Skip to content

[CPA – LT Thuế] 5 câu hỏi cơ bản về Thuế Tiêu thụ đặc biệt

Chúng ta đã tìm hiểu qua về thuế tiêu thụ đặc biệt thông qua việc Tính thuế tiêu thụ đặc biệt của rượu. Trong bài này, chúng ta hãy tiếp tục đi tìm hiểu sâu hơn. Cụ thể là đi trả lời các câu hỏi về thuế tiêu thụ đặc biệt trong đề cương của thầy Trường. Đây là bài 3 của Series bài giảng lý thuyết Môn Thuế các bạn nhé.

XEM VIDEO 4- 5 – 6

Trước khi đi tìm hiểu chi tiết các câu hỏi về thuế tiêu thụ đặc biệt thì các bạn hãy xem Sơ đồ tóm tắt thuế TTĐB để có cái nhìn giản lược về thuế TTĐB trước đã.

Câu 1. Trình bày các đặc điểm của thuế Tiêu thụ đặc biệt? Tại sao thuế Tiêu thụ đặc biệt có tính lũy thoái song lại có vai trò làm giảm bớt tính lũy thoái của thuế tiêu dùng?

(1) Thuế Tiêu thụ đặc biệt là gì? Các đặc điểm của thuế Tiêu thụ đặc biệt?

Thuế Tiêu thụ đặc biệt: là sắc thuế đánh vào một số HHDV nằm trong danh mục nhà nước quy định cần điều tiết sản xuất hoặc hướng dẫn tiêu dùng.

Các đặc điểm của thuế Tiêu thụ đặc biệt:

  • Thuế Tiêu thụ đặc biệt thuộc loại thuế gián thu. Thuế TTĐB được cấu thành trong giá bán HHDV do người tiêu dùng chịu khi mua HHDV. Người nộp thuế Tiêu thụ đặc biệt là người sản xuất HHDV chịu thuế Tiêu thụ đặc biệt. Người chịu thuế Tiêu thụ đặc biệt là người tiêu dùng HHDV thuộc diện chịu thuế Tiêu thụ đặc biệt. 
  • Thuế Tiêu thụ đặc biệt là thuế tiêu dùng một giai đoạn. Thuế Tiêu thụ đặc biệt chỉ đánh 1 lần. Vào khâu sản xuất, nhập khẩu hàng hóa hoặc kinh doanh dịch vụ.
  • Phạm vi điều tiết của thuế Tiêu thụ đặc biệt không rộng. Số lượng đối tượng HHDV thuộc diện chịu thuế Tiêu thụ đặc biệt thường không nhiều. Và thay đổi tùy theo điều kiện của mỗi quốc gia trong từng giai đoạn nhất định. 

(2) Thuế luỹ thoái là gì?

Theo mối quan hệ giữa thuế với thu nhập, thuế được chia thành 3 loại:

  • Thuế lũy tiến
  • Thuế lũy thoái và
  • Thuế tỷ lệ

Trong đó:

Thuế lũy thoái là loại thuế mà % thuế phải gánh chịu so với thu nhập của người chịu thuế giảm đi khi thu nhập tăng. Với loại thuế này, người nghèo chịu thuế nhiều hơn người giầu.

(3) Tính luỹ thoái của thuế tiêu dùng & thuế Tiêu thụ đặc biệt?

Tính lũy thoái của thuế tiêu dùng

Phân loại theo cơ sở thuế, thuế được chia thành thuế thu nhập, thuế tiêu dùng và thuế tài sản. Trong đó:

Thuế tiêu dùng là loại thuế đánh vào thu nhập đem tiêu dùng ở hiện tại của người nộp thuế.

Như vậy:

Người nộp thuế dành phần càng lớn thu nhập để tiêu dùng thì sẽ phải nộp thuế càng cao. Và do vậy, thuế tiêu dùng thường bị coi là có tính lũy thoái. Vì người có thu nhập thấp thường phải chi tiêu hầu hết khoản thu nhập của mình. Trong khi đó người có thu nhập cao chỉ phải bỏ ra một phần để chi tiêu.

