Skip to content

[ACCA F8 Video Lectures] Chủ đề “Bằng chứng kiểm toán”

Bài số 7 của Series hướng dẫn tự học F8 Audit and Assurance – Chủ đề “Lập kế hoạch kiểm toán & Đánh giá rủi ro kiểm toán “- Phần 2: Bằng chứng kiểm toán

Tiếp tục chủ đề về Lập kế hoạch kiểm toán, trong bài viết này chúng ta sẽ đi tìm hiểu về “Bằng chứng kiểm toán”. Nếu tham chiếu vào Các giai đoạn của 1 cuộc kiểm toán, chúng ta sẽ thấy rằng đây không phải là 1 nội dung cụ thể thuộc giai đoạn lập Kế hoạch. Tuy nhiên chúng ta phải học về nội dung này vì:

Sau khi kết thúc lập kế hoạch, kiểm toán viên sẽ chuyển sang giai đoạn thực hiện các thủ tục kiểm toán. Bao gồm: “Thử nghiệm kiểm soát” & “Thử nghiệm cơ bản”. Mà mục đích của các thủ tục này là: Thu thâp đầy đủ các bằng chứng kiểm toán phù hợp. Từ đó làm cơ sở để đưa ra kết luận. Hay nói đơn giản là ý kiến kiểm toán.

Do vậy, trước khi đi tìm hiểu về chi tiết các thủ tục kiểm toán cần thực hiện, chúng ta cần làm rõ:

  • Bằng chứng kiểm toán là gì?
  • Mức độ tin cậy của bằng chứng kiểm toán?
  • Kiểm toán cần thu thập bằng chứng về cái gì?
  • Các kỹ thuật thu thập bằng chứng kiểm toán?

1. Bằng chứng kiểm toán là gì?

Mục tiêu của 1 cuộc kiểm toán báo cáo tài chính là để cho phép kiểm toán viên đưa ra ý kiến xem liệu báo cáo tài chính của khách hàng có được lập, ở các khía cạnh trọng yếu, theo quy định không?

Và để đưa ra ý kiến thì kiểm toán viên sẽ cần thu thập “Bằng chứng kiểm toán” (“Audit evidence”). Vậy, bằng chứng kiểm toán là gì?

Bằng chứng kiểm toán: là toàn bộ thông tin được sử dụng bởi kiểm toán viên trong việc đưa ra các kết luận làm cơ sở cho việc hình thành ý kiến kiểm toán.

Bằng chứng bao gồm toàn bộ thông tin trong các ghi chép kế toán để lập Báo cáo tài chính và các thông tin khác được thu thập bởi kiểm toán. Ví dụ: thư xác nhận từ bên thứ 3 như ngân hàng hay nhà cung cấp.

2. Mức độ tin cậy của bằng chứng kiểm toán

ISA quy định: Kiểm toán phải thu thập đầy đủ các bằng chứng kiểm toán phù hợp. 2 từ quan trọng ở đây là: Phù hợp (“Appropriateness”) & Đầy đủ (“Sufficiency”).

  • Thích hợp (“Appropriateness”): phản ánh chất lượng của bằng chứng.
  • Tính đầy đủ (“Sufficiency”): phản ánh số lượng của bằng chứng. Số lượng của bằng chứng bị ảnh hưởng bởi mức độ rủi ro của nội dung bị kiểm toán. Và chất lượng của bằng chứng thu thập được nữa. Nếu bằng chứng thu thập được có chất lượng cao thì có thể cần ít bằng chứng hơn. Tuy nhiên, 1 số lượng lớn bằng chứng chất lượng thấp sẽ không thay đổi được chất lượng cuả bằng chứng nhé.

Hướng dẫn đánh giá chất lượng hay mức độ tin cậy của Bằng chứng kiểm toán:

Dạng bằng chứngChất lượng
Bằng chứng thu thập từ bên ngoài (External)Bằng chứng thu thập từ các nguồn bên ngoài thì đáng tin cậy hơn khi thu thập từ số liệu ghi chép của khách hàng. Bởi vì đó là 1 nguồn độc lập.
Bằng chứng do kiểm toán viên thu thậpBằng chứng do kiểm toán viên thu thập trực tiếp sẽ tin cậy hơn là bằng chứng được thu thập gián tiếp hoặc từ suy luận.
Bằng chứng thu thập từ khách hàngBằng chứng thu thập từ ghi chép của khách hàng sẽ đáng tin cậy hơn khi hệ thống kiểm soát của khách hàng liên quan đến bằng chứng đó hoạt động hiệu quả.
Bằng chứng bằng văn bảnBằng chứng bằng văn bản (Giấy hoặc điện từ) hoặc Thư giải trình (Written representations) sẽ đáng tin hơn bằng chứng bằng lời nói. 
Bằng chứng bản gốc (“Originals”)Bằng chứng bản gốc sẽ đáng tin hơn bản copy hay bản fax. Vì các dạng này dễ dàng bị thay đổi bởi khách hàng.

Lưu ý:

(1) Sử dụng công việc của chuyên gia:

Chuyên gia của khách hàng (Management’s expert) là các cá nhân hoặc tổ chức là chuyên nghiệp trong 1 lĩnh vực không phải là kiểm toán hay kế toán. Chuyên gia này đã hỗ trợ doanh nghiệp trong việc lập Báo cáo tài chính với chuyên ngành của mình.

Trong trường hợp kiểm toán viên sử dụng thông tin được lập bởi chuyên gia, kiểm toán viên sẽ phải đánh giá & đưa ra kết luận về tính khách quan, năng lực, khả năng của chuyên gia. Cũng như thu thập hiểu biết về công việc chuyên gia đã thực hiện để đưa ra kết luận về tính phù hợp của việc sử dụng thông tin này làm bằng chứng kiểm toán

(2) Sử dụng thông tin tạo ra bởi khách hàng

Nếu kiểm toán viên sử dụng thông tin do khách hàng tạo ra, kiểm toán viên cần đánh giá:

  • Thông tin đó có đủ tin cậy cho mục đích của kiểm toán viên không?
  • Có đủ tin cậy để đảm bảo tính chính xác và đầy đủ của bằng chứng hay không?

(3) Sự không nhất quán và nghi ngờ về độ tin cậy

Nếu bằng chứng kiểm toán từ các nguồn khác nhau không nhất quán. Hay nói cách khác là có mâu thuẫn. Hoặc kiểm toán viên có nghi ngờ về độ tin cậy của thông tin. Thì cần xác định các thay đổi hay bổ sung cần thiết để xử lý vấn đề này. Và phải cân nhắc ảnh hưởng của nó đến các khía cạnh khác của cuộc kiểm toán.

Trong đề thi ACCA F8 Audit & Assurance, chúng ta có thể được yêu cầu đánh giá mức độ tin cậy của các bằng chứng kiểm toán? Hay giải thích các nhân tố ảnh hưởng đến đến giá của kiểm toán viên về mức độ tin cậy của bằng chứng.

3. Cần thu thập bằng chứng kiểm toán về vấn đề gì?

Chúng ta đã nói nhiều về bằng chứng và độ tin cậy của chúng. Vậy, cụ thể thì kiểm toán viên cần thu thập bằng chứng kiểm toán về cái gì?

Câu trả lời là:

Kiểm toán viên phải thực hiện các thủ tục kiểm toán để thu thập bằng chứng về các cơ sở dẫn liệu (“Assertions”) của Báo cáo tài chính. Vậy, cơ sở dẫn liệu là gì?

Cơ sở dẫn liệu là căn cứ của các khoản mục và thông tin trình bày trong Báo cáo tài chính do Ban Giám đốc công ty khách hàng chịu trách nhiệm lập trên cơ sở các chuẩn mực và chế độ kế toán qui định.

Như vậy: cơ sở dẫn liệu sẽ được chia làm 2 nhóm:

(1) Cơ sở dẫn liệu về các nhóm giao dịch & sự kiện & các thuyết minh liên quan

Nhóm này thường là liên quan đến các chỉ tiêu trên PL. Bao gồm các cơ sở dẫn liệu sau:

  • Tính hiện hữu (“Occurence”): Các giao dịch & sự kiện đã ghi nhận hoặc trình bày đã thực sự phát sinh.
  • Tính đầy đủ (“Completeness”): Tất cả giao dịch & sự kiện nên được ghi nhận đều đã được ghi nhận. Và tất cả các thuyết minh liên quan nên được bao gồm trong BCTC đều đã được bao gồm.
  • Tính chính xác (“Accuracy”): Các giá trị hay dữ liệu liên quan đến các giao dịch & sự kiện đã được ghi nhận phù hợp. Các thuyết minh liên quan đã được đánh giá & mô tả phù hợp.
  • Tính đúng kỳ (“Cut-off”): Các giao dịch & sự kiện đã được ghi nhận đúng kỳ
  • Tính phân loại (“Classification”): Các giao dịch & sự kiện đã được ghi nhận vào đúng tài khoản

(2) Cơ sở dẫn liệu về các số dư tài khoản cuối kỳ & các thuyết minh liên quan

  • Tính tồn tại (“Existence”): Tài sản & Các khoản nợ phải trả ghi nhận là thực sự tồn tại.
  • Quyền & Nghĩa vụ (“Obligations”): Doanh nghiệp nắm giữ hoặc kiểm soát các quyền liên quan đến tài sản. Và có nghĩa vụ đối với các khoản nợ phải trả được ghi nhận
  • Tính đầy đủ (“Completeness”): Tất cả tài sản, nợ phải trả & vốn chủ nên được ghi nhận thì đều đã được ghi nhận. Và tất cả các thuyết minh liên quan cần được bao gồm trong BCTC thì đều đã được trình bày.
  • Tính chính xác, định gía & phân bổ (“Accuracy, Valuation & Allocation”): Tài sản, nợ phải trả & vốn chủ đã được bao gồm trong BCTC theo giá trị phù hợp. Và các điều chỉnh phân bổ hoặc định giá đều đã được ghi nhận phù hợp. Và các thuyết minh liên quan đều được đo lường & mô tả phù hợp
  • Tính phân loại (“Classification”): Tài sản, nợ phải trả & vốn chủ đều được ghi nhận ở tài khoản phù hợp.
  • Tính trình bày (“Presentation”): Tài sản, nợ phải trả và vốn chủ đã được cộng dồn hoặc không cộng gộp 1 cách phù hợp. Và các thuyết minh là “liên quan” & “dễ hiểu” theo quy định.

