[ACCA F6 Taxation] Hoàn thuế GTGT là gì? 7 Nguyên tắc hoàn thuế GTGT cần nhớ?

Sau khi đã tìm hiểu về Khấu trừ thuế GTGT, chúng ta hãy tiếp tục tìm hiểu về “Hoàn thuế GTGT là gì & 7 Nguyên tắc hoàn thuế giá trị gia tăng”. Bài viết sẽ giúp các bạn xử lý được các yêu cầu “Xác định giá trị thuế GTGT được hoàn?” trong đề thi F6.

Bài viết bao gồm các nội dung:

  • Hoàn thuế GTGT là gì?
  • 7 nguyên tắc hoàn thuế Giá trị gia tăng
  • Bài tập tình huống trong đề thi F6

Nếu bạn không thích đọc thì xem Video nhé.

VIDEO 4

1. Hoàn thuế GTGT là gì?

Ở bài trước chúng ta đã học:

Thuế GTGT phải nộp = Thuế GTGT đầu ra phát sinh – Thuế GTGT đầu vào được khấu trừ

Như vậy:

Khi thuế GTGT đầu vào được khấu trừ > Thuế GTGT đầu ra phát sinh thì phần chênh lệch này được phép chuyển sang kỳ sau khấu trừ tiếp hoặc được hoàn nếu thoả mãn điều kiện.

Hoàn thuế tiếng anh là “Tax Refund” – tạm dịch là “hoàn trả lại thuế”. Hoàn thuế GTGT là việc cơ quan thuế “hoàn trả lại” số tiền thuế đã nộp cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.

Ta có thể thấy sự khác biệt rõ ràng giữa “khấu trừ thuế GTGT” và “hoàn thuế GTGT”:

  • Với hoàn thuế GTGT: doanh nghiệp sẽ được nhận lại tiền từ cơ quan thuế.
  • Với khấu trừ thuế GTGT: doanh nghiệp chỉ được bù trừ vào số thuế GTGT phải nộp.

Các trường hợp cơ sở kinh doanh đã kê khai đề nghị hoàn thuế thì không được kết chuyển số thuế đầu vào đã đề nghị hoàn vào số thuế được khấu trừ của tháng tiếp sau.

2. Nguyên tắc hoàn thuế Giá trị gia tăng cần biết

Các bạn xem sơ đồ tóm tắt các quy định hoàn thuế giá trị gia tăng dưới đây:

Nguyên tắc hoàn thuế Giá trị gia tăng

Như vậy, có 7 nguyên tắc hoàn thuế giá trị gia tăng mà chúng ta cần nhớ:

[Nguyên tắc 1] Doanh nghiệp muốn xin hoàn thuế thì phải “thoả mãn điều kiện” nhất định

  • Phải là cơ sở kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khấu trừ
  • Đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy phép đầu tư (giấy phép hành nghề) hoặc quyết định thành lập của cơ quan có thẩm quyền; có con dấu theo đúng quy định của pháp luật.
  • Lập và lưu giữ sổ kế toán, chứng từ kế toán theo quy định của pháp luật về kế toán;
  • Có tài khoản tiền gửi tại ngân hàng theo mã số thuế của cơ sở kinh doanh.

Trong đề thi F6 cũng không đi sâu về vấn đề này. Do vậy, mình sẽ không giải thích thêm.

[Nguyên tắc 2] “Khấu trừ là hình thức ưu tiên”

Công ty, tổ chức nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thuế nếu có số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ hết trong tháng/quý thì được khấu trừ vào kỳ tiếp theo;

Ví dụ:

A thực hiện khai thuế GTGT theo quý. Tại kỳ tính thuế quý 3/2018 có số thuế GTGT chưa được khấu trừ hết là 80 triệu, thì A được khấu trừ vào kỳ tính thuế quý 4/2018. Trường hợp các kỳ tính thuế quý 4/2018, quý 1/2019 và quý 2/2019 vẫn còn thuế GTGT chưa được khấu trừ hết thì A chuyển số thuế GTGT chưa được khấu trừ hết để tiếp tục khấu trừ tại kỳ tính thuế quý 3/2019 và các kỳ tính thuế tiếp theo.

