Sau khi đã tìm hiểu xong cách định giá trái phiếu, chúng ta hãy cùng đi tìm hiểu cách định giá cổ phiếu công ty, các nguyên tắc định giá cổ phiếu. Và cuối cùng là 1 ví dụ về bài tập định giá cổ phiếu nhé.
Phần 1. Cổ phiếu là gì? Các loại cổ phiếu? Đặc điểm?
Cổ phiếu là giấy chứng nhận số tiền nhà đầu tư đóng góp vào công ty phát hành. Cổ phiếu là chứng chỉ do công ty cổ phần phát hành hoặc bút toán ghi sổ xác nhận quyền sở hữu một hoặc một số cổ phần của công ty đó.
Người nắm giữ cổ phiếu trở thành cổ đông và đồng thời là chủ sở hữu của công ty phát hành. Tuy nhiên, doanh nghiệp cổ phần có tính pháp nhân. Điều đó có nghĩa: Bạn nắm 10% số lượng cổ phiếu, nhưng bạn không thích công ty nữa, bạn không có quyền lên trụ sở công ty là lấy đi 1/10 số bàn ghế hay tiền của nó. Khi đó bạn chỉ có thể tìm người để bán đi số cổ phiếu của mình mà thôi, chứ không thể xẻ thịt công ty được, bạn cũng không thể bắt buộc công ty mua cổ phiếu lại.
Do đó, cổ đông không thể muốn làm gì với doanh nghiệp như phân phối lợi nhuận hay quyết định về tài sản mà phải thông qua đại hội cổ đông, hoặc lãnh đạo công ty nếu được đại hội cổ đông ủy quyền.
2. Các loại cổ phiếu
Có nhiều cách để phân loại cổ phiếu. Nhưng dựa vào quyền lợi của người nắm giữ, cổ phiếu được chia thành 2 loại:
- Cổ phiếu phổ thông (hay cổ phiếu thường)
- Cổ phiếu ưu đãi
(1) Cổ phiếu phổ thông là gì?
Đây mới là cổ phiếu bạn mua và đa số nhà đầu tư mua. Cổ phiếu phổ thông được giao dịch trực tiếp trên sàn. Mỗi cổ phiếu phổ thông sẽ có 1 phiếu biểu quyết trong đại hội cổ đông.
Khi bạn đề cập đến cổ phiếu, thì được hiểu ngay đến cổ phiếu phổ thông. Bạn có quyền hưởng cổ tức, bầu ban lãnh đạo…
Cổ phiếu thường sẽ có đặc trưng của 1 công cụ vốn thông thường. Nghĩa là công ty sẽ không có nghĩa vụ hoàn lại tiền gốc và tiền lãi cho bạn. Lợi nhuận bạn nhận được (cổ tức, tăng giá cổ phiếu) sẽ phụ thuộc vào kết quả hoạt động của công ty.
(2) Cổ phiếu ưu đãi là gì?
Cổ phiếu ưu đãi là loại cổ phiếu mà công ty phát hành cam kết trả tỷ lệ cổ tức cố định hàng năm và không có tuyên bố ngày đáo hạ
Cổ phiếu ưu đãi là có thể hiểu là sự kết hợp giữa cổ phiếu phổ thông và trái phiếu. Hay nói cách khác là công cụ hỗn hợp (nợ và vốn).
- Đặc điểm của công cụ vốn: công ty không có nghĩa vụ hoàn lại tiền gốc cho bạn.
- Đặc điểm của công cụ nợ: Ví dụ như đảm bảo mức cổ tức cố định bất chấp tình hình lãi lỗ của công ty; khi phá sản thì được thanh toán trước cổ phiếu phổ thông chỉ sau các loại nợ; Thông thường sẽ không có quyền biểu quyết;
Và cổ phiếu ưu đãi không được giao dịch trên sàn chứng khoán.
Các bạn xem thêm về đặc điểm của các loại cổ phiếu ở bài này nhé: Quản trị nguồn vốn trong doanh nghiệp
Phần 2. Cách định giá cổ phiếu công ty
1.Cách định giá cổ phiếu công ty
Tuỳ vào loại cổ phiếu mà sẽ có cách định giá riêng. Tuy nhiên nguyên tắc chung sẽ là:
Xác định tổng giá trị hiện tại của toàn bộ thu nhập do cổ phiếu mang lại trên cơ sở tỷ suất sinh lời đòi hỏi của nhà đầu tư.
