Skip to content

[ACCA F6 Video Lectures] Chi phí hợp lý là gì? Cách xác định chi phí được trừ & không được trừ khi tính CIT

Xong dạng bài xác định Doanh thu tính Thuế TNDN, chúng ta chuyển sang dạng bài “Xác định chi phí hợp lý hay chi phí được trừ & chi phí không được trừ khi tính thuế TNDN”. Để giải quyết dạng bài này, đầu tiên chúng ta cần tìm hiểu: Chi phí hợp lý là gì?

XEM VIDEO 3

Phần 1. Chi phí hợp lý là gì?

Theo kế toán: tất cả các khoản chi phí sẽ được ghi nhận ngay khi phát sinh trong kỳ. Không phân biệt có thu được tiền hay chưa thu được tiền. Và đã có đầy đủ hồ sơ chứng từ hay chưa.

Nhưng theo quy định của thuế:

1 khoản chi phí chỉ được coi là “chi phí hợp lý, hợp lệ” hay “chi phí được trừ khi tính thuế TNDN” chỉ khi thoả mãn tất cả các điều kiện chung sau:

  • Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
  • Khoản chi có đủ hoá đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.
  • Khoản chi nếu có hoá đơn mua hàng hoá, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt. Trường hợp mua HHDV từng lần có giá trị từ 20 triệu trở lên mà đến thời điểm ghi nhận chi phí, doanh nghiệp chưa thanh toán thì doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ. Trường hợp khi thanh toán, doanh nghiệp không có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt thì phải kê khai, điều chỉnh giảm tương ứng

Như vậy:

Sẽ có nhiều khoản chi phí đã ghi nhận trên BCTC nhưng lại không thoả mãn là chi phí hợp lý khi tính thuế TNDN

Hay nói cách khác:

Chi phí hợp lý / Chi phí được trừ = Chi phí kế toán trên BCTC (+/-) Các khoản điều chỉnh do khác biệt giữa thuế & kế toán

Vậy, chúng ta sẽ vận dụng khái niệm chi phí hợp lý hay chi phí được trừ khi tính thuế TNDN vào trong đề thi F6 như nào?

Thế này nhé. Ở bài trước chúng ta cũng đã học:

Doanh thu tính thuế = Doanh thu & thu nhập kế toán trên BCTC (+/-) Các khoản điều chỉnh do khác biệt giữa thuế & kế toán

Như vậy:

Thu nhập chịu thuế TNDN = Lợi nhuận kế toán (+/-) Các khoản điều chỉnh do khác biệt giữa thuế & kế toán

Chính vì vậy, khi tình huống đề bài cho chúng ta thông tin về lợi nhuận kế toán trước thuế & yêu cầu tính thu nhập chịu thuế TNDN. Thì chúng ta chỉ cần xác định các khoản điều chỉnh cần thiết là OK.

Các bạn lưu ý rằng:

  • Khi Chi phí hợp lý/Chi phí được khấu trừ < Chi phí kế toán: Nghĩa là chúng ta cần điều chỉnh giảm chi phí kế toán để tính ra chi phí hợp lý. Điều đó tương đương phải điều chỉnh tăng lợi nhuận kế toán trước thuế.
  • Khi Chi phí hợp lý/Chi phí được khấu trừ > Chi phí kế toán: Nghĩa là chúng ta cần điều chỉnh tăng chi phí kế toán để tính ra chi phí hợp lý. Điều đó tương đương phải điều chỉnh giảm lợi nhuận kế toán trước thuế.

Phần 2. Các khoản chi phí không được trừ khi tính thuế TNDN

Tuy ở trên chúng ta đã biết các điều kiện chung để xác định chi phí hợp lý. 3 nguyên tắc này là kim chỉ nam cho chúng ta mỗi khi cần xác định 1 khoản chi phí có phải hợp lệ khi tính thuế TNDN hay không.

Nhưng trong thực tế: Không phải lúc nào cũng dễ dàng xác định được 1 khoản chi phí có “thực tế phát sinh liên quan đến HĐSXKD” hay không? Hay có đủ hoá đơn chứng từ theo quy định hay không?

Chính vì vậy, văn bản đã quy định cho chúng ta Danh sách các khoản chi phí không được trừ khi tính thuế TNDN.

Danh sách các khoản chi này được quy định cụ thể tại Điều 6, Thông tư 78/2014/TT-BTC và sửa đổi bởi Điều 4, Thông tư 96/2015/TT-BTCĐiều 3, Thông tư 25/2018/TT-BTC.