[Nguyên tắc 3] Hoàn thuế cho DN mới thành lập từ dự án đầu tư

Công ty mới thành lập từ dự án đầu tư đã đăng ký kinh doanh, đăng ký nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ; Hoặc dự án tìm kiếm thăm dò và phát triển mỏ dầu khí đang trong giai đoạn đầu tư, chưa đi vào hoạt động: nếu có thời gian đầu tư từ 01 năm (12 tháng) trở lên thì được hoàn thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho đầu tư theo từng năm. Trường hợp, nếu số thuế GTGT lũy kế của hàng hóa, dịch vụ mua vào sử dụng cho đầu tư từ 300 triệu trở lên thì được hoàn thuế GTGT.

[Nguyên tắc 4] Nguyên tắc hoàn thuế Giá trị gia tăng cho doanh nghiệp đang hoạt động có dự án đầu tư mới

(1) Công ty đang hoạt động thuộc đối tượng nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ có dự án đầu tư (trừ dự án đầu tư xây dựng nhà để bán) cùng tỉnh, thành phố, đang trong giai đoạn đầu tư hoặc khác tỉnh, thành phố nơi đóng trụ sở chính, đang trong giai đoạn đầu tư chưa đi vào hoạt động, chưa đăng ký kinh doanh, chưa đăng ký thuế thì cơ sở kinh doanh thực hiện kê khai riêng đối với dự án đầu tư.

Công ty phải kết chuyển thuế GTGT đầu vào của dự án đầu tư để bù trừ với việc kê khai thuế GTGT của hoạt động sản xuất kinh doanh đang thực hiện.

  • Sau khi bù trừ nếu số thuế GTGT đầu vào của dự án đầu tư chưa được khấu trừ hết >= 300 triệu: được hoàn thuế GTGT cho dự án đầu tư.
  • Sau khi bù trừ nếu số thuế GTGT đầu vào của dự án đầu tư mà chưa được khấu trừ hết < 300 triệu: kết chuyển vào số thuế GTGT đầu vào của dự án đầu tư của kỳ kê khai tiếp theo.

Ví dụ:

Công ty C có trụ sở chính tại HCM. Tháng 7/2018, C có dự án đầu tư tại HCM đang trong giai đoạn đầu tư. C phải thực hiện kê khai riêng thuế GTGT đầu vào của dự án đầu tư này.

TH1. Tháng 8/2018, số thuế GTGT đầu vào của dự án đầu tư là 500 triệu; số thuế GTGT phải nộp của hoạt động SXKD mà Công ty đang thực hiện là 300 triệu. C phải bù trừ thuế GTGT đầu vào của dự án với số thuế phải nộp của hoạt động SXKD đang thực hiện (300 triệu). Vậy, kỳ tính thuế tháng 8/2018, C có số thuế GTGT đầu vào của dự án đầu tư chưa được khấu trừ hết là 200 triệu. C không thuộc trường hợp được xét hoàn thuế GTGT cho dự án đầu tư. C thực hiện kết chuyển 200 triệu này vào số thuế GTGT đầu vào của dự án đầu tư của kỳ kê khai tháng 9/2018.

TH2. Tháng Tháng 8/2018, số thuế GTGT đầu vào của dự án đầu tư là 500 triệu; số thuế GTGT phải nộp của hoạt động SXKD mà Công ty đang thực hiện là 200 triệu. C phải bù trừ thuế GTGT đầu vào của dự án với số thuế phải nộp của hoạt động SXKD đang thực hiện (300 triệu). Vậy, kỳ tính thuế tháng 8/2018, C được xem xét hoàn thuế GTGT cho dự án đầu tư.

(2) Trường hợp công ty có dự án đầu tư ở khác địa bàn với trụ sở chính và:

  • Quyết định thành lập các Ban Quản lý dự án/ chi nhánh tại địa bàn thực hiện dự án để thay mặt người nộp thuế trực tiếp quản lý một hoặc nhiều dự án đầu tư tại nhiều địa phương;
  • Ban Quản lý dự án, chi nhánh đủ tiêu chuẩn là pháp nhân độc lập

Khi đó:

  • Ban Quản lý dự án, chi nhánh phải lập hồ sơ khai thuế, hoàn thuế riêng với cơ quan thuế địa phương nơi đăng ký thuế.
  • Khi dự án đầu tư để thành lập doanh nghiệp đã hoàn thành và hoàn tất các thủ tục về đăng ký kinh doanh, đăng ký nộp thuế: công ty phải tổng hợp số thuế GTGT phát sinh; số thuế GTGT đã hoàn; chưa được hoàn của dự án để bàn giao cho doanh nghiệp mới thành lập.

[Nguyên tắc 5] Dự án đầu tư chỉ được hoàn khi “thoả mãn” quy định pháp luật

Doanh nghiệp không được hoàn thuế GTGT mà chỉ được khấu trừ thuế GTGT của dự án đầu tư sang kỳ tiếp theo khi:

  • Dự án đầu tư của Doanh nghiệp không góp đủ số vốn điều lệ như đã đăng ký theo quy định
  • Dự án đầu tư của Doanh nghiệp kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện khi chưa đủ các điều kiện theo quy định, chưa được cấp giấy phép kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện…Hoặc đã được cấp phép nhưng sau đó lại không đảm bảo duy trì đuợc các điều kiện này…
  • Dự án đầu tư sản xuất sản phẩm hàng hóa mà tổng trị giá tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên theo dự án đầu tư.

[Nguyên tắc 6] “Ưu tiên” hoàn thuế GTGT cho hoạt động xuất khẩu

Tại sao lại nói là “Ưu tiên”?

Vì không cần phải là doanh nghiệp mới thành lập từ dự án đầu tư… cũng được xem xét hoàn thuế khi có thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu chưa được khấu trừ trong tháng/quý từ 300 triệu trở lên.

Nếu trong tháng, quý số thuế giá trị gia tăng đầu vào của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu chưa được khấu trừ < 300 triệu đồng: khấu trừ vào tháng, quý tiếp theo.

[Nguyên tắc 7] Phải tách biệt giữa hoạt động xuất khẩu và tiêu thụ nội địa

Nếu trong kỳ kê khai, doanh nghiệp vừa có hàng hoá, dịch vụ xuất khẩu & hàng hoá, dịch vụ bán trong nước thì doanh nghiệp phải hạch toán riêng số thuế GTGT đầu vào sử dụng cho sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu.

Trường hợp không hạch toán riêng được: số thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu được xác định theo tỷ lệ giữa Doanh thu xuất khẩu / Tổng doanh thu

(Lưu ý: Đây là điểm khác biệt từ khi Thông tư 130/2016/TT-BTC có hiệu lực)

Số thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu sau khi bù trừ với số thuế GTGT phải nộp của hàng hóa, dịch vụ tiêu thụ nội địa còn lại từ 300 triệu đồng trở lên thì cơ sở kinh doanh được hoàn thuế cho hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu. Khi đó, số thuế GTGT được hoàn của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu không vượt quá 10% của doanh thu hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu.

Các bạn xem ví dụ về nguyên tắc hoàn thuế giá trị gia tăng số 7 này ở phần 3 dưới đây.

Các nguyên tắc hoàn thuế Giá trị gia tăng được quy định tại Điều 1, Thông tư 130/2016/TT-BTCĐiều 2, Thông tư 25/2018/TT-BTC

3. Bài tập hoàn thuế Giá trị gia tăng

[1] Tình huống áp dụng nguyên tắc hoàn thuế Giá trị gia tăng

V Co là 1 công ty Việt nam chuyên sản xuất mỳ ăn liền bán trong nước và xuất khẩu. Doanh thu xuất khẩu và doanh thu trong nước sẽ là đối tượng chịu thuế GTGT 0% và 10%. V Co đã nộp yêu cầu hoàn thuế GTGT đầu vào. Và đã nhận được khoản hoàn thuế trong T5.2018. Tổng giá trị VAT được hoàn của V Co là 4.77 Tỷ. Thông tin kê khai VAT trong T5.2018 của công ty như sau:

  • VAT đầu vào được khấu trừ từ T4.2018 chuyển sang (cho cả hoạt động XK và nội địa): 30 triệu. V không tách riêng ra được.
  • VAT đầu vào được khấu trừ phát sinh trong T5.2018 (cho cả hoạt động XK và nội địa): 9.6 tỷ.

Trong T8.2018, V Co đã cân nhắc và nộp yêu cầu hoàn thuế cho VAT đầu vào phát sinh trong T6.2018. Tổng VAT đầu vào được khấu trừ phát sinh trong T6.2018 là 4 tỷ. V Co không thể tách biệt riêng cho doanh thu xuất khẩu và nội địa. Và Giá trị này không bao gồm VAT được khấu trừ từ T5.2018 chuyển sang.

Thông tin liên quan đến T5 và T6.2018 của V Co như sau:

  • Doanh thu nội địa (chưa bao gồm VAT): T5.2018 là 16.8 tỷ và T6.2018 là 60 tỷ
  • Doanh thu xuất khẩu (chưa bao gồm VAT): T5.2018 là 25.2 tỷ và T6.2018 là 32.2 tỷ

Yêu cầu:

(1) Xác định giá trị hoàn thuế VAT mà V Co đã nhận trong T5.2018 là đúng hay không? Và giá trị VAT đầu vào có thể được chuyển sang kỳ sau? (Áp dụng cách tính cho thời điểm trước khi Thông tư 130/2016/TT-BTC có hiệu lực)

(2) Ước tính giá trị thuế GTGT được hoàn mà V Co có thể yêu cầu cho T6.2018?(Áp dụng cách tính theo quy định hiện hành – thời điểm sau khi Thông tư 130/2016/TT-BTC có hiệu lực)

[2] Đáp án tình huống áp dụng nguyên tắc hoàn thuế Giá trị gia tăng

(1) Xác định giá trị thuế GTGT được hoàn trong T5.2018

Khoản mụcDoanh thu nội địa (triệu đồng)Doanh thu xuất khẩu (triệu đồng)Tổng cộng (triệu đồng)
[1] Doanh thu16,80025,20042,000
[2] Tỷ lệ trong tổng doanh thu40%60%
[3] VAT đầu ra tương ứng1,680 (Thuế suất 10%)0 (Thuế suất 0%)1,680
[4] Tổng VAT đầu vào được khấu trừ(9,630)
[5] VAT đầu vào có thể được hoàn/khấu trừ3,180 (7,950 – 4,770)4,770
(7,950*60%)
(7,950)
[3] + [4]

Khoản hoàn thuế GTGT do cơ quan thuế tính là chính xác. Ngoài ra, công ty có thể chuyển 3.18 tỷ sang kỳ sau khấu trừ tiếp.

(2) Hoàn thuế GTGT cho kỳ T6.2018

Khoản mụcDoanh thu nội địa (triệu đồng)Doanh thu xuất khẩu (triệu đồng)Tổng cộng (triệu đồng)
[1] Doanh thu60,00032,20092,200
[2] Tỷ lệ trong tổng doanh thu65%35%
[3] VAT đầu ra tương ứng6,000
(60,000*10%)
06,000
[4] VAT đầu vào được khấu trừ từ T5 chuyển sang của hoạt động tiêu thụ nội địa(3,180)(3,180)
[5] VAT đầu vào được khấu trừ của T6(2,600) (4,000*65%)(1,400) (4,000*35%)(4,000)
[6] VAT đầu ra phải nộp của hoạt động tiêu thụ nội địa220
[7] VAT đầu vào có thể hoàn (không được vượt quá 10% doanh thu xuất khẩu)(1,180) (1,400 – 220)

Lưu ý: Cách tính số VAT đầu vào của hoạt động xuất khẩu giữa tháng 5 và tháng 6 khác nhau do Tháng 5 áp dụng quy định tại TT209/2013/TT-BTC còn THáng 6 áp dụng quy định tại TT130/2016/TT-BTC)

Phù. Vậy là đã xong chủ đề về Thuế Giá trị gia tăng. Trong các bài tiếp theo, mình sẽ tập trung nốt chủ đề “Thuế Thu nhập doanh nghiệp”. Hy vọng là kịp cho các bạn thi kỳ T6 này.

You cannot copy content of this page