[CPA- LT Tài chính] Chủ đề “Nguồn vốn của doanh nghiệp”

Bài 5 của Series Bài giảng lý thuyết Môn Tài chính Đề thi CPA: Chủ đề “Các loại Nguồn vốn của Doanh nghiệp”

Tổng số video: 8.

Nếu bạn thích đọc hơn xem video thì bài viết này là dành cho bạn.

Sau khi đã tìm hiểu về cách lựa chọn dự án đầu tư ở bài Quyết định đầu tư, chúng ta hãy cùng đi xem DN có thể huy động vốn từ nguồn nào để tài trợ cho dự án đầu tư của mình. Bài viết này là về Chương 7 – Các loại Nguồn vốn của Doanh nghiệp trong Đề cương ôn thi CPA – Môn Tài chính. Hãy cùng làm rõ chương này với phần Hỏi – Đáp sau:

Phần 1. Tổng quan về Chương 7 – Các loại nguồn vốn của doanh nghiệp

Hỏi: Chương này nói về vấn đề gì?

Trả lời:

Chương này nội dung đơn giản. Giới thiệu về các loại nguồn vốn của doanh nghiệp có thể sử dụng trong quá trình hoạt động. Bao gồm các nguồn vốn tự thân (vốn chủ sở hữu) và vốn vay. Chương này cũng phân tích đặc điểm và ưu nhược điểm của các loại nguồn vốn của doanh nghiệp.

Hỏi: Nội dung về “Các loại Nguồn vốn của doanh nghiệp” xuất hiện trong đề thi như nào?

Trả lời:

– Trong đề thi CPA môn Tài chính các năm: chủ đề về Các loại nguồn vốn của doanh nghiệp không trực tiếp xuất hiện trong Phần bài tập nhưng thường xuyên xuất hiện trong Phần lý thuyết. Cụ thể: Câu 2 – Đề lẻ 2012; Câu 1 – Đề chẵn 2012; Câu 2 – Đề lẻ 2013; Câu 1 – Đề chẵn 2013; Câu 2 – Đề chẵn 2014; Câu 2 – Đề chẵn 2015.

– Trong bộ 40 câu hỏi lý thuyết mẫu của Lớp ôn thi CPA: Chương này xuất hiện trong 8 câu hỏi. Từ câu 22 – câu 28 và câu 32. Cụ thể các bạn xem trong file: Câu hỏi lý thuyết mẫu Đề thi CPA Môn Tài chính

Như vậy, bạn có thể thấy được tầm quan trọng của Chương này rồi đúng không?

Hỏi: Nội dung nào trong Chương này là quan trọng nhất?

Trả lời:

Nói ngắn gọn thì trọng tâm của Các loại nguồn vốn của doanh nghiệp sẽ rơi vào những phần không quá đơn giản. Bao gồm: Cổ phiếu, trái phiếu, thuê tài chính. Đây đều là những nguồn vốn dài hạn không thường gặp ở các DN quy mô vừa và nhỏ.

Phần 2. Tìm hiểu chi tiết: Cổ phiếu, trái phiếu và thuê tài chính

Hỏi: Chúng ta cần biết gì về cổ phiếu?

Trả lời:

Cổ phiếu là các chứng chỉ xác nhận quyền sở hữu trong công ty và cho phép người sở hữu nó được hưởng các quyền lợi tương ứng trong công ty cổ phần.

Có 2 loại cổ phiếu: Cổ phiếu thường và cổ phiếu ưu đãi tương ứng với cổ đông thông thường và cổ đông ưu đãi.

Cùng xem bảng so sánh đặc điểm của 2 loại cổ phiếu này:

Cổ phiếu thườngCổ phiếu ưu đãi cổ tức
– Là loại chứng khoán vốn (phát hành cổ phiếu thường sẽ làm tăng vốn chủ sở hữu)– Là chứng khoán vốn, xác nhận quyền sở hữu một phần công ty cổ phần của nhà đầu tư.
– Công ty không có nghĩa vụ bắt buộc chi trả cổ tức cho cổ đông. Việc chi trả cổ tức phụ thuộc vào kết quả kinh doanh. – Chủ sở hữu CPUĐ được hưởng một khoản lợi tức cố định, được xác định trước không phụ thuộc vào kết quả hoạt động của công ty. Khi công ty gặp khó khăn trong kinh doanh, thì có thể hoãn trả cổ tức cho cổ đông ưu đãi. Số cổ tức đó được tích luỹ lại và chuyển sang kỳ tiếp theo.
– Không có thời gian đáo hạn hoàn trả vốn– Được quyền ưu tiên về Cổ tức và thanh toán khi thanh lý công ty:  Cổ đông ưu đãi được nhận Cổ tức trước Cổ đông thường. Ngoài ra, khi công ty bị giải thể hay thanh lý thì Cổ đông ưu đãi được ưu tiên thanh toán giá trị Cổ phiếu của họ trước các Cổ đông thường.
Chủ sở hữu (cổ đông thường) có các quyền sau:
– Quyền trong quản lý. Được tham gia bỏ phiếu và ứng cử vào Hội đồng quản trị. Cũng như tham gia quyết định các vấn đề quan trọng trong hoạt động của Công ty
– Quyền đối với tài sản của Công ty. Được nhận cổ tức và phần giá trị còn lại của Công ty khi thanh lý sau chủ nợ và cổ đông ưu đãi.
– Quyền chuyển nhượng cổ phần. Có thể chuyển nhượng quyền sở hữu cổ phần cho người khác.
– Các quyền khác tuỳ theo điều lệ công ty
– Chủ sở hữu CPUD không được hưởng quyền bỏ phiếu bầu HĐQT và quyết định các vấn đề quan trọng trong quản lý công ty.

Để quyết định lựa chọn phát hành loại cổ phiếu nào sẽ cần phải xem xét các yếu tố như:

  • Tình hình tài chình/cơ cấu các loại nguồn vốn của doanh nghiệp
  • Sự ổn định của doanh thu/lợi nhuận trong tương lai
  • Yêu cầu giữ nguyên quyền kiểm soát, quản lý của cổ đông thông thường
  • Chi phí phát hành
Hỏi: Chúng ta cần biết gì về trái phiếu?

Trả lời:
1. Trái phiếu: là bằng chứng xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần vốn vay nợ của tổ chức phát hành.

2. Đặc điểm của trái phiếu
– Người sở hữu trái phiếu là bên cho vay = chủ nợ của DN; DN phát hành trái phiếu là người đi vay.
– Chủ sở hữu trái phiếu không có quyền tham gia quản lý và điều hành HĐKD của DN phát hành trái phiếu. Trái chủ không có quyền ứng cử, bầu cử vào Hội đồng quản trị, cũng như không được quyền bỏ phiếu, biểu quyết…
– Trái phiếu thông thường có thời gian đáo hạn. Khi đến hạn, DN phát hành có trách nhiệm hoàn trả cho trái chủ toàn bộ số vốn gốc ban đầu.
– Trái phiếu có lợi tức cố định. Nhìn chung lợi tức trái phiếu được xác định trước, không phụ thuộc vào kết quả HĐKD của DN.
– Lợi tức trái phiếu được trừ cho mục đích thuế.

3. Phân loại trái phiếu:
– Chủ thể phát hành: Trái phiếu chính phủ, trái phiếu chính quyền địa phương, trái phiếu doanh nghiệp.
– Hình thức trái phiếu:  trái phiếu ghi danh và trái phiếu vô danh.
– Lợi tức trái phiếu: trái phiếu có lãi suất cố định và trái phiếu có lãi suất biến đổi.
– Yêu cầu bảo đảm giá trị tiền vay khi phát hành: trái phiếu bảo đảm và trái phiếu không bảo đảm.
– Tính chất của trái phiếu: trái phiếu thông thường, trái phiếu có thể chuyển đổi, và trái phiếu có quyền mua cổ phiếu.

4. Một số vấn đề cần cân nhắc khi lựa chọn trái phiếu trong các loại nguồn vốn của doanh nghiệp

– Mức độ ổn định của doanh thu và lợi nhuận trong tương lai. Nếu ổn định thì phát hành trái phiếu để huy động vốn là có cơ sở và hợp lý.

– Hệ số nợ hiện tại của doanh nghiệp. Nếu hệ số nợ của DN còn thấp thì việc sử dụng trái phiếu là phù hợp và ngược lại.

– Sự biến động của lãi suất thị trường trong tương lai. Nếu lãi suất thị trường có xu hướng gia tăng thì việc sử dụng nợ trái phiếu để tăng vốn sẽ có lợi.

– Yêu cầu giữ nguyên quyền kiểm soát doanh nghiệp của các chủ sở hữu hiện tại. Nếu các cổ đông yêu cầu giữ nguyên quyền kiểm soát thì việc sử dụng trái phiếu là cần thiết.

Hỏi: Sự khác biệt trong huy động vốn từ nguồn cổ phiếu và trái phiếu?

Trả lời:

Đây là câu hỏi quan trọng nhất trong Chương này. Đề thi CPA môn Tài chính thường hay xoáy vào mấy vụ so sánh các loại nguồn vốn của doanh nghiệp. Chúng ta hãy cùng xem bảng so sánh các phương án huy động vốn sau:

Chỉ tiêu so sánhCổ phiếu thườngCổ phiếu ưu đãiTrái phiếu
1. Nghĩa vụ chi trả gốc và lãi– Cổ phiếu thường không quy định mức Cổ tức cố định mà phụ thuộc vào kết quả kinh doanh. Nên công ty không có nghĩa vụ pháp lý phải trả lợi tức cố định, đúng hạn.– Không bắt buộc phải trả lợi tức cố định đúng kỳ hạn mà có thể hoãn trả sang kì sau. Điều này giúp công ty tránh khỏi nguy cơ phá sản khi không có khả năng trả cổ tức đúng hạn.– Buộc phải trả lãi và tiền gốc vay đúng hạn. Điều này sẽ gây áp lực tài chính. Nếu DN có doanh thu và lợi nhuận dao động thất thường, việc sử dụng trái phiếu để tài trợ tăng vốn dài hạn dễ dẫn tới nguy cơ mất khả năng thanh toán, phá sản.
2. Ảnh hưởng đến quyền lợi của các chủ sở hữu hiện tại– Phải chia sẻ quyền phân chia thu nhập cao cho các Cổ đông mới. Điều này gây bất lợi cho các Cổ đông hiện tại khi công ty có triển vọng kinh doanh tốt.– Không bị chia sẻ quyền phân chia lợi nhuận cao cho cổ đông ưu đãi. Vì công ty chỉ phải trả cho CĐUĐ một khoản cổ tức cố định.– Không bị chia sẻ quyền phân chia lợi nhuận cho trái chủ. Vì trái chủ không phải chủ sở hữu của công ty. Và lợi tức trái phiếu được xác định trước và cố định ở mức độ nhất định.
3. Ảnh hưởng đến cơ cấu tổ chức quản lý điều hành hoạt động– Chia sẻ quyền quản lý và kiểm soát công ty cho các cổ đông mới. Điều này có thể gây khó khăn cho việc quản lý và điều hành kinh doanh của công ty .– Tránh được việc chia sẻ quyền quản lý và kiểm soát hoạt động kinh doanh cho các cổ đông ưu đãi.– Chủ sở hữu DN không bị chia sẻ quyền quản lý và kiểm soát DN cho các trái chủ.
4. Ảnh hưởng đến hệ số nợ, rủi ro tài chính– Làm tăng hệ số vốn chủ sở hữu, tăng tỷ lệ đảm bảo nợ của công ty, tăng thêm khả năng vay nợ và tăng mức độ tín nhiệm, giảm rủi ro tài chính.– Làm tăng hệ số nợ của DN: Điều này có thể nâng cao doanh lợi vốn chủ sở hữu khi doanh nghiệp làm ăn có lãi; mặt khác, lại làm tăng nguy cơ rủi ro do gánh nặng nợ nần lớn.
5. Yêu cầu về Tài sản đảm bảo– Không phải cầm cố, thế chấp tài sản dẫn đến việc sử dụng CP có tính chất linh hoạt, mềm dẻo hơn so với sử dụng trái phiếu dài hạn– Thông thường sẽ yêu cầu tài sản đảm bảo nên có thể gây khó khăn cho các DN quy mô nhỏ không đủ tài sản đáp ứng nhu cầu.
6. Khả năng, tốc độ huy động vốn– Khi công ty có kết quả kinh doanh tốt, Cổ phiếu thường dễ bán hơn so với Cổ phiếu ưu đãi và trái phiếu nên có thể nhanh chóng huy động vốn.
– Tuy nhiên, trái phiếu sẽ là 1 công cụ giúp DN điều chỉnh cơ cấu vốn linh hoạt. Vì không làm ảnh hưởng đến cơ cấu sở hữu của công ty
7. Chi phí phát hành– Chi phí phát hành Cổ phiếu thường, nhìn chung cao hơn của Cổ phiếu ưu đãi và trái phiếu
8. Lợi tức chi trả/Chi phí sử dụng vốn– Lợi tức cổ phần thưòng không được trừ khi tính thuế TNDN. Trong khi lợi tức trái phiếu được trừ vào thu nhập chịu thuế khi tính thuế TNDN. Do vậy chi phí sử dụng vốn của cổ phiếu cao hơn nhiều so với trái phiếu.
– Chi phí sử dụng vốn từ cổ phiếu thường sẽ cao hơn cổ phiếu ưu đãi. Do cổ phiếu thường có mức độ rủi ro cao hơn.
9. Khác– Việc phát hành thêm cổ phiếu thường ra công chúng cũng sẽ dẫn đến hiện tượng “Loãng giá”cổ phiếu của công ty– CPƯD có tính chất lưỡng tính – tức là vừa giống cổ phiếu thường vừa giống trái phiếu. Sử dụng CPUĐ sẽ là hợp lí khi việc sử dụng trái phiếu và cổ phiếu thường đều là bất lợi với công ty.– Sử dụng trái phiếu dài hạn là việc sử dụng nợ trong thời gian dài. Tác động của nó tới DN mang tính 2 mặt. Vừa đóng vai trò đòn bẩy thúc đẩy sự phát triển. Đồng thời trở thành nguy cơ đe doạ sự tồn tại và phát triển của DN
Hỏi: Tại sao trong các loại nguồn vốn của doanh nghiệp thì “Thuê Tài chính” là hình thức huy động vốn trung và dài hạn hữu ích đối với các DN vừa và nhỏ?

Trả lời:

1.Thuê tài chính: là phương thức tín dụng trung và dài hạn. Người cho thuê cam kết mua tài sản theo yêu cầu của người thuê và nắm giữ quyền sở hữu đối với tài sản thuê. Người thuê sử dụng tài sản và thanh toán tiền thuê trong suốt thời hạn đã thoả thuận và không thể huỷ ngang hợp đồng trước thời hạn.

2. Đặc điểm

  • Thời hạn thuê thường rất dài.
  • Người thuê chịu trách nhiệm bảo dưỡng, sửa chữa, bảo hành tài sản trong thời gian thuê.
  • Người thuê không được hủy bỏ hợp đồng trước thời hạn
  • Khi kết thúc thời hạn thuê: bên thuê được chuyển giao quyền sở hữu, mua lại, hoặc tiếp tục thuê tài sản đó theo thỏa thuận trong hợp đồng.
  • Tổng số tiền thuê phải trả thường đủ bù đắp giá gốc của tài sản.

3. Ưu điểm

– Là công cụ tài chính giúp DN tăng thêm vốn trung và dài hạn để mở rộng HĐKD.

– Giúp doanh nghiệp huy động và sử dụng vốn vay một cách dễ dàng hơn. Do TTC không đòi hỏi người đi thuê phải thế chấp tài sản.

– Giúp doanh nghiệp rút ngắn thời gian tiến hành đầu tư vào tài sản, thiết bị. Từ đó nắm bắt được thời cơ trong kinh doanh. Vì người thuê có quyền chọn tài sản, thiết bị và thoả thuận trước hợp đồng thiết bị với nhà cung cấp.

– Công ty cho thuê tài chính thường có mạng lưới tiếp thị, đại lý rộng rãi. Và có đội ngũ chuyên gia có trình độ chuyên sâu về thiết bị, công nghệ. Do vậy, có thể tư vấn hữu ích cho bên đi thuê về kĩ thuật, công nghệ.

4. Nhược điểm

– Doanh nghiệp đi thuê phải chịu chi phí sử dụng vốn cao so với tín dụng thông thường.

– Làm gia tăng hệ số nợ và mức độ rủi ro tài chính. Vì công ty có trách nhiệm phải hoàn trả nợ và trả lãi.

5. Giải thích

Trong các loại nguồn vốn của doanh nghiệp thì “Thuê tài chính” là hình thức huy động vốn trung và dài hạn hữu ích đối với các DN vừa và nhỏ là vì:

  • Đây là phương thức vay không cần thế chấp tài sản nên DN dễ dàng tiếp cận vốn. Các DN nhỏ và vừa thường gặp khó khăn khi vay ngân hàng vì không có tài sản thế chấp và uy tín.
  • Doanh nghiệp có thể đưa tài sản vào SXKD mà không cần phải trả ngay 1 khoản tiền lớn. Từ đó đẩy nhanh tốc độ luân chuyển tài sản cũng như vốn lưu động;
  • Có sự hỗ trợ của các chuyên gia từ bên cho thuê tài chính. Nên có thể rút ngắn thời gian vận hành tài sản và phát huy tác dụng cao nhất trong HĐKD;

Vậy là đủ cho nội dung về Các loại Nguồn vốn của doanh nghiệp. Các bạn đừng quên thực hành với đề thi CPA năm cũ và bộ 40 câu hỏi lý thuyết mẫu đề cập bên trên nhé.

You cannot copy content of this page