Bài tập Tính Thuế Thu nhập cá nhân từ Chuyển nhượng vốn

Tính thuế TNCN từ chuyển nhượng vốn là 1 dạng bài tập thường gặp trong các loại đề thi thuế, và cũng là tình huống thường gặp trong thực tế.

Loại hình chuyển nhượng vốn quen thuộc nhất với chúng ta có lẽ chính là các giao dịch mua bán cổ phiếu nhỉ? Tuy nhiên các bạn đừng nhầm lẫn nhé.

Chuyển nhượng vốn không chỉ bao gồm chuyển nhượng cổ phiếu hay các giấy tờ có giá khác đâu. Mà nó còn bao gồm cả chuyển nhượng phần vốn góp của chúng ta tại các loại hình doanh nghiệp (không phải công ty cổ phần) như công ty TNHH, công ty hợp danh…

Và chúng ta sẽ phải phân biệt rõ 2 loại hình này vì chúng sẽ có cách tính ra nghĩa vụ thuế TNCN khác nhau ý. Hãy cùng Ad đi tìm hiểu chi tiết hơn nha.

1. Thu nhập chịu thuế TNCN từ chuyển nhượng vốn bao gồm những khoản nào?

Theo quy định thì chuyển nhượng vốn sẽ gồm 2 hình thức:

  • Chuyển nhượng phần vốn góp: Bao gồm thu nhập từ chuyển nhượng vốn góp trong công ty TNHH, công ty hợp danh, hợp đồng hợp tác kinh doanh, hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức kinh tế, tổ chức khác.
  • Chuyển nhượng chứng khoán: Bao gồm thu nhập từ chuyển nhượng trái phiếu, cổ phiếu, quyền mua cổ phiếu, chuyển nhượng cổ phần của các nhân trong các công ty cổ phần.

Nhiều bạn hay nhầm lẫn 2 loại này. Hãy nhớ đặc điểm đơn giản nhất để phân biệt  2 loại thu nhập này chính là: Một bên là trái phiếu và cổ phiếu & một bên là vốn góp của các công ty không phải cổ phần.

Thu nhập chịu thuế TNCN từ chuyển nhượng vốn sẽ là toàn bộ thu nhập mà cá nhân nhận được. Và cũng không có khoản không chịu thuế hay miễn thuế nào cả.

Và vì 2 loại hình chuyển nhượng vốn này có quy định tính thuế TNCN khác nhau, nên chúng ta sẽ phải đi tìm hiểu riêng nha. Đầu tiên là thu nhập từ chuyển nhượng phần vốn góp.

2. Tính thuế TNCN từ chuyển nhượng vốn góp

[1] Công thức tính

Nghĩa vụ thuế TNCN từ chuyển nhượng phần vốn góp = Thu nhập tính thuế *  Thuế suất 20%

Trong đó: 

Thu nhập tính thuế = Giá chuyển nhượng – Giá mua của phần vốn chuyển nhượng – Các chi phí hợp lý liên quan

Các chi phí liên quan ở đây là những chi phí hợp lý thực tế phát sinh liên quan đến việc tạo ra thu nhập từ chuyển nhượng vốn và có hóa đơn, chứng từ hợp lệ theo quy định. Ví dụ: Chi phí để làm các thủ tục pháp lý cần thiết cho việc chuyển nhượng, các khoản phí và lệ phí phải nộp

[2] Thời điểm tính thuế TNCN từ chuyển nhượng phần vốn góp

Sẽ là thời điểm hợp đồng chuyển nhượng vốn góp có hiệu lực. 

Lưu ý: Riêng đối với trường hợp góp vốn bằng phần vốn góp thì:

  • Tại thời điểm góp vốn sẽ chưa phải nộp thuế.
  • Thuế TNCN sẽ phát sinh tại thời điểm cá nhân thực hiện chuyển nhượng hoặc rút vốn của mình khỏi công ty đã góp vốn.

Hãy cùng đi xem tình huống sau để hiểu rõ hơn nha.

[3] Tình huống

Ngày 15.5.20X1, X góp vốn vào Công ty TNHH HD với số tiền là  50 tỷ & phần vốn góp của ông tại công ty TNHH ABC (có giá trị góp vốn ban đầu là 7.5 tỷ). 2 bên đã thống nhất giá trị vốn góp của X bằng 57.5 tỷ. Vào 1.9.20X2, X bán toàn bộ phần vốn góp tại HD Ltd Co., cho Y là người Việt Nam với giá là 68 tỷ.
Yêu cầu: Tính nghĩa vụ thuế TNCN mà X phải nộp liên quan đến giao dịch chuyển nhượng phần vốn góp tại HD vào 1.9.20X2

Đây có thể  nói là 1 tình huống điển hình về thu nhập từ chuyển nhượng phần vốn góp. Với tình huống này, ông X đã sử dụng phần vốn góp của mình tại Công ty TNHH ABC để góp vốn vào Công ty TNHH HD. Như vậy:

  • Tại thời điểm góp vốn vào HD, rõ ràng là X sẽ phải chuyển quyền sở hữu vốn góp của mình tại ABC sang cho công ty HD. Và do vậy phát sinh thu nhập từ chuyển nhượng vốn. Tuy nhiên, tại thời điểm góp vốn này như đã nói là X sẽ chưa phải tính thuế TNCN.
  • Khi X chuyển nhượng phần vốn góp của mình tại HD cho ông Y, X sẽ phải tính thuế TNCN đồng thời cho hoạt động chuyển nhượng vốn góp tại HD cho Y & chuyển nhượng vốn góp tại ABC cho HD.

Tính toán cụ thể như sau:

Thuế TNCN từ chuyển nhượng vốn góp của X tại công ty HD cho Y

  • Giá chuyển nhượng phần vốn góp của X tại HD tại ngày 1.9.X2: 68 tỷ
  • Giá gốc của phần vốn chuyển nhượng tại thời điểm góp vốn: 57.5 tỷ
  • Thu nhập tính thuế TNCN từ chuyển nhượng vốn: 10.5 tỷ
  • Nghĩa vụ thuế TNCN: 10.5 tỷ * 20% = 2.1 tỷ

Thuế TNCN từ chuyển nhượng vốn góp của X tại công ty ABC cho công ty HD

  • Giá chuyển nhượng phần vốn góp của X tại ABC tại ngày 15.5.X1: 7.5 tỷ
  • Giá gốc của phần vốn chuyển nhượng tại thời điểm góp vốn: 7.5 tỷ
  • Thu nhập tính thuế TNCN từ chuyển nhượng vốn: 0
  • Nghĩa vụ thuế TNCN: 0

Lưu ý

Giả sử nếu giá gốc phần vốn góp của X tại ABC là 5 tỷ, nhưng đến lúc góp vốn vào HD được định giá là 7.5 tỷ. Thì khi này thuế TNCN phát sinh sẽ là: 2.5 tỷ * 20% = 0.5 tỷ

Còn nếu tình huống này, ông X không phải góp vốn bằng phần vốn góp tại ABC như này, mà là bằng cổ phiếu của ABC. Thì về bản chất, sẽ là chuyển nhượng chứng khoán. 

Và tại thời điểm góp vốn vào HD Co, X cũng sẽ chưa phải tính thuế TNCN. Thay vào đó, khi chuyển nhượng vốn góp tại HD cho Y, ông sẽ phải tính cả thuế TNCN từ chuyển nhượng vốn góp tại HD cho Y & thuế TNCN từ chuyển nhượng chứng khoán cho HD.

Cách tính thuế TNCN từ chuyển nhượng chứng khoán như nào thì giờ chúng ta sẽ đi tìm hiểu nha.

3. Tính thuế TNCN từ chuyển nhượng chứng khoán

[1] Công thức tính

Nghĩa vụ thuế TNCN từ chuyển nhượng chứng khoán = Giá chuyển nhượng chứng khoán từng lần * 0.1%

Trong đó:

Thu nhập tính thuế từ chuyển nhượng chứng khoán = Giá chuyển nhượng chứng khoán từng lần

  • Nếu chứng khoán của công ty niêm yết, giá chuyển nhượng là giá khớp lệnh trên sàn. 
  • Đối với chứng khoán của công ty chưa niêm yết: là giá ghi trên hợp đồng chuyển nhượng hoặc giá thực tế chuyển nhượng hoặc giá theo sổ sách kế toán của đơn vị có chứng khoán chuyển nhượng tại thời điểm lập BCTC gần nhất trước thời điểm chuyển nhượng

[2] Thời điểm tính thuế TNCN từ chuyển nhượng chứng khoán

– Đối với chứng khoán của công ty niêm yết: là thời điểm người nộp thuế nhận thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán.

– Đối với chứng khoán của công ty đại chúng không thực hiện giao dịch trên Sở Giao dịch chứng khoán mà chỉ thực hiện chuyển quyền sở hữu qua hệ thống chuyển quyền của Trung tâm lưu ký chứng khoán: là thời điểm chuyển quyền sở hữu chứng khoán tại Trung tâm lưu ký chứng khoán. 

Đối với chứng khoán không thuộc trường hợp nêu trên: là thời điểm hợp đồng chuyển nhượng chứng khoán có hiệu lực.

Lưu ý:

(1) Với trường hợp góp vốn bằng chứng khoán mà chúng ta vừa đề cập ở phần chuyển nhượng phần vốn góp bên trên: Nếu chưa phải nộp thuế khi góp vốn thì thời điểm xác định thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán do góp vốn là thời điểm cá nhân chuyển nhượng vốn, rút vốn.

(2) Như trong tình huống ở phần chuyển nhượng phần vốn góp bên trên:

Nếu ABC là công ty cổ phần và ông X sử dụng cổ phiếu của ABC để góp vốn vào công ty HD. Số cổ phiếu này có giá trị trường là 7.5 tỷ tại ngày X góp vốn vào HD. Thì khi chuyển nhượng phần vốn của mình tại HD cho ông Y, ngoài thuế TNCN từ chuyển nhượng vốn góp cho Y, X sẽ phát sinh cả thuế TNCN từ chuyển nhượng chứng khoán cho HD.

Thuế TNCN từ chuyển nhượng chứng khoán cho HD sẽ là: Giá chuyển nhượng 7.5 tỷ * 0.1% = 7.5 triệu VNĐ

Hãy cùng đi xem thêm tình huống sau để hiểu rõ hơn nha.

[3] Tình huống

– Ngày 1.1.20X1, ông Cường, một công dân Việt Nam, đã nắm giữ danh mục đầu tư gồm 1 triệu cổ phiếu của DCB Co, một công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam. 
– Ngày 5.1.20X1, ông đã nhận được 300.000 cổ phiếu miễn phí từ DCB Co, như một khoản cổ tức cho năm 20X0 (được ghi trong hồ sơ của DCB Co dựa trên mệnh giá 10.000 đồng trên mỗi cổ phiếu).
– Ngày 28.4.20X1, ông đã bán 200.000 cổ phiếu với giá 20.000 đồng mỗi cổ phiếu.
Yêu cầu: Xác định nghĩa vụ thuế TNCN của ông Cường trong năm 20X1 liên quan đến cổ phiếu của DCB?

Đây là 1 tình huống liên quan đến việc chi trả cổ tức bằng cổ phiếu. Như Ad đã nói ở bài viết về Tính thuế TNCN từ đầu tư vốn:

  • Đối với thu nhập từ cổ tức trả bằng cổ phiếu thì thời điểm xác định thu nhập từ đầu tư vốn là thời điểm cá nhân chuyển nhượng cổ phiếu.
  • Khi chuyển nhượng số cổ phiếu này, cá nhân phải nộp PIT đối với thu nhập từ đầu tư vốn và thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán.

Với tình huống này của chúng ta:

  • Tại 5.1.20X1, khi nhận cổ tức bằng cổ phiếu, ông Cường sẽ chưa phát sinh thuế TNCN
  • Nhưng khi chuyển nhượng 200,000 cp, ông sẽ phải nộp thuế TNCN cho cả 2 hoạt động đầu tư vốn và chuyển nhượng chứng khoán.

Cụ thể tính toán chi tiết như sau:

  • Thuế TNCN từ đầu tư vốn = Thu nhập tính thuế * 5% = (200,000 cổ phiếu * 10,000) *5% = 100 triệu VNĐ
  • Thuế TNCN từ chuyển nhượng chứng khoán = Giá chuyển nhượng * 0.1% = (200,000 cổ phiếu * 20,000) *0.1% = 4 triệu VNĐ

Như vậy tổng nghĩa vụ thuế TNCN phát sinh từ cổ phiếu DCB trong năm 20X1 của ông Cường là: 104 triệu

[4] Lưu ý cho cá nhân không cư trú

Với thu nhập từ đầu tư vốn thì cách tính thuế TNCN không có gì khác giữa cá nhân cư trú và không cư trú. Nhưng với thu nhập từ chuyển nhượng vốn thì sẽ có sự khác biệt. Cụ thể:

Nếu đối tượng nộp thuế là cá nhân không cư trú, mà có thu nhập từ chuyển nhượng vốn, bất kể là chuyển nhượng vốn góp hay chuyển nhượng chứng khoán, không phân biệt việc chuyển nhượng được thực hiện tại Việt Nam hay tại nước ngoài.

Tổng số tiền mà cá nhân không cư trú nhận được từ việc chuyển nhượng phần vốn tại các tổ chức, cá nhân Việt Nam * Thuế suất 0,1%,

Và tổng số tiền phải tính thuế sẽ là giá chuyển nhượng vốn không trừ bất kỳ khoản chi phí nào kể cả giá mua của phần vốn góp.

Các bạn có thể tham khảo Video bài giảng ở đây:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

You cannot copy content of this page

Lên đầu trang