2. Công thức định giá cổ phiếu
(1) Định giá cổ phiếu ưu đãi
Cổ phiếu ưu đãi có thu nhập là cổ tức cố định hàng năm. Như vậy, để định giá cổ phiếu ưu đãi thì chúng ta sẽ phải chiết khấu dòng tiền này về hiện tại. Bằng cách sử dụng công thức tính giá trị hiện tại của dòng tiền đều vĩnh cữu.
Công thức định giá cổ phiếu ưu đãi sẽ tương tự như trái phiếu vĩnh cửu: P = D / r
Trong đó:
- D là cổ tức hàng năm của cổ phiếu ưu đãi
- R là tỷ suất sinh lời đòi hỏi của nhà đầu tư
Hoặc chúng ta cũng có thể suy luận ra từ công thức tính chi phí sử dụng vốn từ cổ phiếu ưu đãi chúng ta đã học:
Có thể bạn quan tâm: Chi phí sử dụng vốn
Công thức tính: R = D / [Po*(1-e)]
Trong đó:
- R: chi phí sử dụng vốn của cổ phiếu ưu đãi
- D: cổ tức của 1 cổ phiếu ưu đãi (chưa bao gồm lần cổ tức chi trả gần nhất)
- Po: giá thị trường hiện hành của cổ phiếu ưu đãi
- e: tỷ lệ chi phí phát hành
Biến đôỉ công thức ta có: Po = D/[Rp*(1-e)] . Khi e = 0 thì Po = D / R
(2) Định giá cổ phiếu thường
Cổ phiếu thường cũng có thu nhập là cổ tức hàng năm. Nhưng mức cổ tức này không cố định. Trong phạm vi đề thi CPA Môn tài chính chúng ta sẽ tìm hiểu 2 cách định giá cổ phiếu thường.
Phương pháp 1. Mô hình chiết khấu cổ tức
Mô hình này được thiết kế để tính giá trị nội tại của cổ phiếu.
Dựa trên 2 giả định:
✦Dự đoán được xu hướng tăng trưởng của cổ tức
✦Ước tính được tỷ suất sinh lời đòi hỏi của nhà đầu tư
Chúng ta sẽ cần vận dụng công thức tính chi phí sử dụng vốn của từng loại nguồn vốn tương ứng. Sau đó biến đổi công thức. Hoặc sử dụng công thức tính giá trị hiện tại của dòng tiền trong tương lai.
Có thể bạn quan tâm: Chi phí sử dụng vốn
Có 3 tình huống:
TH1. Cổ tức không đổi
Nếu sử dụng công thức tính gía trị hiện tại của dòng tiền, thì ta sẽ phải sử dụng công thức tính giá trị hiện tại của dòng tiền đều vĩnh cửu trong tương lai. Vì cổ phiếu không có ngày đáo hạn mà.
Hoàn toàn tương tự như trái phiếu vĩnh cửu nhé. P = D / r
Nếu biến đổi công thức tính chi phí sử dụng vốn: r = Do / [Po*(1-e)] => Po = Do/ [r * (1-e)]
Khi e = 0 thì Po = Do/ r
TH2. Cổ tức tăng trưởng đều
Nếu sử dụng công thức tính gía trị hiện tại của dòng tiền, thì ta sẽ phải sử dụng công thức tính giá trị hiện tại của dòng tiền tăng trưởng đều vĩnh cửu trong tương lai. Vì cổ phiếu không có ngày đáo hạn mà.
Nếu biến đổi công thức tính chi phí sử dụng vốn:
r = [Do * (1+g)/Po*(1-e)] +g = D1/[Po*(1-e)] + g
Trong đó:
- Rs: chi phí sử dụng vốn của cổ phiếu thường
- Do và D1: cổ tức của 1 cổ phiếu ưu đãi năm 0 & năm 1
- Po: giá thị trường hiện hành của cổ phiếu thường
- g: tỷ lệ tăng trưởng của cổ phiếu
- e: tỷ lệ chi phí phát hành
Biến đổi công thức: Po = D1 / [(r – g) * (1-e)]. Khi e = 0 thì Po = D1/ (r – g)
TH3. Cổ tức tăng trưởng không đều:
Chúng ta làm đơn giản bằng cách chia dòng cổ tức thành 2 giai đoạn: tăng trưởng đều & tăng trưởng cao. Sau đó áp dụng công thức tính tương ứng.
Lưu ý
Các công thức trên đều dựa trên giả định là chúng ta nắm giữ cổ phiếu mãi mà không bán lại. Nếu định giá trong trường hợp dự định nắm giữ 1 thời gian rồi bán lại thì công thức sẽ phải thay đổi. Chúng ta sẽ phải sử dụng công thức chiết khấu dòng tiền trong tương lai về hiện tại. Chứ không phải là dòng tiền vĩnh cửu trong tương lai về hiện tại như bên trên nhé.
Phương pháp 2. Định giá dựa trên hệ số PE
Đây là mô hình được sử dụng rộng rãi để định giá cổ phiếu bằng cách sử dụng hệ số PE của các công ty niêm yết để định giá các công ty chưa niêm yết. Hoặc sử dụng PE ngành.
PE = Market value / EPS
Giá trị thị trường/cổ phiếu (Market value per share) = EPS * PE
Giá cổ phiếu = Lợi nhuận kỳ vọng trên mỗi cổ phiếu * PE bình quân
Với phương pháp này thì độ chính xác không cao do rất khó tìm được hệ số PE thích hợp. Và hệ số PE ngành chưa chắc đã phản ánh được tình hình công ty. Tuy nhiên vì nhanh & đơn giản nên trong thực tế lại được áp dụng nhiều.
Phần 3. Ví dụ về định giá cổ phiếu công ty
Tình huống
Cổ phiếu A có giá thị trường 26.000 đồng/cổ phần. Sau 3 năm bán được với giá tối thiểu: 37.000/cổ phần. Cổ tức năm trước: 2.000/cổ phần. Tỷ suất sinh lời đòi hỏi của nhà đầu tư: 16%
YC: Nhà đầu tư có nên đầu tư hay không:
TH1. Dự tính năm tới cổ tức tăng ổn định 9%/năm
TH2. 2 năm tới mức tăng cổ tức 9% & các năm sau: 6%
Đáp án
Để quyết định có nên đầu tư hay không, nhà đầu tư cần xác định lợi nhuận dự tính thu được từ việc đầu tư.
Lợi nhuận = Giá trị hiện tại của dòng tiền trong tương lai của cổ phiếu – Giá trị mua cổ phiếu hiện tại
Vì chúng ta nắm giữ cổ phiếu trong vòng 3 năm. Do đó sẽ phải chiết khấu dòng tiền của cổ phiếu trong 3 năm tới về hiện tại.
Áp dụng công thức chung để định giá cổ phiếu thường:
P = d1/(1+r) + d2/(1+r)^2 + d3/(1+r)^3 + P3/(1+r)^3
Trong đó:
- P3 là giá bán lại cổ phiếu dự tính thu được
- d1, d2 và d3 lần lượt là cổ tức từ năm 1 đến năm 3
- r là chi phí sử dụng vốn
Trường hợp 1:
Ta có:
- d1 = 2.000 * (1+9%) = 2.180
- d2 = 2.000 * (1+9%)^2 = 2.376,2
- d3 = 2.000 * (1+9%)^3 = 2.590,06
- P3 = 37.000
- r = 16%
Lắp số liệu vào công thức: P = 2.180/(1+16%) + 2.376,2/(1+16%)^2 + 2.590,06/(1+16%)^3 + 37.000/(1+16%)^3 = 29,009
Kết luận. Giá trị cổ phiếu > Giá thị trường hiện tại. Do đó, nhà đầu tư nên đầu tư vào cổ phiếu này
Trường hợp 2:
Ta có:
- d1 = 2.000 * (1+9%) = 2.180
- d2 = 2.000 * (1+9%)^2 = 2.376,2
- d3 = 2.000 * (1+9%)^2 * (1+6%) = 2.518,77
- P3 = 37.000
- r = 16%
Lắp số liệu vào công thức: P = 2.180/(1+16%) + 2.376,2/(1+16%)^2 + 2.518,77/(1+16%)^3 + 37.000/(1+16%)^3 = 28.963,22
Kết luận. Giá trị cổ phiếu > Giá thị trường hiện tại. Do đó, nhà đầu tư nên đầu tư vào cổ phiếu này.
Vậy là tạm ổn cho phần lý thuyết chung về định giá chứng khoán rồi. Trong bài tiếp theo về chủ đề này, Ad sẽ đi giải thích 1 loạt các tình huống bài tập liên quan có thể gặp trong đề thi CPA Môn tài chính. Các bạn theo dõi nha!
Xin chào, đầu tiên cám ơn admin vì đã lập ra 1 trang rất là bổ ích này.
Có thể hướng dẫn giúp mình thêm 1 trường hợp nữa không ạ? Nó là phát triển của trường hợp thứ 2 theo ví dụ mà bạn đưa.
Tức là, mức tăng cổ tức là 9% trong 2 năm đầu, các năm sau là 6%. Nhưng nhà đầu tư không có ý định bán ở năm thứ 3, mà cứ giữ mãi như vậy. Bạn có thể hướng dẫn giúp mình làm sao để tính được giá cổ phiếu hiện tại không? Mình cám ơn nhé.