Dạng bài phân tích cân bằng tài chính hay còn gọi là Dạng bài phân tích tình hình đảm bảo vốn. Dạng bài này xuất hiện khá thường xuyên trong đề thi CPA. Đề thi 2 năm gần nhất 2017 và 2018 đều có. Tuy nhiên các bạn đừng chủ quan cho rằng đề thi 2019 sẽ không có dạng bài này mà bỏ qua không ôn tập nhé. Để giải quyết dạng bài này, chúng ta cần trả lời 3 câu hỏi cơ bản: Cân bằng tài chính là gì? Nguyên tắc Cân bằng tài chính là gì? Và nội dung phân tích cân bằng tài chính của doanh nghiệp?
Có thể bạn quan tâm: Tổng hợp dạng bài tập Đề thi CPA Môn Phân tích
1. Cân bằng tài chính là gì?
Để tiến hành hoạt động sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp cần phải có tài sản. Bao gồm cả tài sản ngắn hạn và tài sản dài hạn. Tương ứng với tài sản sẽ là nguồn vốn hình thành tài sản. Nguồn tài trợ tài sản (nguồn vốn) của doanh nghiệp được hình thành từ các nguồn sau:
- Nguồn vốn chủ sở hữu
- Nguồn vốn vay (vay ngắn hạn, dài hạn, trung hạn ở ngân hàng và vay các đối tượng khác)
- Nguồn vốn chiếm dụng trong quá trình thanh toán. Ví dụ: nợ người cung cấp; nợ người lao động; nợ Ngân sách Nhà nước…
Nói một cách đơn giản thì cân bằng tài chính hay tình hình đảm bảo vốn cho HĐKD chính là: sự CÂN ĐỐI giữa tài sản và nguồn hình thành tài sản (nguồn vốn) của công ty. Khả năng cân bằng tài chính phản ánh khả năng đảm bảo đầy đủ nhu cầu về vốn hình thành tài sản để công ty hoạt động liên tục, hiệu quả.
Đối lập với cân bằng tài chính là “mất cân bằng tài chính”. Vậy, mất cân bằng tài chính là gì? Hay thế nào là mất cân bằng tài chính?
Doanh nghiệp sẽ rơi vào tình trạng mất cân bằng tài chính khi doanh nghiệp bị mất cân đối giữa tài sản và nguồn vốn. Dẫn đến không đảm bảo đầy đủ nhu cầu về vốn cho hoạt động kinh doanh. Công ty bị rơi vào tình trạng gặp khó khăn về dòng tiền khi thanh toán nợ. Và thậm chí rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán.
Để đảm bảo cân bằng tài chính, doanh nghiệp sẽ cần phải tuân theo các nguyên tắc cân bằng tài chính.
2. Nguyên tắc cân bằng tài chính là gì?
Khả năng cân bằng tài chính của doanh nghiệp có thể được tiếp cận theo 2 cách:
Cách 1: Cân bằng tài chính theo quan điểm luân chuyển vốn
Cách này xuất phát từ tính chất cân bằng của bảng cân đối kế toán. Tổng giá trị tài sản luôn bằng với tổng giá trị nguồn vốn. Tính chất cân bằng được thể hiện bởi phương trình sau:
VCSH + Vốn vay + Vốn thanh toán = Tài sản Ngắn hạn + Tài sản dài hạn + Tài sản thanh toán
Phương trình này có thể biến đổi như sau:
(Vốn chủ sở hữu + Vốn vay) – (Tài sản ngắn hạn + Tài sản dài hạn) = Tài sản thanh toán – Nguồn vốn thanh toán
Có 3 trường hợp có thể xảy ra với phương trình này:
Trường hợp | Ý nghĩa |
(1) (Vốn chủ sở hữu + Vốn vay) > (Tài sản ngắn hạn + Tài sản dài hạn tương ứng) | Số vốn mà doanh nghiệp bị chiếm dụng (phần chênh lệch giữa “Vốn chủ sở hữu và Vốn vay” lớn hơn “Tài sản ngắn hạn và Tài sản dài hạn tương ứng” ) đúng bằng số chênh lệch giữa giá trị tài sản phát sinh trong quá trình thanh toán với nguồn vốn chiếm dụng trong thanh toán |
(2) (Vốn chủ sở hữu + vốn vay) < (Tài sản ngắn hạn + Tài sản dài hạn tương ứng) | Số vốn mà doanh nghiệp đi chiếm dụng (phần chênh lệch giữa “Tài sản ngắn hạn và tài sản dài hạn” lớn hơn “Vốn chủ sở hữu và vốn vay”) đúng bằng số chênh lệch giữa giá trị tài sản phát sinh trong quá trình thanh toán và nguồn vốn chiếm dụng trong thanh toán |
(3) (Vốn chủ sở hữu + vốn vay) = (TS ngắn hạn + tài sản dài hạn tương ứng) | Vốn chủ sở hữu và vốn vay vừa đủ tài trợ cho tài sản ngắn hạn và tài sản dài hạn. |
Cách tiếp cận này mình tóm tắt qua để các bạn biết thêm. Chứ mình cũng chưa gặp qua đề thi CPA môn phân tích nào hỏi về dạng này. Cả 4 lần dạng bài này xuất hiện trong đề thi đều hỏi về cách tiếp cận thứ 2 dưới đây.
