Sau khi đã biết Thuế nhà thầu là gì cũng như Đối tượng chịu thuế nhà thầu, chúng ta hãy đi tìm hiểu nội dung quan trọng còn lại của chủ đề này. Đó là: Cách tính Thuế nhà thầu nước ngoài & Hình thức kê khai, khấu trừ thuế tương ứng.
Có thể bạn quan tâm: FCT hay Withholding tax là gì? 3 nội dung cơ bản cần biết về FCT?
Phần 1. Giới thiệu chung về 3 cách tính thuế nhà thầu nước ngoài & hình thức kê khai, khấu trừ
Tuỳ vào “tình trạng” của Nhà thầu nước ngoài mà sẽ có cách kê khai tính thuế khác nhau. Các bạn hiểu đơn giản là: Thuế nhà thầu gồm Thuế GTGT & Thuế TNDN. Do vậy, cách tính thuế nhà thầu nước ngoài sẽ là sự kết hợp giữa các cách kê khai tính thuế GTGT và các cách kê khai tính thuế TNDN.
Lúc trước chúng ta học về Thuế Giá trị gia tăng, có 2 cách kê khai tính thuế:
- Tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ
- Tính thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp
Còn Thuế thu nhập doanh nghiệp cũng có 2 cách kê khai:
- Tính thuế TNDN theo phương pháp khấu trừ (kê khai Doanh thu & Chi phí được trừ tương ứng)
- Tính thuế TNDN theo phương pháp trực tiếp (tính thuế theo Tỷ lệ % trên doanh thu)
Kết hợp các cách kê khai tính thuế này chúng ta sẽ ra được 3 cách kê khai tính thuế nhà thầu:
[1] Cách tính thuế nhà thầu nước ngoài theo “Phương pháp kê khai”
“Nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ” & “Nộp thuế TNDN theo phương pháp khấu trừ”
Áp dụng cho các nhà thầu thoả mãn cả 3 điều kiện sau:
- Có cơ sở thường trú tại Việt Nam, hoặc là đối tượng cư trú tại Việt Nam;
- Thời hạn kinh doanh tại Việt Nam theo hợp đồng nhà thầu, hợp đồng nhà thầu phụ từ 183 ngày trở lên kể từ ngày hợp đồng nhà thầu, hợp đồng nhà thầu phụ có hiệu lực;
- Áp dụng chế độ kế toán Việt Nam và thực hiện đăng ký thuế, được cơ quan thuế cấp mã số thuế.
Các bạn có thể thấy rằng nhà thầu nào mà đáp ứng điều kiện này thì cũng chẳng khác gì mấy so với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam rồi đúng không?
Chính vì vậy nên những nhà thầu này sẽ áp dụng kê khai & nộp thuế GTGT & thuế TNDN giống hệt các doanh nghiệp tại Việt Nam. Tức là áp dụng theo quy định tại văn bản thuế GTGT & thuế TNDN thay vì là hướng dẫn tại văn bản thuế nhà thầu này.
Trong phạm vi F6, mục đích là để tìm hiểu bản chất của thuế nhà thầu nên sẽ không thường gặp trường hợp này nhé.
[2] Cách tính thuế nhà thầu nước ngoài theo “Phương pháp trực tiếp”
“Nộp thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp” và “Nộp thuế TNDN theo phương pháp trực tiếp “
Áp dụng cho các Nhà thầu nước ngoài không đáp ứng được 1 trong 3 điều kiện bên trên.
Trường hợp này, bên Việt Nam sẽ phải thực hiện khấu trừ và nộp thay thuế cho nhà thầu nước ngoài nhé theo quy định tại Thuế Nhà thầu. Đây chính là lý do tại sao thuế nhà thầu còn được gọi là WHT – Withholding tax.
Số thuế GTGT phải nộp = Doanh thu tính thuế Giá trị gia tăng * Tỷ lệ % để tính thuế GTGT trên doanh thu
Trong đó:
Doanh thu tính thuế GTGT là toàn bộ doanh thu do cung cấp dịch vụ, dịch vụ gắn với hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế GTGT mà Nhà thầu nước ngoài nhận được. Chưa trừ các khoản thuế phải nộp. Kể cả các khoản chi phí do Bên Việt Nam trả thay Nhà thầu nước ngoài (nếu có).
Tỷ lệ % để tính thuế GTGT trên doanh thu sẽ tuỳ thuộc vào từng loại dịch vụ hoặc dịch vụ kèm hàng hoá. Các bạn cũng không cần học thuộc vì đề thi luôn quy định rõ ràng.
Số thuế TNDN phải nộp = Doanh thu tính thuế TNDN * Tỷ lệ thuế TNDN tính trên doanh thu tính thuế
Trong đó:
Doanh thu tính thuế TNDN là toàn bộ doanh thu không bao gồm thuế GTGT mà Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài nhận được, chưa trừ các khoản thuế phải nộp. Bao gồm cả các khoản chi phí do Bên Việt Nam trả thay Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài (nếu có).
Tỷ lệ % để tính thuế TNDN trên doanh thu sẽ tuỳ thuộc vào từng ngành kinh doanh. Các bạn cũng không cần học thuộc vì đề thi luôn quy định rõ ràng.
