Bài số 5 của Series các dạng bài tập của Đề thi CPA Môn Thuế: Chủ đề “Dạng bài tập tính thuế GTGT “
Dạng bài tập tính thuế GTGT thường ít xuất hiện trong Đề thi CPA môn thuế. Dạng bài tập tính thuế GTGT thường gặp là dạng bài tổng hợp các sắc thuế GTGT, TTĐB và XNK. Tuy nhiên, càng ít xuất hiện thì chúng ta càng phải đề phòng kỹ lưỡng.
Có thể bạn quan tâm: Tổng hợp các dạng bài tập Đề thi CPA môn thuế
1. Tình huống thường gặp của Dạng bài tập tính thuế GTGT
Do chỉ có thuế giá trị gia tăng, nên đề bài thường sẽ chỉ yêu cầu tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ. Và tập trung vào những trường hợp đặc biệt như:
- “Hàng hoá đặc biệt” như sản phẩm nông nghiệp, chăn nuôi, thuỷ hải sản…
- Các trường hợp không được khấu trừ thuế Giá trị gia tăng như: thanh toán bằng tiền mặt với hoá đơn từ 20tr. Hay hàng hoá không phục vụ hoạt động SXKD được khấu trừ
- Ô tô chở người dưới 9 chỗ ngồi trở xuống có trị giá vượt trên 1,6 tỷ đồng
- Khuyến mại, quà tặng, hàng mẫu dùng thử
- Hàng hoá tiêu dùng nội bộ
- Thuế Giá trị gia tăng cho trụ sở chính và chi nhánh hoặc bán hàng vãng lai
- Phân bổ thuế Giá trị gia tăng đầu vào cho hoạt động được khấu trừ và không được khấu trừ
Lý do: Vì đây là những đối tượng chịu thuế có nhiều tình huống để hỏi. Chứ những hàng hoá thông thường lúc nào cũng chỉ 10% thì có gì mà hỏi đâu đúng không?
Đề bài sẽ đưa ra tầm 7,8 giao dịch/tình huống. Và yêu cầu chúng ta xác định số thuế Giá trị gia tăng phải nộp trong kỳ.
2. Nguyên tắc làm Dạng bài tập tính thuế GTGT
Dạng bài tập tính thuế GTGT thường có tình huống dễ gây nhầm lẫn. Chúng ta nên dành tầm 5 phút để phân tích đề bài trước khi lao vào tính toán:
- Đối tượng chịu thuế Giá trị gia tăng
- Đối tượng nộp thuế Giá trị gia tăng
- Giá tính thuế Giá trị gia tăng: lưu ý thuế Giá trị gia tăng là sắc thuế bọc ngoài cùng. Nghĩa là giá tính thuế Giá trị gia tăng sẽ là giá đã bao gồm tất cả các loại thuế khác. Nhưng chưa bao gồm thuế Giá trị gia tăng. Bạn phải xác định thông tin đề bài đưa ra đã và chưa bao gồm loại thuế gì. Nếu không bạn sẽ xác định sai Giá tính thuế.
- Thuế suất áp dụng tương ứng
3. Quy định văn bản thuế Giá trị gia tăng cho các trường hợp đặc biệt
Để tiện cho các bạn ôn tập, mình tóm tắt chính sách thuế Giá trị gia tăng đối với các trường hợp đặc biệt đã đề cập:
Hàng hoá, dịch vụ | Tình huống – quy định văn bản | Văn bản quy định |
Sản phẩm nông sản, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ hải sản chưa qua chế biến thành sản phẩm khác hoặc mới chỉ qua sơ chế | Do tổ chức, cá nhân tự sản xuất bán ra: đối tượng không chịu VAT | Điều 1. TT26-2015/TT/BTC |
Do tổ chức, cá nhân khâu nhập khẩu: đối tượng không chịu VAT | Điều 1. TT26-2015/TT/BTC | |
Do DN, HTX nộp thuế Giá trị gia tăng theo PPKT bán cho doanh nghiệp, hợp tác xã: không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT | Khoản 5. Điều 5, TT 219-2013/TT-BTC | |
Do DN, HTX nộp thuế Giá trị gia tăng theo PPKT bán cho đối tượng khác (cá nhân, tổ chức xã hội…): VAT 5% | Khoản 5. Điều 10, TT 219-2013/TT-BTC | |
Ô tô chở người dưới 9 chỗ ngồi trở xuống có trị giá vượt trên 1,6 tỷ đồng | TSCĐ là ô tô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống (trừ ô tô sử dụng vào kinh doanh vận chuyển hàng hóa, hành khách…) có trị giá > 1,6 tỷ đồng (giá chưa có VAT) thì VAT đầu vào tương ứng với phần trị giá > 1,6 tỷ đồng không được khấu trừ. | Khoản 3. Điều 14, TT 219-2013/TT-BTC |
Hàng khuyến mại, quà tặng, hàng mẫu dùng thử không thu tiền | Nếu khuyến mại theo quy định của pháp luật về thương mại: giá tính thuế được xác định bằng 0. Nếu khuyến mại không thực hiện theo quy định của pháp luật về thương mại: kê khai, tính nộp thuế như hàng hoá, dịch vụ thông thường. | Khoản 5. Điều 7, TT 219-2013/TT-BTC |
Hàng hoá luân chuyển, tiêu dùng nội bộ | Không phải tính, nộp thuế Giá trị gia tăng. | Khoản 2, Điều 3, TT 119-2014/TT-BTC |
4. Ví dụ minh hoạ cho Bài tập tính thuế GTGT
Tình huống: Câu 3 – Đề Lẻ- Năm 2015 – Đề thi CPA Môn Thuế
Bài này thuộc tình huống (1) mình đã đề cập bên trên. Chúng ta thực hiện phân tích đề bài để xác định đối tượng chịu thuế GTGT, thuế suất áp dụng:
Giao dịch | Hàng hoá | Đối tượng chịu thuế GTGT – Thuế suất |
1 | Bán cá ba sa nguyên con mua từ hộ dân cho 1 công ty khác | Không thuộc đối tượng chịu thuế Giá trị gia tăng |
2 | Phile cá basa xuất khẩu cho Nhật | Hàng sơ chế nên không thuộc đối tượng chịu thuế => Áp dụng thuế suất 0% khi xuất khẩu nếu có đủ hồ sơ |
3 | Bán 5.000 nồi cá basa kho tộ đã tẩm ướp gia vị cho siêu thị | Hàng đã qua chế biến (tẩm ướp gia vị) => Áp dụng thuế suất 10% |
4 | Mua cá basa nguyên con của hộ dân | Không thuộc đối tượng chịu thuế Giá trị gia tăng |
5 | Mua 3 tấn thức ăn cho cá của Công ty thuỷ sản đã thanh toán bằng tiền mặt | Không thuộc đối tượng chịu thuế Giá trị gia tăng |
6 | Tiền điện thanh toán qua ngân hàng | Thuộc đối tượng chịu thuế Giá trị gia tăng 10% |
8 | Kê khai bổ sung hoá đơn mua nhiên liệu xăng dầu đã thanh toán qua ngân hàng | Thuộc đối tượng chịu thuế Giá trị gia tăng 10% |
9 | Công ty bán Phile cá basa tự nuôi cho Công ty B | Không thuộc đối tượng chịu thuế Giá trị gia tăng |
Sau khi đã xác định được đối tượng chịu thuế và thuế suất rồi thì việc còn lại rất đơn giản. Chúng ta làm các bước sau:
- Tính ra tổng Doanh thu & thuế GTGT đầu ra tương ứng của 2 hoạt động: chịu thuế và không chịu thuế.
- Tính ra tổng thuế GTGT đầu vào được khấu trừ.
- Phân bổ thuế GTGT đầu vào cho doanh thu của 2 hoạt động chịu thuế và không chịu thuế
- Tính tổng thuế GTGT khấu trừ từ kỳ trước chuyển sang + Thuế GTGT khấu trừ kỳ này – Thuế GTGT đầu ra => Thuế GTGT phải nộp trong kỳ.
Vậy là mình đã hướng dẫn xong dạng bài tập tính thuế GTGT của đề thi CPA. Trong bài tiếp theo, mình sẽ giải thích về dạng bài tập kết hợp thuế tiêu thụ đặc biệt & thuế Giá trị gia tăng.
Mình không có sơ đồ tóm tắt thuê GTGT hả ad
Admin ơi, ở câu 3, đề lẻ thuế cpa 2015, mục 7 có nói đến việc” công ty mua thức ăn cho cá, do hóa đơn ghi sai số lượng dẫn đến phải điều chỉnh. Người bán đã lập hóa đơn điều chỉnh ghi tang số thuế gtgt 1.100.000 đồng…” Không thấy admin đề cập trong phần giải thích, và theo tớ biết thì thức ăn cho cá không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT, vậy đề bài đề cập thế này là như nào ạ? Cảm ơn Admin
Hi Thanh, nếu Ad nhớ không nhầm thì là do quy định thuế GTGT áp dụng cho kỳ thi 2015 thì thức ăn cho cá vẫn thuộc đối tượng chịu thuế GTGT. Thế nên đề bài mới cho tình huống như vậy. Nhưng quy định về sau thay đổi nên tình huống (7) không phù hợp nữa. Do vậy, Ad đã bỏ qua nghiệp vụ này.
cả nhà ơi cho em hỏi: khi phân bổ thuế gtgt đầu vào cho hoạt động chịu thuế và không chịu thuế , em có nv bán tài sản thế chấp thi thuộc hoạt động ko chịu thuế . doanh thu dùng để phân bổ là doanh thu mình bán tscđ hay lấy giá trị còn lại của tscđ ạ? cả nhà giúp em với ạ!
Cảm ơn rất nhiều ạ