Ví dụ:

Với cùng mức thuế 10%: người thu nhập 5 triệu và chi tiêu hết sẽ phải đóng thuế 0,5 triệu; người có thu nhập 10 triệu, chi tiêu 8 triệu sẽ phải đóng thuế 0,8 triệu; người có thu nhập 20 triệu, chi tiêu 12 triệu, sẽ phải đóng thuế 1,2 triệu. Nếu quy đổi sang tỷ lệ thì: người có thu nhập 5 triệu phải đóng thuế 10%; người có thu nhập 10 triệu phải đóng thuế 8%; còn người có thu nhập 20 triệu chỉ phải đóng thuế có 6%.

Thuế tiêu dùng bao gồm: Thuế tiêu thụ đặc biệt và Thuế GTGT.

Tính lũy thoái của thuế Tiêu thụ đặc biệt

Đối tượng chịu thuế Tiêu thụ đặc biệt thường là các nhóm HHDV mà người sử dụng có thu nhập cao. Ví dụ: ô tô, tàu bay cá nhân, du thuyền, mỹ phẩm cao cấp, dịch vụ làm đẹp, xì gà…

Thông qua việc áp thuế suất cao đối với các loại hàng hoá này, thuế Tiêu thụ đặc biệt đã góp phần điều tiết một phần thu nhập của các đối tượng có thu nhập cao vào NSNN. Nói cách khác là góp phần đảm bảo công bằng xã hội. Và do đó làm giảm tính lũy thoái của thuế tiêu dùng.

Câu 2. Các đối tượng không chịu thuế tiêu thụ đặc biệt? Xe ô tô dưới 24 chỗ ngồi doanh nghiệp sản xuất trong nước bán cho doanh nghiệp chế xuất có chịu thuế Tiêu thụ đặc biệt không? Tại sao?

(1) Đối tượng không chịu thuế tiêu thụ đặc biệt

Đối tượng không chịu thuế tiêu thụ đặc biệt có thể phân thành 3 nhóm chính là:

Nhóm 1. Các hàng hóa thực chất không tiêu dùng ở Việt Nam

Nhóm 2. Một số trường hợp quy định không thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt để điều chỉnh cho phạm vi điều tiết của thuế tiêu thụ đặc biệt đảm bảo đúng đối tượng mà Nhà nước cần điều tiết:

Nhóm 3. Các trường hợp không thuộc diện chịu thuế TTĐB theo thông lệ quốc tế

Cụ thể, thì sẽ có các nhóm đối tượng không thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt sau:

  • Hàng hóa do cơ sở sản xuất, gia công trực tiếp xuất khẩu; Hoặc bán, ủy thác cho cơ sở kinh doanh khác để xuất khẩu
  • Hàng hóa nhập khẩu trong 1 số trường hợp: hàng hóa quá cảnh; hàng hóa chuyển khẩu; hàng tạm nhập khẩu, tái xuất khẩu…
  • Hàng hoá nhập khẩu từ nước ngoài vào khu phi thuế quan; hàng hoá từ nội địa bán vào khu phi thuế quan và chỉ sử dụng trong khu phi thuế quan; hàng hoá được mua bán giữa các khu phi thuế quan với nhau. Ngoại trừ 2 loại: hàng hóa được đưa vào khu được áp dụng quy chế khu phi thuế quan có dân cư sinh sống, không có hàng rào cứng; Và xe ô tô chở người dưới 24 chỗ.
  • Tàu bay, du thuyền sử dụng cho mục đích kinh doanh vận chuyển hàng hoá, hành khách,kinh doanh du lịch; tàu bay sử dụng cho mục đích an ninh, quốc phòng.
  • Xe ô tô theo thiết kế của nhà sản xuất được sử dụng làm xe cứu thương, xe chở phạm nhân…; xe ô tô chạy trong khu vui chơi, giải trí, thể thao không đăng ký lưu hành, không tham gia giao thông; các loại xe chuyên dụng, xe không đăng ký lưu hành, không tham gia giao thông
  • Điều hoà có công suất từ 90.000 BTU trở xuống theo thiết kế chỉ để lắp trên phương tiện vận tải.

