Đề thi CPA 2019 của môn luật cũng vẫn là các dạng bài tập quen thuộc. Tuy nhiên, tình huống cụ thể thì sẽ có sự khác biệt chứ. Hy vọng đáp án này sẽ giúp ích cho mọi người!
Phần 1. Đáp án Đề thi Luật 2019 – Đề Chẵn
Câu 3. Dạng bài về Luật Doanh nghiệp kết hợp Luật phá sản
Yêu cầu 1. Trách nhiệm tài sản của ông A đối với món nợ mà công ty AX đang mắc
Ghi chú: Trách nhiệm tài sản của chủ doanh nghiệp với nghĩa vụ nợ của công ty sẽ tuỳ thuộc vào loại hình của doanh nghiệp đó. Trong tình huống của chúng ta, AX là doanh nghiệp tư nhân. Chính vì vậy để xử lý yêu cầu này chúng ta cần tham chiếu vào Luật doanh nghiệp, mà cụ thể là các điều khoản quy định về Doanh nghiệp tư nhân.
Căn cứ văn bản:
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 183, Luật Doanh nghiệp 2014:
Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do 1 cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp.
Do vậy, trách nhiệm tài sản của chủ doanh nghiệp tư nhân đối với các nghĩa vụ nợ của doanh nghiệp là trách nhiệm vô hạn. Tức là chủ doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình, chứ không bị giới hạn trong phạm vi vốn đầu tư thành lập doanh nghiệp.
Trong tình huống:
Ông A là chủ doanh nghiệp tư nhân AX. Chính vì vậy ông A sẽ phải chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ của doanh nghiệp AX bằng toàn bộ tài sản của mình có.
Cụ thể, tài sản ông A sử dụng để chi trả nợ sẽ bao gồm: Tài sản thuộc sở hữu cá nhân của ông A; Phần tài sản của ông A đồng sở hữu với người khác.
Trong tình huống đề bài, vợ ông A đang là cổ đông lớn sở hữu 20% vốn điều lệ của công ty cổ phần Z. Như vậy ở đây sẽ phát sinh 2 trường hợp:
(1) Nếu giá trị khoản đầu tư vào công ty Z mà bà B đang đứng tên là tài sản thuộc sở hữu chung của 2 vợ chồng thì phần của ông A trong số tài sản này sẽ được sử dụng để thanh toán nợ của công ty AX.
(2) Ngược lại, nếu khoản đầu tư vào công ty Z không phải là tài sản thuộc sở hữu chung của 2 vợ chồng ông A và bà B, thì tài sản này sẽ không được sử dụng để thanh toán nợ.
Yêu cầu 2. Thanh toán nợ khi công ty phá sản
Ghi chú: Yêu cầu này liên quan đến việc thanh toán cho chủ nợ khi công ty phá sản. Do vậy chúng ta phải tham chiếu vào quy định của Luật phá sản để xử lý.
Căn cứ văn bản:
Theo quy định tại Điều 110, Luật phá sản 2014:
Trách nhiệm của chủ doanh nghiệp tư nhân khi doanh nghiệp rơi vào tình trạng phá sản là phải sử dụng toàn bộ tài sản của mình để thanh toán nợ. Nếu chưa hết thanh toán hết nợ thì chủ doanh nghiệp vẫn chưa được giải thoát khỏi các khoản nợ đó dù công ty đã bị tuyên bố phá sản.
Áp dụng vào tình huống:
Ông A mặc dù đã sử dụng toàn bộ tài sản thuộc về mình để thanh toán các khoản nợ của doanh nghiệp AX, nhưng mới chỉ thanh toán được 1/2 các khoản nợ.
Do vậy, sau khi doanh nghiệp AX bị tuyên bố phá sản, ông A vẫn tiếp tục có nghĩa vụ thanh toán cho các chủ nợ. Và nghĩa vụ thanh toán này sẽ được thực hiện vào bất kỳ thời điểm nào khi ông A có tài sản.
Trong tình huống này, bố ông A chết vào tháng 6.2019 đã để lại khối tài sản thừa kế 120 tỷ. Dù không có di chúc cụ thể nhưng ông A là 1 trong 3 đồng thừa kế hàng thứ nhất. Như vậy, sự kiện này đã làm phát sinh quyền tài sản của ông A. Và do đó, chủ nợ chưa được thanh toán hết của doanh nghiệp AX có quyền lấy nợ trên số di sản thừa kế mà ông A được hưởng.
Câu 4. Bài tập về Luật cạnh tranh
Ghi chú: Yêu cầu của bài tập đã nêu rõ là nêu các hành vi vi phạm luật cạnh tranh. Chính vì vậy, chúng ta phải tham chiếu đến quy định tại Luật canh tranh.
Căn cứ văn bản:
Theo quy định Luật canh tranh 2018:
[1] Điều 45 – Khoản 4: Cấm hành vi gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác bằng cách trực tiếp hoặc gián tiếp cản trở, làm gián đoạn HĐKD hợp pháp của doanh nghiệp đó;
[2] Điều 45 – Khoản 5: Cấm hành vi lôi kéo hành khách bất chính bằng hình thức đưa thông tin gây nhầm lẫn cho khách hàng về hàng hoá, điều kiện giao dịch liên quan đến hàng hoá mà doanh nghiệp cung cấp, nhằm thu hút khách hàng của doanh nghiệp khác.
[3] Điều 11 và Điều 12: Cấm thoả thuận hạn chế cạnh tranh như ngăn cản, kìm hãm, không cho phép doanh nghiệp khác tham gia thị trường hoặc phát triển kinh doanh.
Áp dụng tình huống:
[1a] Y đã tổ chức chương trình khuyến mãi đổi vỏ chai cũ của sản phẩm B lấy sản phẩm A mới. Việc này đã làm gây rối HĐKD của doanh nghiệp khác và làm khách hàng dễ bị nhầm lẫn 2 dòng sản phẩm này là của cùng 1 công ty. Vì vậy, hành vi này tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh.
[1b] Y đã thoả thuận với các cửa hàng tạp hoá về việc hạn chế bán sản phẩm B mà thay thế bằng sản phẩm A. Hành vi này đã làm cản trở HĐKD hợp pháp của doanh nghiệp sản xuất sản phẩm B. Đây là hành vi gây rối, cạnh tranh không lành mạnh.
[2] Y đã sản xuất sản phẩm A với kiểu dáng, màu sắc, bao bì, cách thức trình bày bố cục thương tự như sản phẩm B nổi tiếng trên thị trường. Việc này sẽ làm cho khách hàng dễ nhầm lẫn sản phẩm A cũng là sản phẩm B. Và tạo ra sự nhầm lẫn cho khách hàng khi mua sản phẩm. Vì vậy, hành vi này là một trong các hành vi cạnh tranh không lành mạnh.
[3] Y đã thoả thuận không cho phép doanh nghiệp khác được bán sản phẩm cùng loại tại các đại lý phân phối. Hành vi này nhằm ngăn cản, kìm hãm doanh nghiệp khác tham gia vào thị trường. Đây là hành vi cạnh tranh không lành mạnh.
Câu 5. Bài tập về Luật doanh nghiệp
Ghi chú: Yêu cầu liên quan đến quyền của cổ đông sở hữu cổ phần vì vậy chúng ta sẽ phải tham chiếu đến quy định của Luật doanh nghiệp, mà cụ thể là điều khoản về công ty cổ phần
Yêu cầu 1. Căn cứ pháp luật để Toà án xem xét yêu cầu của đại diện công ty X
Căn cứ pháp lý:
Theo quy định tại Điều 116 – Khoản 3 Luật doanh nghiệp: Cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết không được chuyển nhượng cổ phần cho người khác.
Áp dụng vào tình huống:
Do vậy, việc chuyển nhượng của Bà Lê Thị O và Phạm Thị H của công ty X là vi phạm quy định của Luật doanh nghiệp. Chính vì vậy, Toà án đồng ý với yêu cầu của Đại diện công ty X huỷ kết quả giao dịch chuyển nhượng của Bà Lê Thị O và Phạm Thị H.
Yêu cầu 2. Căn cứ pháp lý để Toà án xem xét khởi kiện của bà Trần A.
Căn cứ pháp lý:
Theo quy định tại Điều 118 – Khoản 3 Luật Doanh nghiệp, cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi hoàn lại không có quyển biểu quyết, dự họp Đại hội cổ đông, đề cử người vào Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát của công ty cổ phần.
Áp dụng vào tình huống:
Bà Trần A là cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi hoàn lại của công ty M. Do vậy, theo quy định bên trên, Bà Trần A sẽ không có các quyền mà bà yêu cầu. Chính vì vậy, khi bà Trần A khởi kiện ra Toà án, Toà án có thể xem xét để ra quyết định bác yêu cầu khởi kiện của bà.
Phần 2. Đáp án Đề thi Luật 2019 – Đề Lẻ
Câu 3. Dạng bài về Luật phá sản
Yêu cầu 1. Hiệu lực của giao dịch tặng, cho tài sản của ông A đối với con gái của mình
Căn cứ pháp lý:
Theo quy định tại Khoản 1 – Điều 59 – Luật phá sản 2014:
Giao dịch “Tặng cho tài sản” của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán được thực hiện trong thời gian 6 tháng trước ngày Tòa án nhân dân ra quyết định mở thủ tục phá sản sẽ bị coi là vô hiệu
Áp dụng vào tình huống
Ông A đã lập hợp đồng tặng cho tài sản của mình cho con gái trước khi doanh nghiệp AN mở thủ tục phá sản 5 tháng. Giao dịch này là vi phạm điều cấm của pháp luật.
Do vậy, quản tài viên hoặc chủ nợ của doanh nghiệp khi AN khi phát hiện giao dịch tặng cho tài sản của A và C có quyền yêu cầu tuyên bố giao dịch tặng là vô hiệu. Hậu quả khi giao dịch vô hiệu không làm phát sinh quyền & nghĩa vụ của các chủ thể từ thời điểm giao kết hợp đồng, tài sản tặng cho được trả lại cho người tặng cho.
Yêu cầu 2. Xác định trách nhiệm tài sản của ông A với món nợ của AN
Ghi chú: Trách nhiệm tài sản của chủ doanh nghiệp với nghĩa vụ nợ của công ty sẽ tuỳ thuộc vào loại hình của doanh nghiệp đó. Trong tình huống của chúng ta, AN là doanh nghiệp tư nhân. Chính vì vậy để xử lý yêu cầu này chúng ta cần tham chiếu vào Luật doanh nghiệp, mà cụ thể là các điều khoản quy định về Doanh nghiệp tư nhân.
Căn cứ văn bản:
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 183, Luật Doanh nghiệp 2014:
Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do 1 cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp.
Do vậy, trách nhiệm tài sản của chủ doanh nghiệp tư nhân đối với các nghĩa vụ nợ của doanh nghiệp là trách nhiệm vô hạn. Tức là chủ doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình, chứ không bị giới hạn trong phạm vi vốn đầu tư thành lập doanh nghiệp.
Áp dụng vào tình huống:
Ông A là chủ doanh nghiệp tư nhân AN. Do vậy, ông A phải chịu trách nhiệm vô hạn về mọi nghĩa vụ nợ của AN bằng toàn bộ tài sản mình có. Cụ thể, sẽ bao gồm các tài sản sau:
(1) Tài sản thuộc sở hữu cá nhân của ông A vào thời điểm doanh nghiệp tư nhân AN lâm vào tình trạng phá sản là 50 tỷ.
(2) Ông A cùng vợ sở hữu 40% vốn điều lệ của công ty cổ phần QK. Do vậy, phần của ông A trong khối tài sản chung với vợ là 20% vốn điều lệ công ty cổ phần.
(3) Số tài sản mà ông A tặng cho C có gía trị 200 tỷ đã được toà án tuyên bố giao dịch vô hiệu
Câu 4. Dạng bài về Luật cạnh tranh
Ghi chú: Yêu cầu của bài tập đã nêu rõ là nêu các hành vi vi phạm luật cạnh tranh. Chính vì vậy, chúng ta phải tham chiếu đến quy định tại Luật canh tranh.
Xem xét việc vi phạm quy định của Luật cạnh tranh 2018 của 5 phương án:
Phương án 1
Theo quy định tại Điều 45 – Khoản 5 – Luật cạnh tranh 2018: hoạt động quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh sẽ bị cấm… “So sánh trực tiếp hàng hoá, dịch vụ của mình với hàng hoá, dịch vụ cùng loại của doanh nghiệp khác”
Áp dụng vào tình huống: Nội dung quảng cáo của X đã sử dụng phương pháp so sánh sản phẩm cửa gỗ tự nhiên của mình với sản phẩm cùng loại của công ty khác. Trong quảng cáo, X đã phân tích nhược điểm của 2 loại cửa phổ biến mà doanh nghiệp khác đang sản xuất mặc dù X không sản xuất sản phẩm này.
Kết luận: Phương án này có vi phạm quy định của pháp luật về cạnh tranh.
Phương án 2
Theo quy định tại Điều 45 – Khoản 3 – Luật cạnh tranh 2018: Cấm doanh nghiệp cung cấp thông tin không trung thực về doanh nghiệp khác bằng hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp đưa ra thông tin không trung thực, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính & HĐKD của doanh nghiệp đó.
Áp dụng vào tình huống: Nội dung quảng cáo của X “tất cả các bộ phận của khung cửa do công ty X sản xuất đều là gỗ tư nhiên chứ không phải chỉ có gỗ tự nhiên đối với các bộ phận chính như đối với sản phẩm của Y, Z…”. Đây là quảng cáo mang tính định hướng, thu hút người tiêu dùng bằng cách hạ bệ uy tín của các đối thủ cạnh tranh.
Kết luận: Đây là hành vi cạnh tranh không lành mạnh.
Phương án 3. Không vi phạm quy định của luật cạnh tranh 2018
Phương án 4:
Theo quy định tại Điều 45 – Khoản 3 – Luật cạnh tranh 2018: Cấm doanh nghiệp cung cấp thông tin không trung thực về doanh nghiệp khác bằng hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp đưa ra thông tin không trung thực, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính & HĐKD của doanh nghiệp đó.
Áp dụng vào tình huống: Việc đưa ra thông tin không có căn cứ đối với sản phẩm của đối thủ cạnh tranh là hành vi làm ảnh hưởng đến uy tín, HĐKD của doanh nghiệp Y, Z.
Kết luận: Đây là hành vi cạnh tranh không lành mạnh.
Phương án 5
Theo quy định tại Điều 45 – Khoản 7 – Luật cạnh tranh 2018: Các hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm bao gồm: “Các hành vi cạnh tranh không lành mạnh khác bị cấm theo quy định của luật khác”
Theo quy định tại Điều 100 – Khoản 8 – Luật thương mại 2005: Hành vi hứa tặng, thưởng nhưng không thực hiện hoặc thực hiện không đúng là vi phạm quy định về hoạt động khuyến mại.
Áp dụng vào tình huống: Công ty X tổ chức chương trình bốc thăm trúng thưởng nhằm thu hút thêm khách hàng mua sản phẩm. Nhưng lại sắp xếp người nhận giải, thì đây là hành vi lừa dối khách hàng.
Kết luận: Đây là hành vi cạnh tranh không lành mạnh.
Câu 5. Dạng bài về Luật doanh nghiệp
Yêu cầu 1. Căn cứ pháp luật để Toà án xem xét yêu cầu khởi kiện của ông Lê Văn H
Căn cứ pháp lý
Theo quy định tại Điều 97 Luật doanh nghiệp:
Cuộc họp lấy ý kiến các thành viên của Hội đồng thành viên hợp lệ khi có ít nhất hai phần ba tổng số thành viên Hội đồng thành viên tham dự. Nghị quyết của Hội đồng thành viên được thông qua khi có quá nửa tổng số thành viên tham dự biểu quyết tán thành; trường hợp có số phiếu ngang nhau thì nội dung có phiếu tán thành của Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc người được Chủ tịch Hội đồng thành viên ủy quyền chủ trì cuộc họp là nội dung được thông qua.
Áp dụng vào tình huống
Nghị quyết của Hội đồng quản trị đã được 50% số thành viên biểu quyết tán thành. Trong đó có phiếu biểu quyết tán thành của Chủ tịch hội đồng thành viên. Do đó, nghị quyết này được ban hành đúng pháp luật. Do vậy, toà án sẽ bác yêu cầu huỷ nghị quyết của Hội đồng thành viên của ông Lê Văn H.
Yêu cầu 2. Căn cứ pháp luật để toà xem xét yêu cầu khởi kiện của công ty X
Căn cứ pháp lý
Theo quy định tại Điều 115 – Luật doanh nghiệp 2014 về Nghĩa vụ của cổ đông phổ thông:
Cổ đông phổ thông không được rút vốn đã góp bằng cổ phần phổ thông ra khỏi công ty dưới mọi hình thức, trừ trường hợp được công ty hoặc người khác mua lại cổ phần. Trường hợp có cổ đông rút một phần hoặc toàn bộ vốn cổ phần đã góp trái với quy định tại khoản này thì cổ đông đó và người có lợi ích liên quan trong công ty phải cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi giá trị cổ phần đã bị rút và các thiệt hại xảy ra.
Áp dụng vào tình huống
Việc bà Y bán cổ phần mà chưa được sự đồng ý của công ty X là không đúng quy định pháp luật. Công ty X có quyền khởi kiện. Toà án yêu cầu bà Nguyễn Thị Y chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho công ty X theo đúng quy định pháp luật.
cho mình hỏi câu 5 đề lẻ tại sao bạn lại áp dụng điều 97 là quy định dành cho Doanh nghiệp Nhà nước trong khi đề bài chỉ nói đây là công ty TNHH. Thanks ad rất nhiều
Bạn có thể cho mình tham khảo đáp án môn Luật năm 2020 (chẵn hoặc lẻ đều được)
Mình cảm ơn Ad