Skip to content

[ACCA F6 Taxation] Tính thuế TNCN người Việt Nam – Phần 2

Tiếp tục dạng bài tính thuế thu nhập cá nhân cho người Việt Nam, trong bài này Ad sẽ đi giải thích cách tính thuế thu nhập cá nhân cho các nguồn thu nhập còn lại: Bao gồm 3 phần:

  • Cách tính thuế Thu nhập cá nhân khi bán nhà đất (chuyển nhượng Bất động sản)
  • Cách tính thuế TNCN khi cho thuê nhà (cho thuê tài sản)
  • Cách tính thuế TNCN từ quà tặng/trúng thưởng/nhượng quyền/bản quyền/thừa kế

Có thể bạn quan tâm: Dạng bài tập tính thuế TNCN từ tiền lương, tiền công – Chuyển nhượng vốn – Đầu tư vốn

Phần 1. Cách tính thuế Thu nhập cá nhân khi bán nhà đất

1. Kiến thức cần biết về cách tính thuế Thu nhập cá nhân khi bán nhà đất

(1) Thu nhập được miễn thuế TNCN

  • Thu nhập từ nhận thừa kế, quà tặng là bất động sản hoặc chuyển nhượng bất động sản giữa: vợ với chồng; cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng, mẹ chồng với con dâu; bố vợ, mẹ vợ với con rể; ông nội, bà nội với cháu nội; ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại; anh chị em ruột với nhau. Trường hợp bất động sản do vợ hoặc chồng tạo lập trong thời kỳ hôn nhân được xác định là tài sản chung của vợ chồng, khi ly hôn được phân chia theo thỏa thuận hoặc do tòa án phán quyết thì việc phân chia tài sản này thuộc diện được miễn thuế.
  • Thu nhập từ chuyển nhượng nhà ở, quyền sử dụng đất ở và tài sản gắn liền với đất ở của cá nhân khi người chuyển nhượng chỉ có duy nhất một nhà ở, quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam.
  • Thu nhập từ giá trị quyền sử dụng đất của cá nhân được Nhà nước giao đất không phải trả tiền hoặc được giảm tiền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

(2) Thời điểm tính thuế Thu nhập cá nhân khi bán nhà đất

Thuế thu nhập cá nhân khi bán nhà đất được kê khai và nôp theo từng lần phát sinh chuyển nhượng. Cụ thể:

  • Trường hợp hợp đồng chuyển nhượng không có thỏa thuận bên mua là người nộp thuế thay cho bên bán:thời điểm tính thuế là thời điểm hợp đồng chuyển nhượng có hiệu lực theo quy định của pháp luật;
  • Trường hợp hợp đồng chuyển nhượng có thỏa thuận bên mua là người nộp thuế thay cho bên bán: thời điểm tính thuế là thời điểm làm thủ tục đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng bất động sản.
  • Trường hợp cá nhân nhận chuyển nhượng nhà ở hình thành trong tương lai, quyền sử dụng đất gắn với công trình xây dựng tương lai là thời điểm cá nhân nộp hồ sơ khai thuế với cơ quan thuế

(3) Công thức tính thuế Thu nhập cá nhân khi bán nhà đất

Giá chuyển nhượng từng lần * Thuế suất 2%

Cách xác định giá chuyển nhượng: giá ghi trên hợp đồng chuyển nhượng hoặc giá xác định theo bảng giá đất do nhà nước quy định tại thời điểm chuyển nhượng.

Lưu ý: Trường hợp chuyển nhượng bất động sản là đồng sở hữu thì nghĩa vụ thuế được xác định riêng theo tỷ lệ sở hữu bất động sản. Trường hợp không có tài liệu hợp pháp quy định về tỷ lệ sở hữu thì nghĩa vụ thuế được xác định theo tỷ lệ bình quân.

2. Ví dụ minh hoạ về cách tính thuế Thu nhập cá nhân khi bán nhà đất

Tình huống 1

2 anh em ruột M & H được thừa kế 1 mảnh đất 500 M2 trong thành phố sau khi bố mẹ mất. Theo đó, họ phải tự thanh toán nghĩa vụ thuế TNCN phát sinh từ việc thừa kế này. Không có thông tin rõ ràng về tỷ lệ sở hữu trong di chúc hay giấy tờ khác. Đầu năm 2016, họ quyết định bán mảnh đất cho 1 người mua cá nhân vào 1.3.2016. Giá thoả thuận theo hợp đồng là 200 triệu /M2. Đây cũng là giá thị trường tại thời điểm chuyển nhượng. Bên bán có nghĩa vụ phải kê khai và nộp thuế. Hợp đồng có hiệu lực vào 15.Mar.2016. Mr. M đăng ký thay đổi quyền sở hữu vào 30.3.2016. Bên mua thanh toán xong vào 1.4.2016.

Yêu cầu:

  • Xác định thời điểm tính thuế cho thu nhập từ bán đất của M & H.
  • Cơ sở phân bổ thu nhập chịu thuế cho M&H
  • Tính nghĩa vụ PIT phát sinh phải nộp của M

Đáp án

(1) Theo quy định tại Điều 17, Thông tư 92/2015: Khi hợp đồng không chỉ rõ rằng người mua có nghĩa vụ kê khai và nộp thuế, ngày tính thuế sẽ là ngày hợp đồng chuyển nhượng bất động sản có hiệu lực. Do đó, trong trường hợp này, ngày tính thuế là 15.3.2016.

(2) Theo quy định tại Điều 17, Thông tư 92/2015: Vì không có văn bản quy định về tỷ lệ sở hữu mảnh đất, thu nhập chịu thuế thu được từ chuyển nhượng mảnh đất sẽ được chia bình quân đều cho 2 người. Trong trường hợp này, thu nhập chịu thuế được chia đều theo tỷ lệ 50:50 cho M & H.

(3) Giá chuyển nhượng 1 người thu được: 200 triệu * 500 M2 * 50% = 50 tỷ

Thuế thu nhập cá nhân mỗi người phải nộp: 50 tỷ *2% = 1 tỷ

Tình huống 2 (June/18)

Mr. P có 1 con trai 15 tuổi là V. Từ 1.2019, V học ở Úc. Để trang trải tiền học cho V, P đã bán 1 căn hộ với giá 5.2 tỷ trong năm 2018. V đã mua căn hộ này từ năm 2015 với giá là 4 tỷ với mục đích đầu tư. Theo hợp đồng, nghĩa vụ PIT sẽ do P chịu nhưng người mua sẽ phải kê khai & nộp thuế cho nhà nước. Hợp đồng có hiệu lực từ 1.11.2018. Tuy nhiên thủ tục đăng ký sang tên chỉ được người mua hoàn thành vào 20.12.2018. Đây là thời điểm người mua đã thanh toán đầy đủ tiền mua căn hộ.

Yêu cầu: Giải thích khi nào Mr. P sẽ phải chịu thuế từ viêc bán căn hộ và tính nghĩa vụ thuế TNCN của Mr. P phát sinh từ giao dịch bán căn hộ trong năm 2018?

Đáp án:

(1) Theo quy định tại Điều 17, Thông tư 92/2015: Trường hợp hợp đồng chuyển nhượng có thỏa thuận bên mua là người nộp thuế thay cho bên bán: thời điểm tính thuế là thời điểm làm thủ tục đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng bất động sản.. Do đó, trong trường hợp này, ngày tính thuế là 20.12.2018.

(2) Giá chuyển nhượng 1 người thu được: 5.2 tỷ

Thuế thu nhập cá nhân mỗi người phải nộp: 5.2 tỷ *2% = 104 triệu

Phần 2. Cách tính thuế thu nhập cá nhân cho thuê tài sản

1. Kiến thức cần biết về tính thuế Thu nhập cá nhân cho thuê tài sản

(1) Đối tượng chịu thuế

Cá nhân có doanh thu cho thuê tài sản trên 100 triệu đồng/năm.

Cá nhân cho thuê tài sản là cá nhân có phát sinh doanh thu từ cho thuê tài sản. Bao gồm: cho thuê nhà, mặt bằng, cửa hàng, nhà xưởng, kho bãi không bao gồm dịch vụ lưu trú; cho thuê phương tiện vận tải, máy móc thiết bị không kèm theo người điều khiển; cho thuê tài sản khác không kèm theo dịch vụ.

Căn cứ xác định doanh thu để phải chịu thuế là tổng doanh thu phát sinh trong năm dương lịch của các hợp đồng cho thuê tài sản. Trường hợp người đi thuê trả tiền thuê tài sản trước cho nhiều năm thì căn cứ xác định doanh thu là doanh thu trả tiền một lần được phân bổ theo năm dương lịch.

Trường hợp cá nhân đồng sở hữu tài sản cho thuê thì mức doanh thu trên 100 triệu đồng/năm để xác định cá nhân phải nộp thuế TNCN & thuế GTGT được xác định cho 01 người đại diện duy nhất trong năm tính thuế.

(2) Thời điểm tính thuế

Thời điểm xác định doanh thu tính thuế là thời điểm bắt đầu của từng kỳ hạn thanh toán trên hợp đồng thuê tài sản.

(3) Công thức tính thuế:

Số thuế GTGT phải nộp = Doanh thu tính thuế GTGT * 5%

Số thuế TNCN phải nộp = Doanh thu tính thuế TNCN * 5%

Trong đó:

Doanh thu tính thuế GTGT: là doanh thu bao gồm thuế (trường hợp thuộc diện chịu thuế) của số tiền bên thuê trả từng kỳ theo hợp đồng thuê và các khoản thu khác. Không bao gồm khoản tiền phạt, bồi thường mà bên cho thuê nhận được theo thỏa thuận.

Doanh thu tính thuế TNCT: là doanh thu bao gồm thuế của số tiền bên thuê trả từng kỳ theo hợp đồng thuê và các khoản thu khác. Bao gồm: tiền phạt, bồi thường mà bên cho thuê nhận được theo thỏa thuận.

Trường hợp bên thuê trả tiền thuê tài sản trước cho nhiều năm: Doanh thu tính thuế GTGT và thuế TNCN xác định theo doanh thu trả tiền một lần.

2. Ví dụ minh hoạ về tính thuế Thu nhập cá nhân khi cho thuê tài sản

Tình huống 3

Bà C ký hợp đồng cho thuê nhà trong 02 năm – tính theo 12 tháng liên tục – với thời gian cho thuê là từ tháng 10 năm 2015 đến hết tháng 9 năm 2017, tiền thuê là 10 triệu đồng/tháng và được trả 1 lần. Như vậy, doanh thu tính thuế và thuế phải nộp đối với doanh thu trả tiền một lần từ hoạt động cho thuê nhà của Bà C xác định như sau:

  • Năm 2015, Bà C cho thuê nhà 03 tháng (từ tháng 10 đến hết tháng 12) với doanh thu cho thuê là: 03 tháng x 10 triệu đồng = 30 triệu đồng (< 100 triệu đồng). Như vậy, năm 2015 Bà C không phải thuế thu nhập cá nhân đối với hoạt động cho thuê nhà.
  • Năm 2016, Bà C cho thuê nhà 12 tháng (từ tháng 01 đến hết tháng 12), với doanh thu cho thuê là: 12 tháng x 10 triệu đồng = 120 triệu đồng (> 100 triệu đồng). Như vậy, năm 2016 Bà C phải nộp thuế thu nhập cá nhân đối với hoạt động cho thuê nhà.
  • Năm 2017, Bà C cho thuê nhà 09 tháng (từ tháng 01 đến hết tháng 9), với doanh thu từ hoạt động cho thuê là: 09 tháng x 10 triệu đồng = 90 triệu đồng (< 100 triệu đồng). Như vậy, năm 2017 Bà C không phải nộp thuế thu nhập cá nhân đối với hoạt động cho thuê nhà.
  • Sau khi xác định doanh thu tính thuế của từng năm thì Bà C thực hiện khai thuế một lần với doanh thu trả tiền một lần là 120. Và số thuế TNCN phải nộp một lần cho cả hợp đồng là 6 triệu đồng (120 triệu đồng x 5%).

Phần 3. Cách tính thuế thu nhập cá nhân từ quà tặng, thừa kế, trúng thưởng, nhượng quyền, bản quyền

(1) Thời điểm tính thuế

  • Thời điểm xác định thu nhập tính thuế từ bản quyền: thời điểm trả tiền bản quyền
  • Thời điểm xác định thu nhập tính thuế từ nhượng quyền thương mại: thời điểm thanh toán tiền nhượng quyền thương mại.
  • Thời điểm xác định thu nhập tính thuế đối với thu nhập từ trúng thưởng: thời điểm tổ chức, cá nhân trả thưởng cho người trúng thưởng.
  • Thời điểm xác định thu nhập tính thuế từ thừa kế, quà tặng: thời điểm cá nhân làm thủ tục đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản thừa kế, quà tặng.

(2) Công thức tính chung:

Thu nhập từ bản quyền & nhượng quyền thương mại:

Thuế TNCN phải nộp = Thu nhập tính thuế * 5% = (Thu nhập chịu thuế – 10 triệu) * 5%

Trong đó:

Thu nhập tính thuế từ tiền bản quyền/nhượng quyền là phần thu nhập vượt trên 10 triệu đồng theo hợp đồng bản quyền/chuyển nhượng. Không phụ thuộc vào số lần thanh toán hoặc số lần nhận tiền mà người nộp thuế nhận được.

Như vậy: Thuế TNCN phải nộp = (Thu nhập chịu thuế – 10 triệu) * 5%

Thu nhập từ trúng thưởng & thừa kế, quà tặng:

Thuế TNCN phải nộp = Thu nhập tính thuế * 10%

Trong đó: Thu nhập tính thuế là phần giá trị vượt trên 10 triệu đồng mỗi lần nhận. Như vậy: Thuế TNCN phải nộp = (Thu nhập chịu thuế – 10 triệu) * 10%

Tình huống 4

Mr. S viết 1 cuốn sách dựa trên kinh nghiệm của ông về các chuyến du lịch. Và Mr. S đã ký hợp đồng với 1 nhà xuất bản tại Việt Nam để phát hành cuốn sách. Theo đó, tổng mức phí bản quyền ông được hưởng là 1 tỷ. Vào 31.12.2018 ông đã nhận được 50% số tiền này. 50% số tiền còn lại ông nhận 1 tháng sau đó.

Yêu cầu: Tính thuế TNCN từ tiền bản quyền phát sinh từ giao dịch này.

Đáp án

Theo quy định tại Điều 13 – Thông tư 111/2013:

  • Thu nhập từ tiền bản quyền sẽ là đối tượng chịu thuế TNCN
  • Thuế TNCN phải nộp = Thu nhập tính thuế * 5%. Trong đó: Thu nhập tính thuế là phần thu nhập bản quyền từ trên 10 triệu tính theo hợp đồng chuyển nhượng. Không phụ thuộc vào số lần thanh toán hoặc số lần nhận tiền mà người nộp thuế nhận được.
  • Thời điểm xác định thu nhập tính thuế từ bản quyền là thời điểm trả tiền bản quyền.

Theo đó:

Mr. Sơn nhận tổng là 1 tỷ thu nhập từ bản quyền. Tổng thu nhập tính thuế TNCN sẽ là: 1 tỷ – 10 triệu = 990 triệu

Tuy nhiên, Mr. Sơn lại nhận tiền thành 2 lần. 0.5 tỷ tiền bản quyền trong năm 2018 và 0.5 tỷ trong năm 2019.

Như vậy, tại mỗi thời điểm nhận số thu nhập này, nghĩa vụ thuế TNCN phát sinh sẽ là:

  • Năm 2018: Thu nhập tính thuế = 0.5 tỷ – 10 triệu = 0.49 tỷ. Thuế TNCN = 0.49 tỷ * 5% = 24.5 triệu
  • Năm 2019: Thu nhập tính thuế = 0.5 tỷ. Thuế TNCN = 0.5 tỷ * 5% = 25 triệu

Vậy là tạm xong cho chủ đề Thuế Thu nhập cá nhân. Trong bài tiếp theo mình sẽ giải thích về chủ đề “Thuế Giá trị gia tăng”. Các bạn theo dõi nhé!

XEM VIDEO 7
Published inF6 Taxation

14 Comments

  1. Linh Linh

    chủ đề tới chị chuyển sang thuế thu nhập doanh nghiệp dc ko ạ?

    • Admin Admin

      Hi em, em đang học đến CIT ah hay là e thấy CIT có nhiều điểm khó? Để chị trao đổi lại với mọi người trong team đã nhé. Vì chuẩn bị tài liệu cũng mất khá nhiều thời gian. Giờ chuyển không bit có kịp không. 😀

      • Linh Linh

        à vâng chị, em đang học đến CIT ạ, khi xem bài giảng của chị thì em thấy mình thế thống hóa cũng như nắm chắc được kiến thức hơn ạ!. Nhưng nếu chị chuẩn bị phần khác rồi thì cứ tiếp tục làm cho đỡ mất thời gian chị ạ!

      • Linh Linh

        à vâng chị, em đang học đến CIT ạ, em thấy bài giảng của chị giúp em hệ thống hóa và nắm chắc kiến thức hơn ạ. Nhưng mà chị cứ làm tiếp những bài giảng đang chuẩn bị đi ạ!

  2. Phuong Phuong

    Anh chị ơi khi nào thì có bài giảng cho CIT ạ

    • Admin Admin

      Tuần cuối tháng 4 hoặc tuần đầu tháng 5 em nhé. 🙂

  3. Helen Dinh Helen Dinh

    Em rất thích nghe chị giảng, mặc dù học ở trung tâm xong về khi nghe lại bài của chị em mới thực sự hiểu bản chất.
    Cảm ơn chị và mong chị đồng hành cùng tụi em nhé <3
    From: HCM, VN

    • Admin Admin

      Hi em, cảm ơn em đã ủng hộ & động viên tinh thần chị và mọi người trong nhóm. Chúc em ôn thi hiệu quả & đạt kết quả như kỳ vọng. 🙂

  4. Vũ Thị Thu Huyền Vũ Thị Thu Huyền

    Em cảm ơn chị ạ, video dễ hiểu lắm ạ. 🙂

    • Admin Admin

      Cảm ơn em đã ủng hộ. 🙂

  5. Nhi Nhi

    Chị ơi . Chị cho em hỏi phần PIT của ông Hùng ở đề tháng 12/2014 . Vì sao chỗ monthly housing allowance giai đoạn 1/1-30/6 mình ko ghi nhận là tròn 15 tr , mà phải chia 6 và nhân lại 3 tháng ạ ( 7tr rưỡi). Em hiểu là 3 tháng của giai đoạn từ đầu tháng 4- 30/6 . Nhưng mà cái này là monthly , và công ty chỉ bắt đầu thuê từ 1/4 . Nên em ko hiểu vì sao nó liên quan đến giai đoạn 3 tháng đầu ở ngoài Hà Nội .
    Và nếu mình lấy tháng như vậy thì sao mình ko làm tương tự với gym ? ( Vì em thấy gym lấy tròn tháng ) . Em cảm ơn chị

    • Admin Admin

      Nhi ơi chị không có đề 2014 để xem cho em. Mà chị cũng k khuyến khích dùng đề cũ đến mức đó. Vì khi đó quy định thay đổi, cập nhật nhiều nên mất công ngồi dò lại quy định đã không còn hiệu lực ở hiện tại nữa.

  6. Linh Linh

    Bài tập tình huống 3, bà C phải kê khai đóng thuế 1 lần cho toàn bộ hợp đồng thuê nhà tại thời điểm nào ạ?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *