Bây giờ là 6h sáng thứ 7. Khi viết những dòng này thì Ad vừa trả lời xong email nhận được từ các bạn trong tuần này. Nhân dịp nghe lời bác Vũ Đức Đam “ở nhà cuối tuần để ủng hộ cuộc chiến chống Corona của cả nước”, Ad quyết định viết đôi dòng chia sẻ sau khi dồn dập nhận được email của các bạn hỏi về lộ trình áp dụng IFRS tại việt nam. Mà nguyên do có lẽ đều xuất phát từ cái Quyết định 345/QĐ-BTC vừa được ban hành ngày 16.3.2020.
Đầu tiên, Ad phải nói rằng Ad vui vì nhận thấy đã có sự lo lắng trong email của các bạn. Lo lắng nghĩa là các bạn hiểu được vị trí công việc của mình có thể bị đe doạ khi có sự thay đổi. Và sự lo lắng này sẽ là động lực giúp các bạn chủ động học hỏi để có năng lực đáp ứng được sự thay đổi trong yêu cầu công việc.
Tuy nhiên Ad cũng thấy hơi buồn chút vì nhiều bạn có vẻ như chưa đọc kỹ nội dung của Quyết định 345. Ad có lướt qua Facebook 1 vòng thì thấy các trang/group của nhiều trung tâm đào tạo đều đang tranh thủ quảng cáo khoá học bằng cách giật tít về lộ trình bắt buộc áp dụng IFRS khi lập BCTC tại Việt Nam. Có lẽ đây chính là lý do khiến mọi người hoang mang quá mức như vậy.
Vị vậy, Ad sẽ nêu quan điểm của cá nhân Ad về nội dung của Quyết định 345 để các bạn tham khảo.
1.Chúng ta có thể thấy gì từ Quyết định 345/QĐ-BTC?
Ad đưa ra 4 ý kiến sau:
(1) Tinh thần chung từ Quyết định 345
Nội dung của Quyết định này thể hiện sự nỗ lực của nước mình trong bối cảnh hội nhập quốc tế đang thực sự bắt đầu ở Việt Nam với 1 loạt hiệp định thương mại được ký kết. Mà gần đây nhất là hiệp định EVFTA giữa Việt Nam & EU.
Các bạn có thể tham khảo 1 loạt các hiệp định thương mại mà chúng ta đã ký ở đây: Danh sách Hiệp định thương mại
Do vậy dù có khả thi hay không thì chúng ta cũng nên ghi nhận và vui mừng vì đất nước đang có dấu hiệu chuyển biến tốt. Vì đất nước phát triển thì năng lực người dân cũng được cải thiện và ngược lại mà.
(2) Lộ trình áp dụng IFRS tại việt nam tại Việt Nam?
Quyết định 345 chỉ là quyết định PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN áp dụng Chuẩn mực Báo cáo tài chính tại Việt Nam.
Theo đó quyết định này phê chuẩn các khung thời gian mà Đề án đang đề xuất. Chứ quyết định này KHÔNG PHẢI là văn bản quyết định cuối cùng về lộ trình áp dụng IFRS tại Việt Nam.
Bởi vì đã là đề án, thì trong quá trình nghiên cứu, triển khai, áp dụng sẽ phải có sự thay đổi, điều chỉnh để phù hợp với tình hình thực tế. Chứ không phải cứ lập kế hoạch ban đầu như nào, thì sau làm y như vậy.
Ngay chính trong nội dung của đề án được phê duyệt ở phần Giai đoạn 2, áp dụng bắt buộc (sau năm 2025) cũng nói:
“Trên cơ sở đánh giá tình hình thực hiện áp dụng IFRS của giai đoạn 1, Bộ Tài chính căn cứ nhu cầu, khả năng sẵn sàng của các doanh nghiệp và tình hình thực tế, quy định phương án, thời điểm bắt buộc áp dụng IFRS”
Quyết định 345/QĐ-BTC
Như vậy nếu lấy 2025 là mốc bắt buộc phải áp dụng IFRS ở Việt Nam mà một số nơi đề cập theo Ad là KHÔNG ĐÚNG.
