Skip to content

4 chỉ dẫn để thoát khỏi bế tắc và sống trọn vẹn

# Dành cho những bạn đã và đang cảm thấy bế tắc trong cuộc sống, công việc #

Ai chắc cũng sẽ gặp phải khủng hoảng tuổi 30, rồi đến khủng hoảng tuổi 35 nhỉ? 

Khủng hoảng đến với những dấu hiệu về sự chán nản, mệt mỏi, cạn kiệt năng lực. Là những lúc mà bất kể đang có công việc tốt, thu nhập nhất, gia đình tốt, chúng ta vẫn bị cảm giác hoang mang, trống rỗng, mất phương hướng đeo bám. 

Với mình thì khủng hoảng tuổi 35 dữ dội hơn khủng hoảng tuổi 30 rất rất nhiều. Điều mình cảm thấy may mắn nhất là lần này, mình nhận được sự hỗ trợ quý giá từ Amico Sensei – người đã dạy thư pháp cho mình mấy năm nay. Nhân ngày nghỉ rảnh rỗi, mình cố gắng tạm dịch lại những chia sẻ của Sensei, hy vọng giúp ích được cho nhiều người đã và đang gặp tình trạng như mình.

4 HÀNH TRÌNH SỐNG 

Khi bắt đầu, chúng ta luôn cảm thấy hứng khởi, hào hứng với những mơ ước, khát vọng, mục đích sống của bản thân. Nhưng rồi khi khó khăn ập đến dồn dập, chúng ta sẽ mệt mỏi chống đỡ, và rồi quên mất đi ước mơ, mục đích ban đầu của mình. Chúng ta sẽ chấp nhận thoả hiệp, sống 1 cuộc sống không có mục đích. Bởi vì đây là lựa chọn dễ dàng hơn nhiều. 

Nhưng chúng ta sẽ luôn cảm thấy có gì đó “bị thiếu thiếu”. Cảm giác hoang mang, mất phương hướng từ đó mà sinh ra. Ngay cả những nhà thông thái nhất cũng từng phải trải qua trạng thái này. Vậy nên chúng ta có bị như vậy cũng không có gì phải ngạc nhiên cả. Điều này là hoàn toàn bình thường!

Theo triết lý xưa của người Nhật, sẽ có 4 chỉ dẫn, 4 hành trình sống mà chúng ta có thể đi theo để thoát khỏi trạng thái bế tắc này và tiến về phía trước.

1. Tenmei

Trong đó:Ten là bầu trời, thiên đàng và Mei là cuộc đời, hành trình sống. Nên theo đúng nghĩa đen thì nó có nghĩa là cuộc đời được vũ trụ ban tặng. 

Đây là những phẩm chất, đặc điểm của chúng ta kể từ khi bắt đầu đến với thế giới, trước khi tiếp nhận mọi sự giáo dục, dạy dỗ. Đây là những đặc trưng cốt lõi quyết định chúng ta là ai? 

Đây có thể là điểm mạnh, cũng có thể là điểm yếu. Nhưng quan trọng hơn tất cả, chúng ta cần phải nhận biết được chúng, tức là những điểm mạnh và điểm yếu của bản thân. “Sự nhận biết” cũng chính là khía cạnh quan trọng nhất của hành trình sống này. 

Kết luận:

Sự nhận biết sẽ giúp chúng ta tìm ra giải pháp để chuyển hoá những điểm còn hạn chế thành sức mạnh. Bởi vì những điểm hạn chế này cũng chính là 1 phần trong phẩm chất của chúng ta, tồn tại trong hành trình sống do vũ trụ ban tặng cho chúng ta. Và quá trình nhận biết, không ngừng tìm giải pháp để chuyển hoá các điểm yếu sẽ định hình nên hành trình sống đầu tiên này của chúng ta. Bất kể giải pháp có thành công hay không, chỉ cần không ngừng lại thì quá trình này vẫn sẽ giúp chúng ta đạt được sự cân bằng, điểm mạnh có thể bù đắp cho điểm yếu. 

2. Shukumei

Trong đó: Shuku nghĩa là tồn tại, sống và Mei là cuộc đời, hành trình sống. Như vậy, theo nghĩa đen thì đây có nghĩa là cuộc sống tồn tại bên trong bạn. Kiểu như là linh hồn tồn tại trong bản thân chúng ta. Người Nhật luôn tôn trọng những người đi trước, những triết lý xưa, tin tưởng vào linh hồn, tin tưởng vào nghiệp, vào kiếp trước, sự luân hồi tái sinh. (Admin: Giống việt nam nhỉ?)

