Thu nhập từ Chuyển nhượng vốn và chứng khoán là 1 trong các loại thu nhập được xác định là “Thu nhập khác” khi tính thuế Thu nhập doanh nghiệp. Và các khoản Thu nhập khác thường sẽ phải xem xét riêng trong quá trình xác định nghĩa vụ thuế. Lý do vì chúng thường liên quan đến những quy định riêng về cách tính hay ưu đãi thuế, thuế suất. Trong bài viết này, chúng ta hãy đi tìm hiểu chi tiết cách tính thuế TNDN từ chuyển nhượng vốn và chuyển nhượng chứng khoán nhé.
Bài viết liên quan: Thuế TNDN/CIT: Bản chất và những điều cần biết
Trước tiên mình muốn làm rõ 1 vấn đề mà nhiều bạn thường nhầm lẫn. Đó là: Do văn bản quy định cách tính thuế riêng biệt cho thu nhập từ chuyển nhượng vốn và thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán. Nên nhiều bạn cho rằng: Thu nhập từ chuyển nhượng vốn và Thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán là 2 loại thu nhập khác nhau.
Nhưng sự thật là: Thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán là 1 phần của Thu nhập từ chuyển nhượng vốn.
Cụ thể, theo quy định tại văn bản về thuế TNDN thì thu nhập từ chuyển nhượng vốn sẽ bao gồm:
- Thu nhập từ việc chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ số vốn đã đầu tư vào doanh nghiệp, kể cả trường hợp bán doanh nghiệp
- Thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán
- Thu nhập từ chuyển nhượng quyền góp vốn
- Các hình thức chuyển nhượng vốn khác theo quy định của pháp luật;
Sở dĩ văn bản quy định riêng cho thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán vì loại thu nhập này sẽ có sự khác biệt nhất định so với các khoản mục khác của thu nhập từ chuyển nhượng vốn.
Sau đây, chúng ta hãy cùng đi xem cách xác định thuế TNDN từ chuyển nhượng vốn (không bao gồm thu nhập từ chứng khoán) trước. Sau đó sẽ đi tìm hiểu về loại hình chuyển nhượng chứng khoán sau nhé.
Phần 1. Cách tính thuế TNDN từ chuyển nhượng vốn
Về quy định tính thuế TNDN từ chuyển nhượng vốn, chúng ta cần nắm được 2 nội dung kiến thức sau:
- Thời điểm phải xác định thu nhập chịu thuế?
- Cách tính thuế TNDN và xác định các yếu tố tính thuế?
Để dễ nhớ, mình đã tóm tắt sơ đồ sau. Các bạn xem hình minh hoạ và các lưu ý kèm theo nhé:
Lưu ý:
[1] Như đã nói, thu nhập từ chuyển nhượng vốn của doanh nghiệp không bao gồm chuyển nhượng chứng khoán nên ta hiểu rằng: Chuyển nhượng vốn ở đây không bao gồm các giao dịch với công ty cổ phần nhé. Ví dụ: có thể là chuyển nhượng vốn tại công ty TNHH, công ty hợp danh, hợp đồng liên doanh,..Vì nếu là chuyển nhượng ở công ty cổ phần thì lại thành chuyển nhượng chứng khoán rồi.
[2] Với trường hợp doanh nghiệp bán toàn bộ Công ty TNHH một thành viên do tổ chức làm chủ sở hữu dưới hình thức chuyển nhượng vốn có gắn với bất động sản: Việc kê khai và nộp thuế TNDN sẽ được thực hiện chung theo hoạt động chuyển nhượng bất động sản. Cái này khi nào sang phần chuyển nhượng BĐS mình sẽ giải thích thêm.
[3] Về việc kê khai, khấu trừ khi 1 đối tượng tham gia giao dịch là tổ chức nước ngoài:
- Tất nhiên nếu bên chuyển nhượng và có thu nhập là công ty Việt Nam: Bên Việt Nam sẽ kê khai thu nhập này là Thu nhập khác và tính vào tổng TNCT từ hoạt động kinh doanh như trên sơ đồ.
- Nhưng nếu bên chuyển nhượng vốn và có thu nhập là nhà thầu nước ngoài: Với nguyên tắc quản lý thuế là túm người có tóc. Nên bên Việt Nam – bên nhận chuyển nhượng sẽ có trách nhiệm xác định, kê khai, khấu trừ và nộp thay.
- Nếu cả 2 bên chuyển nhượng và nhận chuyển nhượng đều là nhà thầu nước ngoài: Doanh nghiệp Việt Nam, nơi 2 bên nhà thầu nước ngoài đầu tư vốn, sẽ có trách nhiệm kê khai và nộp thay số thuế TNDN từ hoạt động chuyển nhượng vốn này.
Và khi bên Việt Nam đứng ra kê khai, nộp thuế thay cho bên nước ngoài thì việc kê khai sẽ thực hiện theo quy định về quản lý thuế đối với nhà thầu nước ngoài. Tức là, kê khai theo từng lần phát sinh, với thời hạn là 10 ngày kể từ ngày phát sinh.
[4] Giao dịch chuyển nhượng vốn bằng đồng ngoại tệ: Các bạn thấy rằng thông tư về thuế TNDN hiện tại chưa đề cập đến tình huống khi:
- 2 bên chuyển nhượng và nhận chuyển nhượng vốn đều là tổ chức nước ngoài.
- Chỉ có doanh nghiệp mục tiêu, nơi 2 bên có hoạt động chuyển nhượng vốn là công ty việt nam.
Với tình huống này, chúng ta có thể tham khảo công văn hướng dẫn của các cục thuế địa phương. Theo đó, giá chuyển nhượng cũng sẽ được quy đổi sang đồng Việt Nam theo tỷ giá mua vào của Ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp mở tài khoản tại thời điểm chuyển nhượng.
Cùng đi xem ví dụ sau để hiểu rõ hơn nhé.
Tình huống 1. I Co là công ty mẹ của 1 tập đoàn hoạt động trong nhiều lĩnh vực. I Co góp vốn cho các công ty trong tập đoàn và tham gia vào hoạt động quản lý điều hành & thực hiện các khoản đầu tư tài chính bằng cách mua bán cổ phiếu của các công ty trong tập đoàn.
31.3.2019, I Co bán toàn bộ 40% vốn ở IT Co – 1 liên doanh giữa I Co và T Co (1 công ty nước ngoài) cho T Co với gián $6m. Tỷ giá mua vào – bán ra vào 31.3.2019 là VND22,800–22,810. Tại thời điểm chuyển nhượng vốn, I Co sử dụng VND là đồng tiền hạch toán. IT Co được thành lập với tổng vốn là $10m vào T2.2008 khi tỷ giá là VND16,000 for 1USD. Vốn đầu tư này không thay đổi cho đến ngày chuyển nhượng. Và BCTC đã kiểm toán của IT Co tại 31.3.2019 phản ánh vốn đầu tư của công ty sử dụng tỷ giá tại ngày góp vốn. I Co phát sinh chi phí chuyển nhượng là 200 triệu. Chi phí có chứng từ hỗ trợ hợp lệ.
(1) Giải thích nguyên tắc áp dụng khi xác định giá bán và giá gốc khi tính CIT cho 1 giao dịch chuyển nhượng vốn khi:
- Công ty mục tiêu sử dụng đồng tiền ngoại tệ là đồng tiền cơ sở
- Công ty mục tiêu sử dụng VND là đồng tiền cơ sở
(2) Tính nghĩa vụ thuế TNDN từ chuyển nhượng vốn mà I Co phải kê khai cho giao dịch chuyển nhượng tại T Co
Đáp án
(1) Nguyên tắc xác định giá bán và giá gốc của giao dịch chuyển nhượng vốn
TH1. Khi đồng tiền cơ sở là đồng ngoại tệ
Giá bán là tổng số tiền thu được bằng ngoại tệ. Giá vốn sẽ được xác định theo ngoại tệ dựa trên vốn góp ban đầu hoặc giá mua theo hợp đồng khi phần vốn là do mua lại
TH2. Khi đồng tiền cơ sở là đồng việt nam
Giá bán là tổng số tiền ngoại tệ chuyển đổi sang VND sử dụng tỷ giá mua vào của Ngân hàng thương mại tại thời điểm chuyển nhượng.
Còn giá vốn:
- Khi phần vốn góp là để thành lập doanh nghiệp: giá vốn được xác định dựa trên giá trị ghi nhận trên sổ sách được các bên chấp thuận hoặc được thể hiện rõ trên BCTC đã kiểm toán.
- Khi phần vốn góp được mua lại: giá vốn được xác định là giá mua trên hợp đồng
Trong cả 2 trường hợp, số tiền ngoại tệ được chuyển đổi sang VND sử dụng tỷ giá mua vào của Ngân hàng thương mại tại thời điểm góp vốn/mua lại phần vốn góp
(2) Tính thuế TNDN từ chuyển nhượng vốn tại T Co mà I Co phải kê khai
Tình huống của chúng ta thuộc trường hợp 2 đề cập bên trên nhé.
- Giá chuyển nhượng: $6m * 22.800 = 136.8 tỷ
- Giá mua của phần vốn được chuyển nhượng: $10m * 40% * 16,000 = 64 tỷ
- Chi phí chuyển nhượng được trừ: 200 triệu
- Thu nhập chịu thuế từ chuyển nhượng vốn: 136.8 tỷ – 64 tỷ – 200 triệu = 72.6 tỷ
- Thuế TNDN từ chuyển nhượng vốn: 72.6 tỷ * 20% = 14.52 tỷ
Phần 2. Cách tính thuế TNDN từ chuyển nhượng chứng khoán
Về quy định tính thuế TNDN từ chuyển nhượng chứng khoán, chúng ta cần nắm được các kiến thức sau:
- Loại thu nhập này bao gồm các khoản thu nhập nào?
- Thời điểm phải xác định thu nhập chịu thuế?
- Cách tính thuế TNDN và xác định các yếu tố tính thuế
Để dễ nhớ, mình đã tóm tắt sơ đồ sau. Các bạn xem dưới đây:
Ví dụ 2. Tiếp tục tình huống ở Phần 1. Vào T10.2019, I Co bán 60% cổ phần của M Co cho B Co – 1 nhà đầu tư nước ngoài với giá 150 tỷ. M Co là công ty cồ phần thành lập vào 2017 với vốn cổ phần là 100 tỷ. Trong đó: I Co đóng góp 45% theo mệnh giá.
Vào T1.2019, I Co mua thêm 30% cổ phiếu của M Co với giá 70 tỷ. B Co đã thanh toán 50 tỷ theo giá mua vào T10.2019. 100 tỷ còn lại thanh toán vào T3.2020 cùng với lãi nộp chậm là 6 tỷ. I Co phát sinh chi phí chuyển nhượng là 150 triệu. Chi phí có chứng từ hỗ trợ hợp lệ. I Co thu thập xác nhận bằng văn bản của cơ quan thuế để được áp dụng FIFO khi xác định giá gốc của cổ phiếu M Co.
Yêu cầu: Tính nghĩa vụ thuế TNDN từ chuyển nhượng vốn mà I Co phải kê khai cho giao dịch chuyển nhượng tại M Co
Đáp án
Thu nhập tính thuế TNDN từ chuyển nhượng chứng khoán = Giá bán – Giá mua – Chi phí chuyển nhượng
Trong đó:
Giá bán chứng khoán: là giá chuyển nhượng ghi trên hợp đồng chuyển nhượng (150 tỷ). Khoản tiền lãi chậm nộp 6 tỷ sẽ không được tính vào giá bán chứng khoán.
Giá mua chứng khoán:
Trong tình huống này, I Co sở hữu 45% cổ phiếu của M Co theo mệnh giá (100 tỷ * 45% = 45 tỷ) và 30% cổ phiếu của M theo giá 70 tỷ. Như vậy, khi bán 60% cổ phiếu của M Co đi, I Co sẽ phải áp dụng phương pháp tính giá trị của số cổ phiếu bị bán đi. Và tình huống đã cho thông tin là I Co được cơ quan thuế chấp nhận áp dụng phương pháp FIFO. Do đó: 60% cổ phiếu M Co bán đi sẽ bao gồm: 45% cổ phiếu trị giá 45 tỷ và 15% cổ phiếu trị giá 35 tỷ (70 tỷ/2).
- Ta tính ra được Giá mua chứng khoán sẽ là: 45 tỷ + 35 tỷ = 80 tỷ
- Chi phí chuyển nhượng: 150 triệu
- Thu nhập tính thuế TNDN từ chuyển nhượng chứng khoán: 150 tỷ – 80 tỷ – 150 triệu = 69.85 tỷ
- Thuế TNDN từ chuyển nhượng chứng khoán phải nộp: 69.85 tỷ * 20% = 13.97 tỷ
Vậy là xong. Các bạn có thể tham khảo thêm Video bài giảng liên quan ở đây:
Chị ơi, đã có nội dung còn lại “Chuyển lỗ” & “Ưu đãi thuế TNDN” chưa vậy chị?
Hi em chưa có em nha. Chắc phải sang tháng 10 chị mới quay lại F6. 🙂