Các bạn xem sơ đồ tóm tắt sau của mình cho dễ nhớ:

chi phí hợp lý là gì? Chi phí không được trừ khi tính thuế TNDN?

1. Nhóm chi phí liên quan đến Tài sản cố định

Với tài sản cố định, cần lưu ý 2 điểm:

  • Chỉ có chi phí khấu hao mới tính vào BCTC. Do vậy, khi xác định số cần điều chỉnh hay chi phí được trừ, cũng chỉ được tính trên phần chi phí khấu hao. Không điều chỉnh toàn bộ nguyên gía TSCĐ.
  • Sự khác nhau giữa kế toán và thuế thường nằm ở quy định về thời gian khấu hao. Theo kế toán thì công ty tự ước tính thời gian sử dụng hữu ích của tài sản. Trong khi theo thuế thì thời gian khấu hao phải theo khung quy định tại Thông tư 45 về quản lý tài sản. Điều này có thể dẫn đến chênh lệch chi phí khấu hao tính vào trong kỳ giữa kế toán và thuế.

Ví dụ: H Co có lợi nhuận kế toán trước thuế là 80 tỷ trên BCTC dự thảo. Trong khi soát xét & lập tờ khai quyết toán thuế, H Co có lưu ý ra 2 điểm sau:

(1) H Co mua 1 máy trị giá 96 tỷ vào 31.3.2016. Thời gian sử dụng hữu ích ban đầu của máy là 8 năm. Thời gian khấu hao theo quy định của thuế đối với loại máy này là từ 8 – 12 năm. 1.10.2018, H Co quyết định rằng thời gian sử dụng hữu ích còn lại của máy là 4 năm. Tuy nhiên chi phí khấu hao được bao gồm trên BCTC dự thảo vẫn phản ánh thời gian sử dụng hữu ích ban đầu của máy.

(2) Năm 2018, H Co mua 1 số thiết bị công nghệ cao. Và thực hiện khấu hao nhanh cho thiết bị từ 5 năm (theo quy định tại Thông tư 45/2013/TT-BTC) thành 3 năm. Chi phí khấu hao của thiết bị đã bao gồm cho BCTC dự thảo năm 2018 là 600 triệu.

(3) H Co xây dựng, mua sắm các hạng mục sau. Giả sử các tài sản này đều theo khung khấu hao quy định:

  • 1.1.2018: Bếp và thư viện cho nhân viên. Trị giá tài sản ghi nhận là 5 tỷ với thời gian khấu hao là 10 năm.
  • 1.7.2018: Mua sắm các bồn bể cho khu vực nước sạch. Trị giá 1 tỷ và thời gian khấu hao 10 năm. 70% cho nhân viên H Co sử dụng. 30% còn lại cho các hộ dân xung quanh sử dụng.
  • 1.7.2018: H Co mua 1 ô tô 4 chỗ trị giá 2 tỷ (giá chưa bao gồm VAT). Thời gian sử dụng ước tính là 8 năm.

Yêu cầu: Xác định lợi nhuận chịu thuế TNDN năm 2018 của H Co? Giả sử không phát sinh các vấn đề khác cần điều chỉnh.

Đáp án:

(1) Tình huống liên quan đến việc thay đổi thời gian khấu hao còn lại của máy móc.

Theo quy định kế toán: Thời gian khấu hao của tài sản cần được xem xét lại cuối năm tài chính. Và khi thời gian khấu hao của tài sản thay đổi thì cần thực hiện tính chi phí khấu hao theo thời gian mới này.

Theo quy định thuế (Thông tư 45/2013/TT-BTC): Công ty có thể thay đổi thời gian khấu hao cho tài sản 1 lần. Tuy nhiên phải đảm bảo không khiến công ty chuyển từ lãi thành lỗ và vẫn phải đảm bảo theo khung thời gian trích khấu hao quy định. Trường hợp doanh nghiệp muốn xác định thời gian trích khấu hao của tài sản cố định mới và đã qua sử dụng khác so với khung thời gian trích khấu hao quy định, doanh nghiệp phải lập phương án thay đổi thời gian trích khấu hao TSCĐ trên cơ sở giải trình rõ các nội dung…

Trong tình huống này của chúng ta:

  • Thời gian sử dụng hữu ích còn lại mới theo quyết định của công ty tại 1.10.2018: 4 năm
  • Thời gian sử dụng hữu ích tối thiểu còn lại theo quy định thuế tại 1.10.2018: 8 năm – 2.5 năm = 5.5 năm

Lưu ý: trường hợp này thời gian khấu hao tối thiểu cho máy mới đã là 8 năm. Như vậy sau 2.5 năm thì thời gian khấu hao còn lại tối thiểu phải là 5.5 năm. Nếu doanh nghiệp áp dụng là 4 năm thì là khác so với khung quy định này. Do vậy, cần có hồ sơ giải trình được phê duyệt và báo với cơ quan thuế quản lý. Đề bài không cho thông tin này nên mình đang coi là không có. Và do vậy cho mục đích thuế sẽ không được tính theo mức 4 năm mà phải tính theo mức 5.5 năm. Tuy nhiên đáp án Đề thi F6 Kỳ Dec.2018 thì vẫn đang cho tính theo mức 4 năm mà không bổ sung giả định gì các bạn nhé.

Như vậy, sẽ phát sinh chênh lệch chi phí khấu hao giữa thuế và kế toán cho 3 tháng từ 1.10 – 31.12.2018. Tuy nhiên, rất tiện là trên BCTC dự thảo năm 2018: công ty vẫn đang tính theo thời gian khấu hao cũ. Do vậy, chúng ta không cần thực hiện điều chỉnh lại lợi nhuận kế toán để tính ra thu nhập chịu thuế TNDN.

(2) Theo quy định tại Thông tư 45/2013: Công ty có quyền áp dụng khấu hao nhanh (không vượt quá 2 lần khung khấu hao và phải đảm bảo không bị lỗ). Trong tình huống này, thời gian khấu hao theo khung quy định là 5 năm thì thời gian khấu hao nhanh tối đa được phép áp dụng là 2.5 năm.

H Co đang áp dụng thời gian khấu hao là 3 năm. Tức là chưa vượt khung cho phép & vẫn đảm bảo không bị lỗ. Do vậy, vẫn được chấp nhận cho mục đích thuế. Hay nói cách khác là, không có sự chênh lệch giữa thuế và kế toán. Do vậy, không cần điều chỉnh.

(3) Xem chi tiết 3 khoản mục:

  • Công trình bếp và thư viện cho nhân viên là tài sản mang tính chất phúc lợi. Nên dù không trực tiếp tham gia vào hoạt động SXKD nhưng chi phí khấu hao tưng ứng vẫn được trừ đầy đủ khi tính thuế TNDN. Do đó, không phát sinh chênh lệch giữa thuế & kế toán cần điều chỉnh.
  • Phần chi phí khấu hao tương ứng với % sử dụng bởi người dân sẽ không được khấu trừ. Do là tài sản phúc lợi nhưng không phục vụ cho công ty. Chi phí khấu hao không được khấu trừ tương ứng: 1 tỷ / 10 năm * 6/12 * 30% = 15 triệu. Do vậy, cần điều chỉnh lợi nhuận kế toán trước thuế tăng lên 15 triệu.
  • Chi phí khấu hao của ô tô 4 chỗ được khấu trừ nhưng chỉ giới hạn với nguyên giá là 1.6 tỷ. Chi phí khấu hao không được trừ: (2 tỷ – 1.6 tỷ) /8 * 6/12 = 25 triệu. Do vậy, cần điều chỉnh lợi nhuận kế toán trước thuế tăng lên 25 triệu.

Tổng hợp lại:

Công ty cần điều chỉnh tăng lợi nhuận kế toán trước thuế khi tính CIT: 15 triệu + 25 triệu = 40 triệu

Thu nhập chịu thuế năm 2018 = 80 tỷ + 40 triệu = 80.04 tỷ

2. Nhóm chi phí không được trừ khi tính thuế TNDN liên quan đến Tiền lương, tiền công

Đây là nhóm chi phí gặp nhiều nhất trong thực tế cũng như trong đề thi. Vì công ty nào cũng cần có nhân viên và do đó phát sinh chi phí nhân công.

Các chi phí không được trừ khi tính thuế TNDN liên quan đến tiền lương, tiền công có thể xếp vào 3 loại:

  • Chi phí lương, thưởng, phụ cấp…không được quy định cụ thể tại các tài liệu như: hợp đồng lao động, quy ước lao động tập thể, quy chế tài chính…
  • Chi phí phát sinh nhưng chưa thực chi trả tại thời điểm quyết toán
  • Chi phí vượt mức khoán quy định như tiền văn phòng phẩm, công tác phí, tiền trợ cấp ăn trưa, trang phục, bảo hiểm hưu trí tự nguyện, bảo hiểm nhân thọ

Ví dụ

V Co có lợi nhuận kế toán trước thuế trên BCTC dự thảo năm 2018 là 80 tỷ. Biết rằng khi soát xét & lập tờ khai quyết toán CIT, kế toán đã chỉ ra các vấn đề sau:

(1) Trong năm, V Co đã nhận và chi trả cho các hoá đơn chi phí khám sức khoẻ cho các giám đốc công ty trị giá 1.2 tỷ. Theo chính sách bảo hiểm của V Co với công ty bảo hiểm, 50% chi phí này sẽ do công ty bảo hiểm chi trả. V Co đã ghi nhận 600 triệu vào chi phí & 600 triệu khoản phải thu công ty bảo hiểm trên BCTC. Theo hợp đồng giữa V Co và các giám đốc, V Co chỉ chịu 400 triệu/năm cho các chi phí không được bảo hiểm chi trả. Tuy nhiên, riêng trong năm này V Co quyết định không yêu cầu các giám đốc hoàn trả số tiền chênh lệch.

(2) Năm 2018 V Co quyết định chi trả các khoản thưởng đặc biệt cho các nhân viên có thành tích vượt trội. V Co trích trước số tiền thưởng 2018 với giá trị 11 tỷ trên BCTC năm 2018, tương ứng sự gia tăng 10% so với số tiền thưởng trích trước cho năm 2017 là 10 tỷ. Năm 2017, tiền thưởng thực tế đã chi trả vào T2.2018 với số tiền là 10.5 tỷ. 500 triệu chênh lệch đã được ghi tăng chi phí năm 2018. Tiền thưởng thực tế năm 2018 là 12.5 tỷ đã được chi trả vào 15.3.2019.

(3) Trên BCTC 2018, V Co ghi nhận 1.6 tỷ chi phí không liên quan đến hoạt động SXKD. Trong đó: 600 triệu liên quan đến chi phí phúc lợi cho nhân viên (cưới xin, đám ma…) Tuy nhiên, 20% của chi phí phúc lợi này không có chứng từ hỗ trợ và 10% khác thanh toán bằng tiền mặt. Tuy nhiên, từng khoản thanh toán riêng lẻ đều không vượt quá 10 triệu. Trong năm, chi phí tiền lương thực hiện trung bình của V Co > 600 triệu rất nhiều.

(4) V Co có khoản trợ cấp 200 triệu trả cho 2 cổ đông sáng lập và 150 triệu trả cho nhà đầu tư. Công ty có đầy đủ chứng từ hợp lệ liên quan. Biết rằng các sáng lập viên điều hành hoạt động hàng ngày của công ty còn nhà đầu tư chỉ giám sát chung chứ không tham gia quản lý.

(5) Nhân viên V Co được đăng ký tham gia miễn phí các khoá đào tạo. Trong năm, 320 khoá học tương đương 180 triệu đã được sử dụng. 70% khoá học liên quan đến công việc, 30% còn lại thì không.

(6) Năm 2017, V Co đã lập 1 khoản dự phòng 8.5 tỷ tương ứng với 17% quỹ dự phòng tiền lương đã thực hiện trong năm 2017. Cho đến 1.7.2018, V Co đã chi trả 6.5 tỷ từ quỹ dự phòng này. 2 tỷ còn lại không được chi trả và V Co đã không thực hiện điều chỉnh gì trên BCTC dự thảo năm 2018. Quỹ tiền lương thực hiện năm 2018 (không bao gồm khoản dự phòng năm 2017) tăng 50% so với 2017. V Co dự kiến lập khoản dự phòng tiền lương 17% quỹ tiền lương thực hiện cho năm 2018. Tuy nhiên chưa ghi nhận vào BCTC dự thảo. Công ty sẽ ghi nhận bổ sung vào BCTC kiểm toán. Khoản dự phòng này dự kiến được chi trả vào quý đầu tiên năm 2019.

Yêu cầu: Xác định lợi nhuận chịu thuế TNDN năm 2018 của H Co? Giả sử không phát sinh các vấn đề khác cần điều chỉnh.

Đáp án:

Khoản mụcChi phí được trừ khi tính thuế TNDN (triệu)Chi phí ghi nhận trên BCTC (triệu)Số cần điều chỉnh (triệu)Giải thích
(1) Chi phí khám sức khoẻ400600200Phần vượt mức quy định trong thoả thuận giữa V Co & các giám đốc sẽ không được khấu trừ. Do vậy, cần điều chỉnh giảm chi phí kế toán nghĩa là tăng lợi nhuận kế toán
(2) Chi phí tiền thưởng12,50011,500-1,000Toàn bộ chi phí lương 2018 đã được chi trả đến trước thời hạn quyết toán (12.5 tỷ) đều được tính vào chi phí hợp lý cho năm 2018. Nhưng trên BCTC, công ty mới chỉ ghi nhận vào chi phí lương 2018 là 11 tỷ. Do vậy, cần điều chỉnh tăng chi phí /giảm lợi nhuận kế toán trước thuế 1.5 tỷ khi tính thuế.
Tuy nhiên, khi khai thuế năm 2017, công ty đã tính chi phí được trừ khi tính thuế là 10.5 tỷ. Trong khi số ghi nhận trên FS 2017 là 10 tỷ, và FS 2018 là 0.5 tỷ. Do vậy, khi tính thuế năm 2018, chúng ta phải trừ 0.5 tỷ này đi do đã kê khai vào năm 2017 rồi.
Như vậy tổng điều chỉnh tăng chi phí/giảm lợi nhuận kế toán sẽ là: 1.5 tỷ – 0.5 tỷ = 1 tỷ
(3) Chi phí không liên quan đến hoạt động SXKD4801,6001,120Chi phí không liên quan đến hoạt động SXKD sẽ không được khấu trừ khi tính CIT: 1 tỷ
Theo quy định: Chi phí phúc lợi trực tiếp cho nhân viên có chứng từ hỗ trợ theo quy định & không vượt quá 1 tháng lương thực hiện trung bình thì sẽ được trừ khi tính CIT
Chi phí phúc lợi trực tiếp cho nhân viên nhưng không có chứng từ hỗ trợ sẽ không được khấu trừ khi tính CIT: 600 triệu * 20% = 120 triệu
Chi phí phúc lợi trực tiếp cho nhân viên có chứng từ hỗ trợ và thanh toán tiền mặt không quá 10 triệu/khoản – được khấu trừ khi tính CIT: 480 triệu.
(4) Lương thưởng cho sáng lập viên & nhà đầu tư400550150Tiền lương, thưởng cho các sáng lập viên, nhà đầu tư… không tham gia vào hoạt động hàng ngày của công ty sẽ không được coi là chi phí hợp lệ khi tính thuế TNDN. Do vậy, cần điều chỉnh giảm chi phí kế toán nghĩa là tăng lợi nhuận kế toán
(5) Chi phí đào tạo
126
18054Chi phí đào tạo liên quan đến công việc của nhân viên thì sẽ được khấu trừ khi tính thuế TNDN và ngược lại
(6) Quỹ dự phong12,5002,000-10,50017% quỹ dự phòng tiền lương năm 2017 được phép trích lập khi tính CIT = 150% * 8.5 tỷ = 12.5 tỷ
Chi phí dự phòng đã ghi nhận trên BCTC năm 2018: 2 tỷ
Số chi phí được phép ghi bổ sung: 12.5 tỷ – 2 tỷ = 10.5 tỷ
Do công ty chưa ghi nhận chi phí trên BCTC dự thảo 2018. Do vậy, chúng ta phải điều chỉnh tăng chi phí / giảm lợi nhuận kế toán trên BCTC dự thảo để tính thu nhập chịu thuế
Tổng cộng-9,976

Ta có :

Tổng các khoản điều chỉnh chênh lệch giữa thuế & kế toán là: (9.976 tỷ)

Lợi nhuận kế toán trước thuế năm 2018 của V Co là: 80 tỷ

Thu nhập chịu thuế năm 2018 của V Co là: 80 tỷ – 9.976 tỷ = 70.024 tỷ

3. Nhóm chi phí không được trừ khi tính thuế TNDN liên quan đến chi phí lãi vay

Chi phí không được trừ khi tính thuế TNDN liên quan đến lãi vay thường rơi vào trường hợp: Công ty chưa góp đủ vốn điều lệ theo tiến độ nên chi phí lãi vay bù đắp cho phần vốn còn thiếu sẽ không được khấu trừ.

Với tình huống này, chúng ta cần lưu ý về cách tính ra số chi phí lãi vay không được khấu trừ. Cùng xem 2 ví dụ sau:

Ví dụ 1

Vào T12. 2017, V Co vay 1 khoản từ ngân hàng để tài trợ vốn cho 1 khoản đầu tư mới vào 1 công ty mới ở Cambodia. Năm 2018, V Co đã ghi nhận chi phí lãi vay phát sinh từ khoản vay này vào BCTC là 3.6 tỷ. Biết rằng: V Co đã góp đủ vốn điều lệ. Yêu cầu: Xác định chi phí lãi vay được trừ cho mục đích thuế TNDN?

Đáp án:

Theo quy định tại Thông tư 96/2015/TT-BTC:

“Trường hợp doanh nghiệp đã góp đủ vốn điều lệ, trong quá trình kinh doanh có khoản chi trả lãi tiền vay để đầu tư vào doanh nghiệp khác thì khoản chi này được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN”

Trong tình huống này: V Co đã góp đủ vốn điều lệ. Do vậy, khi V Co vay tiền để đầu tư vào doanh nghiệp khác, thì chi phí lãi vay tương ứng sẽ được coi là chi phí hợp lệ khi tính thuế TNDN. Giả sử rằng chi phí này thoả mãn các điều kiện về hồ sơ, chứng từ hợp lệ. Do vậy: chi phí lãi vay được trừ khi tính thuế TNDN là 3.6 tỷ.

Ví dụ 2

Vào T1.2017, V Co là công ty TNHH 1 thành viên được thành lập bởi Mr. D. Vốn điều lệ ban đầu của V Co là 500 tỷ, được góp thành 2 lần bằng nhau vào năm 2017 và 2018. Mr. D đã góp đầy đủ phần vốn năm 2017 vào 1.2.2017.

Vào T2.2017, V Co lập 1 cơ sở liên doanh tên là T Co, theo đó V Co sẽ nắm giữ 75% cổ phiếu và 25% do 1 nhà đầu tư khác nắm giữ. Theo điều lệ công ty, vốn điều lệ T Co là 400 tỷ và toàn bộ phần vốn góp này sẽ được các bên góp vào 31.3.2017.

Khi thành lập T Co, V Co đã góp 150 tỷ từ quỹ của riêng nó vào 31.3.2017 và góp thêm 100 tỷ từ tiền vay EBank vào cùng ngày. Tỷ lệ lãi vay EBank là 9.6%/năm. Tuy nhiên các nhà đầu tư khác đã không thực hiện góp phần vốn của họ theo tiên độ. Để giữ vững tiến độ đầu tư, vào 31.3.2017, T Co vay thêm 2 khoản vay ngân hàng khác là 110 tỷ và 90 tỷ với lãi suất tương ứng lần lượt là 12% và 14%.

Yêu cầu: Xác định chi phí lãi vay được trừ cho mục đích thuế TNDN năm 2017?

Đáp án

Trong tình huống này có 2 khoản vay:

Khoản vay của V Co: Năm 2017 ông D đã góp đủ vốn điều lệ theo tiến độ. Do vậy, theo quy định đề cập ở Ví dụ trên thì chi phí lãi vay tương ứng của V Co phát sinh khi đi vay 100 tỷ đầu tư vào T Co trong năm 2017 sẽ được trừ khi tính thuế TNDN.

Chi phí lãi vay được trừ tương ứng của năm 2017 là: 100 tỷ * 9.6% * 9 tháng / 12 tháng = 7.2 tỷ

Khoản vay của T Co: Các nhà đầu tư đã không góp đủ vốn điều lệ nên T Co phải tự vay 2 khoản 110 tỷ và 90 tỷ để phục vụ cho hoạt động kinh doanh.

Theo quy định tại Thông tư 96/2015/TT-BTC:

Chi trả lãi tiền vay tương ứng với vốn điều lệ còn thiếu theo tiến độ góp vốn sẽ là chi phí không được trừ khi tính thuế TNDN và được xác định như sau:

– Trường hợp số tiền vay nhỏ hơn hoặc bằng số vốn điều lệ còn thiếu thì toàn bộ lãi tiền vay là khoản chi không được trừ.
– Trường hợp số tiền vay lớn hơn số vốn điều lệ còn thiếu theo tiến độ góp vốn thì tính theo: vốn điều lệ còn thiếu nhân (x) lãi suất của khoản vay (x) thời gian góp vốn điều lệ còn thiếu khi có 1 khoản vay hoặc bằng tỷ lệ (%) giữa vốn điều lệ còn thiếu trên tổng số tiền vay (x) tổng số lãi vay khi có nhiều khoản vay.

Vốn điều lệ cần góp bởi V Co theo quy định: 400 tỷ * 75% = 300 tỷ

V Co thực tế đã góp: 100 tỷ + 150 tỷ = 250 tỷ

V còn góp thiếu: 300 tỷ – 250 tỷ = 50 tỷ

Vốn điều lệ các nhà đầu tư khác cần góp: 100 tỷ

Số vốn điều lệ các nhà đầu tư khác còn góp thiếu: 100 tỷ

Tổng vốn điều lệ còn góp thiếu trong 9 tháng năm 2017: 150 tỷ

Tổng số tiền đã vay: 110 tỷ + 90 tỷ = 200 tỷ

Như vậy: Số tiền vay > Số vốn điều lệ còn thiếu theo tiến độ góp vốn. Và đây là trường hợp có 2 khoản vay nên chi phí lãi vay không được trừ được xác định như sau:

Tổng số lãi vay của các khoản vay phát sinh: 110 tỷ * 12% * 9/12 + 90 tỷ * 14% * 9/12 = 19.35 tỷ

Tỷ lệ vốn điều lệ còn thiếu / Tổng khoản vay = 150 tỷ/200 tỷ = 75%

Chi phí lãi vay không được trừ = 19.35 tỷ * 75% = 14.513 tỷ

Chi phí lãi vay được trừ: 19.35 tỷ – 14.513 tỷ = 4.837 tỷ

Kết luận: Tổng chi phí lãi vay được trừ cho năm 2017 là: 7.2 tỷ + 4.837 tỷ = 12.037 tỷ

4. Nhóm chi phí không được trừ khi tính thuế TNDN liên quan đến Chênh lệch tỷ giá

Với phần chênh lệch tỷ giá, chúng ta cần chia làm 2 loại:

(1) Chênh lệch tỷ giá đã thực hiện trong kỳ: Không có chênh lệch về quy định cách ghi nhận giữa kế toán và thuế. Do vậy, không phát sinh điều chỉnh. Lợi nhuận kế toán = Lợi nhuận thuế

(2) Chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện trong kỳ: Lại phải chia 2 nhóm:

  • Nhóm phát sinh từ các khoản mục phải trả có gốc ngoại tệ: Không có chênh lệch về quy định cách ghi nhận giữa kế toán và thuế. Do vậy, không phát sinh điều chỉnh. Lợi nhuận kế toán = Lợi nhuận thuế
  • Nhóm phát sinh từ các khoản mục tiền tệ & các khoản phải thu có gốc ngoại tệ: Theo quy định về thuế thì lãi/lỗ từ các khoản mục này sẽ không phải chịu thuế / không được trừ khi tính thuế TNDN. Tức là có sự khác biệt giữa kế toán và thuế. Do vậy, cần điều chỉnh khi tính thuế TNDN.

Ví dụ [Dec.2016]

Năm 2018, V Co phát sinh các khoản lãi lỗ do chênh lệch tỷ giá đã được ghi nhận vào BCTC như sau:

  • Lãi chênh lệch tỷ giá đã thực hiện trong kỳ là 900 triệu
  • Lỗ chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện cuối kỳ liên quan đến các khoản phải thu là 1.4 tỷ
  • Lãi chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện cuối kỳ liên quan đến các khoản phải trả là 1.2 tỷ
  • Lãi chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện cuối kỳ liên quan đến các khoản tiền tệ là 300 triệu

Yêu cầu: Xác định các khoản cần điều chỉnh tương ứng khi tính thuế TNDN 2018?

Đáp án

Theo quy định bên trên chúng ta vừa đề cập:

  • Khoản chênh lệch tỷ giá đã thực hiện trong kỳ 900 triệu: Không cần điều chỉnh
  • Khoản lỗ chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện cuối kỳ liên quan đến các khoản phải trả 1.2 tỷ: Không cần điều chỉnh
  • Lỗ chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện cuối kỳ liên quan đến các khoản phải thu là 1.4 tỷ: Là chi phí không được trừ khi tính thuế TNDN nên phải điều chỉnh giảm chi phí kế toán. Tương ứng là điều chỉnh tăng lợi nhuận kế toán trước thuế.
  • Lãi chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện cuối kỳ liên quan đến các khoản tiền tệ là 300 triệu: Là thu nhập không bị tính thuế TNDN nên phải điều chỉnh giảm doanh thu kế toán. Tương ứng là điều chỉnh giảm lợi nhuận kế toán trước thuế.

Tổng hợp lại, công ty sẽ cần điều chỉnh tăng lợi nhuận kế toán trước thuế: 1.4 tỷ – 300 triệu = 1.1 tỷ

5. Nhóm các chi phí khác

1 số loại chi phí thường gặp của nhóm này là:

  • Chi phí dịch vụ như thuê văn phòng, thuê cá nhân làm dịch vụ…không có hoá đơn chứng từ hợp lệ
  • Chi phí mua hàng hoá đồ dùng nhỏ cho văn phòng không có hoá đơn chứng từ hợp lệ
  • Các khoản dự phòng tổn thất tài sản hay nợ khó đòi không được trích lập theo quy định
  • Chi phí tài trợ không đúng các đối tượng quy định

Cùng xem tình huống sau:

Ví dụ

Năm 2018, H Co có lợi nhuận kế toán trước thuế là 80 tỷ. Kế toán công ty đang rà soát lại số liệu để làm quyết toán thuế và ghi chú các điểm sau:

(1) H Co thanh toán 600 triệu cho các chuyên gia tư vấn là các cá nhân hành nghề. Không có hoá đơn thuế. Tuy nhiên H Co đã làm bảng kê Danh sách HHDV mua vào theo quy định. Trong đó: 60% để chi trả cho các cá nhân có doanh thu trên 100 triệu trong năm 2018. Biết rằng tất cả các khoản thanh toán được thực hiện bằng tiền mặt

(2) Chi phí 160 triệu phát sinh khi thương thảo với nhà đầu tư và phát hành thêm cổ phiếu.

(3) Tặng học bổng 140 triệu cho các trường công trong nước. Và 80 triệu cho quỹ giáo dục tư nhân (không có giấy phép) của nhà đầu tư của H Co.

Yêu cầu: Xác định lợi nhuận chịu thuế TNDN năm 2018 của H Co? Giả sử không phát sinh các vấn đề khác cần điều chỉnh.

Đáp án

Chỉ tiêuChi phí được trừ khi tính thuế TNDNChi phí ghi nhận trên BCTCĐiều chỉnh cần thực hiện khi tính CITLý do
(1) Thanh toán cho cá nhân240600360Theo quy định tại Điều 4, Thông tư 96/2015/TT-BTC: Khi mua HHDV của cá nhân, hộ kinh doanh có mức doanh thu dưới ngưỡng doanh thu chịu thuế GTGT (100 triệu đồng/năm) thì công ty được phép lập Bảng kê thu mua HHDV mua vào theo quy định để kèm với chứng từ thanh toán để làm chứng từ hợp lý cho khoản chi. Như vậy, phần thanh toán cho các cá nhân có doanh thu trên 100 triệu/năm không có hoá đơn sẽ không được khấu trừ. Do đó, cần điều chỉnh giảm chi phí hay tăng lợi nhuận kế toán trước thuế
(2) Chi phí phát hành cổ phiếu0160160Theo quy định tại Điều 4, Thông tư 96/2015: Khoản chi liên quan trực tiếp đến việc phát hành cổ phiếu (trừ cổ phiếu thuộc loại nợ phải trả) và cổ tức của cổ phiếu (trừ cổ tức của cổ phiếu thuộc loại nợ phải trả), mua bán cổ phiếu quỹ và các khoản chi khác liên quan trực tiếp đến việc tăng, giảm vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp sẽ không được coi là chi phí hợp lý khi tính thuế TNDN. Do vậy, cần điều chỉnh giảm chi phí hay tăng lợi nhuận kế toán để tính ra Thu nhập chịu thuế.
(3) Chi phí tài trợ14022080Theo quy định tại Điều 4, Thông tư 96/2015: Các khoản tài trợ cho các trường học thành lập theo quy định nhà nước như học bổng cho học sinh… sẽ là chi phí được trừ khi tính thuế TNDN. Còn các khoản chi tài trợ khác không đúng đối tượng thì không được trừ. Do vậy, cần điều chỉnh giảm chi phí hay tăng lợi nhuận kế toán để tính ra Thu nhập chịu thuế.
Tổng cộng600

Tổng hợp lại, công ty sẽ cần điều chỉnh tăng lợi nhuận kế toán trước thuế: 600 triệu

Thu nhập chịu thuế = 80 tỷ + 600 triệu = 80.6 tỷ

Vậy là xong 1 dạng bài nữa của chủ đề CIT. Hy vọng các bạn đã nắm được Chi phí được khấu trừ hay Chi phí hợp lý là gì? Và biết cách xác định các khoản chi phí không được trừ khi tính thuế TNDN.

Published inF6 Taxation

Comments are closed.