[CPA – BT Thuế] Dạng bài tính thuế thu nhập cá nhân cho người nước ngoài

Bài số 4 của Series các Dạng bài tập Đề thi CPA Môn Thuế:  Chủ đề “Tính thuế thu nhập cá nhân cho người nước ngoài”

Như mình đã đề cập, trong các năm trước dạng bài tính thuế thu nhập cá nhân chỉ dừng lại ở phạm vi tính thuế cho người Việt Nam.

Có thể bạn quan tâm: Dạng bài tính Thuế thu nhập cá nhân – Người Việt Nam

Tuy nhiên, đề thi năm 2017 vừa rồi đã bắt đầu có sự chuyển hướng sang Dạng bài Tính thuế thu nhập cá nhân cho người nước ngoài đối với thu nhập từ tiền lương & tiền công. Chắc để đỡ nhàm chán. 🙂

Chúng ta hãy cùng 5 bước xử lý tình huống cơ bản nhất của dạng bài này:

Tính thuế thu nhập cá nhân cho người nước ngoài phải nộp trong năm đối với thu nhập từ tiền lương tiền công.

Lưu ý: 5 bước dưới đây chính là 5 bước chúng ta cần tuân theo khi tính thuế thu nhập cá nhân cho người nước ngoài trong đề thi cũng như trong thực tế.

Bước 1: Xác định “Tình trạng cư trú”

Không như dạng bài tính thuế thu nhập cá nhân cho người Việt Nam, chỉ cần nhảy luôn vào xác định các khoản thu nhập chịu thuế – miễn thuế. Với dạng bài tính thuế thu nhập cá nhân cho người nước ngoài, chúng ta sẽ cần xác định “tình trạng cư trú” đầu tiên.

Lý do?

Tình trạng cư trú của 1 cá nhân sẽ ảnh hưởng đến việc xác định 3 vấn đề:

  • Thời điểm bắt đầu tính thuế/Kỳ tính thuế
  • Thu nhập phải nộp thuế
  • Thuế suất áp dụng

Lưu ý:

  • Năm đầu tiên đến Việt Nam: tình trạng cư trú được xác định cho năm dương lịch hoặc 12 tháng liên tục kể từ ngày đầu tiên đến Việt Nam
  • Các năm sau: tình trạng cư trú được xem xét trong năm dương lịch.

Vì cá nhân cư trú thì mới có nhiều cái để hỏi nên mình nghĩ đề thi sẽ tập trung vào đối tượng này. Vì thời gian có hạn nên đề bài có thể sẽ cho trước thông tin về tình trạng cư trú. Khi đó chúng ta bắt đầu làm luôn từ Bước 2. Nếu đề bài không đưa ra thông tin để xác định rõ ràng về tình trạng cư trú thì cứ mạnh dạn mà giả định nhé.

Bước 2. Xác định thời điểm tính thuế/kỳ tính thuế & thu nhập phải nộp thuế

TH1. Cá nhân được xác định là “cư trú” tại Việt Nam:

(1) Thời điểm bắt đầu tính thuế/Kỳ tính thuế: vấn đề này trong thực tế sẽ phát sinh nhiều tình huống khá loằng ngoằng. Tuy nhiên, trong đề thi mình nghĩ chỉ cần bám theo các trường hợp đã được xác định trong thông tư là OK.

Các bạn xem bảng tóm tắt dưới đây:

Trường hợpKỳ tính thuế
Nếu lần đầu tiên cá nhân đến Việt Nam & ở nước có ký hiệp định chống đánh thuế 2 lần (DTA) với Việt NamKỳ tính thuế tính từ tháng đến Việt Nam đầu tiên cho đến hết năm dương lịch (nếu là cá nhân cư trú trong năm dương lịch) hoặc
Kỳ tính thuế tính từ tháng đến Việt Nam đầu tiên cho đến hết 12 tháng liên tục (nếu là cá nhân cư trú trong 12 tháng liên tục).
Nếu lần đầu tiên cá nhân đến Việt Nam & ở nước không ký DTA với Việt namKỳ tính thuế là toàn bộ 12 tháng của năm dương lịch (nếu là cá nhân cư trú trong năm dương lịch) hoặc
Kỳ tính thuế tính từ tháng đến Việt Nam đầu tiên cho đến hết 12 tháng liên tục (nếu là cá nhân cư trú trong 12 tháng liên tục).
Nếu không phải là lần đầu tiên đến Việt NamKỳ tính thuế là theo năm dương lịch

(2) Thu nhập phải nộp thuế: Toàn bộ thu nhập chịu thuế phát sinh trong và ngoài Việt Nam, không phân biệt nơi trả thu nhập

TH2. Cá nhân được xác định là “không cư trú” tại Việt Nam:

Kỳ tính thuế: tính theo từng lần phát sinh thu nhập cho mọi loại thu nhập

Thu nhập phải nộp thuế: Chỉ phải nộp thuế đối với thu nhập phát sinh tại Việt Nam, không phân biệt nơi chi trả thu nhập, nơi nhận thu nhập

Bước 3. Phân loại thu nhập

Chúng ta sẽ cần xác định trong các loại thu nhập mà đề bài đưa ra, đâu là thu nhập phải chịu thuế – thu nhập không chịu thuế – thu nhập miễn thuế.

Đề bài thường sẽ đưa ra nhiều loại thu nhập để nhằm “bẫy” thí sinh. Các trường hợp thường gặp sẽ là:

  • Phụ cấp/Trợ cấp chức vụ
  • Trợ cấp chuyển vùng 1 lần
  • Vé máy bay khứ hồi để về phép 1 năm/lần
  • Tiền học phí cho con
  • Tiền nhà ở, điện, nước và các dịch vụ kèm theo (nếu có)
  • Công tác phí
  • Lương hưu
  • Phí đào tạo nâng cao trình độ/nghiệp vụ
  • Bảo hiểm không bắt buộc & không có tích luỹ phí: bảo hiểm sức khoẻ
  • Các lợi ích không bằng tiền khác: thẻ golf, thẻ spa…

Bước 4. Xác định Các khoản giảm trừ

(1) Cá nhân không cư trú sẽ không được áp dụng các khoản giảm trừ => Bỏ qua bước này.

(2) Cá nhân cư trú sẽ được áp dụng các khoản giảm trừ tương tự như người Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta sẽ cần lưu ý về:

  • Thời điểm bắt đầu/Thời gian được tính giảm trừ gia cảnh: giả sử là thoả mãn điều kiện giảm trừ & đã đăng ký hồ sơ giảm trừ đầy đủ thì sẽ tính giảm trừ theo kỳ tính thuế đã xác định ở Bước 2 nhé.
  • Tiền bảo hiểm bắt buộc: cá nhân sẽ được giảm trừ các khoản bảo hiểm bắt buộc thực tế đã nộp ở nước ngoài

Bước 5. Tính thuế thu nhập cá nhân cho người nước ngoài phải nộp

1. Cá nhân cư trú

Chúng ta phải chia 2 trường hợp:

TH1. Thu nhập nhận được là thu nhập đã bao gồm thuế (“Gross” – hay còn gọi “thu nhập trước thuế”)

(1) Xác định Tiền nhà phải nộp thuế = Min (Tiền nhà thực tế & 15% Tổng thu nhập chịu thuế chưa bao gồm tiền thuê nhà)

(2) Xác định thu nhập tính thuế/tháng =  (Tổng thu nhập chịu thuế bao gồm tiền nhà phải nộp thuế – Tổng giảm trừ gia cảnh)/ Số tháng tính thuế

(3) Xác định PIT phải nộp cho 1 tháng theo biểu thuế luỹ tiến. Rất may là đề thi có cung cấp sẵn biểu thuế luỹ tiến nên chúng ta không cần học thuộc.

(4) Tổng PIT phải nộp = PIT phải nộp 1 tháng * Số tháng tính thuế

TH2. Thu nhập nhận được là thu nhập chưa bao gồm thuế (“Net” – hay còn gọi “thu nhập sau thuế”)

Chúng ta làm theo thứ tự sau:

Chỉ tiêuCách tính
I. Xác định Tiền nhà trả thay phải tính vào thu nhập nộp thuế
(1) Thu nhập làm căn cứ quy đổi (không gồm tiền thuê nhà)= Thu nhập chịu thuế không bao gồm tiền nhà – Các khoản giảm trừ

(Nếu tính thuế phải nộp cho cả năm thì chỗ này chúng ta chia luôn cho số tháng tính thuế để tính ra thu nhập làm căn cứ quy đổi/tháng)

(2) Thu nhập tính thuế (không gồm tiền thuê nhà)Sử dụng công thức Grossup theo Phụ lục số 02/PL-TNCN
(3) Thu nhập chịu thuế (không gồm tiền thuê nhà)= (2) + Các khoản giảm trừ
(4) Tiền nhà phải nộp thuếLà số nhỏ hơn giữa Tiền nhà thực tế & 15% * (3)
II. Xác định thu nhập tính thuế
(5) Thu nhập làm căn cứ quy đổi (đã bao gồm tiền nhà chịu thuế)= (1) + (4)

(Nếu tính thuế phải nộp cho cả năm thì chỗ này chúng ta chia luôn cho số tháng tính thuế để tính ra thu nhập làm căn cứ quy đổi/tháng)

(6) Thu nhập tính thuế (đã bao gồm tiền nhà chịu thuế)Sử dụng công thức Grossup theo Phụ lục số 02/PL-TNCN
(7) Thuế thu nhập cá nhân phải nộpSử dụng Biểu thuế luỹ tiến theo Phụ lục số 01/PL-TNCN

(Nhớ nhân với số tháng tính thuế để tính thuế phải nộp cả năm nếu đề bài yêu cầu)

Nhìn các bước tính toàn sẽ thấy khá lằng nhằng. Các bạn tham khảo đáp án mình đã làm cho Câu 5 – Đề Chẵn – Đề thi CPA môn Thuế năm 2017 để hiểu rõ ràng thứ tự tính toán này nhé.

2. Cá nhân không cư trú

Làm tương tự như cá nhân cư trú. Tuy nhiên bỏ các khoản giảm trừ đi & tại bước (7) thì lấy (6) * 20%

Lưu ý

Đề thi có thể phát sinh cả tình huống cá nhân cư trú có thuế thu nhập cá nhân đã nộp ở nước ngoài. Khi đó, chúng ta vẫn tính thuế phải nộp ở Việt Nam theo 5 bước trên. Sau đó, tính ra số thuế đã nộp ở nước được trừ vào thuế phải nộp ở Việt Nam.

Số thuế được trừ ≤  Số thuế phải nộp ở Việt Nam * Thu nhập phát sinh tại nước ngoài / Tổng thu nhập chịu thuế

Vậy là mình đã giải thích xong về Dạng bài tính thuế thu nhập cá nhân cho người nước ngoài. Trong bài tiếp theo mình sẽ giải thích về Dạng bài chỉ tính thuế GTGT.

You cannot copy content of this page