[CPA – Pháp luật] Chủ đề “Luật lao động” | Tiền lương và thời gian làm việc

Tiếp theo nội dung về Hợp đồng lao động, trong bài viết này Ad sẽ giải thích về 2 nội dung: Tiền lương và Thời gian làm việc. Sở dĩ Ad nhóm 2 nội dung này vì thời gian làm việc chính là cơ sở để tính ra tiền lương phải trả hàng tháng cho người lao động mà. Bài viết sẽ đi làm rõ các vấn đề: Tiền lương là gì? Các quy định về tiền lương ngày lễ tết? Quy định về thời gian làm việc? Quy định về các ngày nghỉ được hưởng lương và không được hưởng lương của công ty.

Sau đây chúng ta hãy lần lượt đi tìm hiểu từng nội dung này nhé.

XEM VIDEO 2 & VIDEO 3

Phần 1. Tiền lương là gì? Các quy định về tiền lương ngày lễ tết?

1. Tiền lương là gì?

Định nghĩa: 

Tiền lương là khoản tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động để thực hiện công việc theo thỏa thuận. Tiền lương bao gồm:

  • Mức lương theo công việc hoặc chức danh;
  • Phụ cấp lương;
  • Và các khoản bổ sung khác.

Ngoài định nghĩa này, chúng ta sẽ cần phải lưu ý các điểm sau:

(1) Mức lương của người lao động không được thấp hơn mức lương tối thiểu do Chính phủ quy định.

Tiền lương tối thiểu: Lương tối thiểu là mức lương trả công cho NLĐ làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện LĐ bình thường.

Mức lương tối thiểu là mức thấp nhất trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất, trong điều kiện lao động bình thường. Và phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ. 

Mức lương tối thiểu chung được dùng làm căn cứ:

  • Tính các mức lương trong hệ thống thang lương, bảng lương, mức phụ cấp lương trong khu vực Nhà nước;
  • Tính các mức lương ghi trong HĐLĐ đối với các DN xây dựng thang lương, bảng lương theo quy định của PL lao động;
  • Và thực hiện một số chế độ khác cho NLĐ theo quy định của pháp luật.

(2) Do hai bên thoả thuận trong HĐLĐ và được trả theo năng suất lao động, chất lượng c/việc. 

(3) Người SDLĐ phải bảo đảm trả lương bình đẳng; không phân biệt giới tính đối với Người lao động làm công việc có giá trị như nhau.

2. Hình thức và nguyên tắc trả lương

Hình thức trả lương

Người sử dụng lao động có quyền lựa chọn hình thức trả lương theo thời gian, sản phẩm hoặc khoán. Hình thức trả lương đã chọn phải được duy trì trong một thời gian nhất định;

Trường hợp thay đổi hình thức trả lương: Người sử dụng lao động phải thông báo cho người lao động biết trước ít nhất 10 ngày.

Lương được trả bằng tiền mặt hoặc trả qua tài khoản ngân hàng cá nhân của người lao động. Trường hợp trả qua tài khoản ngân hàng, thì người sử dụng lao động phải thỏa thuận với người lao động về các loại phí liên quan đến việc mở, duy trì tài khoản.

Lưu ý:

Trong Luật lao động không có điều khoản nào về việc doanh nghiệp có thể trả sản phẩm thay cho tiền. Tuy nhiên theo mình hiểu vì Luật cũng không có cấm. Nên thực tế chúng ta vẫn thấy những vụ doanh nghiệp trả lương, thưởng tết cho người lao động bằng bóng đèn, mỳ gói…

Kỳ hạn trả lương

  • Người lao động hưởng lương giờ, ngày, tuần thì được trả lương sau giờ, ngày, tuần làm việc. Hoặc được trả gộp do hai bên thoả thuận, nhưng ít nhất 15 ngày phải được trả gộp một lần.
  • Người lao động hưởng lương tháng được trả lương tháng một lần hoặc nửa tháng một lần.
  • Người lao động hưởng lương theo sản phẩm, theo khoán được trả lương theo thoả thuận của hai bên; Nếu công việc phải làm trong nhiều tháng thì hằng tháng được tạm ứng tiền lương theo khối lượng công việc đã làm trong tháng.

Nguyên tắc trả lương

  • Người lao động được trả lương trực tiếp, đầy đủ và đúng thời hạn.
  • Trường hợp đặc biệt không thể trả lương đúng thời hạn thì không được chậm quá 1 tháng. Và người sử dụng lao động phải trả thêm cho người lao động phần tiền lãi. Với lãi suất ít nhất phải bằng lãi suất huy động tiền gửi do Ngân hàng nhà nước công bố tại thời điểm trả lương.

3. Các quy định cần biết về tiền lương

Trả lương khi làm thêm giờ, làm đêm, làm vào ngày lễ tết

Người lao động làm thêm giờ được trả lương làm thêm giờ theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả của công việc đang làm. Cụ thể:

  • Ngày thường: ít nhất bằng 150% của tiền lương giờ của ngày làm việc bình thường;
  • Ngày nghỉ hàng tuần: ít nhất bằng 200% của tiền lương giờ của ngày làm việc bình thường;
  • Ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ có hưởng lương: ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, ngày nghỉ có hưởng lương đối với NLĐ hưởng lương ngày. Nếu Người lao động được nghỉ bù những giờ làm thêm, thì người sử dụng lao động chỉ phải trả phần tiền chênh lệch so với tiền lương giờ của ngày làm việc bình thường.
  • Người lao động làm việc vào ban đêm: thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương của công việc đang làm vào ban ngày.
  • Nếu làm thêm giờ vào ban đêm: thì người lao động còn được trả thêm 20% tiền lương theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày

Trong trường hợp phải ngừng việc, người lao động được trả lương như sau:

  • Do lỗi của người SDLĐ: thì NLĐ được trả đủ tiền lương; 
  • Do lỗi của NLĐ: người đó ko được trả lương
  • Sự cố khách quan: theo thoả thuận giữa 2 bên nhưng ít nhất phải bằng mức lương tối thiểu vùng

Phần 2. Quy định về thời gian làm việc và nghỉ ngơi

1. Quy định về thời gian làm việc

Thời gian làm việc tiêu chuẩn

Là độ dài thời gian mà NLĐ phải tiến hành LĐ theo quy định của pháp luật, theo thoả ước LĐ tập thể hoặc theo HĐLĐ.

  • Ngày làm việc bình thường: Thời giờ làm việc không quá 8 giờ/ngày hoặc 48 giờ/ tuần. Người sử dụng LĐ có quyền quy định thời giờ làm việc theo ngày hoặc tuần. Nhưng phải thông báo trước cho NLĐ biết.
  • Ngày làm việc rút ngắn: Thời giờ làm việc hàng ngày được rút ngắn từ 1 đến 2 giờ đối với những người làm các công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo danh mục nhà nước ban hành.

Thời gian làm việc không tiêu chuẩn

Ngày làm việc không có tiêu chuẩn là loại ngày làm việc được quy định cho một số đối tượng nhất định. Do tính chất của công việc mà họ phải thực hiện những nhiệm vụ lao động ngoài giờ làm việc bình thường. Tuy nhiên không được trả thêm lương.

  • Người lao động làm công việc có tính chất phục vụ; phải thường xuyên ăn, ở, làm việc trong phạm vi cơ quan, xí nghiệp
  • Người lao động làm công việc có tính chất thường xuyên đi sớm về muộn hơn người lao động khác.
  • Người lao động làm công việc không xác định trước được thời gian làm việc; hoặc có thể tự bố trí thời gian làm việc.

Thời giờ làm việc ban đêm

Thời giờ làm việc vào ban đêm được tính từ 22h – 6h được tính là làm ca đêm

Thời giờ làm thêm

NSDLĐ và NLĐ có thể thoả thuận làm thêm giờ. Nhưng không được quá 4 giờ trong một ngày, 200 giờ trong một năm. 1 số trường hợp đặc biệt thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ trong 1 năm.

