[CPA – LT Thuế] Phân biệt “Thu nhập chịu thuế TNCN” & “Thu nhập tính thuế TNCN”

Bài 5 của Series bài giảng lý thuyết Môn Thuế CPA – Chủ đề “Thuế thu nhập cá nhân” – Phần 2: Thu nhập chịu thuế TNCN & Thu nhập tính thuế TNCN

Tiếp tục chủ đề về Thuế thu thu nhập cá nhân. Trong bài viết này, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về 1 câu hỏi trong bộ câu hỏi ôn tập lý thuyết môn thuế:

Phân biệt “Thu nhập chịu thuế TNCN” với “Thu nhập tính thuế TNCN”?

Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần làm rõ:

(1) Thu nhập chịu thuế TNCN là gì?

Trong bài Đối tượng nộp thuế TNCN, chúng ta biết rằng cá nhân có thu nhập chịu thuế thì sẽ trở thành đối tượng chịu thuế TNCN. Nhưng văn bản không nêu rõ khái niệm thế nào là thu nhập chịu thuế TNCN. Thay vào đó, liệt kê 10 loại thu nhập chịu thuế TNCN sau:

1. Thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh HHDV & hoạt động của các cá nhân có chứng chỉ hành nghề độc lập
2. Thu nhập từ tiền lương, tiền công mà người lao động nhận được từ người sử dụng lao động
3. Thu nhập từ đầu tư vốn. Ví dụ như: hoạt động cho vay, mua trái phiếu, cổ phiếu, góp vốn vào các công ty khác…
4. Thu nhập từ chuyển nhượng vốn. Ví dụ như: chuyển nhượng lại phần vốn góp tại các công ty, hoặc bán các chứng khoán như cổ phiếu, trái phiếu…
5. Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản. Bao gồm: Chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất; Chuyển nhượng quyền sở hữu hoặc sử dụng nhà ở; Chuyển nhượng quyền thuê đất, thuê mặt nước
6. Thu nhập từ bản quyền. Ví dụ như chuyển giao, chuyển quyền sử dụng các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ: quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả; quyền sở hữu công nghiệp; quyền đối với giống cây trồng; chuyển giao công nghệ: bí quyết kỹ thuật, kiến thức kỹ thuật, các giải pháp hợp lý hoá sản xuất, đổi mới công nghệ.
7. Thu nhập nhượng quyền thương mại. Nhượng quyền thương mại là hợp đồng mà theo đó bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu bên nhận quyền tự mình tiến hành việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ theo các điều kiện của bên nhượng quyền tại hợp đồng.
8. Thu nhập từ trúng thưởng. Đây là các khoản tiền hoặc hiện vật mà cá nhân nhận được dưới các hình thức: Trúng thưởng xổ số; Trúng thưởng khuyến mại dưới các hình thức; Trúng thưởng trong các hình thức cá cược; Trúng thưởng trong các trò chơi, cuộc thi có thưởng và các hình thức trúng thưởng khác.
9. Thu nhập từ thừa kế. Đây là các khoản thu nhập mà cá nhân nhận được theo di chúc hoặc theo quy định của pháp luật về thừa kế: chứng khoán, phần vốn trong các tổ chức kinh tế, cơ sở kinh doanh, bất động sản và tài sản khác phải đăng ký sở hữu hoặc đăng ký sử dụng.
10. Thu nhập từ quà tặng. Bao gồm các khoản thu nhập của cá nhân nhận được từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước: chứng khoán, phần vốn trong các tổ chức kinh tế, cơ sở kinh doanh, bất động sản và tài sản khác phải đăng ký sở hữu hoặc đăng ký sử dụng.

Từ đây, chúng ta có thể rút ra kết luận:

“Thu nhập chịu thuế TNCN là toàn bộ lợi ích mà cá nhân nhận được trừ 1 số trường hợp đặc biệt”

Và khi xác định thu nhập chịu thuế TNCN, chúng ta sẽ cần xác định đúng “loại thu nhập”. Vì loại thu nhập chịu thuế TNCN khác nhau sẽ phải áp dụng mức thuế suất hay kỳ tính thuế khác nhau. Ví dụ:

  • Thu nhập từ kinh doanh áp dụng thuế khoán
  • Thu nhâp từ tiền lương tiền công áp dụng thuế luỹ tiến từng phần
  • Các khoản còn lại áp dụng thuế toàn phần.

(2) Thu nhập tính thuế TNCN là gì?

Tương tự như thu nhập chịu thuế TNCN, văn bản cũng không lý giải cụ thể thu nhập tính thuế TNCN là gì. Mà chỉ đề cập: Thu nhập tính thuế TNCN là căn cứ để xác định số thuế TNCN phải nộp.

Tuỳ từng loại thu nhập sẽ có cách tính cụ thể. Nhưng nói đơn giản thì: Thuế TNCN phải nộp = Thu nhập tính thuế TNCN * Thuế suất tương ứng.

Vậy, thu nhập tính thuế TNCN khác với thu nhập chịu thuế TNCN như thế nào? Hay nói cách khác là: cách phân biệt thu nhập chịu thuế TNCN & thu nhập tính thuế TNCN?

(3) Phân biệt Thu nhập chịu thuế TNCN và Thu nhập tính thuế TNCN

Nói đơn giản thì:

“Thu nhập chịu thuế TNCN là cơ sở để xác định thu nhập tính thuế TNCN”.

Mình chia mối quan hệ giữa Thu nhập tính thuế TNCN & Thu nhập chịu thuế TNCN thành 3 trường hợp sau:

Trường hợpNhóm thu nhập áp dụng (*)Thu nhập chịu thuế TNCN & Thu nhập tính thuế TNCN
Trường hợp 1.

Thu nhập tính thuế TNCN = Thu nhập chịu thuế TNCN – Các khoản giảm trừ

Thu nhập từ tiền lương, tiền công (cá nhân cư trú)
  • Thu nhập chịu thuế TNCN = Tổng số tiền lương, tiền công, tiền thù lao, các khoản thu nhập khác có tính chất tiền lương, tiền công, các khoản lợi ích hay các khoản tiền thưởng mà cá nhân nhận được trong kỳ tính thuế.
  • Thu nhập tính thuế TNCN = Thu nhập chịu thuế TNCN – Các khoản giảm trừ

(Trong trường hợp thu nhập người lao động nhận được không bao gồm thuế TNCN thì sẽ phải quy đổi thành thu nhập tính thuế TNCN theo công thức gross-up)

Trường hợp 2.

Thu nhập tính thuế TNCN = Thu nhập chịu thuế TNCN

Thu nhập từ tiền lương, tiền công (cá nhân không cư trú)Tương tự bên trên nhưng không có các khoản giảm trừ.
Thu nhập từ hoạt động SXKD HHDVThu nhập chịu thuế TNCN = Thu nhập tính thuế TNCN = Doanh thu tính thuế TNCN

(Doanh thu tính thuế sẽ là doanh thu bao gồm thuế (trường hợp thuộc diện chịu thuế) của toàn bộ tiền bán hàng, tiền gia công, tiền hoa hồng, tiền cung ứng dịch vụ, các khoản hỗ trợ và các khoản thu khác mà cá nhân nhận được)

Thu nhập từ đầu tư vốnThu nhập chịu thuế TNCN = Thu nhập tính thuế TNCN = Các khoản thu nhập cá nhân nhận được dưới các hình thức:
– Tiền lãi cho vay;
– Lợi tức cổ phần;
– Lợi tức nhận được do tham gia góp vốn vào công ty…
Thu nhập từ chuyển nhượng vốnThu nhập chịu thuế TNCN = Thu nhập tính thuế TNCN. Bao gồm:

  • Thu nhập từ chuyển nhượng phần vốn góp được xác định theo công thức: Giá chuyển nhượng – Giá mua của phần vốn góp – Chi phí hợp lý liên quan (Cá nhân cư trú) hoặc chỉ là Giá chuyển nhượng (Cá nhân không cư trú)
  • Thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán được xác định bằng “Giá chuyển nhượng” chứng khoán từng lần.
Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản
  • Thu nhập chịu thuế TNCN là toàn bộ thu nhập cá nhân nhận được từ hoạt động chuyển nhượng BĐS
  • Thu nhập tính thuế TNCN = Thu nhập chịu thuế TNCN = Giá chuyển nhượng của BĐS theo từng lần
Trường hợp 3.

Thu nhập tính thuế TNCN = Thu nhập chịu thuế TNCN – 10 triệu

Thu nhập từ bản quyền
  • Thu nhập chịu thuế TNCN là toàn bộ thu nhập cá nhân nhận được từ chuyển nhượng bản quyền
  • Thu nhập tính thuế TNCN là phần thu nhập vượt trên 10 triệu đồng theo hợp đồng chuyển nhượng.
Thu nhập từ nhượng quyền thương mại
  • Thu nhập chịu thuế TNCN là toàn bộ thu nhập cá nhân nhận được từ hoạt động nhượng quyền thương mại
  • Thu nhập tính thuế TNCN là phần thu nhập vượt trên 10 triệu đồng theo hợp đồng nhượng quyền thương mại.
Thu nhập từ trúng thưởng
  • Thu nhập chịu thuế TNCN là toàn bộ thu nhập cá nhân nhận được từ hoạt động trúng thưởng
  • Thu nhập tính thuế TNCN là phần giá trị giải thưởng vượt trên 10 triệu đồng mà người nộp thuế nhận được theo từng lần trúng thưởng.>
Thu nhập từ thừa kế
  • Thu nhập chịu thuế TNCN là toàn bộ thu nhập cá nhân nhận được từ thừa kế/li>
  • Thu nhập tính thuế TNCN là phần giá trị tài sản nhận thừa kế vượt trên 10 triệu đồng mỗi lần nhận.
Thu nhập từ quà tặng
  • Thu nhập chịu thuế TNCN là toàn bộ thu nhập cá nhân nhận được từ quà tặng
  • Thu nhập tính thuế TNCN là phần giá trị tài sản nhận quà tặng vượt trên 10 triệu đồng mỗi lần nhận.

(*) Lưu ý:

Do bài viết này chỉ nhằm làm rõ sự khác nhau giữa thu nhập chịu thuế TNCN và thu nhập tính thuế TNCN nên:

  • Mình chưa chỉ rõ các trường hợp đặc biệt – các khoản thu nhập không chịu thuế TNCN. Nội dung này sẽ được đề cập ở bài viết tiếp theo của chủ đề Thuế thu nhập cá nhân: “Thu nhập không không chịu thuế TNCN và Thu nhập miễn thuế TNCN”
  • Phạm vi văn bản áp dụng: Các văn bản về Thuế Thu nhập cá nhân áp dụng trong đề thi CPA

Trong bài thi các bạn có thể tập trung phân tích sự khác biệt giữa Thu nhập chịu thuế TNCN & Thu nhập tính thuế TNCN cho thu nhập từ tiền lương, tiền công nhé. Vì sự khác biệt là rõ ràng & hay được đề cập nhất mà.

2 bình luận về “[CPA – LT Thuế] Phân biệt “Thu nhập chịu thuế TNCN” & “Thu nhập tính thuế TNCN””

Bình luận đã đóng.

You cannot copy content of this page