Lưu ý: Khi giá trị hợp đồng không bao gồm thuế (Hợp đồng “Net”): Doanh thu tính thuế GTGT & tính thuế TNDN phải được quy đổi thành doanh thu đã có thuế. Công thức quy đổi:
Doanh thu tính thuế TNDN = Doanh thu chưa bao gồm thuế TNDN / (1 – Tỷ lệ % để tính thuế TNDN trên doanh thu)
Doanh thu tính thuế GTGT = Doanh thu chưa bao gồm thuế GTGT (nhưng đã có thuế TNDN) / (1 – Tỷ lệ % để tính thuế GTGT trên doanh thu)
Các bạn lưu ý gross-up theo đúng thứ tự: CIT trước, VAT sau.
[3] Cách tính thuế nhà thầu nước ngoài theo “Phương pháp hỗn hợp”
“Nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ” & “Nộp thuế TNDN theo phương pháp trực tiếp “
Áp dụng cho Nhà thầu nước ngoài đáp ứng được 2 điều kiện đầu tiên bên trên. Và hạch toán kế toán theo quy định của pháp luật về kế toán tại VN thì được phép đăng ký với cơ quan thuế để áp dụng phương pháp này.
Trường hợp này, Nhà thầu nước ngoài thực hiện: Nộp thuế GTGT theo hướng dẫn tại văn bản về Thuế GTGT. Và nộp thuế TNDN theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu theo quy định tại Thuế Nhà thầu.
Tổng kết lại:
Nhà thầu nước ngoài phải kê khai nộp thuế nhà thầu theo phương pháp trực tiếp sẽ là phổ biến nhất cả trong thực tế lẫn đề thi. Do vậy, chúng ta sẽ chỉ cần tìm hiểu cách “Tính thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp” & “Tính thuế TNDN theo phương pháp trực tiếp”.
(Cũng vì cách tính thuế theo phương pháp khấu trừ thì đã được học ở Văn bản về Thuế GTGT & thuế TNDN rồi)
Phần 2. 4 bước xử lý bài tập tính thuế nhà thầu nước ngoài
Trước khi đi vào từng tình huống cụ thể, mình nhắc lại 1 chút quy trình làm bài:
Bước 1. Xác định nghĩa vụ FCT có phát sinh không? đối tượng chịu thuế là ai? nộp thuế là ai?
Bước 2. Xác định các thành phần thuế nhà thầu phải chịu (VAT,CIT hay cả hai) & Thuế suất tương ứng
Trường hợp khi giá trị hàng hoá được tách biệt với giá trị dịch vụ đi kèm thì hàng hoá chỉ cần chịu CIT do đã nộp thuế GTGT ở khâu nhập khẩu.
Tuỳ vào từng loại hàng hoá, dịch vụ để lựa chọn thuế suất tương ứng. Trường hợp không tách riêng giá trị hàng hoá dịch vụ thì phải áp dụng theo mức thuế suất cao nhất cho toàn bộ hợp đồng.
Riêng đối với hoạt động xây dựng, lắp đặt có bao thầu nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị đi kèm công trình xây dựng hoặc hợp đồng cung cấp máy móc thiết bị có kèm theo các dịch vụ thực hiện tại Việt Nam:
- Tỷ lệ % thuế TNDN tính trên doanh thu tính thuế là 2% & Tỷ lệ % để tính thuế GTGT trên doanh thu là 3% tính trên toàn bộ giá trị hợp đồng nếu nhà thầu nước ngoài tự thực hiện.
- Trường hợp Nhà thầu nước ngoài ký hợp đồng với các Nhà thầu phụ để giao lại toàn bộ các phần giá trị công việc hoặc hạng mục có bao thầu nguyên vật liệu hoặc máy móc, thiết bị, Nhà thầu nước ngoài chỉ thực hiện phần giá trị dịch vụ còn lại theo hợp đồng nhà thầu thì Tỷ lệ % thuế TNDN & Tỷ lệ % tính thuế GTGT trên doanh thu tính thuế TNDN áp dụng là 5%.
Bước 3. Xác định các điều khoản hợp đồng
(1) Hợp đồng là “Net/Gross”: Khi hợp đồng là “Không bao gồm thuế – Net”, chúng ta phải gross-up giá trị giao dịch thành “Đã bao gồm thuế – Gross”. Và lưu ý: Giá trị tính thuế TNDN là giá đã bao gồm thuế TNDN nhưng chưa bao gồm thuế GTGT. Còn Giá trị tính thuế GTGT là giá đã bao gồm tất cả các loại thuế. Tức là đã bao gồm thuế TNDN. Do vậy: Chúng ta sẽ phải gross-up cho thuế TNDN trước thuế GTGT.
(2) Hợp đồng có sử dụng nhà cung cấp tại Việt Nam để cung cấp vật tư nguyên vật liệu, máy móc thiết bị để thực hiện hợp đồng nhà thầu không?
Trường hợp Nhà thầu nước ngoài ký hợp đồng với các nhà cung cấp tại Việt Nam để mua vật tư nguyên vật liệu, máy móc thiết bị, hàng hoá, dịch vụ… thì giá trị hàng hóa, dịch vụ này không được trừ khi xác định doanh thu tính thuế GTGT & TNDN của Nhà thầu nước ngoài.
(3) Hợp đồng có sử dụng nhà thầu phụ Việt Nam hoặc nước ngoài để thực hiện 1 phần công việc của hợp đồng thầu: Doanh thu tính thuế của Nhà thầu nước ngoài không bao gồm giá trị công việc do Nhà thầu phụ Việt Nam hoặc Nhà thầu phụ nước ngoài thực hiện.
Trường hợp 1. Trường hợp Nhà thầu phụ nước ngoài thực hiện nộp thuế theo phương pháp trực tiếp: Bên Việt Nam khai nộp thuế GTGT thay cho Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài. Nhà thầu phụ nước ngoài không phải khai nộp thuế.
Trường hợp 2. Trường hợp Nhà thầu phụ là Nhà thầu phụ Việt Nam hoặc Nhà thầu phụ nước ngoài thực hiện nộp thuế theo phương pháp kê khai hoặc phương pháp hỗn hợp: Danh sách các Nhà thầu phụ Việt Nam, Nhà thầu phụ nước ngoài thực hiện phần công việc phải được liệt kê kèm theo Hợp đồng nhà thầu.
(4) Doanh thu tính thuế (VAT & CIT) đối với trường hợp cho thuê máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải là toàn bộ tiền cho thuê. Trường hợp doanh thu cho thuê gồm các chi phí do bên cho thuê trực tiếp chi trả như bảo hiểm phương tiện, bảo dưỡng, chứng nhận đăng kiểm, người điều khiển phương tiện, máy móc và chi phí vận chuyển máy móc thiết bị từ nước ngoài đến Việt Nam thì doanh thu tính thuế GTGT & TNDN không bao gồm các khoản chi phí này nếu có chứng từ thực tế chứng minh.
(5) Đối với dịch vụ giao nhận, kho vận quốc tế từ Việt Nam đi nước ngoài, doanh thu tính thuế là toàn bộ doanh thu Nhà thầu nước ngoài nhận được. Không bao gồm cước vận chuyển quốc tế phải trả cho hãng vận chuyển.
(6) Đối với dịch vụ chuyển phát quốc tế từ Việt Nam đi nước ngoài, doanh thu tính thuế là toàn bộ doanh thu Nhà thầu nước ngoài nhận được.
(7) Doanh thu tính thuế TNDN của hãng vận tải biển nước ngoài là toàn bộ tiền cước thu được từ hoạt động vận chuyển hành khách, vận chuyển hàng hóa và các khoản phụ thu khác mà hãng vận tải biển được hưởng từ cảng xếp hàng của Việt Nam đến cảng cuối cùng bốc dỡ hàng hóa đó. Bao gồm cả tiền cước của các lô hàng phải chuyển tải qua các cảng trung gian và/hoặc tiền cước thu được do vận chuyển hàng hóa giữa các cảng Việt Nam.
Bước 4. Tính ra nghĩa vụ FCT phải nộp
Sau khi đã xác định được các thông tin trên, chúng ta lần lượt tính nghĩa vụ CIT và VAT cho từng thành phần của hợp đồng. Rồi cộng lại là ra số FCT phát sinh. Lưu ý là có những trường hợp đề bài chỉ yêu cầu tính CIT hoặc VAT. Hoặc khi hàng hoá, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu VAT nhé.
Phần 3. Cách tính thuế nhà thầu nước ngoài cho 5 tình huống cơ bản
Tình huống 1. Cách tính thuế nhà thầu với chi phí lãi vay
1.1.2018: V Co (Việt Nam) vay 1 khoản vay trị giá $1m từ công ty mẹ BV Co ở Mỹ. Lãi suất 5%/năm trả vào cuối mỗi năm. Giá trị hợp đồng chưa bao gồm bất cứ 1 khoản thuế nào ở Việt Nam. Và theo quy định tại hợp đồng, V Co sẽ phải chịu toàn bộ chi phí thuế nhà thầu phát sinh ở Việt Nam. Công ty mẹ ở Mỹ không có cơ sở thường trú hay bất cứ hoạt động nào ở Việt Nam.
Yêu cầu:
(i) Công ty nào có trách nhiệm kê khai & nộp thuế nhà thầu phát sinh ở Việt Nam?
(ii) Xác định nghĩa vụ FCT ($) phát sinh năm 2018 từ hợp đồng?
Đáp án
Bước 1. Xác định giao dịch có phát sinh FCT không?
BV Co cho V Co vay & nhận được tiền lãi vay vào 31.12.2018 là $1m * 5% = $50,000. Như vậy, BV Co đã có thu nhập phát sinh từ dịch vụ ở Việt Nam. Do vậy, BV Co sẽ là đối tượng chịu FCT.
BV Co không có cơ sở thường trú ở Việt Nam cũng như không có hoạt động gì khác ở Việt Nam. Do vậy, BV Co sẽ thuộc trường hợp áp dụng nộp thuế nhà thầu theo phương pháp trực tiếp. Nghĩa là kê khai VAT theo phương pháp trực tiếp & CIT theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu. Theo đó: V Co sẽ có nghĩa vụ khấu trừ và nộp thuế nhà thầu thay cho BV Co.
Bước 2. Xác định các thành phần thuế nhà thầu phải nộp
Chúng ta biết FCT gồm 2 phần VAT & CIT. Nhưng với hoạt động cho vay, là hoạt động tài chính và thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT theo quy định tại văn bản về thuế GTGT. Do vậy, giao dịch này chỉ phát sinh thuế TNDN (FCT).
Tỷ lệ (%) thuế TNDN tính trên doanh thu tính thuế là: 5%.
Bước 3. Xác định các điều khoản hợp đồng
Giá trị hợp đồng (chi phí lãi vay) chưa bao gồm thuế ở Việt Nam. Và theo quy định tại hợp đồng, V Co phải chịu toàn bộ thuế nhà thầu phát sinh. Như vậy, đây là Hợp đồng “Net” cả VAT & CIT. Do vậy, khi xác định doanh thu tính thuế chúng ta sẽ phải grossup lên.
Hợp đồng vay nên không phát sinh thầu phụ hay chi phí mua hàng hoá, dịch vụ ở Việt Nam. Chúng ta không cần quan tâm.
Bước 4. Xác định nghĩa vụ FCT
Thu nhập chịu thuế TNDN = $50,000/(1-5%) = $52,632
Thuế TNDN phải nộp = $52,632 * 5% = $2,632
Thuế GTGT phải nộp = 0
Tổng nghĩa vụ FCT cần kê khai trong năm 2018: $2,632.
Lưu ý: Thuế nhà thầu phát sinh tại thời điểm công ty Việt Nam thanh toán cho nhà thầu nước ngoài nhé. Còn mới cung cấp dịch vụ mà chưa thu tiền thì chả sao cả nhé.
Tình huống 2. Cách tính thuế nhà thầu cho hợp đồng mua máy móc thiết bị
S Co là nhà cung cấp quốc tế các thiết bị xử lý thực phẩm ở Singapore. S Co đang dự định ký hợp đồng cung cấp dây chuyền sản xuất thực phẩm với V Co (Việt Nam). Giá trị hợp đồng dự tính (sau khi trừ thuế nhà thầu ở Việt Nam) bao gồm:
- Giá trị máy móc: $25m
- Phí thiết kế dây chuyền: $2m
- Dịch vụ giám sát, lắp đặt & đào tạo tại Việt nam: $3m
S Co đang cân nhắc nên tách riêng giá trị hợp đồng theo từng hạng mục hay gộp chung giá trị là $30m. S Co cũng dự định thuê nhà thầu phụ Việt Nam phụ trách 1 phần máy móc thiết bị trị giá $5m. Sẽ quy định cụ thể về nhà thầu phụ trong Hợp đồng thầu với V Co. Theo hợp đồng dự thảo này, V Co sẽ phải chịu toàn bộ thuế nhà thầu liên quan đến hoạt động của S Co.
Yêu cầu:
(i) Xác định nghĩa vụ FCT nếu hợp đồng quy định riêng giá trị từng hạng mục
(ii) Xác định nghĩa vụ FCT liên quan đến hợp đồng nếu hợp đồng quy định giá trị gộp là $30m
Đáp án
Bước 1. Xác định nghĩa vụ FCT (Đối tượng chịu FCT, Đối tượng nộp FCT)
S Co là nhà thầu nước ngoài (Singapore) có hoạt động “bán hàng, cung cấp dịch vụ” & “thu tiền” cho V Co tại Việt Nam. Hàng hoá được cung cấp kèm dịch vụ tại Việt Nam. Do vậy, không cần biết điều khoản giao hàng là gì, S Co sẽ là đối tượng chịu thuế nhà thầu ở Việt Nam.
Đề bài không có thông tin về “tình trạng của S Co”. Do vậy, ta giả sử S Co không thoã mãn 1 trong các điều kiện. Dẫn đến, thuộc trường hợp nộp thuế nhà thầu theo phương pháp trực tiếp. V Co sẽ phải khấu trừ và nộp thuế thay cho S Co.
Bước 2. Xác định loại thuế phát sinh cho từng giao dịch (VAT,CIT hay cả hai)
Giao dịch bao gồm giá trị cả hàng hoá (máy móc, thiết bị) & dịch vụ (phí thiết kế, lắp đặt, đào tạo).
Về bản chất:
- Giá trị máy móc, thiết bị: Do đã nộp thuế GTGT khâu nhập khẩu nên chỉ phải chịu thuế TNDN (FCT). Tuy nhiên, nếu giá trị hợp đồng không tách riêng giá trị hàng hoá & dịch vụ thì thuế GTGT sẽ được tính cho toàn bộ giá trị hợp đồng.
- Giá trị dịch vụ: là đối tượng chịu thuế GTGT & thuế TNDN.