(2) Xe ô tô dưới 24 chỗ ngồi doanh nghiệp sản xuất trong nước bán cho doanh nghiệp chế xuất

Các doanh nghiệp chế xuất hiểu đơn giản là các doanh nghiệp sản xuất để xuất khẩu. Do vậy, khi doanh nghiệp sản xuất trong nước bán cho các doanh nghiệp này thì sẽ được coi là “hoạt động xuất khẩu”. Tức là hàng hoá không được tiêu dùng ở Việt Nam. Vì vậy, thuộc đối tượng không chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Tuy nhiên, riêng ô tô chở người dưới 24 chỗ ngồi doanh nghiệp sản xuất trong nước bán cho doanh nghiệp chế xuất là trường hợp ngoại lệ. Cụ thể, nó vẫn sẽ là đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Bởi vì: mục tiêu điều tiết của thuế tiêu thụ đặc biệt là hạn chế sự tiêu dùng của người dân đối với những HHDV chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Tức là Nhà nước nhằm định hướng cho người dân tiêu dùng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả; đồng thời hướng đến mục đích bảo vệ môi trường. Trong khi:

  • Xe ô tô dưới 24 chỗ ngồi là mặt hàng khá xa xỉ so với mức sống trung bình của đại bộ phận người dân. Do vậy, đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng này sẽ điều tiết 1 phần thu nhập của người sử dụng loại ô tô này. Thường là những người có thu nhập cao, vào ngân sách Nhà nước.
  • Điều kiện đặc thù ở Việt Nam là cơ sở hạ tầng đường bộ còn khá hiếu, chưa phát triển. Việc gia tăng số lượng xe này làm gia tăng tình trạng kẹt xe và ô nhiễm môi trường.
  • Ô tô chở người dưới 24 chỗ ngồi được bán vào các khu phi thuế quan nhưng không chỉ dùng ở đây. Mà còn được tham gia giao thông trong phạm vi cả nước. 

Câu 3. Khái quát quy định về giá tính thuế Tiêu thụ đặc biệt đối với các dịch vụ chịu thuế Tiêu thụ đặc biệt? Ví dụ?

Nguyên tắc chung: Giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt của HHDV là giá bán hàng hoá, giá cung ứng dịch vụ của cơ sở SXKD chưa có thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường (nếu có) và thuế GTGT. Giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt bao gồm cả khoản thu khác mà người bán được hưởng.

Đối với dịch vụ: giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt là giá cung ứng dịch vụ của cơ sở kinh doanh chưa có thuế GTGT và chưa có thuế tiêu thụ đặc biệt: 

Giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt  = Giá chưa có thuế GTGT / ( 1 + Thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt)

Giá dịch vụ chưa có thuế GTGT đối với một số dịch vụ được quy định như sau:

  • Đối với kinh doanh gôn (bao gồm cả kinh doanh sân tập gôn): là doanh thu chưa có thuế GTGT về bán thẻ hội viên, bán vé chơi gôn. Bao gồm cả tiền bán vé tập gôn, tiền bảo dưỡng sân cỏ, hoạt động cho thuê xe và thuê người giúp việc trong khi chơi gôn, tiền ký quỹ (nếu có) và các khoản thu khác liên quan đến chơi gôn do người chơi gôn, hội viên trả cho cơ sở kinh doanh gôn.
  • Đối với kinh doanh ca-si-nô, trò chơi điện tử có thưởng: Giá dịch vụ chưa có thuế GTGT là doanh thu từ kinh doanh casinô, trò chơi điện tử có thưởng đã trừ tiền trả thưởng cho khách. Nghia là bằng số tiền thu được (chưa có thuế GTGT) do đổi cho khách trước khi chơi – số tiền đổi trả lại khách hàng. 
  • Đối với kinh doanh đặt cược: Giá dịch vụ chưa có thuế GTGT là doanh thu bán vé đặt cược trừ tiền trả thưởng cho khách hàng (giá chưa có thuế GTGT). Không bao gồm doanh số bán vé vào cửa xem các sự kiện giải trí gắn với hoạt động đặt cược. 
  • Đối với kinh doanh vũ trường, mát-xa và karaoke: Giá dịch vụ chưa có thuế GTGT là doanh thu chưa có thuế GTGT của các hoạt động này. Bao gồm cả doanh thu của  dịch vụ ăn uống và các dịch vụ khác đi kèm. Ví dụ: tắm, xông hơi..
  • Đối với kinh doanh xổ số: Giá dịch vụ chưa có thuế GTGT là doanh thu bán vé chưa có thuế GTGT

