Skip to content

CHỦ ĐỀ KHÓ NHẰN NHẤT CỦA F9 ACCA: “RISK MANAGEMENT” (PHẦN 2)

Bài 11/11 của Series hướng dẫn tự học ACCA F9 Financial Management: “Interest rate risk management”

https://www.youtube.com/playlist?list=PL8_1Ukajiy-P81Hzt45hefmMiYDU9Dd-U

(Video 8 – Video 11)

Trong phần 2 của chủ đề về Risk Management, chúng ta sẽ đi tìm hiểu 2 nội dung của “Interest rate risk management”:

  • Nguyên nhân phát sinh rủi ro lãi suất
  • Các công cụ để quản lý rủi ro lãi suất

1. Nguyên nhân phát sinh rủi ro lãi suất

1.1. Rủi ro lãi suất là gì?

Trước tiên:

  • “Interest rate”: là mức giá áp dụng cho các giao dịch vay nợ, là chi phí của việc vay vốn
  • “Interest rate risk”: là rủi ro của sự biến động trong lãi suất làm ảnh hưởng đến lợi nhuận/dòng tiền

Như vậy các công ty với các khoản vay lớn hay các tổ chức tín dụng, ngân hàng… sẽ phải đối diện với rủi ro lãi suất lớn.

Như ở phần rủi ro tiền tệ chúng ta đã đề cập là rủi ro luôn mang tính 2 mặt, 2 chiều. Rủi ro lãi suất cũng vậy. Luôn có rủi ro rằng doanh nghiệp tham gia vào các thoả thuận khiến cho doanh nghiệp phải gánh chịu tổn thất lớn khi lãi suất biến động theo hướng bất lợi. Hoặc bỏ lỡ các biến động lãi suất theo hướng có lợi.

1.2. Nguyên nhân phát sinh rủi ro lãi suất

Rủi ro phát sinh khi doanh nghiệp không biết điều gì sẽ xảy đến trong tương lai. Rủi ro lãi suất phát sinh khi doanh nghiệp không biết:

  • Mức lãi suất doanh nghiệp có thể phải trả cho các khoản phải trả phát sinh lãi suất
  • Mức lãi suất doanh nghiệp có thể kiếm được từ các “tài sản phát sinh lãi suất” như deposits…

1.3. Các trường hợp phát sinh rủi ro lãi suất

(1) Các khoản vay với lãi suất thả nổi (Floating interest rate debt)

Do lãi suất là thả nổi thì khi lãi suất thị trường tăng, lãi suất các khoản vay của công ty sẽ bị tăng lên. Do đó chi phí lãi vay cũng phát sinh tăng.

(2) Các khoản vay với lãi suất cố định (Fixed interest rate debt)

Do lãi suất là cố định thì khi lãi suất thị trường giảm, lãi suất các khoản vay của công ty vẫn sẽ bị cố định. Do đó chi phí lãi vay sẽ không được giảm xuống theo thị trường. Công ty bị mất lợi thế cạnh tranh.

(3) Gap exposure

Bao gồm:

  • Negative gap: là tình trạng phát sinh khi công ty có giá trị “interest-sensitive liabilities” đến hạn > “interest-sensitive assets” đến hạn. Khi đó rủi ro lãi suất phát sinh khi lãi suất tăng tại thời điểm đáo hạn vì lãi vay phải trả sẽ bị tăng nhiều hơn là thu nhập lãi vay nhận được.
  • Positive gap: là tình trạng phát sinh khi công ty có giá trị “interest-sensitive liabilities” đến hạn < “interest-sensitive assets” đến hạn. Khi đó rủi ro lãi suất phát sinh khi lãi suất giảm tại thời điểm đáo hạn vì thu nhập từ lãi vay sẽ bị giảm nhiều hơn là chi phí lãi vay phải trả.

(4) Basic risk

Rủi ro này phát sinh khi công ty có các tài sản & nợ phải trả cùng quy mô & đều nhận/trả lãi suất thả nổi. Do vậy các khoản này có thể “off-set” lẫn nhau do đó không phát sinh rủi ro lãi suất nữa.

Tuy nhiên, các tỷ lệ lãi suất thả nổi có thể không được xác định trên các cơ sở khác nhau.

VD: 1 khoản vay có thể được xác định lãi suất theo lãi suất 1 tháng của LIBOR. Trong khi 1 tài sản tài chính khác xác định theo lãi suất 6 tháng của LIBOR. Như vậy: 2 loại lãi suất này sẽ không thể hoàn toàn triệt tiêu nhau.

Mục tiêu của quản lý rủi ro lãi suất là: hạn chế ảnh hưởng của sự không chắc chắn trong biến động của lãi suất. Các phương pháp quản lý rủi ro lãi suất có thể chia thành 2 nhóm:

  • Internal Hedging techniques
  • External Hedging techniques

2.  Hedging techniques (Interest rate risk management)

(1) Asset & liability management

Kỹ thuật này liên quan đến việc quản lý & duy trì các khoản phải thu & khoản phải trả có cùng thời gian đáo hạn.

VD: 1 công ty vay với lãi suất 7% pa trong vòng 10 năm để đầu tư mua 1 toà nhà sau đó cho thuê lại. Tỷ suất lợi nhuận từ việc cho thuê toà nhà dự kiến là 9% pa trong 5 năm đầu. Như vậy trong 5 năm này, công ty có tỷ suất LN thu được > lãi vay nên OK. Tuy nhiên sau 5 năm nếu tỷ suất LN cho thuê nhà giảm xuống chỉ còn 6% pa thì khi đó công ty sẽ bị thua lỗ. Do vậy, cách an toàn nhất là thu xếp khoản vay có thời hạn = tài sản tương ứng. Trong trường hợp này là khoản vay trong 10 năm thì nên có hợp đồng cho thuê trong 10 năm.

(2) Matching & Smoothing

Smoothing

Khi đi vay hoặc gửi tiền vào ngân hàng, các công ty thường sẽ có lựa chọn áp dụng lãi suất thả nổi hay lãi suất cố định. Lãi suất thả nổi áp dụng thường được xây dựng trên cơ sở tham chiếu đến khung lãi suất LIBOR (VD: lãi suất áp dụng: LIBOR + 3%)

Nếu lãi suất cố định được áp dụng: sẽ không có rủi ro & bảo vệ công ty khi lãi suất thị trường diễn biến bất lợi. Nhưng sẽ không cho phép công ty tận dụng được diễn biến có lợi & bị mất lợi thế cạnh tranh.

Đây là kỹ thuật đơn giản để quản lý rủi ro lãi suất bằng cách duy trì sự cân bằng giữa các khoản vay/tài sản có lãi suất cố định & lãi suất thả nổi.

VD: với các khoản vay, khi lãi suất tăng, chỉ có các khoản vay với lãi suất thả nổi mới bị tăng chi phí lãi vay. Như vậy sẽ ảnh hưởng ít hơn là khi toàn bộ các khoản vay đều là lãi suất thả nổi.

Matching

Kỹ thuật này sẽ yêu cầu doanh nghiệp có cả tài sản & nợ phải trả có cùng cơ sở lãi suất và có giá trị càng gần nhau càng tốt.

VD: 1 khoản tiền gửi $0.5m với mức lãi suất LIBOR+1% và 1 khoản vay $0.55m với lãi suất LIBOR+2%

Giả sử hiện tại LIBOR là 3%:

Lãi tiền gửi $0.5m * (3% + 1%) = $20.000 và lãi khoản vay là $0.55m * (3%+ 2%) = $27.500

Net cost = $7.500

Nếu LIBOR tăng từ 3% lên 4%:

Lãi tiền gửi $0.5m * (4% + 1%) = $25.000 và lãi khoản vay là $0.55m * (4%+ 2%) = $33.000

Net cost = $8.000

Như vậy khi lãi suất tăng hay giảm thì “chi phí thuần” cũng sẽ duy trì ở mức ổn định. Có sự chênh lệch giữa $7.500 & $8.000 là do quy mô của khoản tiền gửi & khoản vay không hoàn toàn bằng nhau.

(3) Forward rate agreements (FRAs)

FRAs là kỹ thuật hedge rủi ro lãi suất bằng cách cố định lãi suất cho các khoản vay hoặc gửi tiền ngắn hạn trong tương lai.

Thuật ngữ cần hiểu:  “4–7, 5.5%–5% FRA”

Chúng ta có thể tách thành các thông tin sau:

  • “4-7” là thoả thuận cố định lãi suất cho kỳ bắt đầu trong 4 tháng tới & trong khoảng thời gian dài 3 tháng
  • “5.5%–5%” là lãi suất cố định theo mức: lãi suất vay vốn là 5.5% và lãi suất gửi tiền là 5%. Hãy nhớ lại các khái niệm chúng ta đã học ở Foreign currency risk management nhé. Ngân hàng luôn mua rẻ bán đắt. Nên lãi suất vay vốn bao giờ cũng cao hơn lãi suất tiền gửi.

Ví dụ

Công ty A dự tính phải vay $10m từ ngân hàng X trong 4 tháng tới với thời gian vay 3 tháng. A sợ rằng lãi suất sẽ tăng tại thời điểm vay. A muốn hedge rủi ro lãi suất cho giai đoạn 4 tháng tới bằng cách sử dụng FRA với ngân hàng Y. Lãi suất FRA hiện tại do ngân hàng công bố là 5%–4.5% FRA. Yêu cầu:

  • Xác định loại FRA cần sử dụng?
  • Kết quả của FRA sẽ như nào khi lãi suất 4 tháng sau (tại thời điểm thực hiện khoản vay) là 6%?
  • Kết quả của FRA sẽ như nào khi lãi suất 4 tháng sau (tại thời điểm thực hiện khoản vay) là 4.5%?

(i) Công ty đang có nhu cầu vay trong 4 tháng tới với thời gian vay 3 tháng. Do vậy, loại FRA cần sử dụng: 4 – 7 FRA at 5% pa

(ii) Khi lãi suất tăng lên 6% pa:

Chi phí lãi vay A phải trả cho ngân hàng X: $10m * 6% * 3/12 = $150.000

Chi phí ngân hàng Y trả cho công ty A theo FRA: $10m * (6% – 5%) * 3/12 = $25.000

Chi phí thuần của khoản vay công ty A phải bỏ ra: $125.000

(iii) Khi lãi suất giảm xuống 4.5% pa:

Chi phí lãi vay A phải trả cho ngân hàng X: $10m * 4.5% * 3/12 = $112.500

Chi phí công ty A phải trả cho ngân hàng Y theo FRA: $10m * (5% – 4.5%) * 3/12 = $12.500

Chi phí thuần của khoản vay công ty A phải bỏ ra: $125.000

Như vậy chúng ta có thể thấy:

  • Trong cả 2 trường hợp “lãi suất thực tế” mà công ty A phải trả là 5% – tỷ lệ lãi suất của FRA mà A đã sử dụng để hedge rủi ro.
  • Khi lãi suất tăng, FRA đã thành công bảo vệ công ty khỏi bị mất thêm chi phí. Nhưng khi lãi suất giảm, FRA lại khiến công ty không thể “tiết kiệm” được chi phí vì lãi suất thực tế áp dụng đã bị cố định theo FRA.

Đặc điểm của FRA

Có rất nhiều điểm tương tự như FEC trong quản lý rủi ro tiền tệ: Foreign currency risk management. Đó cũng chính là lý do nhiều bạn bị nhầm lẫn 2 khái niệm này.

  • Là thoả thuận với ngân hàng theo dạng giao dịch trực tiếp giữa 2 bên (Over-the-counter transaction)
  • Là thoả thuận mang tính ràng buộc pháp lý nhằm cố định lãi suất cho việc vay/gửi tiền cho 1 giai đoạn ngắn hạn bắt đầu từ 1 thời điểm trong tương lai.

Lưu ý:

FRA không phải là hợp đồng vay hay gửi tiền. Nó chỉ là hợp đồng cố định lãi suất. Do vậy, công ty có thể vay/gửi tiền với 1 bên. Và thu xếp FRA với 1 ngân hàng khác.

  • Khi lãi suất thị trường tại ngày bắt đầu vay > lãi suất của FRA: ngân hàng sẽ trả cho công ty phần chênh lệch giữa lãi suất FRA & lãi suất thị trường.
  • Khi lãi suất thị trường tại ngày bắt đầu vay < lãi suất của FRA: công ty sẽ phải trả cho ngân hàng phần chênh lệch.

(4) Công cụ phái sinh lãi suất (“Interest rate derivatives”)

Tương tự như rủi ro tiền tệ, rủi ro lãi suất cũng có thể được hedge bằng cách sử dụng các công cụ phái sinh:

(i) Interest rate futures

Công cụ này sẽ cho phép chủ sở hữu Futures kiếm được thu nhập tiền lãi/ phải trả chi phí tiền lãi tại 1 tỷ lệ lãi suất nhất định trong tương lai:

  • “Selling a future”: hình thành nghĩa vụ vay tiền và nghĩa vụ trả lãi.
  • “Buying a future”: hình thành nghĩa vụ gửi tiền/cho vay & quyền nhận tiền lãi.

Đặc điểm

Về bản chất: công cụ này không khác gì đi cá cược xem lãi suất trong tương lai sẽ tăng hay giảm. Nó có tác dụng bảo vệ doanh nghiệp hệt như FRAs bên trên. Chỉ khác là:

  • Hợp đồng futures sẽ là “standardized contract” nghĩa là giá trị, lãi suất, thời gian sẽ được thiết lập theo các tiêu chuẩn sẵn.
  • Được mua bán trên thị trường chứng khoán

Về cơ chế hoạt động:

  • Người đi vay sẽ lo sợ lãi suất tăng. Vì thế họ sẽ hedge rủi ro lãi suất tăng bằng cách “Selling a future” (đi vay) tại thời điểm hiện tại để vay được giá rẻ. Sau đó họ sẽ “Buying a future” (cho vay) trong tương lai khi lãi suất đã tăng để cho vay được giá cao.
  • Người cho vay/Người gửi tiền sẽ lo sợ lãi suất giảm. Vì thế họ sẽ hedge rủi ro lãi suất giảm bằng cách “Buying a future” (cho vay) tại thời điểm hiện tại để cho vay được giá cao. Sau đó họ sẽ “Selling a future” (đi vay) trong tương lai khi lãi suất đã giảm để đi vay được giá thấp.

Với cơ chế này, người mua/người bán futures sẽ thu được lợi nhuận = Net-off giữa việc vay giá rẻ và cho vay giá cao.

Giá của hợp đồng futures sẽ phụ thuộc vào lãi suất hiện hành của thị trường.

Ví dụ: 1 hợp đồng futures cho phép người vay và người cho vay phải trả và nhận mức lãi suất là 5% – là lãi suất thị trường hiện tại.

Nếu lãi suất thị trường tăng lên 6%:

  • Hợp đồng futures 5% sẽ trở nên kém hấp dẫn với người mua (người cho vay) vì họ có thể đi gửi tiền và kiếm lãi suất 6% thay vì “Buy a future” và chỉ kiếm lãi 5%. Do vậy, giá của hợp đồng futures phải giảm xuống để hấp dẫn người mua.
  • Hợp đồng futures 5% sẽ trở nên hấp dẫn với người bán (người đi vay). Vì khi họ “Sell a future” sẽ chỉ phải trả lãi 5% trong khi theo lãi suất thị trường họ phải trả lãi 6%. Cầu nhiều thì giá sẽ tăng do cân bằng cung cầu. Vì vậy giá của hợp đồng futures sẽ tăng.

(ii) Interest rate options

Công cụ này cho phép doanh nghiệp tránh được rủi ro lãi suất biến động theo hướng bất lợi & tận dụng được lợi thế khi lãi suất biến động theo hướng có lợi. Đây cũng là công cụ duy nhất cho phép điều này. Chính vì vậy nên Option sẽ có nhược điểm là phí cao.

Options cho phép người sở hữu quyền – nhưng không phải nghĩa vụ bắt buộc để mua hoặc bán theo 1 lãi suất nhất định và với khoảng thời gian nhất định. Vào ngày option hết hạn, người mua có thể lựa chọn thực hiện hoặc không thực hiện quyền của họ.

Về cơ chế hoạt động: tương tự như Futures

  • Người đi vay sẽ lo sợ lãi suất tăng. Vì thế họ sẽ hedge rủi ro lãi suất tăng bằng cách mua 1 lựa chọn để đi vay (Sell) tại thời điểm hiện tại để vay được giá rẻ (10%). “A option to sell” sẽ được gọi là “A put option”.

Khi lãi suất thị trường tăng (11%): người đi vay sẽ cho vay (buy) với với lãi suất 11% và lựa chọn thực hiện option để đi vay (sell) với lãi suất 10%. Như vậy nguời đi vay sẽ được hưởng thu nhập từ chênh lệch lãi suất này.

Khi lãi suất thị trường giảm (9%): người đi vay sẽ không cho vay (buy) với lãi suất 9% và sau đó thực hiện quyền chọn để đi vay (sell) với lãi suất 10%. Vì như thế sẽ bị lỗ. Thay vì vậy họ sẽ không thực hiện quyền chọn.

  • Người cho vay/gửi tiền sẽ lo sợ lãi suất giảm. Vì thế họ sẽ hedge rủi ro lãi suất giảm bằng cách mua 1 lựa chọn để gửi tiền (Buy) tại thời điểm hiện tại để gửi tiền được lãi suất cao (10%). “A option to buy” sẽ được gọi là “A call option”.

Khi lãi suất thị trường tăng (11%): người cho vay sẽ không đi vay (Sell) với với lãi suất 11% và lựa chọn thực hiện option để gửi tiền (Buy) với lãi suất 10%. Vì như thế sẽ bị lỗ. Thay vì vậy họ sẽ không thực hiện quyền chọn.

Khi lãi suất thị trường giảm (9%): người cho vay sẽ đi vay (Sell) với với lãi suất 9% & lựa chọn thực hiện option để cho vay/gửi tiền (Buy) với lãi suất 10%. Như vậy nguời đi vay sẽ được hưởng thu nhập từ chênh lệch lãi suất này.   

(iii) Interest rate swaps

Liên quan đến việc các công ty tráo đổi khoản thanh toán lãi vay trong 1 khoảng thời gian được thoả thuận.

Ví dụ về trường hợp đơn giản nhất: Công ty A đồng ý trả lãi vay cho khoản vay của công ty B. Trong khi B sẽ đồng ý thanh toán lãi vay cho khoản vay của công ty A. 2 khoản vay có cùng đồng tiền giao dịch. Nhưng 1 khoản là lãi suất thả nổi & 1 khoản là lãi suất cố định.

Lưu ý

Nếu tình huống yêu cầu bạn lựa chọn phương pháp phù hợp để hedge rủi ro lãi suất, bạn sẽ cần cân nhắc các yếu tố:

  • Chi phí thực hiện
  • Độ linh hoạt của công cụ (VD: tailored contract hay standardized contract…)
  • Kỳ vọng của công ty
  • Khả năng tận dụng biến động có lợi của tỷ giá

Vậy là mình đã hoàn thành xong 11 bài viết hướng dẫn tự học môn F9 Financial Management. Các bài viết này có mục đích bao quát đủ các topic quan trọng nhất của môn F9. Hy vọng đã gíup ích cho các bạn. Nếu bạn có câu hỏi cần trao đổi thì comment nhé. Bọn mình sẽ cố gắng phản hồi sớm. Chúc các bạn ôn thi hiệu quả, đạt kết quả như ý!

Published inF9 Financial Management

Be First to Comment

    Trả lời

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *