Ad tóm tắt lại nội dung chính của Video bài giảng để các bạn tiện theo dõi nha:
Phần 1. Bản chất và Nguyên nhân phát sinh rủi ro lãi suất
1. Rủi ro lãi suất là gì?
Rủi ro lãi suất có thể hiểu đơn giản là rủi ro từ sự biến động của lãi suất, ảnh hưởng đến lợi nhuận hoặc dòng tiền của doanh nghiệp. Những công ty có các khoản vay lớn hoặc các khoản đầu tư đáng kể thường phải đối mặt với rủi ro này. Ví dụ, các ngân hàng và tổ chức tín dụng cũng chịu ảnh hưởng từ biến động lãi suất.
Như ở phần rủi ro tiền tệ chúng ta đã đề cập là rủi ro luôn mang tính 2 mặt, 2 chiều. Rủi ro lãi suất cũng vậy. Luôn có rủi ro rằng doanh nghiệp tham gia vào các thoả thuận khiến cho doanh nghiệp phải gánh chịu tổn thất lớn khi lãi suất biến động theo hướng bất lợi. Hoặc bỏ lỡ các biến động lãi suất theo hướng có lợi.
2. Nguyên nhân phát sinh rủi ro lãi suất
Rủi ro phát sinh khi doanh nghiệp không biết điều gì sẽ xảy đến trong tương lai. Rủi ro lãi suất phát sinh khi doanh nghiệp không biết:
- Mức lãi suất doanh nghiệp có thể phải trả cho các khoản phải trả phát sinh lãi suất
- Mức lãi suất doanh nghiệp có thể kiếm được từ các “tài sản phát sinh lãi suất” như deposits…
3. Các trường hợp phát sinh rủi ro lãi suất
Rủi ro từ khoản vay lãi suất thả nổi: Đây là các khoản vay có lãi suất thay đổi theo thị trường. Khi lãi suất thị trường tăng, chi phí lãi vay của doanh nghiệp cũng tăng lên.
Rủi ro từ khoản vay lãi suất cố định: Khi lãi suất thị trường giảm, doanh nghiệp vẫn phải trả lãi suất cố định theo hợp đồng, điều này khiến họ không thể tận dụng lợi ích từ lãi suất giảm.
Gap Exposure: Sự không cân xứng giữa giá trị tài sản và giá trị nợ phải trả có lãi suất thay đổi. Có hai loại gap exposure:
- Negative Gap: Khi giá trị nợ phải trả lớn hơn giá trị tài sản, khiến doanh nghiệp chịu tổn thất nếu lãi suất tăng.
- Positive Gap: Khi giá trị tài sản lớn hơn giá trị nợ phải trả, doanh nghiệp bị tổn thất nếu lãi suất giảm.
Basis Risk: Rủi ro này phát sinh khi doanh nghiệp có tài sản và khoản nợ có lãi suất thả nổi nhưng lãi suất tham chiếu không đồng bộ, dẫn đến rủi ro khi lãi suất thị trường thay đổi ảnh hưởng khác nhau đến từng loại. Ví dụ: 1 khoản vay có thể có lãi suất tham chiếu LIBOR. Trong khi 1 tài sản tài chính khác xác định theo lãi suất SONIA. Như vậy: 2 loại tài sản và nợ phải trả này có lãi suất biến động khác nhau nên sẽ không thể hoàn toàn triệt tiêu nhau.
Phần 2. Các kỹ thuật phòng ngừa rủi ro lãi suất (“Interest rate risk hedging techniques”)
Mục tiêu của quản lý rủi ro lãi suất là: hạn chế ảnh hưởng của sự không chắc chắn trong biến động của lãi suất. Các phương pháp quản lý rủi ro lãi suất có thể chia thành 2 nhóm: Các phương pháp nội tại (“Internal Hedging techniques”) và các công cụ phái sinh bên ngoài (“External Hedging techniques”).
1. Internal Hedging Techniques
Asset & Liability Management: Kỹ thuật này liên quan đến việc quản lý & duy trì các khoản phải thu & khoản phải trả có cùng thời gian đáo hạn. Ví dụ, một công ty vay khoản tiền 10 năm để mua tòa nhà và cho thuê lại, thì công ty cũng nên có hợp đồng cho thuê 10 năm để giảm thiểu rủi ro từ biến động lãi suất.
Smoothing: Doanh nghiệp có thể duy trì cả các khoản vay có lãi suất cố định và thả nổi để bù đắp cho nhau khi lãi suất thay đổi. VD: với các khoản vay, khi lãi suất tăng, chỉ có các khoản vay với lãi suất thả nổi mới bị tăng chi phí lãi vay. Như vậy sẽ ảnh hưởng ít hơn là khi toàn bộ các khoản vay đều là lãi suất thả nổi.
Matching: Kỹ thuật này sẽ yêu cầu doanh nghiệp có cả tài sản & nợ phải trả có cùng cơ sở lãi suất và có giá trị càng gần nhau càng tốt. Ví dụ:
1 khoản tiền gửi $1m với mức lãi suất LIBOR+1% và 1 khoản vay $1m với lãi suất LIBOR+2%. Giả sử hiện tại LIBOR là 3%: Lãi tiền gửi $1m * (3% + 1%) = $40.000 và Lãi khoản vay là $1m * (3%+ 2%) = $50.000 => Net amount = $10.000
Nếu khoản vay giá trị $1.1m: Lãi khoản vay là $1.1m * (3%+ 2%) = $55.000 => Net amount = $15.000
Như vậy khi lãi suất tăng hay giảm thì “giá trị phải chịu rủi ro lãi suất” cũng sẽ duy trì ở mức ổn định. Quy mô của khoản tiền gửi & khoản vay càng gần nhau thì giá trị phải chịu rủi ro lãi suất sẽ càng nhỏ.
2. External Hedging Techniques
Các công cụ phái sinh bên ngoài giúp doanh nghiệp phòng ngừa rủi ro lãi suất hiệu quả hơn. Nhóm này gồm bốn loại công cụ phái sinh:
- Hợp đồng lãi suất kỳ hạn (FRAs)
- Hợp đồng lãi suất tương lai
- Hợp đồng quyền chọn lãi suất
- Hợp đồng hoán đổi lãi suất
Trong phạm vi môn FM, chúng ta chỉ học cơ bản, không đi sâu với trọng tâm sẽ là FRAs. 3 loại công cụ còn lại chúng ta chỉ cần nắm được đặc điểm lý thuyết thôi.
[1] Hợp đồng lãi suất kỳ hạn (FRAs)
FRAs tương tự hợp đồng kỳ hạn tiền tệ giúp phòng ngừa rủi ro tỷ giá, nhưng cơ sở của nó là lãi suất chứ không phải tài sản. FRAs là thỏa thuận giữa hai bên để nhận hoặc trả lãi theo mức lãi suất xác định trước trên một số tiền danh nghĩa trong khoảng thời gian cố định trong tương lai.
Đặc điểm:
- Hợp đồng tuỳ chỉnh, giao dịch OTC trực tiếp giữa hai bên, không qua sàn.
- FRAs là thỏa thuận cố định lãi suất, không phải hợp đồng vay hay gửi tiền. Doanh nghiệp sẽ thực hiện FRAs song song với khoản vay hoặc tiền gửi cần phòng ngừa rủi ro.
- Không thanh toán số tiền gốc danh nghĩa, chỉ thanh toán phần chênh lệch lãi suất giữa FRAs và lãi suất thực tế tại thời điểm đáo hạn.
Cơ chế phòng ngừa rủi ro
- Người vay lo lãi suất tăng sẽ dùng FRAs để cố định chi phí lãi vay.
- Người gửi tiền lo lãi suất giảm sẽ dùng FRAs để cố định thu nhập lãi.
- FRAs chỉ bảo vệ một chiều, không tận dụng được khi lãi suất biến động theo hướng có lợi.
- Tại thời điểm ký kết, hai bên không phát sinh chi phí, chỉ phát sinh dòng tiền tại thời điểm đáo hạn.
Thuật ngữ cần biết: 4 –7, 5.9%–5.5% FRA
3-7: Hợp đồng bắt đầu trong 3 tháng tới và có thời hạn 4 tháng (7 – 3 = 4)
5.9% – 5.5%: là chênh lệch lãi suất, cụ thể: Lãi suất vay vốn cố định là 5.9%, lãi suất tiền gửi cố định là 5.5%. Theo nguyên tắc ngân hàng luôn mua rẻ, bán đắt nên lãi suất cao hơn sẽ là lãi suất vay, lãi suất thấp hơn là lãi suất tiền gửi.
Tình huống 1: Ngày 1/11, giám đốc công ty Brandon dự đoán sẽ cần vay ngắn hạn 36 triệu USD vào ngày 31/01 năm sau và trả vào ngày 31/05. Lãi suất cơ bản hiện tại là 5,7%, nhưng có thể tăng lên 6,6%. Công ty muốn dùng FRAs để cố định lãi suất phải trả. Yêu cầu xác định số tiền công ty nhận được khi thanh toán FRAs biết rằng FRAs được niêm yết là: 4 –7, 5.9%–5.5% FRA
Bước 1. Brandon là bên đi vay, đang cần FRA để cố định chi phí lãi vay phải trả trong tương lai
Bước 2. Xác định Hợp đồng FRAs phù hợp: 3-7 FRA 5.9% => Bắt đầu sau 3 tháng, đáo hạn sau 4 tháng, lãi suất 5,9%.
Bước 3. Tính số tiền cần thanh toán khi FRA đến hạn
- Lãi suất thực tế tại 31/1: 6,6%.
- Chênh lệch lãi suất: 6,6% – 5,9% = 0,7%
- Số tiền công ty nhận được: $36m * 4/12 * (6.6% – 5.9%) = $84,000
Tình huống 2: Công ty A có kế hoạch vay 10 triệu USD với lãi suất thả nổi, tham gia FRA với mức lãi suất 3,2% cho giai đoạn 3 – 6 tháng. Khi FRA đáo hạn, lãi suất thực tế là 3,0%. Yêu cầu xác định số tiền công ty phải trả khi thanh toán FRAs?
Bước 1. A là bên đi vay, đang cần FRA để cố định chi phí lãi vay phải trả trong tương lai
Bước 2. Hợp đồng FRAs phù hợp: 3-6 FRA 3.2%
Bước 3. Do lãi suất FRA cao hơn lãi suất thực tại ngày đáo hạn nên công ty sẽ là bên bị lỗ và phải thanh toán phần chênh lệch cho ngân hàng.
- Chênh lệch lãi suất: 3,2% – 3,0% = 0,2%
- Số tiền phải thanh toán: $10m × 0.2% × 3/12 = $5,000
Tình huống 3: Công ty B có kế hoạch vay 14 triệu USD với lãi suất thả nổi, tham gia FRA 4 – 11 với mức chênh lệch lãi suất 2.85% – 2.35%. Khi đáo hạn FRA, lãi suất thực tế là 3,75%. Yêu cầu xác định số tiền công ty được nhận khi thanh toán FRAs?
Bước 1. B là bên đi vay, đang cần FRA để cố định chi phí lãi vay phải trả trong tương lai
Bước 2. Hợp đồng FRAs phù hợp: 4 -11 FRA 2.85%
Bước 3. Do lãi suất FRA thấp hơn lãi suất thực tại ngày đáo hạn nên công ty sẽ là bên được hưởng lợi và được nhận khoản thanh toán từ ngân hàng.
- Chênh lệch lãi suất: 3,75% – 2,85% = 0,9%.
- Số tiền công ty nhận: $14m × (3.75% – 2.85%) × 7/12 = $73,500
[2] Hợp đồng lãi suất tương lai
Hợp đồng lãi suất tương lai là công cụ phái sinh giúp chủ sở hữu nhận hoặc trả 1 khoản tiền lãi theo mức lãi suất cố định trong tương lai.
Đặc điểm:
- Không phát sinh chi phí ban đầu, nhưng người tham gia phải ký quỹ để đảm bảo thực hiện hợp đồng.
- Là hợp đồng tiêu chuẩn, có quy mô, lãi suất, thời gian đáo hạn cố định theo tiêu chuẩn thị trường.
- Được giao dịch trên sàn chứng khoán thay vì qua OTC.
- Tương tự FRAs, hợp đồng này giúp cố định lãi suất và bảo vệ một chiều.
Lưu ý: Điểm dễ nhầm lẫn nhất với hợp đồng tương lai lãi suất là xác định xem một công ty cần hợp đồng tương lai để mua hay bán. Đề thi thường sẽ bẫy chúng ta ở chỗ này.
- Công ty có nhu cầu vay tiền trong tương lai, lo lắng về việc lãi suất tăng: Công ty cần một hợp đồng tương lai để bán (“A Future to SELL”) nhằm cố định lãi suất khi trả lãi. (Cách ghi nhớ: Hãy hình dung rằng công ty cần phát hành/ bán trái phiếu để vay tiền, sau đó trả lãi)
- Công ty có tiền nhàn rỗi để đầu tư cho vay trong tương lai, lo lắng về việc lãi suất giảm: Công ty cần một hợp đồng tương lai để mua (“A Future to BUY”) nhằm cố định lãi suất khi nhận lãi. (Cách ghi nhớ: Hãy hình dung rằng công ty cần mua trái phiếu để cho vay tiền, sau đó thu lãi.)
[3] Hợp đồng quyền chọn lãi suất (Interest Options)
Quyền chọn lãi suất cung cấp quyền (không phải nghĩa vụ) mua hoặc bán một khoản vay với lãi suất cố định trong tương lai.
Đặc điểm:
- Bảo vệ hai chiều, nhưng tốn phí mua quyền chọn ngay từ ban đầu.
- Có hai loại: giao dịch OTC và giao dịch trên sàn.
- Là công cụ duy nhất cho phép doanh nghiệp tránh rủi ro lãi suất bất lợi và tận dụng lợi thế khi lãi suất biến động có lợi.
Lưu ý:
(*) Một điểm dễ nhầm lẫn khi học về quyền chọn lãi suất là phân biệt giữa quyền chọn mua (Call Option) và quyền chọn bán (Put Option).
- Quyền chọn bán lãi suất (Put Option): Là quyền lựa chọn để trả lãi theo lãi suất xác định trước. (Cách ghi nhớ: Liên hệ với hợp đồng tương lai: Put = Quyền bán = Bán trái phiếu & Trả lãi)
- Quyền chọn mua lãi suất (Call Option): Là quyền lựa chọn để nhận lãi theo lãi suất xác định trước (Liên hệ với hợp đồng tương lai: Call = Quyền mua = Mua trái phiếu & Nhận lãi)
Cách ứng dụng trong thực tế:
- Người đi vay (lo sợ lãi suất tăng): Mua Put Option để đảm bảo vay với lãi suất cố định thấp hơn trong tương lai.
- Người cho vay (lo sợ lãi suất giảm): Mua Call Option để đảm bảo gửi tiền với lãi suất cao trong tương lai.
(**) Chiến lược “Interest Rate Collar”: Trong quyền chọn lãi suất, chúng ta có thể sử dụng chiến lược Interest Rate Collar để giới hạn mức lãi suất trong một khoảng nhất định.
Mục tiêu: Kết hợp mua và bán quyền chọn nhằm thiết lập mức trần và mức sàn cho lãi suất.
Áp dụng cho người đi vay:
- Mua quyền chọn bán (Put Option) – công ty có quyền được vay tiền với lãi suất cố định, giúp giới hạn mức trần của chi phí đi vay
- Bán quyền chọn mua (Call Option) – Công ty có nghĩa vụ phải vay tiền (nếu người sở hữu quyền chọn mua muốn) với lãi suất cố đinh (thấp hơn mức lãi suất của quyền chọn bán), giúp thiết lập mức sàn cho lãi suất.
=> Kết hợp hai giao dịch này, ta có thể giới hạn mức lãi suất cao nhất phải trả khi vay tiền và mức lãi suất thấp nhất phải trả nếu buộc phải vay.
Áp dụng cho người cho vay / Nhà đầu tư:
- Mua quyền chọn mua (Call Option) – Công ty có quyền cho vay theo mức lãi suất xác định trước => thiết lập mức sàn cho lãi suất nhận được khi gửi tiền.
- Bán quyền chọn bán (Put Option) – Công ty có nghĩa vụ phải cho vay theo mức lãi suất xác định trước cao hơn mức lãi suất của quyền chọn bán (nếu người sở hữu quyền chọn bán muốn) => thiết lập mức trần cho lãi suất nhận được khi cho vay
=> Kết hợp hai giao dịch này, ta có thể giới hạn mức lãi suất thấp nhất nhận được khi chọn cho vay tiền và mức lãi suất cao nhất nhận được nếu buộc phải cho vay.
[4] Hợp đồng hoán đổi lãi suất
Hợp đồng hoán đổi là thỏa thuận trao đổi các khoản thanh toán khoản tiền lãi giữa hai bên trong một khoảng thời gian xác định, thường nhằm giảm thiểu rủi ro biến động lãi suất.
Đặc điểm:
- Không phát sinh thanh toán ngay khi ký hợp đồng, nhưng có chi phí giao dịch trả cho ngân hàng thu xếp hoán đổi.
- Thường được sử dụng để trao đổi giữa lãi suất thả nổi và lãi suất cố định.
- Không thực sự trao đổi khoản tiền gốc, chỉ hoán đổi phần lãi thuần giữa hai bên.
- Là hợp đồng tuỳ chỉnh, giao dịch OTC, thường có ngân hàng đứng ra thu xếp để đảm bảo phù hợp nhu cầu của hai bên.
- Chỉ bảo vệ một chiều, không tận dụng được lợi thế khi lãi suất biến động có lợi.
Tổng kết: Khi lựa chọn công cụ phòng ngừa rủi ro lãi suất, doanh nghiệp cần cân nhắc:
- Chi phí thực hiện: Quyền chọn có chi phí cao nhất do khả năng bảo vệ hai chiều.
- Độ linh hoạt: Hợp đồng FR và quyền chọn OTC linh hoạt hơn so với hợp đồng tương lai và quyền chọn trên sàn.
- Khả năng tận dụng biến động lãi suất: Quyền chọn giúp tận dụng biến động có lợi, trong khi hợp đồng tương lai và hoán đổi chỉ bảo vệ một chiều.