Nếu hợp đồng chia rõ giá trị cho từng hạng mục:
- Giá trị máy móc, thiết bị: Do đã nộp thuế GTGT khâu nhập khẩu nên chỉ phải chịu thuế TNDN (nếu hợp đồng tách riêng từng hạng mục. (VAT: 0% & CIT: 1%)
- Giá trị dịch vụ: là đối tượng chịu thuế GTGT & thuế TNDN theo thuế suất VAT 5% & CIT 5% nếu hợp đồng tách riêng từng hạng mục.
- Nếu giá trị hợp đồng không tách riêng giá trị hàng hoá & dịch vụ thì thuế GTGT& thuế TNDN sẽ được tính cho toàn bộ giá trị hợp đồng (VAT: 3% & CIT: 2%)
Bước 3. Xác định các điều khoản hợp đồng
Giá trị hợp đồng dự tính là sau khi trừ thuế nhà thầu ở Việt Nam. V Co sẽ phải chịu toàn bộ thuế nhà thầu liên quan đến hoạt động của S Co. Do vậy: Giá trị hợp đồng là “Net”. Tức là chưa bao gồm thuế. Do vậy, khi xác định Doanh thu chịu thuế GTGT & Thu nhập chịu thuế TNDN chúng ta sẽ phải Gross-up thành Giá trị đã bao gồm thuế.
Hợp đồng có bao gồm cả Nhà thầu phụ Việt Nam. Như vậy, Doanh thu tính thuế sẽ không bao gồm giá trị công việc do Nhà thầu phụ Việt Nam thực hiện ($5m)
Bước 4. Xác định nghĩa vụ FCT phát sinh
(i) Xác định nghĩa vụ FCT nếu hợp đồng quy định riêng giá trị từng hạng mục
Chỉ tiêu | Thuế TNDN | Thuế GTGT |
Hàng hoá | ||
Doanh thu chưa bao gồm thuế | ||
Doanh thu tính thuế (Đã gồm thuế) | (25,000 – 5,000)/(1 – 1%) = 20,202 | |
Thuế phải nộp | (20,202 * 1%) = 202 | 0 |
Dịch vụ | ||
Doanh thu chưa bao gồm thuế | ||
Doanh thu tính thuế (Đã gồm thuế) | (2,000 + 3,000)/(1 – 5%) = 5,263 | 5,263/(1 – 5%) = 5,540 |
Thuế phải nộp | (5,263 * 5%) = 263 | (5,540 * 5%) = 277 |
(ii) Xác định nghĩa vụ FCT liên quan đến hợp đồng của M Co nếu hợp đồng quy định giá trị gộp là $30m
Chỉ tiêu | Thuế TNDN | Thuế GTGT |
Doanh thu chưa bao gồm thuế | ||
Doanh thu tính thuế (Đã gồm thuế) | (30,000 – 5,000)/(1 – 2%) = 25,510 | 25,510/(1 – 3%) = 6,299 |
Thuế phải nộp | (25,510 * 2%) = 510 | (26,299 * 3%) = 789 |
Tình huống 3. Cách tính thuế nhà thầu cho Hợp đồng xây dựng
V Co là công ty có vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam. Công ty đang dự định ký hợp đồng với D Co (Đức) nhà thầu nước ngoài liên quan đến hợp đồng xây dựng nhà máy ở Việt Nam. Vo đã nhận được báo giá theo từng khoản mục như sau:
- Cung cấp máy móc thiết bị (nhập khẩu trọn gói): $6m
- Dịch vụ thiết kế: $1m
- Công việc xây dựng & lắp đặt: $1.5m
- Dịch vụ giám sát: $0.8m
- Dịch vụ kiểm tra, chạy thử: $0.3m
- Dịch vụ đào tạo ở nước ngoài: $0.6m
D Co không có cơ sở thường trú ở Việt Nam & không áp dụng theo quy định kế toán Việt Nam. D Co đang cân nhắc các lựa chọn sau cho việc thực hiện hợp đồng:
Phương án 1. Thuê các nhà thầu phụ Việt Nam để cung cấp toàn bộ các thiết bị, máy móc và dịch vụ xây dựng, lắp đặt. Nếu sử dụng phương án này, danh sách các nhà thầu phụ Việt Nam sẽ được quy định đầy đủ trong hợp đồng.
Phương án 2. Tự thực hiện toàn bộ công việc
V Co phải chịu mọi nghĩa vụ FCT ở Việt Nam phát sinh.
Yêu cầu:
(i) Tính nghĩa vụ FCT mà V Co phải nộp nếu D Co thuê các nhà thầu phụ theo phương án (1)
(ii) Tính nghĩa vụ FCT mà V Co phải nộp nếu D Co tự thực hiện theo phương án (2) khi: giá trị hợp đồng được gộp chung & khi tách riêng từng khoản mục
Đáp án
Bước 1. Xác định nghĩa vụ FCT (Đối tượng chịu FCT, Đối tượng nộp FCT)
Đây là hợp đồng thầu xây dựng bao gồm cả máy móc thiết bị và dịch vụ. Hàng hoá được cung cấp kèm dịch vụ tại Việt Nam. Do vậy, không cần biết điều khoản giao hàng là gì, D Co sẽ là đối tượng chịu thuế nhà thầu ở Việt Nam.
D Co không có cơ sở thường trú ở Việt Nam & không áp dụng theo quy định kế toán Việt Nam. Do vậy, thuộc đối tượng nộp thuế nhà thầu theo phương pháp trực tiếp. V Co sẽ phải khấu trừ và nộp thuế thay cho D Co.
Bước 2. Xác định loại thuế phát sinh cho từng giao dịch (VAT,CIT hay cả hai)
Giao dịch bao gồm giá trị cả hàng hoá (máy móc, thiết bị) & dịch vụ (phí thiết kế, xây dựng & lắp đặt, giám sát, kiểm tra, chạy thử & đào tạo).
Khi D Co thuê các nhà thầu phụ Việt nam để thực hiện cung cấp toàn bộ giá trị máy móc, thiết bị & dịch vụ xây dựng, lắp đặt:
Chỉ có các dịch vụ thiết kế, giám sát, kiểm tra, chạy thử là đối tượng phải chịu FCT. Dịch vụ đào tạo vì thực hiện tại nước ngoài nên sẽ thuộc diện không phải chịu FCT (CIT 5% và VAT 5%). Nhưng nếu giá trị tất cả các khoản mục trong hợp đồng được gộp chung thì dịch vụ đào tạo này sẽ vẫn phải chịu FCT như bình thường.
Khi D Co tự thực hiện toàn bộ hợp đồng:
- Giá trị máy móc, thiết bị: Do đã nộp thuế GTGT khâu nhập khẩu nên chỉ phải chịu thuế TNDN (nếu hợp đồng tách riêng từng hạng mục. (VAT: 0% & CIT: 1%)
- Giá trị xây dựng, lắp đặt: là đối tượng chịu thuế GTGT & thuế TNDN theo thuế suất VAT 3% & CIT 2% nếu hợp đồng tách riêng từng hạng mục.
- Giá trị dịch vụ: là đối tượng chịu thuế GTGT & thuế TNDN theo thuế suất VAT 5% & CIT 5% nếu hợp đồng tách riêng từng hạng mục.
- Nếu giá trị hợp đồng không tách riêng giá trị hàng hoá & dịch vụ thì thuế GTGT& thuế TNDN sẽ được tính cho toàn bộ giá trị hợp đồng (VAT: 3% & CIT: 2%)
Bước 3. Xác định các điều khoản hợp đồng
V Co sẽ phải chịu toàn bộ thuế nhà thầu liên quan đến hoạt động của D Co. Do vậy: Giá trị hợp đồng là “Net”. Tức là chưa bao gồm thuế. Do vậy, khi xác định Doanh thu chịu thuế GTGT & Thu nhập chịu thuế TNDN chúng ta sẽ phải Gross-up thành Giá trị đã bao gồm thuế.
Khi hợp đồng có bao gồm cả Nhà thầu phụ Việt Nam & danh sách các nhà thầu phụ này được quy định rõ trong hợp đồng thầu giữa V Co & D Co: Doanh thu tính thuế sẽ không bao gồm giá trị công việc do Nhà thầu phụ Việt Nam thực hiện ($6m).
Bước 4. Xác định nghĩa vụ FCT phát sinh
(i) Tính nghĩa vụ FCT mà V Co phải nộp nếu D Co thuê các nhà thầu phụ
Chỉ tiêu | Thuế TNDN | Thuế GTGT |
Doanh thu chưa bao gồm thuế | ||
Doanh thu tính thuế (Đã gồm thuế) | (1 + 0.8 + 0.3)/(1 – 5%) = 2.21 | 2.21/(1 – 5%) = 2.33 |
Thuế phải nộp | 2.21 * 5% = 0.11 | 2.33 * 5% = 0.12 |
(ii) Tính nghĩa vụ FCT mà V Co phải nộp nếu D Co tự thực hiện
Giá trị hợp đồng được gộp chung:
Chỉ tiêu | Thuế TNDN | Thuế GTGT |
Doanh thu chưa bao gồm thuế | ||
Doanh thu tính thuế (Đã gồm thuế) | (6 + 1 + 1·5 + 0·8 + 0·3 + 0·6)/(1 – 2%)= 10.41 | 10.41/(1 – 3%) =10·73 |
Thuế phải nộp | (10.41 * 2%) = 0.21 | (10.73 * 3%) = 0.32 |
Khi giá trị hợp đồng tách riêng từng khoản mục:
Chỉ tiêu | Thuế TNDN | Thuế GTGT |
Hàng hoá | ||
Doanh thu chưa bao gồm thuế | ||
Doanh thu tính thuế (Đã gồm thuế) | 6/(1 – 1%) = 6.06 | |
Thuế phải nộp | (6.06 * 1%) = 0.06 | 0 |
Xây dựng, lắp đặt | ||
Doanh thu chưa bao gồm thuế | ||
Doanh thu tính thuế (Đã gồm thuế) | 1.5/(1 – 2%) = 1.53 | 1.53/(1 – 3%) = 1.58 |
Thuế phải nộp | (1.53 * 2%)= 0·03 | (1.58 * 3%) = 0.05 |
Dịch vụ còn lại (như phần i) | 0.11 | 0.12 |
Tổng cộng | 0.20 | 0.17 |
4. Cách tính thuế nhà thầu nước ngoài cho hợp đồng dịch vụ
V Co (Việt Nam) có 2 giao dịch với các nhà thầu nước ngoài sau:
Giao dịch 1. T3.2018, V Co thuê 1 thiết bị chuyên dụng từ D Co cho giai đoạn từ 1.4 – 31.12.2018 với giá $0.9m (Net of all FCT). Chi phí thuê bao gồm các khoản chi phí sau (D Co đã thu thập chứng từ & gửi cho V Co):
- Chi phí $20,000 phí thương thảo ký hợp đồng
- Bảo hiểm thiết bị $24,000/năm
- Phí vận chuyển đến Việt Nam $30,000. Hoạt động của thiết bị này yêu cầu phải có kỹ năng chuyên biệt. Do đó: D Co cử chuyên gia đến Việt Nam vận hành thiết bị từ 1.4 – 30.9.2018. Chi phí thuê chuyên gia này là $10,000/tháng
Giao dịch 2. T11.2018, V Co ký hợp đồng làm đại lý vận chuyển ở Việt Nam cho P Co – 1 hãng tàu biển lớn ở Pháp. V Co chịu trách nhiệm nhận hàng hoá từ các khách hàng Việt Nam vận chuyển đi quốc tế. Bao gồm phát hành cả vận đơn (BL) và thu cước vận chuyển nhân danh P Co ở Việt Nam.
Vào T12.2018, P Co chấp nhận đơn đặt hàng từ M Co – là 1 khách hàng ở Việt Nam. Vận chuyển hàng từ Việt Nam tới Brazil với chi phí vận chuyển là $120,000 & phụ phí $40,000. Cả hai khoản này đều chịu thuế ở Việt Nam. Theo yêu cầu của P Co, V Co sẽ thuê tàu từ 1 công ty Việt Nam để vận chuyển hàng từ VN – Sing. Sau đó, hàng sẽ được chuyển từ Sing đi Brazil. Chi phí vận chuyển từ VN đi Sing là $30,000.
Yêu cầu: Tính nghĩa vụ thuế nhà thầu mà V Co cần kê khai trong tờ khai FCT 2018 cho từng giao dịch
Đáp án
(i) Giao dịch 1
Theo quy định: Trường hợp doanh thu cho thuê máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải bao gồm các chi phí liên quan trực tiếp đến việc cho thuê do bên cho thuê trực tiếp chi trả thì doanh thu tính thuế TNDN & thuế GTGT không bao gồm các khoản chi phí này nếu có chứng từ thực tế chứng minh.
Doanh thu cho thuê: $900,000
Các khoản chi được trừ:
- Phí thương thảo hợp đồng: 0
- Bảo hiểm: $24,000/12*9 = $18,000
- Phí vận chuyển: $30,000
- Chi phí chuyên gia: $10,000*6 = $60,000
Thu nhập chịu FCT: $792,000
Thu nhập đã bao gồm thuế TNDN: $792,000/(1 – 5%) = $833,684
Thuế TNDN (FCT) phát sinh: $833,684 * 5% = $41,684
Thu nhập tính thuế GTGT: $833,684 / (1 – 5%) = $877,562
Thuế GTGT (FCT) phát sinh: $877,562 * 5% = $43,878
Tổng FCT phát sinh: $41,684 + $43,878 = $85,562
(ii) Giao dịch 2.
Bước 2. Xác định loại thuế phát sinh cho từng giao dịch (VAT,CIT hay cả hai)
Dịch vụ vận tải quốc tế (từ cảng Việt Nam đi các cảng khác) là đối tượng chịu thuế GTGT 0%. Do vậy, giao dịch này chỉ phát sinh thuế TNDN (FCT). Tỷ lệ % thuế TNDN tính trên doanh thu tính thuế là: 2%
Doanh thu tính thuế TNDN của hãng vận tải biển nước ngoài là toàn bộ tiền cước thu được từ cảng xếp hàng của Việt Nam đến cảng cuối cùng bốc dỡ hàng hóa đó. Bao gồm cả tiền cước của các lô hàng phải chuyển tải qua các cảng trung gian và/hoặc tiền cước thu được do vận chuyển hàng hóa giữa các cảng Việt Nam. Tiền cước vận chuyển làm căn cứ tính thuế TNDN không bao gồm: Tiền cước đã tính thuế TNDN tại cảng Việt Nam đối với chủ tàu nước ngoài & Tiền cước trả cho doanh nghiệp vận tải Việt Nam do đã tham gia vận chuyển hàng từ cảng Việt Nam đến một cảng trung gian.
Theo quy định tại Thông tư 103/2014/TT-BTC
Bước 3. Xác định các điều khoản hợp đồng
Đề bài không đề cập thông tin xem giá trị hợp đồng đã bao gồm thuế chưa. Do vậy, ta giả sử rằng giá trị hợp đồng là “Gross”. Tức là đã bao gồm thuế. Do vậy, khi xác định Thu nhập chịu thuế TNDN chúng ta không phải Gross-up lên nữa. Trước khi thanh toán cho P Co, V Co sẽ phải khấu trừ đi phần tiền thuế này để nộp cho nhà nước.
Bước 4. Tính ra nghĩa vụ FCT
Tổng thu nhập từ vận chuyển: $120,000 + $40,000 = $160,000
Chi phí trả cho V Co đã tham gia vận chuyển hàng từ VN -> Sing: $30,000
Thu nhập chịu thuế TNDN: $130,000
Thuế nhà thầu (CIT) phải nộp: $2,600 = $130,000*2%
5. Cách tính thuế nhà thầu nước ngoài cho hoạt động chuyển nhượng vốn
1.1.2018, tín phiếu kho bạc Việt Nam có mệnh giá là VND100,000. Và tín phiếu thời hạn 6 tháng được phát hành theo giá VND89,000/trái phiếu. Sau khi phát hành, tín phiếu sẽ được đăng trên sàn chứng khoán HCM. T Co là quỹ đầu tư ở Singapore. T Co đã có các giao dịch sau từ 1.1 – 1.7.2018:
Ngày giao dịch | Buy/Sell | Số lượng | Giá |
2 January 2018 | Buy | 240,000 | 90,000 |
1 February 2018 | Buy | 200,000 | 91,000 |
15 March 2018 | Sell | 130,000 | 92,500 |
15 April 2018 | Buy | 160,000 | 93,000 |
15 May 2018 | Sell | 70,000 | 94,500 |
Yêu cầu: Tính Thuế nhà thầu T Co phải nộp trong 2018 từ: (i) Bán các tín phiếu được niêm yết & (ii) Đáo hạn các tín phiếu tại ngày đáo hạn
Đáp án
Lưu ý:
Tín phiếu kho bạc là hình thức huy động vốn ngắn hạn của nhà nước. Do vậy, bản chất chính là khoản cho vay lấy lãi. Tương tự như chứng chỉ tiền gửi hay trái phiếu.
Như vậy, hoạt động chuyển nhượng tín phiếu hay nắm giữ đến ngày đáo hạn cũng đều là hoạt động tài chính. Do vậy, thuộc đối tượng không phải kê khai nộp thuế GTGT. Do vậy chỉ phát sinh CIT (FCT) từ giao dịch này.
(i) Từ việc bán tín phiếu
Theo quy định, doanh thu tính thuế TNDN đối với chuyển nhượng chứng khoán được xác định như sau:
Đối với chuyển nhượng chứng khoán, chứng chỉ tiền gửi, doanh thu tính thuế thu nhập doanh nghiệp là tổng doanh thu bán chứng khoán, chứng chỉ tiền gửi tại thời điểm chuyển nhượng.
Mục b10 – Khoản 1 – Điều 13 – Thông tư 103/2014/TT-BTC
Doanh thu bán vào 15.3: 130,000 * 92,500 = 12,025
Doanh thu bán vào 15.5: 70,000 * 94,500 = 6,615
Doanh thu chịu thuế: 18,640
Thuế TNDN phải nộp: 0.1% * 18,640 = 19
(ii) Từ đáo hạn tín phiếu
Theo quy định, doanh thu tính thuế TNDN đối với tín phiếu kho bạc được xác định như sau:
Doanh thu tính thuế TNDN = (Mệnh giá tín phiếu kho bạc – Bình quân gia quyền giá mua số tín phiếu kho bạc mà nhà đầu tư nắm giữ vào ngày đáo hạn) * Số lượng tín phiếu kho bạc mà nhà đầu tư nắm giữ vào ngày đáo hạn
Mục b12 – Khoản 1 – Điều 13 – Thông tư 103/2014/TT-BTC
Bước 1. Xác định số lượng tín phiếu nắm giữ tại thời điểm đáo hạn
Tổng số tín phiếu mua: (240,0000 + 200,000 + 160,000) = 600,000
Tổng số đã bán: (130,000 + 70,000) = (200,000)
Số lượng nắm giữ tại ngày đáo hạn: 400,000
Bước 2. Xác định giá mua bình quân của các tín phiếu nắm giữ đến ngày đáo hạn theo FIFO
40,000 tín phiếu mua vào 2.Jan: 40,000 * 90,000 = 3,600,000
200,000 tín phiếu mua vào 1 February: 200,000 * 91,000 = 18,200
160,000 tín phiếu mua vào 15 April: 160,000 * 93,000 = 14,880
Bình quân gia quyền giá mua tín phiếu: 36,680/ 400,000 = 91,70
Bước 3. Xác định Doanh thu tính thuế TNDN
Doanh thu chịu thuế = (100,000 – 91,700) * 400,000 = 3,320
Thuế TNDN phải nộp: 3,320 * 5% = 166
Các bạn lưu ý là nếu đề bài yêu cầu tính FCT bằng VND nhưng cho giá trị giao dịch là ngoại tệ. Chúng ta sẽ phải quy đổi thu nhập từ ngoại tệ sang VNĐ theo tỷ giá tính thuế nhà thầu.
Vậy là xong chủ đề về FCT. Hy vọng đã giúp các bạn hiểu rõ hơn về cách tính Thuế nhà thầu cho các tình huống thường gặp trong cả đề thi và thực tế này. Các bạn có thể tham khảo thêm Video bài giảng nha: