Chủ đề “Bài tập tính giá thành sản phẩm” – Phần 2: “Cách tính giá thành theo phương pháp phân bước – Kết chuyển tuần tự”
Đây là dạng bài đã xuất hiện trong đề thi CPA Môn kế toán năm 2019 vừa rồi. Cả đề chẵn và lẻ luôn. Chúng ta hãy cùng đi tìm hiểu bản chất của phương pháp tính giá thành phân bước. Sau đó là đi xem tình huống cụ thể trong đề thi nhé.
Phần 1. Cách tính giá thành theo phương pháp phân bước là gì?
Cái tên đã nói lên tất cả. “Phân bước” ở đây có thể hiểu là “Giai đoạn” nha. Như vậy tính giá thành theo phương pháp phân bước chính là tính giá thành theo phương pháp chia giai đoạn.
Chưa biết cách làm như nào nhưng chắc chúng ta cũng sẽ đoán được việc tính giá thành sẽ liên quan đến nhiều giai đoạn rồi đúng không?
Như vậy:
Phương pháp này sẽ áp dụng cho Doanh nghiệp có quy trình công nghệ sản xuất phức tạp; có nhiều giai đoạn chế biến kế tiếp nhau liên tục; Bán thành phẩm đã hoàn thành ở giai đoạn trước lại được tiếp tục chế biến ở bước sau.
Đợi đã. Bán thành phẩm là gì nhỉ?
Bán thành phẩm hiểu đơn giản là các sản phẩm tạo ra từ 1 giai đoạn sản xuất. Có thể bán luôn hoặc lại tiếp tục đưa vào 1 giai đoạn sản xuất khác để tạo thành sản phẩm hoàn thiện.
Chính vì nhiều giai đoạn và phát sinh khái niệm “Bán thành phẩm” nên đặt ra câu hỏi là: Chúng ta có cần tính giá các bán thành phẩm này không? Hay chỉ cần tính giá thành phẩm cuối cùng của quá trình sản xuất thôi?
Câu trả lời là tuỳ cách tính giá thành mà chúng ta lựa chọn nhé. Vì có những 2 cách tính giá thành theo phương pháp phân bước cơ.
- Cách tính giá thành theo phương pháp phân bước có tính giá thành Bán thành phẩm được gọi là: Phương pháp kết chuyển tuần tự
- Cách tính giá thành theo phương pháp phân bước không tính giá thành Bán thành phẩm được gọi là: Phương pháp kết chuyển song song.
Phần 2. Nguyên lý của cách tính giá thành theo phương pháp kết chuyển tuần tự
“Tuần tự” nghĩa là hết giai đoạn này rồi mới sang giai đoạn khác. Thực hiện lần lượt đó. Chính vì vậy nên khi tính giá thành theo phương pháp này, chúng ta sẽ cần:
(1) Tính giá thành cho “sản phẩm” của từng giai đoạn. Và “sản phẩm” của các giai đoạn ở giữa này chính là “bán thành phẩm”.
(2) Bán thành phẩm của giai đoạn 1 khi chuyển sang giai đoạn 2: bản chất chính là “nguyên vật liệu” cho giai đoạn 2. Giai đoạn 2 sẽ phát sinh thêm chi phí chế biến để hoàn thành sản phẩm này. Tuy nhiên, để phục vụ cho việc quản lý chi phí, khi chuyển bán thành phẩm từ giai đoạn 1 sang giai đoạn 2, ta sẽ chuyển theo từng khoản mục chi phí chi tiết.
(3) 1 sản phẩm của Giai đoạn 2 (ở đầu kỳ, trong kỳ hay cuối kỳ) đều sẽ gồm 2 bộ phận chi phí:
- Chi phí do giai đoạn 1 chuyển sang
- Chi phí chế biến do giai đoạn 2 phát sinh thêm
Do đó, khi đề bài nói sản phẩm dở dang cuối kỳ giai đoạn 2 có mức độ chế biến là 60% thì nghĩa là: sản phẩm đó có mức độ chế biến phát sinh thêm ở giai đoạn 2 dở dang 60%. Còn các khoản mục chi phí ở giai đoạn 1 chuyển sang thì đã hoàn thành 100% rồi nhé.
(4) Giá thành sản phẩm cuối cùng: ZTP = DDDKn + Zn-1 chuyển sang + PSTKn – DDCKn
Phần 3. Bài tập tính giá thành sản phẩm theo Phương pháp kết chuyển tuần tự
Thông thường thì đề bài sẽ đưa ra dữ kiện về sản phẩm (sản xuất 1 – 2 sản phẩm, qua 1 – 2 công đoạn liên tục). Sau đó chỉ rõ phương pháp tính giá chúng ta phải áp dụng. Cho nên, việc đầu tiên chúng ta cần làm là đọc câu hỏi để xác định phương pháp tính giá thành đề bài yêu cầu. Nếu đề bài yêu cầu tính giá thành bán thành phẩm thì là áp dụng phương pháp kết chuyển tuần tự. Còn nếu không tính giá thành bán thành phẩm thì là phương pháp kết chuyển song song.
Về cơ bản thì để giải quyết bài tập này chúng ta cũng áp dụng theo Quy trình tính giá thành. Tuy nhiên để tiện cho việc trình bày thì chúng ta bố cục bài làm thành 2 bước lớn. Tương ứng với việc tính giá thành cho từng công đoạn. Tại mỗi công đoạn thì bao gồm các ý nhỏ:
- Tập hợp chi phí (nếu cần)
- Xác định sản phẩm dở dang đầu kỳ, cuối kỳ (số lượng & chi phí)
- Lập bảng tính giá thành sản phẩm cho giai đoạn
Các bước này sẽ được lặp đi lặp lại cho từng giai đoạn. Nghe thì có vẻ dễ. Nhưng cái phiền nhất ở đây là khi chúng ta xác định số lượng sản phẩm dở dang và chi phí dở dang cuối kỳ cho giai đoạn 2 trở đi.
Bởi vì từ giai đoạn 2: Về mặt xác định chi phí phát sinh: chúng ta sẽ phải tách biệt đâu là chi phí chuyển sang từ giai đoạn trước đó, đâu là chi phí phát sinh tại chính giai đoạn này. Sự tách biệt thể hiện ở chi phí đầu kỳ, trong kỳ và cuối kỳ.
Như vậy, việc tính chi phí dở dang cuối kỳ ở giai đoạn này, thực chất là phải thực hiện việc tính toán riêng biệt cho từng chi phí ở giai đoạn trước chuyển sang với chi phí phát sinh giai đoạn này.
Để hiểu cụ thể về cách làm, chúng ta xem ví dụ là Đề thi CPA Môn Kế toán Năm 2019 – Đề chẵn
Trường hợp có sản phẩm hỏng… thì chúng ta cần bao gồm phần tính giá trị sản phẩm hỏng… cho từng giai đoạn nhé.
Bước 1: Tính giá thành sản phẩm PX1
(1) Tập hợp chi phí
Không phát sinh sản phẩm hỏng hay chi phí NVL vượt định mức/chi phí hoạt động dưới công suất
(2) Không có sản phẩm và chi phí dở dang đầu kỳ
(3) Xác định Sản phẩm dở dang cuối kỳ
Số lượng sản phẩm dở dang cuối kỳ: xác định theo Khối lượng sản phẩm tương đương theo Phương pháp bình quân. Vì đề bài không nêu cụ thể cách xác định sản phẩm dở dang cuối kỳ nhưng không cho thông tin % mức độ hoàn thành của sản phẩm dở dang đầu kỳ.
- Khối lượng sản phẩm tương đương cuối kỳ (NVLTT): 200 *70% = 140
- Khối lượng sản phẩm tương đương cuối kỳ (NCTT): 200*50% = 100
- Khối lượng sản phẩm tương đương cuối kỳ (SXC): 200*50% = 100
Chi phí sản phẩm dở dang cuối kỳ: Theo % Mức độ hoàn thành
CPNVLTT dở dang cuối kỳ = (CPNVL đầu kỳ + CPNVL trong kỳ) * Khối lượng sản phẩm tương đương cuối kỳ NVLTT/ (Số lượng sản phẩm hoàn thành trong kỳ + Khối lượng sản phẩm tương đương cuối kỳ NVLTT)
=> CPNVLTT dở dang cuối kỳ = 64.200 * 140/(2.000 + 140) = 4.200
CPNCTT dở dang cuối kỳ = (CPNCTT đầu kỳ + CPNCTT trong kỳ) * Khối lượng sản phẩm tương đương cuối kỳ NCTT/ (Số lượng sản phẩm hoàn thành trong kỳ + Khối lượng sản phẩm tương đương cuối kỳ NCTT)
=> CPNCTT dở dang cuối kỳ = 21.000 * 100/ (2.000 + 100) = 1.000
CPSXC dở dang cuối kỳ = (CPSXC đầu kỳ + CPSXC trong kỳ) * Khối lượng sản phẩm tương đương cuối kỳ SXC/ (Số lượng sản phẩm hoàn thành trong kỳ + Khối lượng sản phẩm tương đương cuối kỳ SXC)
=> CPSXC dở dang cuối kỳ = 33.600 * 100/ (2.000 + 100) = 1.600
(4) Lập bảng tính giá thành Phân xưởng 1
Chỉ tiêu | CPDDDK | CPSXTK | CPDDCK | Tổng giá thành | Gía thành đơn vị |
Chi phí NVLTT | – | 64.200 | 4.200 | 60.000 | 30 |
Chi phí NCTT | – | 21.000 | 1.000 | 20.000 | 10 |
Chi phí SXC | – | 33.600 | 1.600 | 32.000 | 16 |
Tổng cộng | – | 118.800 | 6.800 | 112.000 | 56 |
Bước 2. Tính giá thành sản phẩm phân xưởng 2
(1) Tập hợp chi phí
Không phát sinh sản phẩm hỏng hay chi phí NVL vượt định mức/chi phí hoạt động dưới công suất
(2) Không có sản phẩm và chi phí dở dang đầu kỳ
(3) Xác định Sản phẩm dở dang cuối kỳ
Số lượng sản phẩm dở dang cuối kỳ
Sản phẩm dở dang cuối kỳ ở PX2 sẽ được xem xét riêng cho từng phân xưởng:
Loại chi phí | PX1 | PX2 |
Chi phí NVLTT | 100 * 100% = 100 | 100 * 100% = 100 |
Chi phí NCTT | 100 * 100% = 100 | 100 * 60% = 60 |
Chi phí SXC | 100 * 100% = 100 | 100 * 60% = 60 |
Lưu ý: Như phần 2 mình đã đề cập, sản phẩm chuyển từ PX1 sang PX2 sẽ có mức độ hoàn thành là 100%
Chi phí sản phẩm dở dang cuối kỳ: Theo % Mức độ hoàn thành
Chúng ta làm công thức tính toán tương tự như ở phân xưởng 1. Tuy nhiên công thức tính toán áp dụng riêng cho giá trị sản phẩm từ GĐ1 chuyển sang và giá trị sản phẩm tạo ra trong GĐ2.
Loại chi phí | PX1 | PX2 | Tổng |
Chi phí NVLTT | 30 * 1.400 * 100 / (600 + 100) = 6.000 | 14.000 * 100 / (600 + 100)= 2.000 | 8.000 |
Chi phí NCTT | 10 * 1.400 * 100 / (600 + 100) = 2.000 | 7.920 * 60 / (600 + 60) = 720 | 2.720 |
Chi phí SXC | 16 * 1.400 * 100 / (600 + 100) = 3.200 | 19.800 * 60 / (600 + 60) = 1.800 | 5.000 |
Tổng | 11.200 | 4.520 | 15.720 |
(4) Lập bảng tính giá thành Phân xưởng 2
Giá thành sản phẩm cuối cùng: ZTP = DDDKn + Zn-1 chuyển sang + Zn – DDCKn
Chỉ tiêu | CPDDDK | Chi phí trong kỳ | CPDDCK | Tổng giá thành | Z đơn vị | ||||||
PX1 | PX2 | Tổng | PX1 | PX2 | Tổng | PX1 | PX2 | Tổng | |||
Chi phí NVLTT | 1.400 * 30 = 42.000 | 14.000 | 56.000 | 6,000 | 2,000 | 8,000 | 48,000 | 80 | |||
Chi phí NCTT | 1.400 * 10 = 14.000 | 7.920 | 21.920 | 2,000 | 720 | 2,720 | 19,200 | 32 | |||
Chi phí SXC | 1.400 * 16 = 22.400 | 19.800 | 42.200 | 3,200 | 1,800 | 5,000 | 37,200 | 62 | |||
Tổng cộng | – | – | – | 78.400 | 41.720 | 120.120 | 11,200 | 4,520 | 15,720 | 104,400 | 174 |
Như vậy là xong thôi.
Theo mình thì bài này tính toán cũng không quá phức tạp. Hay sai nhất là ở bước xác định sản phẩm dở dang cuối kỳ ở PX2 thôi. Các bạn lưu ý nhé.
Cách tính giá thành theo phương pháp phân bước không tính giá thành bán thành phẩm, hay còn gọi là phương pháp kết chuyển song song được mình tách ra thành 1 bài viết riêng biệt. Các bạn tham khảo nhé.
ad cho em hỏi chút ạ, trong thực tế làm sao để biết được tỷ lệ % hoàn thành của từng khoản mục 621, 622, 627 ạ. Ví dụ, qui trình sản xuất của DN em có 4 giai đoạn, làm sao để xác định được tỷ lệ % hoàn thành của từng giai đoạn (theo từng khoản mục chi phí) trước khi ra thành phẩm ạ? TKs ad ạ!
Hi Linh, theo kinh nghiệm làm việc của chị thì việc xác định tỷ lệ % hoàn thành của từng sản phẩm/giai đoạn phải dựa vào “đặc trưng quy trình sản xuất” của sản phẩm như thế nào, chứ không có công thức chung. Chính vì vậy nên khi các công ty tư vấn đi xây dựng quy trình tính giá thành cho khách hàng, sẽ cần phải đi nghiên cứu rất kỹ quy trình sản xuất, đặc tính sản phẩm…
Bởi vì việc xác định tỷ lệ % hoàn thành chính là việc xác định 1 sản phẩm hoàn thành là 10 điểm, thì tình trạng sản phẩm đó là được mấy điểm rồi? Mà để làm được điều này thì cần có sự “định lượng” đối với quy trình sản xuất của 1 sản phẩm.
Ví dụ, 1 công ty sản xuất linh kiện kim loại, nó phải qua công đoạn là ép, dập, uốn, cắt. Như vậy, để xây dựng quy trình tính giá thành thì tại từng công đoạn phải xác định: những chi phí nào phát sinh? đầu ra của công đoạn là gì? Kiểm đếm như nào? Sản phẩm dở dang của công đoạn đó là gì? Để hoàn thành thì cần phải thêm những thao tác nào? Chi phí phát sinh thêm là gì?
Ad ơi, nếu thể giải theo phương pháp fifo thì đáp số có giống ad không vậy?
Không bạn nhé!
Hi add,
Cho mình hỏi chút là đề bài không có đề cập tới mức độ hoàn thành của sản phẩm dở dang cuối kỳ đối với chi phí SXC, thì tại sao ở đây mình lại biết là 50%?
Mình cảm ơn!
Hi bạn, đề bài đề cập là chi phí chế biến 50% đó bạn. “Chi phí chế biến” trong hoàn cảnh này được hiểu là chi phí nhân công + SXC bạn ah. Mình thì hay gặp thuật ngữ “Chi phí gia công” sản phẩm hơn.
úp bài giải mà ko up để
ad cho em hỏi với ạ, nếu trường hợp CP NVL thêm dần trong từng giai đoạn thì như nào ạ. Ví dụ bỏ 60% trong giai đoạn 1 còn lại ở giai đoạn 2 ạ. Em cảm ơn