Bài viết 5 của Series Đề thi CPA môn Kiểm toán: Chủ đề “Sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc năm tài chính”
Dạng bài sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc năm tài chính khá phổ biến trong Đề thi kiểm toán. Đề bài thường đưa ra tình huống về một sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc năm tài chính. Và hỏi về trách nhiệm của KTV, thủ tục kiểm toán cần thực hiện đối với từng trường hợp:
- Sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc năm tài chính nhưng trước khi phát hành Báo cáo kiểm toán (BCKT)
- Sự kiện phát sinh sau ngày phát hành BCKT nhưng trước khi công bố Báo cáo tài chính (BCTC)
- Sự kiện phát sinh sau ngày công bố BCTC
Có thể bạn muốn đọc: Tổng hợp các dạng bài tập đề thi CPA môn kiểm toán
Phần 1. 2 bước xử lý dạng bài tập về Sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc năm tài chính
Để xử lý dạng bài này, chúng ta cần làm 2 bước:
(1) Xác định bản chất của sự kiện là Sự kiện cần điều chỉnh hay Sự kiện không cần điều chỉnh. Từ đó xác định phương pháp xử lý kế toán phù hợp với quy định. Và xác định rủi ro có thể xảy ra sai sót trọng yếu
(2) Xác định trách nhiệm của KTV và thủ tục kiểm toán cần thực hiện đối với từng trường hợp
Bước 1. Xử lý kế toán đối với các sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc năm tài chính
Theo mình thì bước 1 này còn khó hơn bước 2. Vì rất dễ nhầm lẫn khi xác định sự kiện là Điều chỉnh hay Không cần điều chỉnh.
Mình liệt kê một số sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc năm tài chính thường gặp để các bạn tránh nhầm lẫn:
Sự kiện cần điều chỉnh | Sự kiện không cần điều chỉnh |
1. Phán quyết của tòa về các vụ kiện tụng, tranh chấp xác nhận nghĩa vụ của công ty tại thời điểm cuối năm | 1. Hỏa hoạn, thiên tai hủy hoại nhà kho, nhà xưởng, tài sản và hàng tồn kho (*) |
2. Hàng tồn kho được bán sau ngày kết thúc năm tài chính cung cấp thông tin về NRV | 2. Tham gia những cam kết, thỏa thuận quan trọng hoặc những khoản nợ tiềm tàng |
3. Khách hàng bị phá sản nên không thể thu hồi khoản phải thu | 3. Sát nhập, mua bán công ty hay tái cấu trúc; Mua sắm hoặc thanh lý tài sản có giá trị lớn; |
4. Nghĩa vụ bảo hành từ sản phẩm bị lỗi đã bán trong năm | 4. Xuất hiện những vụ kiện tụng lớn |
5. Phát hiện những gian lận và sai sót chỉ ra rằng báo cáo tài chính không được chính xác. | 5. Thay đổi về thuế có ảnh hưởng quan trọng đến tài sản, nợ thuế hiện hành hoặc thuế hoãn lại |
(*) Với sự kiện kiểu hoả hoạn này, theo chuẩn mực kế toán thì hiểu là sự kiện không điều chỉnh. Vì nó không cung cấp thông tin về sự kiện đã phát sinh tại thời điểm lập BCTC.Hay nói cách khác là không có dấu hiệu gì về sự kiện này tại thời điểm lập BCTC. Tuy nhiên theo quan điểm của Giảng viên môn Kiểm toán tại lớp ôn thi CPA thì sự kiện này có ảnh hưởng đến lợi ích. Do vậy sẽ cần điều chỉnh. Tuy nhiên thầy cũng có nói là chúng ta làm bài lựa chọn là điều chỉnh hay không điều chỉnh cũng sẽ đều được điểm. Miễn là giải thích được hợp lý.
Cách xử lý kế toán với 2 dạng này:
- Sự kiện cần điều chỉnh => Phải thực hiện sửa đổi, điều chỉnh BCTC trước khi phát hành
- Sự kiện không cần điều chỉnh => Không cần điều chỉnh BCTC. Nhưng nếu trọng yếu thì phải thuyết minh trên BCTC.
Rủi ro có thể phát sinh: các sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc năm tài chính chưa được phản ánh hoặc thuyết minh trên BCTC theo đúng quy định kế toán hiện hành.
Bước 2. Trách nhiệm của KTV và thủ tục kiểm toán
Tùy thuộc vào thời điểm phát sinh/phát hiện sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc năm tài chính mà KTV sẽ có trách nhiệm và phải thực hiện các thủ tục kiểm toán khác nhau. Mình đã tóm tắt trách nhiệm của KTV & thủ tục kiểm toán tương ứng cho 3 mốc thời gian cần nhớ.
Các bạn xem trong file: Sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc năm tài chính – Thủ tục kiểm toán
Phần 2. Ví dụ minh hoạ
Để hiểu rõ cách làm dạng bài này, các bạn có thể tham khảo tình huống sau:
Tình huống: Đề thi CPA môn kiểm toán – Năm 2016 – Đề Lẻ – Câu 3a
Đáp án gợi ý:
(a) Cách xử lý của Thành Sinh có phù hợp quy định kế toán không?
Cách xử lý kế toán của Thành sinh đối với 3 sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc năm tài chính là chưa phù hợp theo quy định kế toán hiện hành.
Chúng ta sẽ cần xem xét các sự kiện này có cần điều chỉnh hay không? Nếu không điều chỉnh thì có cần phải thuyết minh trên BCTC không?
Nếu sự kiện xảy ra sau khi phát hành BCTC thì cả khách hàng và KTV đều không có trách nhiệm điều chỉnh BCTC.
(1) Hỏa hoạn vào 2.2.2016 cung cấp thông tin về giá trị hàng hóa bị tổn thất. Giá trị hàng hóa thiệt hại 20 tỷ là trọng yếu.
Sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc năm tài chính và không cung cấp thông tin, bằng chứng về sự kiện đã tồn tại trong năm tài chính. Theo quy định kế toán: Đây là sự kiện không cần điều chỉnh. Tuy nhiên vì ảnh hưởng trọng yếu đến công ty. Nên sẽ cần phải được thuyết minh trên BCTC:
- Nội dung, bản chất của sự việc
- Ước tính ảnh hưởng của sự việc đến tình hình tài chính của công ty: Phải tính cả các khoản phải thu khác từ bồi thường hoặc chi phí khác.
Lưu ý:
Đây chỉ là 1 quan điểm. Còn có quan điểm thứ 2 là sự kiện có ảnh hưởng đến lợi ích thực tế cho nên cần phải điều chỉnh. Trong bài thi trình bày quan điểm nào cũng được điểm. Miễn là giải thích hợp lý.
(2) Quyết định xét xử của tòa án ngày 12.1.2016 cung cấp thông tin xác nhận nghĩa vụ nợ hiện tại của Thành Sinh vào ngày kết thúc kỳ kế toán năm. Công ty đã chấp nhận mức phạt này. Như vậy, Thành Sinh phải điều chỉnh BCTC để phản ánh sự kiện trên: ghi nhận chi phí và khoản nợ phải trả bồi thường vi phạm hợp đồng
(3) Sự kiện ngày 4.2.2016: Thành Sinh mua lại công ty khác cùng ngành. Và việc sát nhập này có thể ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của công ty.
Sự kiện phát sinh không cần điều chỉnh. Tuy nhiên, sự kiện này là trọng yếu, việc không trình bày các sự kiện này có thể ảnh hưởng đến quyết định kinh tế của người sử dụng khi dựa trên các thông tin của BCTC. Vì vậy doanh nghiệp phải thuyết minh BCTC về: nội dung, số liệu của sự kiện này và ước tính ảnh hưởng về tài chính hoặc lý do không thể ước tính được các ảnh hưởng này.
Hy vọng chia sẻ của mình đã giúp các bạn nắm được dạng bài phổ biến của đề thi kiểm toán này.
Cho em hỏi thắc mắc này với ạ
– Trong TH sự kiện phát sinh sau khi phát hành báo cáo kiểm toán và báo cáo tài chính, thì kiểm toán viên có trách nhiệm notes vào thuyết minh không ạ?
Em ví dụ 1 TH như thế này, vào ngày 31/3, DN phát hành báo cáo tài chính, trước đó vào 1/3 đơn vị đã phát hành báo cáo kiểm toán. Tuy nhiên, vào ngày 20/4 có thông tin cho rằng đối tác quan trọng của đơn vị đang gặp phải khó khăn về tài chính và có khả năng phá sản. ( Tất cả các GD với KH này đều được thực hiện trong năm ngoái ).
Hi Tiến,
Theo Ad hiểu thì sau khi báo cáo kiểm toán & báo cáo tài chính đã được issued, thì trách nhiệm của kiểm toán viên với subsequent events được gọi là “passive duty”. Nghĩa là kiểm toán viên KHÔNG CÓ TRÁCH NHIỆM để thực hiện các thủ tục kiểm toán liên quan đến BCTC nữa.
Theo quy định tại VSA 560: “Tuy nhiên nếu sau ngày công bố BCTC, KTV biết được sự việc mà nếu sự việc đó được biết đến tại ngày lập báo cáo kiểm toán thì có thể làm cho KTV phải sửa đổi báo cáo kiểm toán, thì KTV phải:
– Thảo luận vấn đề này với Ban Giám đốc và Ban quản trị của đơn vị được kiểm toán (trong phạm vi phù hợp);
– Quyết định xem có cần sửa đổi báo cáo tài chính hay không;
– Phỏng vấn xem Ban Giám đốc dự định xử lý vấn đề này trên BCTC như thế nào, trong trường hợp cần sửa đổi BCTC…
Như vậy, trong ví dụ của em KTV KHÔNG CÓ TRÁCH NHIỆM phải thuyết minh gì cả. Tuy nhiên, khi KTV biết được thông tin về việc đối tác quan trọng của khách hàng đang gặp phải khó khăn thì sẽ cần thảo luận với khách hàng, xem độ xác thực của thông tin, ảnh hưởng của sự kiện đến khách hàng….
Tuỳ vào kết quả của việc thảo luận này mà mới tiến hành thủ tục tiếp theo. Em tham khảo thêm VAS 560 đã quy định khá rõ.