Cách 2: Cân bằng tài chính theo quan điểm ổn định nguồn tài trợ
Phân tích cân bằng tài chính theo tính ổn định của nguồn tài trợ được thực hiện trên cơ sở phân chia nguồn hình thành tài sản thành hai loại tương ứng với thời gian luân chuyển. Đó là: Nguồn vốn ngắn hạn và nguồn vốn dài hạn.
- Nguồn vốn ngắn hạn là nguồn tài trợ mà doanh nghiệp sử dụng tạm thời vào vào hoạt động trong một thời gian ngắn nên còn gọi là nguồn tài trợ tạm thời. Nguồn vốn ngắn hạn (nguồn tài trợ tạm thời) bao gồm các khoản Nợ ngắn hạn.
- Nguồn vốn dài hạn là nguồn vốn mà doanh nghiệp được sử dụng lâu dài trong quá trình hoạt động. Nguồn vốn này thường xuyên tồn tại ở doanh nghiệp trong một chu kỳ kinh doanh để tài trợ cho tài sản sử dụng vào hoạt động của doanh nghiệp. Vì vậy nguồn vốn dài hạn còn gọi là nguồn tài trợ thường xuyên. Nguồn vốn dài hạn (nguồn tài trợ thường xuyên) bao gồm vốn chủ sở hữu và nợ dài hạn.
Theo cách tiếp cận này, nguyên tắc cân bằng tài chính là:
“Tài sản được tài trợ trong một thời gian không thấp hơn thời gian chuyển hoá tài sản ấy”. Hoặc nói cách khác là “Thời gian của nguồn vốn tài trợ phải không thấp hơn tuổi thọ của tài sản được tài trợ”.
Do đó, khi tính đến độ an toàn, ổn định trong việc tài trợ, nguyên tắc cân bằng tài chính yêu cầu:
Tài sản dài hạn chỉ được tài trợ bởi Nguồn vốn dài hạn và Nguồn vốn ngắn hạn chỉ tài trợ cho Tài sản ngắn hạn.
Như vậy:
Phân tích cân bằng tài chính theo tính ổn định của nguồn tài trợ thực chất là xem xét mối quan hệ giữa “Nguồn vốn dài hạn với Tài dài hạn” hay “Tài sản ngắn hạn với Nguồn vốn ngắn hạn”
3. Nội dung phân tích cân bằng tài chính
Do cách tiếp cận thứ 1 chưa từng xuất hiện trong đề thi nên mình không nói thêm nữa. Các bạn tự đọc tài liệu của hội nếu cần nhé.
Khi phân tích cân bằng tài chính theo tính ổn định của nguồn tài trợ, cần xác định biến động của chỉ tiêu Vốn luân chuyển = Nguồn vốn dài hạn – Tài sản dài hạn = “Nguồn vốn ngắn hạn – Tài sản ngắn hạn“
- Nếu Nguồn vốn dài hạn > Tài sản dài hạn: công ty có vốn lưu chuyển. Đây là dấu hiệu an toàn vì nó cho phép doanh nghiệp đương đầu được với những rủi ro có thể xảy ra. Ví dụ như việc phá sản của khách hàng lớn. Hay việc cắt giảm tín dụng của các nhà cung cấp kể cả việc thua lỗ nhất thời…Doanh nghiệp đảm bảo “cân bằng tài chính”.
- Nếu Nguồn vốn dài hạn < Tài sản dài hạn: công ty không có vốn lưu chuyển. Việc này đồng nghĩa với công ty đã dùng một phần nguốn vốn có thể sử dụng trong ngắn hạn để tài trợ cho Tài sản dài hạn. Doanh nghiệp bị “mất cân bằng tài chính”.