(3) Tất cả các doanh nghiệp đều phải áp dụng IFRS?
Nội dung của Đề án áp dụng Chuẩn mực BCTC ở Việt Nam được phê duyệt trong quyết định 345 bao gồm 2 nội dung:
- Xây dựng kế hoạch áp dụng IFRS tại Việt Nam
- Ban hành mới và tổ chức áp dụng hệ thống chuẩn mực báo cáo tài chính Việt Nam (VFRS)
Nội dung 1 thì Ad đã nói ở trên rồi. Còn nội dung 2 thì Ad giải thích thêm chút.
Các nước phát triển trên thế giới khi áp dụng IFRS cũng luôn có thêm 1 lựa chọn là chuẩn mực trong nước, nhưng được xây dựng phát triển từ IFRS. Kiểu xem tình trạng của doanh nghiệp như nào thì áp dụng theo chuẩn mực cho phù hợp. Ví dụ như chuẩn mực kế toán Hàn quốc thì có IFRS và K-IFRSs. Singapore thì có IFRS và SFRS…
Vậy nên việc chúng ta xây dựng, duy trì cả IFRS và VFRS thì cũng là hoàn toàn bình thường, phù hợp thực tiễn thực hiện tại các nước khác thôi.
Thật ra theo Ad biết thì cái chuẩn mực VAS hiện tại lúc trước cũng là được dịch từ IFRS ra, sau đó biến đổi đi cho phù hợp với Việt Nam mình. Như vậy thì VFRS cũng không có gì là xa lạ cả. Cái khác biệt giữa VAS và VFRS theo Ad là VFRS sẽ cố gắng bám theo IFRS sát nhất có thể. Có lẽ chính vì xác định như vậy nên tên chuẩn mực chúng ta cũng để VFRS rồi.
Như vậy: với 2 hệ thống chuẩn mực kế toán như này thì cũng không phải doanh nghiệp nào cũng sẽ cần và phải áp dụng IFRS.
(4) Tính khả thi của việc áp dụng IFRS tại Việt Nam?
Cá nhân Ad rất mong muốn IFRS được áp dụng tại Việt Nam. Và Ad cũng tin rằng đây là xu thế không thể tránh khỏi. Kiểu đâm lao phải theo lao ý. Đã ký hiệp định thương mại rồi mà hệ thống tài chính không đáp ứng thì hội nhập làm sao?
Tuy nhiên chúng ta cũng cần thực tế.
Hiện nay dù cũng nhiều công ty có làm Báo cáo IFRS. Nhưng chỉ dừng ở Báo cáo chuyển đổi theo IFRS, chứ không phải Báo cáo theo chuẩn mực IFRS. Do vậy, kết quả chỉ mang tính chất tham chiếu.
Có rất nhiều điểm khác nhau giữa IFRS và VAS hiện tại. Có những điểm là do VAS của mình không cập nhật trong khi IFRS thì cập nhật chóng mặt. Nhưng cũng có những điểm là do đặc điểm thị trường của mình nên VAS không bắt chước theo IFRS được.
Ví dụ như IFRS có 1 khái niệm cốt lõi xuyên suốt là “Giá trị hợp lý – Fair Value”. Nhưng để có được Giá trị hợp lý thì phải có thông tin minh bạch rõ ràng để tham chiếu. Thị trường mình có không?
Theo Ad thì chưa. Vậy xử lý vấn đề này như nào?
Các bạn có thể tham khảo bài viết về sự khác biệt giữa IFRS & VAS để hiểu tình hình. Bản Tiếng Anh – Bản Tiếng việt
Như vậy, rõ ràng để có thể thực sự áp dụng IFRS tại Việt Nam, chúng ta chắc chắn phải xử lý được các điểm khác biệt cốt lõi này. Và điều này thì cần thời gian. Chưa kể là, thay đổi chuẩn mực kế toán áp dụng chắc chắn cũng sẽ kéo theo sự thay đổi trong quy định về thuế nữa chứ.
Như vậy, dù là khả thi nhưng rõ ràng cần thời gian. Ad nghĩ chắc xác định tầm nhìn 5 năm là lạc quan, 10 năm là bình thường.