Điều kiện sử dụng NLĐ làm thêm giờ:

  • Được sự đồng ý của người lao động
  • Sau mỗi đợt làm thêm giờ nhiều ngày liên tục trong tháng, người SDLĐ phải bố trí để NLĐ được nghỉ bù cho số thời gian đã không được nghỉ.

2. Quy định về các ngày nghỉ được hưởng lương và không được hưởng lương

Thời giờ nghỉ ngơi: là độ dài thời gian mà NLĐ được tự do sử dụng ngoài nghĩa vụ LĐ thực hiện trong thời giờ làm việc.

Quy định về các ngày nghỉ được hưởng lương và không được hưởng lương:

(1) Nghỉ giữa ca nghỉ trong ngày

  • NLĐ làm việc 8 giờ liên tục thì được nghỉ ít nhất nửa giờ, tính vào giờ làm việc.
  • Người làm ca đêm được nghỉ giữa ca ít nhất 45 phút, tính vào giờ làm việc. NLĐ làm việc theo ca được nghỉ ít nhất 12 giờ trước khi chuyển sang ca khác.

(2) Nghỉ hàng tuần

Mỗi tuần, người lao động được nghỉ ít nhất 24 giờ liên tục. Trong trường hợp đặc biệt do chu kỳ lao động không thể nghỉ hằng tuần, người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm cho người lao động được nghỉ tính bình quân 1 tháng ít nhất 4 ngày.

Người sử dụng lao động có quyền quyết định sắp xếp ngày nghỉ hằng tuần vào ngày chủ nhật hoặc một ngày cố định khác trong tuần nhưng phải ghi vào nội quy lao động.

(3) Nghỉ lễ – tết

Người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương những ngày lễ sau đây:

  • Tết dương lịch: 1 ngày (ngày 1 tháng 1 dương lịch).
  • Tết âm lịch: 5 ngày
  • Ngày Chiến thắng: một ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch).
  • Ngày Quốc tế lao động: một ngày (ngày 1 tháng 5 dương lịch).
  • Ngày Quốc khánh: một ngày (ngày 2 tháng 9 dương lịch).
  • Ngày giỗ tổ Hùng Vương( ngày 10 tháng 03 âm lịch)

Nếu những ngày nghỉ nói trên trùng vào ngày nghỉ hàng tuần thì NLĐ được nghỉ bù vào ngày tiếp theo.

(4) Nghỉ hàng năm

NLĐ có 12 tháng làm việc với một người sử dụng lao động thì được nghỉ hàng năm, hưởng nguyên lương theo quy định sau đây:

  • 12 ngày làm việc, đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường;
  • 14 ngày làm việc, đối với người làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm việc ở những nơi có điều kiện sinh sống khắc nghiệt và đối với người dưới 18 tuổi;
  • 16 ngày làm việc, đối với người làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; người làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm ở những nơi có điều kiện sinh sống khắc nghiệt.

Lưu ý

  • Cứ 5 năm làm việc cho một người sử dụng lao động thì số ngày nghỉ hằng năm của người lao động được tăng thêm tương ứng 1 ngày. Người lao động làm việc dưới 12 tháng thì thời gian nghỉ cũng được tính tương ứng với thời gian làm việc. Trường hợp không nghỉ thì được thanh toán bằng tiền.
  • Người sử dụng lao động có quyền quy định lịch nghỉ hằng năm sau khi tham khảo ý kiến của người lao động và phải thông báo trước cho người lao động.
  • Người lao động có thể thoả thuận với người sử dụng lao động để nghỉ hằng năm thành nhiều lần hoặc nghỉ gộp tối đa 3 năm một lần.
  • Khi nghỉ hằng năm, nếu người lao động đi bằng các phương tiện đường bộ, đường sắt, đường thủy mà số ngày đi đường cả đi và về trên 02 ngày thì từ ngày thứ 03 trở đi được tính thêm thời gian đi đường ngoài ngày nghỉ hằng năm và chỉ được tính cho 01 lần nghỉ trong năm.

(5) Nghỉ việc riêng

Người lao động được nghỉ về việc riêng mà vẫn hưởng nguyên lương trong những trường hợp sau đây:

  • Kết hôn, nghỉ ba ngày;
  • Con kết hôn, nghỉ một ngày;
  • Bố mẹ (cả bên chồng và bên vợ) chết, vợ hoặc chồng chết, con chết, nghỉ ba ngày.

Người lao động được nghỉ không hưởng lương 1 ngày. Và phải thông báo với người sử dụng lao động khi ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh, chị, em ruột chết; bố hoặc mẹ kết hôn; anh, chị, em ruột kết hôn.

(6) Nghỉ theo thoả thuận

Người lao động có thể thoả thuận với người sử dụng lao động để nghỉ không hưởng lương.

Phần 3. Bài tập về tiền lương & quy định về thời gian làm việc trong đề thi

TÌNH HUỐNG: ĐỀ THI 2016 – ĐỀ CHẴN – CÂU 5

Hai anh chị Mạnh Thắng và Hồng Hoa là nhân viên của công ty TNHH XYZ quyết định cưới vào dịp lễ X.

Người lao động được nghỉ 2 ngày, do ngày nghỉ lễ trùng vào ngày nghỉ hàng tuần nên người lao động được nghỉ thành 4 ngày.

Anh chị báo cáo tổ chức, làm thủ tục pháp lý và phong tục cưới truyền thống. Khi tổ chức đám cưới ỏ quê vừa xong thì ông ngoại của anh Mạnh thắng do bị cảm nên đã qua đời. Anh có điện thoại để báo với công đoàn và giám đốc công ty về việc xin nghỉ để lo hậu sự cho ông ngoại và được giám đốc đồng ý.

Sau khi lo tang ma xong, anh chị quay trở về cơ quan làm việc bình thường sau 10 ngày kể từ ngày nghỉ đầu tiên. Cuối tháng, 2 anh chị thấy số lương của mình bị trừ mất 1 ngày lương.

Anh Mạnh Thắng đã gửi đơn kiến nghị tới Giám đốc công ty TNHH XYZ và đòi phải nhận đầy đủ lương của mình như trong hợp đồng ký kết.

Yêu cầu: Anh chị hãy đưa ra căn cứ pháp luật giải quyết vụ việc trên?

Đáp án

NLĐ đã nghỉ phép có sự đồng ý của Công ty trong vòng 10 ngày. Và đã bị trừ 01 ngày lương. Các bạn nhìn hình tóm tắt sau đây:

quy-dinh-ve-thoi-gian-lam-viec-cua-cong-ty.001

Theo quy định tại Điều 115 – Nghỉ lễ tết: Người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết. Nếu những ngày nghỉ này trùng vào ngày nghỉ hằng tuần, thì được nghỉ bù vào ngày kế tiếp

Theo quy định tại Điều 116. Nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương:

  • NLĐ được nghỉ việc riêng mà vẫn hưởng nguyên lương trong trường hợp: kết hôn (3 ngày)
  • NLĐ được nghỉ không hưởng lương 01 ngày và phải thông báo với người sử dụng lao động khi ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh, chị, em ruột chết.

Như vậy, trường hợp của anh Mạnh Thắng và chị Hồng Hoa: 

  • Sẽ được nghỉ hưởng nguyên lương trong 9 ngày. Bao gồm: Nghỉ hàng tuần: 4 ngày + Nghỉ lễ: 2 ngày + Nghỉ việc riêng: 3 ngày (vì sau 2 ngày nghỉ lễ + 3 ngày nghỉ cưới lại đến nghỉ hàng tuần)
  • Sẽ nghỉ không hưởng lương cho 1 ngày lo đám ma cho ông ngoại.

Như vậy, việc công ty giải quyết vụ việc là có căn cứ pháp luật.

Vậy là xong. Hy vọng các bạn đã nắm được quy định về tiền lương cũng như quy định về các ngày nghỉ được hưởng lương và không được hưởng lương của công ty. Trong bài viết tiếp theo, Ad sẽ xử lý nốt 2 nội dung còn lại trong vòng đời của người lao động. Đó là: Xử lý kỷ luật và Chấm dứt hợp đồng. Các bạn theo dõi nha.

Viết một bình luận

You cannot copy content of this page