Ví dụ: Công ty A có doanh thu chưa có thuế GTGT của vũ trường trong kỳ tính thuế là 100 triệu. Doanh thu này đã bao gồm cả doanh thu dịch vụ ăn uống. Thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với hoạt động kinh doanh vũ trường là 40%. Như vậy, giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt là: 100 triệu / (1 + 40%) = 71.4 triệu

Câu 4. Cách xác định giá tính thuế Tiêu thụ đặc biệt đối với hàng hóa nhập khẩu? Ví dụ?

Nguyên tắc chung: Giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt của HHDV là giá bán hàng hoá, giá cung ứng dịch vụ của cơ sở SXKD chưa có thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường (nếu có) và thuế GTGT. Giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt bao gồm cả khoản thu khác mà người bán được hưởng.

Đối với hàng nhập khẩu tại khâu nhập khẩu:

Giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt = Giá tính thuế nhập khẩu + Thuế nhập khẩu

Giá tính thuế nhập khẩu được xác định theo các quy định của pháp luật thuế xuất nhập khẩu. Trường hợp hàng hóa được miễn, giảm thuế nhập khẩu thì giá tính thuế không bao gồm số thuế được miễn, giảm.

Ví dụ: Công ty A nhập khẩu 1.250.000 lít rượu nước với giá nhập 0,85 USD/lít. Thuế nhập khẩu đối với rượu nước là 15%. Thuế suất thuế Tiêu thụ đặc biệt đối với rượu là 45%. Thuế suất thuế GTGT đối với rượu là 10%. Tỷ giá kê khai, nộp thuế nhập khẩu là 1 USD = 21.000 đồng.

Giá tính thuế nhập khẩu rượu nước: 1.250.000 * 0.85 * 21.000 = 22.312.500.000

Thuế nhập khẩu rượu nước: 22.312.500.000 * 15% = 3.346.875.000

Thuế Tiêu thụ đặc biệt của rượu nước nhập khẩu A phải nộp: (22.312.500.000 + 3.345.875.000) * 45% = 11.546.718.750

Câu 5. Quy định khấu trừ thuế TTĐB đối với cơ sở sản xuất sử dụng “nguyên liệu chịu thuế TTĐB” để sản xuất hàng hoá chịu thuế TTĐB? Ví dụ ?

Nguyên tắc của thuế TTĐB là chỉ đánh một lần tại khâu nhập khẩu hoặc khâu sản xuất. Tuy nhiên, trong thực tế có những mặt hàng mà quy trình kỹ thuật sản xuất vẫn tiếp tục được sử dụng để sản xuất ra những sản phẩm cuối cùng thuộc diện chịu thuế TTĐB. Ví dụ: Rượu nước dùng để đóng thành rượu chai; rượu trắng dùng để pha chế rượu thuốc; xăng khoáng dùng để chế biến xăng sinh học E5, E10….