Lưu ý:

Đây là nội dung LUÔN XUẤT HIỆN TRONG ĐỀ THI các bạn nhé. Nội dung này thường sẽ xuất hiện trong đề thi theo dạng:

  • Xác định các thủ tục kiểm toán để thu thập bằng chứng kiểm toán về 1 vài cơ sở dẫn liệu nào đó
  • Giải thích các cơ sở dẫn liệu liên quan đến 1 số dư tài khoản cuối kỳ. Hay nhóm giao dịch trong kỳ.

4. Các kỹ thuật thu thập bằng chứng kiểm toán

Kiểm toán viên sẽ thực hiện các thủ tục kiểm toán để thu thập bằng chứng trong cả 3 giai đoạn:

  • Quy trình đánh giá rủi ro: Tìm hiểu về khách hàng & môi trường kinh doanh. Mục đích để đánh giá rủi ro trọng yếu của Báo cáo tài chính & cơ sở dẫn liệu
  • Thực hiện Thử nghiệm kiểm soát (“Test of control”): Kiểm tra hiệu quả hoạt động của các thủ tục kiểm soát của khách hàng trong việc ngăn chặn, phát hiện và sửa chữa các sai sót trọng yếu ở cấp độ cơ sở dẫn liệu
  • Thực hiện Thử nghiệm cơ bản (“Substantive test”): Phát hiện các sai sót trọng yếu ở cấp độ cơ sở dẫn liệu

Các loại thủ tục/kỹ thuật thu thập bằng chứng kiểm toán có thể sử dụng đơn lẻ hoặc kết hợp với nhau. Bao gồm:

Thủ tụcMô tả
Kiểm tra về tài sản hữu hình (“Inspection of tangible assets”Việc kiểm tra thực tế các tài sản hữu hình được ghi nhận trong số liệu kế toán xác nhận được sự tồn tại của tài sản. Tức là sẽ thu thập được bằng chứng về cơ sở dẫn liệu “Tính tồn tại” (“Existence”).
Việc xác nhận các tài sản được nhìn thấy thực tế đã được ghi nhận trong số liệu kế toán sẽ cung cấp bằng chứng về cơ sở dẫn liệu “Tính đầy đủ” (“Completenese”).
Kiểm tra việc ghi chép hay giấy tờ làm việcThủ tục này bao gồm cả kiểm tra tài liệu từ bên ngoài & nội bộ doanh nghiệp. Các tài liệu dạng giấy tờ hay điện tử… Thủ tục này sẽ cung cấp bằng chứng với độ tin cậy khác nhau. Tuỳ thuộc vào bản chất, đặc điểm, nguồn thông tin cũng như tính hiệu quả của hệ thống kiểm soát nội bộ của khách hàng. Thủ tục này có thể cung cấp bằng chứng kiểm toán về cơ sở dẫn liệu “Tính tồn tại” (“Existence”).
Quan sát (“Observation”)Thủ tục này liên quan đến việc quan sát 1 thủ tục hay 1 quá trình của khác hàng được thực hiện. Thủ tục này ít khi sử dụng.
Enquiry (“Phỏng vấn”)Thủ tục này liên quan đến tìm kiếm thông tin từ nhân viên của khách hàng hoặc các nguồn bên ngoài. Độ tin cậy của bằng chứng kiểu này phụ thuộc vào hiểu biết & tính chính trực của nguồn thông tin. Việc phỏng vấn sẽ không cung cấp bằng chứng kiểm toán đầy đủ mà cần kết hợp với các thủ tục khác
Confirmation (“Xác nhận”)Thủ tục này liên quan đến quá trình thu thập xác nhận trực tiếp từ bên thứ 3. Ví dụ như ngân hàng, nhà cung cấp… về số dư của tài khoản hay phát sinh doanh thu trong kỳ. Thủ tục này sẽ cung cấp bằng chứng kiểm toán về cơ sở dẫn liệu “Tính tồn tại” (“Existence”), Tính đầy đủ (“Completencess”)
Tính toán lại (“Recalculation”)Thủ tục này bao gồm cả kiểm tra tính chính xác số học của số liệu kế toán
Thực hiện lại (“Reperformance”)Thủ tục này liên quan đến việc kiểm toán viên lựa chọn để thực hiện độc lập lại hoạt động kiểm soát của khách hàng.
Thủ tục phân tích (“Analytical procedure”)Thủ tục này liên quan đến việc đánh giá và so sánh dữ liệu tài chính hoặc phi tài chính. Bao gồm cả việc điều tra biến động và mối quan hệ không nhất quá các các thông tin khác. Hoặc có sự sai lệch trọng yếu so với giá trị kỳ vọng

Các bạn có thể tham khảo thêm video bài giảng sau nha:

Published inF8 Audit & Assurance

Be First to Comment

    Trả lời

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *