[CPA – BT Phân tích] Dạng bài phân tích Hiệu suất sử dụng vốn

Bài số 8/9 của Series các dạng bài tập của Đề thi CPA Môn Phân tích: Dạng bài phân tích Hiệu suất sử dụng vốn & tài sản – Hiệu suất sử dụng vốn là gì? Cách phân tích?

Có thể nói đây chính là dạng bài “thần thánh” vì mật độ xuất hiện của nó trong kỳ thi CPA môn Phân tích các năm.

Có thể bạn quan tâm: Tổng hợp dạng bài tập Đề thi CPA Môn Phân tích

Phần 1. Các chỉ tiêu phân tích liên quan

Thực chất để phân tích về hiệu suất & hiệu quả sử dụng vốn, chúng ta sẽ cần phân tích 3 nội dung sau:

  • Sức sinh lợi của vốn
  • Sức sản xuất của vốn (hiệu suất sử dụng vốn)
  • Suất hao phí của vốn

Nội dung thứ 1 đã được tách thành 1 dạng bài riêng: Dạng bài đánh giá khả năng sinh lời của vốn

Chúng ta sẽ xem xét Nội dung thứ 2 và thứ 3 trong bài viết này.

(1) Hiệu suất sử dụng vốn là gì?

Hiệu suất sử dụng vốn cho biết một đơn vị đầu vào vốn đầu tư đem lại mấy đơn vị kết quả đầu ra. Hiệu suất sử dụng vốn càng cao chứng tỏ công ty sử dụng vốn càng hiệu quả.

Tuỳ mục đích phân tích, hiệu suất sử dụng vốn có thể được phân tích theo 2 nội dung: Hiệu suất sử dụng vốn kinh doanh và Tốc độ luân chuyển vốn lưu động.

Hiệu suất sử dụng vốn kinh doanh HSkd

Ý nghĩa: Đánh giá một cách khái quát công tác phân bổ, quản lý, sử dụng vốn của doanh nghiệp có hợp lý, hiệu suất sử dụng vốn có phù hợp với đặc thù của ngành nghề kinh doanh hay không? Doanh nghiệp đang quản lý, sử dụng vốn tốt hay không tốt? Trọng điểm cần xem xét, quản lý nhằm nâng cao hiệu suất sử dụng vốn kinh doanh của DN trong kỳ?

Cách tính:

Cách tính 1HSkd = Tổng Luân chuyển thuần / Số dư bình quân Vốn kinh doanh
Trong đó:
Tổng luân chuyển thuần = Doanh thu thuần + Doanh thu tài chính + Thu nhập khác
Số dư bình quân VKD = (VKD dk + VKD ck)/2
Cách tính 2HSkd = Hệ số đầu tư ngắn hạn Hdt * số vòng quay TSNH
Trong đó:
Hdt = Tổng TSNH bình quân/ Tổng TS bình quân
Số vòng quay TSNH SV = Tổng luân chuyển thuần/Số dư bình quân TSNH
Ảnh hưởng của các nhân tố đến HSkd:Phân tích ảnh hưởng của 2 nhân tố theo pp loại trừ ảnh hưởng:
Nhân tố Hệ số đầu tư ngắn hạn Hdt = (Hdt1 – Hdto) * Số vòng quay TSNHo
Nhân tố Hệ số vòng quay TSNH = (SV1 – SVo) * Hdt1

Tốc độ luân chuyển vốn lưu động 

Ý nghĩa: Số vòng quay của TSNH cho biết trong kỳ TSNH quay được mấy vòng. Số vòng quay càng lớn, thời gian của một vòng luân chuyển càng nhỏ. Tốc độ luân chuyển của TSNH càng cao. Hiệu quả sử dụng tài sản càng cao và ngược lại.

Cách tính: 

1. Tốc độ luân chuyển Tài sản ngắn hạnSố vòng quay TSNH SV = Tổng luân chuyển thuần/Số dư bình quân TSNH
Thời gian 1 vòng luân chuyển = Thời gian trong kỳ / Số vòng luân chuyển
2. Tốc độ  luân chuyển Hàng tồn khoSố vòng quay HTK = Giá vốn hàng bán (GV)/ Trị giá hàng tồn kho bình quân (Stk)
Kỳ hạn luân chuyển HTK= Thời gian trong kỳ/ Số vòng quay HTK
3. Tốc độ  luân chuyển Khoản phải thuSố vòng quay KPT (kỳ thu tiền) = Doanh thu/ Số dư KPT bình quân
Kỳ hạn luân chuyển KPT = Thời gian trong kỳ/ Số vòng quay KPT
4. Ảnh hưởng của các nhân tố đến SVQ:
(Tính ngược lại cho Thời gian luân chuyển)
Nhân tố TSNH bq = Tổng LCT kỳ gốc * (1/ TSNH kỳ phân tích – 1/TSNH kỳ gốc)
Nhân tố Tổng luân chuyển thuần = (LCT kỳ phân tích – LCT kỳ gốc)/ TSNH kỳ phân tích

3 điểm cần lưu ý:

  • Theo mình thấy thì đề bài thường hỏi về 1 khía cạnh cụ thể của hiệu suất sử dụng vốn. Ví dụ như tốc độ luân chuyển Tài sản ngắn hạn, HTK, hoặc Khoản phải thu và Khoản phải trả.
  • Thời gian trong kỳ có thể là 30 ngày, 90 ngày, 360 ngày hoặc 365 ngày tuỳ đề bài.
  • Ngoài ra, đề bài có thể yêu cầu xác định cả mức tiết kiệm/lãng phí tài sản. Nội dung này cũng rất đơn giản thôi:

Số TSNH tiết kiệm hay lãng phí = Tổng luân chuyển thuần kỳ phân tích * Chênh lệch thời gian 1 vòng luân chuyển giữa kỳ phân tích & kỳ gốc / Thời gian trong kỳ.

(2) Suất hao phí của vốn/Tài sản

Suất hao phí của vốn cho biết: để có một đơn vị đầu ra, doanh nghiệp phải hao phí mấy đơn vị vốn đầu tư đầu vào. Suất hao phí của vốn càng nhỏ, chứng tỏ hiệu quả kinh doanh càng cao và ngược lại.

Chỉ tiêu quan trọng thường được sử dụng là:

Suất hao phí của tổng TS so với LNST=Tổng TS/LNST=(Tổng TS/VCSH) * (VCSH/LNST)=Hệ số TS/VCSH * Suất hao phí VCSH trên LNST

Để giảm suất hao phí, doanh nghiệp phải xác định một cấu trúc tài chính hợp lý. Sao cho vừa bảo đảm vốn cho kinh doanh, bảo đảm an ninh tài chính lại vừa có hiệu quả nhất.

Tuy nhiên, trong chừng mực nhất định, 2 nhân tố TS/VCSH và VCSH/LNST có quan hệ ngược chiều nhau. Vì thế, để giảm suất hao phí, phải có giải pháp nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Sao cho tăng lượng hàng hóa bán ra, giữ nguyên hoặc tăng được giá bán. Tiết kiệm chi phí, hạ giá thành sản phẩm để tăng lợi nhuận…

OK. Sau khi đã hiểu được Hiệu suất sử dụng vốn là gì cũng như cách phân tích hiệu suất sử dụng vốn/tài sản. Chúng ta hãy cùng đi xem cách xử lý dạng bài này trong Đề thi CPA Môn Phân tích.

Phần 2. 3 Bước làm bài tập phân tích hiệu suất sử dụng vốn

Bước 1: Tính các chỉ tiêu phân tích cùng với các nhân tố ảnh hưởng

Bước 2: Phân tích biến động của Hiệu suất kinh doanh/ Suất hao phí vốn và các nhân tố ảnh hưởng.

Bước 3. Kết luận tổng thể.

Các bạn tham khảo ví dụ sau.

Tình huống: Đề thi CPA môn Phân tích Năm 2015 – Đề Lẻ – Câu 5

Đáp án:

(YC1) Phân tích tốc độ luân chuyển của TS ngắn hạn

Bước 1. Lập bảng tính toán các chỉ tiêu tài chính cơ bản

Chỉ tiêuNăm NNăm N+1+/-%
1.Tổng luân chuyển thuần49,50060,89411,39423.02%
2.Tài sản ngắn hạn bình quân9,90010,89099010.00%
3.Số vòng luân chuyển của TSNH5.05.60.612.00%
4.Thời gian 1 vòng luân chuyển (T)72.064.4-7.6-10.58%
5.Mức độ ảnh hưởng của các nhân tố
MĐAH của TSNH đến T  7.2
MĐAH của LCT đến T  -14.82

Bước 2. Phân tích chi tiết

– Số vòng luân chuyển của TSNH năm N+1 tăng 0.6 vòng so với năm N (tương ứng 12%). Thời gian luân chuyển 1 vòng của TSNH giảm đi 7.6 ngày so với năm N.Điều này cho thấy hiệu quả sử dụng tài sản ngắn hạn của doanh nghiệp tăng qua 2 năm. Đây là một tín hiệu tích cực về hiệu quả kinh doanh và hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp.

– Nguyên nhân của sự thay đổi tích cực này là do tốc độ gia tăng của LCT cao hơn tốc độ gia tăng của TSNHbq (tương ứng 23.2% và 10%). Trong đó:

  • TSNH bình quân là một chỉ tiêu thay đổi cùng chiều với Thời gian 1 vòng luân chuyển của TSNH. TSNH bình quân tăng 990 tương đương 10%, đã làm cho Thời gian 1 vòng luân chuyển tăng 7.2 ngày.
  • Tổng luân chuyển thuần là một chỉ tiêu thay đổi ngược chiều với Thời gian 1 vòng luân chuyển của TSNH. TLCT thuần tăng 11.394 tương đương 23.02%, đã làm cho Thời gian một vòng luân chuyển giảm 14.82 ngày.

Bước 3. Kết luận

Số vòng luân chuyển của TSNH tăng lên, Thời gian 1 vòng luân chuyển giảm đi. Hiệu quả sử dụng tài sản của doanh nghiệp đang được nâng cao.

(YC2) Xác định mức tiết kiệm hoặc lãng phí TSNH do thay đổi tốc độ luân chuyển TSNH

Số TSNH tiết kiệm do thay đổi tốc độ luân chuyển TSNH:

= Tổng luân chuyển thuần kỳ phân tích * Chênh lệch thời gian 1 vòng luân chuyển giữa 2 kỳ/360 = -1.288.8 triệu

=> Số TSNH tiết kiệm được là 1.288.8 triệu

(YC3).  Biện pháp đẩy nhanh tốc độ luân chuyển TSNH

Sử dụng vốn ngắn hạn tiết kiêm và tăng cường hiệu quả sử dụng vốn ngắn hạn thông qua các biện pháp quản trị vốn lưu động:

  • Tiền và tương đương tiền: Duy trì một lượng tồn quỹ hợp lý, tăng cường hoạt động đầu tư hiệu quả từ nguồn tiền nhàn rỗi, nhằm tối đa hoá luân chuyển thuần cho doanh nghiệp, tránh tình trạng dự trữ quá nhiều gây nên lãng phí vốn
  • Nợ phải thu: Quản trị nợ phải thu thông qua đưa ra chính sách tín dụng hợp lý nhằm thúc đẩy tăng doanh thu. Xem xét về tình hình tín dụng của khách hàng trước khi bán chịu. Quản lý tốt việc thu hồi nợ khách hàng nhằm giảm bớt việc chiếm dụng vốn của doanh nghiệp.
  • Hàng tồn kho: Duy trì một lượng tồn kho hợp lý bằng cách đánh giá và nghiên cứu thị trường, xem xét thị hiếu người tiêu dùng, phân khúc thị trường, đồng thời đưa ra các chính sách khuyến mãi quảng cáo nhằm khuyến khích tăng doanh thu. Đẩy mạnh cải tiến mẫu mã, chất lượng sản phẩm. Sử dụng các biện pháp quản trị hàng tồn kho tiên tiến trên thế giới như JIT hoặc EOQ nhằm duy trì lượng tồn kho tối thiểu, tránh ứ đọng vốn, giảm bớt chi phí lưu kho. Các phương pháp này đòi hỏi doanh nghiệp cần có những nhà cung cấp có đầy đủ nguồn hàng và kịp thời.

4 bình luận về “[CPA – BT Phân tích] Dạng bài phân tích Hiệu suất sử dụng vốn”

    • Hi Hung,
      Ví dụ trong Câu 5 – Năm 2015 – Lẻ: Yêu cầu phân tích ảnh hưởng của 2 nhân tố TSNH bình quân & LCT đến sự thay đổi trong thời gian 1 vòng luân chuyển (T).
      Để hiểu được công thức tính ảnh hưởng của từng nhân tố, trước tiên chúng ta phải hiểu nguyên tắc phân tích chênh lệch đó là: xem xét ảnh hưởng của từng nhân tố với giả định nhân tố còn lại không thay đổi. Ta có:
      T = 360 * TSNH/LCT => T(N+1) – T(N) = 360 * TSNH (N+1)/LCT(N+1) – 360 * TSNH(N)/LCT(N)
      Biến đổi công thức này:
      Chênh lệch T = [360 * TSNH (N+1)/LCT(N+1) – 360 * TSNH (N+1)/LCT(N)] + [360 * TSNH(N+1)/LCT(N) – 360 * TSNH(N)/LCT(N)] = -14.82 + 7.2 = -7.6
      Trong đó:
      [360 * TSNH (N+1)/LCT(N+1) – 360 * TSNH (N+1)/LCT(N)] (tính ra là – 14.82) chính là ảnh hưởng của nhân tố LCT đến T khi nhân tố TSNH bq là không đổi
      [360 * TSNH(N+1)/LCT(N) – 360 * TSNH(N)/LCT(N)] (tính ra là 7.2) chính là ảnh hưởng của nhân tố TSNH bq đến T khi nhân tố LCT là không đổi

      Tất cả mọi công thức phân tích ảnh hưởng của các nhân tố đến đều được xây dựng từ cách biến đổi công thức như trên. Bạn làm tương tự nhé. Hy vọng đã hỗ trợ được bạn. Chúc ôn thi tốt.

  1. ad cho hỏi 1 chút. Doanh thu (ở số vòng quay các khoản phải thu) với (lưu chuyển thuần) ở số vòng quay tài sản ngắn hạn thường có giống nhau không

    • Hi Hoà, Bản chất của Lưu chuyển thuần = Tất cả các loại thu nhập (Doanh thu, thu nhập khác…). Trong các đề bài môn phân tích thì mình thấy ít khi khác nhau.

Bình luận đã đóng.

You cannot copy content of this page