Bài 7 của Series hướng dẫn tự học ACCA F6 Vietnam – Bài giảng Thuế Giá Trị Gia tăng – Phần 1: VAT là gì? Đối tượng chịu thuế GTGT? Đối tượng không chịu thuế GTGT?
Kết thúc chủ đề về PIT, chúng ta hãy chuyển sang các Bài giảng về Thuế Giá trị gia tăng (Valued Added Tax hay VAT).
Đề thi F6 sẽ có 1 bài tập tình huống về Thuế giá trị gia tăng thuộc Section B. Và 2-3 câu hỏi trắc nghiệm thuộc Section A. Theo mình đánh giá thì các câu hỏi về VAT hầu như đều không khó. Nếu không muốn nói là khá đơn giản. Bám rất sát vào các nội dung cơ bản trong văn bản.
Các dạng câu hỏi thường gặp là:
- Tính thuế GTGT đầu vào được khấu trừ? không được khấu trừ? Giải thích nghĩa vụ VAT phát sinh (VAT treatment) cho các giao dịch
- Tính thuế GTGT đầu ra phải nộp trong tình huống đơn giản?
- Xác định thời điểm tính thuế GTGT? Hay giải thích về nghĩa vụ phát hành hoá đơn thuế GTGT (VAT invoice) từ các giao dịch?
Các Bài giảng Thuế Giá Trị Gia tăng của web sẽ giải thích các nội dung cơ bản để giải quyết được các dạng câu hỏi này. Chúng ta hãy bắt đầu với nội dung đầu tiên của Series “Bài giảng Thuế Giá trị gia tăng”: Tổng quát về Thuế Giá trị gia tăng.
1. VAT là gì?
VAT là viết tắt của Value Added Tax hay Thuế Giá trị gia tăng.
Vậy bạn đã biết gì về thuế GTGT?
Không phải ai cũng biết loại thuế này. Nhưng chắc chúng ta đều đã nghe đến, hoặc có dịp sử dụng “HOÁ ĐƠN”. Và chúng ta thường sử dụng hoá đơn khi chúng ta là người mua hoặc bán hàng hoá/dịch vụ.
Như vậy, ta có thể thấy thuế GTGT dù chưa biết là loại thuế gì. Nhưng nó là thuế. Nên chắc chắn nó là 1 loại nguồn thu của nhà nước. Và khái niệm thuế Giá trị gia tăng sẽ gắn liền với “Hoá đơn” và “Hàng hoá/Dịch vụ”.
Lúc trước tìm hiểu về Thuế Thu nhập cá nhân (PIT): chúng ta đã biết rằng PIT là loại thuế đánh vào thu nhập của đối tượng nộp thuế. Tuy nhiên, thuế GTGT thì không như vậy. Đối tượng của nó là “Hàng hoá, dịch vụ”.
Cụ thể: Nó đánh vào “giá trị giá tăng” của hàng hoá, dịch vụ phát sinh ở từng khâu trong quá trình luân chuyển từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng. Đó cũng là lý do tại sao loại thuế này lại tên là giá trị gia tăng. Hay nói cách khác thì thuế GTGT là loại thuế đánh trên giá trị tăng thêm của hàng hoá dịch vụ được bán.
Ví dụ:
- X sản xuất sản phẩm A bán cho công ty Y với giá 10 triệu/sản phẩm. Để sản xuất A, X cần tốn tổng chi phí là 8 triệu. Như vậy, ở đây X đã có giá trị tăng thêm (giá trị gia tăng) là 2 triệu/sản phẩm. Do vậy, khi bán hàng thì X cần nộp thuế trên phần giá trị 2 triệu tăng thêm này.
- Còn công ty Y sau khi mua sản phẩm A về thì lại bán lại cho người tiêu dùng với giá 11 triệu/sản phẩm. Như vậy, khi bán hàng thì Y sẽ cần nộp thuế trên phần giá trị 1 triệu tăng thêm.
Chúng ta còn có thể nhận thấy 1 điểm khác từ ví dụ trên:
Xét trong toàn bộ quá trình từ đầu cho đến khi hàng hoá được tiêu thụ đến người tiêu dùng, tổng giá trị tăng thêm là 3 triệu đồng. Và “người tiêu dùng cuối cùng” là người bỏ tiền ra mua tất cả phần giá trị tăng thêm này. Do đó cũng là đối tượng thực tế “phải gánh chịu” số thuế GTGT tính trên phần tăng thêm. Công ty X hay Y – những người bán sẽ chỉ là người thu hộ thuế để nộp cho nhà nước mà thôi.
2. Đối tượng chịu thuế GTGT?
Theo quy định tại Điều 2, Thông tư 219/2013:
Đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT) là hàng hóa, dịch vụ dùng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam (bao gồm cả hàng hóa, dịch vụ mua của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài), trừ các đối tượng không chịu thuế GTGT.
Từ quy định này, ta cần tập trung vào 3 điểm:
- Đối tượng phải là hàng hoá dịch vụ
- Hàng hoá dịch vụ chịu thuế GTGT phải là loại được mua bán dùng cho “Sản xuất kinh doanh”.
- Hàng hoá dịch vụ chịu thuế GTGT phải là loại được “tiêu dùng ở Việt Nam”
Khi gặp bất cứ tình huống này, bạn hãy cứ bám vào 2 điểm này để phân tích xem tình huống có phải đối tượng chịu thuế GTGT hay không nhé. Chúng ta có thể vận dụng 2 điểm này để suy luận ra 1 số trường hợp không phải kê khai & tính nộp thuế GTGT dưới đây.
3. Các trường hợp không phải kê khai & tính nộp thuế GTGT
(1) Các giao dịch không phải là mua bán hàng hoá, dịch vụ: Doanh nghiệp nhận được các khoản thu hoặc thực hiện các khoản chi về bồi thường bằng tiền, tiền thưởng, tiền hỗ trợ…
(2) Các dịch vụ được diễn ra ở ngoài Việt Nam.
Tổ chức, cá nhân tại Việt Nam mua dịch vụ của tổ chức nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam. Ví dụ:
- Sửa chữa phương tiện vận tải, máy móc, thiết bị (bao gồm cả vật tư, phụ tùng thay thế);
- Quảng cáo, tiếp thị (trừ quảng cáo, tiếp thị trên internet);
- Môi giới bán hàng hoá, cung cấp dịch vụ ra nước ngoài;
- Đào tạo;
(3) Bán tài sản không tham gia hoạt động kinh doanh:
Tổ chức, cá nhân không kinh doanh, không phải là người nộp thuế GTGT bán tài sản.
Ví dụ 1: Ông A là cá nhân không kinh doanh bán 01 ô tô 4 chỗ ngồi cho B với giá là 600 triệu đồng. Thì A không phải kê khai, tính thuế GTGT đối với số tiền bán ô tô thu được.
Ví dụ 2: Ông E là cá nhân không kinh doanh thế chấp 01 xe ô tô 5 chỗ ngồi cho ngân hàng để vay tiền. Đến thời hạn phải thanh toán theo hợp đồng, ông E không thanh toán được. Ô tô thế chấp bị bán phát mại để trừ nợ. Thì tiền thu được do bán phát mại ôtô nêu trên không phải kê khai, tính thuế GTGT.
(4) Các trường hợp khác thường gặp:
- Góp vốn bằng tài sản để thành lập công ty
- Điều chuyển tài sản giữa các đơn vị hạch toán phụ thuộc trong Doanh nghiệp; điều chuyển tài sản khi chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi loại hình.
- Các khoản thu hộ không liên quan đến việc bán hàng hoá, dịch vụ của cơ sở kinh doanh.
- Tiền thu về hàng hóa, dịch vụ do nhận bán đại lý và tiền hoa hồng được hưởng từ hoạt động đại lý bán đúng giá quy định đối với 1 số dịch vụ. Ví dụ: bưu chính, viễn thông, bán vé xổ số, vé máy bay, ô tô, tàu hoả, tàu thuỷ; đại lý bán bảo hiểm.
- Doanh nghiệp không phải nộp thuế GTGT khâu nhập khẩu khi nhập khẩu hàng hóa đã xuất khẩu. Nhưng bị phía nước ngoài trả lại. Khi bán hàng hóa này trong nội địa thì phải kê khai, nộp thuế GTGT theo quy định.
- Hàng hóa luân chuyển nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất trong doanh nghiệp. Hoặc hàng hoá, dịch vụ do doanh nghiệp xuất để sử dụng phục vụ HĐKD của chính doanh nghiệp.
- Xuất máy móc, thiết bị, hàng hóa dưới hình thức cho vay, cho mượn hoặc hoàn trả
4. Đối tượng không chịu thuế Giá trị gia tăng
Theo quy định tại Điều 4 – Thông tư 219/2013 & Điều 1 – Thông tư 26/2015, đối tượng không chịu VAT bao gồm 26 mục. Và có thể chia thành các nhóm sau:
- Không chịu thuế do người kinh doanh có thu nhập thấp. Cụ thể: Hàng hóa, dịch vụ của hộ, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hàng năm từ 100 triệu đồng trở xuống.
- Nhóm hàng hoá, dịch vụ là sản phẩm nông nghiệp, là dịch vụ đầu vào của sản xuất nông nghiệp
- Hàng hoá, dịch vụ không chịu thuế GTGT vì lý do xã hội
- Không thuộc diện chịu thuế để phù hợp với thông lệ quốc tế
- Không chịu thuế vì đó là hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước trả tiền
- Nhóm hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế theo các cam kết quốc tế
- Không chịu thuế vì một số lý do khác. Ví dụ: Chuyển quyền sử dụng đất; Chuyển giao công nghệ; …
Theo mình thấy thì đề thi F6 không xoáy nhiều vào phần này. Có thể là vì khá phức tạp. Ngay cả những người nhiều năm kinh nghiệm làm thuế cũng chưa chắc đã hiểu được hết. Thế nên sau khi luyện xong bài tập thuế GTGT thì các bạn tự mở văn bản ra đọc nhé.
5. Thời điểm tính thuế GTGT
Quy định tại Điều 8 – Thông tư 219/2013, thời điểm tính thuế GTGT là:
- Bán hàng hóa: thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua. Không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.
- Cung ứng dịch vụ: thời điểm hoàn thành việc cung ứng dịch vụ hoặc thời điểm lập hóa đơn cung ứng dịch vụ. Không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền. (*)
- Đối với hàng hóa nhập khẩu: thời điểm đăng ký tờ khai hải quan.
Các bạn lưu ý, do khái niệm Thuế GTGT thường gắn với khái niệm “hoá đơn”. Do vậy, chúng ta thường sẽ bắt gặp các tình huống hỏi về thời thuế GTGT cùng với hoá đơn. Kiểu như xác định thời điểm xuất hoá đơn GTGT. Tuy nhiên, các bạn không cần quá lo lắng về phần hoá đơn này. Vì theo mình thấy thì đề thi cũng không đề cập quá nhiều đến các quy định về hoá đơn. Chúng ta chỉ cần nhớ rõ quy định về thời điểm phát hành hoá đơn như sau:
Theo quy định tại Điều 16 – Thông tư 39/2014 về thời điểm lập hoá đơn:
- Ngày lập hóa đơn đối với bán hàng hóa là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.
- Ngày lập hóa đơn đối với cung ứng dịch vụ là ngày hoàn thành việc cung ứng dịch vụ. Không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền. Trường hợp tổ chức cung ứng dịch vụ thực hiện thu tiền trước hoặc trong khi cung ứng dịch vụ thì ngày lập hóa đơn là ngày thu tiền.
Chúng ta cùng đi xem 3 ví dụ về thời điểm thời điểm xuất hoá đơn & tính thuế GTGT.
Ví dụ 1: S Co bán 1 thiết bị đặc biệt. Thiết bị này được vận chuyển đến người mua vào 31.Mar.2018. Nhưng theo hợp đồng, quyền sở hữu thiết bị chỉ được chuyển giao sang cho người mua sau khi bên mua hoàn thành việc nghiệm thu sản phẩm (2.Apr.2019). Và người mua thanh toán xong cho S Co vào 6.4. 2019.
Yêu cầu: Xác định thời điểm S co phải phát hành hoá đơn cho giao dịch bán hàng cho mục đích VAT và giải thích rõ lý do?
Đáp án:
Này S Co cần phát hành hoá đơn GTGT theo quy định là: 2.Apr.2019.
Lý do: Theo quy định hiện hành về hoá đơn, người bán phải xuất hoá đơn khi quyền sử dụng hoặc quyền sở hữu hàng hóa cho người mua. Không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.
Ví dụ 2: H Co là 1 công ty có các trạm xăng dầu ở HCM. Các trạm này cũng là các cửa hàng tiện lợi bán thức ăn, đồ uống và các mặt hàng khác.
Yêu cầu: Xác định thời điểm H co phải phát hành hoá đơn GTGT cho khách hàng khi: Khi giao dịch có giá trị < 200.000; Khi trị giá hàng > 200.000 và người mua không yêu cầu xuất hoá đơn trong giao dịch: Bán xăng dầu và Bán hàng hoá trong cửa hàng tiện lợi.
Đáp án:
(1) Theo quy định tại Điều 18, Thông tư số 39/2014 về hoá đơn:
“Bán hàng hóa, dịch vụ có tổng giá thanh toán dưới 200.000 đồng mỗi lần thì không phải lập hóa đơn, trừ trường hợp người mua yêu cầu lập và giao hóa đơn.”
Theo đó:
Khi giá trị hàng (đã bao gồm thuế) của người mua <200.000, H Co chỉ phải phát hành hoá đơn cho người mua khi người mua yêu cầu.
(2) Theo quy định tại Khoản 7, Điều 3, Thông tư số 26/2015:
- “Trường hợp khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ từ 200.000 đồng trở lên mỗi lần, người mua không lấy hóa đơn hoặc không cung cấp tên, địa chỉ, mã số thuế (nếu có) thì người bán vẫn phải lập hóa đơn….”
- “Riêng đối với các đơn vị bán lẻ xăng dầu, nếu người mua không yêu cầu lấy hoá đơn, cuối ngày đơn vị phải lập chung một hoá đơn cho tổng doanh thu người mua không lấy hoá đơn phát sinh trong ngày.”
Theo đó: Khi giá trị hàng (đã bao gồm thuế) của người mua > 200.000 và người mua không yêu cầu xuất hoá đơn:
- Với xăng dầu: được phép phát hành hoá đơn vào cuối mỗi ngày cho tổng doanh thu.
- Với hàng hoá của của hàng tiện lợi: công ty phải xuất hoá đơn cho từng giao dịch đơn lẻ có giá trị > 200.000 ngay cả khi khách hàng không yêu cầu.
Ví dụ 3: G Co cung cấp dịch vụ internet ADSL. G Co ký hợp đồng với khách hàng A trong T6.2018. Theo đó G Co thực hiện lắp đặt 1 đường dây cho A thuê. Và cung cấp dịch vụ internet 1 năm với mức phí cố định hàng tháng là 5 triệu /tháng (đã bao gồm VAT). G Co thu trước tiền lắp đặt đường dây từ A là 3 triệu vào 15.6.2018. Và sau đó hoàn tất việc lắp đặt vào 20 June 2018. Tại ngày 20.6.2018, G đã thu tiền 1 năm sử dụng dịch vụ internet là 60 triệu. A bắt đầu sử dụng từ 21.June.2018.
Yêu cầu: Xác định thời điểm G Co phải phát hành hoá đơn thu cho A.
Đáp án:
Ở đây, G đã cung cấp 2 loại dịch vụ cho A: Dịch vụ lắp đặt và dịch vụ internet. Do vậy, khi xác định thời điểm xuất hoá đơn của G, chúng ta phải xem xét riêng biệt cho 2 loại dịch vụ này. Cụ thể:
Với dịch vụ lắp đặt:
G đã nhận tiền ngày 15.6.2018, thực hiện lắp đặt xong ngày 20.6.2018. Theo quy định bên trên:
“Thời điểm xuất hoá đơn cho hoạt động cung ứng dịch vụ là thời điểm hoàn thành việc cung ứng dịch vụ hoặc thời điểm lập hóa đơn cung ứng dịch vụ. Không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.”
Trong khi thời điểm xuất hoá đơn từ cung ứng dịch vụ lại là thời điểm hoàn thành cung ứng dịch vụ hoặc thời điểm thu tiền. Tuỳ trường hợp nào đến sớm hơn.
Như vậy: G Co phải phát hành hoá đơn vào ngày nhận tiền (15.6.2018).
Với dịch vụ internet:
G đã nhận tiền thuê 1 năm của khách hàng vào 20.6.2018. Khách hàng bắt đầu sử dụng vào 21.6.2018.
Như vậy: G Co phải phát hành hoá đơn cho khách vào ngày nhận tiền (20.6.2018)
Vậy là tạm xong vấn đề cơ bản về VAT. Bài tiếp theo trong Series bài giảng về Thuế giá trị gia tăng, mình sẽ giải thích về: Cách tính thuế GTGT. Các bạn theo dõi nhé!
Lưu ý:
Phạm vi văn bản hướng dẫn về Thuế GTGT áp dụng cho kỳ thi F6 năm 2019 bao gồm:
- Thông tư 219/2013
- Thông tư 119/2014
- Thông tư 151/2014
- Thông tư 26/2015
- Thông tư 130/2016
- Thông tư 173/2016
- Thông tư 39/2014
- Thông tư 37/2017
Em cảm ơn tuonthi nhiều hơn ạ
rất hữu ích xin cảm ơn về tuonthi.com
Chị ơi em muốn cảm ơn chị rấtt nhiều vì đã dành thời gian để chia sẻ cách học sao cho hiệu quả và những bài viết học thuật rất dễ hiểu ạ. Thật sự là nó giúp em rất nhiều trong quá trình ôn thi, đặc biệt là bài về VAT – loại thuế mà ban đầu em thấy mông lung nhất, cũng vì hiểu biết trc khi học của e về sắc thuế này gần như bằng 0 và cũng chẳng tiếp xúc thực tế bao giờ 😂 Một lần nữa cảm ơn c rất nhiều ạ ❤
Hi Khánh, Ad đã nhận được tấm lòng của em và sâu sắc cảm động. 😀 Cố gắng học hành, thi cử qua thì báo tin cho Ad biết nha. 🙂