ĐÁP ÁN ĐỀ THI CPA 2016 – MÔN KIỂM TOÁN

Đây là phần gợi ý đáp án của web cho Đề thi CPA 2016 – Môn Kiểm toán (phần bài tập). Nội dung này được làm dựa trên tài liệu của các bạn đi học lớp ôn thi kiểm toán năm nay. Xin cảm ơn các bạn đã chia sẻ thông tin với web và các bạn khác trong lúc nước sôi lửa bỏng này.

Đáp án Đề thi CPA 2016 – Đề Chẵn

Câu 3.

(1) Xét đóan rủi ro chủ yếu có thể có

Ngày 31.1.N+1: công ty phát hiện ra lỗi sản xuất đối với lô sản phẩm sản xuất trong giai đoạn từ 1.12.N đến 31.1.N+1. Công ty sẽ có nghĩa vụ bảo hành cho những sản phẩm này bằng cách sửa chữa hoặc thay mới

Chúng ta phải chia số hàng lỗi này thành 2 phần:

Với SP lỗi được sản xuất từ 1.12.N – 31.12.N: Về bản chất đây là sự kiện phát sinh sau kỳ kế toán, phát hiện ra trước khi BCTC được công bố. Và thuộc sự kiện cần cần thực hiện điều chỉnh tuỳ thuộc vào tình trạng của lô hàng này tại thời điểm cuối năm tài chính.

  • Nếu hàng bị lỗi đã tiêu thụ hết tại thời điểm cuối năm tài chính: Công ty sẽ phải phát sinh nghĩa vụ bảo hành. Do vậy sẽ có rủi ro dự phòng bảo hành đã được trích lập chưa được trích lập hoặc đã trích lập nhưng chưa đủ.
  • Nếu HTK chưa bán & còn nằm trên số dư HTK cuối năm: Công ty sẽ cần đánh giá Giá trị thuần có thể thực hiện được của lô hàng này và lập dự phòng Giảm giá HTK tương ứng.

Nếu lô hàng này không sửa được: Dự phòng cần trích lập sẽ được xác định = Giá thành sản phẩm – Chi phí thu hồi khi thanh lý (nếu có)

Nếu lô hàng này có thể sửa được: Cần so sánh tổng chi phí liên quan đến sản phẩm (chi phí sửa chữa + giá thành) với Giá bán tương ứng. Nếu Tổng chi phí liên quan < Giá bán: không cần lập dự phòng & ngược lại.

Do vậy sẽ có rủi ro Công ty chưa ghi nhận, hoặc ghi nhận chưa đầy đủ, hợp lý khoản Dự phòng giảm giá HTK.

Với SP lỗi sản xuất từ 1.1 – 31.1. N+1: Đây là sự kiện phát sinh thuộc niên độ sau. Tuỳ vào mức độ trọng yếu, có thể cung cấp thông tin trên thuyết minh BCTC. Sẽ có rủi ro sự kiện này là trọng yếu nhưng chưa được thuyết minh trên BCTC đầy đủ về bản chất sự kiện & ước tính ảnh hưởng của sự kiện đến tình hình tài chính của công ty.

(2) Định hướng trọng tâm KTV cần kiểm tra

Từ phân tích bên trên, chúng ta thấy rằng KTV sẽ cần tập trung kiểm tra các điểm sau:

  • Làm rõ tình trạng của lô hàng tại thời điểm cuối năm tài chính
  • Làm rõ tình trạng xử lý của công ty đối với các nghĩa vụ dự phòng Bảo hành sản phẩm/ dự phòng giảm giá HTK
  • Tìm hiểu về hoạt động kinh doanh, thủ tục, chính sách bảo hành của công ty để hiểu được nghĩa vụ bảo hành có thể phát sinh của công ty;
  • Xem xét số liệu các năm trước để xem xét các trường hợp bảo hành đã phát sinh trong quá khứ;
  • Phỏng vấn Ban Giám đốc, Ban quản trị, Bộ phận bảo hành nếu có… để xác định mức độ ảnh hưởng của nghĩa vụ bảo hành đến BCTC: cơ sở, mức dự phòng bảo hành cần trích lập
  • Thu thập Giải trình bằng văn bản của BGD cam kết cơ sở và mức trích lập dự phòng là hợp lý
  • Xem xét thuyết minh BCTC của công ty xem có phù hợp với yêu cầu trình bày BCTC của chế độ không

Câu 4

(a) Các vấn đề cần lưu ý trong quá trình lập kế hoạch kiểm toán công ty Hoa Sao 

Có 3 vấn đề cần lưu ý:

(1) Công ty Hoa sao là công ty kinh doanh trong lĩnh vực thuỷ sản xuất khẩu với thị trường chủ yếu là Mỹ. Và công ty thu mua thuỷ sản trực tiếp từ thương lai & chế biến đóng gói xuất khẩu.

Sẽ có 3 rủi ro tiềm tàng có thể phát sinh từ vấn đề này:

  • Rủi ro thị trường: công ty bị lệ thuộc vào thị trường Mỹ. Do vậy khả năng hoạt động liên tục của công ty sẽ có thể bị ảnh hưởng nếu chính phủ Mỹ thực thi các quy định bất lợi cho doanh nghiệp Việt Nam. VD: quy định chống bán phá giá…
  • Rủi ro NVL: Công ty mua thuỷ sản trực tiếp từ thương lái. Nghĩa là công ty không có nguồn cung cấp ổn định cả về số lượng & chất lượng. Đặc biệt nếu như các thương lái liên kết với nhau để ép công ty về giá thì khi đó công ty sẽ phải đối diện với nhiều khó khăn về chi phí, về sự liên tục của hoạt động kinh doanh.
  • Rủi ro sản phẩm: bản thân ngành chế biến tồn tại rất nhiều rủi ro về an toàn vệ sinh thực phẩm, về bảo quản… Nếu 1 khách hàng phát hiện sản phẩm của công ty không đảm bảo chất lượng, khi đó công ty sẽ có thể phải đối diện với sức ép rất lớn. Thậm chí đối mặt với nguy cơ phá sản vì mất hết khách hàng.

(2) Công ty đã sử dụng 2 công ty kiểm toán khác nhau cho 2 năm tài chính. Và Báo cáo kiểm toán phát hành đều là chấp nhận toàn phần. Như vậy ở đây KTV sẽ phải đặt câu hỏi về tính chính trực của BGĐ. Lý do thay đổi công ty kiểm toán là gì? KTV có thể xem xét giải trình của BGĐ, xem xét báo cáo kiểm toán cũ, hoặc thậm chí là tiếp cận KTV cũ (nếu được) để làm rõ.

(3) Công ty góp vốn 50% với công ty Hương biển để thành lập 1 liên doanh từ 1/10/N để cung cấp NVL đầu vào (công ty Hoa Biển).

Như vậy: Công ty Hoa Biển sẽ là bên liên quan của Hoa sao. Và tình hình kinh doanh của Hoa biển sẽ ảnh hưởng rất lớn tới Hoa sao. Hoa Sao sẽ phải trình bày trên thuyết minh BCTC về sự tồn tại và hoạt động của Hoa Biển.

Do đó, sẽ có rủi ro các thông tin về Hoa Biển chưa được trình bày đầy đủ, hợp lý trên BCTC của Hoa Sao.

(b) Nêu các thủ tục kiểm toán cần thiết liên quan đến công ty Hoa Biển

  • Kiểm tra việc trình bày thông tin của bên liên quan trên BCTC của Hoa sao về Hoa Biển & các giao dịch trọng yếu
  • Rà soát lại chính sách của Hoa Sao liên quan đến giao dịch với Hoa Biển: Bản chất của các giao dịch trong kỳ? Giá của giao dịch được xây dựng như nào?
  • KTV có thể lấy xác nhận của Hoa Biển về các giao dịch phát sinh trong kỳ..
  • KTV có thể lấy xác nhận với công ty đối tác Hương Biển về sự tồn tại & hoạt động của liên doanh Hoa Biển