Hành trình sống này thường được nhắc đến với cái tên là “Định mệnh”. Nó là điều chúng ta có, nhưng chúng ta không thể thay đổi. Ví dụ như: màu da, nơi sinh, bố mẹ, gia đình, môi trường chúng ta được nuôi dưỡng… Và vì không thể thay đổi nó, nên nhiều khi chúng ta sẽ cảm thấy mình là nạn nhân của 1 cuộc sống không may mắn, với những câu hỏi như: “Tại sao tôi lại không có cái này?”, “Tại sao tôi lại không được như kia?”

Nhưng đây chính là điều mà hành trình sống này dạy chúng ta. Bởi vì khía cạnh quan trọng nhất của hành trình sống này chính là: “Sự vượt qua”.

Số phận sẽ luôn có những thách thức, những đau khổ và chúng ta phải vượt qua nó để có 1 cuộc sống trọn vẹn. 

Nói theo 1 cách nào đó, thì chúng ta đến thế giới này để học hỏi, chữa lành. Tôi cũng không biết tại sao, nhưng đây là điều chúng ta phải làm. Chúng ta đến thế giới này để học hỏi, để chữa lành cho chính bản thân mình khỏi những nỗi đau, những thách thức mà có thể chúng ta phải thừa kế từ chính những thế hệ đi trước và thậm chí là kiếp trước của mình. Ví dụ, có những sai lầm, những nỗi đau mà bố mẹ nhận được từ sự nuôi dạy của rất nhiều các thế hệ đi trước, và sau đó họ lại truyền cho chúng ta. Nhưng chúng ta tôn trọng, chứ không phải chấp nhận những sai lầm, những mệt mỏi đó. Chúng ta có thể trở thành người đối mặt với những vấn đề đó, và vượt qua, tránh xa khỏi những định mệnh này. 

Kết luận:

Điều hành trình sống này dạy chúng ta đó là: Có những điều nhất định mà chúng ta không thể thay đổi. Chúng ta không thể thay đổi bố mẹ, không thể thay đổi màu da… Nhưng chúng ta có thể học từ chúng, có thể chữa lành và vượt quá chúng, vượt qua những gì được gọi là “định mệnh” đang kéo chân chúng ta lại trên hành trình sống của mình.

3. Unmei

Trong đó: Un nghĩa là chuyển động, cung cấp và Mei nghĩa là cuộc đời, hành trình sống. Hành trình sống này thường được nhắc đến với thuật ngữ “Số phận”. 

Với 2 hành trình sống trước, là điều được sinh ra cùng chúng ta khi bắt đầu đến với thế giới và ta không thể thay đổi. Và chúng ta phải học cách để vượt qua, vượt lên trên chúng. Nhưng số phận là hành trình sống mà chúng ta có thể thay đổi tuỳ theo mong muốn.

Điều quan trọng nhất mà hành trình sống này dạy chúng ta, đó là: “Số phận không phải là đích đến của bạn, nó là 1 cuộc hành trình”.

Chúng ta nghĩ rằng số phận là 1 điểm mà chúng ta được định trước ở đó. Nhưng điều đó không đúng. Số phận là cách chúng ta trải qua hành trình sống của mình. Nó luôn thay đổi không ngừng hàng ngày, theo mỗi bước đi, mỗi lựa chọn, mỗi quyết định của chúng ta. 

Kết luận:

Hành trình sống này dạy chúng ta phải đưa ra các quyết định, các lựa chọn 1 cách “có ý thức”. . Luôn “có ý thức” trong những lựa chọn hàng ngày, dù là nhỏ nhất. (Admin: Từ này chắc mình dịch hơi tối nghĩa, đại loại là chúng ta phải hiểu: Tại sao mình lại đưa ra quyết định này? Dù là khi ta quyết định đi tập gym, hay khi ta quyết định ăn lành mạnh)

Dù chúng có thể chẳng có tý liên quan nào đến từ “số phận” cả. Nhưng những lựa chọn này đều vô cùng quan trọng, vì chúng đều sẽ định hình “số phận” của chúng ta. Vì vậy, hãy luôn “có ý thức” với những lựa chọn của chính bạn. Hãy luôn tự hỏi: Liệu quyết định này có giúp chúng ta trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình không? Có giúp chúng ta hạnh phúc không? Có giúp chúng ta yêu bản thân không? Hay chúng ta thực hiện những lựa chọn này chỉ vì chúng ta lười, vì chúng ta không thích nó, vì chúng ta lo sợ. 

4. Shimei

Trong đó: Shi là sử dụng, phục vụ và Mei là cuộc đời, hành trình sống. Hiểu theo nghĩa đen là: “Sống để phục vụ”. Là 1 con người, mục đích sống lớn nhất của của mỗi người chúng ta sẽ là: Sống để phục vụ, để đáp đền tiếp nối.

Thuật ngữ thường được sử dụng khi nhắc đến hành trình này là: “Nhiệm vụ”, “Sứ mệnh” hay “Mục đích sống”.

Và có 1 điều thú vị rằng, thực ra chúng ta cảm thấy hạnh phúc nhất, cảm giác hạnh phúc mạnh mẽ nhất, là khi chúng ta đóng góp cho hạnh phúc của những người khác. Và đóng góp đó không cần phải là điều gì vĩ đại lớn lao. Nó có thể là điều hoàn toàn bé nhỏ như cầm tay dạy người khác viết chữ. Chúng ta không cần phải trở thành nổi tiếng, giỏi giang như Elon Musk để đóng góp vào hạnh phúc của những người khác.

Chúng ta thường phải vật lộn với cuộc sống vì mỗi khi chúng ta quyết định thực hiện sứ mệnh, mục đích sống của mình. Và chúng ta bắt đầu cảm thấy: Ôi, tôi không có thời gian, không có đủ tiền để bắt đầu 1 việc mới. …Chúng ta phải đương đầu với rất nhiều rủi ro, rất nhiều sự không thể gắn liền với lựa chọn mục đích sống của mình. Và dần dần chúng ta mất đi động lực để thực hiện hành trình sống có mục đích. Hãy nhớ rằng, điều quan trọng nhất của hành trình sống này chính là: Thách thức.

Không bao giờ có chuyện chúng ta chỉ đi trên một con đường bằng phẳng và rồi lên đến đỉnh. Tôi biết nhiều người mong muốn nhưng vậy. Nhưng đó là điều không bao giờ có. Đừng mơ mộng viển vông. Cuộc sống luôn là 1 con đường gồ ghề khó đi. Bạn có thể bị ngã, bị chấn thương, bị chảy máu. Nhưng đó chính là những rủi ro bạn phải đương đầu để bước đi và thực hiện hành trình sống của mình. 

Kết luận:

Bạn phải tìm ra cách bạn có thể thách thức những điều không thể, vượt qua những trở ngại này. Thay vì phàn nàn rằng: Tôi không thể, tôi không có cái này, tôi không có cái kia… Thì chúng ta cần thay đổi cách trao đổi với chính bản thân mình. Bởi vì toàn bộ hành trình sống này chính là về “Sự thách thức.” 

Tôi biết rằng, phần lớn thời gian chúng ta đều lo sợ, vì chúng ta có quá nhiều trách nhiệm và ràng buộc, gia đình, con cái, bố mẹ…Khi chúng ta thành công rồi, tất nhiên mọi việc thật vui vẻ ,thú vị. Nhưng trước đó thì tất nhiên là không, thậm chí là ngược lại. Nhưng nếu không thách thức khó khăn, chúng ta sẽ không thể hoàn thành hành trình sống của mình trọn vẹn. 

Tổng kết về 4 bài học để thoát khỏi bế tắc trong cuộc sống

4 bài học mà những hành trình sống này dạy cho chúng ta, đó là: Nhận biết bản thân – Vượt qua định mệnh – Lựa chọn có ý thức – Thách thức khó khăn.

Bạn có thể nghe đến rất nhiều học thuyết khác. Nhưng về cơ bản cũng đều sẽ đề cập đến những bài học này. Và đừng bao giờ đặt ra mục tiêu rằng tôi sẽ giàu trong 6 tháng, tôi sẽ trở thành ABC trong 1 năm… Mọi hành trình đều cần thời gian. Và sự kiên trì, bền bỉ chính là thách thức lớn nhất bạn cần vượt qua để thực hiện hành trình sống của mình một cách trọn vẹn.

(Admin: Thực sự với cá nhân mình, sự kiên trì, bên bì chính là thách thức lớn nhất mình cần vượt qua)

PS: Có thể các bạn sẽ thấy đôi chỗ đọc bị tối nghĩa. Tất cả là do trình độ dịch lởm của mình thôi. Tiếng anh không phải ngôn ngữ chính của cả mình và Sensei. Các bạn thông cảm.

Published inCHIA SẺ

Be First to Comment

    Trả lời

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *