Bài số 1 của Series hướng dẫn tự ôn thi CPA – Môn Phân Tích: Xác định trọng tâm ôn tập & các dạng bài tập Phân tích tài chính Doanh nghiệp trong đề thi các năm
Phân tích Tài chính doanh nghiệp là môn mà theo kinh nghiệm của mình thì là dễ tự học nhất. Nguyên nhân vì đề thi môn Phân tích tài chính doanh nghiệp đơn thuần là nhớ các chỉ tiêu và áp dụng tính toán nhuần nhuyễn. Lúc làm bài tập lại kết hợp để học lý thuyết luôn. Chính vì vậy, nên với môn này mình không viết các bài hướng dẫn cách học lý thuyết. Mà chỉ tập trung đi phân tích và hướng dẫn cách xử lý từng dạng bài tập thường gặp trong đề thi thôi nhé.
Trước khi đi vào từng dạng bài tập Phân tích tài chính doanh nghiệp chi tiết thì mình muốn chia sẻ với các bạn 1 số điểm như sau.
[1] Xác định trọng tâm kiến thức & các dạng bài tập Phân tích tài chính doanh nghiệp trong đề thi
Kết quả công việc của kế toán là Báo cáo tài chính. Do đó, KTV sẽ phải thực hiện phân tích các chỉ tiêu trên Báo cáo tài chính để hiểu về tình trạng hoạt động của doanh nghiệp. Và đánh giá rủi ro tương ứng.
Trong thực tế làm thì các nhóm chỉ tiêu quan trọng hay dùng nhất khi phân tích là:
- Nhóm các chỉ tiêu phân tích tình hình công nợ & Khả năng thanh toán. Ví dụ: hệ số khả năng thanh toán, chính sách tín dụng…
- Nhóm các chỉ tiêu phân tích tình hình huy động vốn & sử dụng vốn. Ví dụ: cơ cấu vốn, tài sản, mối quan hệ giữa tài sản & nguồn vốn
- Nhóm các chỉ tiêu đánh giá hiệu suất & hiệu quả sử dụng tài sản và vốn. Ví dụ: khả năng sinh lời; ảnh hưởng của sử dụng đòn bẩy…
- Nhóm các chỉ tiêu phân tích tình hình kết quả kinh doanh. Ví dụ: Lợi nhuận gộp; hệ số chi phí…
Từ đó mình nhận định trọng tâm đề thi môn phân tích sẽ rơi vào các phần này.
Ngoài ra, qua xem xét Đề thi phân tích Tài chính Doanh nghiệp các năm thì còn có thêm mấy dạng bài tập thường gặp nữa. Mình đã tổng hợp chi tiết các dạng bài tập trong đề thi các năm. Các bạn xem dưới đây:
Mình xác định trọng tâm ôn luyện chính là các dạng bài tập thường gặp này (dành 80% thời gian để ôn luyện). Các phần còn lại chỉ đọc qua để hiểu nếu còn thời gian.
Các bạn lưu ý:
Như trong bài Cập nhật tài liệu ôn thi CPA/Chứng chỉ hành nghề kế toán mình đã nói, năm nay đề cương ôn thi môn Phân tích tài chính doanh nghiệp sẽ bỏ bớt 1 nội dung là Phân tích hoà vốn. Mặc dù đây là chủ đề thường xuyên xuất hiện trong đề thi các năm trước.
Cá nhân mình thấy bỏ đi như vậy cũng hợp lý. Vì trong nội dung thi Môn kế toán (quản trị) cũng đã có phần nội dung này rồi. Nên các năm trước nhiều khi đề thi 2 môn bị lặp. Tuy nhiên, để chắc chắn đây là sự lược bỏ có chủ ý hay do vô tình thì chắc phải đợi các lớp ôn thi đi học 1 thời gian xem thế nào đã. 🙂
[2] Vẽ Sơ đồ tóm tắt các nhóm chỉ tiêu phân tích cho dễ ghi nhớ
Với từng nhóm chỉ tiêu phân tích thường gặp này mình sẽ đọc ý nghĩa + Cách tính của từng chỉ tiêu trong Đề cương ôn tập. Sau đó vẽ tóm tắt thành kiểu sơ đồ. Và sử dụng sơ đồ này trong quá trình luyện các dạng bài tập thay cho Đề cương ôn tập. Chứ cứ mỗi lần lại dở đề cương ra tìm cũng hơi nản ý.
Các bạn lưu ý là cả phần bài tập và lý thuyết của đề thi phân tích tài chính doanh nghiệp đều ít khi chỉ hỏi mỗi cách tính. Mà thường yêu cầu phân tích ý nghĩa của chỉ tiêu. Nên chúng ta cần phải đọc kỹ để hiểu ý nghĩa của các chỉ tiêu này nữa. Việc hiểu ý nghĩa cũng giúp chúng ta đỡ bị nhầm lẫn công thức do học vẹt.
[3] Kiến thức là số 1 thì số 2 phải là “kỹ năng quản lý thời gian”
Nhận định của mình là đề thi môn phân tích tài chính doanh nghiệp này không quá khó. Nhưng mà đáp án phải viết phân tích nên rất dài, rất dài…
Đợt mình thi phải bỏ mất một ý nhỏ vì hết thời gian dù đã viết ngoáy như điên. Cảm giác mới ngồi có một tí mà đã hết thời gian. Dù trong quá trình ôn mình đã lưu ý luyện căn giờ làm bài.
Do đó, mình khuyên các bạn là riêng với môn này phải căn giờ làm bài thật chuẩn vào. 180 phút 5 câu thì cứ đúng 36 phút 1 câu. Câu nào chưa xong bỏ cách ra, sau quay lại làm tiếp nếu còn thời gian. Để có cảm giác về tốc độ làm bài như khi thi thật, lúc bạn luyện bài tập ở nhà cũng nên căn giờ như vậy.
Bạn nào có File Bài tập mẫu của trung tâm luyện thi sẽ thấy đề bài toàn dài khủng bố. Trong khi đề thi thực tế đưa ra đề bài, yêu cầu tính toán thường không quá phức tạp. Chắc do giới hạn về thời gian.
Vì vậy, theo mình thì các bạn nên sử dụng các tài liệu mẫu đó để xem cách trả lời, trình bày bài thi. Còn vẫn nên luyện các dạng bài tập trong đề thi cho sát thực tế nhất. Nếu dư thời gian thì hẵng luyện thêm.
Phù. Vậy là xong 3 điều lưu ý mình nghĩ các bạn nên biết khi ôn thi môn này. Các bài tiếp theo mình sẽ hướng dẫn chi tiết cách trình bày cho từng dạng bài tập. Có thể sẽ giải thử đề thi của một vài năm. Các bạn nhớ ghé qua xem nhé. Chúc các bạn thi tốt.
Có thể bạn quan tâm:
admin ơi có sơ đồ môn phân tích này k ad hi
Hi Thêu Ad không có bạn ah. Ad học theo kiểu chia theo từng dạng bài, sau đó từng dạng bài thì tóm tắt các chỉ tiêu cần học thôi.
ad ơi ,ad có sơ đồ tóm tắt các chỉ tiêu phân tích k ad hi