Câu 5

(a) 

(1) Các dạng thư xác nhận

Theo VSA 505, có 2 dạng thư xác nhận:

  1. Thư xác nhận dạng khẳng định: Là đề nghị bên xác nhận phúc đáp trực tiếp cho KTV nêu rõ bên xác nhận đồng ý. Hoặc không đồng ý với thông tin cần xác nhận, hoặc cung cấp thông tin yêu cầu xác nhận;
  2. Thư xác nhận dạng phủ định: Là đề nghị bên xác nhận phúc đáp trực tiếp cho kiểm toán viên chỉ khi bên xác nhận không đồng ý với thông tin được nêu trong thư xác nhận;

(2) Vấn đề cần quan tâm khi lựa chọn dạng thư xác nhận:

Khi lựa chọn dạng thư xác nhận, KTV sẽ phải quan tâm đến độ tin cậy của dạng thư xác nhận cũng như khả năng phản hồi.

Thư xác nhận dạng khẳng định yêu cầu bên xác nhận phúc đáp lại KTV trong mọi trường hợp.  Phản hồi loại này thường cung cấp bằng chứng kiểm toán đáng tin cậy. Tuy nhiên, có rủi ro là bên xác nhận có thể trả lời thư xác nhận mà không xác minh thông tin là chính xác hay không.

KTV có thể giảm rủi ro này bằng cách sử dụng thư xác nhận dạng khẳng định nhưng không ghi rõ số liệu (hoặc các thông tin khác) trên thư. Và yêu cầu bên xác nhận điền số liệu hoặc cung cấp các thông tin khác. Mặt khác, việc sử dụng dạng thư xác nhận “trống” này có thể làm giảm tỷ lệ phúc đáp do bên xác nhận phải bỏ ra nhiều công sức hơn để trả lời.

Xác nhận dạng phủ định cung cấp bằng chứng kiểm toán ít thuyết phục hơn xác nhận dạng khẳng định. Do đó, KTV không được sử dụng thư xác nhận dạng phủ định như là thử nghiệm cơ bản duy nhất nhằm xử lý rủi ro có sai sót trọng yếu đã đánh giá ở cấp độ cơ sở dẫn liệu, trừ khi tồn tại các trường hợp được quy định tại chuẩn mực.

(3) Thủ tục kiểm toán khi BGĐ không đồng ý cho KTV gửi thư xác nhận:

Việc Ban Giám đốc không đồng ý để kiểm toán viên gửi thư xác nhận làm hạn chế phạm vi thu thập bằng chứng kiểm toán mà KTV mong muốn. Do đó, KTV cần điều tra nguyên nhân của sự không đồng ý này.

KTV cũng sẽ cần tìm kiếm bằng chứng kiểm toán về tính hợp lý và hợp lệ của các lý do. Vì có thể có rủi ro là Ban Giám đốc cố tình ngăn không cho KTV thu thập bằng chứng kiểm toán cho thấy sự tồn tại của gian lận hoặc nhầm lẫn.

Xem xét ảnh hưởng của việc Ban Giám đốc không đồng ý đến đánh giá của kiểm toán viên về rủi ro có sai sót trọng yếu liên quan, kể cả rủi ro do gian lận, và đến nội dung, lịch trình và phạm vi của các thủ tục kiểm toán khác.

  • Nếu lý do BGD đưa ra là hợp lý: KTV thực hiện các thủ tục kiểm toán thay thế được thiết kế để thu thập bằng chứng kiểm toán phù hợp và đáng tin cậy.
  • Nếu lý do không hợp lý hoặc KTV không thể thu thập được bằng chứng kiểm toán phù hợp và đáng tin cậy từ các thủ tục kiểm toán thay thế: cần đánh giá tính chính trực của BGĐ, trao đổi với Ban quản trị đơn vị được kiểm toán… Có thể phải hình thành BCKT ngoại trừ hoặc rút khỏi hợp đồng.
(4) Các trường hợp làm KTV nghi ngờ & thủ tục kiểm toán cần thực hiện khi có nghi ngờ về độ tin cậy của thư xác nhận 

Các trường hợp làm KTV phát sinh nghi ngờ về độ tin cậy của thư xác nhận:

  • Phản hồi cho thấy sự khác nhau giữa thông tin cần xác nhận, hoặc thông tin trong sổ kế toán của đơn vị và thông tin do bên xác nhận cung cấp (ngoại lệ)
  • Khi có các sự kiện phát sinh làm KTV nghi ngờ về tính chính trực của BGĐ
  • Đối tượng gửi xác nhận không độc lập với đơn vị được kiểm toán
  • Thư phúc đáp được KTV gián tiếp nhận; hoặc
  • Thư phúc đáp có thể không do bên xác nhận gửi.

Nếu KTV nhận thấy có các yếu tố làm phát sinh nghi ngờ về độ tin cậy của thông tin phản hồi thư xác nhận, KTV phải thu thập thêm bằng chứng kiểm toán để giải quyết các nghi ngờ đó.

Ví dụ: KTV có thể xác minh nguồn và nội dung của thông tin phản hồi thư xác nhận bằng cách liên hệ trực tiếp với bên xác nhận.

(b) Loại thư xác nhận nên sử dụng ở công ty Kỳ vọng

Trong trường hợp này:

  • Rủi ro có sai sót trọng yếu đối với khoản mục phải thu được đánh giá sơ bộ ở mức thấp.
  • Số lượng khách hàng lớn, nhiều khách hàng có số dư nhỏ

Do vậy, các khoản phải thu của Kỳ vọng có thể được gửi xác nhận theo 2 dạng:

  • Thư xác nhận dạng khẳng định: áp dụng cho 20 khách hàng có dư nợ từ 70 triệu trở lên
  • Thư xác nhận dạng phủ định: áp dụng cho các khách hàng còn lại có số dư bé dưới 70 triệu

Đáp án Đề thi CPA 2016 – Đề Lẻ

Câu 3

(a) Cách xử lý của Thành Sinh có phù hợp quy định kế toán không?

Cách xử lý kế toán của Thành sinh đối với 3 sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm là chưa phù hợp theo quy định kế toán hiện hành.

Chúng ta sẽ cần xem xét các sự kiện này có cần điều chỉnh hay không? Nếu không điều chỉnh thì có cần phải thuyết minh trên BCTC không?

Nếu sự kiện xảy ra sau khi phát hành BCTC thì cả khách hàng và KTV đều không có trách nhiệm điều chỉnh BCTC.

(1) Hỏa hoạn vào 2.2.2016 cung cấp thông tin về giá trị hàng hóa bị tổn thất. Giá trị hàng hóa thiệt hại 20 tỷ là trọng yếu.

Sự kiện này phát sinh sau kỳ kế toán năm và không cung cấp thông tin, bằng chứng về sự kiện đã tồn tại trong năm tài chính 2013. Theo quy định kế toán: Đây là sự kiện không cần điều chỉnh. Tuy nhiên vì ảnh hưởng trọng yếu đến công ty. Nên sẽ cần phải được thuyết minh trên BCTC:  

  • Nội dung, bản chất của sự việc
  • Ước tính ảnh hưởng của sự việc đến tình hình tài chính của công ty: Phải tính cả các khoản phải thu khác từ bồi thường hoặc chi phí khác.

Lưu ý:

Đây chỉ là 1 quan điểm. Còn có quan điểm thứ 2 là sự kiện có ảnh hưởng đến lợi ích thực tế cho nên cần phải điều chỉnh. Trong bài thi trình bày quan điểm nào cũng được điểm. Miễn là giải thích hợp lý.

(2) Quyết định xét xử của tòa án ngày 12.1.2016 cung cấp thông tin xác nhận nghĩa vụ nợ hiện tại của Thành Sinh vào ngày kết thúc kỳ kế toán năm. Công ty đã chấp nhận mức phạt này.  Như vậy, Thành Sinh phải điều chỉnh BCTC để phản ánh sự kiện trên: ghi nhận chi phí và khoản nợ phải trả bồi thường vi phạm hợp đồng 

(3) Sự kiện ngày 4.2.2016: Thành Sinh mua lại công ty khác cùng ngành. Và việc sát nhập này có thể ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của công ty.

Sự kiện phát sinh sau không cần điều chỉnh. Tuy nhiên, sự kiện này là trọng yếu, việc không trình bày các sự kiện này có thể ảnh hưởng đến quyết định kinh tế của người sử dụng khi dựa trên các thông tin của BCTC. Vì vậy doanh nghiệp phải thuyết minh BCTC về: nội dung, số liệu của sự kiện này và ước tính ảnh hưởng về tài chính hoặc lý do không thể ước tính được các ảnh hưởng này

(b)

(1) Nợ tiềm tàng là gì?

Theo quy định tại Chuẩn mực Kế toán số 18, Nợ tiềm tàng là:

  • Nghĩa vụ nợ có khả năng phát sinh từ các sự kiện đã xảy ra và sự tồn tại của nghĩa vụ nợ này sẽ chỉ được xác nhận bởi khả năng hay xảy ra hoặc không hay xảy ra của một hoặc nhiều sự kiện không chắc chắn trong tương lai mà doanh nghiệp không kiểm soát được; hoặc
  • Nghĩa vụ nợ hiện tại phát sinh từ các sự kiện đã xảy ra nhưng chưa được ghi nhận vì:

(i) Không chắc chắn có sự giảm sút về lợi ích kinh tế do việc phải thanh toán nghĩa vụ nợ; hoặc

(ii) Giá trị của nghĩa vụ nợ đó không được xác định một cách đáng tin cậy.

(2) Điều kiện để ghi nhận dự phòng nợ phải trả:

  • Doanh nghiệp có nghĩa vụ nợ hiện tại (nghĩa vụ pháp lý hoặc nghĩa vụ liên đới) do kết quả từ một sự kiện đã xảy ra;
  • Sự giảm sút về những lợi ích kinh tế có thể xảy ra dẫn đến việc yêu cầu phải thanh toán nghĩa vụ nợ; 
  • Đưa ra được một ước tính đáng tin cậy về giá trị của nghĩa vụ nợ đó.

(c) Thủ tục kiểm toán để xác định các vụ kiện tụng có thể làm phát sinh rủi ro có sai sót trọng yếu

Theo quy định tại Chuẩn mực kiểm toán 501:  KTV phải thiết kế và thực hiện các thủ tục kiểm toán để xác định các vụ kiện tụng và tranh chấp liên quan đến đơn vị có thể làm phát sinh rủi ro có sai sót trọng yếu, bao gồm:

  • Phỏng vấn Ban Giám đốc đơn vị được kiểm toán và những người khác trong đơn vị, kể cả chuyên gia tư vấn pháp luật trong đơn vị, nếu có thể;
  • Xem xét các biên bản họp Ban quản trị và thư từ trao đổi giữa đơn vị và chuyên gia tư vấn pháp luật ngoài đơn vị;
  • Kiểm tra các khoản phí tư vấn pháp luật

Câu 4

a. Tính toán

Chỉ tiêuCách tínhNăm nayNăm trước
Tỷ lệ Lợi nhuận gộp(Doanh thu – Gía vốn)/Doanh thu19.50%16.00%
Thời gian thu tiền bình quânSố dư KPT bình quân * 360 ngày/Doanh thu ngày67 ngày44 ngày

b. 

(1) Các vấn đề cần quan tâm khi đánh giá rủi ro sai sót trọng yếu

Ban quản trị công ty hiện đang chịu nhiều sức ép

  • Công ty hoạt động trong lĩnh vực hoạt động rất cạnh tranh với các nhà phân phối khác trong vùng
  • Công ty đang gặp khó khăn tài chính và có nhu cầu vay lớn
  • Công ty đang chiu sức ép phải đạt mục tiêu lợi nhuận

Từ kết quả tính toán ở phần a): chúng ta thấy Công ty có tỷ suất LN gộp năm hiện tại (19.5%) lớn hơn hẳn năm trước (16%) và tỷ suất LN gộp của ngành (16.3%)

Nhà quản trị đã giải thích:

  • Trong năm công ty trang bị hệ thống máy tính mới cùng phần mềm quản trị nên tăng hiệu quả hoạt động. Tuy nhiên giải thích này không hợp lý. Vì việc tăng phần mềm quản trị không thể tăng đột ngột đến hơn 20% so với năm trước được.
  • Nhiều sản phẩm có tính mùa vụ. Dẫn đến công ty quyết định kéo dài thời gian trả nợ cho khách hàng từ T10 cuối năm sang T4 năm sau => Khoản phải thu tăng & số ngày thu tiền năm nay tăng. Tuy nhiên số ngày thu tiền tăng từ 44 ngày -> 67 ngày, tức là tăng 52%. Tăng trưởng Doanh thu quả thật có thể do nới lỏng chính sách bán chịu. Tuy nhiên vì tốc độ tăng quá lớn nên khả năng còn do nguyên nhân khác

(2) Dự đoán khả năng xảy ra rủi ro sai sót trọng yếu

  • Rủi ro doanh thu được báo cáo > Doanh thu thực tế và kéo theo là số dư khoản phải thu được báo cáo > Khoản phải thu thực tế
  • Giá vốn được báo cáo < Giá vốn thực tế và kéo theo là số dư HTK được báo cáo > số dư HTK thực tế
  • Khoản phải thu tăng đột biến. Dẫn đến rủi ro trong quản lý khách hàng & các khoản phải thu: phân loại khoản phải thu, thu hồi khoản khoản phải thu, trích lập dự phòng liên quan

(3) 2 thủ tục kiểm toán để đối phó rủi ro

  • KTV kiểm tra các giao dịch bán hàng đã ghi nhận cuối kỳ, đối chiếu đến chứng từ giao nhận hàng xem doanh thu có được ghi nhận đúng kỳ không. Hay là lấy doanh thu năm sau ghi nhận vào năm nay để tăng doanh thu.
  • Chọn mẫu từ danh sách khoản phải thu cuối năm để gửi thư xác nhận – xác định tính hiện hữu của khoản phải thu
  • Đối chiếu kết quả trên Biên bản kiểm kê hàng tồn kho cuối năm với số dư HTK đang ghi sổ và làm rõ mọi chênh lệch nếu có…

(Chỉ cần nêu 2 thủ tục kiểm toán)

Câu 5

Có 2 điểm cần chú ý khi làm dạng bài này:

  • Khi làm bài dạng này: cần quay ngang tờ giấy thi ra kẻ bảng viết cho được rộng rãi. Chứ kẻ dọc thì không biết bao nhiêu tờ giấy thi mới hết. Mà khó đọc. Đây là comment của thầy dạy nhé.
  • Bút toán điều chỉnh: cần điều chỉnh đến bút toán kết chuyển cuối cùng.
Nội dung nghiệp vụCơ sở dẫn liệuẢnh hưởng đến BCDKTẢnh hưởng đến BCKQKDBút toán điều chỉnhThủ tục kiểm toán
NV1. Ghi nhận doanh thu sai kỳTính đúng kỳHTK bị giảm 300tr

Khoản phải thu bị tăng 440tr

Thuế phải nộp bị tăng 25tr + 40tr = 65tr

LNSTCPP bị khai tăng 75tr

GVHB bị khai tăng 300tr

Doanh thu bị khai tăng 400tr

LNG bị khai tăng 100tr

LNTT bị khai tăng 100tr

Thuế TNDN bị khai tăng 25tr

LNST bị khai tăng 75tr

Nợ TK 511: 400tr
Nợ TK 333: 40tr
Có TK 131: 440trNợ TK 156/ Có TK 632: 300trNợ TK 911/Có TK 511: 400tr

Nợ TK 632/Có TK 911: 300tr

Nợ TK 421: 75tr
Nợ TK 821: 25tr
Có TK 911: 100tr

Nợ TK 333/Có TK 821: 25tr

Kiểm tra các nghiệp vụ bán hàng ghi sổ cuối năm, xem có chứng từ giao hàng trong năm tài chính tương ứng không.
NV2. Áp dụng sai giá xuất khoTính toán & định giáHTK bị giảm 300tr

Thuế phải nộp bị giảm 75tr

LNSTCPP bị giảm 225tr

GVHB: bị khai tăng 300tr

LNG bị giảm 300tr

LNTT bị giảm 300tr

Thuế TNDN bị giảm 75tr

LNST bị giảm 75tr

Nợ TK 156/Có TK 632: 300tr

Nợ TK 632/Có TK 911: 300tr

Nợ TK 911: 300tr
Có TK 821: 75tr
Có TK 421: 225tr

Nợ TK 821/Có TK 333: 75tr

Kiểm tra & thực hiện tính toán lại bảng tính giá thành trong kỳ của DN
NV3. Hoá đơn bán hàng bị nhập nhầm sốTính chính xácKhoản phải thu: bị tăng 495tr

Thuế phải nộp: bị tăng 45tr + 112.5tr = 157.5tr

LNSTCPP: bị tăng 337.5tr

Doanh thu: bị tăng 450tr

LN gộp: bị tăng 450tr

LNTT: bị tăng 450tr

Thuế TNDN: bị tăng 112.5tr

LNSTT bị tăng 337.5tr

Nợ TK 511: 450tr
Nợ TK333: 45tr
Có TK 131: 495trNợ TK 911/Có TK55: 450trNợ TK421: 337.5tr
Nợ TK 821: 112.5tr
Có TK 911: 450tr

Nợ TK 333/Có TK 821: 112.5tr

Kiểm tra các nghiệp vụ bán hàng đã ghi nhận trong kỳ, đối chiếu đến hoá đơn & các chứng từ hỗ trợ xem nghiệp vụ có được ghi nhận chính xác không
NV4. Quên không ghi nhận GVHBTính đầy đủHTK bị khai tăng giảm 300

LNSTCPP bị khai tăng: 225tr

Thuế phải nộp bị khai tăng 75tr

GVHB: bị khai giảm 300tr

LNTT bị khai tăng 300tr

Thuế TNDN: bị khai tăng: 75tr

LNST bị khai tăng: 225tr

Nợ TK 632/Có TK156: 300tr

Nợ TK 911/Có TK632: 300tr

Nợ TK 421: 225tr
Nợ TK 821:75tr
Có TK 911: 300tr

Nợ TK 333/Có TK821: 75tr

Đối chiếu số dư HTK cuối kỳ với Biên bản kiểm kê & làm rõ chênh lệch
NV5. Cấn trừ nhầm công nợ phải thu & phải trả (Giả sửsố dư phải trả của S & Phải thu của L sau khi bị cấn trừ nhầm vẫn là số dương)Chỉ ảnh hưởng số dư chi tiết. Không ảnh hưởng số dư trên BCĐKTKhông ảnh hưởngNợ TK 331 – Nhà cung cấp L

Có TK 331 – Nhà cung cấp S

Thực hiện gửi thư xác nhận cho các khoản phải thu, phải trả. Đối chiếu với số ghi sổ chi tiết và làm rõ mọi chênh lệch

2 bình luận về “ĐÁP ÁN ĐỀ THI CPA 2016 – MÔN KIỂM TOÁN”

  1. ad ơi cho mình hỏi sao audio môn kiểm toán phần 11/13 chữa đề năm 2017 mà sao không thấy giống đề kiểm toán 2017 của web mình đăng vậy?

    • Chắc do 1 cái là đề Hà Nội, 1 cái là đề Sài gòn đó bạn. Ad đang đi tìm nốt đề của nơi còn lại mà chưa thấy đâu có. 🙁

Bình luận đã đóng.

You cannot copy content of this page