Nhằm  bảo đảm nguyên tắc không thu trùng thuế Tiêu thụ đặc biệt, Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt quy định việc khấu trừ thuế TTĐB đã nộp tại khâu trước đó. Cụ thể:

(1) Người nộp thuế sản xuất hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB bằng các nguyên liệu chịu thuế TTĐB được khấu trừ số thuế TTĐB đã nộp đối với nguyên liệu nhập khẩu hoặc đã trả đối với nguyên liệu mua trực tiếp từ cơ sở sản xuất trong nước khi xác định số thuế TTĐB phải nộp. Số thuế TTĐB được khấu trừ tương ứng với số thuế TTĐB của nguyên liệu đã sử dụng để sản xuất hàng hóa bán ra. Số thuế TTĐB chưa được khấu trừ hết trong kỳ thì được khấu trừ vào kỳ tiếp theo.

(2) Người nộp thuế TTĐB đối với hàng hóa chịu thuế TTĐB nhập khẩu được khấu trừ số thuế TTĐB đã nộp ở khâu nhập khẩu khi xác định số thuế TTĐB phải nộp bán ra trong nước. Số thuế TTĐB được khấu trừ tương ứng với số thuế TTĐB của hàng hóa chịu thuế TTĐB nhập khẩu bán ra và chỉ được khấu trừ tối đa bằng tương ứng số thuế TTĐB tính được ở khâu bán ra trong nước. Đối với số thuế TTĐB không được khấu trừ, người nộp thuế được hạch toán vào chi phí để tính CIT.

Điều kiện khấu trừ thuế TTĐB được quy định như sau:

(1) Trường hợp nhập khẩu nguyên liệu chịu thuế TTĐB để sản xuất hàng hóa chịu thuế TTĐB & nhập khẩu hàng hóa chịu thuế TTĐB: chứng từ để làm căn cứ khấu trừ thuế TTĐB là chứng từ nộp thuế TTĐB khâu nhập khẩu.

(2) Đối với trường hợp mua nguyên liệu trực tiếp của nhà sản xuất trong nước:

  • Hợp đồng mua bán hàng hóa. Trong hợp đồng phải có nội dung thể hiện hàng hóa do cơ sở bán hàng trực tiếp sản xuất; Bản sao GĐKKD của cơ sở bán hàng.
  • Chứng từ thanh toán qua ngân hàng.
  • Chứng từ để làm căn cứ khấu trừ thuế TTĐB là hóa đơn GTGT khi mua hàng. 

Việc khấu trừ tiền thuế TTĐB được thực hiện khi kê khai thuế TTĐB. Thuế TTĐB phải nộp được xác định theo công thức:

Số thuế TTĐB phải nộp = Số thuế TTĐB của hàng hóa chịu thuế TTĐB được bán ra trong kỳ – Số thuế TTĐB đã nộp đối với hàng hóa, nguyên liệu ở khâu nhập khẩu hoặc số thuế TTĐB đã trả ở khâu nguyên liệu mua vào tương ứng với số hàng hóa được bán ra trong kỳ

Ví dụ

 Trong kỳ kê khai thuế, A phát sinh các nghiệp vụ sau:

  • Nhập khẩu 10.000 lít rượu nước. A đã nộp thuế TTĐB khi nhập khẩu 250 triệu
  • Xuất kho 8.000 lít để sản xuất 12.000 chai rượu
  • Xuất bán 9.000 chai rượu. Số thuế TTĐB phát sinh khi xuất bán của 9.000 chai rượu xuất bán là 350 triệu

Số thuế TTĐB đã nộp ở khâu nhập khẩu của rượu nước được khấu trừ:

250 triệu * 8.000 lít/10.000 lít * 9.000 chai/12.000 chai = 150 triệu

Số thuế TTĐB A phải nộp trong kỳ: 350 triệu – 150 triệu = 200 triệu

Vậy là xong. Hy vọng 5 câu hỏi về thuế tiêu thụ đặc biệt trên đã giúp các bạn hiểu được bản chất của loại thuế này. Trong bài viết tiếp theo, mình sẽ chuyển sang chủ đề Lý thuyết Thuế Thu nhập doanh nghiệp. Trong khi chờ mình ra bài viết mới, các bạn có thể thực hành các Dạng bài tập tính thuế Tiêu thụ đặc biệt trước nha.

Published inThuế

10 Comments

  1. La Kim Phượng La Kim Phượng

    Ad có thể cho xin các sơ đồ luật thuế = pdf?

    • Admin Admin

      Hi bạn, bọn mình đang cập nhật lại mấy sơ đồ thuế. Chắc là trong tháng 5 sẽ hoàn thành. Cũng nhiều bạn hỏi quá mà bọn mình chưa xong ngay được vì còn đang bận làm ACCA. Bạn chịu khó đợi chút nhé.

  2. La Kim Phượng La Kim Phượng

    Ok, thanks Ad.

  3. HoGa HoGa

    Thanks các bạn Admin nhé!

  4. huong huong

    Admin cho mình hỏi 1 chút ạ. Nếu ví dụ mình mua bia về để sx bia chai bán đi, 1 phần bán trong nước, 1 phần xuất khẩu thì thuế TTDB được khấu trừ có tính cho phần bia xuất khẩu không ạ?

    • Admin Admin

      Hi Hương,

      (1) Theo quy định tại NĐ14/2019:

      Người nộp thuế sản xuất hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế TTDB bằng các nguyên liệu chịu thuế TTDB được khấu trừ số thuế tiêu thụ đặc biệt đã nộp đối với nguyên liệu nhập khẩu hoặc đã trả đối với nguyên liệu mua trực tiếp từ cơ sở sản xuất trong nước khi xác định số thuế TTDB phải nộp. Số thuế TTDB được khấu trừ tương ứng với “số thuế TTDB của nguyên liệu đã sử dụng để sản xuất hàng hóa chịu thuế TTDB bán ra”.

      Bạn tập trung vào câu cuối. Tức là nguyên liệu chịu thuế TTĐB và đã nộp thuế ở đầu vào chỉ được khấu trừ trong phạm vi đã sử dụng để sản xuất HÀNG HOÁ CHỊU THUẾ TTĐB bán ra. Trong khi bia mà xuất khẩu thì không phải chịu thuế TTĐB. Chỉ bán nội địa thì mới phải chịu thuế TTĐB. Tức là bia xuất khẩu là đối tượng không chịu thuế TTĐB đó.

      Và như vậy thì NVL tương ứng đã sử dụng để sản xuất bia xuất khẩu sẽ không được khấu trừ.

      (2) Theo quy định tại Điều 7, Thông tư 195/2015: Người nộp thuế TTĐB được hoàn thuế đã nộp trong các trường hợp sau đây:…Hàng hoá là nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất, gia công hàng xuất khẩu được hoàn lại số thuế TTĐB đã nộp tương ứng với số nguyên liệu dùng để sản xuất hàng hoá thực tế xuất khẩu.

      Như vậy, thì NVL tương ứng đã sử dụng để sản xuất bia xuất khẩu sẽ không được khấu trừ mà được HOÀN, và phải làm thủ tục HOÀN thuế bạn nhé.

      • Huong Huong

        Cảm ơn ad, ở đây đề bài đang nói là mua bia đầu vào của 1 doanh nghiệp trong nước, ở điều 7 mình hiểu là được hoàn khi mình nhập khẩu để sx xuất khẩu, còn trường hợp mua bia của doanh nghiệp trong nước thì có được hoàn lại không ạ?

        • Admin Admin

          Hi bạn, Bạn đọc quy định tại Điều 8. Khấu trừ thuế nhé.

  5. Minh Thu Minh Thu

    Cảm ơn các Ad rất nhiều ạ

  6. TuyenNguyen TuyenNguyen

    Ad cho mình hỏi, trong khoản 1 và 2, điều 4, NĐ 108/2015 có diến giải phần GTT của TTĐB, thì phân biệt 2 loại hàng hóa này ntn ?
    ” 1. Đối với hàng hóa NK (trừ xăng) do cơ sở kinh doanh NK bán ra…” -> GTT là GB chưa bao gồm GTGT + BVMT
    ” 2. Hàng NK tại khâu NK…” -> GTT= GTT NK + thuế NK

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *