Skip to content

[CPA -LT Tài chính] Chủ đề “Chi phí sử dụng vốn” – Phần 1

Bài 6 của Series Bài giảng lý thuyết Môn Tài chính Đề thi CPA – Chủ đề “Chi phí sử dụng vốn” – Phần 1: Cách tính chi phí sử dụng vốn

Xem Video 1 – Video 5

Nếu bạn thích đọc hơn xem video thì bài viết này là dành cho bạn.

Sau khi đã tìm hiểu về các nguồn vốn doanh nghiệp có thể huy động ở bài Nguồn vốn của doanh nghiệp, chúng ta sẽ tiếp tục đi xem cách tính Chi phí sử dụng vốn của từng loại nguồn vốn.

Bài viết này là về Chương 8 – Chi phí sử dụng vốn & Hệ thống đòn bẩy trong Đề cương ôn thi CPA – Môn Tài chính. Hãy cùng làm rõ chương này.

Phần 1. Tổng quan về Chương 8 Chi phí sử dụng vốn & Hệ thống đòn bẩy

Hỏi: Chương này nói về vấn đề gì?

Trả lời:

Đây là 1 trong 2 chương khó nhất của Đề cương ôn thi CPA môn Tài chính. Chương này tập trung vào 3 vấn đề chính:

(1) Cách tính chi phí sử dụng vốn đối với từng loại nguồn vốn mà DN có thể huy động.

(2) Chi phí cận biên về sử dụng vốn & Điểm gãy

(3) Ảnh hưởng của đòn bẩy đến hoạt động của doanh nghiệp bao gồm đòn bẩy tài chính & đòn bẩy hoạt động.

Hỏi: Chương này xuất hiện trong đề thi như nào?

Trả lời:

– Trong đề thi CPA môn Tài chính các năm: chương này năm nào cũng xuất hiện trong Phần bài tập. Không đề chẵn thì đề lẻ. Chi tiết các bạn xem trong File: Tổng hợp các dạng bài tập Đề thi CPA – Môn Tài chính.

– Trong bộ 40 câu hỏi lý thuyết mẫu của Lớp ôn thi CPA: Chương này xuất hiện trong 6 câu hỏi. Từ câu 33 – 38. Cụ thể các bạn xem trong file: Câu hỏi lý thuyết mẫu Đề thi CPA Môn Tài chính

Như vậy, bạn có thể thấy được tầm quan trọng của Chương này rồi đúng không?

Phần 2. Tìm hiểu chi tiết 5 nội dung quan trọng của Chương 8

2.1. Đặc điểm và ý nghĩa của Chi phí sử dụng vốn

Hỏi: Chi phí sử dụng vốn là gì?

Trả lời: 

Để có vốn đầu tư cho các dự án, Doanh nghiệp có thể sử dụng vốn tự thân (VCSH) hoặc vốn vay. Và doanh nghiệp sẽ phải bỏ ra “chi phí” để sử dụng các nguồn vốn đó.

Có 2 khía cạnh:

  • Từ góc độ nhà đầu tư là người cho doanh nghiệp vay vốn: “chi phí” này là phần lợi nhuận mà nhà đầu tư mong muốn nhận được khi cho DN vay vốn. Bởi vì họ đầu tư vốn cho DN nên sẽ không thể dùng số vốn đó đi đầu tư vào chỗ khác để kiếm lời. Do vậy, họ sẽ đòi hỏi một mức tỷ suất sinh lời tương tự để bù đắp phần chi phí cơ hội này.
  • Từ góc độ doanh nghiệp là người sử dụng vốn: phần chi phí DN phải trả cho nhà đầu tư chính là chi phí để sử dụng vốn.
Hỏi: Đặc điểm của chi phí sử dụng vốn?

Trả lời: 

Có 5 đặc điểm:

(1) Chi phí sử dụng vốn không phải do chủ quan của DN quyết định. Mà được hình thành trên cơ sở cung cầu của thị trường. Nếu như DN sử dụng vốn không tạo ra được mức sinh lời mong muốn của thị trường, các nhà đầu tư sẽ không đầu tư vốn vào DN.

(2) Chi phí sử dụng vốn được xem xét trên cơ sở mức độ rủi ro của một dự án đầu tư cụ thể. Dự án có rủi ro càng cao thì tỷ suất sinh lời đòi hỏi của nhà đầu tư càng cao. Do đó chi phí sử dụng vốn sẽ cao và ngược lại.

(3) Chi phí sử dụng vốn thường được phản ánh bằng tỷ lệ %. Điều này để đảm bảo tính so sánh được của chi phí sử dụng vốn giữa các dự án, doanh nghiệp; giữa chi phí và mức sinh lời của dự án để ra quyết định tài chính.

(4) Chi phí sử dụng vốn phản ánh mức lãi suất danh nghĩa mà nhà đầu tư đòi hỏi đối với số vốn khi họ đầu tư vào DN. Điều này có nghĩa là chi phí sử dụng vốn đã bao hàm cả mức bù lạm phát và mức lãi suất thực mà nhà đầu tư đòi hỏi.

(5) Chi phí sử dụng vốn phản ánh mức sinh lời đòi hỏi của nhà đầu tư ở hiện tại để đưa ra các quyết định tài chính. Chứ không phải quá khứ. Do đó, không cần ước tính chi phí sử dụng vốn cho những đồng vốn đã huy động trong quá khứ.

Hỏi: Ý nghĩa của chi phí sử dụng vốn?

Trả lời: 

Trong Chương 6, chúng ta đã biết rằng chi phí sử dụng vốn được sử dụng trong đánh giá dự án đầu tư. Cụ thể là chiết khấu dòng tiền trong tương lai của dự án về hiện tại.

Tuy nhiên, chi phí sử dụng vốn còn có 1 vai trò vô cùng quan trọng khác. Đó là đưa ra quyết định liên quan đến việc huy động vốn cho dự án đầu tư.

Ngoài ra, xem xét chi phí sử dụng vốn tạo ra tầm nhìn cho nhà quản lý khi cân nhắc lựa chọn chiến lược huy động vốn dài hạn của doanh nghiệp.

2.2. Cách tính Chi phí sử dụng vốn cho từng nguồn vốn?

3 vấn đề cần lưu ý

(1) Như chúng ta đã từng đề cập trong bài viết về Nguồn vốn của doanh nghiệp, chi phí sử dụng vốn vay sẽ thấp hơn chi phí sử dụng vốn chủ sở hữu. Do từ góc độ của nhà đầu tư: việc cho vay sẽ có rủi ro thấp hơn so với đầu tư vào cổ phiếu. 

  • Tiền lãi vay và gốc vay phải trả sẽ được trả với giá trị và thời hạn xác định trong khi cổ phiếu thì không.
  • Chủ nợ vay sẽ được ưu tiên thanh toán trước các cổ đông trong trường hợp công ty phá sản & phải thanh lý tài sản. Do vậy, khi đầu tư cho vay, nhà đầu tư sẽ mong muốn 1 tỷ suất lợi nhuận thấp hơn khi đầu tư vào cổ phiếu.

(2) Nguồn vốn vay thường gặp là: vay với lãi suất cố định, vay với lãi suất thả nổi, trái phiếu không chuyển đổi, trái phiếu có thể chuyển đổi…

Tuy nhiên trong phạm vi đề cương ôn thi CPA môn Tài chính, chúng ta chỉ học cách tính chi phí sử dụng vốn đối với khoản vay với lãi suất cố định.

(3) Bởi vì lãi vay được trừ cho mục đích thuế trong khi cổ tức thì không. Do vậy, để công bằng trong việc so sánh giữa chi phí sử dụng vốn vay & vốn chủ, chúng ta sẽ sử dụng “Chi phí vốn vay sau thuế”.

Để hiểu cách tính chi phí sử dụng vốn cho từng loại nguồn vốn, chúng ta cùng đi xem xét Ví dụ sau.

Tình huống (Đề thi CPA Môn tài chính Năm 2017 – Đề chẵn – Câu 3):

Tổng giá trị thị trường tại 1.1.N: 5,000 triệu đồng

Kết cấu vốn tối ưu: Vay 2,000 triệu + VCSH: 3,000 triệu (40% vốn vay + 60% VCSH)

Lợi tức cổ phần thường năm trước: 6.000/cổ phần & g = 5%/năm

Lợi nhuận sau thuế dự kiến: 405 triệu & số vốn cần huy động: 800 triệu

Phương án huy động vốn:

Vay <= 300 triệu: 10%/năm; > 300 triệu: 12%/năm

Phát hành cổ phiếu <= 600 triệu: chi phí phát hành là 10%; > 600 triệu là 15%

Yêu cầu: xác định chi phí sử dụng vốn của từng nguồn vốn

Đáp án gợi ý:

(1) Cách tính Chi phí sử dụng vốn Vốn vay

Ngắn gọn nhất thì chi phí sử dụng vốn vay chính là lãi suất vay vốn.

Còn về bản chất, chi phí sử dụng vốn vay là lãi suất chiết khấu để chiết khấu dòng tiền phải trả trong tương lai về số vốn vay được ngày hôm nay.

Chi phí sử dụng vốn vay sau thuế: rd = i * (1 – T) với i là lãi suất vay & t là thuế suất.

Trong ví dụ:

Khi doanh nghiệp vay <= 300 triệu: rd = 10% * (1-20%) = 8%

Khi doanh nghiệp vay > 300 triệu: rd = 12% * (1-20%) = 9.6%

(2) Cách tính Chi phí sử dụng vốn từ Lợi nhuận giữ lại

Nhiều người nghĩ Lợi nhuận giữ lại là của công ty. Nên công ty sẽ không cần bỏ ra chi phí khi sử dụng nguồn vốn này. Tuy nhiên điều này hoàn toàn sai.

Lợi nhuận giữ lại cũng có chi phí sử dụng vốn. Bởi vì khi công ty giữ lại lợi nhuận thay vì trả cổ tức cho nhà đầu tư. Nhà đầu tư sẽ kỳ vọng công ty tạo ra 1 tỷ suất lợi nhuận cao hơn là tỷ lệ cổ tức. Nó cũng chính là chi phí cơ hội để nhà đầu tư không đòi chia cổ tức để tự đầu tư vào chỗ khác.

Công thức tính tương tự như cổ phiếu thường – nhưng không có chi phí phát hành:

Re = (Do * (1+g)/Po) +g = D1/Po + g

Trong đó:

Re: chi phí sử dụng vốn của cổ phiếu thường

Do và D1: cổ tức của 1 cổ phiếu ưu đãi năm 0 & năm 1

Po: giá thị trường hiện hành của cổ phiếu thường

g: tỷ lệ tăng trưởng của cổ phiếu

Trong ví dụ này: re = 6,000*(1+5%)/ 60,000 + 5% = 15.5%

(3) Cách tính Chi phí sử dụng vốn từ Cổ phiếu thường

Cổ tức chi trả cho cổ đông thường chính là chi phí để sử dụng nguồn vốn này ngày hôm nay. Chi phí sử dụng vốn của cổ phiếu thường chính là tỷ lệ chiết khấu để cân bằng giữa dòng tiền cổ tức chi trả trong tương lai và gía trị cổ phiếu hiện tại.

Cổ tức cố định qua các năm: rs = Do / [Po*(1-e)]

Cổ tức tăng trưởng đều: rs = [Do * (1+g)/Po*(1-e)] +g = D1/[Po*(1-e)] + g

Trong đó:

Rs: chi phí sử dụng vốn của cổ phiếu thường

Do và D1: cổ tức của 1 cổ phiếu ưu đãi năm 0 & năm 1

Po: giá thị trường hiện hành của cổ phiếu thường

g: tỷ lệ tăng trưởng của cổ phiếu

e: tỷ lệ chi phí phát hành

Trong ví dụ này:

Khi phát hành cổ phiếu <= 600 triệu: rs = 6,000 * (1+5%)/[60,000*(1-10%)] + 5% = 16.7%

Khi phát hành cổ phiếu > 600 triệu: rs = 6,000 * (1+5%)/[60,000*(1-15%)] + 5% = 17.4%

(4) Cách tính Chi phí sử dụng vốn từ Cổ phiếu ưu đãi

Trong ví dụ của chúng ta không đề cập đến cổ phiếu ưu đãi. Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần biết rằng, cách tính chi phí sử dụng vốn của cổ phiếu ưu đãi sẽ tương tự như cổ phiếu thường. Ngoại trừ việc cổ phiếu ưu đãi có tỷ lệ cổ tức cố định. Nên sẽ không phải xét đến trường hợp cổ tức tăng trưởng.

Công thức tính: Rp = D / [Po*(1-e)]

Trong đó:

Rp: chi phí sử dụng vốn của cổ phiếu ưu đãi

D: cổ tức của 1 cổ phiếu ưu đãi (chưa bao gồm lần cổ tức chi trả gần nhất)

Po: giá thị trường hiện hành của cổ phiếu ưu đãi

e: tỷ lệ chi phí phát hành

Trong bài viết tiếp theo, mình sẽ đi nốt 3 nội dung còn lại của chủ đề này. Các bạn theo dõi nhé!

Published inTài chính

2 Comments

  1. hang nguyen hang nguyen

    Cảm ơn bạn đã có bài viết rất hữu ích: Luôn có điểm nhấn.
    Bạn làm ơn chỉ dùm tôi cách nào để tìm bài viết phần 2 (tiếp của phần 1 này). Tôi loay hoay đánh vào search mà ko tìm được. Cảm ơn bạn lần nữa!

Comments are closed, but trackbacks and pingbacks are open.