IAS 37 Provisions, Contingent Liabilities & Contingent Assets là chuẩn mực quy định về tiêu chuẩn ghi nhận, cách xác định giá trị và thuyết minh trên BCTC của các khoản dự phòng, nợ tiềm tàng và tài sản tiềm tàng.
Trong bài viết này mình không tham vọng đi trình bày lại toàn bộ nội dung của chuẩn mực này. Thay vào đó, mình sẽ tập trung vào những vấn đề cốt lõi nhất.
Cụ thể, chúng ta sẽ đi làm rõ 5 vấn đề sau về chuẩn mực IAS 37:
- Thế nào là khoản dự phòng? Phân biệt khoản dự phòng với các khoản phải trả khác trên BCĐKT.
- Các tiêu chuẩn để ghi nhận 1 khoản dự phòng vào báo cáo tài chính.
- Cách xác định giá trị ghi nhận của khoản dự phòng
- số trường hợp đặc biệt về trích lập dự phòng
- Các khoản nợ phải trả tiềm tàng và tài sản tiềm tàng
Phần 1. Các khoản dự phòng
1. Khoản dự phòng là gì? | IAS 37 – P.10
Câu hỏi đầu tiên cần trả lời về chuẩn mực này chính là: Dự phòng là gì?
“Dự phòng là 1 khoản nợ phải trả chưa chắc chắn về thời gian hoặc giá trị”
Trong đó:
- Nợ phải trả lại được định nghĩa là 1 nghĩa vụ hiện tại phát sinh từ các sự kiện trong quá khứ, mà công ty dự tính sẽ phải chi ra các nguồn lực kinh tế để thực hiện việc thanh toán nghĩa vụ này .
- Nghĩa vụ thanh toán ở đây có thể là nghĩa vụ phát sinh do quy định trong hợp đồng, quy định của luật pháp hoặc là nghĩa vụ ngầm định phát sinh từ các chính sách hoạt động, các thông báo mà công ty đã ban hành rộng rãi mà vì thế đã tạo nên kỳ vọng về việc công ty sẽ thực hiện trách nhiệm của mình. Ví dụ như, công ty ban hành chính sách bảo hành sản phẩm. Thì dù hợp đồng không có quy định, công ty vẫn sẽ được coi là có nghĩa vụ thanh toán khi sản phẩm bị hư hại và thoả mãn điều kiện được bảo hành.
Với khái niệm này, ta sẽ phải lưu ý 1 điểm là: Khoản dự phòng là 1 khoản nợ phải trả nên cũng sẽ là nghĩa vụ hiện tại phát sinh từ các sự kiện trong quá khứ.
Nghĩa là, trong năm X2 khi lập BCTC năm X1 mà công ty có thông tin về nghĩa vụ thanh toán phát sinh từ 1 sự kiện trong năm X2 thì khi đó nghĩa vụ thanh toán này sẽ không được ghi nhận là 1 khoản nợ phải trả trên BCTC của năm X1.
Lưu ý
Tại nhiều nước, thuật ngữ “khoản dự phòng” được sử dụng để chỉ các khoản mục như khấu hao, sự suy giảm giá trị của tài sản (“impairment of assets”) hoặc các khoản nợ phải thu khó đòi. Theo IFRS, những khoản mục này là các điều chỉnh đến giá trị còn lại của tài sản, chứ bản chất không phải là “nợ phải trả” giống như khoản dự phòng. Do đó, không thuộc phạm vi điều chỉnh của chuẩn mực IAS 37.
Ví dụ như với các khoản phải thu khó đòi đi.
Theo IFRS, các khoản phải thu khó đòi sẽ bị coi là “bị suy giảm giá trị”. Sau đó, người ta sẽ đánh giá khả năng thu hồi và ghi nhận phần khó đòi vào tài khoản “Allowance for dobtful debts”. Khoản mục này sau đó sẽ được bù trừ với số dư tài khoản phải thu để trình bày trên BCĐKT.
Trong khi ở Việt Nam mình, thì ta vẫn gọi là “Dự phòng khoản phải thu khó đòi” . Tuy nhiên, khi trình bày trên BCTC thì khoản mục này lại không được trình bày ở phần “Nợ phải trả” mà lại được bù trừ với số dư của khoản mục Phải thu khách hàng. Như vậy có vẻ như quy định nhà mình đang không được nhất quán lắm nhỉ? Hy vọng khi hệ thống chuẩn mực mới ra đời, sẽ có sự thay đổi.
2. Phân biệt “Dự phòng” và các khoản phải trả khác | IAS 37 – P.11
Vậy khoản dự phòng có gì khác so với các khoản phải trả khác trên BS?
Cụ thể, trong khi Provision là nợ phải trả không chắc chắn về thời gian hoặc giá trị thì:
(1) Các khoản phải trả (“Trade payables”): là những khoản nợ phải trả mà người bán xuất hoá đơn cho công ty, hoặc công ty đã chấp thuận 1 cách chính thức với người bán. Tức là cả thời gian thanh toán và giá trị thanh toán đều đã chắc chắn
(2) Còn các khoản chi phí phải trả (“Accruals”): là những khoản nợ phải trả thanh toán cho hàng hoá, dịch vụ công ty đã nhận nhưng công ty chưa nhận được hoá đơn hay chấp thuận chính thức với người bán
Như vậy, sự khác biệt giữa các khoản dự phòng và các khoản chi phí phải trả sẽ phụ thuộc vào mức độ chắc chắn. Các khoản chi phí phải trả sẽ chắc chắn hơn so với các khoản dự phòng. Nghe có vẻ là ranh giới phân biệt rất mong manh đúng k ạ?
Mình thường phân biệt giữa 2 khoản mục này theo cách sau:
- Các khoản chi phí phải trả thì thường liên quan đến các khoản dịch vụ, hàng hoá đã nhận được nhưng chưa chắc chắn về số tiền hoặc thời gian thanh toán – do vậy doanh nghiệp cần ước tính để ghi nhận vào chi phí trong kỳ theo nguyên tắc phù hợp giữa doanh thu và chi phí.
- Còn các khoản dự phòng thì thường liên quan đến các khoản chi phí hay khoản lỗ sẽ phát sinh trong tương lai mà côgn ty cần ghi nhận theo nguyên tắc thận trọng
Hãy cùng xem ví dụ sau:
Tình huống 1.
Trong năm công ty mua 1 mỏ quặng sắt trị giá $6m. Thêm vào đó, khi toàn bộ quặng đã đươc khai thác (ước tính 10 năm), công ty sẽ phải phát sinh chi phí cho khu vực bị ảnh hưởng bởi việc khai thác, giá trị hiện tại của khoản chi phí ước tính này là $2m. Chi phí sẽ vẫn phải phát sinh ngay cả khi công ty không khai thác được thêm quặng nữa.
Hỏi: Khoản chi phí trong tương lai $2m sẽ được ghi nhận như nào trên BCTC theo quy định tại IAS 37?
Đáp án:
Khi học về IAS 16 ta đã biết rằng nguyên giá PPE sẽ bao gồm cả giá trị ước tính của các khoản chi phí như khôi phục hiện trạng mặt bằng… Do vậy, khi ghi nhận $2m, bút toán sẽ là:
DR PPE / CR Provisions: $2m.
Nhưng tại sao bên có của bút toán ghi nhận này lại là “Dự phòng”, mà không phải là trích trước “Chi phí phải trả”?
Như vừa rồi mình đã nói đó. Các khoản dự phòng thường liên quan đến các khoản chi phí, khoản lỗ phát sinh trong tương lai mà doanh nghiệp cần ghi nhận theo nguyên tắc thận trọng. Thì đó chính là trường hợp này. Khoản $2m chưa phát sinh mà là sẽ phát sinh trong tương lai và doanh nghiệp cần ghi nhận vào thời điểm hiện tại. Chính vì vậy $2m là khoản dự phòng chứ không phải khoản chi phí phải trả.
2. Điều kiện ghi nhận khoản dự phòng | IAS 37 – P.14 ~ P.35
Sau khi đã hiểu thế nào là khoản dự phòng, bây giờ chúng ta sẽ cần xem khi nào thì cần ghi nhận 1 khoản dự phòng?
Để 1 khoản dự phòng được ghi nhận vào sổ kế toán, cần phải thoả mãn đồng thời 3 tiêu chuẩn sau:
[1] Khoản dự phòng liên quan đến nghĩa vụ hiện tại phát sinh từ 1 sự kiện trong quá khứ của doanh nghiệp.
[2] “Tương đối chắc chắn” rằng doanh nghiệp sẽ phải chi ra các nguồn lực để thanh toán nghĩa vụ này. Thật ra từ tiếng anh ở đây là “probable”, mình thấy rất khó dịch sang từ tiếng việt. Thông thường 100% thì mới là chắc chắn. Khi khả năng phát sinh là trên 50% nhưng dưới 100% thì gọi là “Probable”. Từ 50% trở xuống là “Likely possible”. Theo quy định tại chuẩn mực VAS 18 của Việt nam thì dùng từ là “có thể xảy ra”.
[3] Nghĩa vụ này có thể ước tính 1 cách đáng tin cậy. Tức là phải có cơ sở để ước tính ra giá trị dự phòng cần ghi nhận, chứ không phải cứ thích ghi bao nhiêu thì ghi nha.
Chúng ta hãy cùng đi xem ví dụ sau về việc xác định giá trị của khoản dự phòng cần ghi nhận.
Tình huống 2.
Công ty đang bị kiện $2m bởi 1 khách hàng do phá vỡ hợp đồng liên quan đến 1 đơn hàng đã bị huỷ. Công ty đã thu thập ý kiến pháp lý rằng có 20% khả năng rằng công ty sẽ thua vụ kiện này. Theo đó, công ty sẽ lập dự phòng $0.4m liên quan đến yêu cầu bồi thường. Chi phí pháp lý để bào chữa không thu hồi được ước tính là $0.1m. Tuy nhiên chi phí này chưa được lập dự phòng do vụ kiện sẽ chưa ra toà cho đến năm sau.
Yêu cầu: Xác định giá trị khoản dự phòng công ty cần trích lập theo IAS 37?
Đáp án:
Ở đây ta thấy có 2 khoản chi phí phát sinh trong tương lai liên quan đến vụ kiện của công ty. Do vậy, ta sẽ cần xem xét tiêu chuẩn ghi nhận với từng khoản chi phí này.
Ta giả sử rằng việc đơn hàng bị huỷ làm phá vỡ hợp đồng dẫn đến việc công ty bị khách hàng kiện đã diễn ra trước thời điểm kết thúc kỳ kế toán. Thì như vậy tiền bồi thường khách hàng đòi và chi phí pháp lý để bào chữa có thể coi là nghĩa vụ nợ phát sinh từ sự kiện trong quá khứ. Tức là thoả mãn tiêu chuẩn 1.
Và vì cả 2 khoản chi phí này đều đã xác định được rõ ràng giá trị, nên thoả mãn tiêu chuẩn thứ 3.
Vấn đề còn lại là xem xét tiêu chuẩn thứ 2 – về việc khả năng công ty phải phát sinh nguồn lực để thực hiện nghĩa vụ.
- Yêu cầu bồi thường $2m của khách hàng: Ở đây khả năng thua kiện của công ty chỉ là 20% tức là dưới 50% => Không được cọi là “probable”. Và như vậy không thoả mãn tiêu chuẩn thứ 2 của việc ghi nhận khoản dự phòng.
- Khoản chi phí pháp lý để bào chữa ở toà $100,000: Khoản chi phí này chắc chắn sẽ phát sinh trong năm tới khi công ty phải ra toà. Do vậy, thoả mãn tiêu chuẩn để ghi nhận khoản dự phòng.
Như vậy, chốt lại thì giá trị khoản dự phòng cần ghi nhận sẽ là: $100,000
3. Cách xác định giá trị khoản dự phòng cần ghi nhận | IAS 37 – P.36 ~ P.52
Chúng ta sang vấn đề tiếp theo là: Khi 1 khoản dự phòng thoả mãn tiêu chuẩn để được ghi nhận vào sổ sách kế toán rồi, vậy thì ta sẽ ghi nhận theo giá trị nào?
Quy định chi tiết về điểm này tại IAS 37 sẽ khá dài nhưng điểm quan trọng nhất chúng ta cần ghi nhớ đó là:
Khoản dự phòng sẽ được ghi nhận theo ước tính phù hợp nhất về chi phí cần thiết để thanh toán nghĩa vụ của doanh nghiệp tại thời điểm cuối kỳ báo cáo.
Nghĩa là ta phải dựa trên tất cả các thông tin, dữ liệu có được tại thời điểm cuối kỳ báo cáo – thời điểm lập dự phòng để xác định giá trị cần ghi nhận 1 cách hợp lý nhất.
Ví dụ, nếu ước tính chi phí phát sinh trong tương lai là $1m thì ta cần phải quy đổi giá trị tương lai này về giá trị hiện tại – tại thời điểm lập BCTC để ghi nhận. Cùng đi xem ví dụ sau.
Tình huống 3.
1 công ty cung cấp bảo hành 1 năm cho toàn bộ sản phẩm của mình voứi tỷ lệ sản phẩm cần bảo hành là 12%. 5% trong số sản phẩm bảp hành cần được sửa chửa với chi phí $5/sp do công ty tự chịu. 95% sản phẩm còn lại sẽ là phế thải và công ty sẽ phải hoàn trả cho khách hàng $30/sp. Trong năm X1 công ty đã bán 525,000 sp.
Yêu cầu: Giá trị khoản dự phòng cần trích lập theo IAS 37 đối với các sản phẩm bị trả lại cần bảo hành?
Đáp án
Số sản phẩm dự tính bị trả lại = 12% * 525,000 = 63,000 sản phẩm
Chi phí ước tính phát sinh liên quan đến các sản phẩm này như sau:
- Số sản phẩm có thể sửa chữa được: 63,000 × 5% * $5= $15,750
- Số sản phẩm không thể sửa chữa: 63,000 × 95% × 30 = $1,795,500
- Tổng chi phí ước tính cần lập dự phòng: $1,811,250
Có 1 câu hỏi đặt ra ở đây là: Khoản dự phòng được lập dựa trên ước tính hợp lý nhất tại thời điểm trích lập. Vậy, sau đó nếu các thông tin sử dụng để đưa ra ước tính thay đổi, dẫn đến giá trị khoản dự phòng cần ghi nhận cũng thay đổi thì sao?
Câu trả lời là: Các khoản dự phòng phải được xem xét lại và điều chỉnh tại ngày kết thúc kỳ kế toán năm để phản ánh ước tính hợp lý nhất ở thời điểm hiện tại. Nếu doanh nghiệp chắc chắn không phải chịu sự giảm sút về lợi ích kinh tế do không phải chi trả nghĩa vụ nợ thì khoản dự phòng đó phải được hoàn nhập.
4. Một số tình huống đặc biệt về việc trích lập dự phòng | IAS 37 – P.63 ~ P.83
Giờ chúng ta hãy chuyển sang xem xét 3 trường hợp cụ thể của việc trích lập dự phòng được quy định tại IAS 37. Bao gồm:
(1) Các khoản lỗ hoạt động trong tương lai “Future operating loss”
1 công ty có thể dự đoán rằng trong hoạt động trong các năm tiếp theo sẽ phát sinh lỗ. Khi đó, công ty sẽ không được ghi nhận dự phòng cho các khoản lỗ này.
Lý do:
Bởi vì đây là sự kiện trong tương lai, và tron tương lai công ty hoàn toàn có thể đưa ra các hànhd dộng để tránh khoỉ các khoản lỗ này. không có sự kiện nào trong quá khứ khiến công ty phải bỏ ra các nguồn lực để thanh toán cả. Do vậy, các khoản lỗ hoạt động trong tương lai này không thoả mãn tiêu chuẩn của “nợ phải trả” cũng như tiêu chuẩn ghi nhận đầu tiên của khoản dự phòng.
Ví dụ như COVID-19 này khiến nhiều công ty có thể phát sinh lỗ. Nhưng ta sẽ không được lập dự phòng cho khoản lỗ trong tương lai này. Thay vào đó, có thể sẽ phải xem xét lại đánh giá về dòng tiền trong tương lai; khả năng thanh khoản, hoạt động liên tục của doanh nghiệp; khả năng thực hiện các hợp đồng kinh tế….
(2) Các hợp đồng có rủi ro lớn “Onerous contracts“
Đây là các hợp đồng mà các chi phí không thể tránh được khi thực hiện nghĩa vụ của hợp đồng > các lợi ích mà hợp đồng đó mang lại.
Trong đó:
Chi phí không thể tránh được để thực hiện nghĩa vụ hợp đồng sẽ là chi phí thấp hơn giữa “chi phí để thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng” và “chi phí bị phạt khi không thực hiện”.
Vì hợp đồng này sẽ làm phát sinh nghĩa vụ pháp lý từ sự kiện trong quá khứ nên công ty sẽ phải ghi nhận khoản dự phòng cho nghĩa vụ hiện tại của hợp đồng này.
(3) Tái cấu trúc “Restructuring”
Tái cấu trúc là chương trình được lập kế hoạch và kiểm soát bởi ban quản lý và thay đổi trọng yếu 1 trong 2 vấn đề: phạm vi hoặc cách thức tổ chức hoạt động.
Ví dụ như: công ty bán hoặc chấm dứt hoạt động của 1 lĩnh vực, 1 ngành hoạt động; đóng cửa 1 địa điểm kinh doanh hoặc chuyển địa điểm từ khu vực này sang khu vực khác; thay đổi cấu trúc quản trị hoặc các thay đổi căn bản khác làm ảnh hưởng trọng yếu đến bản chất, chức năng hoạt động của doanh nghiệp.
Với trường hợp tái cấu trúc, sẽ phải xem xét cụ thể từng tình huống xem có thoả mãn 3 tiêu chuẩn ghi nhận khoản dự phòng không thì mới đưa ra được kết luận là có cần lập dự phòng hay không.
Về cơ bản thì căn cứ xem xét việc có cần lập dự phòng hay không sẽ cần xem xét việc tái cấu trúc có hình thành nghĩa vụ hiện tại tại thời điểm cuối năm tài chính không?
Để được coi là đã hình thành nghĩa vụ tại thời điểm cuối năm thì: Doanh nghiệp cần có kế hoạch chi tiết, cụ thể của việc tái cấu trúc và tạo ra kỳ vọng về việc thực hiện nghĩa vụ này cho các đối tượng liên quan như khách hàng, nhân viên bằng cách bắt đầu thực hiện kế hoạch hoặc thông báo nội dung chính cho các đối tượng liên quan.
Và giá trị dự phòng cần trích lập nếu có, sẽ chỉ bao gồm các chi phí liên quan trực tiếp phát sinh từ việc tái cấu trúc.
Dự phòng tái cấu trúc sẽ không bao gồm các chi phí như: đào tạo lại hoặc chuyển địa điểm cho các nhân viên tiếp tục làm; hoặc marketing và các khoản đầu tư vào mạng lưới phân phối và hệ thống mới. Lý do vì các chi phí này là phục vụ cho hoạt động trong tương lai của doanh nghiệp, chứ k phải nghĩa vụ nợ phải trả do tái cấu trúc tại thời điểm kết thúc kỳ báo cáo.
Cùng đi xem ví dụ sau để hiểu rõ hơn nhé.
Tình huống 4.
Công ty có kỳ báo cáo kết thúc vào 30.9.X4 và đã xác định được các khoản nợ phải trả tiềm tàng. Khoản mục nào trong số các khoản nợ phải trả tiềm tàng sau đây nên được ghi nhận là nợ phải trả tại ngày 30.9.X4?
- [1] Công ty ký kết 1 hợp đồng không huỷ ngang vào T9.X4 để cung cấp hàng hoá trong năm tiếp theo, mà do lỗi viề giá, công ty sẽ phát sinh 1 khoản lỗ. => Đây chính là trường hợp hợp đồng có rủi ro => Cần lập dự phòng và ghi nhận khoản nợ phải trả
- [2] Chi phí tái tổ chức lại được đã ban quản trị phê duyệt vào T8.X4 nhưng chưa được thực hiện, và thông tin cho các bên liên quan hay thông báo rộng rãi. Do chưa được thông tin ra bên ngoài tại thời điểm cuối năm tài chính nên được coi là chưa hình thành nghĩa vụ ngầm định => Không cần lập dự phòng & ghi nhận nợ phải trả
- [3] 1 khoản thuế thu nhập hoãn lại liên quan đến lãi do đánh giá giá trị bđs trong năm. Công ty không có ý định bán bất động sản này trong tương lai gần. Khi tài sản được đánh giá tăng, cơ sở kế toán của tài sản tăng lên trong khi cơ sở thuế của tài sản không đổi. Do vậy, lợi ích tài sản thu được từ việc sử dụng tài sản trong tương lai => chi phí được khấu trừ cho mục đích thuế => phát sinh thu nhập tạm thời chịu thuế => cần ghi nhận khoản NPT thuế TNHL
- [4] Số dư liên quan đến khoản dự phòng bảo hành các sản phẩm mà không còn khiếu nại tồn đọng và bảo hành của các sản phẩm này đã hết hạn vào 30.9.X4. Không còn phát sinh nghĩa vụ thanh toán từ nghĩa vụ bảo hành này nữa => không cần lập dự phòng và ghi nhận nợ phải trả tại 30.9.X4 => Sai
Như vậy [1] và [3] là đáp án đúng.
Tình huống 5.
Công ty đã quyết định tái cấu trúc 1 cơ sở sản xuất trong suốt T11.20X1 và đã thuê 1 bên kỹ sư tư vấn để thực hiện nghiên cứu tính khả thi của việc này. 1 khoản dự phòng đã được lập cho việc tái cấu trúc này tại 31..12.X1. Các chức năng của nhân viên sẽ thay đổi theo việc tái cấu trúc. Vì thế trong T12.20X1 công ty đã thuê 1 công ty đào tạo để tái đào tạo cho nhân viên vào T1.X2. 1 Khoản dự phòng cũng được lập cho chi phí đào tạo này tại 31.12.X1. Kế toán công ty đang lập BCTC cho năm 31.12.X1 và không chắc về việc lập dự phòng cho việc tái cấu trúc lại địa điểm và đào tạo nhân viên.
Yêu cầu: Khoản mục chi phí nào là khoản dự phòng đúng theo IAS 37?
Đáp án:
Với chi phí tái cấu trúc, vì mới chỉ là nghiên cứu tính khả thi chứ ban quản trị còn chưa quyết định cũng như chưa có kế hoạch thực hiện. Do vậy không hình thành nghĩa vụ hiện tại cho công ty. Và do đó, không cần lập dự phòng.
Còn với chi phí đào tạo nhân viên, như đã đề cập việc đào tạo nhân viên là phục vụ cho hoạt động sau tái cấu trúc trong tương lai, chứ không phải nghĩa vụ nợ phải trả do tái cấu trúc của doanh nghiệp tại thời điểm kết thúc kỳ báo cáo. Do đó, không được tính vào dự phòng cho việc tái cấu trúc, ngay cả khi việc tái cấu trúc đủ điều kiện đáp ứng việc lập dự phòng.
Phần 2. Nợ tiềm tàng và Tài sản tiềm tàng | IAS 37 – P.27 ~ P.35
Chúng ta hãy chuyển sang nội dung cuối cùng của IAS 37. Đó là về nợ tiềm tàng và tài sản tiềm tàng.
Để mô tả về điểm chung của 2 khoản mục này thì theo mình sẽ là từ “Possible” – tạm dịch là có thể, tức là khả năng phát sinh từ 50% trở xuống.
Và chính vì chỉ là “có thể” mà không phải là “probable” nên các khoản mục này sẽ không được ghi nhận vào sổ sách kế toán, mà chỉ cần thuyết minh trên BCTC tuỳ theo tình huống.
1. Nợ phải trả tiềm tàng
Được định nghĩa là:
- Các nghĩa vụ có thể phát sinh từ các sự kiện trong quá khứ, mà sự tồn tại của chúng sẽ chỉ được xác nhận bởi sự phát sinh của 1 hoặc nhiều sự kiện không chắc chắn, ngoài tầm kiểm soát của doanh nghiệp. Hoặc:
- Nghĩa vụ hiện tại phát sinh từ sự kiện trong quá khứ nhưng không đủ điều kiện ghi nhận là khoản dự phòng
Như đã nói, các khoản nợ tiềm tàng không được ghi nhận trên BCTC, nhưng bởi vì nguyên tắc thận trọng nên ta sẽ phải thuyết minh về khoản mục này, trừ khi khả năng phát sinh dòng tiền ra là rất nhỏ.
Như vậy, ta thấy sẽ có sự tương đồng nhất định giữa nợ phải trả tiềm tàng & các khoản dự phòng. Và điều này có thể sẽ khiến nhiều bạn thấy bối rối khi phân biệt giữa 2 khoản mục này. Các bạn có thể tham khảo sơ đồ sau nhé:
2. Còn tài sản tiềm tàng
Được định nghĩa là:
Tài sản có thể phát sinh từ sự kiện trong quá khứ mà sự tồn tại của chúng sẽ chỉ được xác nhận bởi sự phát sinh của 1 hoặc nhiều sự kiện không chắc chắn, ngoài tầm kiểm soát của doanh nghiệp.
Hơi ngược 1 chút với nợ tiềm tàng, với khoản mục tài sản tiềm tàng, do nguyên tắc thận trọng nên ta sẽ chỉ thuyết minh về khoản mục này trên BCTC khi lợi ích thu được là khá chắc chắn – “probable”.
Bởi vì các khoản mục nợ phải trả tiềm tàng và tài sản tiềm tàng đều có thể phát triển theo hướng khác với đánh giá tại thời điểm ghi nhận ban đầu. Do vậy, cần được định kỳ xem xét, đánh giá lại để đảm bảo việc ghi nhận hoặc thuyết minh trên BCTC được phù hợp.
Thì đó là những điểm cơ bản chúng ta cần chú ý về IAS 37 nha. Tất nhiên để áp dụng trong thực tế thì có thể ta sẽ phải xem xét chi tiết hơn nữa. Hy vọng bài viết đã giúp ích cho các bạn. Các bạn có thể tham khảo thêm ở Video bài giảng sau nha:
Có thể bạn quan tâm: IAS 16 Property, Plant & Equipment – Bất động sản, Nhà xưởng & thiết bị