 1 – Tiền lãi: $1,000/ (1 + 10%) = $909.09
- Năm 2 – Tiền lãi: $1,000/ (1 + 10%) ^2 = $826.446
- Năm 3 – Tiền lãi: $1,000/ (1 + 10%)^3 = $751.315
=> PV của tổng tiền lãi nhận được sau 3 năm: $2,486.85
PV của Phần tiền lãi Năm 1 – Năm 3 có thể tính nhanh bằng công thức bên trên:
PV = $1,000 * AF với AF = 2.487 (sử dụng bảng Annuity table)
=> PV (Tiền lãi Năm 1 – Năm 3) = $1,000 * 2.487 = $2,487
Công thức tính PV của dòng tiền đều này rất có ích khi bạn tính toán các dòng tiền liên quan đến nhiều năm. Thử tưởng tượng bạn tính toán PV của tiền lãi nhận được trong 10 năm?
Trường hợp 2: khi dòng tiền là đều vô hạn (“Perpetuity”)
Khi 1 dòng tiền là đều và kéo dài vô hạn, dòng tiền đó được gọi là “Perpetuity”.
Giá trị hiện tại của dòng tiền này sẽ được xác định theo công thức: PV = C / r
Với: r là tỷ lệ chiết khấu và C là dòng tiền đều hàng kỳ.
Ví dụ: Hiện tại, công ty đang cân nhắc đầu tư vào 1 dự án với chi phí phải bỏ ra luôn là: $100,000. Từ năm 1, dự án sẽ sinh lời $10,000 đều đặn hàng năm (vô hạn). Hệ số chiết khấu r = 12%.
Vậy, giá trị hiện tại của dòng tiền của dự án được tính như sau
Năm | Dòng tiền | Hệ số chiết khấu 12% | Giá trị hiện tại PV |
Hiện tại (Năm 0) | (100,000) | 1 | (100,000) |
Năm 1 … Vô cùng | 10,000 | 1/12% = 8 | 83,333 |
Tổng Giá trị hiện tại: | (16,667) |
Chúng ta sẽ xem xét cụ thể cách xác định dòng tiền của dự án khi học về phương pháp NPV, IRR… ở phần 2 của chủ đề này.
Dạ cho em hỏi là phần tính ROCE, thì Average investment capital có bằng (Investment capital + Disposal value)/2 không ạ? Em thấy trên ví dụ không có cộng thêm Disposal Value ạ
Hi Tien, Average investment capital = (Investment capital + Disposal value)/2 nhé. Là do chị bị nhầm. Residual Value của Project B cũng = 0 mới chính xác. Thanks em đã báo để chị sửa. 🙂
Cho em hỏi là em chưa thấy phần 2 của chủ đề này ạ
Hùng ơi đây em nè: https://tuonthi.com/f9-danh-gia-du-an-dau-tu/
Mình muốn hỏi việc phân biệt relevant cost và irrelevent cost cho chương này. Mình cảm thấy mông lung và chưa hiểu rõ cặn kẻ lắm. Ad có thể giải thích giúp mình cách làm sao để hiểu à phân biệt để k bị lẫn không.
Hi Vinh, tóm lại thì relevant cost nó là chi phí mà sẽ chỉ phát sinh khi đưa ra quyết định. Còn chi phí đã phát sinh trước khi ra quyết định, hay dù quyết định lựa chọn như nào cũng sẽ phát sinh, không có sự khác biệt giữa các phương án thì là irrelevant.