- Khi Nguồn vốn dài hạn = Tài sản dài hạn: Nguồn vốn dài hạn chỉ vừa đủ để tài trợ cho Tài sản dài hạn. Cân bằng tài chính trong trường hợp này tuy vẫn đạt được song tính ổn định chưa cao. Nguy cơ vi phạm nguyên tắc cân bằng tài chính vẫn tiềm tàng. Đây là chính sách tài trợ không đem lại sự ổn định và an toàn. Để tồn tại, ngoài việc liên tục phải đảo nợ, công ty cần nhanh chóng thoát khỏi tình trạng này bằng các phương pháp như: thu hẹp quy mô tài sản cố định, thu hồi đầu tư đầu tư tài chính dài hạn, tăng vay dài hạn hay sử dụng các công cụ tài chính dài dạn…
4. Cách xử lý bài tập phân tích cân bằng tài chính
Các bạn thực hiện qua 3 bước:
- Bước 1. Lập bảng tính Vốn luân chuyển và so sánh số liệu của kỳ gốc và kỳ phân tích
- Bước 2. Xác định mức độ ảnh hưởng của các nhân tố và nguyên nhân ảnh hưởng đến sự biến động của Vốn luân chuyển
- Bước 3. Kết luận tổng thể
Ví dụ: Đề thi CPA Môn Phân tích – Năm 2017 – Đề Chẵn – Câu 3.2
Đáp án:
Lập bảng tính chỉ tiêu Vốn luân chuyển = Nguồn vốn dài hạn – Tài sản dài hạn qua các năm.
ĐVT: Triệu đồng
Chỉ tiêu | 31/12/N-2 | 31/12/N-1 | 31/12/N | Chênh lệch N-1 và N-2 | Chênh lệch N và N-1 | ||
Số tiền | Tỷ lệ (%) | Số tiền | Tỷ lệ (%) | ||||
1. Nguồn vốn dài hạn | 209,790 | 222,460 | 327,900 | 12,670 | 6% | 105,440 | 47% |
Nợ dài hạn | 420 | 530 | 620 | 110 | 26% | 90 | 17% |
Vốn chủ sở hữu | 209,370 | 221,930 | 327,280 | 12,560 | 6% | 105,350 | 47% |
2. Tài sản dài hạn | 109,798 | 113,900 | 143,200 | 4,102 | 4% | 29,300 | 26% |
3. VLC =NVDH – TSDH | 99,992 | 108,560 | 184,700 | 8,568 | 9% | 76,140 | 70% |
Vốn luân chuyển của doanh nghiệp tăng 8.568tr tương ứng 9% từ năm N-2 đến năm N1. Và tăng 76.140 tr tương ứng 70% từ năm N-1 đến năm N. Vốn luân chuyển cuối năm N là 184.700 tr. Nguyên nhân là do năm N: doanh nghiệp gia tăng quy mô vốn dài hạn thêm 105.440tr nhưng chỉ tăng 29.300tr cho tài sản dài hạn. Phần còn lại được đầu tư vào tài sản ngắn hạn. Điều này cho thấy doanh nghiệp hoàn toàn đáp ứng yêu cầu của Nguyên tắc cân bằng tài chính qua 3 năm. Và đạt được tính ổn định trong hoạt động tài trợ.
Kết luận: Tài trợ theo hình thức như trên sẽ giúp doanh nghiệp giữ được sự ổn định cân bằng tài chính với khả năng thanh toán tốt. Tuy nhiên có thể sẽ khiến doanh nghiệp bị bỏ lỡ các cơ hội đầu tư kiếm được lợi nhuận lớn. Doanh nghiệp có thể xem xét đánh giá các dự án đầu tư, tìm các kế hoạch đầu tư dài hạn có cơ hội tăng trưởng tốt để không lãng phí vốn.
Vậy là xong. Trong bài viết này mình đã giải thích cân bằng tài chính là gì cũng như cách phân tích cân bằng tài chính. Trong bài viết tiếp theo mình sẽ giải thích về Dạng bài phân tích hiệu suất sử dụng vốn.
Công thức VLC theo quan điểm 2 bị nhầm rồi ad ơi. “VLC = TS ngắn hạn – NV ngắn hạn” chứ
Hi Bảo Anh ơi, ad sửa lại rồi. Cảm ơn bạn nhé.