[CPA – LT Thuế] Thuế Thu nhập cá nhân – Phần 1

Bài 4 của Series bài giảng lý thuyết Môn Thuế CPA – Chủ đề “Thuế thu nhập cá nhân” – Phần 1: Đối tượng nộp thuế TNCN là ai?

(Video 2)

Trong bài viết này chúng ta hãy bắt đầu với chủ đề: Thuế thu nhập cá nhân.

Có thể bạn quan tâm: Phân tích trọng tâm ôn tập lý thuyết môn Thuế – Đề thi CPA

Nhìn vào thống kê câu hỏi lý thuyết trong đề thi CPA các năm môn thuế dưới đây chúng ta sẽ thấy, PIT không phải là 1 chủ đề thường xuyên xuất hiện như CIT hay VAT.

Năm

PIT

CIT

VAT

TTĐB

XNK

QLT

2017 – Lẻ

❤︎

❤︎

2017 – Chẵn

❤︎

❤︎

2016 – Lẻ

❤︎

❤︎

2016 – Chẵn

❤︎

❤︎

2015 – Lẻ

❤︎

❤︎

2015 – Chẵn

❤︎

❤︎

2014 – Lẻ

❤︎

❤︎

2014 – Chẵn

❤︎

❤︎

2013 – Lẻ

❤︎

❤︎

2013 – Chẵn

❤︎

❤︎

2012 – Lẻ

❤︎

❤︎

2012 – Chẵn

❤︎

❤︎

❤︎

2011 – Lẻ

❤︎

❤︎

2011 – Chẵn

❤︎

❤︎

Tuy nhiên câu hỏi bài tập về PIT thì luôn xuất hiện cố định trong đề thi. Do vậy, sẽ là thiết sót nếu chúng ta không học nhuần nhuyễn các điểm trọng yếu của loại thuế này.

1. Thuế thu nhập cá nhân là gì?

THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN = “THUẾ + “THU NHẬP” + “CÁ NHÂN”

Thuế: hiểu đơn giản là khoản đóng góp bắt buộc người dân phải nộp cho nhà nước. Nói cách khác, thuế là nguồn thu của chính phủ để duy trì hoạt động chung cho xã hội.

Thu nhập: Loại thuế này sẽ tác động đến hay nói cách khác là được xác định dựa trên “thu nhập” trong “một thời kỳ nhất định” của đối tượng nộp thuế. Dùng từ chuyên ngành gọi là “cơ sở thuế” (“Tax base”) hoặc “đối tượng chịu thuế”.

Cá nhân: Đối tượng phải nộp thuế của loại thuế này là các “Cá nhân”.

Như vậy, tổng kết lại:

“Thuế thu nhập cá nhân là khoản đóng góp bắt buộc của cá nhân cho nhà nước & được xác định dựa trên cơ sở thu nhập của cá nhân đó”

Câu hỏi đặt ra là:

“Đối tượng nộp thuế TNCN là ai”? Và cá nhân đó sẽ phải nộp thuế thu nhập cá nhân cho những khoản thu nhập nào?

2. Đối tượng nộp thuế TNCN là ai?

Đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân là các cá nhân có thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân theo quy định.

Từ quy định này, chúng ta rút ra được kết luận rằng: “Bất kể bạn là ai, chỉ cần bạn có thu nhập chịu thuế tại Việt nam thì bạn vẫn sẽ là đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân tại Việt Nam.”

  • Người có quốc tịch Việt Nam. Kể cả khi không hiện diện ở Việt Nam vẫn có thể phải nộp thuế thu nhập cá nhân tại Việt Nam
  • Người không mang quốc tịch Việt Nam vẫn có thể phải nộp thuế thu nhập cá nhân tại Việt Nam

2.1. Đối tượng nộp thuế TNCN được chia làm 2 loại:

“Cá nhân cư trú” và “cá nhân không cư trú”.

Theo quy định, “Cá nhân cư trú” là người đáp ứng 1 trong 2 điều kiện sau đây:

(1) Hiện diện trên lãnh thổ Việt Nam từ 183 ngày trở lên tính trong một năm dương lịch hoặc trong 12 tháng liên tục kể từ ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam.

(2) Có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam theo 1 trong 2 tình huống: 

  • Có nơi ở thường xuyên theo quy định của pháp luật về cư trú. Công dân việt nam: có đăng ký thường trú & công dân nước ngoài: nơi ở ghi trong Thẻ thường trú/Thẻ tạm trú.
  • Có nhà thuê để ở tại Việt Nam với thời hạn của các hợp đồng thuê từ 183 ngày trở lên trong năm tính thuế

Trường hợp cá nhân có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam nhưng thực tế có mặt tại Việt Nam dưới 183 ngày trong năm tính thuế. Mà cá nhân không chứng minh được là cá nhân cư trú của nước nào thì cá nhân đó là cá nhân cư trú tại Việt Nam.

2.2. Tại sao phải phân chia đối tượng nộp thuế TNCN thành 2 loại?

  • Đối với cá nhân cư trú: thu nhập chịu thuế là thu nhập phát sinh trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam. Không phân biệt nơi trả và nhận thu nhập.
  • Đối với cá nhân không cư trú: thu nhập chịu thuế là thu nhập phát sinh tại Việt Nam. Không phân biệt nơi trả và nhận thu nhập.

Cùng xem các ví dụ sau để làm rõ về nội dung trên.

Ví dụ 1. Ông A là người Việt nam nhưng được công ty ở Việt nam cử sang công ty ở Nhật làm việc từ 1.1.2018 đến 31.12.2019. Trong năm 2018, ông A hiện diện ở Việt Nam 60 ngày. Ông A có thẻ thường trú ở Nhật trong 2 năm này. Trong năm 2018, ông A nhận được 2 nguồn thu nhập mỗi tháng:

  • Lương cố định 20 triệu/tháng do Công ty ở Việt nam chi trả cho công việc A thực hiện cho công ty
  • Lương thay đổi hàng tháng tuỳ thuộc vào hiệu quả công việc A thực hiện ở Nhật do Công ty ở Nhật chi trả

Yêu cầu:

  • Ông A có phải đối tượng nộp thuế TNCN không?
  • Xác định tình trạng cư trú của ông A trong năm 2018
  • Xác định phạm vi thu nhập phải nộp thuế ở Việt Nam (nếu có)?

(1) Đối tượng nộp thuế TNCN: Ông A nhận lương do Công ty ở Việt nam chi trả trong năm 2018. Nghĩa là A có thu nhập chịu thuế. Do vậy, A là đối tượng nộp thuế TNCN ở Việt Nam trong năm 2018.

(2) Tình trạng cư trú trong năm 2018:

  • Ông A hiện diện ở lãnh thổ Việt Nam < 183 ngày
  • Ông A là công dân Việt Nam nên sẽ có nơi ở thường xuyên ở Việt Nam. Nhưng A có thẻ thường trú tại Nhật. Nghĩa là ông A là cá nhân cư trú ở Nhật trong năm 2018.

Do vậy, ông A sẽ là cá nhân không cư trú ở Việt Nam trong năm 2018.

(3) Phạm vi thu nhập phải nộp thuế: Ông A sẽ phải nộp thuế tính trên thu nhập phát sinh tại Việt Nam (20 tr/tháng do Công ty tại VN chi trả).

Ví dụ 2. Ông B là người Nhật. Và được công ty ở Nhật cử làm Đại diện cho văn phòng đại diện của công ty ở VN. Năm 2018, B ở Việt Nam 190 ngày. Trong 2018, B nhận được 3 nguồn thu nhập sau:

  • Lương cho công việc làm đại diện ở VN do văn phòng đại diện tại VN trả
  • Lương cho công việc làm đại diện ở VN do công ty ở Nhật trả
  • Lương cho công việc tại Nhật do do công ty ở Nhật trả

Yêu cầu: Xác định tình trạng cư trú của ông B và phạm vi thu nhập phải nộp thuế ở Việt Nam

(1) Đối tượng nộp thuế TNCN: B phát sinh thu nhập chịu thuế ở Việt Nam trong 2018. B là đối tượng nộp thuế TNCN ở VN trong năm 2018.

(2) Tình trạng cư trú trong năm 2018: Ông B hiện diện ở lãnh thổ Việt Nam > 183 ngày. Do vậy, ông B sẽ là cá nhân cư trú ở Việt Nam trong năm 2018.

(3) Phạm vi thu nhập phải nộp thuế: Ông B sẽ phải nộp thuế tính trên toàn bộ thu nhập mà ông B nhận được trong năm 2018. Không phân biệt công ty ở Nhật hay VN chi trả. Tức là cả 3 nguồn thu nhập tình huống đề cập.

Cũng tình huống này nhưng nếu ông B ở Việt Nam là cá nhân không cư trú trong năm 2018. Khi đó, ông B sẽ chỉ phải nộp thuế cho “thu nhập phát sinh từ Việt Nam”. Đó là 2 nguồn thu nhập đầu tiên: lương nhận được cho công việc tại Việt Nam.

Vậy là xong. Hy vọng các bạn đã trả lời được 2 câu hỏi “Thuế thu nhập cá nhân là gì” & “Đối tượng nộp thuế TNCN là ai”. Trong bài viết tiếp theo, mình sẽ đi làm rõ nội dung về các loại thu nhập trong Thuế thu nhập cá nhân. Các bạn theo dõi nhé!

You cannot copy content of this page