2. Chúng ta có thể chuẩn bị gì cho lộ trình áp dụng IFRS tại Việt Nam? Có cần học CertIFR – Chứng chỉ lập BCTC theo IFRS không?
Với cá nhân Ad thì chuẩn bị không bao giờ là thừa, học không bao giờ là đủ.
Vậy nên dù việc áp dụng IFRS hay VFRS chưa phải ngay lúc này, nhưng việc chuẩn bị tất nhiên là cần thiết. Vậy chúng ta nên chuẩn bị cái gì?
Theo Ad việc quan trọng nhất chúng ta nên tìm hiểu sự khác biệt căn bản giữa IFRS và VAS hiện tại. Suy ngẫm để dự đoán được những thay đổi có thể có. Đặc biệt là sự khác biệt trong các nguyên tắc kế toán, khung khái niệm… những thứ sẽ ảnh hưởng chung đến các chuẩn mực chi tiết.
Tiếp theo là tự trau dồi tiếng anh chuyên ngành. Các chuẩn mực IFRS rất sẵn trên mạng. Chúng ta nên sử dụng luôn để học, vì từ ngữ cũng không phải là cao siêu gì. Mà đó lại chính là những gì chúng ta cần sử dụng nếu sau này cần phải áp dụng IFRS.
Vậy, có nên lao đi học chứng chỉ CertIFR – Chứng chỉ lập BCTC theo IFRS không?
Chứng chỉ CertIFR này do ACCA cấp, chỉ tập trung vào phần Báo cáo tài chính (kiểu như là môn FR và SBR của chương trình ACCA), lại là thi trắc nghiệm, chi phí không cao…
Câu trả lời của Ad là nếu thích và có điều kiện thì nên học. Tuy nhiên không nên ảo tưởng rằng học xong là biết cách lập luôn BCTC theo IFRS trong thực tế.
Nội dung của chứng chỉ này là cung cấp cái nhìn cho người học về cơ quan ban hành ra IFRSs, cũng như các điểm cơ bản trong các chuẩn mực, các giảng viên của trung tâm có thể sẽ bổ sung thêm phần liên hệ kiến thức thực tế vào trong quá trình giảng dạy. Tuy nhiên theo Ad phần này cũng chỉ hạn chế. Lý do là vì như Ad đã nói bên trên, có những sự khác biệt cố hữu giữa VAS và IFRS. Chỉ khi nào văn bản hướng dẫn giải quyết được vấn đề này thì chúng ta mới có thể thực sự lập báo cáo theo IFRSs. Còn trước đó thì chỉ là cách để chuyển đổi báo cáo từ VAS sang IFRS mà thôi. Mà việc này cũng không phải đơn giản.
Chốt lại, Ad chỉ muốn nói các bạn hãy cứ bình tĩnh nhé. Lo lắng là tốt, nhưng lo lắng là để biết mà chuẩn bị trước kiến thức cho bản thân. Chứ không cần phải hoảng hốt vội vã lao đi học IFRSs trong khi chưa thực sự chắc chắn mục tiêu.
Trên đây chỉ là những quan điểm cá nhân của Ad, các bạn cho ý kiến thêm nhé. Chúc cả nhà cuối tuần vui vẻ.
Hi Chị!
Em rất thích quan điểm của chị và góc nhìn về các vấn đề một cách đơn giản hóa mà lại sâu sắc nó.
Em hị vọng chị sẽ có thêm nhiều chia sẻ hay và bổ ích.
Thank you.
thông tin mà chị chia sẻ rất hữu ích ạ. Chị cho em hỏi là trong link mà chị có đính kèm về sự khác việt VAS và IFRS thì NXB lại từ năm 2010, vậy thì quyển này liệu có hơi cũ quá không ạ vì năm 2014 BTC có ban hành TT200 rồi ạ.
Hi em, so sánh VAS và IFRS thì người ta so sánh về hệ thống chuẩn mực thôi, chứ không so sánh về quy định hạch toán chi tiết nên chị nghĩ vẫn dùng được. Chị tìm không thấy bản mới hơn cho mọi người nên tạm vậy đã. 🙂
Em cảm ơn chị về bài viết ạ, rất hay và đầy đủ ạ