Rượu chính là 1 ví dụ tiêu biểu nhất cho loại hàng hoá phải chịu thuế Tiêu thụ đặc biệt. Chúng ta hãy đi tìm hiểu cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt của rượu để từ đó hiểu được bản chất cũng như cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt. Chứ nếu đâm đầu vào đọc thông tư luôn thì dễ tàu hoả nhập ma lắm.
Đây là bài 2 của Series bài giảng lý thuyết Môn Thuế CPA các bạn nhé.
1. Tại sao rượu lại là hàng hoá chịu thuế Tiêu thụ đặc biệt?
(1) Để trả lời câu hỏi này, chúng ta sẽ cần hiểu Thuế tiêu thụ đặc biệt là gì?
Ngay cái tên đã nói đến tất cả. Nói đơn giản nhất thì thuế tiêu thụ đặc biệt chính là loại thuế đánh lên các loại hàng hoá “đặc biệt”. “Đặc biệt” ở đây hiểu là không phục vụ cho những nhu cầu thông thường nên được coi là hàng “xa xỉ”. Hay không được khuyến khích do có hại cho sức khoẻ, môi trường…nên bị gắn mác “đặc biệt”.
Như vậy: Rượu bia hay những loại chất có cồn khác sẽ là các loại hàng hoá không được khuyến khích nên sẽ là đối tượng chịu thuế Tiêu thụ đặc biệt.
Tương tự như vậy, những loại hàng hoá dịch vụ như xe ô tô, mỹ phẩm, nước hoa, massage, xăng dầu … cũng sẽ là đối tượng chịu thuế Tiêu thụ đặc biệt.
(2) Ai sẽ là người phải nộp thuế Tiêu thụ đặc biệt cho rượu hay các loại HHDV khác chịu thuế TTĐB?
Câu trả lời là: Các tổ chức, cá nhân có sản xuất, nhập khẩu hàng hoá và kinh doanh dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB.
Lưu ý nếu cơ sở kinh doanh xuất khẩu mua hàng chịu thuế TTĐB của cơ sở sản xuất để xuất khẩu nhưng không xuất khẩu mà tiêu thụ trong nước thì cơ sở kinh doanh xuất khẩu là người nộp thuế TTĐB. Khi bán hàng hóa, cơ sở kinh doanh xuất khẩu phải kê khai và nộp đủ thuế TTĐB.
(3) Có khi nào rượu là đối tượng không chịu thuế TTĐB không?
Câu trả lời là có. Ví dụ như trong 1 số trường hợp:
- Chúng ta bán rượu cho các cơ sở xuất khẩu, hoặc chúng ta trực tiếp xuất khẩu & thoả mãn các điều kiện về hồ sơ, giấy tờ theo quy định thì sẽ không chịu thuế TTĐB.
- Rượu tạm nhập khẩu để dự hội chợ, triển lãm, và thực tái xuất khẩu trong thời hạn chưa phải nộp thuế nhập khẩu theo chế độ quy định
- Rượu nhập khẩu để bán miễn thuế tại các cửa hàng bán hàng miễn thuế theo quy định của pháp luật.
2. Cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt của rượu
Cách tính Thuế tiêu thụ đặc biệt của rượu phải nộp theo công thức chung: Thuế TTĐB phải nộp = Giá tính thuế TTĐB * % thuế suất
Tuỳ vào từng trường hợp mà giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ được xác định khác nhau. Chúng ta cùng xem 3 trường hợp sau:
(1) Cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt của rượu cho trường hợp “tính thuế TTĐB phát sinh cả đầu vào & đầu ra”
Tình huống
Công ty cổ phần DC chuyên sản xuất rượu. Công ty là đối tượng đăng ký nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ. Trong tháng 9/2018 có tình hình sau:
- Nhập khẩu 1.250.000 lít rượu nước với giá nhập 0,85 USD/lít. Thuế nhập khẩu đối với rượu nước là 15%. Công ty đã nộp thuế nhập khẩu, thuế TTĐB và thuế GTGT ở khâu nhập khẩu và có đủ chứng từ nộp thuế theo quy định. Trong tháng, xuất kho 700.000 lít để sản xuất 2.100.000 chai rượu. Lượng rượu chai sản xuất ra đã được nhập kho thành phẩm và xuất tiêu thụ.
- Theo số liệu kế toán phản ánh về tình hình tiêu thụ trong tháng thì số lượng rượu còn tồn cuối tháng là 75.000 chai.
- Biết rằng, số chai rượu còn tồn đầu tháng là 85.000 chai. Giá bán xuất xưởng đã có thuế TTĐB là 17.400 đồng/chai; thuế suất thuế TTĐB đối với rượu là 45%. Thuế suất thuế GTGT đối với rượu là 10%. Tỷ giá ngoại tệ bình quân liên ngân hàng tại thời điểm kê khai, nộp thuế nhập khẩu là 1 USD = 21.000 đồng.
Giả sử rượu chai tồn kho đầu kỳ không sản xuất từ rượu nước nhập khẩu. Tính số thuế TTĐB công ty DC phải nộp cho số rượu đã tiêu thụ trong tháng 9/2018.
Bước 1. Xác định đối tượng chịu thuế & nộp thuế
Ở trên chúng ta đã xác định rằng: rượu chính là đối tượng phải chịu thuế Tiêu thụ đặc biệt. Và nó bao gồm “rượu” ở các hình thái khác nhau: Rượu nước, rượu đóng chai… Do vậy: công ty DC sẽ là đối tượng phải nộp thuế TTĐB khi nhập khẩu rượu nước và khi tiêu thụ rượu chai.
Bước 2. Tính thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp khâu nhập khẩu rượu nước
Đối với hàng nhập khẩu tại khâu nhập khẩu, giá tính thuế TTĐB được xác định như sau: Giá tính thuế TTĐB = Giá tính thuế nhập khẩu + Thuế nhập khẩu
Theo quy định tại Điều 2, Thông tư 130/2016/TT-BTC
Giá tính thuế nhập khẩu rượu nước: 1.250.000 * 0.85 * 21.000 = 22.312.500.000
Thuế nhập khẩu rượu nước: 22.312.500.000 * 15% = 3.346.875.000
Thuế TTĐB rượu nước nhập khẩu: (22.312.500.000 + 3.345.875.000) * 45% = 11.546.718.750
Bước 3. Tính thuế tiêu thụ đặc biệt phát sinh khi tiêu thụ nội địa rượu chai
“Đối với hàng hóa sản xuất trong nước, hàng hóa nhập khẩu: giá tính thuế TTĐB là giá do cơ sở sản xuất, cơ sở nhập khẩu bán ra. Giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt được xác định như sau: Giá tính thuế TTĐB = (Giá bán chưa có thuế GTGT – Thuế BVMT nếu có)/(1 + % thuế TTĐB)
Theo quy định tại Điều 2, Thông tư 130/2016/TT-BTC
Số lượng rượu tiêu thụ trong tháng: 85.000 + 2.100.000 – 75.000 = 2.110.000 chai
Giá tính thuế TTĐB của rượu chai xuất bán: 2.110.000 chai * 17.400 / (1+45%) = 25.320.000.000
Thuế TTĐB của rượu chai xuất bán: 25.320.000.000 * 45% = 11.394.000.000
Bước 4. Tính thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp trong tháng
“Người nộp thuế TTĐB đối với hàng hóa chịu thuế TTĐB nhập khẩu được khấu trừ số thuế TTĐB đã nộp ở khâu nhập khẩu khi xác định số thuế TTĐB phải nộp bán ra trong nước. Số thuế TTĐB được khấu trừ tương ứng với số thuế TTĐB của hàng hóa chịu thuế TTĐB nhập khẩu bán ra và chỉ được khấu trừ tối đa bằng tương ứng số thuế TTĐB tính được ở khâu bán ra trong nước. Đối với số thuế TTĐB không được khấu trừ thuế, người nộp thuế được hạch toán vào chi phí để tính thuế thu nhập doanh nghiệp:
Số thuế TTĐB phải nộp = Số thuế TTĐB của hàng hóa chịu thuế TTĐB được bán ra trong kỳ – Số thuế TTĐB đã nộp đối với hàng hóa, nguyên liệu ở khâu nhập khẩu”
Theo quy định tại Điều 1, Thông tư 20/2017/TT-BTC
Thuế TTĐB của rượu nước đã nộp khi nhập khẩu được khấu trừ:
Thuế TTĐB của 1 lít rượu nước nhập khẩu: 11.546.718.750 /1.250.000 = 9.237,375/lít
Định mức sử dụng rượu nước để sản xuất rượu chai: 700.000/2.100.000 = 0,333333 lít/chai
Thuế TTĐB của rượu nước nhập khẩu được khấu trừ: (2.110.000 – 85.000) * 0.333333 * 9.237,375 = 6.235.228.125
Thuế TTĐB của rượu chai còn phải nộp tháng 9.2018: 11.394.000.000 – 6.235.228.125 = 5.158.771.875
(2) Cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt của rượu cho trường hợp “chỉ tính thuế TTĐB phát sinh ở đầu ra”
Tình huống
Một DN sản xuất rượu nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ trong tháng tính thuế có tình hình sau:
- Tiêu thụ trong nước 10.000 chai rượu, giá bán chưa thuế TTĐB và chưa thuế GTGT: 60.000 đồng/chai.
- Xuất khẩu 5.000 chai rượu, giá FOB 70.000 đồng/chai. Chi phí vận chuyển đến cảng xuất trả cho DN vận tải theo giá chưa thuế GTGT là 100 trđ.
- Đổi 1.000 chai rượu lấy 5 chiếc máy điều hòa nhiệt độ. Số máy điều hòa này được sử dụng để lắp vào các phòng làm việc trong DN.
Yêu cầu: Xác định thuế TTĐB phải nộp, biết rằng: Hàng hoá, dịch vụ mua vào đều thanh toán qua ngân hàng theo quy định của PL và có hoá đơn hợp pháp. Và Thuế suất thuế TTĐB của rượu là 35%.
Bước 1. Xác định đối tượng chịu thuế & nộp thuế
Rượu tiêu thụ trong nước: là đối tượng phải chịu thuế TTĐB.
Rượu xuất khẩu: giả sử rượu xuất khẩu có đủ hồ sơ theo quy định của pháp luật nên không thuộc diện chịu thuế TTĐB.
Rượu sử dụng để trao đổi: vẫn được coi là bán nên sẽ là đối tượng chịu thuế TTĐB.
Bước 2. Tính thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp trong kỳ
Thuế TTĐB của rượu tiêu thụ trong nước: 10.000 * 60.000 * 35% = 210 triệu
Rượu sử dụng để trao đổi lấy điều hoà: 1.000 * 60.000 * 35% = 21 triệu
Tổng thuế TTĐB phải nộp: 231 triệu
(3) Cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt của rượu cho trường hợp có “bao bì”
Đối với hàng hoá chịu thuế TTĐB, giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt là giá chưa có thuế GTGT, thuế bảo vệ môi trường (nếu có), chưa có thuế TTĐB và không loại trừ giá trị vỏ bao bì.
Theo quy định tại Điều 5, Thông tư 195/2015/TT-BTC
Tình huống
Công ty A sản xuất rượu nộp thuế GTGT theo PP khấu trừ trong tháng 4/2019 có tình hình sau:
- Bán 500.000 két rượu chai theo phương thức thu đổi vỏ chai cho các công ty thương mại với giá chưa thuế GTGT 198.000 đồng/két. DN cũng khuyến mại cho khách hàng theo quy định pháp luật loại rượu này 100 két.
- Bán cho công ty TM 200.000 két rượu chai theo phương thức không thu đổi vỏ chai để XK theo hợp đồng đã ký với nước ngoài (Có đủ hồ sơ quy định) với giá chưa thuế GTGT 120.000 đồng/két. Cuối tháng công ty TM chỉ xuất khẩu 140.000 két.
- Trong tháng 4 thực hiện quyết toán số tiền đặt cọc vỏ chai rượu quý I/2019 cho các công ty thương mại. Mức tiền đặt cọc theo giá đã có thuế GTGT là 1.100 đồng/vỏ chai. Tổng số tiền đặt cọc đã thu trong quý I là 800 triệu đồng. Số chai không thu hồi được là 165.000. Công ty đã trừ tiền đặt cọc vỏ chai khi thanh toán với các công ty thương mại theo số lượng vỏ chai không thu hồi được. Số tiền đặt cọc còn lại tương ứng với số vỏ chai thu hồi được đã được công ty và các công ty thương mại thống nhất chuyển sang đặt cọc cho quý II/2019.
Yêu cầu: Xác định thuế TTĐB phải nộp, biết rằng: Hàng hoá, dịch vụ mua vào đều thanh toán qua ngân hàng theo quy định của PL và có hoá đơn hợp pháp. Và Thuế suất thuế TTĐB của rượu là 35%. Thuế suất thuế GTGT: 10%; DNSX và công ty TM không có mối quan hệ liên kết;
Bước 1. Xác định đối tượng chịu thuế & nộp thuế
- 500.000 két rượu chai bán cho các công ty thương mại: Là đối tượng chịu thuế TTĐB. Và công ty A là đối tượng phải nộp thuế cho số két rượu đã tiêu thụ.
- 100 két rượu khuyến mại theo quy định của pháp luật cũng là đối tượng chịu thuế TTĐB.
- 200.000 két rượu chai bán cho công ty TM để xuất khấu: không thuộc diện chịu thuế TTĐB. Với 60.000 két chưa xuất khẩu, nếu công ty TM chuyển tiêu thụ trong nước thì công ty TM là đối tượng phải nộp thuế cho số hàng này.
Hàng hóa do cơ sở sản xuất bán hoặc ủy thác cho cơ sở kinh doanh xuất khẩu để xuất khẩu theo hợp đồng kinh tế là đối tượng không chịu thuế TTĐB.
Cơ sở kinh doanh xuất khẩu mua hàng chịu thuế TTĐB của cơ sở sản xuất để xuất khẩu nhưng không xuất khẩu mà tiêu thụ trong nước thì cơ sở kinh doanh xuất khẩu là người nộp thuế TTĐB. Khi bán hàng hóa, cơ sở kinh doanh xuất khẩu phải kê khai và nộp đủ thuế TTĐB.
Điều 3 & Điều 4 Thông tư 195/2015/TT-BTC
Bước 2. Tính thuế tiêu thụ đặc biệt
- Rượu chai bán theo phương thức thu đổi vỏ chai:
Giá tính thuế TTĐB: 500.000 * 198.000/(1+35%) = 73.333.333.333
Thuế TTĐB phải nộp: 73.333.333.333 * 35% = 25.666.666.667
- Rượu chai khuyến mại theo quy định của pháp luật:
Giá tính thuế TTĐB: 100 * 198.000/(1+35%) = 14.666.667
Thuế TTĐB phải nộp: 14.666.667 * 35% = 5.133.333
Đối với hàng hóa, dịch vụ dùng để trao đổi, tiêu dùng nội bộ, biếu, tặng, cho, khuyến mại là giá tính thuế TTĐB của hàng hóa, dịch vụ cùng loại hoặc tương đương tại thời điểm phát sinh các hoạt động này.
Quy định tại Điều 5, Thông tư 195/2015/TT-BTC
- Thuế TTĐB khi quyết toán vỏ chai bia Quý 1/2019:
Giá tính thuế TTĐB: 165.000 * 1.100/(1+10%)/(1+35%) = 122.222.222
Thuế TTĐB phải nộp: 122.222.222 * 35% = 42.777.778
- Tổng số thuế TTĐB phải nộp: 25.666.666.667 + 5.133.333 + 42.777.778 = 25.714.577.778
Vậy là xong. Hy vọng qua 3 ví dụ trên, các bạn đã hình dung sơ bộ về thuế TTĐB. Nắm được cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt của rượu và các loại hàng hoá tương tự. Trong bài tiếp theo mình sẽ đi giải thích 1 số câu hỏi lý thuyết thuộc chủ đề thuế TTĐB.
Lưu ý về phạm vi văn bản áp dụng thuế TTĐB:
- Thông tư 195/2015/TT-BTC
- Thông tư số 130/2016/TT-BTC
- Thông tư 20/2017/TT-BTC
Có thể bạn quan tâm: Bài tập về tính thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế GTGT
Anh/Chị có thể cho em hỏi là, trong ví dụ đầu tiên, vì sao khi tính thuế TTĐB được khấu trừ, mình đang trừ đi 85.000 chai còn tồn đầu kỳ. Vì em đang hiểu là 85.000 chai này, vẫn còn tương ứng với 1 lượng thuế TTĐB chưa được khấu trừ khi tiêu thụ hàng hóa ở kì trước, thì sang kì sau khi bán đi 85.000 chai này, thuế TTĐB tương ứng vẫn phải được khấu trừ chứ ạ. Em cảm ơn Anh/Chị ạ.
Hi em, vì tình huống có thông tin này: “Giả sử rượu chai tồn kho đầu kỳ không sản xuất từ rượu nước nhập khẩu”
Admin
Cho em xin ví dụ tính thuế TTĐB phải nộp đối với hàng hóa sản xuất và kinh doanh dịch vụ
Ví dụ tính thuế TTĐB phải nộp đối với hàng hóa nhập khẩu
Hi Lan, cách tính thuế TTĐB với hàng nhập khẩu thì ở ngay tình huống trong Phần 2. Cách tính thuế TTĐB của rượu mà. Bạn xem lại nhé. Nhập nguyên vật liệu nhập khẩu hay hàng hoá nhập khẩu thì tính thuế TTĐB cũng như nhau mà.
AD Cho mình hỏi xíu nhé!
Công ty mình đang sản xuất rượu truyền thống, đã hoàn thiện đầy đủ mọi thủ tục sản xuất, giá bán ra là 1000 đồng/ lít chưa VTA cho công ty A. Với số lượng cung cấp 6000lit/ tháng.
Công ty A đã làm hợp đồng mua bán và cung cấp toàn bộ chai lọ bao bì và nhãn mác cho công ty mình gia công đóng chai (chai có thể tích 500ml). Giờ công ty A muốn mình gia công đóng chai hoàn thiện sản phẩm (Trên nhãn vẫn lấy tên và đại chỉ của công ty của mình) và công ty mình phải mua tem niêm phong tại chi cục thuế để sử dụng.
Vậy mình phải đóng thuế tiêu thụ đặc biệt như thế nào ạ?
tks admin!
Hi Quân
Tình huống bạn đưa ra chưa rõ lắm nên Ad tạm phân tích như sau:
Trước đây: Bên bạn chỉ bán rượu => Tất nhiên chỉ nộp thuế TTĐB tương ứng hàng bán
Tương lai: Bên bạn bán rượu + Gia công đóng chai hoàn thiện sản phẩm. Nhưng nhãn vẫn lấy tên & địa chỉ công ty bạn. Như vậy thì nghĩa là bên bạn bán sản phẩm là “Chai rượu hoàn chỉnh” đúng không? Nếu như vậy thì giá tính thuế TTĐB là giá rượu + giá bao bì đó bạn.
công ty em đang sản xuất rượu ngpp theo pp thủ công hoàn toàn, và tự phân phối ra thị trường thì giá tính thuế TTĐB và mức thuế là bao nhiêu ạ.
Hi Trinh,
Tuonthi.com là ơi Ad chia sẻ kiến thức & kinh nghiệm giúp mọi người ôn thi CPA, ACCA… chứ cũng không phải website của các công ty tư vấn kế toán thuế. Nên Ad sẽ không dành thời gian hỏi han chi tiết tình huống của bạn được. Tuy nhiên Ad xin chia sẻ về cách xác định 1 giao dịch có phát sinh nghĩa vụ thuế hay không, thì chúng ta sẽ xác định các điểm sau:
(1) Có phải đối tượng chịu thuế TTĐB không? Bên bạn là cơ sở sản xuất rượu, tiêu thụ thị trường nội địa thì nghĩa là rượu đã được tiêu dùng ở VN nên rượu bên bạn sẽ là đối tượng chịu thuế TTĐB rồi.
(2) Giá tính thuế TTĐB như nào? Bạn tham khảo bài này https://tuonthi.com/cach-tinh-thue-tieu-thu-dac-biet-cua-ruou/
(3) Đối tượng nộp & kê khai thuế? Bạn tham khảo bài này https://tuonthi.com/cach-tinh-thue-tieu-thu-dac-biet-cua-ruou/
(4) Mức thuế áp dụng: Tuỳ vào nồng độ rươu sẽ có mức thuế khác nhau. Bạn tham khảo biểu thuế TTĐB mới nhất nhé. Ad nhớ không nhầm thì là 65% cho rươu trên 20 độ, và 35% khi dưới 20 độ.
Xin cho hỏi!
Công ty A sx rượu bán toàn bộ sản phẩm sx của mình cho cty B là đơn vị phân phối độc quyền, do đó bên A không được trực tiếp bán sản phẩm sx của mình cho khách hàng khác trừ trường hợp Bên A phải mua lại sản phẩm từ bên B theo giá bán của bên B.
Như vậy thuế tiêu thụ ĐB sẽ tính theo giá bán của Bên A cho bên B; khi bên a có KH mua sp phải mua lại của Bên B thì sẽ chịu thuế giá trị gia tăng vì lác này là mua bán thương mại?
Hiểu như vậy có đúng không?
Hi thanh, tình huống bạn nêu gồm 2 giao dịch riêng biệt, độc lập với nhau:
Giao dịch 1: A bán cho B => Công ty thương mại (B) mua hàng chịu thuế TTĐB từ cơ sở sản xuất (A) => A là đối tượng phải nộp thuế TTĐB, theo giá bán của A cho B
Giao dịch 2: A mua từ B => Cơ sở mua hàng chịu thuế TTĐB từ công ty thương mại (B) để bán lại => Không phát sinh thuế TTĐB nữa. Do đã chịu 1 lần ở khâu sản xuất rồi.
Bạn để ý điều 4 – Tt195/2015: “Người nộp thuế TTĐB là tổ chức, cá nhân có sản xuất, nhập khẩu hàng hóa và kinh doanh dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB” => chỉ kinh doanh hàng hoá trong nước thì không phải nộp thuế TTĐB, trừ trường hợp cơ sở xuất khẩu mua hàng của cơ sở sản xuất để xuất khẩu, nhưng sau đó không xuất khẩu mà tiêu thụ nội địa thì cơ sở này sẽ phải nộp thuế TTĐB cho số hàng tiêu thụ nội địa, do số hàng này chưa được nộp thuế TTĐB ở khâu sản xuất bán ra