Vì trong tương lai gần Việt Nam sẽ bắt đầu hành trình áp dụng IFRS, hiện nay rất nhiều bạn đã chủ động tìm kiếm thông tin liên quan kiểu như IFRS là gì hay các chuẩn mực IFRS. Cá nhân Ad thấy đây là 1 điều rất đáng mừng. Và Ad quyết định sẽ chia sẻ 1 số kiến thức cơ bản về IFRS trong phạm vi hiểu biết của bản thân. Rất hy vọng sẽ giúp ích được cho nhiều bạn. Trong bài viết đầu tiên này Ad sẽ đi giải thích 3 vấn đề cơ bản về IFRS mà các bạn nên biết trước khi đi vào các chuẩn mực chi tiết.
Bao gồm:
- Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế IFRS là gì? Cơ quan, tổ chức nào ban hành IFRS?
- Danh sách các chuẩn mực IFRS/IAS hiện hành?
- Những điểm cần lưu ý khi bắt đầu tìm hiểu về IFRS?
1. Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế IFRS là gì? Cơ quan ban hành IFRS?
1.1. Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế IFRS là gì? Phân biệt thuật ngữ IAS & IFRS?
IFRS là viết tắt của International Financial Reporting Standards – tạm dịch là Hệ thống chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế.
Lúc trước hệ thống chuẩn mực này được gọi là IASs (International Accounting Standards) – tức là các chuẩn mực kế toán quốc tế. Nhưng từ năm 2003, được gọi là IFRS. Và từ đó các chuẩn mực mới ban hành sẽ được gọi là IFRS thay vì IAS. Còn các chuẩn mực IAS đã ban hành và vẫn đang có hiệu lực thì vẫn được sử dụng. Chính vì vậy, nên khi nhắc đến IFRS, thì sẽ bao gồm các chuẩn mực IFRS và các chuẩn mực IAS còn hiệu lực.
Hiện nay, IFRS được yêu cầu áp dụng tại hơn 140 vùng lãnh thổ và được chấp nhận tại nhiều nơi. Như Việt Nam mình thì cũng đang bắt đầu lộ trình yêu cầu áp dụng IFRS, song song với việc phát triển hệ thống chuẩn mực mới của riêng Việt Nam. Các bạn có thể tham khảo thêm về Lộ trình áp dụng IFRS tại Việt Nam nhé.
1.2. Cơ quan, tổ chức ban hành IFRS
Các chuẩn mực IFRS được phát triển và phê duyệt bởi IASB (International Accounting Standards Board – tạm dịch là “Hội đồng chuẩn mực kế toán quốc tế”) – và IASB được giám sát bởi tổ chức IFRS Foundation.
IFRS Foundation là một tổ chức phi lợi nhuận, hoạt động vì lợi ích cộng đồng. IFRS Foundation được thành lập để phát triển một bộ chuẩn mực kế toán chất lượng cao, dễ hiểu, có thể thực thi và được chấp nhận trên toàn cầu và để thúc đẩy, tạo điều kiện cho việc áp dụng các chuẩn mực này.
IFRS Foundation có cơ cấu quản trị ba cấp:
- Hội đồng các chuyên gia thiết lập chuẩn mực độc lập (IASB)
- Ủy viên trên khắp thế giới (“IFRS Foundation Trustees”) điều hành và giám sát hoạt động của IASB
- Các Uỷ viên thuộc IFRS Foundation Trustees lại phải chịu trách nhiệm giải trình tới Hội đồng giám sát (“IFRS Foundation Monitoring Board”)
Ngoài ra, còn có 1 Uỷ ban Cố vấn IFRS chuyên cung cấp lời khuyên và cố vấn cho các Ủy viên và Hội đồng.
Hiểu được cơ cấu hoạt động của tổ chức ban hành IFRS ta sẽ thấy được các điểm sau:
- Trong khi hệ thống chuẩn mực của Việt nam mình được ban hành bởi Bộ tài chính – là cơ quan nhà nước. Thì các chuẩn mực IFRS được ban hành bởi 1 tổ chức phi lợi nhuận, được giám sát chặt chẽ – chứ không phải bởi cơ quan chính phủ nào. Chính vì vậy nên có thể coi như nó tương đối “độc lập”, không bị ảnh hưởng bởi ý chí của chính phủ nước nào cả. Có lẽ đây cũng chính là 1 phần lý do IFRS được chấp nhận rộng rãi tại nhiều nước trên thế giới như vậy.
- Việc ban hành IFRS mặc dù rất chặt chẽ. Nhưng không có nghĩa là tuyệt đối đầy đủ, chính xác. Chưa kể là chính xác tại thời điểm này không có nghĩa là vẫn chính xác tại thời điểm khác. Chính vì vậy, các chuẩn mực IFRS sẽ thường được cập nhật, thay đổi để hoàn thiện và phù hợp với tình hình phát triển của thế giới. Chứ không phải như hệ thống chuẩn mực kế toán việt nam VAS nhà mình, ban hành đến 20 năm vẫn chạy đâu nhé.
2. Danh sách chuẩn mực hiện hành?
Tại thời điểm bài viết này thì đang có các chuẩn mực sau là đang còn hiệu lực áp dụng:
- IAS 1 Presentation of Financial Statements
- IAS 2 Inventories
- IAS 7 Statement of Cash Flows
- IAS 8 Accounting Policies, Changes in Accounting Estimates and Errors
- IAS 10 Events after the Reporting Period
- IAS 12 Income Taxes
- IAS 16 Property, Plant and Equipment
- IAS 19 Employee Benefits
- IAS 20 Accounting for Government Grants and Disclosure of Government Assistance Borrowing Costs
- IAS 21 The Effects of Changes in Foreign Exchange Rates
- IAS 23 Borrowing Costs
- IAS 24 Related Party Disclosures
- IAS 27 Separate Financial Statements
- IAS 28 Investments in Associates and joint
- IAS 29 Financial Reporting in Hyperinflationary Economies
- IAS 32 Financial Instruments: Presentation
- IAS 33 Earnings per Share
- IAS 34 Interim Financial Reporting
- IAS 36 Impairment of Assets
- IAS 37 Provisions, Contingent Liabilities and Contingent Assets Investment Property
- IAS 38 Intangible Assets
- IAS 39 Financial Instruments: Recognition and Measurement
- IAS 40 Investment Property
- IAS 41 Agriculture
- IFRS 1 First-time Adoption of International Financial Reporting Standards Business Combinations
- IFRS 2 Share-based payment
- IFRS 3 Business Combinations
- IFRS 5 Non-current Assets Held for Sale and Discontinued Operations
- IFRS 6 Exploration for and Evaluation of Mineral Resources
- IFRS 7 Financial Instruments: Disclosures
- IFRS 8 Operating segments
- IFRS 9 Financial Instruments
- IFRS 10 Consolidated Financial Statements
- IFRS 11 Joint Arrangements
- IFRS 12 Disclosure of Interests in Other Entities
- IFRS 13 Fair Value Measurement
- IFRs 14 Regulatory Deferral Accounts
- IFRS 15 Revenue from Contracts with Customers
- IFRS 16 Leases
- IFRS 17 Insurance Contracts
- IFRS for SMEs IFRS for Small and Medium-sized Entities
Các bạn sẽ thấy có nhiều chuẩn mực nghe khá xa lạ. Bản thân mình cũng chưa đọc hết tất cả các chuẩn mực này vì có nhiều chuẩn mực liên quan đến lĩnh vực riêng biệt mà mình không quan tâm. Ví dụ như mấy chuẩn mực về nông nghiệp hay hợp đồng bảo hiểm hay khoáng sản đó.
Chính vì vậy, mình cũng chỉ đặt mục tiêu là chia sẻ về các chuẩn mực thường gặp, nằm trong phạm vi hiểu biết của mình thôi. Đó là các chuẩn mực được bôi đậm bên trên nha.
3. Những điểm cần lưu ý khi bắt đầu tìm hiểu IFRS
Trước khi đi tìm hiểu về các chuẩn mực chi tiết, các bạn nên lưu ý 3 điểm sau nha:
3.1. Văn bản liên quan đến IFRS
Việc kế toán và lập Báo cáo tài chính không chỉ dựa vào các chuẩn mực được đề cập bên trên, mà chúng ta còn có 2 loại văn bản liên quan để chúng ta tham khảo nữa:
- Để hướng dẫn áp dụng 1 số vấn đề được quy định tại các chuẩn mực IFRS, sẽ có hệ thống các diễn giải chính thống gọi là IFRIC – được phát triển bởi IFRS Interpretations Committee. Ví dụ như IFRIC 19 diễn giải về cách phân biệt giữa nợ tài chính và công cụ vốn.
- Khung khái niệm cho báo cáo tài chính (“Conceptual Framework for Financial Reporting”) để hướng dẫn về những vấn đề mà chưa được quy định bởi các chuẩn mực IFRS. Ví dụ, trong khung khái niệm này bạn có thể tìm được khái niệm về 1 số nguyên tắc kế toán cơ bản. Hay định nghĩa về 5 yếu tố trên báo cáo tài chính như tài sản, nợ phải trả, vốn chủ sở hữu…
3.2. Sự liên hệ giữa IFRS và VAS
Chắc nhiều bạn đã biết rằng, hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam VAS hiện tại được xây dựng trên cơ sở dịch ra từ các chuẩn mực IFRS tương ứng tại thời điểm ban hành ~ 20 năm về trước. Tuy nhiên, do khác biệt về điều kiện, nhu cầu nên chúng ta cũng chỉ dịch 1 số chuẩn mực thôi, chứ không phải toàn bộ. Do vậy, nên nhiều chuẩn mực IFRS không có chuẩn mực kế toán việt nam tương ứng.
Và do chuẩn mực IFRS vẫn được cập nhật thường xuyên trong khi VAS thì 20 năm vẫn chạy tốt nên ngay cả khi có chuẩn mực tương đương giữa VAS – IFRS thì nội dung cũng có thể có nhiều khác biệt.
Ví dụ:
Chuẩn mực kế toán Việt Nam VAS 6 Thuê tài sản vì về cơ bản được xây dựng dựa trên IAS 17 Leases nên nội dung 2 chuẩn mực này sẽ gần như tương đương nhau. Chẳng hạn như cả 2 chuẩn mực này đều tiếp cận giao dịch thuê tài sản bằng cách phân chia theo 2 loại: Thuê tài chính và Thuê hoạt động. Tuy nhiên, hiện tại IAS 17 Leases đã được thay thế bởi IFRS 16 Leases. Và theo IFRS 16 Leases thì khi kế toán cho bên đi thuê, sẽ không phân biệt Thuê tài chính và Thuê hoạt động nữa. Trong khi đó, VAS 6 của chúng ta vẫn giữ nguyên không thay đổi. Do vậy, VAS 6 và IFRS 16 sẽ có sự khác biệt lớn.
3.3. Nguồn tra cứu IFRS đầy đủ và cập nhất nhất
Để đọc nội dung đầy đủ của các Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế IFRS, các bạn tìm kiếm trên Google sẽ có rất nhiều nguồn. Tuy nhiên, vì nội dung các chuẩn mực không cố định, mà sẽ được cập nhật và thay đổi theo thời gian. Chính vì vậy, mình khuyên các bạn chỉ nên tham khảo ở nguồn chính thống.
Cụ thể, các bạn đăng ký tài khoản miễn phí trên trang https://www.ifrs.org là đọc thoải mái nha. Đây là trang chính thức của IFRS Foundation nên thông tin sẽ đầy đủ, cập nhật và chính xác nhất.
Thì đó là 1 số vấn đề chúng ta nên biết trước khi bắt đầu. Trong các bài tiếp theo Ad sẽ bắt đầu đi chia sẻ về các chuẩn mực chi tiết. Mà đầu tiên đó là IAS 16 Property, Plant and Equipment – Nhà xưởng, máy móc và thiết bị. Các bạn theo dõi nha!
Em cảm ơn những chia sẻ của chị về IFRS. Em hy vọng sẽ có những bài viết về IFRS trong tương lai ạ. Thanks for your cozy heart
Cám ơn ad đã cung cấp kiến thức về tài chính, kế toán vô cùng hữu ích.
cảm ơn add đã chia sẻ kiến thức. Mong add chia sẻ kiến thức nhiều hơn ạ
Cho mình hỏi,
Đăng ký tài khoản bên ifrs.org web báo
“you need to log in first”
Trong khi mình đã đăng nhập rồi ấy,
Bạn có biết vì sao + cách khắc phục ko?
Add ơi, mình muốn tìm ngân hàng câu hỏi thi IFRS của ACCA thì có nguồn nào ko ah, để biết được kiểu ra đề thi với kiến thức tập trung vào phần nào ah
Cám ơn Add đã trả lời
Hi bạn, các thông tin, tài liệu, đề thi các năm trước của DipIFR thì bạn xem thẳng trên website của ACCA nhé: https://www.accaglobal.com/gb/en/student/exam-support-resources/dipifr-study-resources.html